Việt Nam là quốc gia đang đi trên con đường đổi mới và hội nhập với nề kinh tế Thế Giới. Để bắt kịp với quá trình này thì mỗi quốc gia phải có những cải cách nhằm làm phù hợp và thích nghi với môi trường bên ngoài. Trong công cuộc cải cách đó, cải cách về thuế luôn được các quốc gia chú trọng hàng đầu.
Việt Nam sau khi gia nhập WTO thì những biến đổi về cơ cấu thuế và nguồn thu ngân sách sẽ là điều không thể tránh khỏi. Vì thế thuế thu nhập cá nhân là điều đáng quan tâm không chỉ đối với Nhà nước ta mà còn đối với mỗi người dân. Bởi vậy, mong muốn được tìm hiều và nghiên cứu sâu sắc hơn về vấn đề này, nhóm chúng em xin lựa chọn đề tài: “Phân tích và làm sáng tỏ quy định của pháp luật về thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân, những hạn chế trong quản lý và kê khai thuế thu nhập cá nhân - hướng khắc phục”.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. KHÁI QUÁT VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Khái niệm
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập của mỗi cá nhân trong xã hội, trong khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế có tầm quan trọng lớn trong việc huy động nguồn thu cho ngân sách và thực hiện công bằng xã hội. Thuế thu nhập cá nhân đánh vào cả cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh. Thuế này thường được coi là loại thuế đặc biệt vì có lưu ý đến hoàn cảnh của các cá nhân có thu nhập phải nộp thuế thông qua việc xác định miễn, giảm thuế hoặc khoản miễn trừ đặc biệt.
2. Đặc điểm
- Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, đánh vào thu nhập chính đáng của từng cá nhân. Vì vậy nên nó phản ánh sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế theo luật và đối tượng chịu thuế theo ý nghĩa kinh tế. Người nộp thuế cũng là người chịu thuế, người chịu thuế thu nhập cá nhân không có khả năng chuyển giao gánh nặng thuế sang cho các đối tượng khác tại thời điểm đánh thuế.
- Thuế thu nhập cá nhân có diện đánh thuế rất rộng, thể hiện trên hai khía cạnh:
Thứ nhất, đối tượng đánh thuế thu nhập cá nhân là toàn bộ các khoản thu nhập của cá nhân thuộc diện đánh thuế, không phân biệt thu nhập đó có nguồn gốc phát sinh trong nước hay ở nước ngoài.
Thứ hai, đối tượng phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân là toàn bộ những người có thu nhập, bao gồm tất cả công dân của nước sở tại và những người nước ngoài cư trú thường xuyên hay không thường xuyên nhưng có số ngày có mặt, làm việc, có thu nhập theo mức độ quy định của pháp luật
- Thuế thu nhập cá nhân là một hình thức động viên mang tính bắt buộc trên nguyên tắc theo luật định. Phân phối khoản thu nhập qua thuế thu nhập cá nhân gắn với quyền lực, sức mạnh của Nhà nước.
- Thuế thu nhập cá nhân là khoản đóng góp không hoàn trả trực tiếp cho người nộp. Nó vận động một chiều, không phải là khoản thù lao mà người nộp thuế phải trả cho Nhà nước do được hưởng các dịch vụ Nhà nước cung cấp.
- Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều gắn chính sách thuế thu nhập cá nhân với một số chính sách xã hội khác (như phúc lợi công cộng, chăm sóc sức khỏe…).
- Việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần. Đặc điểm này xuất phát từ vai trò chủ yếu của thuế thu nhập cá nhân là điều tiết mạnh người có thu nhập cao, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Do vậy, việc sử dụng thuế suất lũy tiến từng phần sẽ đáp ứng được nhu cầu đó vì phần thu nhập tăng thêm càng cao thì sẽ phải tính thuế suất càng cao.
- Xét về góc độ kinh tế, thuế thu nhập cá nhân có tính trung lập cao hơn so với các loại thuế khác vì việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân hầu như không kéo theo những biến đổi về cơ cấu kinh tế.
Thuế thu nhập cá nhân có chức năng tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
3. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007:
“1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.”
Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và Thông tư 111/2013/TT-BTC đã giải thích, quy định chi tiết vấn đề này, cụ thể:
> Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
> Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
* Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và ngày đi căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Sự có mặt của cá nhân là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
* Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
- Có nơi ở thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú:
Đối với công dân Việt Nam, nơi ở thường trú là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
Đối với người nước ngoài, nơi ở thường trú là nơi ở thường xuyên ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế. Cụ thể cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam này nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,... không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
> Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh người nước ngoài là đối tượng cư trú căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
Các cá nhân là công dân Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài; cá nhân khác định cư tại Việt Nam có thu nhập đến mức phải chịu thuế theo quy định của pháp luật đều là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân khác định cư tại Việt Nam là người không mang quốc tịch Việt Nam, nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
II. PHÁP LUẬT VỀ THU NHẬP CHỊU THUẾ TRONG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân
Có thể hiểu, thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân là tổng các khoản thu nhập hợp pháp trên thực tế của cá nhân mà thuộc diện chịu thuế theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Theo Luật số 71/2014/QH13 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thu nhập chịu thuế gồm 10 loại:
1. Thu nhập từ kinh doanh.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
3. Thu nhập từ đầu từ vốn.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
6. Thu nhập từ trúng thưởng
7. Thu nhập từ bản quyền
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Các khoản thu nhập trên đã được quy định cụ thể, rõ ràng trong Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Thông tứ số 111/2013/TT-BTC, cụ thể bao gồm:
1.1. Thu nhập từ kinh doanh
Các khoản thu nhập chịu thuế từ kinh doanh bao gồm:
* Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật.
* Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
* Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đối với thu nhập từ những hoạt động này có thể được miễn thuế nếu thỏa mãn các điều kiện sau :
* Có quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản. Đối với đánh bắt thủy sản thì phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tàu, thuyền, phương tiện đánh bắt và trực tiếp tham gia đánh bắt thủy sản.
* Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về cư trú.Riêng đối với hoạt động đánh bắt thủy sản thì không phụ thuộc nơi cư trú.
* Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới chỉ sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Thu nhập từ kinh doanh từ các nguồn thu trên không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triều đồng/năm trở xuống.
1.2. Thu nhập từ tiền lương tiền công
Các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động bao gồm:
* Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được dưới các hình thức tiền hoặc không bằng tiền.
* Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
- Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
- Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
- Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp do suy giảm khả năng lao động; trợ cấp hưu trí một lần; tiền tuất hàng tháng; trợ cấp thôi việc; trợ cấp mất việc; trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
- Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
- Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
- Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc. Đối với khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
- Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
- Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế trên do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Đối với trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp cho phép thì phần vượt quá phải tính vào thu nhập chịu thuế.
* Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút; các khoản tiền hoa hồng, tiền dịch vụ và thù lao khác.
* Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp, và các tổ chức khác.
* Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức như:
- Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm khoản lợi ích về nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp hoặc nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp cho người lao động. Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.
- Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.
- Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu, như: Chăm sóc sức khỏe, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ.
- Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước.
- Các khoản lợi ích khác theo luật định như các khoản chi cho người lao động: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...
* Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán. Tuy nhiên, những khoản thưởng sau sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế:
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc quy định các khoản thưởng trên không tính vào thu nhập chịu thuế là hoàn toàn hợp lý vì những khoản thưởng này đều vì họ được hưởng do những thành tích, khả năng của mình hoặc để bảo vệ trật tự xã hội.
* Ngoài ra, các khoản sau sẽ không bị tính vào thu nhập chịu thuế, những khoản này không thuộc vào các trường hợp đã nêu ở trên, cụ thể:
- Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân (bố, mẹ, vợ/chồng, con) của người lao động.
- Khoản tiền nhận được theo chế độ liên quan đến sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức đảng, đoàn thể.
- Khoản tiền nhận được theo chế độ nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
- Các khoản nhận được ngoài tiền lương, tiền công do tham gia, phục vụ hoạt động đảng, đoàn, Quốc hội hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
- Khoản tiền ăn giữa ca do người sử dụng lao động chi cho người lao động không vượt quá mức quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
- Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần. Căn cứ xác định khoản tiền này là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay.
- Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
- Các khoản thu nhập cá nhân nhận được từ các Hội, tổ chức tài trợ mà cá nhân là thành viên của Hội, của tổ chức; kinh phí tài trợ được sử dụng từ nguồn kinh phí Nhà nước hoặc được quản lý theo quy định của Nhà nước; việc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu khoa học... thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước hay theo chương trình hoạt động phù hợp với Điều lệ của Hội, tổ chức đó.
- Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng. Căn cứ xác định là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia nơi người nước ngoài cư trú và ngược lại.
Các khoản trên được nhà làm luật quy định là nhằm loại trừ bớt những khoản người lao động được hưởng chính đáng và những khoản đó hoàn toàn không phải chịu thuế.
1.3. Thu nhập từ đầu tư vốn
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
* Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay. Tuy nhiên, những khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau không tính vào thu nhập chịu thuế:
- Thu nhập cá nhân nhận được từ lãi gửi Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng dưới các hình thức gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.
- Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi là sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm), chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.
* Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.
* Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ, thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân và của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ.
1.4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
* Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
* Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
* Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
1.5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm:
* Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
* Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.
* Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước.
* Các khoản thu khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
Thu nhập chịu thuế tại khoản này bao gồm cả khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.
Quy định về các công trình, nhà ở xây dựng hình thành trong tương lai được thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bất động sản.
1.6. Thu nhập từ trúng thưởng bằng tiền hoặc hiện vật
Thu nhập từ trúng thưởng là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây:
* Trúng thưởng xổ số do các công ty xổ số phát hành trả thưởng.
* Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại.
* Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược được pháp luật cho phép.
* Trúng thưởng trong các casino được pháp luật cho phép hoạt động.
* Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác do các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính, sự nghiệp, các đoàn thể và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức.
1.7. Thu nhập từ bản quyền
Thu nhập từ bản quyền là thu nhập nhận được khi chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Cụ thể các đối tượng đó là
* Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn liên quan: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.
* Đối tượng của chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Chuyển giao công nghệ: bí quyết kỹ thuật, kiến thức kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.
1.8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
Khoản 8 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Thu nhập từ nhượng quyền thương mại là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ các hợp đồng nhượng quyền thương mại nêu trên, bao gồm cả trường hợp nhượng lại quyền thương mại theo quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.”
1.9. Thu nhập từ thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế. Các khoản thu nhập này bao gồm:
* Chứng khoán: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
* Phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.
* Bất động sản: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.
Tuy nhiên, vẫn có khoản thu nhập từ thừa kế được miễn thuế, đó là thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
* Các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.
1.10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Thu nhập từ nhận quà tặng là khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cụ thể là chứng khoán; phần vốn trong các tổ chứng kinh tế, cơ sở kinh doanh; bất động sản và các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước giống như thu nhập từ nhận thừa kế nêu trên.
2. Tiểu kết
Tóm lại, có thể khẳng định rằng Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã bổ sung một số khoản thu nhập chịu thuế mà Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) không quy định như:
Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng;
Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng. Tuy nhiên, không thu thuế từ chuyển nhượng, thừa kế bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau; và thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC;
Thu nhập từ trúng thưởng khuyến mại dưới các hình thức, thu nhập từ trúng thưởng trong các hình thức cá cược, thu nhập từ trúng thưởng các cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác (trước đây chỉ tính thuế trúng thưởng xổ số).
Việc đánh thuế vào các khoản thu nhập này vừa góp phần kiểm soát được sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản, vừa đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi hoạt động tạo thu nhập, không trông chờ, ỷ lại vào người khác. So với Pháp lệnh, quy định này hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế, phong tục tập quán và truyền thống của nhân dân ta.
Bên cạnh việc quy định cụ thể, rõ ràng các loại thu nhập chịu thuế; Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) còn quy định mười sáu khoản thu nhập miễn thuế để bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong quá trình thực thi Luật. Bất kỳ khoản thu nhập nào thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều này đều không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
III. NHỮNG HẠN CHẾ TRONG QUẢN LÝ VÀ KÊ KHAI THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN – HƯỚNG KHẮC PHỤC
1. Hạn chế
Công tác quản lý và kê khai thuế thu nhập cá nhân hiện nay vẫn còn nhiều bất cập:
Thứ nhất, nói về mức khởi điểm chịu thuế, nhiều người vẫn nhầm lẫn đây là luật thuế đánh vào người có thu nhập cao nên nhiều người không kê khai thuế thu nhập. Thực chất nhiều người dân chưa xác định rõ mức khởi điểm để đánh thuế thu nhập. Và do nhiều bộ phận dân cư cho rằng thuế thu nhập thực chất chỉ đánh vào tiền lương, tiền công vì đại bộ phận người lao động có thu nhập từ lương nên họ không kê khai các khoản thu nhập khác.
Thứ hai là quá nhiều giấy tờ, thủ tục. Ví dụ như chỉ riêng những quy định về giảm trừ gia cảnh đã có rất nhiều loại giấy tờ, thủ tục, hồ sơ mà người nộp thuế cần phải thực hiện và đáp ứng. Chẳng hạn trường hợp người nộp thuế có con theo học và là người phụ thuộc thì đã cần: Giấy khai sinh, giấy xác nhận của trường hoặc bản chứng thực thẻ sinh viên, biên lai thu học phí hoặc chứng từ nộp khoản chi phí tiền học, tiền sinh hoạt phí có niên độ phù hợp với năm tính thuế. Song, nếu người nộp thuế được hoàn thuế thì lượng công việc, giấy tờ cần đáp ứng còn nhiều hơn nữa, gồm: Đơn xin hoàn thuế, bản photocopy giấy chứng minh nhân dân, tờ khai quyết toán thuế, các chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế, chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc, quyết định thôi việc, bản thanh lý hợp đồng lao động...
Luật gia Hữu Dung nhận xét: “Nếu một người nộp thuế phải tham gia tất cả quy trình trên thì có lẽ "cả năm chỉ đi lo thủ tục thuế". Sẽ là quá bất cập, phức tạp khi một người có thu nhập, sau khi giảm trừ gia cảnh thì không còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng lại vẫn phải đáp ứng đầy đủ "núi giấy tờ" và thủ tục như trên. Rõ ràng khi đó không chỉ người nộp thuế mất thời gian, công sức mà cơ quan thuế cũng ôm cả "biển việc", mà thực chất không thu được một đồng tiền thuế nào. Nhưng sẽ là bất cập hơn khi "quả bóng" đã được đá thẳng về phía người nộp thuế, trong khi cơ quan thuế chỉ ngồi im đòi hỏi người nộp thuế đáp ứng yêu cầu phức tạp này”.
Thứ ba, mức thuế suất quá cao không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần, mức thuế suất thấp nhất là 5%, cao nhất là 35%. So với điều kiện kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và đặc biệt là hệ thống an sinh xã hội của nước ta với các nước khác thì chưa hợp lý. Thực tế ở nhiều nước cũng quy định thuế suất tối thiểu 5%, nhưng cũng có nước quy định thấp hơn, chẳng hạn như Malaysia thu nhập đầu người hơn 2.000USD/năm, mức thuế suất chỉ có 1%.
Thứ tư là có quá nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của người nộp thuế. Do cơ chế tự khai, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan Thuế chưa thể kiểm soát chính xác được thu nhập của mọi cá nhân. Do đó, hành vi trốn thuế là không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc quản lý đối tượng giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong phạm vi toàn quốc.Việc kê khai giảm trừ gia cảnh chủ yếu dựa vào ý thức của đối tượng nộp thuế. Điều này đã tạo khe hở trong việc kê khai số người phụ thuộc. Không chỉ có vậy, do ý thức tự giác của người dân chưa cao nên nhiều cá nhân không quyết toán với cơ quan Thuế; có nhiều nguồn thu nhập nhưng khai ít hoặc không quyết toán thuế dẫn đến khai man để trốn thuế… Khi bị cơ quan Thuế phát hiện xử lý thì viện đủ lý do.
Thứ năm, Công tác kiểm tra sau khi hoàn thuế cũng gặp khó khăn, vì không có ứng dụng thông tin kiểm soát thu nhập toàn quốc. Cá nhân có bao nhiêu chứng từ khấu trừ thì giải quyết hoàn bấy nhiêu. Cơ quan Thuế chỉ kiểm soát được thông tin cá nhân có thu nhập trong phạm vi thẩm quyền của mình. Việc rà soát đăng ký giảm trừ gia cảnh cũng là điều khiến cơ quan Thuế băn khoăn. Tuy cơ quan Thuế biết những trường hợp không đủ điều kiện giảm trừ gia cảnh nhưng không thể ngăn chặn từ đầu mà chỉ kiểm tra khi có quyết định kiểm tra tại tổ chức chi trả. Đây là hạn chế của cơ chế tự khai, tự nộp.
Từ những hạn chế trên, có thể thấy được việc thu thuế thu nhập để tăng ngân sách Nhà nước không hề dễ dàng.
2. Hướng khắc phục
* Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức thuế. Cơ quan thuế các cấp cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thuế, về kĩ thuật tuyên truyền đến cán bộ thuế, nhất là cán bộ cơ sở để có thể nắm chắc mọi chính sách, chế độ, từ mục đích ý nghĩa đến nội dung cụ thể, đủ khả năng làm nhiệm vụ. Ví dụ như các giải pháp:
- Tạo diễn đàn cho các cán bộ có thể trao đổi thông tin, trau dồi thêm nghiệp vụ.
- Tích cực, thường xuyên đào tạo cán bộ thuế có trình độ, hăng say với công tác tuyên truyền pháp luật thuế để công tác có thể đạt được hiệu và và phát huy tính thiết thực.
- Tổng cục thuế, các Cục và Chi cục thuế không ngừng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách rộng rãi, đầy đủ nhất.
- Triển khai các chương trình lắng nghe ý kiến của dân và tổ chức nhiều đừng dây nóng bố trí cán bộ để có thể giải đáp các thắc mắc về quản lý thuế cho người dân.
* Thứ hai, các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm hơn đến vấn đề quản lý thu nhập của dân cư. Cần thiết có thể phân vùng dân cư theo lãnh thổ để công tác quản lý được hiệu quả, thu thập được thông tin chính xác.
* Thứ ba, đẩy mạnh quản lý thu nhập của cá nhân kinh doanh. Cá nhân kinh doanh có thu nhập hàng tháng cao hơn nên cũng khó quản lý hơn, vì vậy cần sát sao và chú ý hơn.
* Thứ tư, ngăn chặn hiện tượng gian lận trong kê khai thuế, tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế tự khai tự nộp thuế, thì công tác thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật thuế thu nhập cá nhân cần được đẩy mạnh, đòi hỏi cơ quan thuế phải tập trung lực lượng lớn vào việc tuyên truyền và thanh tra kiểm tra việc chấp hành luật thuế. Cơ quan thuế phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như cơ quan công an, cơ quan ngoại vụ, cơ quan quản lý lao động,... để nắm bắt kịp thời thông tin về đối tượng nộp thuế, nguồn phát sinh thu nhập, có biện pháp phân loại đối tượng nộp thuế thành các nhóm khác nhau để thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả.
* Thứ năm, cần đẩy mạnh việc thu thuế thu nhập cá nhân thông qua hệ thống ngân hàng, phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hướng tới việc quản lý thu nhập của cá nhân qua hệ thống ngân hàng. Có như vậy mới có thể kiểm soát được thu nhập cá nhân, đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách Nhà nước.
* Thứ sáu, thực hiện quyết toán cho từng đối tượng nộp thuế: việc quyết toán thuế cho từng đối tượng nộp thuế là cần thiết. Việc này sẽ giúp cơ quan thuế biết được tình hình thu nhập và nộp thuế của từng đối tượng, qua đó có thể cung cấp cho các cơ quan khác, các nhà lập pháp hoặc các cơ quan thuế cũng có thể sử dụng trong việc phân tích và đánh giá về chính sách thuế khả năng nộp thuế của dân cư. Quyết toán thuế hàng năm có thể phát hiện ra các trường hợp sai phạm. từ đó ngày càng hoàn thiện chính sách về thuế.
* Thứ bảy, đào tạo năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ thuế, kiện toàn tổ chức bộ máy thuế, chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành thuế song song với việc tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thuế theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
* Thứ tám, thiết lập hệ thống tính thuế thu nhập cá nhân tự động: để cơ chế tự khai, tự nộp thuế thu nhập cá nhân phát huy hiệu quả, cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức hệ thống thông tin dịch vụ kế toán, kê khai và tính thuế. Đồng thời cần có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, chia theo từng nhóm để quản lý; nên có cơ chế khuyến khích các đối tượng nộp thuế tự nguyện áp dụng phương pháp tự khai tự nộp thuế, chẳng hạn như cho phép được hưởng các khoản khấu trừ đặc biệt hoặc các chế độ ưu đãi khác.
* Thứ chín, xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ tư vấn thuế. Ví dụ như dịch vụ hướng dẫn luật thuế trong nước, tư vấn về luật thuế quốc tế, hoạch định kế hoạch tiết kiệm thuế, giải đáp thắc mắc về thuế đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân đang có hiệu lực thi hành…
* Thứ mười, tăng cường kiểm tra thuế thu nhập với người nước ngoài. Cơ quan thuế cần tổ chức nhiều cuộc gặp tuyên truyền giải thích về chính sách thuế để người nước ngoài tại Việt Nam tự giác kê khai, nộp thuế thu nhập.
* Thứ mười một, tăng cường kiểm tra thuế thu nhập với giới nghệ sĩ. Bởi việc quản lý thu nhập của họ là rất khó khăn. Vậy nên cần tăng cường quản lý và kiểm tra.
* Thứ mười hai, tạm ngưng đánh thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán.
KẾT LUẬN
Qua bài tiểu luận, chúng ta thấy rằng thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia, kể cả Việt Nam. Tuy nhiên Luật thuế thu nhập cá nhân nói chung và các quy định về thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập cá nhân, cũng như công tác quản lý và kê khai thuế thu nhập cá nhân nói riêng vẫn chưa phát huy hết vai trò và chức năng của nó. Ý thức tự kê khai, nộp thuế của người dân và quy trình thu thuế chưa thật sự hiệu quả. Qua đề tài này, nhóm chúng em mong muốn cái quy định về thuế thu nhập cá nhân ngày càng hoàn thiện và phát huy hết vai trò, chức năng của nó đối với nền kinh tế và sự công bằng trong xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình:
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thuế Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.
Văn bản quy phạm pháp luật:
1. Luật Quản lí thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
2. Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
3. Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
4. Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
5. Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
6. Nghị định số 14/VBHN-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
7. Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
8. Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2015 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối vói cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bỗ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định sổ 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đỗi, bổ sung một số điều của các Luật vè thuế và sửa đổi, bể sung một số điều của các Nghị định về thuế.
Cho mình hỏi, 1 tháng mình bán thiết bị đèn led nhà xưởng có doanh thu là 30 triệu đồng thì có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không ạ, nộp thì hết bao nhiêu ạ ?
ReplyDeleteBan co thu nhap tu kinh doanh nen van phai nop thue thu nhap ca nhan nhe
ReplyDeleteĐọc báo nhưng luật không cụ thể
ReplyDeletevà ...aLàm đẹp
ReplyDelete