11/05/2014
Khảo sát sự biến động giá cả của 3 mặt hàng khác nhau trên thị trường và giải pháp áp dụng bình ổn giá - Bài tập nhóm Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin - 8 điểm
Đề tài: Hãy khảo sát sự biến động giá cả của 3 mặt hàng khác nhau trên thị trường, từ đó làm rõ nguyên nhân và một số giải pháp mà nhà nước đã áp dụng nhằm bình ổn giá.

LỜI NÓI ĐẦU

Theo khoản 1, điều 15, Hiến pháp năm 1992 viết: “Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhưng với nền kinh tế thị trường khi đang rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay đã tác động không nhỏ đến sự biến động giá cả của nhiều mặt hàng, làm cho giá cả các mặt hàng có sự tăng lên và giảm đi bất bình thường gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước nhà. Vì vậy, nhằm giữ vững được nền kinh tế độc lập, tự chủ thì Nhà nước ta cần đề ra những biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên? Liệu những giải pháp này đã thực sự là những biện pháp an toàn nhằm đáp ứng đúng nguyện vọng của người tiêu dùng? Và có phải tất cả các hàng hóa trên thị trường đều được Nhà nước thực hiện chính sách điều tiết giá cả nhằm bình ổn giá?…Giải quyết được một số thắc mắc trên sẽ bộc lộ rõ những mặt ưu và khuyết điểm trong công tác xây dựng nền kinh tế của nước ta.

CHƯƠNG 1: 

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về các nhân tố chi phối tới giá cả

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta khi ra “chợ” ai đó đã từng phải thốt lên rằng: “Trời! Sao hàng này đắt thế!” hay “Eo! Nhìn xem hàng này rẻ chưa kìa!”. Những từ như “Đắt” hay “Rẻ” đều là chỉ mức độ phản ánh giá cả của hàng hóa. Vậy tại sao giá cả của hàng hóa lại có sự chênh lệch như vậy? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy? Và nếu một mặt hàng mà cứ tăng liên tục hoặc giảm liên tục trong nhiều tháng liền thì có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thị trường nước ta?

Để giải quyết những thắc mắc đã nêu, đầu tiên ta cần hiểu khái niệm “hàng hóa” và khái niệm “giá cả” là gì?

Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán.

“Giá cả là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, là kết quả của sự thỏa thuận giữa người mua và người bán hàng hóa trên thị trường". Và có rất nhiều yếu tố tác động đến giá cả của một mặt hàng.

1.Quy luật giá trị

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế căn bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa, ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hóa thì ở đó có sự tồn tại và phát huy tác dụng của quy luật giá trị.

Sự vận động của quy luật giá trị thông qua sự vận động của giá cả. Vì giá trị là cơ sở của giá cả, còn giá cả là sự biểu hiện bằng tiền của gía trị, nên trước hết giá cả phụ thuộc vào giá trị. Điều này có nghĩa là, trên thị trường, nếu hàng hóa nào có nhiều giá trị thì giá cả của nó sẽ cao và ngược lại.

Khi nói đến đây, ta đã giải quyết được một phần của câu hỏi là tại sao giá cả lại sự chênh lệch như vậy, hay chính là giải thích một phần lí do tại sao giá trị hàng hóa lại có tên gọi “đắt” hay “rẻ”. Nhưng giá cả của hàng hóa lại không phụ thuộc vào một yếu tố đó. Sự biến động của gái cả còn chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác, những nhân tố này không chỉ chi phối đến sản xuất hàng hóa mà còn tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa, có thể gọi đây là những nguyên nhân chính gây ra sự biến động giá cả của hàng hóa.

2. Những nhân tố khác tác động đến giá cả của hàng hóa

a. Quy luật cung cầu

Cung - cầu có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau và quy luật này cũng có ảnh hưởng tới giá cả:

Nếu cung > cầu trên phạm vi tổng thể hàng hóa và từng loại hàng hóa thì giá cả có xu hướng giảm, sức mua của tiền tệ tăng, nhu cầu có khả năng thanh toán được mở rộng.

Nếu cung < cầu thì tất yếu nảy sinh khuynh hướng tăng lên của giá cả, cung của hàng hóa nói chung và của từng loại hàng hóa cụ thể quá nhỏ so với nhu cầu, đã làm cho giá cả của từng loại hàng hóa tăng nhanh. Cứ như thế giá cả của hàng hóa tăng vọt, tiền tệ mất giá nghiêm trọng và rất có thể dẫn tới sự rối loạn trong quá trình tái sản xuất.

b. Quy luật cạnh tranh

Bên cạnh quan hệ cung cầu, thì cạnh tranh cũng là nhân tố gây ảnh hưởng tới giá cả. Cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

Cạnh tranh có tác động trực tiếp tới giá cả hàng hóa, dịch vụ. Cạnh tranh làm cho giá cả hạ xuống một cách tương đối, trong khi giá cả hàng hóa có xu hướng tăng lên . Cạnh tranh xuất hiện và tồn tại khách quan trong quá trình hình thành, phát triển của sản xuất hàng hóa và trở thành đặc trưng cơ bản của cơ chế thị trường. Cạnh tranh diễn ra với một quy mô rộng, đó là, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về sản phẩm, chất lượng dịch vụ, trình độ ứng dụng công nghệ; sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về cung cấp sản phẩm. Chính vì vậy, mặt tích cực của cạnh tranh là thúc đẩy sản xuất phát triển, buộc người sản xuất thay đổi phương thức làm việc, biết áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, kĩ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đây chính là cạnh tranh lành mạnh, ở đâu thiếu cạnh tranh, hoặc có biểu hiện của độc quyền thì ở đó thường bảo thủ, trì trệ, kém phát triển.

c. Sức mua của đồng tiền

Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền, hay có thể được hiểu là việc giá cả các hàng hóa tăng lên so với mức giá thời điểm trước. Ảnh hưởng của lạm phát dẫn đến giá trị của đồng tiền bị sụt giảm, nghĩa là giá trị của hàng hóa và dịch vụ tăng lên, cùng với một số lượng tiền nhưng người tiêu dùng sẽ mua được ít hàng hóa hơn trước. Ảnh hưởng đó còn đẫn đến các hoạt động kinh tế bất ổn, làm cho tâm lí người tiêu dùng hoang mang, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát:

Một là, “khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đấy tăng lên, kéo theo giá cả của các mặt hàng khác cũng theo đó leo thang, dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng”.

Hai là, “khi xuất khẩu tăng, dẫn tới tổng cầu tăng cao hơn tổng cung, khi đó lượng hàng tu gom cho xuất khẩu khiến lượng hàng cung cho thị trường trong nước giảm khiến tổng cung trong nước thấp hơn lượng cầu. Khi tổng cung và tổng cầu mắt cân bằng sẽ nảy sinh ra lạm phát”.

Ba là, “khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng thì giá bán sản phẩm đó trong nước phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát”.

CHƯƠNG 2:

Sự biến động giá cả của 3 mặt hàng: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp bình ổn giá mà nhà nước áp dụng

Qua phân tích ở trên ta thấy sự biến động giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để làm cụ thể và tường minh hơn sự ảnh hưởng của chúng tác động như thế nào giá cả hàng hóa trên thị trường, ta sẽ xét chúng qua ba mặt hàng cụ thể: sữa, gạo, xăng được xét riêng trong năm 2012 . Từ ba mặt hàng này, nhà nước đã có những biện pháp gì nhằm bình ổn giá của chúng trên thị trường.

I. Thực trạng, nguyên nhân của sự biến động giá cả 3 mặt hàng

1. Mặt hàng sữa

a. Thực trạng

Theo tổ điều hành thị trường, sau đợt tăng giá sữa tháng 4/2012 thì giá sữa trong nước vẫn tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, trong tháng 9/2012 một số hãng sữa lại thông báo kế hoạch tăng giá tháng 10/2012. Ngày 1/10/2012, giá 4 mặt hàng sữa của công ty Friends land Campina Việt Nam tăng 3,8% - 5%. Cụ thể, hai loại sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít tăng từ 23300 đồng/vỉ lên 24200 đồng/vỉ; Ovaltine hũ 400g tăng từ 48500 đồng lên mức 51000 đồng. Còn giá sữa bột Gain IQ tăng từ 126500 đồng/1hộp lên 136700 đồng/1 hộp 400g, Similac Gain IQ loại 400g tăng từ 229500 đồng/1 hộp lên 252400 đồng/ 1 hộp, Grow Vanilla loại 400g tăng từ 121000 đồng/ 1 hộp lên 133000 đồng/ 1 hộp,…

Nhìn chung, thị trường sữa Việt Nam trong năm 2012 biến động “nhạy cảm” không ngừng với thị trường thế giới. Thế nhưng cũng giống như giá xăng, giá sữa nói “không” với chuyện giảm giá và vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2012 mặc dù sữa nguyên liệu trên thế giới đồng loạt giảm rất mạnh từ 1288USD/tấn xuống 750USD/tấn so với cùng kì năm 2011. Thế nhưng hầu hết không có doanh nghiệp nào điều chỉnh giá sữa giảm xuống trên thị trường, mà còn có 3 doanh nghiệp tăng giá bán sữa trên thị trường dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với mức tăng từ 9% - 15%. Nếu so sánh giá sữa từ đầu năm đến cuối năm, giá sữa tăng từ 15% - 25% tùy từng loại. Cụ thể sữa tươi Cô gái Hà Lan loại 180ml tăng từ 22500 đồng/ 1vỉ lên 24000 đồng/ 1 vỉ, sữa bột Dielac AlphaStep 2 loại 400g giá tăng lên 86000 đồng/ 1 hộp sắt,….không chỉ vậy sữa nhập khẩu giá từ 4-5USD/1 hộp ( tương đương 80000 đồng – 100000 đồng/ 1 hộp) mà giá bán lẻ lên mức 400000 đồng- 900000 đồng / 1 hộp tăng gấp 4-5 lần so với giá nhập khẩu…

Nhìn vào con số liên tục tăng về giá sữa như vậy, để thấy đây là tình trạng đáng báo động. Thứ nhất, nếu tình hình này cứ tiếp diễn sẽ ảnh hưởng tâm lí người tiêu dùng, một khi họ không còn đủ điều kiện kinh tế thì họ sẽ hạn chế thậm chí không mua nếu nó quá cao. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến nhà sản xuất, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu và cắt giảm nhân công… dẫn đến tình trạng một số công nhân bị thất nghiệp…Thậm chí tình trạng này kéo dài sẽ gây ra tình trạng lạm phát ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội.

b. Nguyên nhân

Một là, để cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất sữa khác, các doanh nghiệp phải đầu tư vào các khâu sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, cải thiện nguyên, nhiên vật liệu, cải tiến các thiết bị máy móc….Đồng thời, do chi phí đầu vào tăng như: giá xăng, chi phí vận chuyển tăng, thuế cao…cũng ảnh hưởng tới giá sữa.

Hai là, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất sữa của nước ta chỉ chiếm 20%. Vì vậy, 80% còn lại ta phải nhập khẩu nên giá sữa trong nước rất cao. Mặt khác, giá sữa nhập khẩu tăng cao khiến cho các loại sữa nội địa cũng tăng giá theo.

Ba là, do tâm lí người tiêu dùng và các bà mẹ luôn muốn chọn sản phẩm sữa tốt nhất cho con mình. Vì vậy, đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sữa tăng cường quảng bá chất lượng sản phẩm, thậm chí, còn “thay tên đổi họ”  để nhằm mục đích tăng giá.

Bốn là, nhiều mặt hàng sữa liên tục “thay tên đổi họ”, chủng loại mẫu mã đa dạng khiến cho các cơ quan quản lí không thể kiểm soát nổi, đến mức mệt mỏi buông xuôi để mặc cho giá sữa tăng cao mà không có biện pháp kìm hãm.

2. Mặt hàng gạo

a. Thực trạng

Về tình hình thị trường gạo trong nước, năm 2012 được đánh đấu là năm thắng lợi về cả sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và những bất lợi về khí hậu, thời tiết trong sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa cả nước tiếp tục tăng khoảng 1,64 triệu tấn so với 2011, ước tính đạt 43,97 triệu tấn và xuất khẩu đạt hơn 7,7 triệu tấn gạo các loại.

Thị trường lúa gạo nội địa trong năm 2012 nhìn chung khá ổn định. Ba tháng đầu năm, tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, giá lúa gạo tẻ thường liên tiếp giảm và giảm sâu nhất vào tháng 2/2012, đặc biệt là giống lúa có phẩm cấp thấp IR50404 (giá xuống mức 5000 đồng/ 1kg), trên thị trường chủ yếu là giao dịch gạo thơm gạo chất lượng cao. Sau khi thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá gạo vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã được cải thiện, dần nhích lên và dao động ổn định quanh mức giá 5300 – 5500 đồng/ kg (lúa tẻ thường) và 6800 – 8550 đồng/kg (gạo tẻ thường).

Đến quý I/2012, giá lúa gạo tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục có biến động tăng giảm ở biên độ hẹp trong xu hướng giảm. Giá lúa gạo có dấu hiệu nhích lên và giữ ở mức tương đối ổn định trong nửa cuối tháng 10/2012 do được hỗ trợ từ nhu cầu theo các đơn hàng đã đã đăng kí xuất khẩu, giá lúa gạo dao động quanh mức 5450 -5700 đồng/ kg (lúa tẻ thường) và mức giá 7300 - 8750 đồng/kg (gạo tẻ thường).

Từ giữa tháng 11/2012 đến nay, giá lúa gạo trong nước không tăng, thậm chí, cồn giảm mạnh tại một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long do nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tương đối thấp, giá lúa gạo tại các tỉnh phía Nam phổ biến ở mức 5350 – 5800 đồng/kg (lúa tẻ thường), giảm 8,6% so với cùng kì năm trước và mức giá 7400 – 8200 đồng/kg (gạo tẻ thường) so với cùng kì năm trước giảm 16,5%. Tại các tỉnh phía Bắc, giá lúa gạo ít bị chịu ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu, nguồn cung và cầu được cân đối nên giá cả ít bị biến động.

Xét trong cả năm 2012, cung cầu lúa gạo trong nước luôn được đảm bảo ở mức như sau: sản xuất cả năm ước đạt 43,97 triệu tấn lúa, tăng khoảng 1,9 triệu so với năm 2011; nhu cầu tiêu dùng nội địa đạt 27,4 triệu tấn (bao gồm cả để giống, để ăn, hao hụt, và làm thức ăn chăn nuôi);sau khi cân đối sản xuất và tiêu dùng, còn dư ra để xuất khẩu khoảng 8 – 8,2 triệu tấn gạo; tính đến 20/12/2012, tồn kho cả nước khoảng 0,95 triệu tấn gạo, chưa kể lượng tồn kho trong dân

Từ những con số thực tế cho thấy, mặc dù nước ta là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng lượng lợi nhuận thu về từ lúa gạo cũng không thể đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Những con số về giá cả biến động thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí người dân. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục tiếp diễn sẽ khiến cho những người nông dân không còn muốn bám nghề nữa mà chuyển sang hình thức sản xuất mới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thị trường, mất cân bằng sản xuất,…

b. Nguyên nhân

Sự biến động giá gạo trên thị trường nước ta trong thời gian qua xuất phát tù nhiều nguyên nhân khác nhau:

Do quan hệ cung - cầu mất cân đối: diễn biến thất thường của thời tiết là một yếu tố tạo nên sự mất cân bằng này.

Thứ nhất, hoạt động sản xuất bị chi phối trực tiếp bởi thiên tai,nhất là hạn hán và lũ lụt. Diện tích đất khô hạn với ước tính đã lên đến trên 100.000 ha. Hơn nữa, vì lo ngại trước những thiệt hại do thiên tai gây ra,dẫn đến xu hướng thu mua,tích trữ gạo dẫn đến biến động giá gạo,tăng bất thường trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của nước ta những năm gần đây ngày càng bị thu hẹp. Tỉ lệ mất đất nông nghệp lên đến 0,4%,diện tích đất trồng lúa chiếm 4 triệu ha trên tổng số hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp nhưng ngày càng bị thu hẹp với tỷ lệ rất cao 1%/năm.

Tiếp theo, trong khi, các quốc gia xuất khẩu lương thực đứng đầu thế giới (Ấn Độ, Thái Lan...) vì nhiều nguyên nhân khách quan như thiên tai,mất mùa, nội chiến...cũng tự động hạn chế xuất khẩu gạo ra nước ngoài để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Mà hiện nay nhu cầu lương thực từ các nước không sản xuất được lương thực cũng như thiếu lương thực đang ở mức rất cao. Điển hình là Singapo, Philippin, Apganistan, Côngo, Angola...

Thứ tư, lương thực sản xuất ra trước hết phải đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước rồi phần dư mới dành để xuất khẩu. Việc gạo Việt Nam bị bán tràn lan sang Trung Quốc gây nguy cơ cho tình trạng mất ổn định lương khố quốc gia, làm cho giá cả gạo thị trường Việt Nam biến động liên tục.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác nữa khiến cho quan hệ cung – cầu mất cân đối lớn. Nguyên nhân đó xuất phát ngay từ đầu và đầu ra của gạo. Trước và trong khi gieo trồng, để đảm bảo sản phẩm có năng suất cao cũng có những tính năng ưu việt chống chịu thiên tai,sâu bệnh,người nông dân cần phải chọn giống, phân bón, lo dẫn nước tưới tiêu,...Tiền vốn bỏ ra mua giống mới, phân bón tốt,...đương nhiên không hề nhỏ, hơn nữa những mặt hàng này gần đây thường xuyên tăng giá. Như vậy, giá gạo ngay từ khi chưa thu hoạch đã được dự tính sẽ có sự biến động. Tiếp đó, đến khi thu hoạch, các doanh nghiệp thu mua gạo không trực tiếp thu mua từ người nông dân mà thông qua trung gian, các thương lái đẩy giá gạo một lần nữa tăng thêm. Đầu ra của giá gạo cũng vô cùng bấp bênh dựa theo nhu cầu của thị trường. Nếu năm đó được mùa thì gạo mất giá,nếu mất mùa thì giá cả tăng vọt.

Do ảnh hưởng của quy luật cạnh tranh: Trong nội bộ ngành, một số cá nhân, tổ chức vì lợi ích riêng cố tình tung tin đồn gây tam lí hoang mang cho người dân, làm xáo trộn thị trường. Các doanh nghiệp thu mua tranh nhau đầu cơ tích trữ gạo, đợi thời điểm giá gạo tăng cao bán ra nhằm thu lợi nhuận đã góp phần làm rối loạn thị trường.

Ảnh hưởng từ sức mua của đồng tiền: chỉ số giá tiêu dung CPI nhiều biến động làm các mặt hàng tăng giá kéo theo sự tăng giá của giá gạo. Ảnh hưởng của các mặt hàng như: xăng, dầu, giá năng lượng,... tăng cao dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng vì vậy giá nông sản cũng phải tăng theo nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân.

3. Mặt hàng xăng

Như đã thấy ở trên, hầu như trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của hai mặt hàng trên đều có ảnh hưởng của việc giá xăng tăng. Vì vậy, xăng là một mặt hàng vô cùng quan trọng, sự biến động giá cả của nó đã kéo theo sự leo thang giá cả của nhiều mặt hàng khác. Và với một mặt hàng được nhà nước quyền như thế này, thì thực trạng hiện nay giá cả của nó biến đông như thế nào? và những nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng như vậy?

a. Thực trạng

Trong năm 2012 vừa qua, giá xăng đã thay đổi tổng cộng 12 lần, trong đó có 6 lần tăng và 6 lần giảm. Tổng mức xăng tăng giá là 6.050 đồng/ lit, trong khi chỉ giảm được 3.700 đồng/lit. Như vậy, tính tổng lại cả năm, giá xăng tăng 2.350 đồng/ lít. Ví dụ trên cho thấy chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân không nhừng tiếp nhận những biến đổi trong vấn đề giá cả xăng dầu.

Không chỉ vậy, “Tháng 12/2012, lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng là 613 nghìn  tấn, giảm 31,8%, trị giá là 525 triệu USD, giảm 30,2% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 12/2012, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 9,28 triệu tấn, tăng 12,7% và trị giá đạt 8,23 tỷ USD, tăng 13,6% (tương đương tăng 987 triệu USD) so với năm 2011.  Các đối tác chính nhập khẩu dầu thô trong năm 2012 là Nhật Bản với 2,76 triệu tấn, tăng 51,9%; Ôxtrâylia:1,81 triệu tấn, tăng 26,3%; Trung Quốc: 1,13 triệu tấn, giảm 9,8%…”

Cùng với đó “tháng 12/2012, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 562 nghìn tấn, giảm 20,2% so với tháng trước, trị giá là 536 triệu USD, giảm 20,9%. Tính đến hết năm 2012, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là  9,2 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2011 với trị giá gần 8,96 tỷ USD, giảm 9,3%.Trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 3,78 triệu tấn, giảm 14%; Đài Loan: 1,29 triệu tấn, giảm 7,4%; Trung Quốc: 1,25 triệu tấn, giảm 5,3%; Hàn Quốc: 933 nghìn tấn, giảm 16,8%; Cô oét: hơn 705 nghìn tấn, giảm 11,3%;… so với năm 2011”5.

Qua những con số trên ta thấy tình hình xăng dầu thường có xu hướng tăng giá. Điều này ảnh hưởng đến giá cả của các hàng hóa khác trong thị trường nội địa bởi chi phí vận chuyển tăng lên, gây ra tâm lí cho người tiêu dùng, giảm sức mua, đối với nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm chi tiêu,... Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây ra lạm phát, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường,…

b. Nguyên nhân

Thứ nhất, mặc dù nước ta có trữ lượng dầu thô lớn nhưng chưa có đủ trình độ khoa học kĩ thuật để biến lượng dầu thô đó thành xăng. Vì vậy, ta phải nhập khẩu xăng dầu mỗi năm, do đó giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá xăng thế giới.

Thứ hai, phải kể đến chính sách nhà nước, nhà nước đã không tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phát huy tính năng động, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh.

Tiếp theo, phải kể đến đó là hiện nay trên thị trường xăng được bán dưới dạng phân phối về các cơ sở nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng các cơ quan có thẩm quyền khó mà xác định xem liệu các cơ sở đó có gian lận về giá cả hay không,….

***

Với sự tăng giá của nhiều mặt hàng trong nhiều tháng liền như vậy, chắc chắn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, người tiêu dùng dè trừng mỗi khi đi mua hàng hóa, những người ở vùng sâu vùng xa thì càng không có cơ hội tiếp cận với nhiều mặt hàng đa dạng bởi điều kiện kinh tế còn quá thiếu thốn, sản xuất hàng hóa trong nước thì trì trệ, kém phát triển… Để khắc phục tình trạng này, nhà nước đã đề ra những giải pháp nhằm hạn chế sự phát sinh giá cả của từng loại hàng hóa, nhưng liệu đây đã phải là những biện pháp tối ưu nhất chưa, hãy cùng xem xét thông qua những giải pháp mà nhà nước áp dụng nhằm bình ổn giá qua ba loại hàng hóa trên: sữa, gạo, xăng.

II. Giải pháp mà nhà nước áp dụng nhằm bình ổn giá

Ta cần hiểu “Bình ổn giá” là gì? Căn cứ điều 5 Pháp lệnh Giá số 40 quy định:“Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển.”

Mục đích của việc bình ổn giá chính là viêc giảm lạm phát, giúp những người dân nghèo có thể tiếp cận được nhiều hàng hóa trên thị trường, giúp người dân an tâm hơn khi mua hàng, đồng thời điều này sẽ làm cho nền kinh tế thị trường dần đi vào ổn định,…

1. Đối với mặt hàng sữa

Đầu tiên,nhà nước quản lý, kiểm soát lưu thông mặt hàng sữa trên thị trường bằng cách: Khuyến khích lưu thông và cung ứng các mặt hàng sữa, tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa chủng loại các mặt hàng về sữa trên thị trường, có cơ cấu phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; khuyến khích sữa sản xuất trong nước thay thế sữa nhập khẩu; cấm các hành vi cản trở lưu thông sữa trên thị trường; quản lý chất lượng sữa trên thị trường trong nước và xuất nhập khẩu.

Thứ hai, quản lý của nhà nước đối với thương nhân và các giao dịch thương mại liên quan tới mặt hàng sữa tập trung chủ yếu vào các nội dung sau: Quy định các điều kiện, thủ tục đăng ký, điều kiện kinh doanh và phạm vi hoạt động của thương nhân, điều chỉnh các hành vi thương mại và quy định những nguyên tắc, chuẩn mực trong hoạt động thương mại; đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của các thương nhân trong hoạt động thương mại; nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh gây tổn hại đến lợi ích quốc gia; định hướng, tạo khuôn khổ và hành lang cho các hoạt động thương mại của các thương nhân; thực hiện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và chấp hành pháp luật về mặt hàng sữa ,về thương mại. Hạn chế và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.

Tiếp theo, kiểm tra việc chấp hành các chế độ quy định và pháp luật về mặt hàng sữa. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm chế độ quy định và pháp luật liên quan đến mặt hàng sữa.

Mặt tích cực trong giải pháp này đó là giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất đã có sự tương tác. Mặt hàng được bình ổn thì người dân sẽ tiêu thụ nhiều hơn, buộc các nhà sản xuất phải tăng cường tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Thứ hai, việc quản lí chặt chẽ giúp đảm bảo được lượng hàng sản phẩm chất lượng tốt, cạnh tranh lành mạnh tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới... Nhưng trên thực tế, dường như chính sách này lại chưa được áp dụng một cách triệt để, vẫn có những người dân ở vùng sâu sa chưa được tiếp cận với đa dạng chủng loại sữa, thậm chí các doanh nghiệp còn chưa có những dự án đẩy mạnh hoạt động trao đổi hàng hóa ở những vùng như vậy, tình trạng lạm phát có giảm nhưng không mạnh, nếu thị trường có biến động mạnh thì giá cả hàng 
hóa vẫn bị tăng giá.

2. Đối với mặt hàng gạo

Nhà nước hỗ trợ chi phí đầu vào. Nhà nước lựa chọn một số vật tư nông nghiệp chủ yếu quy định giá bán cho nông dân không lấy lãi, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh các loại vật tư này để các doanh nghiệp bán hàng cho nông dân theo giá thấp hơn giá thị trường. Khi giá thị trường lúa xuống thấp hơn giá sàn là nhà nước công bố và yêu cầu doanh nghiệp mua theo giá sàn định hướng với hỗ trợ 100% lãi suất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm đầu ra cho lúa gạo. Hiện nay trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo, cần thực hiện tốt việc liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để giúp nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư hợp lý để có lãi ngay cả khi giá lúa, gạo trên thị trường xuống thấp. Hiệp hội lương thực và các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường cho nông dân, giúp họ xem xét "mua gì, bán gì", ở đâu có lợi nhất... Về phía doanh nghiệp, cần sắp xếp hệ thống thu mua lúa của người sản xuất và đẩy nhanh tiến độ xây kho tạm trữ lúa để chế biến gạo xuất khẩu, tạm trữ cho đến khi xuất khẩu hết số lúa hàng hóa, không để xảy ra tình trạng mà người nông dân thường gặp là mất mùa được giá, còn được mùa thì rớt giá.

Với những giải pháp như vậy đã giúp cho người nông dân có niềm tin để tiếp tục sản xuất lúa gạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh thu mua trữ gạo. Đồng thời thắt chặt quản lí giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, phát triển kinh tế nâng cao năng lực, thế mạnh của đồng tiền; người tiêu dùng được đảm bảo về lợi ích kinh tế,... Bên cạnh những mặt tích cực, còn có những mặt hạn chế, đó là nhiều doanh nghiệp vẫn đầu cơ găm hàng đợi thời cơ để tăng giá bất hợp lí; thứ hai, việc sản xuất lúa gạo tập trung ở vùng đồng bằng Sông Cửu long nên giữa thị trường hai phía vẫn có sự chưa đồng nhất giá cả, hàng vẫn chưa có đủ số lượng lớn để có thể đến tận tay những dân tộc vùng sâu vùng sa. Thứ ba, giải pháp này vẫn chưa có sự đảm bảo chặt chẽ, do vậy mỗi khi thị trường có biến động thì giá cả vẫn bị biế động theo,…

3. Đối với mặt hàng xăng

Áp dụng biện pháp tài chính tiền tệ: điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, tăng thêm mức trích quỹ bình ổn giá,...

Về kiểm soát các doanh nghiệp độc quyền, Nghị quyết lần thứ 3 Ban CHTW Đảng khóa IX đã đưa ra giải pháp: “Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, cần quy định kiểm soát giá, điều tiết lợi nhuận và cần tổ chức một số doanh nghiệp nhà nước cùng cạnh tranh”.

Xây dựng cơ chế điều tiết đảm bảo ổn định thị trường, cân đối cung – cầu xăng dầu cho nền kinh tế….

Nhìn vào một số chính sách này dường như nhà nước vẫn chưa định hướng rõ ràng mục tiêu cần hướng tới. Vì vậy, lí giải tại sao xăng trong nước luôn có xu hướng tăng, lại cộng thêm việc giá xăng luôn bị ảnh hưởng của giá xăng thế giới. Điều này cho thấy dù nhà nước có cố gắng bình ổn các mặt hàng khác đến đâu mà không giải quyết triệt để được việc bình ổn giá xăng thì các mặt hàng đó vẫn cứ tăng giá khi giá xăng biến động. Điều này đang đi ngược lại với chính sách xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; bởi độc lập tự chủ thực chất là sự tự chủ không bị phụ thuộc vào nước khác.

KẾT BÀI

Qua những ví dụ vừa chỉ ra trên về ba mặt hàng cụ thể: mặt hàng sữa, mặt hàng gạo, mặt hàng xăng ta thấy sự biến động giá cả tác động rất lớn đến thị trường của một nước. Những chính sách mà nhà nước đưa ra nhằm bình ổn giá đã bộc lộ nhiều ưu điểm, nhưng bên cạnh đó vẫn còn thể hiện nhiều mặt hạn chế mà nhà nước chưa giải quyết được. Việc giải quyết nó cần phải có những chủ trương, đường lối rõ ràng, cụ thể, cần phải có sự nhất quán triệt để từ nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Những điều cần biết về lạm phát, www.res.vn/index.php/tri-thuc/kinh-te-hoc/2224-dieu-can-biet-ve-lam-phat, đăng ngày Chủ nhật ngày 26/8/2013, lúc 11:52
Tập thể tác giả, “Hỏi – Đáp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”, NXB ĐẠi học Quốc gia Hà Nội, năm 2011, tr.193
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2012, www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetials.aspx?ID=204&Category=Phân%20tích%20định%20kỳ&Group=Phân%20tích%20thống%20kê

Cảm ơn bạn Vũ Thanh Huyền đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment