18/10/2014
Vai trò của phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Bài tập lớn môn Xây dựng văn bản pháp luật
Đặt vấn đề

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mỗi văn bản cụ thể đều giữ vai trò nhất định. Vai trò đó lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: thứ bậc của từng văn bản trong hệ thống, chủ đề và nội dung văn bản. Một trong những căn cứ để xác định được vai trò của văn bản quy phạm pháp luật là dựa vào phần cơ sở ban hành văn bản. Phần này có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung

1, Vai trò của phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Phần này cho biết văn bản quy phạm pháp luật đó có được ban hành đúng thẩm quyền hay không bởi trong phần cơ sở ban hành văn bản có nêu ra những văn bản có liên quan trực tiếp đến văn bản đó. Ví dụ, Nghị định hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ, trong phần cơ sở ban hành văn bản sẽ có căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật – đây là cơ sở cho phép Chính phủ ban hành Nghị định đúng thẩm quyền của mình.

Căn cứ vào phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật ta có thể biết được vị trí của văn bản đang soạn thảo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do một trong những nguyên tắc chọn văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lí là văn bản đó phải có hiệu lực pháp lí cao hơn văn bản đang soạn thảo, từ đó có thể biết được vị trí của văn bản đang soạn thảo. Ví dụ, Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất nên không có cơ sở pháp lí, cơ sở pháp lí của Luật là Hiến pháp, cơ sở pháp lí của Pháp lệnh là Hiến pháp hoặc Luật…

Căn cứ vào phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật ta có thể biết được nội dung của văn bản đó do trong phần cơ sở ban hành có viện dẫn những văn bản có liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản đó. Ví dụ, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân huyện quy định một số biện pháp về bảo về mội trường trên địa bàn huyện sẽ có phần cơ sở ban hành là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về chủ trương bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật ta có thể biết được văn bản đó có được ban hành ra một cách hợp lí hay không. Bởi như ta đã biết vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau. Luật là một sản phẩm của ý thức con người nhận biết thế giới khách quan và khái quát cho nên Luật phải được soạn thảo dựa trên nhu cầu của đời sống xã hội. Ví dụ, văn bản Luật ngân sách nhà nước được soạn thảo thì cơ sở thực tiễn của nó phải nhằm quản lí thống nhất, có hiệu quả nền tài chính quốc gia chứ không thể nhằm bảo vệ môi trường hay giúp quản lí có hiệu quả quỹ đất được. Bên ngoài đời sống xã hội cần phải điều chỉnh vấn đề gì, có vấn đề gì còn bất cập thì đó chính là cơ sở hợp lí nhất cho sự ra đời của một văn bản quy phạm pháp luật.

2, Ý nghĩa của phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở tiền đề, trước tiên giúp cho văn bản quy phạm pháp luật có được tính hợp pháp (dựa trên những chuẩn mực pháp luật nào? Được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào?...) và tính hợp lí (cơ sở thực tế thế nào, thực trạng ra sao mà đề ra việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật này…)

Đối với các nhà làm luật, những chủ thể có nhiệm vụ thẩm tra, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thì phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp cho việc đánh giá văn bản đó trở nên dễ dàng, nhanh  chóng hơn. Chỉ cần nhìn vào phần cơ sở ban hành là có thể biết văn bản đó được ban hành hợp pháp về thẩm quyền, nội dung hay không, có hợp lí hay không.

Đối với những người trực tiếp soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp cho biết những văn bản quy phạm pháp luật nào phù hợp với văn bản đang soạn thảo.

Đối với các cá nhân, cơ quan, đơn vị, những người có liên quan đến việc thực hiện văn bản, cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa trong việc xác định phạm vi nhóm người chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đó.

3, Nội dung phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phần cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật được trình bày đầu tiên, ngay sau phần tên và trích yếu nội dung văn bản.

Nội dung phần cơ sở ban hành bao gồm hai nhóm:

Thứ nhất, nhóm cơ sở pháp lí - đây là những chuẩn mực pháp luật mà trên cơ sở đó văn bản quy phạm pháp luật được ban hành một cách hợp pháp. Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật được xác định dựa trên những nguyên tắc:

- Cơ sở pháp lí của văn bản quy phạm pháp luật chỉ là những văn bản quy phạm pháp luật (mà không thể là văn bản áp dụng pháp luật)

- Văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn là cơ sở pháp lí phải có hiệu lực cao hơn văn bản đang soạn thảo

- Văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn là cơ sở pháp lí phải đang có hiệu lực tại thời điểm viện dẫn

Văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn là cơ sở pháp lí phải liên quan đến văn bản đang soạn thảo về thẩm quyền của chủ thể ban hành, liên quan đến nội dung của dự thảo

Thứ hai, nhóm cơ sở thực tiễn – đó là những hành vi, sự kiện thực tế hoặc những văn bản khác co liên quan đến nội dung dự thảo mà theo đó làm phát sinh những vấn đề mà dự thảo phải giải quyết.

Kết luận

Cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Khi soạn thảo một văn bản quy phạm pháp luật cần phải chú ý đến phần quan trọng này.

No comments:

Post a Comment