09/02/2014
Bài tập nhóm Luật Tài chính - Phân tích những yếu tố để ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường và nêu ý kiến pháp lý của nhóm thực hiện về khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường
Hiện nay, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường là vấn đề lớn của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, trước những hành vi phá hoại môi trường đang diễn ra ngày càng trầm trọng thì những chính sách bảo vệ môi trường của nước ta dường như chỉ mang tính hình thức, không đem lại hiệu quả mong muốn. Chính vì vậy, sự ra đời của Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường... Để hiểu hơn về Luật thuế bảo vệ môi trường, sau đây nhóm em xin đi sâu nghiên cứu đề tài: “Phân tích những yếu tố để ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường và nêu ý kiến pháp lý của nhóm thực hiện về khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường”.

I. KHÁI QUÁT VỀ LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Ngày 15/11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường. Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012.

Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 bao gồm 4 chương, trong đó những nội dung chính của Luật nằm ở ba chương đầu được khái quát như sau:

Chương 1 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 giải thích nhằm làm rõ những thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ khoa học; bên cạnh đó liệt kê về các đối tượng chịu thuế - những đối tượng gây tác động tiêu cực tới môi trường, sức khỏe con người và những đối tượng không chịu thuế - những đối tượng không nằm trong đối tượng chịu thuế của Luật hoặc thuộc đối tượng chịu thuế của Luật nhưng rơi vào một số trường hợp nhất định. Ngoài ra, Luật còn quy định những chủ thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

Chương 2 của Luật này quy định về căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, biểu khung thuế. Việc quy định những nội dung trên giúp tạo nên sự minh bạch, rõ ràng, trong việc tính thuế bảo vệ môi trường, tạo nên sự hợp lý trong việc tính thuế đối với các đối tượng chịu thuế khác nhau và góp phần làm ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chương 3 quy định về thời điểm tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế. Quy định thời điểm tính thuế riêng biệt cho từng loại hàng hóa để nhằm phù hợp với đặc thù riêng của mỗi loại hàng hóa và thuận lợi cho quản lý thu thuế bảo vệ môi trường; quy định khai thuế, tính thuế, nộp thuế nhằm đảm bảo việc thực hiện luật này được nhanh chóng, thuận tiện, tránh làm tăng chi phí trong việc tổ chức thực hiện luật này. Ngoài ra chúng ta biết rằng thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu vì vậy sẽ là cần thiết khi qui định một số nội dung về hoàn thuế để tránh phát sinh vướng mắc trong thực hiện.

II. NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ BAN HÀNH LUẬT THUẾ BVMT

1. Sự cần thiết phải ban hành luật thuế bảo vệ môi trường.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế đã phát sinh những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển bền vững đang đứng trước những thách thức lớn. Tuy nhiên, đến nay, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế:

- Các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được xác định đầy đủ, bao quát, tính hiệu lực chưa cao, dẫn đến ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân còn rất thấp. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật chỉ có một số quy định về phí môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, phí xăng dầu... Một số quy định gián tiếp điều chỉnh đến công tác bảo vệ môi trường lại chưa được pháp điển hóa, nằm rải rác, lồng ghép trong một số đạo luật khác nhau.

-  Mức thu từ phí bảo vệ môi trường lại rất hạn chế, không đủ sức ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm, dẫn đến nhiều hành vi gây tác động nghiêm trọng đến môi trường không được xử lý nghiêm minh.

-  Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường.

Trước thực trạng này, việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường; khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

2. Những yếu tố để ban hành luật thuế bảo vệ môi trường.

2.1. Tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trong những năm hiện nay

- Ô nhiễm môi trường đất và hiện tượng thoái hóa đất: Thoái hoá đất đang diễn ra trên toàn lãnh thổ, diện tích đất rừng suy giảm mạnh. Tình trạng rửa trôi ngày càng gia tăng do giảm độ che phủ thảm thực vật tự nhiên trên các sườn núi và sườn đồi dốc. Tình trạng thoái hoá đất tăng gây khô cằn ở một số vùng và thậm chí có nơi có nguy cơ dẫn tới tình trạng sa mạc hoá.

- Ô nhiễm môi trường nước: Tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2005 và 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nhiều con sông có chất độc hại vượt mức cho phép; nước ngầm nhiều nơi đang bị cạn kiệt dần về lượng, bị ô nhiễm và suy giảm về chất. Hiện nay nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại.

- Ô nhiễm không khí: Hoạt động giao thông vận tải, các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và hoạt động xây dựng là những nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các khu đô thị. Ô nhiễm không khí tại các làng nghề cũng đang ngày càng trầm trọng. Ở một số khu vực gần các khu công nghiệp, nồng độ khí độc hại đôi khi vượt quá hạn mức cho phép.

2.2. Các chính sách thu hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường.

2.2.1. Về các chính sách phí

a) Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Được thực hiện từ năm 2003 với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải gây nên, sử dụng nguồn nước sạch một cách tiết kiệm và hiệu quả.

b) Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn: Được thực hiện từ năm 2007, phí thu đối với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác.

c) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Thu vào các hoạt động khai thác khoáng sản gồm khoáng sản kim loại và khoáng sản phi kim loại. Số thu từ phí bảo vệ môi trường được dùng cho mục đích hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường.

d) Phí xăng dầu: Đang thu đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hoả, dầu mazút, dầu mỡ nhờn. Số thu từ phí xăng dầu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngânsách trung ương và ngân sách địa phương

2.2. 2. Về chính sách thuế

a) Thuế tiêu thụ đặc biệt : Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định ưu đãi thuế đối với loại sản phẩm ít gây hại đến môi trường như xe ô tô chạy bằng năng lượng điện, năng lượng mặt trời áp dụng thuế suất chỉ bằng 50% và 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng.

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành qui định ưu đãi thuế suất 10% cho dự án đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường; miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoạt độngtrong lĩnh vực môi trường.

c) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Qui định ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

2.2.3. Kết quả đạt được

Các khoản thu phí bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường

2.2.4. Những mặt hạn chế

- Về chính sách phí: Các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành mới dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải mà không tự mình xử lý chất thải; hỗ trợ thêm chi phí làm sạch môi trường. Nguồn thu từ phí còn rất hạn chế.

 - Về chính sách thuế: Trong các chính sách thuế hiện hành, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép không phải là mục tiêu chính. Vì vậy,việc khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, không thu thuế nhập khẩu hoặc thu mức thuế suất thấp khi mua các sản phẩm, thiết bị môi trường liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường chỉ góp một phần nào đó vào mục tiêu bảo vệ môi trường chứ chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.

 3. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chính sách thuế bảo vệ môi trường.

* Bảo vệ môi trường luôn được xác định là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước

 Điều 29 Hiến pháp năm 1992 quy định “các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các đoàn thể xã hội và tất cả các cá nhân phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc sử dụng hợp lý các tài sản thiên nhiên và bảo vệ môi trường”; Điều 112 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp thuế bảo vệ môi trường”

 Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiêp hoá, hiện đại hoá đất nước “Bảo vệ môi trường là một trong những vẫn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...”.

* Thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010

Luật thuế bảo vệ môi trường là một trong những sắc thuế cần được xây dựng để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của nước ta đến năm 2010 với mục tiêu đánh thuế vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, tạo thêm nguồn lực để khôi phục môi trường sinh thái.

* Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thế giới

Xu hướng phát triển kinh tế bền vững ít gây ô nhiễm ngày càng được quan tâm và trở thành một trong những ưu tiên của nhiều nước. Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu và ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm bớt các tác động tiêu cực của sản xuất, tiêu dùng đến môi trường; giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái về môi trường và tạo thêm nguồn thu cho hoạt động khôi phục môi trường là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam và xu hướng phát triển kinh tế của thế giới.

III. Ý KIẾN PHÁP LÝ CỦA NHÓM VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN GẶP PHẢI KHI THỰC HIỆN LUẬT THUẾ BVMT.

1. Đối tượng chịu thuế và không phải chịu thuế.

a. Đối tượng chịu thuế.

Có 8 nhóm hàng được chính phủ đưa vào danh mục thuộc diện nộp thuế đó là xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi nilong thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; thuộc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Các đối tượng chịu thuế này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và sản xuất của nhân dân, áp dụng thuế bảo vệ môi trường với những đối mặt hàng này sẽ có tác động lớn đến giá bán, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Trong giai đoạn kinh tế hội nhập như hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển cũng chưa quan tâm đúng mức đến thuế về môi trường, nên hàng hóa có chi phí thuế môi trường sẽ giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa có xuất xứ từ những quốc gia không thu thuế bảo vệ môi trường. Nếu không chú ý đúng mức vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế.

Cụ thể như trong thời gian gần đây, việc điều chỉnh liên tục giá xăng dầu theo xu hướng tăng đã gây sáo trộn rất lớn trong đời sống cũng như sản xuất của mọi đối tượng. Đó là khi luật này chưa được áp dụng, một khi luật này chính thực có hiệu lực, bán trên thị trường với mặt hàng này có thể còn cao hơn nữa, đội thêm thuế bảo vệ môi trường nữa thì rất có thể giá mặt hàng này sẽ rất cao. Trong khi nó lại được coi là mặt hàng “nhạy cảm”, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống hàng ngày. Do vậy, có thể dẫn đến hệ quả là giá cả của các mặt hàng khác bị đẩy lên cao, dẫn đến lạm phát, gây gánh nặng cho nền kinh tế. Nên đây sẽ là một khó khăn khi thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường.

Về việc đánh thuế bảo vệ môi trường là túi nilông thì được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2 nghị định số 67/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường như sau: “...là loại túi, bao bì, nhựa mỏng làm từ nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylene resin) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylene resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilong đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ tài nguyên môi trường”. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là hiện nay bộ tài nguyên môi trường lại chưa có tiêu chí này nên chẳng biết căn cứ vào đâu để xác định đâu là túi nilong thân thiện với môi trường. Hơn nữa, về nguyên tắc Bộ tài nguyên môi trường lại không có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn chất lượng mà đây là trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ. Nên Nghị định 67/2011/NĐ-CP quy định “đáp ứng theo quy định của Bộ tài nguyên môi trường” là chưa phù hợp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra từ nay đến khi Luật thuế Bảo vệ môi trường có hiệu lực, là Bộ Tài nguyên môi trường phải làm việc với Bộ Khoa học công nghệ để ban hành được một tiêu chí cụ thể. Việc này đang là nỗi bức xúc rất lớn của các doanh nghiệp sản xuất túi nilong thân thiện với môi trường, vì giá thành sản xuất sản phẩm này cao hơn rất nhiều lần chi phí sản xuất túi nilong thường.

Ngoài ra, về đối tượng chịu thuế còn nhận thấy rằng quy định trong Luật thuế bảo vệ môi trường còn rất hẹp và chư đầy đủ. Còn không ít những loại hàng hóa khi sử dụng cũng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là còn có nhiều sản phẩm có tác hại xấu, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì lại không được quy định là diện chịu thuế như: máy tính, điện thoại, ắc quy, lốp xe, chế biến thực phẩm, hóa chất tẩy rửa, thuốc lá, chai nhựa đựng nước uống, khai thác khoáng sản,... Quy định này cũng là một bất cập, gây sự thiếu công bằng khi đi vào thực hiện và như vậy sẽ khó có thể phát huy được hết mục tiêu thu loại thuế này là hạn chế hành vi, tác nhân gây hại đến môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng “công nghệ xanh” thân thiện với môi trường.

b. Đối tượng không phải chịu thế.

Khoản 3 Điều 4 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định: “Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu” thì sẽ không thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường. Quy định này là bất hợp lý, bởi vì, có những mặt hàng trong quá trình sản xuất nó cũng gây tác hại xấu đến môi trường, như trong quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản: than, đá, quặng, mỏ, boxit, titan,… để xuất khẩu thì đều có sự tác động của con người lên môi trường thiên nhiên gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng trức tiếp đến cuộc sống của người dân. Vì vậy ta có thể thấy quy định này là chưa hợp lý, vì bản than quá trình sản xuất mới là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, nên chăng quy định theo hướng tất cả các hàng hóa được sản xuất trên lãnh thổ Việt nam, không kể mục đích xuất khẩu hay không, nếu có tác động xấu đến môi trường thì phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

2. Về căn cứ tính thuế.

Luật áp dụng mức tính thuế tuyệt đối, đây là phương pháp tốt nhất và bảo đảm sự chủ động cho người sử dụng trong việc tính toán giá thành sản phẩm cũng như đối với việc thu ngân sách nhà nước. trên thực tế, mức độ gây ô nhiễm của các đối tượng khi sử dụng không phụ thuộc vào việc tăng hay giảm giá bán các loại hàng hóa. mức thuế được xác định theo khung, do đó có thể được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế tuyệt đối cũng sẽ gây khó khăn trong công tác thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay với tình trang trượt giá khó kiểm soát, khung tính thuế sẽ liên tục phải có sự thay đổi, gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật về loại thuế này.

3. Về quản lý và thực hiện luật thuế BVMT

Dù công cuộc cải cách thuế đã được tiến hành nhiều năm, nhiều thành tựu đáng kể cũng đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho các đạo luật thuế thực hiện trên thực tế, nhất là với một sắc thuế mới mẻ như thuế bảo vệ môi trường.

Khi áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp, nếu chưa đủ các điều kiện cần thiết và đồng bộ, rất có thể xảy ra tình trạng trốn lậu, thất thoát thuế.

Công tác quản lý mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong thời kì mới nhưng vẫn còn nhiều bất cập trên tất cả các lĩnh vực từ thể chế đến cách thức quản lý. Quản lý thuế hầu hết dựa trên kinh nghiệm, chưa khoa học, hợp lý.

Bộ máy tổ chức ngành thuế cũng chưa thật sự hoàn thiện. Hiện nay, bộ máy quản lý thuế của nước ta được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, hệ thống này được phân chia vừa theo sắc thuế vừa theo đối tượng nộp thuế, một cán bộ thuế phải đảm nhiệm nhiều chức năng từ thông báo thuế, thu thuế, kiểm tra thuế do đó không có điều kiện chuyên sâu vào một nghiệp vụ nhất định. Khi áp dụng Luật thuế bảo vệ môi trường, với trình độ của các cán bộ không cao sẽ dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng còn chưa cao, một số chưa nhiệt tình trong việc cung cấp các thông tin để cơ quan thuế tổng hợp nhằm đưa ra những giải pháp bổ sung kịp thời cho các sắc thuế.

4. Về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuế bảo vệ môi trường

Trong những năm gần đây, nền kinh tế đất nước đã đạt được bước phát triển nhanh và mạnh mẽ, tuy nhiên chúng ta cũng đang phải gánh chịu những tác động tiêu tục từ sự phát triển quá nóng của nền kinh tế do môi trường mang lại. Hiện nay, khi mà sự phát triển kinh tế đã “ nhịp nhàng” hơn, để vấn đề cải thiện môi trường, xây dựng lại môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ nó càng phải được quan tâm. Luật thuế bảo vệ môi trường ra đời nhằm đánh vào những “hành vi xấu” gây tác động đến môi trường. Mục đích của thuế này không phải là thu được càng nhiều thuế càng tốt, mà ở chỗ muốn thay đổi nhận thức của người dân, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, tránh sử dụng những sản phẩm gây hại tới môi trường. Tuy nhiên, thói quen cố hữu từ trước đến giờ của người dân một nước đang phát triển không thể thay đổi trong một sớm một chiều, bởi vậy, đặt ra nhiệm vụ tuyên truyền và giáo dục pháp luật thuế bảo vệ môi trường là điều tất yếu trước khi đưa luật vào thực hiện trên thực tế.

Tuy nhiên, chắc chắn không phải ở địa phương nào cũng thực hiện tốt nhiệm vụ này (trình độ của cán bộ còn thấp, cách thức tuyên truyền không hiệu quả,…), người dân với hiểu biết phát luật sơ sài cũng khó tiếp thu. Bởi vậy, khi Luật thuế bảo vệ môi trường được thi hành trên thực tế vào năm 2012, không tránh khỏi những sự phản đối của người dân trong giai đoạn đầu triển khai.

Từ những phân tích trên đây, có thể nói, việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường là một việc làm cần thiết và là một bước tiến lớn trong quá trình nhận thức của Việt Nam về vấn đề bảo vệ môi trường một cách thiết thực và hiệu quả nhất – thông qua pháp luật. Tuy nhiên, việc ban hành một văn bản pháp luật quy định về thuế bảo vệ môi trường thực sự là một vấn đề phức tạp, khó khăn và mới mẻ đối với Việt Nam, cả về mặt lập pháp và thực tiễn đất nước. Chính vì vậy, những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật thuế BVMT là không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi các nhà làm luật phải cân nhắc, xem xét cụ thể và kĩ lưỡng các vấn đề liên quan cũng như quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc đánh thuế bảo vệ môi trường như Mỹ, Nhật Bản, Ân Độ,… để Luật thuế BVMT ngày càng hoàn thiện và dễ dàng được triển khai thực hiện trên thực tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/  Luật thuế bảo vệ môi trường 2010.
2/ Nghị định số 67/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường.
3/ Các trang web:

http://www.mof.gov.vn
http://vneconomy.vn
http://tamnhin.net/Phapluat/3465
http://www.sggp.org.vn/vanbanphapluat/2010/9/237100/

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment