19/10/2014
Áp dụng Công ước Viên 1980 để giải quyết vụ việc giao hàng không đúng thời hạn thỏa thuận - Bài tập học kì Luật Thương Mại Quốc Tế
Đề bài: Ngày 15/08/2011, công ty A (trụ sở tại Buôn Mê Thuột) ký kết hợp đồng bán cà phê cho công ty B (trụ sở tại Singapore) 1.000 tấn cà phê với giá 400 USD/tấn, giao hàng theo điều kiện FOB tại cảng Đà Nẵng (INCOTERMS 2010). Thời hạn giao hàng: từ ngày 15/09/2011 đến ngày 30/09/2011.
Ngày 15/09/2011, công ty A gửi cho công ty B một thông báo với nội dung rằng tại công ty A đang xảy ra đình công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và thu hoạch cà phê. Do đó, công ty A không thể giao hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng, và hiện tại công ty A đang cố gắng khắc phục hậu quả đề hoạt động bình thường trở lại và sẽ thông báo lịch giao hàng cụ thể sau.
Câu hỏi: Hãy áp dụng Công ước Viên 1980 để giải quyết vụ việc trên.

Bài làm

1. Khái quát tình huống

Thứ nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty A (trụ sở ở Buôn Mê Thuột – Việt Nam) và công ty B (trụ sở tại Singapore) là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế căn cứ theo quy định tại Điều 1 Công ước Viên 1980 (CISG).

Thứ hai, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa – 1000 tấn cà phê, với giá thỏa thuận là 400USD/tấn, không thuộc đối tượng hàng hóa không được áp dụng công ước này vào việc mua bán được quy định tại Điều 2 CISG.

Thứ ba, phương thức giao hàng theo điều kiện FOB tại cảng Đà Nẵng INCOTERMS 2010 trong thời hạn từ ngày 15/9/2011 đến ngày 30/9/2011. Với cách thức giao hàng FOB, công ty A có trách nhiệm chịu mọi sự rủi ro có thể xảy đến với hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu do công ty B chỉ định tại cảng Đà Nẵng; tuy không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu, trả các khoản thuế nhập khẩu hay làm thủ tục thông quan nhập khẩu nhưng công ty A phải làm thủ tục thông quan xuất khẩu nếu có. Sự chuyển dịch rủi ro sang công ty B sẽ bắt đầu từ khi 1000 tấn cà phê vượt qua lan can tàu, và công ty B chịu mọi chi phí kể từ lúc này trở đi.

Thứ tư, có thể áp dụng CISG bởi tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa, chủ thể công ty B có trụ sở ở Singapore là thành viên của công ước, loại hàng hóa cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của công ước. CISG được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong hai trường hợp: một là nếu có điều khoản chọn luật áp dụng dẫn chiếu tới CISG; hai là nếu các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận rõ ràng hoặc thỏa thuận ngầm về việc coi CISG là luật áp dụng, thì lúc đó CISG được áp dụng theo khoản 1 Điều 1. Theo khoản 1(a) Điều 1 CISG, nếu không có quy phạm tư pháp quốc tế nào được áp dụng thì CISG được áp dụng; theo khoản 1(b) Điều 1 CISG, nếu các quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến luật của một nước kí kết thì luật áp dụng sẽ là CISG.

Thứ năm, quyền và nghĩa vụ của hai bên công ty A và công ty B khi thực hiện hợp đồng.

- Đối với bên bán – công ty A: có quyền nhận thanh toán đúng với thỏa thuận trong hợp đồng là 400 USD/tấn; có nghĩa vụ giao đủ 1000 tấn cà phê đúng thời hạn giao dịch từ ngày 15/9/2011 đến 30/9/2011 theo phương thức giao hàng FOB INCOTERMS 2010 tại cảng Đà Nẵng. Với việc áp dụng CISG, các bên có thể giao hàng “vào bất kì thời điểm nào trong khoảng thời gian được hợp đồng ấn định… nếu như không thể căn cứ vào các tình tiết để biết ngày giao hàng mà người mua ấn định là ngày nào” .

- Đối với bên mua – công ty B: có quyền được nhận đủ 1000 tấn cà phê đúng thời hạn hợp đồng; có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền hàng theo phương thức thanh toán mà hai bên đã thỏa thuận.
Thứ sáu, xét tình huống phát sinh rủi ro: công ty A đang xảy ra đình công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và thu hoạch cà phê. Do đó, công ty A không thể giao hàng đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng và hiện tại công ty A đang cố gắng khắc phục hậu quả để hoạt động bình thường trở lại và sẽ thông báo lịch giao hàng cụ thể sau. Do vậy, công ty A gửi cho công ty B một thông báo với nội dung như trên vào ngày 15/9/2011.

- Sự kiện xảy ra đình công tại công ty A gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và thu hoạch cà phê là sự việc phát sinh sau ngày 15/8/2011 – thời điểm hai bên kí kết hợp đồng. Có thể thấy, thời điểm hai bên kí kết hợp đồng không thể lường trước đến tình huống này có thể xảy ra và hậu quả mà việc đình công gây ra là không thể tránh được. Do đó, nếu đình công là tác nhân khiến công ty A vi phạm hợp đồng thì đó cũng không phải vi phạm cơ bản hợp đồng .

- Sự xác định trách nhiệm bồi thường hay vi phạm hợp đồng đối với hai công ty chỉ phát sinh sau khi thời hạn giao hàng kết thúc, tức là sau ngày 30/9/2011.

- Sự kiện đình công gây ra bất lợi đối với cả hai bên công ty A và B.

+ Đối với công ty A: đình công gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất và thu hoạch cà phê, để lại nhiều hậu quả trong đó bao gồm cả việc công ty A không thể gửi hàng đúng thời hạn đã kí kết với công ty B. Từ đó, theo quy định tại Điều 45 CISG công ty A có thể bị công ty B thực hiện các hành vi pháp lý sau:

Buộc phải thực hiện tiếp hợp đồng sau khi gia hạn thêm, yêu cầu bên công ty A bồi thường thiệt hại nếu có;

Nếu công ty B chứng minh được việc công ty A không giao hàng đúng hạn đã cấu thành một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng; hoặc công ty A không giao hàng trong thời gian đã được công ty B gia hạn; hoặc công ty A tuyên bố không giao hàng trong khoảng thời gian được gia hạn này (quy định tại Điều 49 CISG) thì sẽ hủy hợp đồng và yê cầu công ty A bồi thường thiệt hại nếu có cùng phạt vi phạm hợp đồng (nếu hai bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng).

+ Đối với công ty B: có thể không nhận được 1000 tấn cà phê theo dự kiến, điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu bao gồm vi phạm cơ bản hợp đồng của công ty A.
Việc bồi thường thiệt hại được quy định từ Điều 74 đến Điều 77 Công ước Viên năm 1980. Việc yêu cầu được bồi thường thiệt hại của bên mua đối với hàng hoá chậm giao không ảnh hưởng tới việc áp dụng một biện pháp bảo hộ khác kể cả khi trong hợp đồng không quy định về việc bồi thường thiệt hại. Bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền đòi bồi thường nếu như chứng minh được thiệt hại của mình trên thực tế là do bên gây thiệt hại gây ra.

2. Giải quyết vấn đề

* Đối với bên bán – công ty A:
- Bởi thời hạn giao hàng chưa hết mà công ty A đã gửi thông báo tới công ty B về sự kiện đình công xảy ra và hậu quả của nó, nên nếu công ty A vẫn giao hàng được đúng thời hạn sau đó thì sẽ không gặp phải những hành vi bảo hộ pháp lý của công ty B và không bị công ty B yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
- Trong trường hợp công ty A giao hàng sau ngày 30/9/2011 mà công ty B áp dụng biện pháp bảo hộ pháp lý thì công ty A cũng có thể viện dẫn những điều khoản để giảm thiểu phí tổn phải trả cho Công ty B. Cụ thể:
+ Trường hợp công ty A bị yêu cầu bồi thường thiệt hại, công ty A có thể viện dẫn Điều 77 để giảm mức bồi thường. Đó là chứng minh công ty B có thể áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế tổn thất, kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do sự vi phạm hợp đồng gây ra, nhưng không được công ty B áp dụng. Công ty có thể giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ đã hạn chế được. Việc Công ty A gửi thông báo ngày 15/9/2011 là căn cứ hữu dụng chứng minh rằng công ty A đã cố gắng giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra cho công ty B qua việc thông báo sớm và sự cam kết sẽ thông báo lịch giao hàng sau.
+ Trường hợp công ty A chưa giải quyết được khó khăn mà công ty B yêu cầu áp dụng một biện pháp bảo hộ thì công ty A có thể viện dẫn Điều 79 về việc miễn trách nhiệm do trở ngại khách quan không lường trước được. Việc công ty A cần làm là chứng minh việc đình công là một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và họ không thể xác định được sẽ xảy ra trở ngại đó hay hướng khắc phục trở ngại đó tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Do công ty A đã gửi thông báo về sự kiện bất khả kháng đến công ty B trong thời hạn hợp lí – ngày đầu tiên trong thời hạn phải giao hàng theo hợp đồng kí kết, đồng thời cũng đang cố gắng khắc phục hậu quả để hoat động bình thường trở lại và sẽ thông báo lịch giao hàng cụ thể lại sau, nên theo thông lệ chung, công ty A có thể được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng và được miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ thực hiện được do sự kiện bất khả kháng gây ra. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 79 CISG về việc bên gặp phải sự kiện bất khả kháng phải thông báo cho phía bên kia biết về điều đó trong thời hạn hợp lí, công ty A phải gửi kèm văn bản thông báo của mình văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu, chứng cớ hợp pháp khác có giá trị chứng minh sự tồn tại của sự việc đình công và hậu quả mà nó gây ra.
Công ty A cần chú ý việc miễn trách nhiệm này chỉ có hiệu lực trong thời hạn tồn tại trở ngại. Bên cạnh đó, công ty A cũng phải chắc chắn rằng Công ty B đã nhận được thông báo về trở ngại này của công ty A. Đồng thời, dù trong trường hợp nào, công ty A chỉ có thể giảm mức tiền bồi thường chứ không thể không bồi thường nếu công ty B có thiệt hại.
* Đối với bên mua – công ty B:
Ngoài việc áp dụng những điều kiện phạt vi phạm hợp đồng, công ty B cần xem xét khoản 1 Điều 47 CISG để giải quyết, tức là cho công ty A một thời hạn bổ sung hợp lí để công ty A thực hiện nghĩa vụ. Điều này khá hợp lý bởi: thời hạn thoả thuận ban đầu chưa chấm dứt (còn 15 ngày), lợi ích của công ty B chưa có thiệt hại đáng kể tính đến thời điểm được công ty A thông báo. Công ty A đã có thiện chí thông báo vào thời điểm sớm nhất có thể (ngày đầu tiên trong thời hạn thực hiện nghĩa vụ giao hàng). Ngoài ra, với việc thoả thuận thời hạn hợp lý sẽ tạo được niềm tin với đối tác thông qua việc chia sẻ rủi ro, điều này rất quan trọng trong kinh doanh.
Nếu áp dụng Điều khoản này, Công ty B cần chú ý một số điểm sau:
- Họ sẽ không được áp dụng bất cứ biện pháp bảo hộ pháp lý nào (trừ yêu cầu đói bồi thường thiệt hại) trong trường hợp Công ty A vi phạm hợp đồng trước thời hạn bổ sung kết thúc nếu Công ty B đã được Công ty A thông báo sẽ không thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công ty A đang cố gắng khắc phục hậu quả thiệt hại do đình công và sẽ thông báo thời điểm giao hàng cụ thể sau nên không có trường hợp Công ty A không giao hàng.
- Công ty B phải thông báo có hay không chấp nhận sự chậm trễ của Công ty A.

No comments:

Post a Comment