09/11/2014
Bài tập tình huống về mở thủ tục phá sản - Bài tập nhóm - Luật Thương mại 1
ĐỀ BÀI: Trong năm 2007, Công ty nhà nước Sông Hồng của UBND tỉnh Y gặp khó khăn và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Đầu năm 2008, nhận thấy công ty Sông Hồng lâm vào tình trạng phá sản, UBND tỉnh Y đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đồi với công ty Sông Hồng. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của UBND tỉnh Y vì cho rằng UBND tỉnh Y không có quyền này. Sau đó, theo đơn yêu cầu của đại diện hợp pháp của công ty Sông Hồng, ngày 22/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng

Câu hỏi:

1. Tòa án nhân dân tỉnh Y trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của UBND tỉnh Y là đúng hay sai? Giải thích?

2. Để mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng, Tòa án cần chuẩn bị đủ những chứng cứ pháp lý nào?

3. Ngày 29/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, tổ quản lý, thanh lý tài sản đã phát hiện:

- Ngày 22/4/2008, công ty Sông Hồng tiền hành thanh toán số nợ 293 triệu đồng (không có bảo đảm) cho công ty cổ phần Hoa Hồng.

- Ngày 29/4, công ty Sông Hồng tự ý tiền hành trả lương tháng 4 cho người lao động làm việc tại công ty

Hỏi: Xác định rõ tính hợp pháp hay bất hợp pháp của các hành vi mà công ty Sông Hồng đã thực hiện.

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

1. Tòa án nhân dân tỉnh Y trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của UBND tỉnh Y là đúng hay sai? Giải thích rõ?

Theo Điều 3 Luật phá sản 2004 : 
“ Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì được coi là lâm vào vào tình trang phá sản”
Và cụ thể trong trường hợp trên là công ty nhà nước Sông Hồng, khi nhân thấy công ty lâm vào tình trang phá sản thì những đối tượng sau đây có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản lên cơ quan chức năng đối với công ty :
- các chủ nợ không đảm bảo hay có đảm bảo một phần
- Người lao động trong công ty nhà nước Sông Hồng
- Đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của CTNN Sông Hồng
- Chủ sở hữu CTNN Sông Hồng 


Khoản 1 Điều 63 Luật DNNN 2003 quy định : 
“1.Các tổ chức, cá nhân sau thực hiên chức năng đại diện chủ sở hữu của công ty nhà nước :
a) Chính phủ trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này; Thủ tướng Chính phủ trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho các bộ liên quan thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; 
b) Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
c) Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước theo quy định tại Điều 67 của Luật này;
d) Hội đồng quản trị là đại diện trực tiếp chủ sở hữu tại công ty nhà nước có Hội đồng quản trị và đại diện chủ sở hữu đối với công ty do mình đầu tư toàn bộ vốn điều lệ theo quy định tại các điều 29, 30 và 33 của Luật này.”

Xét tình huống trên, đầu năm 2008,thời điểm mà Luật DNNN 2003 vẫn còn hiệu lực, nhận thấy công ty Sông Hồng lâm vào tình trạng phá sản, UBND tỉnh Y đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đồi với công ty Sông Hồng. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của UBND tỉnh Y vì cho rằng UBND tỉnh Y không có quyền này. Và hành động trả lại đơn yêu cầu đó là đúng vì UBND tỉnh Y không nằm trong các đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ( trừ trường hợp công ty nhà nước Sông Hồng là công ty nhà nước không có Hội Đồng quản trị ) theo điều 24 Luât Phá Sản 2004 :

“Điều 24. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Toà án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong những trường hợp sau đây:
2. Người nộp đơn không có quyền nộp đơn”
Còn đối với trường hợp công ty nhà nước sông Hồng là công ty nhà nước không có Hội Đồng quản trị thì UBND tỉnh Y hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Sông Hồng với tư cách là đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước Sông Hồng.


2. Để mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng, Toà án cần chuẩn bị đủ những chứng cứ pháp lý nào?

    Để xác định các chứng cứ pháp lý để toà mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng thì phải căn cứ vào các điều luật sau:
    
 Điều 28 luật Phá sản 2004: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản:
« Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản »
    
Theo nghị quyết của Hội Đồng Thẩm Phán toá án nhân dân tối cao số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 4 năm 2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản :
« Doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi có đầy đủ các điều kiện sau đây :
- Có các khoản nợ đến hạn.
Các khoản nợ đến hạn phải là các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm) đã rõ ràng được các bên xác nhận, có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp.
- Chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán, nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán.
Yêu cầu của chủ nợ thanh toán các khoản nợ đến hạn phải có căn cứ chứng minh là chủ nợ đã có yêu cầu, nhưng không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán (như văn bản đòi nợ của chủ nợ, văn bản khất nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã...) »

Điều kiện thứ nhất để xác định DN,HTX lâm vào tình trạng phá sản là có các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ đến hạn là các khoản nợ mà đến một thời hạn nhất định nào đó doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ phải có nghĩa vụ thanh toán cho các chủ nợ. Hay nói cách khác các khoản nợ đến hạn chính là căn cứ chứng minh DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản. Song các khoản nợ đó phải là nợ không có bảo đảm hoặc bảo đảm một phần, rõ ràng được các bên chấp nhận, không có tranh chấp, và phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh  mới trở thành chứng cứ pháp lý để TA mở thủ tục phá sản.   
 
VD :Ngày 1/1/2007 công ty A kí hợp đồng mua bán với công ty B số hàng hóa trị giá 3tỷ đồng không có biện pháp bảo đảm và thỏa thuận đến ngày 31/12/2007 sẽ thanh toán toàn bộ số nợ trên. Đến ngày 31/12/2007 khoản tiền 3tỷ được coi là khoản nợ đến hạn của công ty A. Khi đó để mở thủ tục phá sản với công ty A thì giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng mua bán trên trở thành chứng cứ pháp lý cho TA.
   
 Điều kiện thứ hai  để coi DN, HTX bị coi là lâm vào tình trạng phá sản  là có yêu cầu thanh toán của chủ nợ, nhưng DN,HTX không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên yêu cầu của chủ nợ phải có các căn cứ chứng minh thì các căn cứ đó mới có giá trị pháp lý để Tòa án mở thủ tục phá sản. Theo hướng dẫn tại NQ03 thì chứng cứ pháp lý có thể là văn bản đòi nợ của chủ nợ, văn bản khất nợ của DN,HTX, ....
    
- Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán các khoản nợ mà chủ nợ đã yêu cầu. Không phải cứ có các khoản nợ đến hạn là lập tức chủ nợ được gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà chủ nợ phải xuất trình những căn cứ chứng minh là đã yêu cầu thanh toán nhưng không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán, thể hiện qua các văn bản đòi nợ, văn bản khất nợ.
    
 Cụ thể trong tình huống nêu trên thì đại diện hợp pháp của công ty Sông Hồng đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng. Bởi vậy Toà án sẽ căn cứ vào những nội dung và các giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đại diện hợp pháp của công ty Sông Hồng để quyết định có hay không mở thủ tục phá sản đối với công ty Sông Hồng.

Khoản 4, Điều 15 Luật phá sản 2004 : Nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
« 4. Phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận;
b) Báo cáo về các biện pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;
c) Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được;
d) Danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của các chủ nợ; ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
đ) Danh sách những người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của họ; ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm;
e) Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của các thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là một công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp;
g) Những tài liệu khác mà Toà án yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật. »
     
Toà án sẽ căn cứ vào những giấy tờ như đã nêu trong khoản 4 điều 15 để xem xét công ty Sông Hồng có thực sự thoả mãn các điều kiện để lâm vào tình trạng phá sản, tức có các khoản nợ đến hạn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ mà chủ nợ đã yêu cầu.

3. Ngày 29/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã phát hiện:
- Ngày 22/4/2008, công ty sông Hồng tiến hành thanh toán số nợ 293 triệu đồng (không có bảo đảm) cho công ty cổ phần Hoa Hồng.
- Ngày 29/4/2009. công ty sông Hồng tự ý tiến hành trả lương tháng 4 cho người lao động làm việc tại công ty.
Hỏi: Xác định rõ tính hợp pháp hay bất hợp pháp của các hành vi mà công ty sông Hồng đã thực hiện.

Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã là vật đảm bảo cho việc trả nợ, điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với các chủ nợ khi tham gia vào hoạt động đầu tư kinh doanh. Nếu tài sản bị hao hụt hay mất đi một cách trực tiếp hay gián tiếp, các chủ nợ sẽ bị thiệt hại. Thông thường, trước khi đưa ra Tòa án thì doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản đã tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể đã thực hiện những hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản hoặc có hành vi ưu tiên thanh toán cho một chủ nợ nào đấy, gây thiệt hại đến quyền quyền lợi chính đáng của các chủ nợ khác. Trong tình huống ở đây, những hành vi mà công ty nhà nước sông Hồng thực hiện đã chứng minh cho điều đó. Dưới đây nhóm xin đưa ra ý kiến đánh giá, xác định rõ tính hợp pháp hay bất hợp pháp của những hành vi này:

Hành vi thứ nhất: Ngày 22/04/2008, công ty Sông Hồng tiến hành thanh toán số nợ 293 triệu đồng (không có đảm bảo) cho công ty cổ phần Hoa Hồng. Có thể khẳng định rằng hành vi này của công ty sông Hồng là bất hợp pháp, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật phá sản 2004 thì: “1. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động sau:
a, Cất giấu, tẩu tán tài sản;
b, Thanh toán nợ không có đảm bảo;
c, Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
d, Chuyển các khoản nợ không có đảm bảo thành các khoản nợ có đảm bảo bằng tài sản của doanh nghiệp.

Theo quy định này, ta thấy được tính bất hợp pháp của hành vi trên là công ty nhà nước Sông Hồng đã thanh toán nợ không có đảm bảo khi có đã có quyết định mở thủ tục phá sản, vi phạm vào điểm b khoản 1 Điều 31 Luật phá sản năm 2004. Cụ thể, ngày 29/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Y đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty này. Theo khoản 2, 3 điều 29 thì thời hạn mà CTNN X nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản là 7 ngày kể từ ngày 29/3/2008. Hay nói cách khác ngày chậm nhất mà CTNN X nhận được Quyết định là ngày 4/4/2008. Theo điều 31 thì các hoạt động của DN,HTX bị cấm và bị hạn chế kể từ ngày nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản. Như vậy kể từ ngày 4/4/2008 CTNN X không được có các hoạt động quy định ở các điểm a,b,c,d khoản 1 và điểm a,b,c,d,đ,e khoản 2 điều 31 LPS. Song ngày 22/4/2008, công ty sông Hồng tiến hành thanh toán số nợ 293 triệu đồng (không có bảo đảm) cho công ty cổ phần Hoa Hồng là trái pháp luật. Xét về khía cạnh nào đó..việc công ty nhà nước sông Hồng thanh toán nợ cho chủ nợ là công ty cổ phần Hoa Hồng thực ra là không có gì sai vì điều đó đem lại lợi ích cho phía chủ nợ. Nhưng trên thực tế, một doanh nghiệp, hợp tác xã khi hoạt động kinh doanh đâu chỉ có một chủ nợ là duy nhất. Cái sai (bất hợp pháp) có thể hiểu ở đây đó là sự ưu tiên thanh toán cho một chủ nợ nào đó sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ nợ khác. Qua đó ta thấy được tác dụng to lớn, sự cần thiết của quy định Luật phá sản nêu trên là để đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ nợ, có nghĩa là không cho phép con nợ tự do thanh toán món nợ riêng cho một chủ nợ nào đó, trong khi các chủ nợ khác chưa được thanh toán (trừ những chủ nợ có đảm bảo bằng tài sản cầm cố, thế chấp).

Hành vi thứ hai: Ngày 29/04/2008, công ty Sông Hồng tự ý tiến hành trả lương tháng 4 cho người lao động làm việc tại công ty. 

Bình thường trên thực tế việc trả lương cho người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã là điều đáng ghi nhận, vì nó đã đáp ứng lợi ích chính đáng mà người lao động xứng đáng được hưởng. Nhưng khi xét trong hoàn cảnh doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, đặc biệt khi đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án thì đó lại là một hành vi bất hợp pháp khi chưa đáp ứng một số điều kiện theo luật định. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật phá sản năm 2004 thì: 
“2. Sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản; các hoạt động sau đây của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện:
a, Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản;
b,Nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng;
c, Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
d, Vay tiền;
đ, Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản;
e, Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Đối chiếu trong tình huống, có thể thấy tính bất hợp pháp hành vi trên của công ty nhà nước sông Hồng đó là: Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản (29/3/2008), vào ngày 29/4/2008 công ty nhà nước sông Hồng đã tự ý tiến hành trả lương tháng 4 cho người lao động khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán, vi phạm vào điểm e khoản 2 Điều 31 Luật phá sản 2004. Việc làm này của công ty nhà nước sông Hồng đã vi phạm vào quy định của pháp luật nên phải đặt ra biện pháp xử phạt ở đây đối với công ty này.
Trên đây là toàn bộ bài tập nhóm tháng thứ hai Luật Thương Mại 1 của nhóm chúng em. Vì khuôn khổ bài làm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 2 lớp N02 – TL1 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.
                                                                  
Chúng em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại Tập 1 – Nhà xuất bản CAND, Hà Nội 2009
2. Luật Doanh nghiệp năm 2005
3. Luật Phá sản 2004
4. Nghị quyết của Hội Đồng Thẩm Phán toá án nhân dân tối cao số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 4 năm 2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản 
5. http://vi.wikipedia.org
6. http://danluat.thuvienphapluat.vn/
7. Luật doanh nghiệp nhà nước 2003

No comments:

Post a Comment