18/10/2014
Nguyên tắc bảo đảm tuân thủ thẩm quyền theo quy định pháp luật - Bài tập học kỳ môn Xây dựng văn bản pháp luật
Đề bài: Một trong những nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm tuân thủ thẩm quyền theo quy định pháp luật. Hãy làm rõ nguyên tắc này. Cho ví dụ minh họa.

A. Đặt vấn đề:


Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật ban hành QPPL năm 2008 hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

           
Như vậy, chúng ta có thể thấy một điều: Văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật, được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn, và được Nhà nước sử dụng như một công cụ trong việc ban hành chủ trương, đường lối về quản lý Nhà nước. Do đó, khác với văn bản áp dụng pháp luật chỉ có tính chất sử dụng một lần, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng trên một phạm vi rộng, nhiều đối tượng và có tính ổn định cao. Thêm vào đó, số lượng loại văn bản này cũng không hề ít, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong bốn năm (2005, 2006, 2007, 2008) ở cấp tỉnh đã ban hành khoảng 340 văn bản quy phạm pháp luật, riêng từ ngày 01/10/2009 đến ngày 31/9/2010 đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật (09 nghị quyết của HĐND tỉnh và 37 quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh). Cũng chính bởi tính chất và tầm quan trọng của văn bản quy phạm như vậy mà yêu cầu về văn bản đáp ứng được sự chất lượng, tính khách quan, chính xác càng cấp thiết.
            
Để đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế, khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, người soạn thảo cần phải đặc biệt tuân theo các nguyên tắc để từ đó mới đảm bảo được tính pháp lý cho văn bản. Một trong những nguyên tắc quan trọng đó là nguyên tắc đảm bảo tuân thủ thẩm quyền theo quy định pháp luật.

B. Giải quyết vấn đề:
       
Nguyên tắc là điều cơ bản đã được qui định để dùng làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội.
       
Nguyên tắc bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền ban hành là việc chủ thể được Nhà nước trao quyền ban hành văn bản pháp luật nhằm giải quyết công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể.
       
Để đảm bảo việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng thẩm quyền là việc đảm bảo thực hiện đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức.

1) Đúng thẩm quyền hình thức:

Thẩm quyền hình thức là thẩm quyền của các chủ thể trong việc ban hành những hình thức văn bản do pháp luật quy định. Thẩm quyền hình thức của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong luật ban hành VB QPPL 2008 và luật ban hành VB QPPL của HĐND và UBND.
          
Căn cứ theo điều 2 luật ban hành VB QPPL năm 2008 thì thẩm quyền hình thức của văn bản quy phạm pháp luật được quy định như sau:

1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
4. Nghị định của Chính phủ.
5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

Như vậy, mỗi chủ thể chỉ được ban hành một số loại văn bản nhất định. Người soạn thảo phải lựa chọn đúng loại văn bản cho mỗi chủ thể mà không được nhầm lẫn vì sự nhầm lẫn sẽ dẫn đến việc mất hiệu lực pháp luật của văn bản và văn bản đó sẽ bị hủy bỏ.
       
So với luật năm 2002 thì luật ban hành VB QPPL năm 2008 trong vấn đề thẩm quyền hình thức đã có những nét mới tiến bộ hơn. Nếu như luật trước đây quy định Chính phủ có quyền ban hành văn bản quy phạm dưới hình thức nghị quyết, nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị; bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền ban hành văn bản QPPL dưới hình thức quyết định, chỉ thị, thông tư... thì theo luật năm 2008, Chính phủ chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới một hình thức duy nhất là Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành dưới một hình thức là thông tư. Ngoài ra theo luật cũ thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật như quyết định, chỉ thị, thông tư. Nhưng theo luật 2008 thì chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là thông tư. Như vậy, với việc giảm thiểu loại văn bản như vậy, luật mới đã tránh được tình trạng có quá nhiều loại văn bản một chủ thể có thẩm quyền ban hành sẽ dễ dẫn đến tình trạng sai lầm về thẩm quyền hình thức làm mất hiệu lực pháp lý của văn bản. Bởi chúng ta có thể thấy, chiếu theo luật năm 2002, chỉ riêng mình loại văn bản đã có đến ba chủ thể có thẩm quyền được phép ban hành; việc này tất yếu sẽ càng làm cho số lượng của văn bản quy phạm vốn đã nhiều do yêu cầu thực tiễn nay càng nhiều hơn, thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn,… giữa các văn bản tất yếu sẽ xảy ra gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
        
Trên thực tế, sau khi có quy định cụ thể và khá hợp lý của luật quy định về thẩm quyền hình thức của các chủ thể ban hành, việc văn bản quy phạm bị hủy bỏ do vi phạm thẩm quyền hình thức cũng được giảm thiểu đi rất nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả của văn bản quy phạm.

2) Thẩm quyền nội dung:

Thẩm quyền nội dung là giới hạn quyền lực của các chủ thể trong giải quyết công việc do pháp luật quy định. Thẩm quyền nội dung được thể hiện qua việc chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật giải quyết những vấn đề do pháp luật quy định thuộc quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của chủ thể đó. Như vậy, bản chất của thẩm quyền nội dung thực chất là “Giới hạn của việc sử dụng quyền lực Nhà nước mà pháp luật thực định đã đặt ra đối với từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước về mỗi loại công việc nhất định.”
           
Vấn đề về thẩm quyền nội dung được quy định tại nhiều nguồn khác nhau như: Hiến pháp, các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, luật pháp lệnh về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cụ thể (thuế, xử lý vi phạm hành chính,…). Vì được quy định rải rác như thế nên muốn xác định xem văn bản đó có được ban hành đúng thẩm quyền nội dung hay không cũng là một vấn đề hết sức phức tạp. Ví dụ như: nếu như những vấn đề đã có luật, pháp lệnh điều chỉnh thì thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thường được xác định dưới dạng quy định về thẩm quyền giải thích, hướng dẫn và cụ thể hóa luật, pháp lệnh đó. Còn đối với những vấn đề chưa được luật hay pháp lệnh quy định riêng thì nếu nó là vấn đề ít quan trọng và không cần được trực tiếp điều chỉnh bằng luật thì không nên ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhưng nếu ngược lại thì lại cần phải dựa vào chính những quy định trong các văn bản luật trên để xác định thẩm quyền của chủ thể ban hành.

Ví dụ như căn cứ vào luật ban hành VB QPPL 2008, ta có thể nhận thấy rõ thẩm quyền nội dung của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay nói cách khác là những thông tư và thông tư liên tịch do các chủ thể này ban hành chỉ có nội dung nhằm giải quyết các vấn đề: Thứ nhât là quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị định của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Thủ tướng chính phủ. Thứ hai là nhằm quy định về quy trình, quy chuẩn kĩ thuật, định mức kinh tế  kĩ thuật ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và các biện pháp để thực hiện chức năng quản lý nhành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao. Và cuối cùng là Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động tố tụng và những vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó.

Một trong số những ví dụ để chứng minh cho những sai phạm về thẩm quyền nội dung trên thực tế, ta có thể kể đến: quyết định số số 33/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, quyết định này quy định: “Tiêu chuẩn sức khỏe này được áp dụng để khám sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là người lái xe), bao gồm khám tuyển và khám định kỳ” kèm theo đó là một loạt các yêu cầu cũng như phân loại xe dựa vào sức khỏe. Có thể nói văn bản này vi phạm nghiêm trọng thẩm quyền nội dung của văn bản quy phạm pháp luật. Phải kể đến: Thứ nhất, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe để tham gia giao thông là một biện pháp không có tính thực tế, xâm phạm đến quyền tự do cá nhân. Thứ hai, quan trọng hơn, đó chính là việc vượt quá thẩm quyền cho phép của bộ y tế khi ban hành văn bản này. Vấn đề tham gia giao thông là vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ giao thông – vận tải. Hay ví dụ như quyết định số 32/2001/ QĐ – UB ngày 17/04/2001 về việc ban hành đơn giá khảo sát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành cũng vi phạm thẩm quyền ban hành lý do rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội.

C. Kết luận:

Nguyên tắc đảm bảo đúng thẩm quyền ban hành này đảm bảo cho người soạn thảo buộc phải xem xét thận trọng, nhằm đảm bảo văn bản sau khi soạn thảo xong không những đáp ứng đúng thẩm quyền hình thức về loại văn bản, mà nội dung của nó còn hợp lý, giải quyết được vấn  không vượt quá chủ thể ban hành.

No comments:

Post a Comment