18/10/2014
Vai trò, ý nghĩa, nội dung phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Bài tập lớn môn Xây dựng văn bản pháp luật
ĐỀ BÀI 7:  Nêu vai trò, ý nghĩa, nội dung phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

I.ĐẶT VẤN ĐỀ
     

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mỗi văn bản cụ thể đều giữ vai trò nhất định và lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những căn cứ có vai trò quan trọng trong toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật đó là phần cơ sở ban hành văn bản.


II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Vai trò phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật
   
Trong nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những phần có vai trò vô cùng quan trọng. Dựa vào phần này, chúng ta có thể xác định:
     
Thứ nhất: Thẩm quyền của văn bản có được thực hiện đúng hay không. Bởi trong phần này có nêu ra những văn bản có liên quan trực tiếp đến văn bản đó. Ví dụ, Nghị định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của Chính phủ, trong phần cơ sở ban hành văn bản sẽ có căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001- đây là cơ sở cho phép Chính phủ ban hành Nghị định đúng thẩm quyền của mình.
   
Thứ hai: vị trí của văn bản đang soạn thảo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do một trong những nguyên tắc chọn văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lí là văn bản đó phải có hiệu lực pháp lí cao hơn văn bản đang soạn thảo. Ví dụ, Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất nên không có cơ sở pháp lí, cơ sở pháp lí của Luật là Hiến pháp, cơ sở pháp lí của Pháp lệnh là Hiến pháp hoặc Luật.
     
Thứ ba: nội dung của văn bản. Do trong phần cơ sở ban hành có viện dẫn những văn bản có liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản đó. Ví dụ, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân huyện quy định một số biện pháp về bảo về mội trường trên địa bàn huyện sẽ có phần cơ sở ban hành là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về chủ trương bảo vệ môi trường.
     
Thứ tư: văn bản đó có được ban hành ra một cách hợp lí hay không. Bởi như ta đã biết Luật được soạn thảo dựa trên nhu cầu của đời sống xã hội. Ví dụ, văn bản Luật ngân sách nhà nước được soạn thảo thì cơ sở thực tiễn của nó phải nhằm quản lí thống nhất, có hiệu quả nền tài chính quốc gia chứ không thể nhằm bảo vệ môi trường hay giúp quản lí có hiệu quả quỹ đất được. Bên ngoài đời sống xã hội cần phải điều chỉnh vấn đề gì, có vấn đề gì còn bất cập thì đó chính là cơ sở hợp lí nhất cho sự ra đời của một văn bản quy phạm pháp luật.

2.Ý nghĩa của phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở tiền đề, giúp cho văn bản quy phạm pháp luật có được tính hợp pháp và tính hợp lí.

Đối với các nhà làm luật, những chủ thể có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thì phần này giúp cho việc đánh giá văn bản đó trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Chỉ cần nhìn vào phần cơ sở ban hành là có thể biết văn bản đó được ban hành hợp pháp về thẩm quyền, nội dung và có hợp lí hay không.

Đối với những người trực tiếp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp cho biết những văn bản quy phạm pháp luật nào phù hợp với văn bản đang soạn thảo.

Đối với các cá nhân, cơ quan, đơn vị, những người có liên quan đến việc thực hiện văn bản, cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa trong việc xác định phạm vi nhóm người chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đó.
           
3.Nội dung phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật được trình bày đầu tiên, ngay sau phần tên và trích yếu nội dung văn bản.

Nội dung phần cơ sở ban hành bao gồm hai nhóm:

Thứ nhất, nhóm cơ sở pháp lí - đây là những chuẩn mực pháp luật mà trên cơ sở đó văn bản quy phạm pháp luật được ban hành một cách hợp pháp. Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật được xác định dựa trên những nguyên tắc:

- Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật chỉ là những văn bản quy phạm pháp luật (mà không thể là văn bản áp dụng pháp luật).

- Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật phải có hiệu lực cao hơn văn bản đang soạn thảo.

- Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật phải đang có hiệu lực tại thời điểm văn bản đó được ban hành.

- Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật phải có nội dung liên quan đến chủ đề mà văn bản đó thể hiện.

Thứ hai, nhóm cơ sở thực tiễn – đó là những hành vi, sự kiện thực tế hoặc những văn bản khác có liên quan đến nội dung dự thảo mà theo đó làm phát sinh những vấn đề mà dự thảo phải giải quyết.

III.KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Như vậy, có thể khẳng định, phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phần có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong khi soạn thỏa văn bản quy phạm pháp luật. Khi soạn thảo cần phải chú ý đặc biệt đến phần nội dung quan trọng này.

No comments:

Post a Comment