09/02/2014
Bài tập nhóm Luật Tài chính - Thu ngân sách từ các khoản vạy nợ của Việt Nam
Ngân sách nhà nước ( NSNN) là bản kế hoạch tài chính khổng lồ của toàn thể quốc gia, do Chính phủ thực hiện dưới sự giám sát của Quốc hội. Thu ngân sách nhà nước là công cụ tạo tiền đề kinh tế cho hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước cũng như việc thực hiện các chức năng của nhà nước. Các khoản thu ngân sách nhà nước bao gồm nhiều loại: thu từ thuế, lệ phí, phí… Dưới đây nhóm em xin đi sâu tìm hiểu về thu ngân sách từ các khoản vay nợ của Việt Nam từ khía cạnh quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, đồng thời đưa ra một số nhận xét, đánh giá cũng như phương hướng hoàn thiện vấn đề.

I. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THU NGÂN SÁCH TỪ CÁC KHOẢN VAY NỢ

Để có kinh phí chi cho mọi hoạt động của mình, nhà nước đã đặt ra các khoản thu (các khoản thuế khóa) do mọi công dân đóng góp để hình thành nên quỹ tiền tệ của mình. Thực hiện chiến lược huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển, trong nhiều năm qua Chính phủ, một số Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, một số định chế tài chính nhà nước như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tổ chức huy động các nguồn vốn trong nước, nước ngoài thông qua hình thức vay nợ. Cụ thể như sau:

a) Vay nợ chính phủ.

Nợ chính phủ là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó.

Căn cứ vào chương III Luật Quản lý nợ công, nợ chính phủ được phân ra 2 loại là nợ trong nước (điều 20) và nợ nước ngoài (điều 21).

Đối với vay nợ trong nước, khoản 1 điều 20 Luật Quản lý nợ công quy định: “Chính phủ vay trong nước thông qua phát hành công cụ nợ và ký kết thỏa thuận vay.” Cụ thể hơn, có 2 hình thức vay nợ của chính phủ, đó là phát hành trái phiếu chính phủ hoặc vay trực tiếp.

- Phát hành trái phiếu chính phủ:

Theo khoản 1 điều 2 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương thì một trong những mục đích phát hành trái phiếu chính phủ thì ““trái phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước”.

Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Căn cứ vào khoản 1 điều 4 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương thì một trong những mục đích phát hành trái phiếu chính phủ là để: “đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”, “bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay trái phiếu ngắn hạn” và “cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ”,...

- Vay trực tiếp:

Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)... Hình thức này thường được Chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.

Đối với vay nợ nước ngoài, khoản 1 điều 21 Luật Quản lý nợ công quy định: “Chính phủ vay nước ngoài thông qua trái phiếu quốc tế của Chính phủ và thỏa thuận vay.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Quản lý nợ công thì Bộ tài chính là cơ quan có thẩm quyền tổ chức phát hành trái phiếu quốc tế của chính phủ, và chỉ được tiến hành với những điều kiện nhất định.

Ngoài ra, vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu thông qua vay ODA cho phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 21 Luật Quản lý nợ công.

b) Vay nợ của chính quyền địa phương ( được quy định từ Điều 37 đến Điều 40 Luật Quản lý nợ công)

- Vay trong nước: chính quyền địa phương cấp tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo các quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật NSNN. Trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương (theo khoản 3 điều 4 Nghị định 01/2011/NĐ-CP).Chủ thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (căn cứ khoản 3 điều 3 Nghị định 01/2011/NĐ-CP).

- Vay nước ngoài: Hình thức vay nước ngoài của địa phương được quy định tại Điều 38 và điểm c khoản 3 Điều 23 Luật Quản lý nợ công. Theo đó, chính quyền địa phương không trực tiếp vay nước ngoài, nhưng UBND cấp tỉnh có thể được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Trong một số dự án ODA đã thí điểm áp dụng cơ chế chính quyền địa phương vay lại nguồn vốn ODA cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; địa phương chịu trách nhiệm bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương để trả nợ khi đến hạn. Trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tự tìm nguồn vốn, đàm phán vay (nguồn vốn không ưu đãi) nhưng phải thực hiện cơ chế Chính phủ ký vay và cho vay lại.

c) Vay nợ của các định chế tài chính phát triển nhà nước

- Vay trong nước: Khi xảy ra thiếu hụt tạm thời, sau khi đã sử dụng nguồn tài chính hợp pháp khác, Bộ tài chính trình thủ tướng Chính phủ quyết định phương án tạm ứng vốn từ ngân hàng nhà nước. Ngân hàng nhà nước thực hiện ứng vốn trong thời hạn năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 23 Luật NSNN về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

“Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”

- Vay nước ngoài:Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật NSNN,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ

 “Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược, kế hoạch vay nợ, trả nợ trong nước và ngoài nước, xây dựng và triển khai thực hiện phương án vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước;

d) Vay nợ của doanh nghiệp nhà nước

- Theo các quy định tại Luật doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước được vay trong nước, nước ngoài (kể cả phát hành trái phiếu) để tài trợ cho các chương trình đầu tư của doanh nghiệp, có hoặc không có bảo lãnh Chính phủ. Các khoản vay của DNNN để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Nhà nước đáp ứng được các tiêu chí bảo lãnh và khi bên cho vay có yêu cầu, có thể được Chính phủ bảo lãnh (Điều 31 đến Điều 36 Luật QL Nợ công).

- Việc bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ cho DNNN thực hiện theo Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài. Các khoản vay của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả không thuộc nghĩa vụ trả nợ của NSNN. Tuy nhiên đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Việc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn với lãi suất thấp hơn để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như hàng không, năng lượng, dầu khí, xi măng… Chính phủ quản lý các khoản bảo lãnh Chính phủ theo các nguyên tắc như quản lý nợ Chính phủ.

II. THỰC TIỄN

Thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay nợ được xem là giải pháp quan trọng, chủ yếu để  bù đắp cho sự thâm hụt ngân sách nhà nước không chỉ ở các nước trên thế giới mà áp dụng cả ở Việt Nam. Những đóng góp của các khoản vay nợ với nền kinh tế khá rõ ràng: đạt được mức tăng trưởng GDP, hàng loạt công trình hạ tầng, cầu cống, đường sá, trường học được cải thiện. Minh chứng cho điều này, nhóm xin đưa ra số liệu sau đây về vấn đề vay nợ của Chính phủ trong những năm qua: năm 2008 chiếm khoảng 36,5% GDP; năm 2009 là 41.9% GDP; năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP.  Như vậy, các khoản vay có chiều hướng gia tăng. Thực tiễn việc thu ngân sách từ các khoản vay nợ ở Việt Nam được biểu hiện qua một số vấn đề như sau:

a) Nguồn thu ngân sách từ vay nợ nước ngoài

*) Nguồn vốn vay ODA và FDI

Trong giai đoạn hiện nay, việc tranh thủ sự hỗ trợ về các nguồn vốn nước ngoài của cộng đồng tài trợ nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hôi, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo các kế hoạch phát triển, phải kể đến ODA và FDI. Trong đó, ODA ngày càng được chú ý và tìm cách thu hút một cách mạnh mẽ. Số tiền cam kết viện trợ ODA trong năm 2010 là hơn 8 tỷ USD. Đây là kỷ lục mới về cam kết ODA cho Việt Nam với mức tăng tới hơn 36% so với kỷ lục cũ năm 2009 (5,9 tỷ USD, đã bao gồm cam kết muộn của Nhật Bản) và vượt ra ngoài dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đó (dự báo ODA năm 2010 chỉ tăng từ 10 - 15%). Trong số hơn 8 tỷ USD mà các nhà tài trợ cam kết, có 1,4 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại và khoảng 6,6 tỷ USD là nguồn vốn vay ưu đãi. Còn với FDI, trong tháng 1 năm 2010, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 400 triệu USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là mức tăng khá cao trong tháng đầu tiên của năm 2010.

Nguồn vốn ODA là một trong những nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Điển hình thông qua các dự án ODA, hệ thống đường bộ được phát triển đáng kể từ quốc lộ 1A, 10, 18, 9, đường xuyên á (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài), các cầu lớn (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Thanh Trì, Bính...); nâng cấp và mở rộng các cảng biển như Cái Lân (Hải Phòng), Sài Gòn, Tiên Sa (Đà Nẵng), xây dựng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phát triển giao thông nông thôn ở hầu hết các tỉnh... Nguồn vốn ODA đã đầu tư phát triển ngành điện bao gồm phát triển nguồn điện (các dự án Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2-1, Ô Môn, Phả Lại 2, Hàm Thuận - Đa My, Đại Ninh, Đa Nhim) và phát triển hệ thống đường dây 500 kV Plâyku - Nhà Bè, gần 50 trạm biến áp của cả nước, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện thành thị và nông thôn ở hơn các tỉnh và thành phố.

Nhìn chung, viện trợ quốc tế là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho nguồn vốn đang thiếu hụt trong nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vấn đề quan trọng ở đây là các nước nhận viện trợ cần có phương án sử dụng vốn viện trợ có hiệu quả.

*) Trái phiếu quốc tế: Một nguồn vay nước ngoài cũng không kém phần quan trọng của Chính Phủ Việt Nam là hình thức vay thông qua việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Gần đây nhất, vào ngày 26/01/2010, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính Phủ thời hạn 10 năm trên thị trường quốc tế với lợi tức 6,95%. Số tiền thu được từ đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế này được tập trung vào các mục tiêu: hoàn trả vốn ngân sách Nhà Nước, giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính lựa chọn dự án phù hợp (dự kiến cho các Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng Công ty lắp máy Việt Nam đầu tư bổ sung các dự án lọc hóa dầu Dung Quất, dự án xây dựng thủy điện Xê Ca Mản 3, nhà máy thủy điện Hủa Na và mua tàu vận tải biển).

*) Tín dụng xuất khẩu: Ngoài ra, vay nước ngoài còn thể hiện dưới hình thức tín dụng xuất khẩu.

 Ngày 30/8/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Đối với tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Chính phủ quy định mức vốn cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc giá trị hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng (như quy định hiện hành) và đồng thời phải bảo đảm mức vốn cho vay tối đa đối với nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu nước ngoài không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của NHPT.

Ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển (được thành lập theo Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999) để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Tuy nhiên, do cơ cấu đồng tiền vay nợ của Việt Nam khá đa dạng nên cũng tiềm ẩn những rủi ro khi có biến động trên thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, danh mục nợ của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những bất cập, chẳng hạn như công tác huy động vốn ODA vẫn còn thụ động, nhiều khoản vay ODA còn gắn với những ràng buộc làm tăng chi phí đầu vào, phân bổ vốn vay còn dàn trải, cơ chế cảnh báo sớm còn hạn chế....

b) Nguốn thu ngân sách từ vay trong nước

*) Trái phiểu chính phủ:

Trái phiếu Chính phủ là nguồn vay lớn ở trong nước. Tính đến 20/5/2010, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 26.065 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, con số trên bằng khoảng 65% yêu cầu nhiệm vụ huy động 5 tháng đầu năm và bằng 26% nhiệm vụ huy động trái phiếu Chính phủ cả năm. Như vậy, đặt ra dự toán vay là rất lớn nhưng trên thực tế lại không đạt được dự toán đó. Nguyên nhân, một phần là do lãi suất của trái phiếu Chính phủ còn thấp so với lãi suất hiện hành ở các ngân hàng. Đa số người dân coi đây như một hoạt động công ích, chứ không đứng trên phương diện tìm kiếm lợi ích từ người cho vay.

Trong số các nguồn vay từ trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Kho bạc đã đạt được những thành tựu dáng kể. Công tác huy động vốn trong nước cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế trong tháng 5/2010 có chuyển biến tốt. Kho bạc Nhà nước đã tổ chức thành công 3 phiên phát hành, huy động được 8.125 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc với kỳ hạn từ 3-5 năm

Tuy nhiên khác với loại trái phiếu trên, tình hình vay nợ từ công trái xây dựng lại chưa thu được kết quả tốt, một phần là do nhân dân ta chưa quen với hình thức cho vay này và chưa hiểu được ý nghĩa của nó. Hơn nữa, cũng giống với trái phiếu chính phủ, mức lãi suất của công trái định ra quá thấp so với lãi suất thông thường nên không có tác dụng kích thích. Vì vậy, nhiều người chỉ mua với mục đích đối phó, danh tiếng, đáp ứng đủ trào lưu thi đua của địa phương.

 Về trái phiểu ngoại tệ, hiện nay, đa phần việc phát hành trái phiếu ngoại tệ là nhằm mục đích gom ngoại tệ, tăng khả năng dự trữ ngoại tệ của quốc gia khi cần thiết, nhằm ổn định nền kinh tế mà thôi. Hơn nữa, cơ quan nhà nước mà đặc biệt là bộ tài chính lại có quan điểm không nên phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước bởi cách thức này bị đánh giá là một hoạt động thúc đẩy xu hướng ‘đô la hoá”. Thị trường trong nước phải được phát triển bằng đồng nội tệ. Vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân khiến nguồn vay từ phát hành trái phiếu ngoại tệ lại trầm lắng như hiện nay.

*) Trái phiểu địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, là trái phiếu đô thị TP.HCM. Phát hành trái phiếu đô thị là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả của Thành phố Hồ Chí Minh trong các năm qua nhằm cân đối nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố. Việc phát hành thành công trái phiếu đô thị TP.HCM không những mở ra một kênh huy động vốn mới, có những ưu điểm là có thể có thời hạn dài và ổn định, mức chi phí vốn hợp lý, góp phần đáng kể trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đồng thời khắc phục một số hạn chế trong việc huy động tín dụng từ các ngân hàng của chính quyền địa phương...mà còn có ý nghĩa lớn về mặt thực hiện chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương theo cơ chế "tự vay, tự trả" ở nước ta, mở ra triển vọng nâng cao tính tự chủ trong quản lý ngân sách đầu tư của chính quyền địa phương.

III. MỘT SỐ NHẬN XÉT - ĐÁNH GIÁ

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mà nhóm chúng em được phân công, nhóm xin đưa ra một vài nhận xét, đánh giá như sau:

1. Nhận xét đánh giá về quy định của pháp luật về các khoản vay nợ của Việt Nam

Quy định về các khoản vay nợ là quy định cần thiết trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình phát triển, việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tiêu tốn rất nhiều tiền của, trong đó, nhất là hoạt động xây dựng cơ bản luôn cần một số chi không thường xuyên vô cùng lớn, việc dự trù ngân sách cho các khoản chi ấy là việc không hề đơn giản, bởi vậy, tình trạng bội chi thường xuyên xảy ra, khi ấy các khoản vay nợ như một cứu cánh giúp tình trạng được tháo gỡ.

Quy định của pháp luật nước ta về vay nợ đã được cụ thể hóa trong Luật quản lý nợ công năm 2009, luật này ra đời đã tạo dựng được một khung pháp lí trong quản lý các khoản vay nợ của Việt Nam. Sự ra đời của Luật quản lý nợ công đã tạo ra một bước tiến mới trong hoạt động thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay nợ của nước ta. Theo đó, đã có sự hiểu và giải thích nhất quán các khái niệm về nợ cũng như phạm vi quản lý nợ trong các văn bản pháp quy hiện hành như nợ Chính phủ, nợ khu vực công, nợ quốc gia, nợ nước ngoài. Việc phân loại, tổng hợp nợ vì vậy cũng bắt đầu theo kịp các chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý nợ được nêu trong Luật ngân sách nhà nước đã được cụ thể hóa và thực hiện trên thực tế, đã có sự kết hợp quản lý nợ trong nước và nợ ngoài nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng như sau:

Thứ nhất, về tính cụ thể của Luật, có rất nhiều quy định trong Luật chỉ quy định mang tính chất khung, chung chung, có nhiều nội dung giao cho Chính phủ và Thủ tướng chính phủ quy định mà lẽ ra nên quy định rõ trong luật.

Thứ hai, việc công bố công khai các thông tin về tình hình vay nợ vẫn chưa thể hiện rõ những vấn đề như thời gian công bố công khai, nội dung các thông tin công bố công khai gồm những vấn đề gì, tình hình vay nợ ra sao.

2. Nhận xét đánh giá về thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay nợ của Việt Nam

Có thể nói, những năm gần đây, các quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước từ các khoản vay nợ được thực hiện tương đối đầy đủ, đúng đắn, cả về thẩm quyền thực hiện các khoản vay, hình thức vay, thủ tục vay, hay quy định về tổ chức và quản lí các khoản vay nợ…

Bên cạnh đó, có thể nói vay nợ để đầu tư cho tăng trưởng là điều bình thường diễn ra ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế diễn ra ở mỗi nước lại khác nhau và ở Việt Nam, thực tiễn đưa đến một số nhận định như sau:

Ưu điểm:

- Trong khi nhiều nước trên thế giới gặp phải tình trạng nợ công vô cùng rối ren như Zimbabwe, Hy Lạp, Mỹ, một số nước châu Âu,…thì Việt Nam, nhờ đa dạng trong cơ cấu các khoản vay (nhất là vay nợ nước ngoài) nên chưa lâm vào tình trạng ấy.

Hạn chế:

- Trong cơ cấu vay nợ của nước ta, vay nợ nước ngoài chiếm hơn 60% các khoản vay nợ của Việt Nam (theo danh mục nợ công của Bộ Tài chính năm 2009), kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy, khi vay nợ nước ngoài cao, Chính phủ sẽ mất đi tính chủ động khi ứng phó với các biến động của tình hình thế giới, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về cơ cấu nợ trong tương lai.

- Trong nhiều năm trở lại đây, lãi suất của các khoản vay nước ngoài và các khoản vay với lãi suất thả nổi ngày càng tăng cao gây nên áp lực trong nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Trong 25,097 tỉ USD, tổng nợ nước ngoài của Chính phủ, có khoản chịu mức lãi suất tới 6 – 10%.

- Về cơ cấu tiền vay nợ nước ngoài, như trên đã nói, cơ cấu vay nợ nước ngoài của Việt Nam khá đa dạng (JPY 38,25%; SDR 26,64%; USD 22.95%; EUR 9,21%; Khác 2,94%), điều này được cho là có thể hạn chế rủi ro về tỉ giá, giảm áp lực lên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ cấu này cũng tiềm ẩn những rủi ro khi thị trường tài chính thế giới có biến động, nhất là khi tỉ giá USD/VND luôn có xu hướng tăng, JPY đang lên giá so với USD gây nguy cơ gia tăng khoản vay gốc.

- Sử dụng các nguồn vốn vay chưa hiệu quả, nhất là vốn ODA.

3. Một số giải pháp và phương hướng hoàn thiện

- Xây dựng chiến lược về vay nợ: Kế hoạch vay nợ cần được xây dựng dựa trên tình hình kinh tế xã hội, kế hoạch thu – chi NSNN, xác định rõ mục đích vay, mức huy động vốn, hình thức vốn và lãi suất thích hợp. Ngoài ra, cần xác định rõ đối tượng sử dụng, hình thức sử dụng và hiệu quả sử dụng. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, nên chú trọng hơn vào các khoản vay trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài, tiềm ần nhiều nguy cơ. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, vay trong nước tạo sự bền vững hơn trong vấn đè tài chính và ngân sách.

- Tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay:Chính phủ cần tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, vốn được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vốn Chính phủ cho vay lại. Trong đó, quyết định vay về cho vay lại và bảo lãnh vay của Chính phủ cần được kiểm soát chặt chẽ và thực hiện hết sức thận trọng, chỉ nên ưu tiên cho các chương trình, dự án có mức độ khả thi và hiệu quả cao; không vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn; vay thương mại nước ngoài chỉ sử dụng cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và đảm bảo khả năng trả nợ. Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh càng cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên hơn, tránh tình trạng lãng phí vốn đầu tư.

- Công khai và minh bạch thông tin trong quản lí vay nợ: Công khai minh bạch trong quy mô và cơ cấu vay nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lí, sử dụng vốn vay và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lí. Đặc biệt, đối với nguồn vốn ODA, nguồn vốn gắn bó với lợi ích thiết thân của người dân, sự minh bạch sẽ giúp nguồn vốn này được sự giám sát của nhân dân, do đó, sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả hơn.

- Nâng cao vai trò của hệ thống kiểm tra, giám sát tài chính:  Kiểm toán nhà nước (KTNN) là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm tra việc quản lí, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. Vì vậy, KTNN thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc quản lí và sử dụng các khoản vay nợ là điều cần thiết, đảm bảo tính minh bạch trong quản lí và sử dụng các khoản vay nợ cũng như tính bền vững của Ngân sách Nhà nước.

- Giảm tình trạng thâm hụt ngân sách: Bội chi ngân sách lớn và kéo dài buộc Việt Nam phải vay nợ trên thị trường trong và ngoài nước để bù đắp thâm hụt, hệ quả là mức nợ công của Việt Nam gia tăng qua các năm, tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai của Chính phủ. Do đó, để giảm bội chi, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư phát triển, thực hiện quản lí chi tiêu có hiệu quả; đồng thời, cần đa dạng hóa các nguồn thu ngân sách, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững.

Bên cạnh đó, chính quyền địa cũng cần nghiên cứu, tính toán thận trọng nhu cầu vay và những cách thức vay nợ hiệu quả, phục vụ sự phát triển của địa phương. Hơn nữa, việc sử dụng các khoản vay ở địa phương phải thận trọng, không được tùy tiện, lãng phí, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Các định chế tài chính phát triển trong nước như Ngân hàng nhà nước ngày càng được trao quyền chủ động hơn trong việc lên kế hoạch cũng như trực tiếp thực hiện các khoản vay nợ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, các chế định này cần có những quy chế rõ ràng liên quan đến hoạt động vay nợ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế đó để nguồn thu ngân sách từ vay nợ trở thành nguồn thu ổn định và an toàn.

Ngoài ra, trong một tầm nhìn dài hơi hơn, Chính phủ cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam: tái cấu trúc nền kinh tế, giảm thâm hụt thương mại, nâng cao năng suất lao động, chú trọng hoạt động đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế.

C. KẾT LUẬN

Có thể thấy, thu ngân sách là hoạt động quan trọng, bởi vậy không được tiến hành tùy tiện mà phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và để thực hiện hoạt động thu ngân sách nhà nước, Nhà nước phải ban hành các văn bản pháp luật quy định cả về hình thức cũng như nội dung thu. Qua tìm hiểu, có thể thấy, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối vững chắc về hoạt động thu ngân sách từ các khoản vay nợ. Tuy nhiên về khía cạnh luật pháp cũng như thực tiễn vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục nhằm hoàn thiện pháp luật và ổn định nguồn thu quan trọng này của ngân sách nhà nước.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

*) Giáo trình và các văn bản quy phạm pháp luật:

    Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật ngân sách nhà nước, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
    Luật Ngân sách nhà nước 2002.
    Luật Quản lý nợ công 2009.
    Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài.
    Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
    Thông Tư số 29/2004/TT-BTC ngày 06/04/2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về việc bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

*) Các trang web:

http://www.mof.gov.vn
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/08/viet-nam-no-nuoc-ngoai-32-5-ty-usd/
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/08/110815_vietnam_foreign_debt.shtml
http://vneconomy.vn/20110816074754949P0C6/ung-xu-voi-no-vay-nuoc-ngoai-hay-vay-trong-nuoc.htm

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment