28/02/2014
Bài tập học kỳ Luật Tài chính - Những điểm mới của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007
A. Mở đầu

Trải qua quá trình thực hiện pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao đã cho thấy những điểm bất cập so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Chính vì vậy, Quốc hội khóa XII, kì họp thứ 2 ngày 21 tháng 11 năm 2007 đã thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân thay cho Pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao. Nội dung của Luật thuế thu nhập cá nhân đã có những thay đổi cơ bản và có những điểm mới so với Pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao.

B. Những điểm mới của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao

1. Bổ sung và quy định rõ hơn về đối tượng nộp thuế.

Luật thuế thu nhập cá nhân xác định đối tượng nộp thuế dựa trên tiêu chí là cá nhân “cư trú”. Đây là một điểm mới và cũng là ưu điểm so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Bởi vì trước đây pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao dựa trên 3 tiêu chí đó là quốc tịch (“ công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác lao động ở nước ngoài có thu nhập”), lãnh thổ (“ người nước ngoài làm việc tại Việt Nam kể cả người nước ngoài không làm việc ở Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam”) và cư trú (“ cá nhân là người không mang quóc tịch Việt Nam nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam”) để xác định đối tượng nộp thuế. Chính điều này làm cho pháp luật về thuế thu nhập của nước ta có những sự khác biệt so với pháp luật các nước khác trên thế giới. Bởi vì một số nước trên thế giới dựa vào tiêu chí “cư trú” để xác định đối tượng nộp thuế. Vì vậy dễ xảy ra khả năng đánh thuế trùng giữa các quốc gia. Gây ra tâm lý e ngại của các nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Đối với đất nước ta, điều này là không có lợi. Khi xác định đối tượng nộp thuế dựa vào tiêu chí “cư trú”, thứ nhất nó tương đồng với pháp luật của các quốc gia trên thế giới, thứ hai là nó giúp cho việc thực hiện được đơn giản và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng là người cư trú trong luật thuế TNCN cũng có khác so với pháp lệnh. Luật thuế TNCN đã quy định mềm dẻo linh hoạt hơn khi quy định Cá nhân cư trú có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên tính trong  một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày có mặt tại Việt Nam. Nếu như theo pháp lệnh thì cư trú được xác định là có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính cho 12 tháng liên tục kể từ khi đến Việt Nam. Điều này sẽ gây ra một thực tế đó là có những cá nhân có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày, nhưng ở những tháng gián đoạn, không liên tục. Như vậy thì họ không được coi là cá nhân cư trú. Và pháp lệnh không thể bao quát hết những đối tượng như vậy. Với quy định mới của luật thuế TNCN, đã bao quát hơn đối tượng nộp thuế. Khắc phục được những hạn chế của pháp lệnh.

Nếu như pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao  điều chỉnh những cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, chuyển giao công nghệ,…còn những cá nhân khác có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản,…thì lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh. Mặc dù ở thời kì này, những hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản,… chưa thật sự phổ biến nhưng nó vẫn diễn ra. Nhưng theo quy định của pháp luật thì thu nhập phát sinh từ những hoạt động này không phải nộp thuế. Điều này đã làm cho ngân sách nhà nước mất đi một nguồn thu đáng kể. Đồng thời nó là sự không công bằng giữa các chủ thể khi có thu nhập phát sinh từ các nguồn khác nhau nhưng có chủ thể phải nộp thuế, có chủ thể không phải nộp thuế. Luật thuế TNCN đã mở rộng đối tượng nộp thuế bằng cách bổ sung thêm các chủ thể phải nộp thuế khi có thu nhập phát sinh từ:

- Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
- Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật
- Thu nhập từ đầu tư vốn
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế; Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
- Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm: Trúng thưởng xổ số; Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại; Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino; Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
- Thu nhập từ bản quyền, bao gồm: Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
- Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Quy định mới này đã đảm bảo sự công bằng hơn về nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể, đồng thời mở rộng hơn phạm vi đối tượng nộp thuế và cũng là phù hợp so với tình hình kinh tế xã hội ở nước ta. Góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo tốt hơn các hoạt động chính trị-kinh tế-văn hóa.

2. Đổi mới cách phân loại thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế.

Theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thu nhập được phân chia thành thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên. Tuy nhiên, Pháp lệnh không định nghĩa rõ thế nào là thu nhập thường xuyên, thế nào là thu nhập không thường xuyên. Do vậy, trong thực tế, việc tính thuế gặp khá nhiều khó khăn. Đồng thời, việc tính thuế đối với từng loại thu nhập không hợp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật thuế TNCN đã khắc phục được hạn chế này với việc phân loại thu nhập chịu thuế theo nguồn phát sinh thu nhập. Theo đó, thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập khác (bao gồm: thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ thừa kế, quà tặng, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thương mại). Đây là cơ sở để tính thuế phù hợp với từng loại thu nhập. Từ cách phân loại này, việc áp dụng thuế suất được quy định theo hai hướng: đối với thu nhập từ kinh doanh và tiền lương, tiền công thì áp dụng biểu thuế suất luỹ tiến từng phần; đối với các khoản thu nhập còn lại thì áp dụng biểu thuế luỹ tiến toàn phần.

Mở rộng diện điều tiết một cách hợp lý trên cơ sở bổ sung một số khoản thu nhập chịu thuế. Một số khoản thu nhập trước đây không quy định (mặc nhiên được coi là thu nhập không chịu thuế) được quy định trong Luật thuế TNCN gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền thương mại, thu nhập từ quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các cơ sở kinh doanh, bất động sản hoặc tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc sử dụng (tuy nhiên, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhận chỉ có nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế), thu nhập từ casino, thu nhập từ trúng thưởng các cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác (trước đây chỉ tính đối với trúng thưởng xổ số và khuyến mại). Tất nhiên, những khoản thu nhập này chỉ bị đánh thuế khi thu nhập phát sinh lớn (từ trên 10 triệu đồng một hợp đồng hoặc một lần phát sinh). Liên quan đến thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng, kế thừa, quà tặng, có một quy định đáng chú ý là Luật thuế TNCN quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng, thừa kế, quà tặng giữa vợ với chồng; cha mẹ đẻ; cha mẹ nuôi; mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; cha chồng mẹ chồng với con dâu; cha vợ mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu nội, cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

Một số khoản thu nhập trước đây tạm thời chưa thu thuế như thu nhập từ đầu tư vốn (gồm lãi cho vay, lợi tức cổ phần và thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác); thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán. Tuy nhiên, phần thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (ngân hàng, các quỹ tín dụng và các tổ chức tín dụng khác) và lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế TNCN. Việc miễn thuế này nhằm mục đích thu hút khoản tiền nhàn rỗi nhỏ lẻ trong dân cư vào các kênh tín dụng, để từ đó sử dụng vốn của nền kinh tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích sử dụng có hiệu quả mọi đồn vốn của xã hội.

Mở rộng diện điều tiết như trên sẽ góp phần điều tiết công bằng thu nhập của các tầng lớp dân cư theo hướng mọi cá nhân có thu nhập (trừ trường hợp thu nhập rất thấp và một số trường hợp đặc biệt) đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đồng thời, bằng quy định mới này, Luật thuế TNCN sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lí trên cơ sở không bỏ sót nguồn thu của nền kinh tế.

Việc bổ sung một số khoản thu nhập miễn thuế nêu trên thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với một số đối tượng được hưởng thu nhập trong những trường hợp gặp khó khăn. Điều này cũng thể hiện chính sách khuyến khích của nhà nước đối với một số hoạt động có lợi cho phát triển kinh tế- xã hội như tố giác tội phạm, tăng cường lao động sản xuất…

3. Áp dụng giảm trừ gia cảnh khi xác định nghĩa vụ thuế.

Áp dụng giảm trừ gia cảnh, tức là có tính đến hoàn cảnh cá nhân của đối tượng nộp thuế. Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Điều này làm cho việc xác định nghĩa vụ thuế của mỗi đối tượng nộp thuế được công bằng hơn. Quốc hội đã biểu quyết thông qua mức giảm trừ cho bản thân đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Trong pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao không có quy định nào về giảm trừ gia cảnh khi xác định nghĩa vụ thuế. Mà chỉ có quy định rất chung chung về giảm thuế, miễn thuế quy định tại điều 29 của pháp lệnh. Và chỉ được phép giảm thuế, miễn thuế trong những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Điều này gây ra một thực tế đó là: Người nộp thuế có thể có thu nhập cao, thuộc đối tượng chịu thuế, nhưng trên thực tế thu nhập này phải chi cho rất nhiều khoản ví dụ như: viện phí cho người thân, học phí cho con,…Nên dự có thu nhập cao nhưng họ vẫn rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Mà nếu không nộp đầy đủ thuế thì lại trở thành vi phạm pháp luật.  Vì vậy quy định về giảm trừ gia cảnh của Luật thuế TNCN đã thể hiện được tính xã hội một cách sâu sắc. Xem xét hoàn cảnh của người nộp thuế rồi quyết định mức thuế phải nộp là rất cần thiết. Đây là một ưu điểm của luật thuế TNCN so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Việc giảm trừ cho người phụ thuộc được thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Những người phụ thuộc được giảm trừ khá rộng, bao gồm: con chưa thành niên, con đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, con tàn tật không có khả năng lao động; các cá nhân khác không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức quy định của Chính phủ hoặc không có nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng (gồm cha, mẹ, vợ chồng, cơ, dỡ, chú, bác, cháu…). Luật cũng không khống chế mức giảm trừ tối đa cho người phụ thuộc.

Việc mở rộng diện giảm trừ như trân cho những người phụ thuộc đảm bảo thực hiện công bằng trong điều tiết thu nhập và phù hợp với đạo lý xã hội của người Việt Nam, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân.

4. Sử dụng thuật ngữ “thu nhập được miễn thuế” thay cho “thu nhập không chịu thuế” và bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế, giảm thuế.

Trên cơ sở kế thừa các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Luật thuế TNCN đã thay đổi, gọi đúng bản chất là thu nhập được miễn thuế và bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế khác. Cụ thể là bổ sung các khoản thu nhập sau vào diện miễn thuế: thu nhập từ tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn lương làm việc ban ngày, làm việc trong giờ; lương hưu; Tiền thửơng cho cá nhân về việc phát hiện, khai báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luât; học bổng nhận từ ngân sách Nhà nước và từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của Chính phủ; thu nhập từ viện trợ, từ thiện với điều kiện các quỹ từ thiện này phải được Nhà nước cho phép thành lập hoặc công nhận hoạt động vì mục đích nhân đạo không nhằm mục đích thu lợi nhuận; thu nhập từ lãi trái phiếu chính phủ.

Luật thuế thu nhập cá nhân quy định khá rõ ràng về thu nhập được miễn thuế  (điều 4 luật thuế TNCN) và thu nhập được giảm thuế (điều 5 luật thuế TNCN). Trong khi pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao lại chỉ quy định chung chung đối với việc miễn thuế, giảm thuế vào điều 20 của pháp lệnh. Và được Chính phủ quy định cụ thể. Điều này, thứ nhất là khó áp dụng vì quy định “…ảnh hưởng đến đời sống thì người nộp thuế được xét giảm thuế hoặc miễn thuế thu nhâp”. Không có khái niệm thế nào là ảnh hưởng đến đời sống và ảnh hưởng đến đời sống nhưng vẫn có khả năng nộp thuế thì sẽ xử lý như thế nào, thứ hai là không rõ ràng bởi vì có sự khác nhau giữa miễn thuế và giảm thuế. Vì vậy điều kiện để được miễn thuế vào giảm thuế rất khác nhau. Quy định như trong pháp lệnh thì việc miễn giảm đều phải chờ cơ quan có thẩm quyền “xem xét và quyết định”. Điều này thực sự là không công bằng. Bởi vì nó phụ thuộc vào ý chí của chủ thể có thẩm quyền xem xét quyết định. Quy định mới trong luật thuế TNCN đã làm cho việc thực hiện hoạt động miễn giảm thuế thực hiện dễ dàng hơn, vì luật quy định rất cụ thể trường hợp nào thì được miễn thuế và những trường hợp nào được xét giảm thuế. Như vậy, đối tượng được miễn thuế không còn phụ thuộc vào sự xem xét của cơ quan có thẩm quyền nữa mà chỉ cần đáp ứng được yêu cầu tại điều 4 luật thuế TNCN thì được miễn thuế theo đúng quy định của pháp luật. Còn đối tượng được xét giảm thuế là những người gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Luật quy định rõ là ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Chứ không quy định mơ hồ như pháp lệnh là “ảnh hưởng đến đời sống ”

5. Áp dụng giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo.

Theo quy định tại điều 20 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc Hội khóa 12 thì Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được xác định đối với đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú khi họ có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công mà không áp dụng đối với các khoản thu nhập khác. Đây là điểm mới so với Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Pháp lệnh thuế đối với người thu nhập cao không quy định về trường hợp giảm trừ này, có nghĩa là trước khi có luật thuế thu nhập cá nhân 2007, Pháp lệnh này tính cả phần thu nhập của cá nhân cư trú dung để từ thiện, nhân đạo là khoản thu nhập chịu thuế. Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo không phải là đối tượng chịu thuế và được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế của đối tượng nộp thuế có đóng góp từ thiện nhân đạo. Điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tế vì một người nào đó đem tiền đi làm từ thiện rồi thì người đó không được hưởng khoản tiền đó nữa do vậy không có lý do gì mà tính thuế TNCN trên cơ sở số tiền đó.  Với quy định này, Luật đã khuyến khích mọi công dân trong xã hội tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và giúp cơ quan nhà nước bớt đi một việc là sử dụng tiền vào các hoạt động từ thiện. Đồng thời, đây cũng chính là một khoản "chi tiêu qua thuế" của nhà nước, thể hiện ở chỗ một khoản thu lẽ ra được nộp về ngân sách Nhà nước bây giờ được chuyển sang cho đối tượng thụ hưởng khoản đóng góp từ thiện. Ví dụ: một cá nhân cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ kinh doanh trước khi tính thuế bình quân tháng 50 triệu đồng thực hiện góp quỹ ủng hộ đồng bào lụt 10 triệu đồng. Mức thuế suất thu nhập cao của người này là 25%. Khi đó, 10 triệu đồng này được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế. Số thuế nhà nước giảm thu khi cho cá nhân này giảm trừ vào thu nhập tính thuế là 10 triệu x 25% = 2,5 triệu đồng. Ta cũng có thể hiểu trong trường hợp này, coi như Nhà nước đã sử dụng ngân sách góp vào quỹ ủng hộ đồng bào bão lụt 2,5 triệu đồng, còn cá nhân này thực ra chỉ ủng hộ 7,5 triệu đồng.

Cần nói qua về khái niệm cá nhân cư trú tại Việt Nam bởi lẽ khái niệm này là không đồng nhất giữa các quốc gia. Ở Việt Nam, cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện: Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng kí thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Thuế được giảm trừ khi đó là những khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa và khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học. Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phải là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp. Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo phát sinh vào năm nào thì được tính giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó, không được chuyển trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.

Tuy nhiên, không phải khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở và các quỹ nào cũng được giảm trừ mà các tổ chức, cơ sở và các quỹ này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NDD-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội

Tuy nhiên, áp dụng giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo là quy định mới nhưng không hẳn đã là hoàn toàn hợp lý, nhà nước áp dụng giảm trừ trên theo góc độ khuyến khích mọi công dân trong xã hội tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhưng nhìn theo góc độ của đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, nhà nước đã tạo điều kiện cho cá nhân cư trú lách luật, làm trái pháp luật thuế. Minh chứng cụ thể như sau: Thu nhập tính thuế áp dụng Biểu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập của cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công sau khi đã trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản bảo hiểm bắt buộc và “các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học”. Điều này có thể hiểu là, một người có thu nhập là 33 triệu chịu mức thuế suất 25% (thuế phải nộp là 8,25 triệu đồng) nếu đóng góp từ thiện 1 triệu đồng thì phần thu nhập tính thuế /tháng là 32 triệu đồng sẽ chỉ chịu mức thuế suất 20%. (thuế phải nộp chỉ là 6,4 triệu đồng+1 triệu từ thiện = 7,4 triệu đồng) Rõ ràng trong trường hợp này, cá nhân cư trú đã được hưởng lợi 1 khoản 8,25 triệu – 7,4 triệu = 850 nghìn đồng tiền thuế nhà nước mà lại được “tiếng” là làm từ thiện. Quy định pháp luật vẫn chưa chặt chẽ.

6. Quy định riêng về thu nhập tính thuế, biểu thuế giữa các cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Nghĩa vụ nộp thuế giữa người Việt Nam và người nước ngoài

Cách xác xây dựng biểu thuế của Pháp lệnh và Luật thuế thu nhập cá nhân khác nhau rất nhiều. Trong Pháp lệnh, biểu thuế được xây dụng căn cứ trên cơ sở là đối tượng nộp thuế. Biểu thuế trong Pháp lệnh được chia cho hai nhóm đó là: Nhóm thứ nhất dành cho: Công dân Việt Nam và Cá nhân khác định cư tại Việt Nam; Nhóm thứ hai dành cho: Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và Công dân Việt Nam lao động, làm việc tại nước ngoài. Còn trong Luật thuế thu nhập cá nhân, biểu thuế được xây dựng dựa trên cơ sở là thu nhập chịu thuế. Biểu thuế được chia thành hai loại đó là: Biểu thuế lũy tiến từng phần và Biểu thuế luỹ tiến toàn phần.

Theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thu nhập thường xuyên chịu thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần với bốn mức thuế suất, thấp nhất là 10% và cao nhất là 40%. Đối với thuế thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công, Luật thuế TNCN vẫn áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần nhưng mức thuế suất thấp nhất giảm xuống còn 5% và mức thuế suất cao nhất giảm xuống còn 35% với số lượng bậc thuế nâng lên thành bảy và áp dụng chung cho cả người Việt Nam và người nước ngoài

Do đó mà về cơ bản, biểu thuế được quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định hoàn toàn khác với các quy định về biểu thuế trong Pháp lệnh( ). Cụ thể đó là:

- Biểu thuế lũy tiến từng phần được chia làm 7 bậc và áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công. Bậc thấp nhất là bậc 1 với thu nhập dưới 5triệu/tháng, 60triệu/năm thì được tính với thuế suất 5%. Bậc cao nhất là bậc 7 với thu nhập trên 80triệu/tháng, 960triệu/năm được tính với thuế suất cao nhất đó là 35%.

- Còn biểu thuế toàn phần được áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng. Mỗi loại thu nhập được quy định thuế suất là khác nhau. Thấp nhất là 0,1% đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cao nhất là 25% đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Với biểu thuế mới này, tuy việc tính toán có phức tạp hơn (do tăng số lượng bậc thuế) nhưng lại đảm bảo công bằng hơn trong điều tiết thu nhập do chênh lệch về thuế suất giữa các bậc thuế giảm đi. Việc hạ thuế suất cao nhất và thấp nhất xuống thể hiện tinh thần mở rộng diện đánh thuế nhưng mức độ điều tiết cũng giảm đi, huy động sự đóng góp của nhiều người nhưng với mức độ vừa phải, thực hiện “góp gió thành bão”. Mặc khác, việc giảm mức thuế suất cao nhất sẽ góp phần khuyến khích người lao động tích cực lao động và sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người dân làm giàu chính đáng. Ngoài ra, Luật còn quy định thuế suất cụ thể cho từng loại thu nhập áp dụng đối với cá nhân không cư trú với các mức thuế suất từ 1% đến 10% tính trên toàn bộ thu nhập phát sinh ở Việt Nam (không được trừ chi phí).

Còn đối với Pháp lệnh về thuế đối với người có thu nhập cao thì biểu thuế đều được chia làm 5 bậc:

Biểu thuế dành cho: Công dân Việt Nam và Cá nhân khác định cư tại Việt Nam:  Bậc 1 mức thuế suất thấp nhất với 0%, được áp dụng với người có thu nhập dưới 5triệu/tháng. Bậc cao nhất là bậc 5 được áp dụng với người có thu nhập trên 40triệu/tháng với mức thuế suất là 40%. Đối với ca sỹ, nghệ sỹ xiếc, múa, cầu thủ bóng đá, vận động viên chuyên nghiệp được trừ 25% thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và Công dân Việt Nam lao động, làm việc tại nước ngoài: Bậc 1 với thuế suất 0% được áp dụng với người có thu nhập đến 8triệu/tháng. Bậc cao nhất là bậc 5 với mức thuế suất là 40% được áp dụng với người có thu nhập trên 80triệu/tháng.

Đối với người nước ngoài được coi là không cư trú tại Việt Nam, áp dụng thuế suất 25% tổng số thu nhập. Thu nhập không thường xuyên chịu thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Pháp lệnh này là số thu nhập của từng cá nhân trong từng lần trên 15.000.000 đồng. Thu nhập về chuyển giao công nghệ trên 15.000.000 đồng/lần được tính theo thuế suất 5% tổng số thu nhập; Thu nhập về trúng thưởng xổ số trên 15.000.000 đồng/lần được tính theo thuế suất 10% tổng số thu nhập."

7. Quy định giảm trừ chi phí cho cá nhân kinh doanh một cách hợp lý

Ngoài những điểm mới trên, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 còn bổ sung thêm quy định về giảm trừ chi phí cho cá nhân kinh doanh một cách hợp lí hơn. Cùng với việc chuyển cá nhân kinh doanh từ diện nộp thuế TNDN sang nộp thuế TNCN, Luật thuế TNCN đã quy định các khoản chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân kinh doanh. Về cơ bản, các khảon chi phí hợp lý được trừ này kế thừa cá quy định hiện hành của Luật thuế TNDN. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán để làm cơ sở xác định chi phhí hợp lý được trừ thì thu nhập chịu thuế đựơc xác định bằng doanh thu ấn định nhân với tỷ lệ thu nhập chịu thuế quy định cho từng ngành.

C. Kết bài

Luật thuế TNCN năm 2007 đã có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao, phù hợp với tiến trình đổi mới quản lý kinh tế của nhà nước, với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay. Với việc ban hành Luật thuế quan trọng này, hệ thống thuế của chúng ta đang hướng đến phù hợp hơn với hệ thống thuế các nước, hướng tới một hệ thống thuế công bằng và hiện đại hơn.

No comments:

Post a Comment