Điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề là những điều kiện, căn cứ quan trọng và chủ yếu nhất để nhà nước cấp phép cho chủ thể kinh doanh tiến hành những hoạt động kinh doanh. Để tìm hiểu được pháp luật hiện hành quy định ra sao về hai vấn đề này, nhóm chúng em xin lữa chọn đề tài: “Tìm hiểu quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Phân tích điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề trong một lĩnh vực kinh doanh cụ thể.”
NỘI DUNG
I. Quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.
1. Điều kiện kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong các văn bản pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành nghề trừ các ngành, nghề bị pháp luật cấm kinh doanh. Tuy doanh nghiệp được tự do đăng kí kinh doanh nhưng pháp luật kiểm soát các chủ thể bằng việc buộc họ phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh cần thiết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 LDN 2005, “điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.”
Điều kiện kinh doanh được quy định rõ và đầy đủ trong LDN và Nghị định 102/2010/NĐ – CP ngày 15/01/2010 (hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của LDN 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác). Theo đó, hoạt động kinh doanh cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu về điều kiện như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thứ hai, cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mĩ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường. Doanh nghiệp cấm kinh doanh tất cả các ngành, nghề được liệt kê trong danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Thứ ba, đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.
Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức:
- Giấy phép kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
- Chứng chỉ hành nghề;
- Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
- Xác nhận vốn pháp định;
- Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành, nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kì hình thức nào của cơ quan có thẩm quyền.
2. Chứng chỉ hành nghề
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì: “Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định”.
Như vậy, chứng chỉ hành nghề là loại căn cứ pháp lý được cấp cho một cá nhân cụ thể. Khi muốn kinh doanh các ngành, nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định thì pháp luật quy định cá nhân đó phải có chứng chỉ hành nghề. Đối với những ngành, nghề đòi hỏi có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp thì chứng chỉ hành nghề là một trong những điều kiện bắt buộc phải có khi tiến hành đăng kí hoạt động kinh doanh. Chứng chỉ hành nghề không phải là một “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề. Bởi lẽ, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo quốc gia (trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học, sau đại học) và cả những người đã hành nghề lâu năm, không có vi phạm pháp luật. Chứng chỉ hành nghề cũng là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình.
Chứng chỉ hành nghề thường có thời hạn ngắn từ 1-3 năm tùy theo thâm niên của người hành nghề. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và hàng năm phải tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực hành nghề. Nếu vi phạm một trong những quy định đó có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc không được cấp lại và sẽ không được tiếp tục hành nghề.
Một số quy định của pháp luật chuyên ngành về ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề chia theo 3 loại sau:
- Loại yêu cầu giám đốc (hoặc người đứng đầu doanh nghiệp) phải có chứng chỉ hành nghề, ví dụ các loại chứng chỉ sau:
+ Chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
+ Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (trường hợp không uỷ quyền;
+ Chứng chỉ sản xuất, gia công, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật;
+ Chứng chỉ hành nghề xông hơi, khử trùng;
+ Chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;
+ Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh tư nhân;
+ Chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân;
- Loại ngành, nghề yêu cầu cả giám đốc và người khác (cán bộ quản lý) phải có chứng chỉ hành nghề, ví dụ các loại chứng chỉ sau:
+ Chứng chỉ kiểm toán viên;
+ Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với Công ty luật hợp danh;
- Loại ngành, nghề chỉ yêu cầu người khác phải có chứng chỉ hành nghề (không yêu cầu giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp), ví dụ các loại chứng chỉ sau:
+ Chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y;
+ Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;
+ Chứng chỉ hành nghề kỹ sư;
+ Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư;
+ Chứng chỉ hành nghề luật sư - đối với công ty luật (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
+ Chứng chỉ hành nghề dược;
+ Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;
+ Chứng chỉ định giá bất động sản.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 9 Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì: “Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh đó phải thực hiện theo quy định dưới đây:
a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì Giám đốc của doanh nghiệp đó hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh đó phải có chứng chỉ hành nghề;
b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp và người khác phải có chứng chỉ hành nghề thì Giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề;
c) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề;”
Khi tiến hành hoạt động kinh doanh một trong các ngành nghề có điều kiện thì thương nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật. Bên cạnh đó cần phải tìm hiểu các ngành, nghề đó có đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề không. Riêng đối với các doanh nghiệp thì phải xem xét chủ thể nào cần có chứng chỉ hành nghề. Rồi sau đó tiến hành đăng ký kinh doanh nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật.
II. Phân tích chứng chỉ hành nghề Luật sư
1. Ý nghĩa của chứng chỉ hành nghề luật sư
Chứng chỉ hành nghề không phải là một “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề, chứng chỉ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo quốc gia (trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học, sau đại học) và cả những người đã hành nghề lâu năm, không có vi phạm pháp luật. Chứng chỉ hành nghề luật sư là giấy được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghành luật cấp quốc gia hoặc quốc tế.
Đối với nghề luật sư, chứng chỉ hành nghề được cấp cho những người đã được đào tạo ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật. Bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo cử nhân luật (trừ trường hợp bằng giả và bằng thật nhưng học giả) và quá trình công tác là chứng chỉ xác nhận trình độ chuyên môn của người hành nghề trong lĩnh vực nghề luật sư, chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ là một trong những công cụ để quản lý, giám sát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề. Người hành nghề trong lĩnh vực luật sư phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin về luật, pháp luật sửa đổi và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư ở các nước phát triển khá đơn giản. quy định về thủ tục tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề luật sư ở nước ta được quy định rõ trong Điều 17 Luật Luật sư năm 2006. Luật sư sau khi có chứng chỉ hành nghề có thể chủ động đăng kí ngành nghề với tư cách cá nhân, mở văn phòng luật sư, công ty luật (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh) để hoạt động trong và ngoài nước, hoặc làm việc theo dạng hợp đồng cho các cơ quan tổ chức. Luật sư là chủ thể được tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính… cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn cho khách hàng với tư cách luật sư. Luật sư hoạt động độc lập tự chịu trách nhiệm trong hành nghề.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và hàng năm phải tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực hành nghề. Nếu vi phạm một trong những quy định đó có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc không được cấp lại và sẽ không được tiếp tục hành nghề.
2. Cấp giấy chứng nhận hành nghề luật sư
2.1. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
Theo quy định tại Điều 10, Điều 17 Luật luật sư năm 2006, để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, cá nhân phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;
- Có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng cử nhân luật;
- Có sức khỏe bảo hành nghề luật sư;
- Đã được đào tạo nghề luật sư;
- Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
- Được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư
- Hoặc là người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 13 và miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật luật sư.
Chứng chỉ hành nghề luật sự được cấp không thời hạn và chỉ bị thu hồi trong một số trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Luật sư.
2.2. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
2.2.1 Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư
Theo Điều 15 Luật Luật sư về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thì: Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tiến hành. Hội đồng này bao gồm đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện lãnh đạo tổ chức luật sư toàn quốc và một số luật sư là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoạt động theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Để được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải có hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ chứng chỉ hành nghề luật sư gồm có:
a, Giấy đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư (Mẫu theo Thông tư số 17/2011/TT-BTP);
b, Sơ yếu lý lịch (Mẫu theo Thông tư số 17/2011/TT-BTP);
c, Phiếu lý lịch tư pháp (có thời hạn 6 tháng);
d, Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sĩ luật;
Bản sao Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư;
đ, Bản sao giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;
e, Giấy chứng nhận sức khỏe.
g, Bốn (04) ảnh 3x4 cm.
2.2.2 Người được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn tập sự hành nghề luật sư
Điều 13 Luật luật sư quy định những người được miễn đào tạo nghề luật sư:
“1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.
3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.”
Điều 16 Luật luật sư quy định về người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư:
“1. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 13 của Luật này được miễn tập sự hành nghề luật sư.
2. Người được miễn đào tạo nghề luật sư quy định tại khoản 4 Điều 13 của Luật này thì được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.
3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Toà án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”
2.3 Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng chỉ hành nghề luật sư
Trình tự, thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 17 Luật Luật sư:
Bước 1: Người đề nghị cấp chứng chỉ nộp hồ sơ theo quy định tại Bộ Tư pháp. Hồ sơ này bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Sơ yếu lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy chứng nhận sức khoẻ; Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bản sao bằng thạc sỹ luật; bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Hồ sơ này được gửi cho Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Trong thời gian 7 ngày làm việc, Ban chủ nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, sau đó chuyển hồ sơ cho Sở tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định.
Đối với những người được miễn tập sự hành nghề luật sư, hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ tư pháp ban hành; phiếu lý lịch tư pháp; giấy chứng nhận sức khoẻ; bản sao bằng cử nhân luật hoặc bản sao bằng thạc sĩ luật (trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật); bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề. Hồ sơ này được gửi cho Sở tư pháp nơi người đó thường trú.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.
Bước 3: Cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Bước 4: Khiếu nại. Trong trường hợp bị từ chối cấp chứng chỉ, người đề nghị cấp chứng chỉ có quyền khiếu nại.
2.4 Phạm vi hành nghề luật sư
Người đang có chứng chỉ hành nghề luật sư thì được phép tiến hành hoạt động các dịch vụ pháp lý đã được quy định cụ thể tại điều 22 Luật luật sư:
“1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện tư vấn pháp luật.
4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.”.
2.5 Những trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
Theo khoản 4 Điều 17 Luật luật sư thì những người thuộc một trong trường hợp sau không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:
“a) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
b) Không thường trú tại Việt Nam;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
d) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế
hành chính;
đ) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
e) những người quy định tại điểm a khoản này bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.”
III. Nhận xét của nhóm về những quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề, phương hướng khắc phục
1. Nhận xét
Để lựa chọn một ngành nghề kinh doanh mang lại hiệu quả, các nhà kinh doanh cần xem xét đến nhiều yếu tố, không chỉ những điều kiện về năng lực bản thân, khả năng kinh tế mà còn phải đặt công việc kinh doanh của mình vào bối cảnh của đất nước, đánh giá về tiềm năng kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường sao cho đạt được mục đích lợi nhuận thích ứng với sự đầu tư đặc biệt là sự tuân thủ pháp luật . Tuy vậy, trong thực tế có những nhu cầu kinh doanh không xem xét đến những khía cạnh trên gây ra sự xâm hại tới lợi ích cá nhân, cộng đồng, môi trường thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của nền kinh tế nước nhà kéo theo hiều nguy cơ lớn. Để khắc phục tình trạng này, pháp luật đã đặt ra những quy định cụ thể về ngành nghề cấm kinh doanh cũng như những yêu cầu cần và đủ cho mỗi loại ngành nghề kinh doanh.
Pháp luật hiện hành ở Việt Nam còn quy định rõ về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện tạo sự minh bạch giúp người kinh doanh có sự lựa chọn đa dạng hơn.Những quy định chặt chẽ của pháp luật về ngành nghề kinh doanh và chứng chỉ hành nghề thực sự đã phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây: Các ngành nghề được lựa chọn đầu tư kinh doanh dần phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, các ngành nghề kinh doanh cần có chứng chỉ hành nghề đang nghiêm túc được thực hiện. tuy nhiên trong một số văn bản hướng dẫn chi tiết còn tồn tại một số mâu thuẫn, sự trùng lặp dẫn đến những hệ quả nhất định.
2. Phương hướng khắc phục
Đối với điều kiện kinh doanh:
Nhà nước cần sớm ban hành danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Việc quy định về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh tại nghị đinh 139/2007/NĐ-CP chưa thực sự đầy đủ và hợp lí với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cản trở sự phát triển của sản xuất. Ví dụ Cụ thể đó là đối với Việt Nam_ một đất nước đang phát triển cần có nhiều cơ hội và những đột phá mới trong kinh doanh và những ngành nghề có ích cho xã hội thì tại khoản 1 Điều 4 nghị định 139/2007/NĐ-CP quy định Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là ngành nghề cấm kinh doanh, tuy nhiên xét về tình hình đất nước ta có rất trẻ em lang thang, cơ nhỡ, mồ côi cần có cơ hội phát triển dưới nền giáo dục của những người nhận làm cha mẹ nuôi, hơn nữa khi ngành nghề này không chính thức được công nhận thì vẫn có sự mô giới chui lủi dẫn đến tình trạng không cơ quan, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm trước những rủi ro, không may của những đứa trẻ;
Ngoài ra cần sớm khắc phục sự trùng lặp trong các quy định về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP và danh mục cấm đầu tư tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Trong danh mục 15 ngành nghề bị cấm kinh doanh có sự trùng lặp với 5 lĩnh vực cấm đầu tư. Do đó cần có sự quy định rõ ràng về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh với dạnh mục các lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh.
Các quy định về chứng chỉ hành nghề: nhà nước cần sớm sửa đổi cụ thể và rõ ràng hơn quy định về các ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề. Hiện nay tồn tại sự khác nhau trong các quy định luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 139/2007/NĐ-CP về vấn đề này. Cụ thể theo quy đinh tại khoản 4 điều 16, khoản 5 điều 17, khoản 5 điều 18, khoản 5 điều 19 Luật doanh nghiệp 2005, yêu cầu phải có ít nhất từ hai chủ thể có hai chứng chỉ hành nghề. Còn theo quy định tại nghị định 139/2007/NĐ-CP thì chỉ cần một trong hai chủ thể có chứng chỉ hành nghề là đủ. Điều này cần xem xét và chỉnh sửa kịp thời.
No comments:
Post a Comment