ĐỀ BÀI: Bài số 1
Lần 1. Ngày 2/10/2000 Nguyễn Văn H phạm tội lần đầu tội trộm cắp tài sản của người không quen biết với giá trị 49 triệu đồng (thuộc khoản 1 Điều 138 BLHS). Cơ quan Công an không phát hiện được.
Lần 2. Ngày 5/10/2005 Nguyễn Văn H lại phạm tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 1 Điều 136 BLHS) và cũng không bị phát hiện.
Lần 3. Ngày 1/10/2011 Nguyễn Văn H lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thuộc khoản 1 Điều 139 BLHS). Và bị bắt vào ngày 20/04/2012.
Hỏi:
1.H có bị truy cứu TNHS về tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà H đã thực hiện như nêu trên hay không? (2 điểm)
2.Các lần phạm tội mà H đã thực hiện được coi là loại tội phạm nào theo cách phân loại tại khoản 3 Điều 8 BLHS. (2 điểm)
3.Giả định H bị xét xử cả 3 tội phạm nêu trên. Tội trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ; tội cướp giật tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án tuyên phạt 18 tháng tù thì hình phạt mà H còn phải chấp hành là bao nhiêu? Biết rằng H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (2 điểm)
4.Với 3 lần phạm tội nêu trên, trường hợp phạm tội của H có bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” hay không? (1 điểm)
BÀI LÀM
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, đâu đó xung quanh ta vẫn còn xuất hiện những tiêu cực, những vấn đề nhức nhối khiến cả dư luận quan tâm, lo ngại. Một trong số đó là tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp với số lượng không nhỏ, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Các tội phạm xâm hại sở hữu điển hình là trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... cũng không phải là ngoại lệ. Sau đây em xin giải quyết bài tập tình huống cụ thể nêu trên có liên quan tới các tội phạm xâm hại sở hữu để làm rõ các quy định của pháp luật hình sự trong quá trình xử lí các tội phạm này.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Để bài làm có tính hợp lí về mặt logic và tránh bị lặp lại về nội dung, trong quá trình giải quyết vấn đề, em xin được trả lời từng câu hỏi mà đề bài yêu cầu nhưng không theo thứ tự như trên mà lần lượt làm các câu 2, 1, 4 và 3. Cụ thể là:
1. Các lần phạm tội mà H đã thực hiện được coi là loại tội phạm nào theo cách phân loại tại khoản 3 Điều 8 BLHS. (2 điểm)
Là khái niệm pháp lí được biết đến nhiều nhất mỗi khi nhắc tới luật hình sự, “tội phạm” được định nghĩa một cách khái quát là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Với định nghĩa như trên, tội phạm được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. BLHS phân loại tội phạm căn cứ vào mức độ nguy hại cho xã hội mà tội phạm gây nên hoặc đe dọa gây nên và mức cao nhất của khung hình phạt đối với mỗi tội phạm cụ thể đó.
Khoản 3 Điều 8 BLHS quy định:
“3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Theo đó, để xác định một tội phạm cụ thể thuộc loại tội phạm nào (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) phải dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm cụ thể đó. Mà theo khoản 3 Điều 8 BLHS thì nếu mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội cụ thể này là ba năm tù thì sẽ là tội phạm ít nghiêm trọng, bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng, mười lăm năm tù sẽ là tôi phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với trường hợp phạm tội của Nguyễn Văn H, lần lượt xét các tội phạm mà H thực hiện trong ba lần:
a, Lần 1: tội trộm cắp tài sản của người không quen biết với giá trị 49 triệu đồng (thuộc khoản 1 Điều 138 BLHS)
Khoản 1 Điều 138 BLHS quy định:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Như vậy mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản mà H đã thực hiện được quy định là ba năm tù. Đối chiếu với quy định của BLHS tại khoản 3 Điều 8 thì trong lần phạm tội này, Nguyễn Văn H đã phạm tội ít nghiêm trọng.
b, Lần 2: tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 1 Điều 136 BLHS)
Khoản 1 Điều 136 BLHS quy định:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Theo đó, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội cướp giật tài sản thuộc khoản 1 Điều 136 là năm năm tù (nằm trong khoảng trên ba năm và chưa quá bảy năm tù). Như vậy tội phạm mà Nguyễn Văn H thực hiện trong lần phạm tội thứ hai này thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.
c, Lần 3: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thuộc khoản 1 Điều 139 BLHS)
Khoản 1 Điều 139 BLHS quy định:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng hoặc…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Ở đây ba năm tù là mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà H đã thực hiện. Tương tự với lần phạm tội đầu tiên, lần này tội phạm Nguyễn Văn H thực hiện lại là tội phạm ít nghiêm trọng.
2. H có bị truy cứu TNHS về tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà H đã thực hiện như nêu trên hay không? (2 điểm)
TNHS là một trong những vấn đề lí luận phức tạp mà cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà luật học. Trong bài làm của mình, em xin được dẫn định nghĩa TNHS trong giáo trình “Luật Hình sự Việt Nam – tập I” của trường Đại học Luật Hà Nội như sau: “Trách nhiệm hình sự được hiểu là: Trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lí bất lợi về hành vi phạm tội của mình”. Theo đó, TNHS có cơ sở là cấu thành tội phạm (CTTP) hay nói khác đi CTTP là cơ sở pháp lí của TNHS, là điều kiện cần và đủ của TNHS. Bởi lẽ Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội quy định trong bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.” mà tội phạm quy định trong BLHS bằng cách mô tả các dấu hiệu đặc trưng, điển hình của tội phạm. Nhưng tập hợp tất cả các dấu hiệu đặc trưng, điển hình của tội phạm chính là CTTP cụ thể. Đối với mỗi CTTP cơ bản, có ba dấu hiệu bắt buộc, đó là: dấu hiệu hành vi, dấu hiệu lỗi và dấu hiệu về năng lực chủ thể (bao gồm năng lực TNHS và độ tuổi). Để nhận biết người phạm tội có phải chịu TNHS về tội phạm mà mình thực hiện hay không trước hết phải xét tới cả ba dấu hiệu này bên cạnh việc xét các dấu hiệu khác trong từng CTTP cụ thể khác nhau.
Đối với tình huống đề bài nêu có thể thấy dấu hiệu hành vi đương nhiên thỏa mãn vì những hành vi mà Nguyễn Văn H thực hiện được mô tả trong ba CTTP cơ bản thuộc ba Điều 138, 136 và 139 BLHS. Các hành vi này đồng thời chứa đựng dấu hiệu lỗi trong mặt chủ quan của tội phạm (thỏa mãn dấu hiệu thứ hai – lỗi của người phạm tội).
Dấu hiệu về năng lực TNHS và độ tuổi chịu TNHS là yếu tố thứ ba cần xét tới. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi được xác định là có năng lực TNHS và đạt đủ độ tuổi mà BLHS quy định. Điều 13 BLHS quy định về tình trạng không có năng lực TNHS. Theo đó, Nguyễn Văn H trong quá trình thực hiện tội phạm, đề bài không mô tả một dấu hiệu nào giống như trong Điều này. Như vậy có thể hiểu rằng H có năng lực TNHS. Tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 12 như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Tóm lại, có thể kết luận về khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn H như sau:
Trường hợp 1, nếu Nguyễn Văn H chưa đủ 16 tuổi thì H sẽ không bị truy cứu TNHS do các tội mà y thực hiện đều không thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng (đối với tội trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và tội phạm nghiêm trọng – tội cướp giật tài sản.
Trường hợp 2, nếu Nguyễn Văn H từ đủ 16 tuổi trở lên thì H có thể sẽ bị truy cứu TNHS về cả ba hành vi phạm tội của mình – tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp thứ hai khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn H mới chỉ được xác định là “có thể” bởi lẽ trên đây là những điều kiện tiên quyết cần xét tới khi xem xét vấn đề truy cứu TNHS. Bên cạnh đó, còn có một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, không thể bỏ qua đó là thời hiệu truy cứu TNHS. BLHS quy định về vấn đề này tại Điều 23 và Điều 24. Cụ thể như sau:
Điều 23. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a, Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
b, Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
c, Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
d, Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3.Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Điều 24. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật này đối với các tội quy định tại chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này.
Đối chiếu với trường hợp phạm tội của Nguyễn Văn H nhận thấy các tội mà H thực hiện không thuộc các chương XI và XXIV mà thuộc chương XIV (các tội xâm phạm sở hữu). Do vậy thời hiệu truy cứu TNHS đối với H sẽ được tính dựa trên quy định của Điều 23 BLHS. Xét lần lượt từng tội mà H đã thực hiện:
Lần 1: Ngày 02/10/2000, H phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 138 – tội phạm ít nghiêm trọng (thời hiệu truy cứu TNHS đối với loại tội này là 5 năm). Như vậy y có khả năng bị truy cứu TNHS về tội trộm cắp tài sản cho tới ngày 02/10/2005 vì trong khoảng thời gian từ khi thực hiện tội phạm tới khi hết thời hiệu truy cứu TNHS, H không phạm tội mới, không trốn tránh và cũng không bị truy nã. Tức là sau ngày 02/10/2005, H sẽ không bị truy cứu TNHS đối với tội trộm cắp tài sản nữa.
Lần 2: Ngày 05/10/2005, H phạm tội cướp giật tài sản (thuộc khoản 1 Điều 136 BLHS) – tội phạm nghiêm trọng (thời hiệu truy cứu TNHS đối với loại tội này là 10 năm). Như vậy kể từ ngày 05/10/2005 đến ngày 05/10/2015, H có khả năng bị truy cứu TNHS.
Lần 3: Ngày 01/10/2011 Nguyễn Văn H phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thuộc khoản 1 Điều 139 BLHS). Theo phân tích ở câu 1, đây là tội phạm ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu TNHS cũng là 5 năm. Tức là sau ngày 01/10/2016, H sẽ không bị truy cứu TNHS về tội này nữa nếu thỏa mãn các điều kiện được nêu trong Điều 23 BLHS.
Tuy vậy thời điểm ngày 01/10/2011 lại nằm trong khoảng thời gian từ 05/10/2005 đến 05/10/2015 (thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội cướp giật tài sản H đã thực hiện). Điều này đã khiến thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội cướp giật tài sản bị đẩy lùi, được tính lại kể từ ngày 01/10/2011 và phải tới ngày 01/10/2021 thời hiệu này mới chấm dứt và H mới có khả năng không bị truy cứu TNHS về tội này nữa.
Theo đề bài thì H bị bắt vào ngày 20/4/2012. Tính tới thời điểm đó thì H vẫn còn khả năng bị truy cứu TNHS đối với tội phạm lần 2 (tội cướp giật tài sản) và lần 3 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) còn tội phạm lần 1 (trộm cắp tài sản) đã hết thời hiệu truy cứu TNHS.
Kết luận lại cho trường hợp thứ hai nếu H từ đủ 16 tuổi trở lên, y sẽ bị truy cứu TNHS về tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Với 3 lần phạm tội nêu trên, trường hợp phạm tội của H có bị áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm” hay không? (1 điểm)
Để trả lời được câu hỏi này, trước hết cần hiểu rõ khái niệm “tái phạm” trong khoa học luật hình sự. BLHS nước ta quy định về nội dung này tại Điều 49, cụ thể là tại khoản 1 như sau:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.”
Đây là một trong những tình tiết tăng nặng TNHS được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Tuy vậy tình tiết này rất dễ bị nhầm với các tình tiết khác trong thực tế mà đó có thể không phải là tình tiết tăng nặng TNHS như phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần,...
Giáo trình “Luật Hình sự Việt Nam – tập I” của trường Đại học Luật Hà Nội định nghĩa: “Phạm nhiều tội là trường hợp người có nhiều hành vi phạm tội hoặc chỉ có một hành vi phạm tội nhưng đã thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau và bị đưa ra xét xử cùng một lần về các tội phạm đó”; “Phạm tội nhiều lần là có từ hai lần trở lên phạm cùng một loại tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nay các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một bản án”. Theo quy định của BLHS thì trong hai tình tiết này, phạm nhiều tội không được coi là tình tiết tăng nặng TNHS còn phạm tội nhiều lần lại giống với tái phạm ở chỗ đều là tình tiết tăng nặng TNHS.
Đối chiếu với trường hợp phạm tội của Nguyễn Văn H, có thể kết luận quá trình phạm tội của H được coi là phạm nhiều tội chứ không phải là tái phạm hay phạm tội nhiều lần. Bởi lẽ:
Thứ nhất, H đã phạm ba tội: tội trộm cắp tài sản (khoản 1 Điều 138), tội cướp giật tài sản (khoản 1 Điều 136) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 139).
Thứ hai, các tội phạm mà H thực hiện (tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS và H chưa bị xét xử về tội nào trong số ba tội đã thực hiện.
Như vậy, vì thuộc trường hợp phạm nhiều tội chứ không phải là tái phạm nên Nguyễn Văn H sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm.
4. Giả định H bị xét xử cả 3 tội phạm nêu trên. Tội trộm cắp tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ; tội cướp giật tài sản bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Tòa án tuyên phạt 18 tháng tù thì hình phạt mà H còn phải chấp hành là bao nhiêu? Biết rằng H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (2 điểm)
Như đã nói ở trên, trường hợp phạm tội của Nguyễn Văn H là phạm nhiều tội nên việc tổng hợp hình phạt và xác định hình phạt còn lại mà H phải chấp hành được tính theo trường hợp tổng hợp hình phạt đối với người phạm nhiều tội và bị xét xử cùng một lần.
Theo quy định tại Điều 50 BLHS, khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp các hình phạt đã tuyên thành hình phạt chung. Trường hợp của H bị Tòa án tuyên phạt bao gồm cả hình phạt tù có thời hạn và cải tạo không giam giữ, không có hình phạt bổ sung. Như vậy chỉ cần tổng hợp hình phạt chính mà H phải chịu theo nguyên tắc cộng hình phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 BLHS như sau: nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỉ lệ 3:1 (3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù) để tổng hợp thành hình phạt tù chung.
Ở đây, H bị tuyên phạt 3 năm cải tạo không giam giữ (tương đương với 1 năm tù) đối với tội trộm cắp tài sản, 3 năm tù tội cướp giật tài sản và 18 tháng (1,5 năm) tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt đối với trường hợp này có thể thấy hình phạt chung mà H phải chấp hành là 1 + 3 + 1,5 = 5,5 năm tù (66 tháng tù). Tuy nhiên H đã bị tạm giam 4 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên hình phạt mà H phải chấp hành sẽ được tính bằng hình phạt chung trừ đi thời gian bị tạm giam, tức là 66 – 4 = 62 tháng tù (không vượt quá mức hình phạt tối đa 30 năm tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50).
Kết luận lại, hình phạt mà Nguyễn Văn H còn phải chấp hành là 62 tháng tù giam.
III. KẾT LUẬN
Trên đây là những ý kiến, quan điểm của cá nhân em về các vấn đề pháp lí liên quan tới việc xử lí các tội phạm xâm hại sở hữu. Bài làm còn nhiều thiếu sót mong nhận được những nhận xét, góp ý của thầy cô để em có thể hoàn thiện hơn trong nhận thức và kĩ năng xử lí tình huống thực tế. Em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã được sửa đổi và bổ sung năm 2009), Nxb. Lao động, Hà Nội – 2012;
2. Giáo trình “Luật hình sự Việt Nam” tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội – 2009;
3. Nguyễn Tuấn Chung, “Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội”, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2011;
4. Phạm Văn Thiệu, “Tổng hợp hình phạt theo các quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội – 2007.
No comments:
Post a Comment