02/05/2014
Bài tập học kỳ Dân sự 1 - “Quyền nhân thân theo quy định trong Bộ luật dân sự - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (8 điểm)
LỜI NÓI ĐẦU
Nhân quyền hay quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và  không bị tước bỏ bởi ai hay bất cứ chính thể nào. Nhân quyền là một giá trị văn hoá quan trọng của cuộc sống con người Việt Nam. Nhân quyền được thực thi cụ thể trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được luật hoá trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Cụ thể là điều 50 của Hiến pháp năm 1992 xác định: "Ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật". Điều đó thể hiện Nhà nước ta luôn coi trọng nhân quyền hay quyền con người trong đó có quyền nhân thân là một phần vô cùng quan trọng. Cùng với sự đi lên, tiến bộ của đất nước, nền tự do dân chủ ngày càng được mở rộng bao nhiêu thì con người ngày càng được tôn trọng hơn bấy nhiêu do đó quyền nhân thân cũng ngày càng được quan tâm, chú ý nhiều hơn. Chính vì vai trò to lớn của quyền nhân thân trong xã hội Việt Nam hiện nay,em đã chọn đề tài : “Quyền nhân thân theo quy định trong Bộ luật dân sự - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”


A. Một số vấn đề lý luận về quyền nhân thân

I. Cơ sở pháp lý quốc gia về quyền nhân thân

• Qua các bản Hiến pháp

Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thừa nhận quyền con người cơ bản, qua đó thể hiện tư tưởng nhân quyền và dân quyền của Nhà nước ta. Tư tưởng áy xuyên suốt lịch sử lập hiến và lập pháp.

Trong bản hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp năm 1946), việc đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân đã trở thành một trong ba nguyên tác cơ bản. Với bản Hiến pháp này, lần đẩu tiên trong lịch sử Việt Nam, những người dân nô lệ trước đây thực sự trở thành người chủ đất nước, được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ. Trong 26 quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp 1946 quy định, các quyền dân sự chiếm đa số (12 quyền). Những quyền nhân thân của cá nhân lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp bao gồm: Quyền tự do ngôn luận; quyền tự do xuất bản; quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do cư trú trong nước; quyền tự do đi lại trong nước; quyền tự do ra nước ngoài; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bất khae xâm phạm nhà ở; quyền bất khả xâm phạm về thư tín.

Hiến phám năm 1959 là bước phát triển mới trong việc ghi nhân quyền con người, trong đó có những quyền nhân thân của cá nhân và những bảo đảm pháp lý cho chúng. Hiến pháp năm 1959 ra đời trong hoàn cảnh đất nước có những thay đổi lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, theo xu hướng ngày càng mở rộng các quyền con người. Hiến pháp năm 1959 đã xác định quyền nhân thân mới là quyền tự do biểu tình (Điều 17), đồng thời quy định rõ ràng hơn quyền tự do cư trú, quyền tự do đi lại không phân biệt trong nước và ngoài nước như Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp năm 1980 ra đời trong điều kiện đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, các quyền dân sự của cá nhân được bổ sung và phát triển; đặc việt riêng đối với quyền nhân thân của cá nhân, đã có những quyền xuất hiện: Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 70), quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự; quyền được pháp luật bảo hộ về nhân phẩm; quyền được đảm bảo bí mật về điện thoại; quyền được đảm bảo bí mật về điện tín; quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp (Điều 72)

Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của quyền nhân thân là sự ra đời của Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh việc kế thừa những quyền nhân thân của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung những quyền nhân thân hoàn toàn mới, đó là: Quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏa (Điều 13); quyền được đi ra nước ngoài theo quy định của pháp luật (Điều 25); Quyền được từ nước ngoài trở về theo quy định của pháp luật (Điều 29); quyền được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả (Điều 36); quyền được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điểu 38).

• Bộ luật dân sự

Có thể nói, Bộ luật dân sự là văn bản pháp lý chuyên biệt có giá trị pháp lý cao nhất quy định một cách có hệ thống về quyền nhân thân. Lần đầu tiên, vấn đề quyền nhân thân được đề cập một cách rõ rang, chi tiết và có hệ thống trong BLDS năm 1995. BLDS năm 1995 đã danh 22 điều luật quy định về quyền nhân thân, và đã xác định rằng: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Không ai được lạm dụng quyền nhân thân của mình xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng,quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân của người khác”(Điều 26). Bên cạnh đó, lần đầu tiên cá nhân có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền nhân thân của mình khi bị người khác vi phạm (Điều 27); lần đầu tiên quyền nhân thân được quy định thành một hệ thống các quyền, được quy định chi tiết trong 20 điều luật.

BLDS năm 1995 đã phát huy vai trò to lớn trong việc ghi nhận và bảo vệ các quyền dân sự của chủ thể, trong đó có quyền nhân thân. Tuy nhiên, qua một thời gian áp dụng các quy định của BLDS năm 1995, bên cạnh những ưu điểm thì BLDS năm 1995 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Xuất phát từ lí do đó, BLDS sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 (BLDS năm 2005). So với các quy định về quyền nhân thân trong BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 có một số sửa đổi, bổ sung, cụ thể, đó là bổ sung thêm 6 quyền nhân thân mới: Quyền được khai sinh ( Điều 29), Quyền được khai tử (Điều 30); Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34); Quyền nhận bộ phận cơ thể người  (Điều 35); Quyền xác định lại giới tính (Điều 36). Ngoài việc bổ sung quy định mới về một số quyền nhân thân, hầu hết các quyền nhân thân được quy định trong BLDS năm 1995 cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như quyền thay đổi họ tên (Điều 27), quyền xác định dân tộc (Điều 28), quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31), quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 32), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37), quyền bí mật đời tư (Điều 38)…

• Các văn bản pháp lý khác

Mặc dù đến khi BLDS 1995 được thông qua, khái niệm về quyền nhân thân mới được hình thành nhưng trước đó, những quyền nhân thân cụ thể đã được thừa nhân trong một số văn bản pháp lý khác. Cụ thể là trong Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân 24/1/1957. Ngay tại điều 1 Luật này đã quy định: “Quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được phép xâm phạm các quyền ấy”.

Quyền nhân thân đình cũng được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Thông qua việc quy định quyền bình đẳng giữa vợ chồng (Điều 19); tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồng; cấm vợ chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau (Điều 21).

II. Khái niệm quyền nhân thân

Quyền nhân thân (personality rights) là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền gắn liền với bản thân mỗi con người, gắn liền với đời sống riêng tư của mỗi cá nhân. Từ xưa đến nay, nói đến quyền nhân thân người ta thường liên tưởng đến ngay  những quyền có liên quan mật thiết đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Một xã hội càng tiến bộ bao nhiêu, nền tự do dân chủ càng được mở rộng bao nhiêu thì con người càng được tôn trọng bấy nhiêu. Do đó, các quyền nhân thân cũng được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng hơn.

BLDS năm 2005 quy định về quyền nhân thân tại điều 24: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 24 BLDS năm 2005 đưa ra những quy định chung nhất về quyền nhân thân, qua quy định này, có thể định nghĩa về quyền nhân thân như sau:

- Theo nghĩa khách quan, quyền nhân thân được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, trong đó có nội dung quy định rõ cho các cá nhân có các quyền nhân thân gắn liền với bản thân mình và đây là cơ sở để cá nhân thực hiện quyền của mình.
- Theo nghĩa chủ quan, quyền nhân thân là quyền dân sự chủ quan gắn liền với cá nhân do Nhà nước quy định cho mỗi cá nhân và cá nhân không thể chuyển giao quyền này cho người khác.

III. Đặc điểm quyền nhân thân

Theo điều 24 BLDS 2005: Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quyền nhân thân có các đặc điểm sau đây:

- Thứ nhất: Quyền nhân thân là một quyền dân sự và là quyền dân sự đặc biệt.

Con người là nhân vật trung tâm của xã hội và là đối tượng hướng tới của các cuộc cách mạng tiến bộ trong lịch sử xã hội loài người. Dưới góc độ pháp luật dân sự thì cá nhân là chủ thể chủ yếu, thường xuyên quan trọng và phổ biến của quan hệ dân sự. Các quyền mà pháp luật quy định cho cá nhân là vì con người và hướng tới con người, trong đó có các quyền nhân thân. Sở dĩ nói quyền nhân thân là quyền dân sự đặc biệt và các quyền này chỉ thuộc về cá nhân, trong khi đó các quyền khác (quyền tài sản) có thể thuộc về chủ thể khác (pháp nhân, hộ gia đình).

- Thứ hai: Mọi cá nhân đều có sự bình đẳng về quyền nhân thân.

Mọi người đều có quyền nhân thân kể từ khi họ được sinh ra, không phân biệt giới tính, tôn giáo, giai cấp… Chúng ta thấy quyền nhân thân có một sự khác biệt cơ bản với quyền tài sản vì quyền bình đẳng về mặt dân sự không quy định tất cả mọi người đều có khả năng hưởng những quyền như nhau. Nguyên tắc bình đẳng về mặt dân sự có nghĩa là mọi cá nhân đều có những quyền như nhau, đó không phải là một khả năng trừu tượng mà là một thực tế. Lợi ích của quyền nhân thân là được quy định như một thực tế chứ không phải là sự quy định mang tính hình thức.

- Thứ ba: Quyền nhân thân có tính chất phi tài sản.

Quyền nhân thân không bao giờ là tài sản, chỉ có quyền nhân thân gắn với tài sản hay không gắn với tài sản mà thôi. Vì không phải là tài sản nên quyền nhân thân không bao giờ trị giá được thành tiền. Về mặt pháp lí, chúng ta cần phân định rõ tính chất phi tài sản của quyền nhân thân. Ví dụ: Một người sáng tạo ra một sáng chế hay giải pháp hữu ích. Sáng chế hay giải pháp hữu ích do con người sáng tạo nên mang giá trị kinh tế, chứ bản thân “Quyền tự do sáng tạo” (Điều 47 BLDS) không phải là tài sản, không mang giá trị kinh tế.

- Thứ tư: Quyền nhân thân luôn gắn liền với cá nhân, không thể chuyển giao cho chủ thể khác.

Pháp luật dân sự thừa nhận quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển dịch cho chủ thể khác, trừ trường hợp do pháp luật qui định. Điều 24 BLDS qui định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Các quyền dân sự nói chung, quyền nhân thân nói riêng là do Nhà nước quy định cho các chủ thể dựa trên điều kiện kinh tế – xã hội nhất định. Do vậy, về mặt nguyên tắc, cá nhân không thể chuyển dịch quyền nhân thân cho chủ thể khác, nói cách khác thì quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch dân sự giữa các cá nhân. Ví dụ, người này không thể đổi họ tên cho người khác và ngược lại hoặc một người không thể uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền tự do đi lại của mình và mình nhận quyền tự do kết hôn của người khác. Điều này có nghĩa rằng bản thân chủ thể hưởng quyền nhân thân chứ họ không thể chuyển giao quyền này cho người khác và cũng không ai có thể đại diện cho họ để thực hiện quyền này. Tuy nhiên, tính chất không thể chuyển giao của quyền nhân thân chỉ mang tính chất tương đối. Bởi trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật thì quyền nhân thân có thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ: Quyền công bố, phổ biến tác phẩm của tác giả, khi tác giả chết đi thì quyền này có thể chuyển giao cho chủ thể khác (người thừa kế của tác giả). Mặc dù vậy thì có những yếu tố luôn gắn liền với chủ thể mà không thể thay đổi được, ví dụ: Quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ sự toàn vệ của tác phẩm.

- Thứ năm: Quyền nhân thân là một quyền dân sự do luật định.

Quyền nhân thân là một quyền nằm trong nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Pháp luật dân sự quy định cho các cá nhân có các quyền nhân thân là một sự tuyên bố chính thức về các quyền con người cụ thể được pháp luật thừa nhận. Việc pháp luật quy định cho các cá nhân có các quyền nhân thân khác nhau là dựa vào các điều kiện kinh tế xã hội. Do vậy, ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử xã hội loài người, phụ thuộc vào bản chất giai cấp, chế độ chính trị xã hội… mà quyền nhân thân của cá nhân được quy định một cách khác nhau. Quyền nhân thân là do Nhà nước “trang bị” cho cá nhân, Nhà nước không cho phép bất cứ cá nhân nào làm thay đổi hay chấm dứt quyền đó.

IV. Một số căn cứ và việc phân loại các nhóm quyền nhân thân

Các quyền nhân thân có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, mỗi tiêu chí thể hiện một khía cạnh pháp lý đặc thù..

Thứ nhất, dựa vào căn cứ phát sinh mà các quyền nhân thân có thể phân thành nhóm các quyền nhân thân không gắn với tài sản và nhóm các quyền nhân thân gắn với tài sản. Phân loại này được thể hiện tại khoản 1 Điều 15 BLDS 2005. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản được quy định từ Điều 26 đến Điều 51 BLDS 2005. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản này được công nhận đối với mọi cá nhân một cách bình đẳng và suốt đời, không phụ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh kinh tế, địa vị hay mức độ tài sản của người đó. Các quyền nhân thân này thể hiện giá trị tinh thần của chủ thể đối với chính bản thân mình, luôn gắn với chính bản thân người đó và không dịch chuyển được sang chủ thể khác. Ngược lại, các quyền nhân thân gắn với tài sản chỉ được xác lập cùng với sự hình thành của một tài sản vô hình (như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng chế, kiểu dáng, , giống cây trồng, …). Đây là quyền nhân thân của chủ thể đối với tài sản vô hình mà người đó sáng tạo ra. Các quyền nhân thân này được quy định tại khoản 2
Điều 738 và mục a khoản 1 Điều 751 BLDS 2005. Trong số các quyền này có một quyền có thể chuyển giao được sang cho chủ thể khác – đó là quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (theo quy định tại Khoản 1 Điều 742 BLDS 2005).

Việc phân loại này giúp chúng ta định hình rõ căn cứ và thời điểm xác lập các quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể đều được công nhận một cách vô điều kiện các quyền nhân thân không gắn với tài sản. Tuy nhiên, để được thừa nhận các quyền nhân thân gắn với tài sản thì chủ thể đó phải chứng minh đươc sự tồn tại của loại tài sản vô hình do chính mình sáng tạo ra. Nếu không có tài sản đó thì không phát sinh các quyền nhân thân của chủ thể có liên quan.

Thứ hai, dựa vào thời hạn bảo hộ mà các quyền nhân thân được phân loại thành hai nhóm: Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn và nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn.

Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.

Nhóm các quyền nhân thân được bảo hộ có thời hạn bao gồm: quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền kết hôn, quyền bình đẳng vợ chồng; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi; quyền đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

Việc phân loại này có ý nghĩa đối với việc bảo vệ quyền nhân thân khỏi sự xâm phạm. Các quyền nhân thân thuộc nhóm vô thời hạn được pháp luật bảo hộ vĩnh viễn. Khi chủ thể không còn nữa thì những người có liên quan được quyền yêu cầu bảo vệ khi có hành vi xâm phạm. Ví dụ: nếu có người tung tin thất thiệt làm tổn hại đến danh dự của một người đã khuất thì những người thân thích của người đó vẫn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại. Ngược lại, các quyền nhân thân thuộc nhóm có thời hạn thì chỉ được pháp luật bảo hộ khi chủ thể đó còn sống. Bởi lẽ, khi cá nhân chết đi thì các quyền nhân thân thuộc nhóm này hoặc không thể thực hiện được nữa, hoặc không thể bị xâm phạm nữa.

Thứ ba, dựa vào đặc điểm của hành vi xâm phạm mà chúng ta phân loại các quyền nhân thân thành ba nhóm:

1) Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền;
2) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào các chủ thể khác (không phải là chủ thể quyền);
3) Nhóm các hành vi xâm phạm tác động vào vật phẩm liên quan đến quyền.

Nhóm các quyền mà hành vi xâm phạm tác động vào chính chủ thể quyền bao gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền được bảo vệ nhân phẩm, các quyền nhân thân liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo.

Đối với các quyền thuộc nhóm thứ nhất thì chính chủ thể quyền là người bị hành vi xâm phạm tác động tới. Hậu quả mà hành vi này mang lại là những tổn thất trực tiếp gây ra đối với chủ thể quyền (tính mạng, sức khoẻ, thân thể, …) hoặc những khó khăn ngăn cản chủ thể quyền thực hiện hành vi liên quan đến quyền nhân thân của mình (đi lại, lao động, sáng tạo, kết hôn, ly hôn, …). Quá trình khắc phục thiệt hại chủ yếu được thực hiện đối với chính chủ thể quyền như chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ, xin lỗi, chấm dứt hành vi cản trở, … (Riêng đối với trường hợp xâm phạm tính mạng thì việc khôi phục tính mạng là không thực hiện được, trách nhiệm bồi thường khi đó được thực hiện cho những người thân thích của chủ thể quyền).

Đối với các quyền thuộc nhóm thứ hai thì hành vi xâm hại lại không tác động vào chính chủ thể quyền, mà tác động vào các chủ thể khác làm ảnh hưởng đến sự nhìn nhận, đánh giá của các chủ thể khác về cá nhân chủ thể mang quyền (tung tin thất thiệt xúc phạm danh dự, giảm uy tín của chủ thể quyền, công bố trái phép tác phẩm của tác giả trước công chúng, …). Những thiệt hại mà chủ thể quyền phải gánh chịu có thể được xoá bỏ bằng việc cải chính, xin lỗi công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng để xoá đi sự nhìn nhận tiêu cực của các chủ thể khác đối với chủ thể quyền do hành vi xâm hại gây ra.

Đối với các quyền thuộc nhóm thứ ba thì hành vi lại không tác động vào các chủ thể nói chung, mà lại tác động vào vật phẩm có liên quan đến quyền của chủ thể quyền (thư tín, chỗ ở, sách báo và các ấn phẩm mang tác phẩm, ….). Những thiệt hại do hành vi này gây ra có thể được khắc phục phần nào thông qua tác động đến các vật phẩm đó như việc thu hồi ấn phẩm, trả lại thư tín, sửa chữa thông tin trong lý lịch, …

Thứ tư, dựa vào phương thức bảo vệ mà các quyền nhân thân được phân thành hai nhóm: Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu và nhóm được bảo vệ không phụ thuộc vào yêu cầu.

Nhóm các quyền được bảo vệ khi có yêu cầu bao gồm: quyền đối với họ tên; quyền thay đổi họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh, khai tử; quyền đối với hình ảnh; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền nhận bộ phận cơ thể người; quyền xác định lại giới tính; quyền được bảo vệ danh dự, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền kết hôn; quyền bình đẳng vợ chồng; quyền ly hôn; quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con; quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi; quyền đối với quốc tịch; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền lao động, quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo; quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.

Nhóm được bảo vệ không phụ thuộc vào yêu cầu bao gồm: quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm; quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình.

B. Một số vấn đề thực tiễn về quyền nhân thân

1. Thực trạng về một số quyền nhân thân và sự cần thiết hoàn thiện pháp luật về quyền nhân thân:

- Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33); Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34):

Hiên nay, xuất phát từ sự thay đổi trong nhận thức, số lượng người có mong muốn hiến môt, bộ phận cơ thể, hiến xác ngày càng tăng. Ví dụ như trường hợp tự nguyện hiến xác cho khoa học như trường hợp của bác Quỳnh ở Hà Nội, hay Đại đước Thích Đức Tiến, trụ trì chùa Thọ Cầu (Hà Nội). Bên cạnh đó, cũng có nhiều người muốn hiến mô, hiến tạng mà không biết hiến ở đâu, như thế nào. Ví dụ trong trường hợp của Nguyễn Lê Minh Anh, sinh năm 1980, quê ở Nha Trang và hiện đang làm nghề bốc xếp ở cảng Khánh Hội thành phố Hồ Chí Minh. Trong mail gửi đến báo điện tử Vietnamnet ngày 5/7/2006 Nguyễn Lê Minh Anh viết: “Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều thông tin về mỗi khổ của những người đang phải chạy thận nhân tạo. Không biết ở Việt Nam chúng ta đã ghép thận được hay chưa? Tôi thiết nghĩ, đã có hiến máu nhân đạo thì cũng nên có chương trình hiến thận cho những người đang vật lộn từng ngày từng giờ với căn bệnh đó. Tôi có ước nguyện muốn được hiến thân của mình cho những người đang phải chống chọi từng ngày, từng giời với căn bệnh đau khổ đó. Thế nhưng tôi không biết làm cách nào để làm được việc tôi suy nghĩ”

Thực tế đã cho thấy, để có được ngân hang mô, tạng không phải là điều quá khó khăn. Số lượng người ủng hộ và hiến mô tạng đang ngày càng gia tăng xuất phát từ cách nhìn nhận cũng như việc thấy được ý nghĩa lơn lao trong việc hiến mô, tạng cứu người.

- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36).

Xác định lại giới tính là một quyền nhân thân được quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005. Để cụ thể hóa quyền này, ngày 5-8-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/NĐ- CP về xác định lại giới tính, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, theo đó chỉ áp dụng việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người này có thể hòa nhập cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh giới tính là 1/10.000- 12.000 người, tức là nước ta có khoảng trên 7.000 người có cấu tạo bất thường hoặc giới tính không rõ ràng. Như vậy, Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ về xác định lại giới tính là một sự kiện cho thấy pháp luật công nhận sự hợp lý trong nhu cầu chuyển đổi giới tính của một nhóm người khá lớn trong xã hội.

Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rằng sẽ có cản trở từ phía xã hội trong quá trình thực hiện Nghị định này bởi nhận thức xã hội về vấn đề chuyển đổi giới tính trong nhiều trường hợp còn chưa đúng. Nhiều người có khuyết tật về giới tính vẫn chưa được đối xử như những người bệnh. Sự khó khăn là ở chỗ, trong xã hội còn tồn tại một nhóm người “không phải trai mà cũng chẳng phải gái” với nguyên nhân không bắt nguồn từ sự không hợp lý trong cấu tạo cơ thể mà lại bắt nguồn từ phía xã hội. Do môi trường sống, hoàn cảnh sống, tiểu sử bản thân ...có sự “lệch lạc” khiến cho một số người có phương pháp giao tiếp, hành động “khác người”. Bởi vậy, nhiều người trong xã hội khi chứng kiến các hành động “bất bình thường” kiểu “ái nam ái nữ” của một người nào đó, họ nghĩ ngay tới sự “bệnh hoạn” với thái độ kỳ thị rõ.

- Điều 25 BLDS 2005 quy định về bảo vệ quyền nhân thân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 BLDS, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người có quyền đó được bảo vệ bằng cách tự mình cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của họ mà không nhất thiết phải chờ người có hành vi xâm phạm thực hiện việc cải chính. Việc BLDS quy định người có quyền nhân thân bị xâm phạm được tự cải chính có tác dụng giúp họ ngăn chặn và khắc phục kịp thời được hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền nhân thân của họ. Để người có quyền nhân thân bị xâm phạm thực hiện được việc tự cải chính thì pháp luật phải quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc tự cải chính của người họ nhưng do các văn bản pháp luật liên quan không có quy định, hướng dẫn cụ thể nên việc tự cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên thực tế hầu như không thể thực hiện được hoặc có thực hiện thì cũng không hiệu quả. Hơn nữa, về tâm lý thì cũng không mấy ai tin việc cải chính của chính người có quyền nhân thân bị xâm phạm.

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 BLDS quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người có quyền đó được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ thông qua việc buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Theo quy định này, thì người có quyền nhân thân bị xâm phạm được yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ nhưng cơ quan, tổ chức nào là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lại chưa được Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này cũng như các văn bản pháp luật có liên quan chỉ rõ. Vì thế trên thực tế đã xảy ra không ít các trường hợp đương sự không xác định được cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của họ. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con trong trường hợp có tranh chấp, đối với trường hợp yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con mà không có tranh chấp thì Tòa án không có thẩm quyền giải quyết. Tuy vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan lại không quy định, hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền giải quyết trường hợp này nên yêu cầu xin xác định lại cha mẹ cho con mà không có tranh chấp của đương sự không có cơ quan nào giải quyết. Hơn nữa, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc bảo vệ quyền nhân thân của người có quyền nhân thân bị xâm phạm trong trường hợp họ đã chết. Tuy dù họ đã chết nhưng việc bảo vệ quyền nhân thân của họ vẫn phải đặt ra vì trong nhiều trường hợp việc xâm phạm đến các quyền nhân thân của họ cũng có những ảnh hưởng xấu nhất định tới những người thân và những người liên quan đến họ. Từ việc pháp luật không quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, các loại vụ việc Tòa án có thẩm quyền giải quyết nên trong thực tiễn xét xử của Tòa án có việc được Tòa án thụ lý giải quyết, có việc Tòa án không thụ lý giải quyết và quan điểm về thẩm quyền về giải quyết các vụ việc về quyền nhân thân giữa Tòa án cũng rất khác nhau dẫn đến cùng loại vụ việc Tòa án này thì thụ lý giải quyết nhưng Tòa án khác lại không thụ lý giải quyết.

- Thực tế hiện nay cho thấy, tình trang vi phạm quyền nhân thân ngày càng gia tăng và đang không ngừng phát triển với những tình tiết ngày càng phức tạp. Lấy ví dụ gần đây dư luận bức xúc về việc 2 cô gái mại dâm bị một số cán bộ công an thuộc đội cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội thuộc công an thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh bắt, chẳng những không được ném cho cái quần, cái áo mặc vào che thân trước khi lập biên bản, còn bị quát mắng và buộc phải đứng thẳng, ngẩng mặt, dang hai tay để 4-5 người hành xử quyền lực công chụp ảnh và quay clip trong tình trạng lõa lồ. Và cái clip đó, sau khi được chuyền tay trong một số cán bộ công an thị xã Cẩm Phả, đã được tung lên mạng internet. Nói như thạc sĩ tâm lí học Nguyễn Minh Đức, viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đó là sự vô nhân đạo. Những khái niệm nhân phẩm, nhân quyền hay nhân đạo dường như xa lạ với những người thực thi quyền lực công này, và dường như cách hành xử đó đối với họ là hết sức bình thường. Ngành công an đã phản ứng nhanh chóng trước sự việc này, đã sớm tìm ra những người xem thường nhân phẩm, vi phạm quyền nhân thân của công dân qua việc quay và chuyền tay nhau cái clip kia. Nhưng chỉ trừng phạt người có hành vi xâm phạm nhân phẩm, quyền nhân thân của công dân và người phát tán là chưa đủ. Để không xảy ra nữa những vụ tương tự, cần đảm bảo, trước khi trao quyền lực công vào tay ai đó, người ấy phải được dạy và nắm chắc cách hành xử đúng mực, đúng quy định của pháp luật với mọi công dân. Hơn thế, cần củng cố hoặc bổ sung những thiết chế luật pháp và xã hội hữu hiệu chứ không chỉ trên giấy để đảm bảo quyền nhân thân, nhân phẩm của công dân được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh.

2. Một số giải pháp hoàn thiện quyền nhân thân

- Luật Dân sự là ngành luật độc lập điều chỉnh hai nhóm quan hệ xã hội là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Quan hệ nhân thân “là quan hệ giữa người với người về một giá trị nhân thân của cá nhân hay tổ chức”. Điều đó có nghĩa là quyền nhân thân là cơ sở hình thành nên quan hệ nhân thân. Tại điều 24 BLDS 2005 quy định về quyền nhân thân “là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trong toàn bộ Chương IV quy định về Pháp nhân, BLDS cũng không có điều khoản nào quy định về quyền nhân thân của pháp nhân. Như vây, BLDS có điều chỉnh quan hệ nhân thân được phát sinh trên cơ sở giá trị nhân thân của tổ chức, nhưng chưa thấy có quy định riêng nào quy định một pháp nhân, tổ chức có những quyền nhân thân cụ thể gì. Sự thiếu hụt này cần được bổ sung trong BLDS, bởi lẽ, sự tồn tại của một pháp nhân hay một tổ chức bao giờ cùng gắn liền với uy tín và danh dự của pháp nhân hay tổ chức đó. Việc chủ thề xâm phạm đến uy tín và danh dự của pháp nhân hay tổ chức là căn cứ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta thừa nhận uy tín, danh dự của pháp nhân được pháp luật bảo vệ. Do đó, cần xây dựng những điều khoản quy định cụ thể về quyền nhân thân của pháp nhân, tổ chức.

- Pháp luật dân sự quy định nội dung và cách thức bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân khi quyền nhân thân bị xâm phạm, nhưng không có quy định về thời hiệu khởi kiện. Vậy trong khoảng thời gian bao lâu cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của mình? Bởi có những quyền thời hạn khởi kiện sẽ là vô hạn như quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền đối với họ tên,… nhưng có nhũng quyền nhân thân không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện vĩnh viễn được như quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết,… Vấn đề về thời hiệu khởi kiện để bảo vệ quyền nhân thân cũng cần được quy định rõ trong BLDS.

- Như đã phân tích một số thực trạng về bảo vệ quyền nhân thân ở ý 1, vậy để bảo đảm việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân theo quy định của BLDS cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLDS liên quan đến việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Đối với các quy định của BLDS, cần sửa đổi, bổ sung Điều 25 BLDS theo hướng quy định không chỉ người có quyền nhân thân bị xâm phạm có quyền yêu cầu bảo vệ mà cả người đại diện của họ cũng có quyền yêu cầu bảo vệ và việc yêu cầu bảo vệ được đặt ra trong cả trường hợp người có quyền nhân thân bị xâm phạm đã chết vì như đã nêu trên việc xâm phạm đến quyền nhân thân của cá nhân trong nhiều trường hợp không chỉ gây thiệt hại, ảnh hưởng tới quyền lợi của họ mà còn gây thiệt hại, ảnh hưởng xấu tới cả quyền lợi của người thân và người liên quan đến họ. Ngoài ra, có thể sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 BLDS theo hướng quy định rõ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân để tạo thuận lợi cho cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm kịp thời thực hiện được việc bảo vệ quyền nhân thân của mình.

C. Kết luận

Con người luôn là trung tâm, là tâm điểm hướng tới của mọi cuộc cách mạng xã hội. Việc ghi nhận các quyền của con người là một trong những yếu tố đánh giá sự tiến bộ của từng giai đoạn lịch sử, của từng nhà nước khác nhau. Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng các quyền của con người – trong đó có quyền nhân thân. Sự phân biệt đẳng cấp, địa vị không tồn tại trong xã hội hiện tại của Nhà nước ta, theo đó các quyền của cá nhân (trong đó có quyền nhân thân) là bình đẳng và được pháp luật bảo vệ. Với việc ghi nhận về các quyền nhân thân trong BLDS năm 2005 có thể thấy rằng pháp luật dân sự Việt Nam có những bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Đây là sự khẳng định và ghi nhận đồng thời là cơ sở pháp lí quan trọng cho cá nhân trong việc thực hiện các quyền của mình. Các quyền nhân thân của cá nhân được ghi nhận trong BLDS năm 2005 thể hiện sự tôn vinh của pháp luật đối với các giá trị đích thực của con người, điều này đúng với bản chất của Nhà nước ta: Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó cũng là sự thể hiện mục đích của pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng: Vì con người, lấy con người là trung tâm.

Danh mục tài liệu tham khảo
1. Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 1 – Trường Đại học Luật hà Nội, nxb Công an nhân dân.
2. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập một – Ts. Lê Đình Nghị (chủ biên), nxb Giáo dục.
3. Bộ luật dân sự 2005
4. Khái Niệm và Phân Loại Quyền Nhân Thân -  Tạp chí luật học số tháng 7/2009 – Ts. Bùi Đăng Hiếu, Trường Đại học Luật Hà Nội
5. Về quyền nhân thân của cá nhân trong Bộ luật dân sự(sửa đổi) – Tạp chí Khoa học pháp lý số 2/2005 – Ts. Lê Minh Hùng, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
6. Bảo vệ quyền nhân thân theo quy đinh tại BLDS 2005- TS. Nguyễn Công Bình
7. Quyền nhân thân của cá nhân và bảo vệ quyền nhân thân theo pháp luật dân sự - Đề tài khoa học cấp trường - Chủ nhiệm đề tài: Th.S Lê Đình Nghị
8. http://www.vietnamnet.vn
9. http://www.dantri.com

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm vào email baitapluat@gmail.com. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment