05/11/2014
Bài tập nhóm Hình sự 2 - Bài tập tình huống về tội mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và cố ý gây thương tích
TÌNH HUỐNG

Ngày 24/07/2010, Nguyễn Trọng Điệp (sinh năm 1976), vợ là Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1978) thuê một chiếc taxi của hãng Mai Linh và thuê Lương Thị Ngoạn (sinh năm 1972) đi xe máy hộ tống, quan sát phía sau xe taxi, lên biên giới vùng Con Cuông - Nghệ An để mua ma túy về bán cho con nghiện. Chúng đã nhiều lần đi như vậy và phương thức di chuyển của chúng không lần nào giống lần nào. Sau khi mua được 5 bánh Heroine (350gr/bánh) chúng trở về thành phố Vinh nhưng bị cảnh sát theo dõi và truy đuổi. Để thoát thân, Điệp đã dùng súng ngắn bắn bừa 2 phát về phía các chiến sĩ cảnh sát đang truy đuổi. Một cảnh sát bị thương với tỷ lệ thương tật 10%.
Hỏi:
1. Hãy định tội danh đối với Điệp, Nga, Ngoạn. (4 điểm)
2. Người lái xe taxi của hãng Mai Linh có phải chịu TNHS không? Tại sao? (1 điểm)
3. Nếu trước khi đi mua ma tuý, vợ chồng Điệp, Nga đã bàn nhau là nếu bị cảnh sát truy đuổi thì phải thoát thân bằng mọi giá, nên Điệp đã bắn chết một cảnh sát truy đuổi mình thì tội danh của Điệp, Nga trong trường hợp này sẽ như thế nào? Tại sao? (2 điểm)

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG


1. Định tội danh đối với Điệp, Nga, Ngoạn.

Trong trường hợp trên, Điệp, Nga, Ngoạn phạm những tội sau:
- Điệp phạm 3 tội, đó là mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194); tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (Điều 230) và tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).
- Nga phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194)
- Ngoạn phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194)

a) Điệp phạm ba tội: mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và cố ý gây thương tích.
Điều 194 BLHS năm 1999 đã quy định gộp bốn tội danh độc lập được quy định tại 4 điều luật khác nhau trong BLHS năm 1985 thành một tội danh chung. 4 tội danh được gộp lại là:
- Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;
- Tội mua bán trái phép chất ma túy;
- Tội chiếm đoạt chất ma túy

Thứ nhất, Điệp phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (khoản 4 Điều 194 BLHS). Bởi những lý do sau:
- Khách thể của tội phạm  là: chế độ quản lý của nhà nước về các chất ma túy
Đối tượng của tội phạm này là: các chất ma túy và các nguyên liệu thực vật có chứa chất ma túy. Cụ thể là 5 bánh heroin (350gr/bánh)
- Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi mua bán trái phép chất ma túy là hành vi trao đổi trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào. 
Hành vi mua bán trái phép chất ma túy là bán hay mua lại; vận chuyển ma túy để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại hoặc để sản xuất ra chất ma túy khác  để bán lại trái phép hoặc dùng ma túy để lấy àng hóa hay dùng hàng hóa để đổi lấy ma túy. 
Bán trái phép chất ma túy cho người khác là dùng mà túy mà mình có được dưới bất kỳ hình thức nào như: mua được, xin được, nhặt được, người khác gửi hoặc chiếm đoạt được để bán cho cho ngươi khác lấy tiền hoặc lấy tài sản.

Mua ma túy nhằm bán trái phép cho người khác là dùng tiền hoặc tài sản đổi lấy chất ma túy và dùng chất ma túy đó bán lại cho người khác lấy tiền hoặc lấy tài sản. 

Trong tình huống trên, Điệp đã có hành vi mua đi và bán lại lại ma túy (lên biên giới vùng Con Cuông - Nghệ An để mua ma túy về bán cho các con nghiện), hành vi của Điệp là nhằm mục đích mua đi bán lại chất ma túy để kiếm lời và hành vi này đã được thực hiện nhiều lần.
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm thực hiện các hành vi khách quan kể trên. Trong tình huống trên thì Điệp đã thực hiện xong hành vi mua chất ma túy trái phép và đang trên đường vận chuyển về thành phố Vinh để bán cho các con nghiện thì Điệp đã hoàn thành tội phạm

- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. người phạm tội thấy nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của việc mua bán trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện, trong trường hợp phạm tội Điệp nhận thức rõ là hành vi mua đi bán lại trái phép chất ma tuy là nguy hiểm cho xã hội thấy trước được tác hại của hành vi của mình nhưng Điệp vẫn thực hiện.

- Chủ thể của tội phạm: Là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Ở tình huống trên thì Điệp đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và Điệp có năng lực trách nhiệm hình sự bằng việc Điệp nhận thức được hành vi của mình

Căn cứ vào trọng lượng heroine mà Điệp mua bán là 5 bánh Heroine (350gr/bánh) nên Điệp phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 4 Điều 194 BLHS. Như vậy, ta khẳng định Điệp phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (khoản 4 Điều 194 BLHS).

Thứ hai, Điệp phạm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (Điều 230 BLHS). Căn cứ vào những lý do sau:
- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm đến an toàn chung của xã hội cũng như chế độ quản lý vu khí quân dụng
 Vũ khí quân dụng là những loại vũ khí đang được sử dụng trong lực lượng vũ trang: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thành; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng - an ninh.

- Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng được hiểu là dùng vũ khí trái với các quy định của Nhà nước. Trong tình huống trên thì Điệp có hành vi dùng súng ngắn bắn bừa 2 phát về phía các chiến sĩ cảnh sát đang truy đuổi. Hành vi của sử dụng súng ngắn của Điệp là trái với pháp luật vì Điệp không phải là người được phép sử dụng súng ngắn theo quy định của pháp luật (ngoài ra nếu chứng minh được Điệp có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng thì Điệp cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này).

- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, trong tình huốn trên thì Điệp nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước được hậu quả nhưng Điệp vẫn thực hiện.
- Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể thường có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định
Như vậy, Điệp thỏa mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (Điều 230 BLHS)
Thứ ba, Điệp phạm tội cố ý gây thương tích (điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS). Bao gồm các dấu hiệu pháp lý sau:

- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi khách quan của tội phạm: Là những hành vi có khả năng gây ra thương tích hoặc tổn thương khác làm tổn hại đến sức khỏe của con người. Những hành vi đó có thể thực hiện với công cụ, phương tiện phạm tội, hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc có thể thông qua súc vật hay cơ thể người khác. Trong tình huống trên, Điệp đã có hành vi sử dụng súng ngắn bắn hai phát về phía các chiến sĩ cảnh sát và làm cho một chiến sĩ bị thương.

+ Hậu quả của tội phạm: Hậu quả mà cấu thành tội phạm tội này đòi hỏi là thương tích hoặc tổn thương khác cho sức khỏe ở mức độ có tỷ lệ thương tật là 11% trở lên (đến 30%) hoặc dưới tỷ lệ đó nhưng thuộc một trong các trường hợp như: dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hiểm cho nhiều người, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, có tổ chức, có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm, để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân….Với hành vi của Điệp dùng súng ngắn bắn đã làm cho một chiến sĩ bị thương với tỷ lệ thương tật là 10%, nhưng Điệp đã sử dụng hung khí nguy hiểm là súng ngắn và Điệp đã có hành vi chống trả lại người thi hành công vụ nên dù tỷ lệ thương tật dưới 11% thì Điệp vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Ở đây, nếu hậu quả người chiến sĩ công an kia chết thì Điệp phạm vào tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Lúc này, Điệp thực hiện hành vi dùng súng bắn bừa vào 2 chiến sĩ cảnh sát nhằm mục đích trốn thoát. Để đạt được mục đích này Điệp hoàn toàn nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi đó gây ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để hậu quả đó xảy ra.

+ Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thương tích hoặc tổn thương khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. với hành vi dùng súng ngắn bắn đã làm cho một chiến  sĩ bị thương tật với tỷ lệ là 10%.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Trong trường hợp phạm tội Điệp biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước được hậu quả nhưng Điệp vẫn thực hiện
- Chủ thể của tội phạm: Là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Theo đề bài thì Điệp đã thỏa mãn chủ thể của tội phạm
Như vậy, hành vi của Điệp đã cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (theo điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS).

b) Đối với Nga và Ngoạn đều phạm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194 BLHS)
Trong trường hợp này Nga và Ngoạn đều phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm. Với các dấu hiệu pháp lý như sau:
- Mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu: có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm, đồng thời những người này phải cùng thực thiện tội phạm (cố ý).

+ Về dấu hiệu thứ nhất: Đồng phạm đòi hỏi phải có ít nhất hai người và hai người này phải có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS.
+ Về dấu hiệu thứ hai: Cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi: thực hiện, tổ chức, xúi giục, giúp sức. Nếu không có một trong những hành vi này thì không thể coi là cùng thực hiện và do vậy cũng không thể là người đồng phạm được. Mặt chủ quan: đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Ngoài ra, đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó.

+ Dấu hiệu lỗi: Lỗi cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai mặt lý trí và ý chí. Về lý trí: mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình, đồng thời mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện. Về ý chí: những người đồng phạm cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.

+ Dấu hiệu mục đích: Đồng phạm đòi hỏi dấu hiệu mục đích trong trường hợp đồng phạm những tội có mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Được coi là cùng mục đích khi những người tham gia đều có chung mục đích được phản ánh trong CTTP hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó. Nếu không thỏa mãn dấu hiệu cùng mục đích sẽ không có đồng phạm. 

Trong trường hợp trên, Nga và Ngoạn có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm và cùng cố ý thực hiện tội phạm (Nga với là người thực hành - trực tiếp đi cùng Điệp lên biên giới vùng Con Cuông - Nghệ An để mua ma túy về bán cho con nghiện, Ngoạn là người giúp sức - đi xe máy hộ tống, quan sát phía sau xe taxi của Điệp và Nga). Về lý trí: Nga và Ngoạn đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, đồng thời Nga và Ngoạn còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện. Về ý chí: Nga và Ngoạn cùng mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc cùng có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh. Trong tình huống trên, hành vi của họ đã được thực hiện nhiều lần và phương thức di chuyển của chúng không lần nào giống lần nào.

Căn cứ theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.3 mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999, quy định như sau: “Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy”.
Như vậy, căn cứ vào Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Điều 20 BLHS xác định Nga và Ngoạn đều phải chịu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194 BLHS)

2. Người lái xe taxi của hãng Mai Linh có phải chịu TNHS không? Tại sao? 

Theo tình huống, vợ chồng Điệp và Nga đã thuê một chiếc xe taxi hãng Mai Linh để vận chuyển Hêroin từ vùng Con Cuông - Nghệ An về thành phố Vinh. Vậy mục đích của vợ chồng Điệp và Nga khi thuê chiếc xe taxi là để vận chuyển Heroin. Do đó khi xét vấn đề trách nhiệm hình sự của người lái xe taxi của hãng Mai Linh ta chia làm hai trường hợp: 

Trường hợp thứ nhất: Nếu người lái xe taxi của hãng Mai Linh hoàn toàn không biết rằng hàng mà vợ chồng Điệp và Nga thuê vận chuyển là Hêroin thì người lái xe không phải chịu TNHS. Người lái xe chỉ với tư cách là người nhận vận chuyển thuê hàng hóa bình thường.

Trường hợp thứ hai:  Nếu người lái xe taxi biết rằng hàng mà vợ chồng Điệp và Nga thuê vận chuyển là Hêroin nhưng vẫn nhận lời vận chuyển. Trong trường hợp này lại có hai vấn đề ta cần chú ý đó là:
Trường hợp người lái xe taxi của hãng Mai Linh biết rằng hàng mà mình nhận vận chuyển là Hêroin mà vẫn cố tình vận chuyển thì người lái xe phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS  (Hêroin là một trong những chất ma túy được pháp luật quy định). Hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của người lái xe taxi là việc vận chuyển Hêroin từ vùng Con Cuông - Nghệ An về thành phố Vinh được thực hiện thông qua hình thức vận chuyển bằng ôtô.

Trường hợp người lái xe taxi vừa tham gia vào quá trình vận chuyển Hêroin, vừa tham gia vào quá trình buôn bán Hêroin với vợ chồng anh Điệp và chị Nga thì người lái xe taxi  phải chịu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 194 BLHS. Với tội mua bán trái phép chất ma túy thể hiện rõ nét là hành vi trao đổi hay mua Hêroin ở vùng Con Cuông - Nghệ An, sau đó đến  thành phố Vinh họ lại bán cho những người có nhu cầu: con nghiện, các chủ buôn bán nhỏ…và hành vi buôn bán này thể hiện dưới hình thức mua rồi vận chuyển để bán..

3. Nếu trước khi đi mua ma tuý, vợ chồng Điệp, Nga đã bàn nhau là nếu bị cảnh sát truy đuổi thì phải thoát thân bằng mọi giá, nên Điệp đã bắn chết một cảnh sát truy đuổi mình thì tội danh của Điệp, Nga trong trường hợp này sẽ như thế nào?

Trong trường hợp này, tội danh cuả Điệp và Nga có sự thay đổi. Tội danh Điệp thay đổi từ tội cố ý gây thương tích  (Điều 104 BLHS1999) chuyển sang tội giết người (Điều 93 BLHS) cụ thể là điểm d khoản 1 điều 93 BLHS: “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ của nạn nhân”. Còn Nga là đồng phạm của tội giết người.

Thứ nhất, hành vi của Điệp cấu thành nên tội Giết người (Điều 93 BLHS) 
* Mặt khách quan của tội phạm:  Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi đó có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ bằng các hành động bắn, đâm, chém…Ở trong tình huống này Điệp đã tước đoạt mạng sống của người khác bằng cách sử dụng súng bắn vào người cảnh sát.
Hậu quả của tội phạm: hậu quả chết người. Trong tình huống trên thì hậu quả chết người đã xẩy ra do hành vi bắn vào người cảnh sát.

* Mặt chủ quan của tội phạm:  Lỗi mà Điệp thực hiện ở đây là lỗi cố ý trực tiếp. Điệp đã có kế hoạch từ trước phải thoát thân bằng mọi giá nên khi bị truy đuổi, Điệp đã bắn chết người cảnh sát. Hành vi của Điệp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người cảnh sát, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội.

*Chủ thể của tội phạm:  Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người. 
* Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Ở đây là người cảnh sát.

Trong tình huống trên, nạn nhân là người cảnh sát đang thực hiện công vụ. Công vụ ở đây là những công việc vì lợi ích chung mà việc thực hiện công việc đó đòi hỏi người thi hành phải có những quyền hành nhất định với công dân khác. Tính nguy hiểm của trường hợp giết người này không chỉ xâm phạm đến tính mạng con người mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cản trở hoạt động chung xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an. Như vậy, việc Điệp bắn người cảnh sát đang truy đuổi mình là hành vi giết người với tình tiết tăng nặng “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” cho nên tội giết người của Điệp được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 BLHS năm 1999. 

Thứ hai, Nga là đồng phạm của tội giết người. Căn cứ vào quy định của Điều 20 BLHS, ta có thể khẳng định được như vậy.

Về mặt khách quan:  Đồng phạm đòi hỏi ít nhất phải có hai người trở lên và hai người này đều đủ điều kiện của tội phạm, trong tình huống trên thì Điệp và Nga thỏa mãn dấu hiệu này
Cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi sau: người thực hiện tội phạm; người tổ chức thực hiện tội phạm; người xúi giục người khác thực hiện tội phạm và hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm. Trong vụ đồng phạm cũng có thể đầy đủ cả bốn hành vi tham gia nhưng cũng có thể chỉ có một loại hành vi. 
Trong trường hợp phạm tội trên Nga không thực hiện tội phạm nhưng là người tác động đến ý chí của Điệp, cùng thống nhất với Điệp trong việc phải thoát thân bằng mọi giá. Mặc dù Nga thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà Nga với Điệp thực hiện nhưng vẫn mặc cho Điệp thực hiện hành vi của mình. Như vậy. Nga đã có hành vi xúi giục Điệp thực hiện phạm tội.

Như vậy, tội danh của Nga cũng thay đổi là đồng phạm của tội giết người được quy định tại Điều 93 BLHS.

No comments:

Post a Comment