Bài tập nhóm Công pháp quốc tế: Phân tích việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của xã hội, mỗi quốc gia lại có một chế định riêng về vấn đề quốc tịch. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong hệ thống pháp luật của từng quốc gia quốc tịch là một chế định pháp lý bao gồm các qui định điều chỉnh hình thức và nội dung mối quan hệ pháp luật được thiết lập giữa một cá nhân với một nhà nước. Hiện nay, phần lớn các quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch là chủ yếu. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch giữa các quốc gia là rất khác nhau, trong đó có Việt Nam.
B. Nội Dung
I. Một số vấn đề pháp lý về quốc tịch
1. Khái niệm
Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý hai chiều, được xác lập giữa cá nhân với một quốc gia nhất định, có nội dung là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người đó được pháp luật của quốc gia quy định và bảo đảm thực hiện. 2. Đặc điểm
Thứ nhất, Quan hệ quốc tịch có tính bền vững và ổn định, thể hiện ở cả thời gian và không gian.
Thứ hai, quan hệ quốc tịch mang tính cá nhân, chỉ có ý nghĩa với chính cá nhân đó.
Thứ ba, quan hệ quốc tịch mang tính hai chiều thể hiện ở quyền và nghĩa vụ của quốc gia đối với công dân của mình và ngược lại.
Thứ tư, quan hệ quốc tịch được điều chỉnh bằng cả hai hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Thứ năm, quan hệ quốc tịch là căn cứ để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan tới một cá nhân.
II. Việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia trong đó có Việt Nam
1. Nguyên tắc một quốc tịch
Là nguyên tắc phổ biến nhất, bao gồm nguyên tắc một quốc tịch triệt để và nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Luật quốc tịch các nước không quy định thành nguyên tắc cứng nhưng quan điểm một quốc tịch là quan điểm xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật Quốc tịch các nước nêu trên, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt luật quy định thì công dân của nước đó mới được phép mang hai quốc tịch.
a. Nguyên tắc một quốc tịch triệt để
Về nội dung, các quốc gia áp dụng nguyên tắc trên chỉ thừa nhận rằng một người có duy nhất một quốc tịch. Việc áp dụng chính sách một quốc tịch triệt để được coi là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, hạn chế hoặc loại bỏ những trường hợp hai hay nhiều quốc tịch.
Ưu điểm của nguyên tắc trên, đó là tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện chủ quyền quốc gia đối với dân cư.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên cũng bộc lộ một số hạn chế, đó là tình trạng dân số già có xu hường ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, các quốc gia áp dụng nguyên tắc trên cũng phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám, cũng như các vấn đề về nhân lực con người.
Các quốc gia tiêu biểu áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để, đó là: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia,…
b. Nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.
Nội dung quan trọng của nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo, đó là hạn chế một cá nhân có thể có hai hay nhiều quốc tịch, mục đích chính là để bảo đảm nguyên tắc một quốc tịch vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, việc hạn chế này chỉ có tính tương đối. Vì trong một số trường hợp đặc biệt, một cá nhân vẫn có thể có quốc tịch nước ngoài nếu họ thỏa mãn điều kiện nhất định.
Ưu điểm của nguyên tắc trên đó là vừa đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch, vừa đảm bảo nguồn lực phát triển, giúp các quốc gia xử lý linh hoạt hơn đối với trường hợp hai hay nhiều quốc tịch, đặc biệt, nguyên tắc trên dung hòa giữa nguyên tắc một quốc tịch triệt để và nguyên tắc đa quốc tịch.
Các quốc gia tiêu biểu áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo, đó là: Trung Quốc, Nga,…
2. Việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc tế
Nguyên tắc một quốc tịch là nguyên tắc mà các điều ước quốc tế đa phương hiện nay hướng đến, hạn chế hoặc loại bỏ những trường hợp hai quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch, nội dung chủ yếu bao gồm:
Thứ nhất, các quốc gia thành viên cam kết giảm các trường hợp cá nhân có hai hay nhiều quốc tịch (Định ước cuối cùng Hội nghị Lahaye 1930…). Thứ hai, khuyến nghị hoặc đề ra các biện pháp nhằm giải quyết các trường hợp hai hay nhiều quốc tịch (Định ước cuối cùng Hội nghị Lahaye 1930, Công ước Lahaye 1930…).
Thứ ba, đưa ra biện pháp khác nhằm hạn chế trường hợp hai hay nhiều quốc tịch. Ví dụ, như Công ước Liên hợp quốc xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong trường hợp kết hôn mà chồng đổi quốc tịch, thì không làm mặc nhiên thay đổi quốc tịch của vợ. Hay theo các điều ước quốc tế hữu quan, những người có hai hoặc nhiều quốc tịch có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của một trong các nước tham gia điều ước quốc tế, trong trường hợp không lựa chọn được quốc tịch thì họ được coi là công dân của nước nơi họ cư trú thường xuyên.
Đối với các điều ước quốc tế đa phương khu vực, các quốc gia thành viên tham gia soạn thảo và ký kết, nhằm đảm bảo thực hiện nguyên tắc một quốc tịch được đầy đủ và toàn diện, ngoài ra, còn nhằm hạn chế hoặc loại bỏ những trường hợp hai quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch. Ví dụ, như Công ước châu Âu 1963 quy định cho phép người hai hay nhiều quốc tịch được từ bỏ quốc tịch mà họ không muốn nếu họ thỏa mãn một số điều kiện, đồng thời, quốc gia bị chối bỏ quốc tịch không được từ chối yêu cầu đó.
3. Việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật một số quốc gia
a. Các quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để
Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia tiêu biểu trong việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để. Các quy định trong Luật quốc tịch Nhật Bản đều nhằm đảm bảo tối đa nguyên tắc trên.
Theo đó, điều kiện bắt buộc nếu một cá nhân muốn nhập quốc tịch Nhật Bản, đó là họ phải từ bỏ quốc tịch gốc của họ. Ngoài ra, một trong những căn cứ làm một cá nhân mất quốc tịch Nhật Bản là họ có quốc tịch nước ngoài.
Trong trường hợp một cá nhân có hai hay nhiều quốc tịch, thì cá nhân đó có nghĩa vụ lựa chọn quốc tịch. Nếu họ đã chọn quốc tịch Nhật Bản, nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài hoặc tự nguyện làm việc trong cơ quan nhà nước nước ngoài thì họ có thể bị tuyên bố mất quốc tịch.
Indonesia
Indonexia cũng là gia tiêu biểu khác trong việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để.
Luật quốc tịch Indonexia cũng có quy định về nghĩa vụ lựa chọn quốc tịch. Cũng như điều kiện bắt buộc để nhập quốc tịch Indonexia, đó là phải từ bỏ quốc tịch gốc. Đồng thời, còn đưa ra rất nhiêu căn cứ khác nhau có thể dẫn đến mất quốc tịch.
Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, Luật quốc tịch Indonexia cho phép trẻ em dưới 18 tuổi và thỏa mãn điều kiện nhất định, có thể có hai quốc tịch trong một khoảng thời gian. Việc pháp luật Indonexia quy định như vậy, nhằm mục đích giúp trẻ em có đủ chín chắn để hiểu được tầm quan trọng của quốc tịch, đồng thời, có đủ thời gian đánh giá, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
b. Các quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo
Trung Quốc
Việc Trung Quốc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo, xuất phát từ nhu cầu đảm bảo lợi ích đất nước. Các quy định trong Luật quốc tịch Trung Quốc đều nhằm hạn chế tình trạng hai hay nhiều quốc tịch.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, một cá nhân có thể nhập quốc tịch Trung Quốc, mà vẫn giữ được quốc tịch gốc, nếu họ thỏa mãn điều kiện nhất định. Ngoài ra, một cá nhân có thể có hai hay nhiều quốc tịch, nếu trong quá trình nhập quốc tịch Trung Quốc, họ không thể cung cấp quyết định thôi quốc tịch gốc, và trong trường hợp đó họ không có lỗi.
Nga
Luật quốc tịch Nga có một số điểm khác biệt so với pháp luật của các quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Đó là trong trường hợp, nếu một cá nhân có quốc tịch Nga và quốc tịch nước ngoài, thì quyền và nghĩa vụ của họ được xác định theo pháp luật Nga, mà không tính tới pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó mang quốc tịch. Trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Bên cạnh đó, nếu một cá nhân nhập quốc tịch Nga, họ không bắt buộc phải từ bỏ quốc tịch gốc. Đồng thời, nếu một cá nhân gia nhập quốc tịch khác, thì họ cũng không bị mất quốc tịch Nga.
4. Việc áp dụng nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật Việt Nam
Việt Nam là quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch. Theo từng giai đoạn, Việt Nam chuyển dần từ áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để, sang nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.
Có thể khẳng định rằng nguyên tắc cơ bản thể hiện trong Chương I của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 là nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.
Nếu Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998 có tên gọi là “nguyên tắc một quốc tịch” thì “nguyên tắc quốc tịch” là tên gọi của Điều 4 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008. Nguyên tắc quốc tịch được xác định trong Luật năm 2008 là: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy có thể thấy khác với Luật quốc tịch năm 1998 được xây dựng trên nguyên tắc một quốc tịch triệt để, Luật quốc tịch năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.
Nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo thể hiện ở chỗ một mặt Luật quốc tịch năm 2008 xác định ở nước CHXHCN Việt Nam mọi cá nhân đều có quyền có quốc tịch Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam, Nhà nước thừa nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, Nhà nước cũng thừa nhận tình trạng một số người có hai hoac nhiêu quôc tịch.
C. Kết Luận
Nguyên tắc một quốc tịch là nguyên tắc phổ biến nhất trên thế giới, và cũng là nguyên tắc được các điều ước quốc tế song phương và đa phương hướng đến. Trong áp dụng nguyên tắc một quốc tịch, nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo đang được ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn, trong đó có Việt Nam vìi những ưu điểm nổi trội của nó.
Danh Mục Tài Liệu Tham Khảo
1. Giáo trình luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. Giáo trình luật quốc tế, ThS.Nguyễn Thị Kim Ngân – ThS.Chu Mạnh Hùng (Đồng chủ biên), Nxb.GD, Hà Nội, 2010.
3. Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
4. Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 – Bước tiến mới trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam, PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Tạp chí luật học, 2009.
5. Người hai hay nhiều quốc tịch – một số vấn đề pháp lý và thực tiễn, Phan Thị Kim Thủy, Hà Nội, 2011.
No comments:
Post a Comment