03/11/2015
Phân tích vai trò và ý nghĩa của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện cũng là lúc nhiều vấn đề mới trong xã hội phát sinh và cần được giải quyết. Một công cụ quan trọng để Nhà nước tiến hành hoạt động quản lí, kiểm tra, giám sát của mình đối với xã hội chính là hệ thống những văn bản quy phạm pháp luật, nơi chứa đựng những quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung đối với mọi công dân. Để có một văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh và có hiệu lực trên thực tế thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn trong đó không thể không kể đến hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một giai đoạn nhỏ nằm trong giai đoạn soạn thảo văn bản pháp luật nhưng có những ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa của hoạt động đánh giá dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động xây dựng văn bản pháp luật sau đây nhóm em xin lựa chọn đề tài số 2 làm bài tập nhóm của mình: “Phân tích vai trò và ý nghĩa của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.

NỘI DUNG

I. Một số vấn đề chung.

1. Khái niệm VBQPPL

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó chứa đựng các quy tắc xử sự chung được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống.

2. Khái quát quy trình xây dựng VBQPPL

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải trải qua những bước sau:

a, Lập chương trình / kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ thể sáng kiến có thể là cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đại biểu Quốc hội, HĐND. Cơ sở đề xuất sáng kiến xây dựng văn bản, các chủ thể đưa ra sáng kiến xây dựng văn bản pháp luật dựa vào 3 cơ sở sau:

- Cơ sở thực tiễn: là thực trạng đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, dựa vào đó các chủ thể tìm ra các nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên thực tiễn để đưa ra đề nghị.

- Cơ sở pháp lí: là những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Người đề xuất sáng kiến phải dựa trên cơ sở những điểm chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật để đưa ra sáng kiến 

- Cơ sở chính trị: Người đề xuất sáng kiến xây dựng văn bản dựa vào những chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng để thể chế hóa thành quy định của pháp luật đảm bảo sự tác động của pháp luật đúng định hướng của Đảng.

Nội dung của chương trình/ kế hoạch xây dựng VB QPPL, gồm: Tên danh mục VBQP được ban hành; Cơ quan chủ trì soạn thảo; Dự kiến thời gian hoàn thành; Dự kiến nguồn kinh phí.

b, Soạn thảo VB QPPL

Trước tiên phải thành lập ban soạn thảo. Thành phần ban soạn thảo gồm trưởng ban là lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và tổ biên tập gồm những người am hiểu về chuyên môn, nhà pháp lí, nhà pháp lí, nhà khoa học,… Nhiệm vụ của ban soạn thảo: Khảo sát và đánh giá tình hình thực tiễn có liên quan đến nội dung dự thảo để thu thập thông tin. Nghiên cứu những thông tin thực tiễn đã thu thập được; chủ trương, chính sách của Đảng để chế hóa cho phù hợp; quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; Các tài liệu có liên quan. Sau đó tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp; Đánh giá dự báo tác động của văn bản; Xây dựng đề cương cho dự thảo văn bản từ sơ bộ đến chi tiết; Soạn thảo văn bản.

c, Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo

Cơ quan thực hiện chính là cơ quan chủ trì soạn thảo,lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan Nhà nước có liên quan; cá nhân, tổ chức chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; Tổ chức xã hội, trong đó Mặt trận tổ quốc Việt Nam là bắt buộc. Cơ quan thực thực có thể lấy ý kiến bằng các phương thức như tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc họp, hội thảo về chuyên môn; thông qua văn bản; Đăng tải trên Internet. Kết quả thu được sẽ đóng góp cho dự thảo, trên cơ sở đó cơ quan chủ trì sẽ tổng hợp ý kiến và chỉnh sửa dự thảo.

d, Thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Thẩm tra, thẩm định dự thảo là việc cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét toàn diện dự thảo trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy pháp pháp luật.

e, Trình dự thảo VBQPPL

Sau khi dự thảo đã được hoàn thiện, đã có báo cáo thẩm tra, thẩm định, ban soạn thảo phải có văn bản trình dư thảo, sau đó gửi hồ sơ dự thảo đến cơ quan ban hành để xem xét và thông qua dự thảo. Việc xem xét dự thảo VBQPPL có thể được tiến hành một hoặc nhiều lần, tùy thuộc vào tính chất và nội dung của từng dự thảo.

f, Thông qua, kí, ban hành văn bản QPPL.

VB QPPL đã được thông qua cần được ban hành bằng cách công bố rộng rãi với những hình thức khác nhau để nhân dân và những đối tượng có liên quan biết và thực hiện. Việc công bố văn banrQPPL là cơ chế hữu hiệu bảo đảm tính công khai, minh bạch của pháp luật, do đó cần được chú ý thực hiện trên thực tế.

3. Hoạt động đánh giá tác động của dự thảo

Đây là một bước nằm trong quá trình soạn thảo VBQPPL đòi hỏi các nhà làm luật phải có được những nhận định, đánh giá ban đầu khi soạn dự thảo. Mặc dù, khi lập chương trình/ kế hoạch xây dựng VBQPPL các nhà làm luật đã phải dựa trên cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, tuy nhiên khi đi vào cụ thể chi tiết các quy phạm lại phải được đánh giá kiểm tra lần nữa để đảm bảo sự hiệu quả, tính hợp pháp hợp lí của văn bản QPPL.

II. Vai trò và ý nghĩa của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo VBQPPL.

1. Vai trò của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản qui phạm pháp luật.

Thứ nhất, đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL nhằm dự báo những tác động tích cực, tiêu cực của dự thảo văn bản. Việc dự báo những tác động tích cực hay tiêu cực của dự thảo văn bản là rất cần thiết bởi vì tùy vào từng thời điểm xã hội, tình hình kinh tế, giáo dục mà xem xét có nên hay không ban hành văn bản qui phạm pháp luật và khi nó ra đời thì có những mặt nào đáp ứng được, mặt nào còn có vướn mắc. Ví dụ như cần có hoạt động đánh giá tác động của dự thảo ban hành Luật Dân số để quy định về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bố dân số, lồng ghép dân số trong phát triển, biện pháp thực hiện công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số. Qua đó, chúng ta xem xét trên thực tế có giải quyết được tình trạng mật độ tình trạng của dân cư trên các thành phố lớn hay không, hay chất lượng đời sống dân cư có được ổn định không.... Nếu không có hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản thì việc ban hành những văn bản không cần thiết sẽ dẫn đến sự lãng phí công sức, tiền bạc,... mà đôi khi những bất cập của xã hội thì chưa được giải quyết triệt để.

Thứ hai,  đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành. 

Không thể đòi hỏi một cách tuyệt đối đối với hiệu quả của VBQPPL, cho dù đã cố gắng hết sức để nghiên cứu, tìm ra những phương án tối ưu nhất song ít nhiều có những hạn chế nhất định là điều không thể tránh khỏi. Để văn bản quy phạm pháp luật ban hành có hiệu quả thì trước hết phải chú trọng tới việc dự liệu những phương án giải quyết các vấn đề trước và sau khi VBQPPL được ban hành. Trong đó có những vấn đề cần giải quyết, phương hướng giải quyết, cơ quan thực hiện, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và các vấn đề khác như đội ngũ cán bộ, kinh phí thực hiện,… Việc hoạch định ra những dự liệu này không chỉ phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật mà còn phải dựa trên những nhu cầu khách quan và đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Có như vậy, khi văn bản quy phạm pháp luật ra đời, văn bản quy phạm pháp luật mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, có tính khả thi và hiệu quả trong cuộc sống. Ngoài ra, đối với đề nghị, kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phải nêu lên được những tác động kinh tế - xã hội, nội dung, chính sách cơ bản của văn bản,… Cùng với đó, phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lập và thực hiện chương trình bằng cách quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm đối với các cơ quan tham gia xem xét dự kiến chương trình; với cơ quan đề nghị xây dựng văn bản thì cần phải có trách nhiệm giải trình và bảo vệ dự kiến chương trình do mình đề xuất. 

Thứ ba, đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL là cơ sở để so sánh, đánh giá tác động của VBQPPL đối với xã hội trước và sau khi ban hành.

Đây là yếu tố quan trọng  mà các nhà làm luật phải cố gắng đạt được khi tiến hành soạn thảo VBQPPL bởi vì điều người dân quan tâm không phải là việc quá trình các nhà làm luật soạn thảo VBQPPL như thế nào, họ đã làm những gì để tạo nên một VBQPPL mà quan trọng đối với họ là việc sau khi VBQPPL ra đời nó đem lại những lợi ích gì cho xã hội, khắc phục được vẫn đề gì so với trước đó. Cụ thể, các nhà làm luật phải nhìn nhận, so sánh khả năng VBQPPL sẽ có những tác động tích cực hay tiêu cực gì đến những mặt cụ thể nào.

II.  Ý nghĩa của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản qui phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò, tác động vô cùng to lớn trong đời sống xã hội, thường được ban hành và sử dụng trong một thời gian khá dài nên cần tiến hành đánh giá tác động của nó thật khoa học và chính xác.  Hoạt động đánh giá tác động của dự thảo VBQPPL có ý nghĩa trong việc hoàn thiện VBQPPL trước khi ban hành. Bởi như đã nói, VBQPPL là loại văn bản được sử dụng trong một thời gian dài, đối tượng điều chỉnh là các quan hệ thuộc nhiều lĩnh vực trong xã hội. Vì vậy, việc đưa ra một VBQPPL hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian và công đoạn. Việc đánh giá tác động của dự thảo văn bản trước khi văn bản đó được ban hành sẽ hạn chế những sai sót, hạn chế của văn bản. 

Ngoài ra, hoạt động đánh giá tác động của dự thảo VBQPPL còn nâng cao tính chủ động, bảo đảm tính kỷ luật trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, đòi hỏi các cơ quan ban hành văn bản pháp luật có trách nhiệm hơn, nghiêm túc hơn trong hoạt động xây dựng văn bản pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của văn bản sau khi được ban hành đưa vào thực tiễn sử dụng.

Việc xây dựng, soạn thảo và ban hành một văn bản pháp luật cần rất nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động trong xã hội. Vì vậy, một dự thảo văn bản có tính khoa học và chính xác càng cao sẽ hạn chế tối đa được việc sửa đổi, hủy bỏ sau khi ban hành. Việc này sẽ có ý nghĩa trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí trong công tác xây dựng và ban hành văn bản qu Trong quá trình soạn thảo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan nhà nước ban hành ra nó theo dõi và đánh giá những kết quả đạt được đối với quá trình thực hiện văn bản  quy phạm pháp luật. Đánh giá tác động của dự thảo là hoạt động nhằm đưa ra những mặt lợi, mặt hại của dự thảo khi được áp dựng trên thực tế. Việc đánh giá tác động của dự thảo giúp cơ quan nhà nước có được cái nhìn đúng đắn, đầy đủ, khách quan về hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Mặt khác, các cơ quan có thể phát hiện ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không phù hợp trong các văn bản quy phạm  pháp luật khác liên quan đến văn bản quy ph ạm đang được theo dõi, đánh giá. Thông qua đó, cơ quan nhà nước có thể lập được những chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới với những nội dung phù hợp thực tiễn và đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

KẾT LUẬN

Trên đây là phần phân tích về vai trò và ý nghĩa của hoạt động đánh giá tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó có thể thấy tầm quan trọng không thể thiếu của hoạt động này đối với việc xây dựng và hoàn thiện một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, có hiệu quả khi thực thi trên thực tế. Các cơ quan có thẩm quyền nên tiến hành hoạt động này một cách cẩn trọng, tỉ mỉ và trách nhiệm để tránh tình trạng chưa đánh giá đúng cũng như những điểm thiếu xót trong văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ tốt hoạt động quản lí nhà nước.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật trường đại học Luật Hà Nội- xnb CAND- 2008.
2. http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4486#.
3. http://www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/lists/posts/post.aspx?Source=&Category=&ItemID=2341&Mode=1

No comments:

Post a Comment