18/10/2014
Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn
Bài tập học kỳ Luật Dân sự 2 có đáp án.

Nghĩa vụ dân sự là một trong những chế định quan trọng của Bộ Luật Dân sự của nước ta. Hiện nay, xoay quanh nội dung này còn khá nhiều vấn đề về mặt lí luận cũng như thực tế đáng quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu như vậy, tại bài viết này em xin trình bày vấn đề trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn để phần nào góp phần giải quyết vấn đề mang tính pháp lí này.

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

I, Một số khái niệm .

Để làm rõ vấn đề này, trước tiên, chúng ta nghiên cứu về một số khái niệm liên quan, đó là:

1. Trách nhiệm pháp lý.

Trách nhiệm pháp lí là một khái niệm chung được sử dụng tại nhiều ngành luật khác nhau. Về mặt khái niệm trách nhiệm pháp lý được hiểu là hậu quả pháp lý (sự trừng phạt) đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với các chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chụ những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật�.

Trách nhiệm pháp lý có những đặc điểm sau:

- Thành phần đang chú ý nhất của trách nhiệm pháp lý là "hậu quả pháp lý" hay nói cách khác là chế tài, thái độ của nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật được thể hiện qua việc áp dụng các chế tài và được thực hiện bởi bộ máy cưỡng chế nhà nước.

- Tính đền bù, mục đích của trách nhiệm pháp lý không chỉ là trừng trị hành vi vi phạm pháp luật mà bên cạnh đó còn có sự khôi phục tình trạng tương ứng đối với phần hậu quả mà người vi phạm đã gây ra do không thực hiện nghĩa vụ của mình.

- Về hình thức của trách nhiệm pháp lý chỉ tồn tại khi được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự luôn là một vấn đề pháp lý đáng quan tâm của các Bộ luật dân sự đã từng tồn tại ở Việt Nam từ trước đến nay. Về mặt khái niệm, hiện nay theo quy định tại điều 280 Bộ luật dân sự năm 2005: "Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền, hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của môt hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi là bên có quyền).

Nghĩa vụ dân sự được phân thành nhiều loại khác nhau, đó là nghĩa vụ dân sự riêng rẽ, nghĩa vụ dân sự liên đới, nghĩa vụ dân sự được phân chia theo phần, nghĩa vụ hoàn lại và nghiã vụ bổ sung. Nghĩa vụ dân sự có những đặc điểm riêng đó là: Nghĩa vụ dân sự là một quan hệ pháp luật dân sự; Các bên chủ thể trong nghĩa vụ dân sự luôn được xác định cụ thể; quyền và nghĩa vụ dân sự của hai bên chủ thể đối lập nhau; Quyền dân sự của các bên chủ thể là một quyền đối nhân.

3. Trách nhiệm dân sự.

Về mặt thuật ngữ, trách nhiệm dân sự theo nghĩa rộng là các biện pháp có tính cưỡng chế được áp dụng nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị vi phạm, trách nhiệm dân sự theo nghĩa hẹp là các biện pháp có tính cưỡng chế�.

II, Căn cứ phát sinh trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Trách nhệm pháp lí do vi phạm nghĩa vụ dân sự là một hiện tượng trong thực tế và được pháp luật điều chỉnh. Vì vậy căn cứ phát sinh trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ dân sự phải được pháp luật quy định cụ thể.

1, Theo điều 302 bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

"1, Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2, Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3, Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền"

Như vậy căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự bao gồm:

1.1 Hành vi vi phạm nghĩa vụ.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước người có quyền theo mối quan hệ nghĩa vụ được xác lập nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện, hành vi không thực hiện nghĩa vụ có thể được biểu hiện qua các trường hợp sau đây:

- Người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản nếu đối tượng của nghĩa vụ được các bên thỏa thuận là tài sản và theo đó các bên có nghĩa vụ phải chuyển giao tài sản cho bên có quyền.

- Người có nghĩa vụ không thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên có quyền hoặc theo quy định của pháp luật, hành vi thực hiện không đúng nghĩa vụ được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo nội dung được xác định cụ thể (thực hiện đúng đối tượng, đúng thời hạn...) nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiên đúng nội dung của nghĩa vụ theo thỏa thuận với người có quyền, hoặc dù đã thực hiện nhưng chỉ mới thực hiện môt phần, chưa đầy đủ (không giao đủ tiền, không giao đủ số lượng hàng hóa...).

Sự vi phạm hay không thi hành nghĩa vụ có thể được thể hiện thông qua một lời tuyên bố của người có nghĩa vụ là sẽ không thi hành, sự kiện này có thể có nhiều lý do: Người có nghĩa vụ không muốn thi hành vì giả dối; Do sự nhầm lẫn, người có nghĩa vụ tưởng rằng nghĩa vụ đã chấm dứt trong khi trên thực tế họ vẫn đang bị ràng buộc với nghĩa vụ đó (ví dụ: Tưởng đã thanh toán hết số tiền mua hàng, nhưng trên thực tế còn thiếu còn thiếu khoản tiền cước phí vận chuyển).

Ngoài ra, có thể trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên giao kết có thể không đồng ý với nhau về nội dung nghĩa vụ, vì thế một bên từ chối thực hiện nghĩa vụ viện cớ rằng theo họ nghĩ thì họ không phải thi hành nghĩa vụ mà bên kia đòi hỏi (ví dụ: Hai bên giao kết hợp đồng biểu diễn ca nhạc, bên thuê không trả hết tiền vì cho rằng, tiền thuê nhạc cụ và âm thanh bên biểu diễn phải tự chịu hoặc đã bao gồm trong phí thuê biểu diễn). Nếu người có nghĩa vụ tuyên bố công khai về việc không thực hiện thì ý định của họ đã rõ ràng, nhưng nhiều khi giữ thái độ im lặng, không thông báo gì. Đối với trường hợp này cần phải xem xét việc họ chưa thực hiện nghĩa vụ là do họ không thể thực hiện hay từ chối thực hiện, để làm được điều này thì người có quyền cần gửi cho người có nghĩa vụ một giấy thông báo yêu cầu thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận, nếu người có nghĩa vụ không trả lời hoặc đưa ra lý do không chính đáng và không hợp pháp, thì đây có thể là căn cứ hợp pháp để người có quyền khởi kiện ra tòa.

1.2. Lỗi.

Tại điều 308 Bộ luật dân sự có quy định như sau:

Lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ tâm lý của con người đối với hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra. Để xác định người có nghĩa vụ khi vi phạm nghĩa vụ đó có phải chịu trách nhiệm dân sự hay không, trước hết phải xem xét người đó có lỗi hay không và trường hợp đó thuộc lỗi cố ý hay vô ý.

Lỗi cố ý được hiểu là một người khi thực hiện một hành bi nhất định, nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra thiệt hại cho người khác, mặc dù mục đích của hành vi đó không nhất thiết là phải gây thiệt hại.

Lỗi vô ý gây thiệt hại là một người khi thực hiện một hành vi không thấy trước được hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra, hoặc biết trước hành vi của mình sẽ gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Bộ luật dân sự 2005 quy định người có nghĩa vụ mà không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Trong một số trường hợp nhất định, thì điều kiện xác định trách nhiệm dân sự phải là lỗi cố ý.

Người vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình dù lỗi cố ý hay vô ý, nhưng cần lưu ý, việc phân biệt lỗi cố ý hoặc vô ý trong trách nhiệm dân sự có ý nghĩa trong việc giảm mức bồi thường thiệt hại cho người vi phạm hoặc xác định trách nhiệm của người có quyền nếu họ có lỗi đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ của người có nghĩa vụ.

Trong một số trường hợp yếu tố lỗi cố ý hay vô ý được nhận thức dễ dàng từ tính chất của vụ việc. Mặc dù vậy, không phải lúc nào cũng có thể xác định được việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ là do lỗi cố ý hay lỗi vô ý của người có nghĩa vụ. Do đó, trước đây điều 309 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định trách nhiệm chứng minh lỗi cố ý hoặc vô ý thuộc về người vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, đây là quy định thuộc về pháp luật tố tụng, việc đưa ra các chứng cứ chứng minh mình có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự hay không đã được bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định đầy đủ và cụ thể, vì thế bộ luật dân sự 2005 không điều chỉnh quy định này.

2, Trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ.

2.1. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc.

Đây là trường hợp trách nhiệm phát sinh khi đối tượng của nghĩa vụ là công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện, nếu giữa các bên có thỏa thuận rằng một bên có nghĩa vụ phải làm một việc hay không được làm một việc thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận đó. Thông thường đối tượng của công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện được thỏa thuận trong các hợp đồng gia công hoặc dịch vụ.

Công việc phải được làm được coi là đối tượng của nghĩa vụ, nếu đó là công việc được nhiều người xác lập với nhau một quan hệ nghĩa vụ mà theo đó, người có nghĩa vụ phải thực hiện công việc theo đúng nội dung đã được xác định. Công việc phải làm có thể có thể được hoàn thành với một kết quả nhất định, nhưng cũng có thể không gắn với một kết quả nào đó, có thể được thể hiện vật chất cụ thể, cũng có thể không thể hiện dưới dạng vật chất (ví dụ: A ký với B vẽ riêng cho B một bức tranh chân dung. đây là dạng vật chất cụ thể; C ký với D hợp đồng gia sư cho con mình. không dưới dạng vật chất cụ thể).

Khi các đã thỏa thuận trong hợp đồng về việc phải thực hiện hay không được thực hiện một việc mà bên có nghĩa vụ vi phạm cam kết thì phải chịu trách nhiệm dân sự theo khoản 1 điều 304 Bộ luật dân sự 2005: "Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại".

Khoản 2 điều 304 quy định: "Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại". Như vây, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này đi kèm với biện pháp tiếp tục thực hiện hoặc chấm dứt thực hiện nghĩa vụ, đối với việc áp dụng việc tiếp tục thực hiện một công việc phải làm hay chấm dứt một công việc không được làm mới chỉ là biện pháp nhằm ngăn chặn hậu quả đã hoặc có thể xảy ra cho bên vi phạm nghĩa vụ, còn chế tài bồi thường đi kèm nhằm đền bù, khắc phục những thiệt hại về mặt vật chất cho bên bị vi phạm.

2.2 Trách nhiệm do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ giao vật: Là việc triển khai tất cả các nội dung mà các bên đã cam kết trong hợp đồng, các bên phải hoàn thành nghĩa vụ của mình để đảm bảo quyền lợi cho phía bên kia. Nghĩa vụ chuyển giao tài sản là nghĩa vụ phổ biến trong hợp đồng thông thường, tồn tại ở đa số các hợp đồng như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng thuê khoán...Bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản phải thực hiện nghĩa vụ của mình và việc không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao tài sản là một trong những nguyên nhân làm phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ.

Theo quy định tại điều 16 bộ luật dân sự 2005, tài sản mà bên có nghĩa vụ chuyển giao có thể vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, bên có nghĩa vụ cần phải chú ý đối tượng của hợp đồng là vật đặc định và vật cùng loại.

Theo khoản 3 điều 303 quy định: "Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định thì người có quyền được quyền yêu cầu bên có ngĩa vụ phải giao đúng vật đó; Nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật". Trong trường hợp này nhà làm luật không quy định bên bị vi phạm có quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế bên vi phạm nghĩa vụ trên thực tế, vì lí do trong thực tiễn nghĩa vụ đó đã trở nên không thực hiện được khi mà đã bị mất hoặc hư hỏng.

Đáng chú ý đối với các nghĩa vụ gắn với nhân thân và liên quan đến các vấn đề thanh danh cá nhân, thì khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, thì bên có quyền cũng không thể yêu cầu Tòa án cưỡng chế thi hành nghĩa vụ dân sự được (ví dụ: Hợp đồng thuê nhac sĩ sáng tác ca khúc, nếu họ không có cảm hứng hoàn thành tác phẩm thì cũng không thể cưỡng chế bắt họ làm ra tác phẩm nghệ thuật của mình). Trong trường hợp đó, bên có quyền chỉ có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản phải chuyển giao và bồi thường thiệt hại vì hành vi vi phạm hợp đồng.

Do có những tính chất chung đặc điểm, nếu đó là vật cùng loại, bên vi phạm nghĩa vụ có thể khắc phục bằng việc thay thế vật đã bị hư hỏng bằng vật khác. Vì vậy, bên có nghĩa vụ có thể xin gia hạn thực hiện nghĩa vụ đó và bồi thường thiệt hại xảy ra nếu đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ chuyển giao vật chưa thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại.

Thực hiện nghĩa vụ dân sự là một trong các nguyên tắc mà các bên thực hiện hợp đồng thực hiện không đúng nghĩa vụ chuyển giao tài sản là việc chuyển giao tài sản không đúng số lượng, không đúng phương thức, không đúng địa điểm, do không giao vật đồng bộ, không đúng chủng loại...việc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ cũng được coi là thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Đối với nghĩa vụ giao vật đồng bộ cũng như vậy, nếu như bên có nghĩa vụ không giao đúng vật đồng bộ dẫn đến mục đích sử dụng vật không đạt được thì bên chuyển giao vật cũng có trách nhiệm về hành vi vi phạm nghĩa vụ chuyển giao vật theo khoản 1 điều 436 Bộ luật dân sự 2005.

Việc thực hiện không đúng nghĩa vụ chuyển giao tài sản còn thể hiện ở việc chuyển giao không đúng vật chủng loại, bên có nghĩa vụ không được lấy vật khác thay thế cho vật đã thỏa thuận, quy định tại điều 437 Bộ luật dân sự 2005: "Trong trường hợp vật dược giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau:

1. Nhận và thanh toán theo giá mà các bên thỏa thuận;

2. Yêu cầu giao đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;

3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại;"

Đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ không đúng thời gian thỏa thuận, như thực hiện trước thời hạn hoặc thực hiện muộn nghĩa vụ chuyển giao tài sản, thì việc chậm nghĩa vụ lại là một căn cứ khác làm phát sinh trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ. Nhưng đối với việc thực hiện sớm nghĩa vụ thì cẩn giải quyết thế nào và có được coi là một trong các trường hợp phát sinh trách nhiệm do thực hiện không đúng nghĩa vu không? Có thể thấy trong việc thực hiện sớm nghĩa vụ, bên có quyền có tiếp nhận hoặc không tiếp nhận nghĩa vụ đó, việc thực hiện trước, trường hợp nếu rủi ro mà xảy ra là lỗi hoàn toàn thuộc về bên có nghĩa vụ, những rủi ro đó do bên có nghĩa vụ phải gánh chịu. Bên có quyền cũng không được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại và cũng không có quyền chấm dứt hợp đồng. Vì thế, bên có nghĩa vụ thực hiện trước thời hạn thì có lẽ không nên đặt ra vấn đề trách nhiệm dân sự đối với bên có nghĩa vụ.

2.3 Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự:

Chậm thực hiện nghĩa vụ là bên có nghĩa vụ phải thể hiện dưới hành động cụ thể hướng tới bên có quyền bằng việc thông báo là không thể hoàn thành nghĩa vụ đúng thời hạn, bên có quyền chấp nhận việc gia hạn cho bên có nghĩa vụ để hoàn thành nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ sau đó phải có những hành động cụ thể chứng tỏ việc thực hiện nghĩa vụ của mình vẫn diễn ra và vẫn muốn được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp bên có nghĩa vụ hoàn toàn không có ý thức muốn thực hiện nghĩa vụ, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình và cũng không thể hiện có hành động và thông báo cho bên có quyền biết, được coi là không thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp trong hợp đồng có quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ cụ thể, bên có nghĩa vụ không hoàn thành nghĩa vụ đúng thời hạn, xin gia hạn nhưng không được bên có quyền chấp nhận và từ chối việc tiếp nhận nghĩa vụ thì cũng được coi là trường hợp không thực hiện nghĩa vụ.

Theo quy định tại khoản 1 điều 305 Bộ luật dân sự 2005 người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người có quyền: "Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại. Nếu việc thực hiện không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại".

Đối với nghĩa vụ trả tiền, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng thời hạn thì phải trả thêm tiền lãi đối với thời gian chậm trả, theo lãi xuất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố, tương ứng. Trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

2.4. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự:

Theo quy định tại điều 288 Bộ luật dân sự 2005: "Chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện theo thỏa thuận, nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó".

Theo quy điều 306 quy định về trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ như sau: "Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Qua đó có thể thấy một số điểm đáng lưu ý khi nghiên cứu vấn đề trách nhiệm của các bên trong việc tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ:

+ Người có nghĩa vụ không được miễn việc thực hiện nghĩa vụm nhưng được miễn mọi điều bất lợi gắn liền với việc không thực hiện nghĩa vụ, khi bên có quyền chấp nhận tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ, thì bên có nghĩa vụ vẫn phải có các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền thanh toán chi phí hợp lý phát sinh đối với việc bảo quản đó.(khoản 2 điều 288).

+ Nếu đối tượng của nghĩa vụ là tài sản có nguy cơ bị hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản là thanh toán bằng tiền cho bên có quyền từ việc bán tài sản (trừ đi chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó). Ngoài ra bên có nghĩa vụ không phải chờ sự đồng ý của bên có quyền về việc bán tài sản của mình (khoản 3 điều 288).

+ Nếu việc chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ của bên có quyền làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì mới phải bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ.

III. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1.1 Hành vi vi phạm: Là một loại trách nhiệm pháp lí nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ chỉ phát sinh khi có sự vi phạm và áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm, hành vi vi phạm nghĩa vụ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các quy định của hợp đồng.

1.2 Lỗi: Đây là một trong những căn cứ quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự, về nguyền tắc, người nào gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại và chỉ bồi thường khi có lỗi, nếu bên có nghĩa vụ không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm.

1.3 Có thiệt hại thực tế xảy ra: Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người có nghĩa vụ phải bù đắp cho bên bị thiệt hại những tổn thất mà mình đã gây ra do việc mình đã vi phạm nghĩa vụ dân sự, bởi vậy thiệt hại được coi là yếu tố bắt buộc và tiền đề để giải quyết có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không.

Thiệt hại trong vi phạm nghĩa vụ theo nghĩa đơn thuần là thiệt hại về vật chất, theo giáo trình Luật dân sự trường đại học luật hà nội thì: "Thiệt hại là sự biến đổi theo chiều hướng xấu đi trong tài sản của một người thể hiện ở những vật chất tính được bằng tiền mà người đó phải gánh chịu". Thiệt hại về vật chất bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng, chi phí bỏ ra để khắc phục, ngăn chặn thiệt hại cũng như hoa lợi, lợi tức không thu được mà đáng ra thu được.

Việc xác định thiệt hại có xảy ra hay không, thiệt hại đến mức nào là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vì ý nghĩa của việc gánh chịu trách nhiệm là việc khắc phục hậu quả và bù đắp tổn thất về tài sản do việc vi phạm nghĩa vụ gây ra. Phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ tương đương với mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế, có thể phân loại các thiệt hại thành 2 loại sau:

+ Những thiệt hại trực tiếp: Là những thiệt hại đã xảy ra một cách khách quan trong thực tế mà mức thiệt hại dễ dàng xác định được như: chi phí thực tế và hợp lý; tài sản bị mất mát, hư hỏng, hủy hoại.

+ Những thiệt hại gián tiếp: Là những thiệt hại phải dựa trên sự tính toán khoa học mới xác định được thiệt hại, thiệt hại này còn gọi là thu nhập thực tế bị mất mát hoặc giảm sút.

1.4 Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra.

Trong khoa học pháp lý, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối quan hệ nhân quả, nội tại và tất yếu. Trong đó hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả, chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại.

Nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ nối tiếp nhau, nguyên nhân bao giờ cũng là các đi trước, là cái sinh ra kết quả. Vì vậy, hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra tất yếu phải là hau giai đoạn gắn bó với nhau của một quá trình vận động. Trong lĩnh vực hợp đồng cũng vậy, chỉ khi nào hành vi vi phạm nghĩa vụ của một bên là nguyên nhân dẫn tới những thiệt hại, tổn thất cho bên kia thì bên vi phạm mới phải chịu trách nhiệm, trong trường hợp thiệt hại xảy ra do không phải lỗi của bên có nghĩa vụ mà do một nguyên nhân khác thì sẽ không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và một nguyên nhân sinh ra cũng có thể làm phát sinh nhiều hậu. Vì vậy nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai, cần phải xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra, nếu không xác đinh chính xác mối quan hệ này có thể dẫn đến nhiều sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.

2. Xác định thiệt hại.

Khoản 2 điều 307 : “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Như vậy, tài sản có thể là tài sản hiện hữu và cũng có thể là tài sản hình thành trong tương lai, vì tài sản trong tương lai cũng được coi là đối tượng của hợp đồng, nhưng với tài sản hình thành trong tương lai phải được xác định là chắc chắn sẽ có.

Khi có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm cũng phải áp dụng hết các biện pháp hợp lí để ngăn chặn, hạn chế những tổn thất trên thực tế. Do đó, ngoài những thiệt hại xảy ra do vi phạm nghĩa vụ gồm những tài sản bị mất mát, bị hủy hoại hoàn toàn, giảm sút giá trị về tài sản, thiệt hại còn tính đến cả những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả, những tổn thất do thu nhập thực tế bị giảm sút hay mất đi. Có những loại thiệt hại có thể tính toán một cách chính xác, cụ thể, nhưng có những thiệt hại chỉ có thể xác định một cách ước lượng, xấp xỉ chứ không thể đưa ra một con số thiệt hại chính xác, có thể xác định thiệt hại dựa trên những tổn thất sau:

+ Tổn thất về tài sản: Tài sản được xác định theo quy định của bộ luật dân sự bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bị tổn thất là những tài sản bị mất mát, hư hỏng, bị giảm sút về giá trị hoặc bị hủy hoại hoàn toàn. Tài sản bị mất mát, hư hỏng trên thực tế do không được bảo quản tốt trong quá trình vận chuyển, vật bị giao thiếu, giao không đồng bộ so với thỏa thuận…Một điều cần lưu ý là đối với các tài sản hao mòn tự nhiên, thì hao mòn tự nhiên của tài sản không được coi là thiệt hại và bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên đó.

Ví dụ về thiệt hại trực tiếp: A và B ký với nhau hợp đồng cung cấp bát đĩa thủy tinh, A phải vận chuyển hàng tới tận trụ sở của B, do không cẩn thận, không tuân thủ quy trình, A đã làm vỡ và sứt mẻ một nửa lô hàng gồm 100 bát con và 80 đĩa thủy tinh; Trong trường hợp này, tài sản bị thiệt hại được xác định là thiệt hại trực tiếp do vi phạm nghĩa vụ gây ra.

Tuy vậy, với các hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển…Có thể thấy các thiệt hại về tài sản có thể dễ dàng được xác định và tính toán cụ thể, còn đối với hợp đồng dịch vụ thì cách xác định thiệt hại sẽ khó tính toán được.

+ Chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại: Có thể hiểu chi phí hợp lý là một khoản tiền đúng với sự cần thiết phải bỏ ra đê giảm bớt thiệt hại. Những chi phí này rất đa dạng như chi phí thuê kho chứa, bảo quản, chi phí sửa chữa những hỏng hóc của máy móc, thiết bị, chi phí thuê lao động… tính hợp lý của các chi phí này được hiểu là vào trường hợp đó, bất kể ai cũng phải áp dụng các biện pháp nhằm giảm bớt thiệt hại.

Ví dụ: Bão đổ bộ vào đất liền, việc vận chuyển hàng hóa lúc này là không thể và khó khăn, bên bị thiệt hại phải thuê gấp một nhà kho để bảo quản hàng hóa và chấp nhận thuê với giá cao hơn ngày bình thường và thuê người vận chuyển vào trong kho. Chi phí mới này phát sinh sẽ được coi là hợp lý trong hoàn cảnh đó. Nó hợp lý vì đã kịp thời ngăn chặn nhằm giảm bớt thiệt hại về tài sản, bên phải bồi thường không thể cho rằng mình không phải trả thêm khoản tiền mới phát sinh trên.

+ Thu nhập thực tế bị mất, giảm sút: Đây là khoản thu nhập mà bên bị thiệt hại không thể có được do hành vi vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại của bên kia gây ra. Đối với các thu nhập khác của người bị thiệt hại nếu bị mất hoặc giảm sút mà không phải do hành vi vi phạm nghĩa vụ gây ra thì không được bồ thường. Khác với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút không phải là tiền lương hay thu nhập từ lao động mà là khoản lợi ích mà nếu như không có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì người đó sẽ được hưởng khoản tiền phát sinh từ hợp đồng đó.

3. Mức bồi thường thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật việt nam, khi tính toán các khoản thiệt hại về tài sản phải bồi thường, nhà làm luật quy định bên vi phạm chỉ phải bồi thường đối với những tổn thất thực tế, tính được bằng tiền, từ đó suy ra các thiệt hại khác về danh dự, uy tín do việc vi phạm nghĩa gây ra sẽ không được bồi thường thiệt hại, thiệt hại được bồi thường là toàn bộ những tổn thất thực tế phát sinh, do đó thiệt hại thực tế là bao nhiêu thì bên vi phạm phải bồi thường bấy nhiêu.

IV, Các trường hợp miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Dựa vào quy định tại Điều 302 BLDS và các quy định hướng dẫn khác, chúng ta có thể nêu ra một số trường hợp miễn trừ nghĩa vụ dân sự, đó là:

+ Không phát sinh do sự kiện bất khả kháng (khoản 2 điều 302).

+ Không phải chịu trách nhiệm do lỗi của bên có quyền (khoản 3 điều 302).

+ Miễn trừ trách nhiệm do thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng thời hiệu hưởng miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.

V. Phạt vi phạm.

Phạt vi phạm là một vấn đề đáng quan tâm trong Bộ luật dân sự. Giua Bộ luật dân sự 1995 và 2005 có sự khác nhau về bản chất của phạt vi phạm. Trong bộ luật dân sự năm 1995 phạt vi phạm được coi là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng khoản tiền xác định hoặc hoặc khoản tiền theo giá trị nghĩa vụ chậm thực hiện mà bên có hành vi vi phạm phải nộp cho bên bị vi phạm, do pháp luật quy định hoặc các bên tự thỏa thuận (được quy định trong phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ từ điều 377 đến điều 397). Việc quy định mức phạt vi phạm có thể làm cho bên bị vi phạm nghĩa vụ nhận được số tiền bị thiệt hại đã tính trước mà không cần phải chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra hay không.

Bộ luật dân sự 2005 đã xác định lại bản chất của phạt vi phạm hợp đồng, không còn quy định phạt vi phạm là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ , mà cụ thể tại khoản 1 Điều 422 quy định: Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

Cũng theo quy định tại khoản 3 điều 422 Bộ luật dân sự 2005 thì các bên khi đã thỏa thuận phạt vi phạm là một trong các biện pháp bảo đảm vẫn có thể thỏa thuận hoặc không thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp khoản tiền phạt vi phạm, nếu có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại nhưng không thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ.

1. Hình thức phạt vi phạm.

Bộ luật dân sự 2005 không quy định hình thức cụ thể của phạt vi phạm. Nghiên cứu các quy định về hợp đồng trong thương mại quốc tế, thông thường có hai hình thức phạt vi phạm đó là bội ước và phạt vạ. Bội ước tức là không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, do vậy phạt bội ước là phạt do không thực hiện hợp đồng, trong trường hợp mức phạt tương đối cao nhằm thực hiện chức năng phục hồi lại tài sản trở lại trạng thái ban đầu cho bên bị vi phạm, đồng thời thực hiện chức năng đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Phạt vạ được áp dụng trong các trường hợp các bên thực hiện hợp đồng không đúng nghĩa vụ như chậm giao hàng, chậm thanh toán tiền…Phạt vạ là hình thức phạt mà sau khi nộp một khoản tiền phạt, bên vi phạm vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết, mức phạt vi phạm thường nhỏ hơn mức phạt bội ước.

2 Mức phạt vi phạm.

Mức phạt vi phạm là một khoản tiền nhất định mà bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp cho bên bị vi phạm, các bên có thể ấn định một mức phạt nhất định khi thỏa thuận giao kết hợp đồng hoặc chỉ thỏa thuận một mức phần trăm tương đối dựa trên nghĩa vụ bị vi phạm và mức độ bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật.

Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài , tại Bộ luật dân sự 2005, mức phạt vi phạm được quy định mở hơn, tức là để cho các bên tự thỏa thuận (khoản 2 điều 442) khi được tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm, thì khoản tiền phạt là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Nếu như các bên coi khoản tiền phạt vi phạm là mức bồi thường thiệt hại dự tính trước, thì các bên phải tính toán rất cẩn thận về các hậu quả về tính chất của bên vi phạm như việc chậm giao hàng, chậm thanh toán hay không thực hiện đúng nghĩa vụ chuyển giao vật cũng như các chi phí phát sinh từ hành vi vi phạm, để đưa ra một khoản tiền phạt hợp lý; Trong trường hợp các bên không tính toán kỹ càng, không lường trước được các chi phí bì đắp cho thiệt hại phát sinh, thì khi xảy ra vi phạm nghĩa vụ, mức phạt vi phạm có thể là rất nhỏ hoặc rất lớn so với thực tế.

Còn nếu như các bên coi phạt vi phạm chỉ là một biện pháp trừng phạt đối với bên vi phạm và là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì khoản tiền đó chỉ mang tính chất tương đối, khi đó các bên thường áp dụng đồng thời bồi thường thiệt hại.

Khi áp dụng các điều khoản phạt vi phạm, các bên có thể thỏa thuận một khoản tiền cụ thể, cũng có thể đề ra mức phạt dựa trên giá trị nghĩa vụ của hợp đồng. Bộ luật dân sự 2005 không quy định về giới hạn của mức vi phạm, mức phạt vi phạm ngoài việc các bên tự thỏa thuận còn có thể thấy trong một số loại hợp đồng cụ thể được quy định tại các văn bản chuyên nghành khác hướng dẫn thi hành hoặc trong một số loại hợp đồng theo mẫu.

Luât Thương Mai, mức phạt vi phạm đối với vi phạm hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Như vậy, một số văn bản pháp luật hợp đồng đều quy định các bên được quyền tự do thỏa thuận hợp đồng. Tuy nhiên, có giới hạn mức phạt cao nhất mà các bên được phép áp dụng dựa trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, điều này đảm bảo cho các bên, đặc biệt là bên có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình đúng với tính chất và sẽ không phải lo lắng bị áp dụng một khoản phạt quá cao so với thiệt hại thực tế hoặc bên có quyền cũng không lo chỉ nhận một khoản tiền bù đắp thiệt hại quá nhỏ so với thiệt hại thực tế xảy ra.

VI, Thực trạng trách nhiệm về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự .

Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự là trong trong các nội dung của Bộ luật dân sự có vai trò rất thiết thực trong đời sống hàng ngày. Xuất phát từ vấn đề trên ta thấy rằng trong thực tế chác chắn một điều là vấn đề này không khỏi có những vấn đề bất cập, gây khó khăn cho việc xét xử cũng như áp dụng pháp luật, sau đây, em xin trình bày một số vấn đề liên quan đến nội dung này, đó là:

+ Mâu thuẫn giũa luật dân sự và luật thương mại.

Sự mâu thuẫn này thể hiện qua một số quy định, thứ nhất, theo Bộ Luật dân sự 2005 có bốn căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Có hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ; Có thiệt hại thực tế xảy ra; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại; Lỗi của bên vi phạm. Còn Luật thương mại 2005 lại không quy định yếu tố lỗi là môt căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tiếp là về vấn đề lãi suất với việc chậm thanh toán cũng tồn tại một số điểm khác biệt, theo điều 474 luật dân sự 2005 lãi suất chậm trả được quy định trong bộ luật dân sự được tính dựa trên nợ gốc và lãi quá hạn theo lãi xuất ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, điều 306 Luật thương mại 2005 lại có quy định bên vi phạm nghĩa vụ chậm thanh toán phải trả lãi trên số tiền trả chậm theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Một điểm mâu thuẫn nữa là căn cứ miễn trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ,. Nếu Bộ luật dân sự chỉ đặt ra hai căn cứ miễn trách nhiệm là sự kiện bất khả kháng và lỗi của bên bị vi phạm (còn lại trường hợp miễn trách nhiệm do các bên thỏa thuận) thì Luật thương mại quy định bốn trường hợp là căn cứ miễn trách nhiệm tại điều 294 bao gồm: Do các bên tự thỏa thuận, sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia và hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết.

Cuối cùng là về lãi suất và lãi suất quá hạn: Quy định tại điều 476 Luật dân sự 2005, quy định này chưa thực sự phù hợp với các quy định của ngân hàng về lãi suất. Khi các bên có tranh chấp và vi phạm hợp đồn khởi kiện nhau ra Tòa án, rất có thể bị Tòa tuyên vô hiệu và giải quyết hậu quả theo quy định của Hợp đồng vô hiệu, thay vì Tòa án công nhận Hợp đồng, nếu giải quyết như vậy thì phần thiệt thòi sẽ thường rơi vào bên bị vi phạm nghĩa vụ, vì họ đã thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng hợp đồng vẫn bị tuyên vô hiệu

+ Về nội dung và hình thức tranh chấp.

Nhìn chung trong thực tế các tranh chấp xảy ra hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về cả nội dung lẫn hình thức, nhưng vì lý do nào đó phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên một trong hai bên thay đổi ý định, không muốn thực hiện hợp đồng nữa dẫn đến bên bị vi phạm khởi kiện, Tòa án thường xử hủy hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng.

VII, Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự.

1, Hợp đồng – Một chế định cần có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật việt nam .

Qua sự phân tích ở trên chúng ta đã thấy được sự mâu thuấn giữa Bộ luật dân sự và luật thương mại. Thực trạng đó cần phải có một yêu cầu là cần phải có một sự thống nhất về các chế định có liên quan giữa các văn bản pháp luật nói chung và chế định hợp đồng nói riêng. Bộ luật dân sự 2005 thường được coi là luật gốc điều chỉnh những quan hệ cơ bản và thiết lập những nguyên tắc chung nhất mà theo đó các luật chuyên ngành khác được xây dựng trên nền tảng đó. Nhưng giữa Bộ luật dân sự và luật thương mại vẫn còn điểm chưa tương đồng vì lý do còn sự chưa thống nhất, đồng bộ trong quy định của luật dân sự và luật chuyên ngành nên cần có sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về hợp đồng theo đúng hướng mà Bộ luật dân sự đã quy định. Mặc dù một nguyên tắc chung là khi có sự khác biệt giữa luật chuyên ngành và luật chung thì sẽ ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành nhưng cần phải chú ý rằng, các quy định trong luật chuyên ngành có nhiệm vụ quy định rõ hơn về một vấn đề chứ không thể có cách tiếp cận trái ngược so với luật chung.

2. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về

Phạt vi phạm và quan hệ giữa phạt vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bộ luật dân sự 2005 quy định phạt vi phạm hợp đồng lại không được xếp vào một trong các loại Trách nhiệm dân sự, dù đây là một loại trách nhiệm dân sự được áp dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội, trong khi luật thương mại quy định tại điều 307 và thậm chí Bộ Luật dân sự 1995 cũng đã quy định vấn đề này tại điều 379. Vì vậy, cần phải nhìn nhận Phạt vi phạm là một loại trách nhiệm dân sự có mối quan hệ mật thiết với các loại trách nhiệm dân sự khác.

Các trường hợp miễn trách nhiệm dân sự.

Sự kiện bất khả kháng là một trong các căn cứ miễn trách nhiệm dân sự thường hay xảy trong thực tế. Tuy vây, quy định về vấn đề này chưa đầy đủ, chặt chẽ, cần phải bổ sung như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia đồng và không thể dự doán trước được bởi các bên, hành vi vi phạm phải là kết quả của sự kiện bất khả kháng; Bên vi phạm đã dùng hết mọi biện pháp của mình để khắc phục hậu quả nhưng không thể khắc phục được”. Bên cạnh đó Bộ luật dân sự quy định về nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm cho bên bị vi phạm về sự kiện bất khả kháng…Trên thực tế, việc thông báo về sự kiện bất khả kháng của bên vi phạm cho bên bị vi phạm sẽ làm giảm bớt đáng kể hoặc ngăn ngừa thiệt hại cho bên bị vi phạm do bên vi phạm không thực hiện được nghĩa vụ và việc thông báo về sự kiện bất khả kháng cũng có thể coi là một căn cứ để chứng minh bên vi phạm thực sự gặp phải sự kiện bất khả kháng.

2. Sửa đổi một số điều của Bộ luật dân sự 2005.

* Bổ sung một số điều luật quy định về quyền yêu cầu Bồi thường thiệt hại trong phần trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có nội dung như sau: “Bên bị vi phạm hợp đồng bị thiệt hại có quyền đòi yêu cầu bồi thường đối với bên vi phạm nghĩa vụ”. Quy định này đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm với những thiệt hại phát sinh do bên vi phạm gây ra.

* Sửa đổi khoản 5 điều 474 bằng cách thêm vào cụm từ “ Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, với quy định mới này sẽ đảm bảo nguyên tắc tự do cam kết hợp đồng, đảm bảo sự tự thỏa thuận của các bên trong giao kết.

3, Phân định rõ các quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng và ngoài hợp đồng.

Bộ luật dân sự quy định tại điều 302 đến 308 về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, tức là trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là nguồn phát sinh chủ yếu của nghĩa vụ, nên chúng ta có thể hiểu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ ở đây bao gồm cả nghĩa vụ trong hợp đồng. Tuy nhiên, cách tổ chức, sắp xếp điều luật như vậy làm cho sự phân định giữa trách nhiệm dân sự trong hợp đồng và ngoài hợp đồng không được rõ ràng, do vậy nên xếp riêng trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng tại mục 7 Chương 17 Phần III “Hợp đồng dân sự” và những quy định về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng tại phận trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Chương 21.

4. Sửa đổi một số điều của Bộ luật dân sự 2005.

* Bổ sung một số điều luật quy định về quyền yêu cầu Bồi thường thiệt hại trong phần trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có nội dung như sau: “Bên bị vi phạm hợp đồng bị thiệt hại có quyền đòi yêu cầu bồi thường đối với bên vi phạm nghĩa vụ”. Quy định này đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm với những thiệt hại phát sinh do bên vi phạm gây ra.

* Sửa đổi khoản 5 điều 474 bằng cách thêm vào cụm từ “ Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, với quy định mới này sẽ đảm bảo nguyên tắc tự do cam kết hợp đồng, đảm bảo sự tự thỏa thuận của các bên trong giao kết.

5. Nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án và chất lượng kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát: Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tránh tư tưởng coi Tòa án là nơi giải quyết mọi vi phạm pháp luật, các cơ quan này phải chủ động làm tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời phát hiện, khắc phục những vi phạm pháp luật của các cơ quan khác trong giai đoạn tố tụng dân sự, đảm bảo giai đoạn trước là tiền đề cho giai đoạn sau và giai đoạn sau kiểm tra giai đoạn trước.

Hạn chế tối đa số lượng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật còn phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, việc nâng cao chất lượng xét xử theo hướng đảm bảo xét xử độc lập, đảm bảo quyền bình đẳng trước Tòa án và tính công khai, dân chủ và nghiêm minh; Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử được coi là bước đột phá của hoạt động Tư pháp.

6. Nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân khởi kiện tràn lan, không chấp nhận thi hành án mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật, đó là do nhận thức yếu kém và sai lầm của người dân về pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực Hợp đồng. Cũng có trường hợp họ nhận thức được nhưng vẫn làm dụng quyền khởi kiện chỉ vì mục đích “cái tôi cá nhân” mà không hiểu rằng việc khởi kiện không có đầy đủ căn cứ pháp lý sẽ dẫn đến tình trạng tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức. Trong vấn đề này cũng cần đề cập đến trách nhiệm của những người Luật sư và những người làm hoạt đồng tư vấn pháp lý, vì lợi ích cá nhân muốn kéo dài trình tự tố tụng đối với vụ án dân sự nhằm hưởng lợi từ các dịch vụ pháp lý. Vì vậy, cần phải có sự giáo dục ý thức pháp luật sâu rộng trong toàn dân, để người dân hiểu biết về pháp luật, đánh giá được tính hợp pháp của hợp đồng, nhận thức và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình, hạn chế bớt những đơn khởi kiện không có căn cứ pháp lý.

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Hợp đồng là một trong những chế định quan trọng và có nhiều quy định nhất trong Bộ luật dân sự 2005, khi tham gia vào hợp đồng, tất nhiên là các bên muốn thực hiện đúng nghĩa vụ để được hưởng quyền theo thỏa thuận. Mặc dù vậy, không thể tránh khỏi được việc các bên vì một lý do nào đó mà vi phạm hợp đồng mà các bên đã tham gia, dẫn đến hợp đồng không thể thực hiện được như đúng ý các bên và gây thiệt hại cho một trong các bên, vì thế chế định trách nhiệm dân sự là một chế định đóng vai trò quan trọng trong việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, định hướng giải quyết tranh chấp khi có vi phạm nghĩa vụ, đảm bảo kỷ cương của pháp luật được các thành viên trong xã hội tôn trọng.

� Theo giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội,

� Theo chuyên đề về bộ luật dân sự năm 2005 và Tạp chí pháp luật dân chủ của Bộ Tư Pháp.

No comments:

Post a Comment