20/10/2015
Qui chế pháp lí và những vấn đề pháp lí phát sinh trong quá trình thanh toán bằng séc - Bài tập nhóm Luật Ngân hàng
Để thực hiện tốt chức năng trung gian thanh toán và quản lý các phương tiện thanh toán, đòi hỏi hệ thống Ngân hàng không ngừng đổi mới, hoàn thiện và mở rộng các phương tiện thanh toán nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Hoạt động dịch vụ thanh toán  là một nghiệp vụ phức tạp nhưng rất quan trọng đối với ngân hàng.Một trong những phương tiện thanh toán  có nhiều tiện lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao đó là việc sử dụng séc. Để tìm hiểu về vấn đề này, nhóm em lựa chọn đề tài: “Qui chế pháp lí về thanh toán bằng séc. Những vấn đề pháp lí phát sinh trong quá trình thanh toán bằng séc và đề xuất pháp lí để gia tăng hoạt động thanh toán bằng séc thay cho hoạt động thanh toán bằng tiền mặt”.

PHẦN NỘI DUNG

1. Một số vấn đề lý luận chung về thanh toán bằng séc.

Séc là một phương tiện thanh toán được sử dụng rộng rãi trong các nước có hệ thống ngân hàng phát triển cao. Hiện nay séc là phương tiện chi trả được dùng hầu như phổ biến trong thanh toán nội địa của tất cả các nước. Séc cũng được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế về hàng hóa, cung cấp lao vụ, du lịch và về các chi trả phi mậu dịch khác. Ở Việt Nam, chế độ thanh toán bằng séc hiện hành được thực hiện theo quy định của luật công cụ chuyển nhượng và các quy định cụ thể trong quyết định số 30/2006/QĐ-NHNNN của Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước ngày 11/07/2006 về việc Ban hành quy chế cung ứng và sử dụng séc.

1.1 Khái niệm

Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

Nội dung cần có của một tờ séc: Mặt trước séc có từ “Séc” được in phía trên séc; số tiền xác định; tên người bị ký phát; tên của người thụ hưởng; địa điểm thanh toán; ngày ký phát; tên và chữ ký của người ký phát. Mặt sau của séc được sử dụng để ghi các nội dung chuyển nhượng séc.

1.2 Chủ thể tham gia quan hệ thanh toán bằng séc

Các chủ thể tham gia quan hệ thanh toán séc có thể chia thành các nhóm chính sau:

- Nhóm chủ thể thực hiện dịch vụ thanh toán là các tổ chức cung ứng:

Séc và tham gia vào quá trình thanh toán, thu hộ séc, với tư cách là người bị kí phát, người thu hộ, người có liên quan, bao gồm: Ngân hàng nhà nước Việt Nam; kho bạc nhà nước; ngân hàng thương mại, nhân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sánh, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác; quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép cung ứng, thanh toán hoặc thu hộ séc;

- Các tổ chức, cá nhân sử dụng séc và liên quan đến việc sử dụng séc, bao gồm: người kí phát, người chuyển nhượng, người được chuyển nhược, người bảo lãnh, người được bảo lãnh, người thụ hưởng, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của những người trên và những người khác có liên quan đến sử dụng séc.

Tham gia quan hệ thanh toán bằng séc có thể có các chủ thể sau:

- Người kí phát là người lập và ký phát hành séc;

- Người bị kí phát là người có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên séc theo lệnh của người ký phát;

- Người thụ hưởng là người sở hữu séc với tư cách của một trong những người sau đây: Người được nhận thanh toán số tiền ghi trên séc theo chỉ định của người kí phát; hoặc là người nhận chuyển nhượng séc theo các hình thức chuyển nhượng quy định của Luật công cụ chuyển nhượng; hoặc là người cầm giữ séc mà tờ séc có ghi trả cho người cầm giữ.

- Người có liên quan là người tham gia vào quan hệ thanh toán séc bằng cách kí tên trên séc với tư cách là người kí phát, người chuyển nhượng, người bảo chi hoặc người bảo lãnh…

- Người thu hộ ngân hàng hay tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam làm dịch vụ thu hộ séc.

- Trung tâm thanh toán bù trừ séc là Ngân hàng nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức khác được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép để tổ chức, chủ trì việc trao đổi, thanh toán bù trừ séc, quyết toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc thanh toán bù trừ séc cho các thành viên là ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

2. Qui chế pháp lí về thanh toán về thanh toán bằng séc

2.1 Cung ứng séc

Chủ thể được cung ứng séc bao gồm ngân hàng nhà nước và các ngân hàng tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cung ứng séc trắng cho các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác cung ứng séc trắng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản để ký phát séc.

Tổ chức cung ứng séc được tổ chức việc in séc trắng hoặc lựa chọn nơi in để ký hợp đồng in séc trắng trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và yếu tố chống giả của séc trắng do mình cung ứng cho người sử dụng. Trước khi séc trắng được in và cung ứng để sử dụng, các tổ chức cung ứng séc phải đăng ký mẫu séc trắng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thông báo cho các bên liên quan về mẫu séc trắng của mình.

Tổ chức cung ứng séc quy định điều kiện, thủ tục đối với việc bảo quản, sử dụng séc do mình cung ứng như: Số lượng séc trắng cung ứng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm phù hợp với nhu cầu và độ tin cậy trong thanh toán của từng đối tượng cụ thể; phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong lưu trữ, bảo quản, luân chuyển séc trắng và séc trong quá trình xử lý thanh toán trong nội bộ tổ chức cung ứng séc. Quy định về trách nhiệm trong việc bảo quản séc trắng và những yêu cầu trong việc sử dụng séc đối với người được cung ứng séc trắng…

Theo quy định của pháp luật thủ tục cung ứng séc trắng thực hiện như sau: Khi có nhu cầu sử dụng séc, chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản ủy quyền lập giấy đề nghị cung ứng séc nộp cho tổ chức tín dụng cung ứng séc. Tổ chức cung ứng séc có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người đề nghị cung ứng séc. Trước khi giao cho khách hàng, tổ chức cung ứng séc trắng phải chịu trách nhiệm in, dập chữ hoặc ghi sẵn nội dung các yếu tố: Số séc, tên người bị ký phát, tên người ký phát séc; địa điểm thanh toán và các nội dung khác trên tờ séc trắng nếu thấy cần thiết và để thuận tiện cho người sử dụng.

Tổ chức cung ứng séc phải mở sổ theo dõi tên, địa chỉ, số hiệu tài khoản của người được cung ứng séc, số lượng và ký hiệu (số xê ry, số séc) của các tờ séc cung ứng cho người được cung ứng và yêu cầu người được cung ứng séc phải ký nhận vào sổ theo dõi.


Người được cung ứng séc phải kiểm đếm số lượng tờ séc, tính chính xác của các yếu tố trên tờ séc trắng được cung ứng, nếu thấy sai sót phải báo cáo ngay để đổi lấy tờ séc khác. Sau khi đã nhận séc trắng từ tổ chức tín dụng cung ứng séc, nếu xảy ra sai sót hoặc để séc bị lợi dụng thì chủ tài khoản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra.

2.2 Ký phát séc

Ký phát séc là việc người ký phát séc ký và chuyển giao séc lần đầu cho người thụ hưởng.

Chủ thể ký phát séc phải là tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Người ký phát phải đảm bảo có đủ khả năng thanh toán để chi trả toàn bộ số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng tại thời điểm séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình. Khả năng thanh toán có thể là số dư trên tài khoản thanh toán mà người ký phát có quyền sử dụng; hoặc số dư trên tài khoản thanh toán cộng với hạn mức thấu chi mà người ký phát được phép sử dụng theo thỏa thuận với người bị ký phát.

Một số quy định về ký phát séc:

- Tờ séc phải được lập trên mẫu séc trắng do người bị ký phát cung ứng nếu séc được lập trên tờ séc trắng không phải do người bị ký phát cung ứng thì người bị ký phát có quyền từ chối thanh toán tờ séc đó.

- Số tiền thanh toán trên séc phải được ghi bằng số và bằng chữ. Số tiền được ghi bằng số và bằng chữ phải khớp nhau, nếu số tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì séc không có giá trị thanh toán. Cách thức ghi số tiền trên séc phải đúng quy định (cách viết hoa, cách viết không cách dòng…). Số tiền thanh toán trên séc được ghi trả bằng ngoại tệ phải theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối cụ thể: séc ghi trả bằng ngoại tệ được thanh toán bằng ngoại tệ khi người thụ hưởng cuối cùng được phép thu ngoại tệ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; nếu không được phép thu ngoại tệ thì số tiền ghi trên séc sẽ được thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán trong trường hợp ngân hàng thực hiện thanh toán.

Séc được ký phát để ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và kèm theo một trong các cụm từ như “không chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh”… tùy theo trường hợp cụ thể.

2.3 Chuyển nhượng, nhờ thu séc.

2.3.1 Chuyển nhượng séc.

Chuyển nhượng là việc người thụ hưởng chuyển giao quyền sở hữu séc cho người nhận chuyển nhượng theo một trong các hình thức “ký chuyển nhượng” hoặc “chuyển giao”.

* Chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng: Là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu séc cho người nhận chuyển nhượng bằng cách ký vào mặt sau séc và chuyển giao séc cho người nhận chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng được áp dụng đối với tất cả các loại séc (trừ séc không chuyển nhượng).

Người chuyển nhượng có thể ký chuyển nhượng theo hai hình thức: ký để trống hoặc ký đầy đủ.

- Ký chuyển nhượng để trống: là việc người chuyển nhượng ký vào mặt sau của tờ séc và chuyển giao séc cho người nhận chuyển nhượng.

- Ký chuyển nhượng đầy đủ: là việc người chuyển nhượng ký vào mặt sau tờ séc và phải ghi đầy đủ tên của người được chuyển nhượng, ngày chuyển nhượng.

* Chuyển nhượng bằng chuyển giao: Là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu séc cho người nhận chuyển nhượng bằng cách chuyển giao séc cho người nhận chuyển nhượng.

Việc chuyển nhượng bằng chuyển giao được áp dụng với các loại séc sau: séc được ký phát trả cho người cầm giữ; séc chỉ có một chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống; séc có chuyển nhượng cuối cùng là ký chuyển nhượng để trống.

2.3.2 Nhờ thu séc.

Để được thanh toán số tiền trên séc, người thụ hưởng séc có thể chuyển giao séc để nhờ thu bằng cách ký chuyển nhượng cho một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (người thu hộ) để nhờ thu theo thỏa thuận.Trong trường hợp không thể trực tiếp xuất trình tại địa điểm thanh toán, người thu hộ có quyền chuyển giao séc đó cho người thu hộ khác để người thu hộ này xuất trình tờ séc.

Người thu hộ chỉ có quyền thay mặt cho người chuyển giao để xuất trình séc, nhận số tiền ghi trên séc, chuyển giao séc cho người thu hộ khác nhờ thu séc, truy đòi số tiền ghi trên séc đối với người ký phát và người chuyển giao séc trong trường hợp người thu hộ này đã thanh toán trước số tiền ghi trên séc cho người thụ hưởng và séc được nhờ thu bị người ký phát từ chối thanh toán.

2.4 Bảo đảm thanh toán séc.

Bảo đảm thanh toán séc là biện pháp duy trì khả năng cho người thụ hưởng được thanh toán số tiền ghi trên séc. Bảo đảm thanh toán séc gồm hai hình thức là bảo chi và bảo lãnh séc.

* Bảo chi séc là việc người ký phát bảo đảm thanh toán cho tờ séc khi tờ séc được xuất trình để thanh toán trong thời hạn xuất trình theo quy định.

Điều kiện để thực hiện bảo chi là: Tờ séc đã được điền đầy đủ thông tin, rõ ràng các yếu tố quy định; Người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc, hoặc nếu không đủ tiền trên tài khoản nhưng được người bị ký phát chấp thuận cho người ký phát thấu chi đến một hạn mức nhất định để đảm bảo khả năng thanh toán cho số tiền ghi trên tờ séc; Người ký phát yêu cầu được bảo chi tờ séc đó. Và những người bị ký phát được từ chối bảo chi séc nếu tờ séc không đáp ứng được một trong những điều kiện quy định trên.

Bảo chi được thực hiện theo thủ tục nhất định (trường hợp sử dụng tài khoản tiền gửi để bảo đảm thanh toán séc). Người ký phát séc lập và nộp vào người bị ký phát “ủy nhiệm chi” và tờ séc đã ghi đầy đủ các yếu tố, có đủ chữ ký và dấu (nếu có) ở mặt trước của tờ séc. Người bị ký phát kiểm soát đối chiếu và kiểm tra các điều kiện để thực hiện bảo chi tờ séc theo quy định nếu đủ điều kiện thì ghi ngày, tháng, năm và ký tên đóng dấu của người bị ký phát, kèm cụm từ “bảo chi” lên mặt trước của tờ séc. Giao tờ séc đã làm thủ tục bảo chi cho khách hàng.

Khi đã bảo chi séc, người bị ký phát chi chịu trách nhiệm bảo đảm khả năng thanh toán số tiền ghi trên séc đến hết thời hạn xuất trình của tờ séc. Sau thời hạn đó mà tờ séc vẫn chưa được xuất trình đòi thanh toán, người ký phát có quyền yêu cầu người bị ký phát chấm dứt việc tạm giữ hoặc phong tỏa số tiền dùng để đảm bảo khả năng thanh toán cho tờ séc đó.

* Bảo lãnh séc là việc người thứ ba (người bảo lãnh) cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hay một phần số tiền ghi trên séc khi người được bảo lãnh không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ tờ séc.

Thủ tục bảo lãnh: Người bảo lãnh ghi cụm từ “bảo lãnh”, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người được bảo lãnh trên mặt trước tờ séc hoặc trên văn bản đính kèm. Trường hợp bảo lãnh không ghi tên người được bảo lãnh thì việc bảo lãnh được coi là bảo lãnh cho người ký phát.

Người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được tiếp nhận quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan đến séc, xử lý tài sản đảm bảo của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát và những người có trách nhiệm với người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.

2.5 Xuất trình và thanh toán séc.

2.5.1 Xuất trình séc.

Việc xuất trình séc để thanh toán được coi là hợp lệ khi séc được người thụ hưởng (hoặc người được thụ hưởng ủy quyền), người thu hộ xuất trình séc đúng địa điểm, đúng thời hạn theo quy định.

- Nếu tờ séc được xuất trình trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký phát và người ký phát có đủ khả năng thanh toán để chi trả số tiền ghi trên séc, thì người bị ký phát có trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng hoặc người được thụ hưởng ủy quyền ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình đó.

- Nếu tờ séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá 6 tháng kể từ ngày ký phát, thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu họ không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc đó và người ký phát có đủ khả năng thanh toán.

- Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ghi là đăng ký trên séc thì việc thanh toán chỉ được thực hiện từ ngày ký phát ghi trên séc.

2.5.2 Thanh toán.

* Tiếp nhận và kiểm tra séc

Người bị ký phát phải kiểm tra các yếu tố trên tờ séc để đảm bảo:

- Người yêu cầu được thanh toán là người thụ hưởng hợp pháp của tờ séc đó theo quy định.

- Tờ séc được lập trên mẫu séc trắng do mình cung ứng và được điền đầy đủ các yếu tố theo quy định.

- Tờ séc còn trong thời hạn xuất trình để thanh toán.

- Chữ ký và dấu (nếu có) của người ký phát séc hoặc người được ủy quyền ký phát séc khớp đúng với mẫu đã đăng ký tại người bị ký phát.

- Không ký phát séc vượt quá thẩm quyền quy định tại văn bản đại diện ký phát séc.

- Tính liên tục của dãy chữ ký chuyển nhượng trên tờ séc.

- Đối chiếu đảm bảo khớp đúng số séc, số tiền trên tờ séc với số tiền được kê trên bảng kê nộp séc.

- Cộng lại tổng số tiền trên bảng kê nộp séc, số tiền bằng chữ phải khớp đúng với số tiền bằng số.

- Các yếu tố khác theo quy định có liên quan.

Khi phát hiện có sai sót trong bảng kê séc thiếu một trong các điều kiện nêu trên thì người bị ký phát phải yêu cầu lập lại bảng kê nộp séc khác thay thế, nếu không có gì sai sót thì phải ký xác nhận về việc nhận séc theo yêu cầu của người thu hộ hoặc người thụ hưởng.

* Kiểm tra khả năng thanh toán của tờ séc và xử lý chính xác, an toàn.

- Nếu số dư trên tài khoản, hoặc số dư cộng với hạn mức thấu chi trên tài khoản gửi tiền thanh toán của người ký phát đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc, thì người bị ký phát ghi ngày, tháng, năm thanh toán, ký tên rồi xử lý theo quy định của pháp luật.

- Nếu khoản tiền mà người ký phát được sử dụng tại người bị ký phát không đủ để chi trả cho toàn bộ số tiền ghi trên séc, người bị ký phát thông báo cho người ký phát về việc tờ séc không đủ khả năng thanh toán.

Người thụ hưởng có quyền yêu cầu hoặc thông qua người thu hộ yêu cầu người bị ký phát tiến hành một trong hai phương thức sau:

+ Lập giấy xác nhận từ chối thanh toán đối với toàn bộ số tiền ghi trên séc và trả lại tờ séc cho mình.

+ Thanh toán một phần số tiền ghi trên tờ séc (tối đa bằng khoản tiền người ký phát được sử dụng tại người bị ký phát) và lập giấy xác nhận từ chối  thanh toán đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán.

- Trường hợp có nhiều tờ séc nộp cùng vào một thời điểm để đòi tiền từ một người ký phát mà khả năng chi trả của người này không đủ để thanh toán tất cả các tờ séc đó, thì thứ tự thanh toán sẽ được xác định theo ngày ký phát và theo thứ tự số séc đã được ký phát. Cụ thể, tờ séc có ngày ký phát trước sẽ được thanh toán trước và nếu tờ séc có cùng ngày ký phát thì séc có số thứ tự nhỏ sẽ được thanh toán trước.

* Đình chỉ thanh toán séc

Người ký phát có quyền yêu cầu đình chỉ thanh toán séc mà mình đã ký phát bằng việc thông báo bằng văn bản cho người bị ký phát, yêu cầu đình chỉ thanh toán khi séc này được xuất trình yêu cầu thanh toán.

Thông báo đình chỉ thanh toán chỉ có hiệu lực sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký phát. Người ký phát có nghĩa vụ thanh toán số tiền ghi trên séc sau khi séc bị người bị ký phát từ chối thanh toán theo thông báo đình chỉ của mình.

* Từ chối thanh toán séc: Séc bị coi là bị từ chối thanh toán nếu sau thời hạn quy định 1 ngày mà người thụ hưởng chưa nhận được đủ số tiền ghi trên séc.

3. Những vấn đề pháp lí phát sinh trong quá trình thanh toán bằng séc.

3.1 Truy đòi do séc không được thanh toán

Trong trường hợp séc bị từ chối thanh toán, người thụ hưởng bằng một bước hoặc nhiều bước thông báo bằng văn bản cho người bị kí phát

Người kí phát, người chuyển nhượng chịu trách nhiệm liên đới thanh toán cho người thụ hưởng toàn bộ số tiền ghi trên séc. Người bảo lãnh chịu trách nhiệm liên đới thanh toán cho người thụ hưởng số tiền đã cam kết bảo lãnh.

Người thụ hưởng có quyền yêu cầu thanh toán các khoản tiền sau đây: Số tiền không được thanh toán, chi phí truy đòi, các chi phí hợp lí có liên quan khác, tiền lãi trên số tiền chậm trả.

3.2 Trường hợp làm mất séc, hoặc séc bị hư hỏng

Nếu người kí phát làm mất tờ séc trắng thì người làm mất séc thông báo ngay cho người bị kí phát.

Nếu người làm mất séc là người thụ hưởng thì người làm mất séc thông báo ngay cho người bị kí phát, thông báo yêu cầu ra thông báo đình chỉ thanh toán đối với tờ séc. Người thụ hưởng phải thông báo rõ trường hợp bị mất séc.

Trường hợp người bị mất séc không phải người thụ hưởng thì phải thông báo ngay cho người thụ hưởng để người thụ hưởng làm các thủ tục đã quy định ở trên.

Người làm mất séc sau khi có thông báo mất séc có quyền yêu cầu làm người kí phát kí phát lại tờ séc có cùng nội dung với tờ séc đã mất với cam kết bằng văn bản. Người bị kí phát không được thanh toán tờ séc đã được báo mất.

Khi tờ séc bị hư hỏng, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người kí phát kí lại tờ séc có cùng nội dung để thay thế nếu đáp ứng một số điều kiện. 

3.3 Xử lí đối với trường hợp kí phát séc không đủ khả năng thanh toán.

- Vi phạm lần thứ nhất: trường hợp tờ séc được xuất trình trong thời hạn thanh toán nhưng khoản tiền mà người kí phát được sử dụng để kí phát séc tại người bị kí phát không đủ để chi trả toàn bộ số tiền trên tờ séc thì sau khi lập giấy xác nhận từ chối thanh toán theo qui định, người bị kí phát có trách nhiệm gửi thông báo tới người kí phát đê yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả số tiền ghi trên séc; sau khi trực tiếp trả tiền cho người thụ hưởng, người kí phát thông báo cho người bị kí phát về việc đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền đồng thời gửi kèm theo tờ séc đã được thanh toán. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo từ chối thanh toán tới người kí phát, nếu người bị kí phát không nhận được thông báo về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ séc đã được thanh toán thì người bị kí phát có trách nhiệm đinh chỉnh ngay và vĩnh viễn quyền kí phát séc của người vi phạm đồng thời thông báo cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về người vi phạm và hình thức xử lí.

- Vi phạm lần thứ hai: Người kí phát tái phạm cách lần thứ nhất dưới 12 tháng, nếu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người bị kí phát, người kí phát thanh toán ngay cho người thụ hưởng và gửi thông báo cho người bị kí phát về việc đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền kèm tờ séc đã được thanh toán thì người bị kí phát tạm thời đình chỉnh thanh toán séc trong vòng 6 tháng đồng thời thông báo cho Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về người vi phạm.

- Vi phạm lần thứ ba: trong 12 tháng nếu người kí phát vi phạm 3 lần thì người bị kí phát đình chỉ ngay và vĩnh viễn quyền kí phát séc của người vi phạm và xử lí theo các biện pháp qui định.

3.4 Khởi kiện và giải quyết tranh chấp về séc.

Sau khi gửi thông báo về việc séc bị từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên séc, người thụ hưởng có quyền khởi kiện tại Tòa án đối với một, một số hoặc tất cả những người có liên quan để yêu cầu thanh toán số tiền gồm: Số tiền không được thanh toán; chi phí truy đòi, các chi phí hợp lí có liên quan khác; tiền lãi trên số tiền chậm trả kể từ ngày séc bị từ chối thanh toán theo qui định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Người thụ hưởng không xuất trình séc để thanh toán trong thời hạn qui định haowcj không gửi thông báo về việc bị từ chối thanh toán trong thời hạn qui định thì mất quyền khởi kiện đối với những người có liên quan trừ người kí phát.

Người có liên quan bị khởi kiện theo qui định được quyền khởi kiện người chuyển nhượng trước mình, người kí phát hoặc những người bão lãnh cho những người này về số tiền mình đã thanh toán, chi trả, kể từ ngày người có liên quan này hoàn thành nghĩa vụ thanh toán séc.

Người thụ hưởng có quyền khởi kiện người kí phát, người bảo lãnh, người chuyển nhượng số tiền qui định trong thời hạn ba năm, kể từ ngày séc bị từ chối thanh toán.

Người có liên quan bị khởi kiện theo qui định có quyền khởi kiện người kí phát, người chuyển nhượng trước mình, người bảo lãnh trong thời hạn hai năm kể từ ngày người có liên quan này hoàn thanh nghĩa vụ thanh toán séc.

Trường hợp người thụ hưởng không xuất trình séc để thanh toán đúng hạn theo qui định hoặc không gửi thông báo về việc séc bị từ chối thanh toán trong thời hạn qui định thì chỉ có quyền khởi kiện người kí phát trong thời hạn hai năm, kể từ ngày kí phát séc.

Trong thời hiệu khởi kiện theo qui định trên, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền khởi kiện của người thụ hưởng và người có liên quan thì thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện

Tranh chấp về séc có thể được giải quyết tại Tòa án hoặc trọng tài thương mại.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về séc. Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp về séc một cách độc lập với các giao dịch cơ sở phát hành séc và chỉ dựa trên hồ sơ khởi kiện.

4. Thực trạng hoạt động thanh toán bằng séc hiện nay.

Séc là một trong những phương tiện thanh toán đã có lâu đời ở các nước phát triển. Dựa trên Công ước thế giới về Séc năm 1933, các nước đều ban hành Luật Séc, hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Séc. Để việc sử dụng séc được nhanh chóng, thuận tiện không chỉ trong cùng địa phương và cùng tổ chức phát hành séc, các nước đều có Trung tâm xử lý thanh toán bù trừ séc ngoài hệ thống và khác địa phương do Ngân hàng Trung ương hoặc Hiệp hội Ngân hàng quản lý. Nhờ vậy, phương tiện thanh toán bằng séc được sử dụng phổ biến ở nhiều nước phát triển.  

Mỹ là nước sử dụng thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng sớm nhất, thẻ thanh toán cũng ra đời đầu tiên ở Mỹ nhưng theo Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ Atlanta (trích dẫn trong Bank Technology News, tháng 1/2005) thì số lượng thanh toán điện tử đã đạt đến 44, 5 tỷ USD, so với 46,7 tỷ USD thanh toán bằng séc; nhưng về mặt giá trị thì thanh toán điện tử chỉ đạt 27,4 ngàn tỷ USD, trong lúc thanh toán bằng séc đạt 39,3 ngàn tỷ USD; thanh toán bằng séc ở Bồ Đào Nha còn chiếm tới 81% trong tổng lượng giao dịch, ở Ireland là 70%, ở Pháp là 56%, ở Anh là 51%; bình quân sử dụng séc tính theo đầu người hàng năm ở Pháp là 80 món, ở Hà Lan là 56 món, bởi chi phí cho việc phát hành, thanh toán séc vừa đơn giản, an toàn và tiết kiệm, vì vậy, người dân, nhất là các nước Tây Âu đều thích sử dụng séc hơn là thẻ ATM, cụ thể thanh toán bằng thẻ ở Luxemburg chiếm 23% với 23 món/ người/ năm, ở Pháp 15% với 21 món/ người/năm.  

Còn ở Việt Nam, phương tiện thanh toán bằng séc đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, khi có sự xuất hiện của người Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên vào thời điểm đó, chỉ có những người có địa vị trong xã hội và một số tâng lớp thượng lưu mới được mở tài khoản tại ngân hàng và sử dụng séc. Những người dân bình thường chưa tiếp cận với loại phương tiện thanh toán này. Sau này, với sự phát triển ngày càng nhanh của thương mại quốc tế, nhất là sau thòi ký mở kinh tế của nước ta từ những năm 1990 và cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã ngày càng mở rộng và hiện nay séc cũng đã được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng séc chủ yếu vẫn là những pháp nhân, những cá nhân vẫn còn sử dụng hầu hết là thanh toán bằng tiền mặt. Ở các ngân hàng thương mại, hình thức thanh toán bằng séc chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2%) trong tổng thanh toán phi tiền mặt; trong đó chủ yếu là thanh toán giữa các doanh nghiệp với nhau, còn thanh toán giữa doanh nghiệp với cá nhân, giữa cá nhân với cá nhân rất ít. Trong khi thanh toán bằng séc rất thuận lợi và nhanh chóng trong giao dịch mua bán. Người mua hàng ký séc đưa cho người bán và người bán chỉ cần cầm séc và CMND ra ngân hàng là có thể nhận được tiền. Theo ông Vũ Huy Toản, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thanh toán bằng séc bị hạn chế là do chưa có quy định bắt buộc về hạn mức phải thanh toán bằng séc mà hiện chỉ "động viên" dùng séc.

Thực tế, tâm lý của người bán nhận séc thường lo ngại là trên tài khoản của người mua không còn tiền, séc giả, dễ dẫn đến rủi ro trong giao dịch nên hay từ chối việc thanh toán séc. Phần lớn các giao dịch mua bán hiện nay được sử dụng bằng phương thức ủy nhiệm chi là chính (ở TP HCM chiếm khoảng 75% trong thanh toán không dùng tiền mặt) nhưng hình thức này thời gian thanh toán dài hơn, đòi hỏi 2 bên phải ký hợp đồng mua bán mới có thể lập ủy nhiệm chi để trả tiền.

Việc thanh toán séc cũng gặp không ít phiền phức. Hiện nay khách mua và khách bán hàng có tài khoản ở cùng một ngân hàng thì khi khách bán đến ngân hàng để nộp séc, ngân hàng sẽ ghi có trên tài khoản khách bán và ghi nợ trên tài khoản khách mua. Nhưng khi khách mua và khách bán không có tài khoản ở cùng một ngân hàng, buộc các ngân hàng thương mại phải thông qua hệ thống thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước. Mỗi ngày ở đây chỉ có 2 phiên thanh toán bù trừ (vào lúc 10h sáng và 15h) và việc kiểm tra séc ở Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ yếu là thủ công. Nếu các ngân hàng phát hành mấy chục ngàn tờ séc mỗi ngày thì việc thanh toán bù trừ trong ngày gặp rất nhiều khó khăn.  

5. Đề xuất pháp lí để gia tăng hoạt động thanh toán bằng séc thay cho hoạt động thanh toán bằng tiền mặt.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, các quan hệ kinh tế không ngừng được mở rộng và đa dạng dưới nhiều hình thức. Ngân hàng là cầu nối giữa các quan hệ kinh tế của doanh nghiệp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán của mình.Vì công tác tín dụng, thanh toán của NH là nhân tố trực tiếp tác động đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế và các cá nhân trong nền kinh tế.

Séc là một công cụ thanh toán truyền thống, có nhiều tiện ích và được sử dụng rộng rãi trên thế giới và góp phần đắc lực vào việc mở rộng phát triển Thị trường kinh doanh thương mại ở các nước đang phát triển. Song ở Việt nam, Séc vẫn còn mới mẻ và chưa phát huy được hết tiềm năng cũng như tiện ích của nó trong thanh toán. Thực trạng thanh toán bằng séc tại NH cho thấy thanh toán bằng séc còn rất hạn chế và nhiều bất cập, do đó tỷ trọng sử dụng séc trong tổng thanh toán còn rất thấp. Để góp phần mở rộng thanh toán băng séc, để séc thực sự phát huy hết những lợi thế của nó, góp phần vào việc phát triển TTKDTM, cần có một số giải pháp sau:

5.1. Đẩy mạnh việc áp dụng séc cá nhân trong thanh toán.

Hiên nay, thanh toán séc tại NH đang chủ yếu áp dụng đối với khách hàng là các đơn vị kinh tế, đơn vị hành chính sự nghiệp, áp dụng với cá nhân tuy đã triển khai nhưng số món thanh toán hầu như không đáng kể. Trong khi đó, qua kinh nghiệm của các nước cho thấy, loại hình thanh toán thích hợp nhất trong dân cư là phat hành séc cá nhân. Thông thường, khi có nhu cầu thanh toán, các cá nhân rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi của mình để chi trả. Mặt khác, với sự phát triển của nền kinh tế như hiện nay, xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng lớn… thực hiện thanh toán qua NH, thu nhập của nguời dân ngày một tăng, mức sống cao, thực hiện chi trả lương qua tài khoản nên có thể nói đây là thời điểm hợp lý để NH đẩy mạnh việc áp dụng Séc cá nhân nhằm khai thác triệt để mọi nguồn vốn trong dân cư lại tiết kiệm được chi phí cho NH, cho xã hội, góp phần chống lạm phát, tham ô và tiêu cưc khác.

5.2. Khuyến khích việc mở rộng và sử dụng tài khoản cá nhân tại NH.

Đối với mỗi NH, muốn tăng tỷ lệ TTKDTM nói chung và thanh toán bằng Séc nói riêng thì trước tiên phải tăng số tài khoản giao dịch của khách hàng tại NH. Nó là điểm xuất phát của việc khách hàng đến với NH và sử dụng các dịch vụ của NH. Điều đó có thể lý giải tại sao trong năm 2002-2003 nghành NH cả nước đều tiến hành một cách nhanh chóng hiệu quả lộ trình của hiệp định thương mại Việt-Mỹ trong giai đoạn này là: “Khuyến khích việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán và thực hiện các dịch vụ qua NH.” Vì vậy NH phải làm sao để họ tin tưởng vào hệ thống NH, thấy được lợi ích trong việc mở tài khoản thanh toán. Như vậy, cán bộ NH ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ thì cần làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn…để người dân sử dụng dịch vụ của mình. Đi sâu tiếp cận từng đối tượng khách,chú ý các đối tượng có thu nhập ổn định, thường xuyên có các khoản thanh toán đều theo kỳ cho doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ như: tiền nước, tiền điện, phí bưu chính..trên địa bàn; chú ý các đối tượng tập chung như các công nhân trong các nhà máy, công ty trên địa bàn quận, phối hợp với họ để tiến hành thanh toán qua NH cho các cá nhân có mức lương tối thiểu phải đạt đến một mức nào đó; phối hợp với công ty Bảo hiểm, các quỹ hỗ trợ,… để tăng lượng tài khoản mở tại NH, kích thích người dân đến với NH đồng thời giúp NH tìm ra khách hàng tiềm năng của mình. Điều tối cần thiết là NH phải tuyên truyền cho người dân biết NH cung ứng những loại dịch vụ gì, chi phí ra sao, tiện ích như thế nào…để họ có điều kiện lựa chọn và sử dụng. Ngoài ra NH cũng nên mở rộng phạm vi sử dụng tài khoản cá nhân, có hình thức khuyến khích để biến tài khoản tiền gửi thanh toán thanh tài khoản tiền gửi dài hạn.Cụ thể là thực hiện tài khoản tiền gửi hỗn hợp, nếu sử dụng tài khoản thì hưởng lãi xuất thấp, nếu ít thì hưởng lãi xuất cao hoặc có hình thức liên thông giữa tài khoản thanh toán gốc và các tài khoản khác. Ví dụ: Như ở nước ngoài, NH mở cho khách hàng hai loại tài khoản là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn.Với tài khoản không kỳ hạn thì yêu cầu khách hàng phải duy trì một hạn mức nào đó, nếu không đủ số dư trên tài khoản đó thì chuyển từ tài khoản có kỳ hạn sang, còn nếu thừa tiền trên tài khoản đó thì chuyển sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để được hưởng lãi. NH nên đẩy mạnh hiện đại hoá hơn nữa: Dịch vụ gửi một nơi, rút nhiều nơi, dịch vụ tài khoản điện tử, dịch vụ NH tại nhà…tạo điều kiện thuận lợi để triển khai ở diện rộng dịch vụ tài khoản cá nhân.

5.3. Áp dụng cho vay đối với séc chuyển khoản.

Để mở rộng và phát triển thanh toán Séc hơn nữa, một trong những cách để hấp dẫn khách hàng là giảm bớt những hạn chế trong thanh toán séc mà gây cho khách hàng tâm lý ngại sử dụng phương tiện này. Đối với Séc chuyển khoản, ta thấy có nhược điểm là chủ tài khoản rễ phát hành quá số dư, mặc dù người phát hành không cố ý dẫn đến người thụ hưởng không được thanh toán ngay, còn người phát hành thì bị phạt chậm trả.Lúc này, trong thanh toán bất lợi cho cả hai bên mua, bán. Khi đó, NH nên cho vay thanh toán đối với chủ tài khoản phát hành séc chuyển khoản quá số dư.Như vậy, cả đôi bên đều có lợi. Ban đầu, NH có thể áp dụng hình thức này với những khách hàng tín nhiệm. Về sau có thể nghiên cứu từng đối tượng khách hàng cụ thể mà quy định có được áp dụng cho vay kiểu này hay không và hạn chế mức bao nhiêu. Với giải pháp này, một mặt giúp được khách hàng giữ được uy tín với đối tác, mặt khác khách hàng không bị gián đoạn trong kinh doanh. Như vậy khách hàng sẽ gắn bó với NH hơn và khó có thể rời bỏ NH đến với NH khác. 
Hơn nữa, NH còn thu được một khoản lợi từ số tiền cho vay đó, làm tăng thu nhập cho NH.

5.4. Tạo ra nhiều lợi ích hơn cho khách hàng trong thanh toán séc.

Thông thường,người phát hành chỉ được phát hành tờ Séc với giá trị tối đa bằng số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán, người thụ hưởng chỉ được ghi Có sau khi NH đã lấy được tiền từ người phát hành. Nhưng tuỳ vào từng đối tượng, NH nên đặt hạn mức và điều kiện thanh toán séc để có thể ghi Có ngay cho người thụ hưởng khi họ nộp Séc vào NH nhăm tăng tốc độ thanh toán. NH cũng nên có chính sách khách hàng để ấn định tỷ lệ ký quỹ thích hợp khi thực hiện xác nhận séc trong thanh toán Séc bảo chi.

5.5. Tuyên truyền, quảng cáo.

Theo số chuyên đề của báo cáo Tài chính Ngân hàng, theo điều tra tại TP.Hồ Chí Minh thì mới chỉ có 20% dân cư biết đến NH. Đó là kết quả không lấy gì làm tốt khi đó lại là con số thống kê của một thành phố sôi động nhất cả nước. Người dân chưa biết nhiều đến NH nói gì đến việc hiểu về các dịch vụ của NH. Vì vậy NH cần xác định công tác tuyên truyền quảng cáo là vô cùng cần thiết. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động quảng cáo có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Trong hoạt động kinh doanh NH cũng vậy, để thanh toán bằng Séc thực sự được dân chúng hưởng ứng rộng rãi, NH cần có cách thức “để đưa Séc đến với dân chúng”. Cụ thể qua nhiều hình thức khác nhau, qua nhiều kênh thông tin đại chúng. Đây cần phải được coi là việc làm thường xuyên, liên tục, tích cực chứ không được làm qua loa đại khái, mang tính hình thức từng đợt.

5.6. Hiện đại hoá công nghệ thanh toán qua NH và đội ngũ cán bộ.

Hiện nay, để có thể đứng vững trên thị trường cạnh tranh trong nghành NH ,việc hiện đại hoá công nghệ nói chung và hiện đại hoá công nghệ hiện đại hoá công nghệ thanh toán qua NH nói riêng là công tác vô cùng quan trọng trong việc thu hút khách hàng.Nó còn là một trong các định hướng cơ bản có tính chất quyết định trong tiến trình đổi mới toàn diện, sâu sắc của NH nói chung. Để thực hiện mục tiêu này, NH cần phải trang bị cơ sở vật chất ban đầu, nhất là hệ thống máy móc hiện đại để đáp ứng yêu cầu đổi mới CNTT.Vì vậy để có thể đáp ứng kịp thời và hầu hết các nhu cầu thực tế của thị trường, NH cần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hoá công nghệ trên các mặt sau:

- Xử lý kịp thời một số trục trặc kỹ thuật của chương trình giao dịch một cửa trên hệ thống máy tính được coi là hiện đại nhất hiện nay.Một mặt giúp NH thực hiện đúng vai trò thanh toán của mình với khẩu hiệu:Nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đem lại sự tin tưởng và gắn bó với khách hàng đồng thời tiết kiệm được sức lao động cho cán bộ NH.

- NH nên nối mạng với tất cả các chi nhánh NH trên toàn quốc để thanh toán trực tiếp với nhau.Từ đó rút ngắn thời gian thanh toán, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Bên cạnh việc hiện đại công nghệ hiện đại hoá trong NH thì việc nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, kỹ năng của cán bộ NH cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh doanh.Trước tình hình đó, NH nên tuyển dụng vào những vị trí cần thiết, thường xuyên có kế hoạch đào tạo cán bộ NH, cho đi học để nâng cao nghiệp vụ trên các mặt, để có được một đội ngũ cán bộ với diện mạo mới: thành thạo nghiệp vụ, tác phong nhanh nhẹn, hiện đại, văn minh, lịch sự trong giao tiếp với khách hàng.Nên có thêm nhiều buổi họp để cán bộ công nhân viên và lãnh đạo rút kinh nghiệm cải tiến phong cách giao dịch để khách hàng không phải chờ đợi lâu.Tiến hành đánh giá, xếp loại, bình bầu theo những tiêu chí nhất định để kích thích nâng cao ý thức tự giác trong cán bộ công nhân viên.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu các quy định của pháp luật về thanh toàn bằng séc cho chúng ta thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lí cơ bản cho sự phát triển của loại phương tiện thanh toán này. Tuy nhiên, vì nhiều lí do chủ quan cũng như khách quan khác nhau mà trên thực tế sự phát triển của thanh toán bằng séc ở Việt Nam hiện nay chưa đạt được sự mong đợi. Để việc thanh toán bắng séc trở nên phổ biến hơn nữa, trong thời gian tới cần phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện quy chế pháp lý cho phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam, đồng thời tang cường tuyên truyền giới thiệu về phương tiện thanh toán náy với đông đảo nhân dân.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội – 2014.
2. Luật Ngân hàng Việt Nam năm 2010.
3. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
4. Quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước số 30/2006/QĐ – NHNN ngày 11/07/2006 ban hành quy chế cung ứng và sử dụng séc.

No comments:

Post a Comment