16/10/2014
Bào chữa cho bị cáo phạm tội Hiếp dâm trẻ em - Bài tập lớn học kỳ môn Kĩ năng luật sư trong Tố tụng hình sự
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


             BẢN BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO TRƯƠNG HỒNG QUÂN

             Kính thưa: Hội đồng xét xử.
             Thưa luật sư đồng nghiệp.
         
           Tôi là Luật sư Đào Lê Giang Linh thuộc văn phòng luật sư A, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Theo yêu cầu của bị cáo Trương Hồng Quân và được sự đồng ý của Tòa, tôi có mặt tại phiên tòa hôm nay để bào chữa cho bị cáo Trương Hồng Quân bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Điều 112, khoản 3, điểm c Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo bản cáo trạng số 153/CT-VKS-P1A ngày 18/4/2011.
         
           Kính thưa Hội đồng xét xử, hôm nay tôi vô cùng đau xót khi phải tham dự phiên tòa mà thật tâm không ai mong muốn, bởi tất cả các người tham gia tại đây cũng như nạn nhân và bị cáo điều là những người còn rất trẻ, còn cả một tương lai dài phía trước, chỉ vì sự bồng bột mà phải đứng trước vòng lao lí.
         
           Thưa gia đình người bị hại, chúng tôi rất thông cảm và thành thật chia sẻ nỗi đau trên với các gia đình, nhưng công việc không cho phép chúng tôi nói những lời khác hơn những lời nhằm tìm ra những tình tiết khách quan của vụ án hoặc những tình tiết mà bị cáo đáng được xem xét giảm nhẹ. Đây không phải là việc nhằm xoá tội hoặc chạy tội cho bị cáo mà là công việc của pháp lý, là mặt thứ hai của công tác xét xử. Nó chỉ có tác dụng làm cho công tác xét xử được xem xét từ nhiều phía, lật đi lật lại các vấn đề, để giúp Hội đồng xét xử có thêm một cái nhìn ngược lại để có thêm cơ sở mà tuyên cho bị cáo một bản án đúng người, đúng tội, đúng luật pháp và thấu tình đạt lý. Kính mong gia đình nạn nhân thông cảm cho như thế.
Sau đây là những lời bào chữa của tôi.
         
          Vụ án này nghiêm trọng nhưng các tình tiết lại đơn giản, rõ ràng. Thủ phạm của vụ án và hành vi hiếp dâm trẻ  em của thủ phạm đã lộ rõ trước mắt mọi người đó chính là Trương Hồng Quân. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, theo dõi và thẩm vấn trực tiếp tại phiên tòa hôm nay, với tư cách là luật sư bào chưa cho bị cáo, tôi xin trình bày một số quan điểm để bào chữa cho bị cáo.
         
           Kính thưa Hội đồng xét xử, theo tôi việc truy tố thân chủ tôi phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” theo tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự là chưa thỏa đáng vì các lẽ sau:
     
            - Thứ nhất, trong Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009, nhà làm luật chưa đưa ra khái niệm chính thức thế nào là tình tiết “phạm tội nhiều lần”. Nhưng từ thực tiễn xét xử và một số quan điểm của các nhà luật học thì tình tiết này được luận giải hiểu là phạm tội nhiều lần là người phạm tối đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (như nhiều lần hiếp dâm) mà các hành vi này nếu tách ra riêng rẽ thì mỗi hành vi đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập khác.

          - Thứ hai, đối với vụ án, trong đêm 3/7/2010 rạng sáng 4/7/2010, bị cáo đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với người bị hại và hành vi của bị cáo chỉ đủ cấu thành một tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 1 Điều 112 mà không có căn cứ định tội theo điểm c khoản 3 Điều này. Cũng theo điều tra của Cơ quan điều tra, bị cáo chưa từng có tiền án tiền sự, kể cả với tội này hay bất kì tội phạm nào khác. Căn cứ theo cáo trạng của Viện kiểm sát, qua lời khai của người bị hại thì sau lần bị cưỡng ép quan hệ đầu tiên, bị hai có cơ hội bỏ đi nhưng không thực hiện mà vẫn ở lại “nằm cạnh” bị cáo. Đồng thời, trong hai lần giao cấu sau, người bị hại có phản kháng nhưng là phản kháng vì trong quá trình quan hệ bị đau, rát và bị cáo khi thấy vậy cũng đã ngừng lại hành vị giao cấu của mình.

          Như vậy, ở đây tôi muốn trình bày rằng hành vi của thân chủ tôi chưa đủ để cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em” với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại Điều 112, khoản 3, điểm c Bộ luật hình sự.
Kính thưa Hội đồng xét xử cùng toàn thể các vị có mặt tại phiên tòa hôm nay, việc bị cáo hiếp dâm người khác là một việc làm gây tác hại hết sức nghiêm trọng. Bị cáo phải chịu một mức án nghiêm khắc là đúng với hành vi của anh ta. Song ở đây chỉ có điều mức án nghiêm khắc đến mức nào? Việc làm này trông chờ hoàn toàn vào sự công minh của pháp luật, của Hội đồng xét xử. Tuy nhiên việc truy tố bị cáo Quân theo điều khoản trên thật sự là không phù hợp bởi vì các tinh tiết, lời khai, tang chứng vật chứng đều chưa đủ dấu hiệu chứng minh là bị cáo phạm tội hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Chính vì vậy tôi đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố thân chủ tôi tội “Hiếp dâm trẻ em”, nhưng tôi không đồng ý với việc truy tố thân chủ tôi theo điểm c khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì hành vi phạm tội của thân chủ tôi không đủ cấu thành tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” nên tôi đề nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát nhân dân chuyển sang truy cứu thân chủ tôi theo tội danh như trên.

          Kính thưa Hội đồng xét xử, ngoài đề nghị trên tôi thấy bị cáo còn các tình tiết giảm nhẹ sau: Một là, việc sau khi gây án bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại 20.000.000 đồng; người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bồi thường thêm. Hai là, trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Do vậy, với những tình tiết này kính xin Hội đồng xét xử quyết định cho bị cáo được áp dụng “quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật” theo điều 47 của BLHS với căn cứ vào điểm b và điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

          Kính thưa Hội đồng xét xử, mục đích của pháp luật là giáo dục và răn đe nhằm cải tạo những con người đã có những hành vi lầm lỗi. Việc bị cáo đã phạm tội thì chắc chăn phải bị sự trừng trị của pháp luật, thế nhưng trong suốt nhiều tháng qua tòa án lương tâm của bị cáo đã xét sự anh ta hằng ngày hằng giờ. Khi về với đời thường phải đối diện với gia đình nạn nhân, những người thân quen như thế nào? Ngoài ra, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo còn chưa đủ 16 tuổi, nhận thức về các hành vi sai trái của bị cáo còn kém, vì sự bồng bột thiếu hiểu biết mà đã lầm đường lạc lối, làm lỡ dở cả tương lai còn dài phía trước. Vì vậy kính mong Hội đồng xét xử tuyên bị cáo một mức án sao cho vừa tuân thủ đúng pháp luật vừa mang tính giáo dục và nhân văn nhất.

          Xin trân trọng cảm ơn.
                                         
                                                                                                                                           Luật sư

                                                                                                                                  Đào Lê Giang Linh.

No comments:

Post a Comment