07/06/2016
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này - 8 điểm
Theo điều tra mới nhất, tại Việt Nam tỉ lệ vô sinh chiếm khoảng 8% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Như vậy ở nước ta có đến hàng triệu cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng vẫn chưa thể thực hiện được mơ ước của mình. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, thực sự đã mang lại hạnh phúc lớn lao cho biết bao cặp vợ chồng. Theo đó, vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đang ngày càng phổ biến và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, việc xác định cha, mẹ, con cũng có những nét đặc trưng riêng. Để góp phần giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhóm chúng em chọn đề tài: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và vấn đề xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này”. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu bài viết không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong thầy, cô và cùng các bạn có ý kiến đóng góp, bổ sung để bài viết được hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

I. Khái quát về vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

1. Khái niệm

Theo Khoản 21, Điều 3 Luật Hôn Nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN và GĐ năm 2014), “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.


Nói cách khác, đó là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ với mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có những đứa con như họ ước muốn. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật, giải quyết được tình trạng vô sinh của phụ nữ và nam giới do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như môi trường, hóa chất, hậu quả chiến tranh,…đem lại hạnh phúc và hi vọng cho không ít các gia đình Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hiện nay có hai phương pháp chính được áp dụng đó là: thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.

2. Một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

2.1. Thụ tinh nhân tạo

Ngày nay, thụ tinh nhân tạo đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất xoay quanh lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Thụ tinh nhân tạo được biết đến là một phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả được áp dụng phổ biến trong điều trị vô sinh hiếm muộn nhằm mang đến cơ hội làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng. Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật để tạo điều kiện cho quá trình thụ thai được diễn ra thuận lợi nhất tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Dưới góc độ y học, thụ tinh nhân tạo được hiểu là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thụ tinh nhân tạo hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả cao hiện nay và trở thành lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

2.2. Thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi. (Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP). Hay nói cách khác, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn trong các trường hợp: Tắc nghẽn ống dẫn trứng; lạc nội mạc tử cung; tinh trùng ít, yếu, dị dạng; xin trứng;…Đây cũng là biện pháp được nhiều cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ độc thân tìm đến và mang lại hiệu quả tương đối cao. Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, tỷ lệ mang thai của người được thụ tinh trong ống nghiệm đã được nâng lên đáng kể so với trước đây.

3. Các trường hợp được áp dụng

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ghi nhận: “Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”. Như vậy, pháp luật cho phép áp dụng biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hai trường hợp:

3.1. Đối với căp vợ chồng vô sinh

Khái niệm “vô sinh” được hiểu là “tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai”. (Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP). Các nguyên nhân dẫn đến vô sinh có thể xuất phát từ người đàn ông và cũng có thể xuất phát từ người phụ nữ. Vô sinh có thể là nguyên phát, tức là từ trước đến giờ người phụ nữ hay người đàn ông chưa bao giờ có con, cũng có thể là thứ phát, tức là đã từng có con, nhưng sau đó mất khả năng này. Hiện nay tỉ lệ vô sinh trên thế giới trung bình từ 6%-12%. Đây là một vấn đề lớn không chỉ riêng cho ngành y tế mà là chung cho toàn xã hội. Nghị định mới của Chính phủ về vấn đề Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời không chỉ mang lại niềm vui cho những người bị vô sinh mà còn là hành lang pháp lý quan trọng cho giới chuyên môn và cho những người muốn điều trị vô sinh.

3.2. Đối với phụ nữ độc thân

Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định: “Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Tức là, tại thời điểm đó, người phụ nữ đang không có quan hệ hôn nhân với bất kỳ ai. Mặc dù không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân nhưng họ vẫn muốn có một đứa con để yêu thương, chăm sóc, đó cũng là một trong những lý do dẫn đến người phụ nữ lựa chọn phương pháp này. Cuộc sống công nghiệp hiện đại cùng nhịp sống hối hả không những cuốn hút phái nam mà cả phái nữ. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ độc thân lựa chọn biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và thường nằm ở đối tượng phụ nữ thành đạt. 

4. Các nguyên tắc áp dụng

Theo Điều 3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP qui định về nguyên tắc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau:

Thứ nhất, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thứ hai, vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Thứ ba, việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

Thứ tư, việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Thứ năm, việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Nghị định mới ra đời thay thế Nghị định số 12/2003/NĐ-CP không chỉ ghi nhận thêm quyền mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mà còn bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm an toàn bí mật đời tư, bí mật cá nhân và gia đình của tất cả các bên khi tham gia vào quan hệ mang thai hộ. Đây chính là điểm tiến bộ quan trọng của pháp luật Việt Nam.

II. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

1. Căn cứ xác định 

1.1. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

* Đối với cặp vợ chồng vô sinh

Theo quy định tại Điều 93 Luật HN và GĐ năm 2014: “1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này. Đối chiếu với quy định tại Điều 88, Luật HN và GĐ năm 2014: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”. 

Thứ nhất, đối với cặp vợ, chồng vô sinh sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì căn cứ xác định cha, mẹ, con được xác định trên nguyên tắc suy đoán pháp lý (Điều 88, Luật HN và GĐ năm 2014) nhưng không hoàn toàn giống sinh con theo chu trình tự nhiên. Đó là căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng vô sinh. Đây không chỉ là căn cứ xác định cha, mẹ, con trong trường hợp con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà còn là điều kiện bắt buộc để cặp vợ chồng được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì Nghị định 05/2015/NĐ-CP đã quy định: “vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai” (khoản 2, Điều 2) và chỉ khi cặp vợ, chồng đáp ứng điều kiện trên thì mới được áp dụng. Do đó, trường hợp con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. 

Việc áp dụng quy định trên vẫn còn một số vướng mắc, cụ thể trong trường hợp đang tiến hành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà người chồng chết, đứa trẻ sinh ra đã quá 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt thì đứa trẻ có được xác định là con chung của vợ, chồng không hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể. Theo nhóm em, nếu theo nguyên tắc tại Điều 88 thì đứa trẻ trong trường hợp này không phải con chung của vợ, chồng, tuy nhiên thực tế đứa trẻ đó mang huyết thống của người cha đã chết và được sinh ra hoàn toàn dựa trên sự mong muốn của người cha này, nếu xác định đứa trẻ sinh ra không phải con chung của cặp vợ chồng vô sinh thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ, ví dụ như quyền thừa kế di sản của người cha. Ngoài ra, pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về việc đang trong quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà người chồng bị tuyên bố mất tích thì người vợ có được tiếp tục thực hiện và nếu thực hiện thì xác định cha, mẹ, con như thế nào.

Thứ hai, chỉ khi có sự tự nguyện của cặp vợ chồng vô sinh thì mới được áp dụng việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trên tình thần tự nguyện, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác là mẹ đứa trẻ trong mọi trường hợp kể cả người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác. Người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay cả trường hợp người chồng không phải là người cho tinh trùng. 

* Đối với phụ nữ độc thân

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 10/2015 NĐ-CP: “Phụ nữ độc thân là người phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Căn cứ để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này chỉ dựa vào sự tự nguyện và sự kiện sinh đẻ của chính họ. Theo  quy định tại  khoản 2 Điều 93 Luật HN và GĐ năm 2014: “Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra”. Theo đó, người phụ nữ độc thân đương nhiên là mẹ của đứa trẻ. Pháp luật hiện nay ngoài việc cho phép người phụ nữ độc thân được nhận tinh trùng từ người khác còn cho phép họ được nhận phôi trong trường hơp họ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai. Việc quy định cho người phụ nữ đơn thân được phép nhận phôi thể hiện được tính chất nhân đạo của pháp luật, bởi khi người phụ nữ độc thân khát khao được làm mẹ nhưng do không có noãn hay noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai, do đó dù có nhận tinh trùng của người khác thì họ cũng không thể thụ thai được nên lúc này họ có thể nhận phôi để được sinh con.

Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra: quy định này phù hợp với nguyên tắc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là: “việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận” (Khoản 3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP). Lý do mà pháp luật quy định như vậy xuất phát từ việc chính cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân là người đem lại sự sống cho đứa trẻ và họ cũng là người mong muốn có đứa trẻ chứ không phải là người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi . Quy định trên cũng nhằm tránh những tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con của các chủ thể liên quan, là cơ sở đảm bảo ổn định mối quan hệ cha, mẹ, con, giúp cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân yên tâm nuôi dạy đứa trẻ trong điều kiện tốt nhất.

* Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là điểm đổi mới tiến bộ của pháp luật hôn nhân và gia đình. Pháp luật cho phép cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ. Việc này đã mở ra cơ hội được làm cha mẹ thực sự cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Theo quy định tại khoản  22 Điều 3 Luật HN và GĐ năm 2014 thì: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là “việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Theo quy định tại  Điều 94, Luật HN và GĐ năm 2014: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không làm phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng người được nhờ mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra.

2. Thẩm quyển xác định 

Điều 101 Luật HN và GĐ năm 2014 quy định về thẩm quyền xác định cha, mẹ, con:

- Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. 

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

III. Thực trạng và phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Hiện nay, vấn đề về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quy định khá cụ thể, chi tiết trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện, áp dụng. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

• Thứ nhất, về vấn đề hạn chế ly hôn khi hai vợ chồng đang tiến hành áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản

Khoản 3 Điều 51 Luật HN và GĐ năm 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, quy định này áp dụng cho trường hợp sinh con bình thường, còn trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì chưa có quy định cụ thể, dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng, thiết nghĩ việc bổ sung là cần thiết. Bởi lẽ, sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ và người con tương lai. 

Trong trường hợp, cặp vợ chồng vô sinh đã sử dụng biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng thất bại và nhờ mang thai hộ thì người chồng của người mang thai hộ, người chồng của người nhờ mang thai có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không? Đối với người chồng của người mang thai hộ thì nên quy định bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Vì khi người vợ của mình nhận mang thai hộ thì người chồng đã đồng ý, điều này cũng có thể hiểu là người chồng sẽ có các nghĩa vụ chăm sóc nhất định đối với người vợ của mình, cho dù không phải là con của hai vợ chồng, đồng nghĩa là người chồng sẽ có thể bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Còn với người chồng của người nhờ mang thai hộ thì chỉ nên hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi đứa trẻ được sinh ra và còn sống. Khi đó, sẽ thuộc trường hợp được được quy định trên “sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Trường hợp người chồng muốn ly hôn khi phôi chưa được đưa vào tử cung của người vợ: Nếu quyết định ly hôn xuất phát từ ý chí của hai bên vợ chồng thì nên chăng có quyết định hủy bỏ yêu cầu áp dụng việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Còn trong trường hợp người chồng mất tích thì vẫn có thể tiếp tục thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì đã có sự đồng ý trước đó của người chồng.

• Thứ hai, về vấn đề xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Việc xác định cha mẹ con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng xuất phát từ nguyên tắc chung đó là xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp (Điều 88, 93 Luật HN và GĐ năm 2014). Quy định này nhằm  đảm bảo mọi quyền lợi cho cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân và đặc biệt là đứa trẻ. Đối với trường hợp người phụ nữ độc thân khi sinh con thì áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con. 

Ngoài ra, trong trường hợp xác định cha mẹ con cần quy định rõ sau khi đứa trẻ được sinh ra nếu người cha, mẹ không muốn thừa nhận con thì cũng không được yêu cầu xác định lại. Bởi vì họ là người yêu cầu thực hiện việc sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản, quan hệ cha, mẹ và con là tất yếu, không thể phủ nhận. Điều này khác với trường hợp sinh con tự nhiên vì người chồng có quyền yêu cầu xác định lại quan hệ cha con khi không tin tưởng đứa con là con ruột của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nếu cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân nghi ngờ cơ sở y tế và có thể có sự nhầm lẫn trong quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì nên chăng cho phép họ được quyền yêu cầu xem xét lại.

KẾT BÀI

Sinh con theo phương pháp khoa học là vấn đề khá phức tạp, đặc biệt về mặt pháp lí, bởi nó làm thay đổi những quan niệm truyền thống về mặt huyết thống giữa cha mẹ và con. Nhưng phương pháp đã đáp ứng được nguyện vọng mong mỏi, tha thiết được làm cha, là mẹ của những cặp vợ chồng không may bị hiếm muộn hay vô sinh. Thể hiện giá trị nhân đạo cao đẹp và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật. Hiện nay sinh con theo phương pháp được áp dụng ở rất nhiều nước trên thế giới và ở cả Việt Nam. Thực tế cho thấy sinh con theo phương pháp khoa học có rất nhiều ưu điểm vượt bậc, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những khó khăn khi thực hiện. Vì vậy cần có những văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về vấn đề này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trư¬ờng Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009;
2. Luật HNGĐ Việt Nam năm 2014;
3. Nghị định của Chính phủ số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
4. Nguyễn Thị Lan, Xác định cha, mẹ, con theo Luật HNGĐ Việt Nam - Cơ sở lí luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2010;
5. Trần Thị Xuân, Xác định cha, mẹ, con với việc đảm bảo quyền trẻ em, Luận văn thạc sĩ luật học, hà nội, 2014;
6. Các trang web:
- http://infonet.vn/
- http://moj.gov.vn/

5 comments:

  1. xa hoi ngày càng cần luật phát nghiêm minh !

    ReplyDelete
  2. với app iura hỏi đáp luật pháp qua ứng dụng điện thoại nhanh hơn bao giờ hết https://iura.vn/tai-ung-dung/

    ReplyDelete
  3. Sản Xuất, Cung Cấp Giàn Giáo Và Các Thiết Bị XD Chất Lượng Cao, Đạt Chuẩn. Gia Công Trực Tiếp. Báo Giá Tốt Nhất. An Toàn và Chắc Chắn. Đạt Tiêu Chuẩn.

    ReplyDelete