14/03/2015
Vai trò của hoạt động hợp tác hải quan đối với hoạt động tự do hóa thương mại hàng hóa ASEAN
Bài tập nhóm Pháp luật cộng đồng ASEAN - Bình luận hoạt động hợp tác hải quan trong ASEAN dưới các góc độ: Cơ sở pháp lí; Thực tiễn triển khai; Vai trò của hoạt động này đối với hoạt động tự do hóa thương mại hàng hóa ASEAN. - 8,5 điểm.

Từ thực tiễn triển khai các hoạt động hợp tác khu vực về Hải quan, chúng ta có thể thấy rằng các cơ quan hải quan tại các quốc gia thành viên ASEAN đã bắt đầu thúc đẩy hiện đại hóa các quy trình và thủ tục hải quan với mục tiêu chính là tăng cường thuận lợi hóa thương mại, những hoạt động này có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN. 

Thứ nhất, hoạt động hợp tác hải quan trong ASEAN đã hỗ trợ xây dựng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). AFTA là khu vực thương mại hình thành giữa các nước ASEAN, mà tại đó các rào cản thương mại được dỡ bỏ, đồng thời các hoạt động thuận lợi hóa thương mại được xúc tiến đối với hàng hóa qua lại giữa các quốc gia thành viên. 

Hợp tác khu vực trong vấn đề hải quan đã góp phần thực hiện những mục tiêu của AFTA, cụ thể như sau:

- Để tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại hàng hóa nội khối, các quốc gia đã sử dụng danh mục biểu thuế chung thông qua việc tạo ra Danh mục biểu thuế hài hoà ASEAN (AHTN). Biểu AHTN này được sửa đổi 5 năm một lần nhằm rà soát, cập nhật chính xác các mặt hàng đang được trao đổi, buôn bán trong khu vực. 

Mẫu tờ khai hải quan chung của khu vực đối với các hàng hóa thuộc diện được hưởng thuế suất CEPT cũng đã được thống nhất; các thủ tục hải quan được đơn giản và minh bạch hóa để việc trao đổi thương mại diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. 

Ngoài ra, do các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ nên thương mại nội khối cũng sẽ được củng cố và tạo điều kiện phát triển. Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số dòng thuế linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế). Như vậy, dự kiến từ tháng 1 năm 2015 sẽ có trên 1.700 dòng thuế được cắt giảm xuống 0%. 

Về chế độ quản lí, hiện nay, trong khuôn khổ ASEAN, đã có 5 nhóm làm việc được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy quá trình tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên ASEAN phục vụ hội nhập kinh tế, trong đó có Nhóm về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại (CPTFWG). Các quốc gia đã có sự hợp tác và đưa ra những quy định pháp lí về thủ tục hải quan nhằm bảo đảm tính có thể dự đoán, tính nhất quán và minh bạch trong việc áp dụng luật hải quan của các quốc gia thành viên. Ngoài ra việc tăng cường quản lí hiệu quả, tiết kiệm các thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa nhanh chóng, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục và thông lệ cũng giúp thuận lợi hóa thương mại hàng hóa trong nội khối. 

- Hợp tác khu vực trong vấn đề hải quan cũng góp phần tăng cường liên kết giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy các quốc gia thành viên hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế khác. Qua việc hợp tác hải quan các quốc gia sẽ có sự liên kết chặt chẽ, gắn bó hơn, từ đó mỗi quốc gia vừa có thể phát triển thế mạnh của mình vừa có thể tìm kiếm những cơ hội hợp tác với các quốc gia khác trong các lĩnh vực như lao động, đầu tư,...

- Hợp tác hải quan trong ASEAN cũng có vai trò làm tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của các quốc gia thành viên. Khi tham gia hợp tác hải quan, mỗi quốc gia đều tự nâng cao số lượng và cả chất lượng của hàng hóa, dịch vụ của quốc gia mình, tạo ra một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên, kích thích sự phát triển về mọi mặt trong từng quốc gia.

Thứ hai, các hoạt động hợp tác hải quan trong ASEAN cũng có vai trò quan trọng trong tiến trình tự do hóa thuế quan. Cho đến nay, một số chương trình hợp tác hải quan tiêu biểu của ASEAN đang được triển khai như Khu vực tự do thương mại (AFTA) từ năm 1992, Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN 2009 (ATIGA). 

Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho AFTA 1992 (CEPT) nhằm hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). CEPT là một thỏa thuận chung gữa các nước thành viên ASEAN về giảm thuế quan trong nội bộ ASEAN xuống còn từ 0% đến 5%, đồng thời loại bỏ tất cả hạn chế về định lượng và các hàng rào phi thuế quan trong vòng 15 năm theo thỏa thuận ban đầu, sau đó rút ngắn xuống 10 năm, bắt đầu từ 1/1/1993 và hoàn thành vào 1/1/2013.

Trong CEPT, một trong những vấn đề hợp tác quan trọng để hình thành khi vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đó là hợp tác trong lĩnh vực hải quan, gồm có: 

- Thống nhất Biểu thuế quan. Để tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu ASEAN tiến hành việc buôn bán trong nội bộ Khu vực được dễ dàng và thuận lợi, cũng như các cơ quan Hải quan ASEAN dễ dàng trong việc xác định mức thuế cho các mặt hàng một cách thống nhất, ngoài ra phục vụ cho các mục đích thống kê, phân tích, đánh giá việc thực hiện CEPT- AFTA, cũng như tình hình xuất nhập khẩu nội khối, các nước đã quyết định sẽ thống nhất một biểu thuế quan trong khối ASEAN ở mức 8 chữ số theo Hệ thống hài hoà của Hội đồng hợp tác hải quan thế giới (HS). Hiện nay danh mục biểu thuế quan chung của ASEAN đã được xây dựng và hoàn thành.

- Thống nhất Hệ thống tính giá hải quan. Vào năm 2000, các nước thành viên ASEAN sẽ thực hiện phương pháp xác định trị giá hải quan theo GATT- GTV (GATT Transactions Value), thực hiện điều khoản VII của Hiệp định chung về thương mại và thuế quan 1994 ( Hiện nay là Tổ chức thương mại thế giới WTO) để tính giá hải quan.Một cách tóm tắt là giá trị hàng hoá để tính thuế xuất nhập khẩu là giá trị giao dịch thực tế giữa người xuất khẩu và ngưòi nhập khẩu, không phải là do nhà nước áp đặt.

- Xây dựng Hệ thống Luồng hải quan xanh. Hệ thống này được thực hiện từ 1/1/1996 nhằm đơn giản hoá hệ thống thủ tục hải quan dành cho các hàng hoá thuộc diện được hưởng ưu đãi theo Chương trình CEPT của ASEAN.

- Thống nhất thủ tục hải quan. Hai vấn đề đã được các nước thành viên ưu tiên trong việc thống nhất thủ tục hải quan là :

+ Mẫu tờ khai hải quan chung cho hàng hoá thuộc diện CEPT: Các nước ASEAN đã gộp ba loại tờ khai hải quan: Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) Mẫu D, Tờ khai hải quan xuất khẩu và Tờ khai hải quan nhập khẩu lại thành một mẫu tờ khai hải quan chung cho hàng hoá thuộc diện CEPT.

+ Thủ tục xuất nhập khẩu chung: bao gồm những vấn đề sau:

a) Các thủ tục trước khi nộp tờ khai hàng hoá xuất khẩu;

b) Các thủ tục trước khi nộp tờ khai hàng hoá nhập khẩu;

c) Các vấn đề về giám định hàng hoá;

d) Các vấn đề về gửi hàng trong đó giấy chứng nhận xuất xứ được cấp sau và có hiệu lực hồi tố;

e) Các vấn đề liên quan đến hoàn trả...

Tự do hóa thuế quan theo CEPT đã đạt được những thành tựu to lớn, tuyệt đại đa số các loại hàng hóa đã được cắt giảm thuế quan xuống 0-5%. Tuy nhiên với mục tiêu tự do hóa hoàn toàn thuế quan, Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN 2009 (ATIGA) đã ra đời vào ngày 26/2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010. 

ATIGA đã taọ ra khuôn khổ toàn diện cho các nỗ tự tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN. Cách thức cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo ATIGA tương tự như CEPT. Theo quy định của ATIGA, các quốc gia thành viên sẽ xóa bỏ thuế quan (xuống mức thuế 0%) đối với tất cả sản phẩm (trừ các sản phẩm thuộc diện loại trừ hoàn toàn trong danh mục H) trong quan hệ thương mại nội khối vào năm 2010 đối với ASEAN 6 và vào năm 2015, với linh hoạt tới năm 2018 đối với CLMV (tức là thuế nhập khẩu của một số sản phẩm của CLMV, không vượt quá 7% số dòng thuế, sẽ được xóa bỏ muộn hơn năm 2015 và muộn nhất là vào năm 2018)  

Thứ ba, hợp tác tải quan trong khu vực ASEAN cũng góp phần xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan. Các biện pháp phi thuế quan là các biện pháp ngoài thuế quan ảnh hưởng đến mức độ và hướng của các dòng hàng hóa xuất nhập khẩu, bao gồm: Các biện pháp hạn chế số lượng như quy định về hạn ngạch, giấy phép...; Các biện pháp phi thuế quan khác như các biện pháp hoặc yêu cầu về hành chính, kĩ thuật, vệ sinh dịch tễ... 

Các biện pháp phi thuế quan có tính chất hành chính pháp lí, không rõ ràng, khó nhận diện, khiến cho các nhà nhập khẩu khó dự đoán được thị trường nên sẽ làm cản trở tự do thương mại, gây khó khăn đối với thương mại hàng hóa. Hoạt động hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan sẽ góp phần phát hiện, xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan thông qua việc các quốc gia sẽ cùng đàm phán, thỏa thuận và xây dựng lộ trình xóa bỏ hàng rào phi thuế quan của mỗi quốc gia thành viên, cụ thể: 

- Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan phải xóa bỏ theo 3 giai đoạn bắt đầu từ ngày 1/1/2008, 2009 và 2010

- Philippines phải loại bỏ theo 3 giai đoạn bắt đầu từ 1/1/2010, 2011 và 2012

- Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam phải xóa bỏ trong 3 giai đoạn vào ngày 1/1/2013, 2014, 2015 với linh hoạt tới năm 2018.

Thứ tư, hoạt động hợp tác về hải quan trong ASEAN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa (Rules of Origin – RO). Theo cách hiểu chung nhất thì RO là tập hợp các quy định pháp luật và quyết định hành chính để xác định quốc gia được coi là đã sản xuất ra hàng hóa (quốc gia xuất xứ của hàng hóa) . Một trong những cơ quan có nhiệm vụ quản lí các quy tắc xuất xứ hàng hóa chính là cơ quan hải quan của mỗi quốc gia. Thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực hải quan trong khu vực, việc thực thi quy tắc cũng như việc chống gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa sẽ được nâng cao hiệu quả. Trong quá trình hợp tác về hải quan, đội ngũ hải quan của từng quốc gia sẽ được xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh, công tác tình báo hải quan được chú trọng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hải quan sẽ được nâng cao và từng bước hội nhập quốc tế, từ đó xây dựng mối quan hệ phối hợp, hợp tác trong lĩnh vực thống nhất chương trình hài hòa quy tắc xuất xứ không ưu đãi, thống nhất các quy tắc ưu đãi mà các bên tham gia và phối hợp kiểm tra, xác minh chống gian lận về xuất xứ hàng hóa. 

Thứ năm, một trong những thành tựu hợp tác hải quan ASEAN là việc hình thành Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với nòng cốt là các thành viên có mức độ phát triển tiên tiến của ASEAN và tạo nền tảng cho các thành viên đang phát triển khác. Đối với Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, các cơ quan hải quan ASEAN đóng vai trò tích cực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), cơ chế này dự kiến tạo ra một cầu nối chung giữa các cơ quan quản lý và thực thi cũng như các doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh thông quan và giải phóng hàng hóa.

Bên cạnh đó, với sự tham gia thử nghiệm của 7 nước thành viên (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), việc trao đổi dữ liệu điện tử C/O mẫu D và Tờ khai hải quan điện tử đã được hoàn tất. Tất cả các nước tham gia đều đã thử nghiệm thành công kết nối cổng ASW. Việc triển khai thí điểm chương trình Cơ chế hải quan một cửa ASEAN nhằm cải thiện các điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực đang được đẩy mạnh, đóng góp một phần không nhỏ trong tiến trình tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN.

Thứ sáu, hiện nay hải quan khu vực ASEAN đang có nhiều hoạt động chung để đảm bảo việc xây dựng hạ tầng về công nghệ và thủ tục hải quan thống nhất tiến tới một cộng đồng kinh tế với mức độ phát triển cân bằng giữa các thành viên của khối. Đồng thời, hợp tác hải quan cũng có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như vậy, trước yêu cầu về hội nhập kinh tế khu vực đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cộng đồng hải quan ASEAN đang có vị trí ngày càng quan trọng và đi đầu trong các hoạt động cải cách, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khu vực tự do hóa thương mại hàng hóa, tiến tới mục tiêu hình thành một cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. 

[1]  Bài viết: AFTA - nền tảng để ASEAN xây dựng Cộng đồng kinh tế, Trang tin điện tử Vietnam Economic News trực thuộc Báo Công Thương, VEN.VN

[2] Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT), MOIT.GOV.VN

[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Pháp luật cộng đồng ASEAN, Nxb. CAND, Hà Nội 2012, tr. 193

[4] Xem thêm: Lê Minh Tiến, “Quy tắc xuất xứ hàng hóa của Khu vực thương mại tự do ASEAN”, Tạp chí Luật học số 9/2011, tr. 65-72

[5] Bài viết: ASEAN nỗ lực hài hòa thủ tục hải quan, Báo Hải quan điện tử - baohaiquan.vn, Cơ quan của Tổng cục Hải quan.

No comments:

Post a Comment