MỞ ĐẦU
“Năng lực pháp luật dân sự của công dân chấm dứt khi người đó chết”, cái chết của cá nhân là sự kiện pháp lý làm chấm dứt tư cách chủ thể của cá nhân. Cái chết đó phải được xác định một cách chính xác và theo quy định của pháp luật thì phải “khai tử” (Điều 30 BLDS). Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp, cá nhân vắng mặt quá lâu ngày mà không thể xác định là họ còn sống hay đã chết. Tình trạng này làm gián đoạn các quan hệ mà họ đã và đang tham gia và ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của chính họ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan. Do đó, pháp luật DS đã có những quy định liên quan đến việc tuyên bố một người là đã mất tích và đặc biệt, tuyên bố một người là đã chết tại Mục 5, Chương 3, BLDS năm 2005 nhằm duy trì trật tự các quan hệ pháp luật hoặc chấm dứt một số quan hệ pháp luật mà người tham gia đã vắng mặt quá lâu, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn của những quy định này, nhóm chúng em đã lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Tìm hiểu 03 vụ việc có thật liên quan đến việc tuyên bố chết của một người là đã chết.”
NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận
Nhằm duy trì trật tự các quan hệ pháp luật hoặc chấm dứt một số quan hệ pháp luật mà người tham gia vắng mặt quá lâu ngày, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan, Điều 81 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 quy định việc tuyên bố một người là đã chết như sau: “1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:
a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.
2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”.
Căn cứ vào đó, ta có thể phân tích những khía cạnh liên quan đến việc tuyên bố một người là đã chết bao gồm: điều kiện để tuyên bố một người là đã chết; hậu quả pháp lý đối với người đó; trình tự để tuyên bố một người là đã chết
1. Điều kiện để tuyên bố một người là đã chết
Thứ nhất, người có quyền, lợi ích liên quan có yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó là đã chết. Đây là điều kiện tiên quyết để tuyên bố chết đối với một người vì mục đích của tuyên bố chết là tạo cơ sở pháp lý để những người có lợi ích liên quan có thể thực hiện và bảo vệ các quyền và lợi ích của mình.
Thứ hai, có các căn cứ xác thực, chứng minh người đó thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 81 Bộ luật Dân sự năm 2005. Đây là cơ sở cho tính xác thực của việc tuyên bố chết nó giúp cho bảo vệ được quyền lợi của người bị yêu cầu bị tuyên bố chết.
2. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết
• Tư cách chủ thể của người bị ra quyết định tuyên bố là đã chết: chấm dứt hoàn toàn (giống như một người đã chết)
• Quan hệ nhân thân: quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết
• Quan hệ tài sản: được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật thừa kế.
Tuy nhiên, theo Điều 83 của BLDS thì trong trường hợp người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của HOMEngười đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định hủy bỏ hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
3. Trình tự để tuyên bố một người là đã chết
Trước khi yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố cá nhân là đã chết, những người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú (nếu cá nhân biệt tích 6 tháng liền) theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự (TTDS), đồng thời có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt.
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết theo trình tự đơn giản, thời gian giải quyết ngắn. Người có quyền, lợi ích liên quan chỉ cần làm đơn yêu cầu theo quy định tại điều 330 bộ luật TTDS gửi đến tòa án nhân dân có thẩm quyền và gửi kèm theo các chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố đã chết thuộc khoản 1, Điều 81 Bộ luật Dân sự thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết. Sau 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, tòa án mở phiên họp để xét đơn yêu cầu mà không cần phải qua các giai đoạn hòa giải, xét xử như trong vụ án dân sự.
II. Vụ việc
1) Vụ việc thứ nhất
Chị Phạm Thị Hoa và anh Nguyễn Văn Hai là vợ chồng. Anh Nguyễn Văn Hai làm nghề đánh cá ngoài biển, mỗi lần đi đánh cá thường đi nửa tháng đến 20 ngày mới về. Năm 1999, anh Hai cũng ra khơi như mọi lần nhưng từ đó tới nay đã 11 năm chưa về. Chị Hoa cũng không nhận được tin tức gì của anh mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tìm kiếm và hỏi thăm rất nhiều người. Năm 2009, chị Hoa gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với anh Phạm Văn Việt, là người cùng xóm. Hai người có mong muốn chung sống với nhau. Vì vậy, chị Hoa đã nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố anh Hai đã chết; kèm theo đó là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Sau khi xem xét, tòa án đã chấp nhận đơn yêu cầu của chị Hoa và quyết định tuyên bố anh Nguyễn Văn Hai đã chết.
Trong quan hệ dân sự, cá nhân thường có quan hệ về tài sản, nghĩa vụ liên quan đến các chủ thể khác. Nếu một cá nhân vắng mặt ở nơi cư trú, không có tin tức gì trong một thời gian dài mà không thực hiện các nghĩa vụ của mình thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tìm kiếm, tuyên bố mất tích rồi tuyên bố chết. Việc tuyên bố anh Nguyễn Văn Hai là đã chết của toà án là hoàn toàn phù hợp với pháp luật dân sự vì chị Phạm Thị Hoa (vợ anh Hai) là người có quyền và lợi ích liên quan đã gửi đơn yêu cầu đến tòa án và trường hợp của anh Hai, biệt tích 11 năm liền kể từ ngày có tin tức cuối cùng, không có tin tức xác thực là còn sống, thỏa mãn khoản d Điều 81 BLDS. Khi Tòa án cú quyết định tuyên bố anh Nguyễn Văn Hai đã chết thì theo khoản 1 Điều 82 BLDS, hậu quả pháp lý về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của anh Hai như sau:
Quan hệ tài sản của anh Hai được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người bị tuyên bố là đã chết được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Quan hệ nhân thân: Quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của anh Hai được giải quyết như đối với người đã chết. Cụ thể trong trường hợp này, ngày tòa án đưa ra quyết định tuyên bố chết đối với anh Nguyễn Văn Hai được coi là thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa anh và chị Hoa, chị Hoa có quyền kết hôn với anh Việt đúng như nguyện vọng.
Trong trường hợp anh Nguyễn Văn Hai trở về hoặc có tin tức xác thực là còn sống thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chết đối với anh Hai. Các quan hệ nhân thân của anh Hai được khôi phục và anh Hai cũng có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản hiện còn. Tuy nhiên, quyết định ly hôn giữa anh Hai và chị Hoa vẫn còn hiệu lực và quan hệ hôn nhân giữa chị Hoa và anh Việt vẫn được duy trì. Về vấn đề này, Điều 26 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định như sau: “Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 93 BLDS mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy, quyết định của Tòa án là đúng đắn và đã bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tuyên bố là đã chết – anh Nguyễn Văn Hai và của những người có quyền, lợi ích liên quan. Từ trường hợp này có thể thấy: trong thực tế cuộc sống, chế định tuyên bố một người là đã chết do pháp luật dân sự quy định là một chế định rất cần thiết, nhằm ổn định các quan hệ dân sự (quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân, quan hệ hôn nhân gia đình…).
Hơn nữa, trong trường hợp này, mặc dù pháp luật không bắt buộc áp dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm nhưng chị Hoa vẫn áp dụng các biện pháp tìm kiếm đối với anh Hai, theo quan điểm của nhóm, điều này đã góp phần đảm bảo quyền lợi cho người bị tuyên bố chết trong trường hợp họ còn sống. Bởi lẽ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết đối với cá nhân thì cái chết đó chỉ là cái chết mang tính “suy đoán pháp lý”; sự suy đoán này có thể chính xác, có thể không chính xác. Hay nói một cách khác, khi một người thuộc vào một trong các trường hợp về điều kiện để có thể bị tuyên bố là đã chết về pháp lý theo quy định tại điều 81 BLDS không có nghĩa là họ đã chết về mặt sinh học. Một người biệt tích 5 năm liền trở lên chưa hẳn là họ đã chết mà thực tế có thể họ đang sinh sống, làm ăn ở một nơi nào khác, vì một lý do nào đó mà họ chưa thể quay trở về được. Như vậy, việc không quy định điều kiện “đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm” trong BLDS cũng như trong pháp luật Tố tụng Dân sự sẽ không đảm bảo quyền lợi của người bị tuyên bố chết nếu họ còn sống. Theo ý kiến của nhóm, đây cũng là một điểm cần được xem xét để bổ sung vào BLDS cũng như pháp luật TTDS trong thời gian sắp tới.
2) Vụ việc thứ 2
A và B là vợ chồng (cùng trú tại huyện H) ngày 01/01/2003 ông B bỏ nhà đi. Nhưng kể từ sau ngày này mặc dù đã được bà A áp dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm ông B theo quy định của BLDS nhưng không có kết quả. Bà A gửi đơn đến tòa án huyện H yêu cầu tòa án tuyên bố ông B mất tích. Ngày 20/3/2005 Tòa án huyện H tuyên bố ông B mất tích. 3 năm sau đó bà A có đơn yêu cầu tòa án huyện H tuyên bố ông B đã chết và được tòa án thụ lý giải quyết. Ngày 20/04/2008 Tòa án huyện H ra quyết định tuyên bố ông B đã chết. Vấn đề đặt ra ở đây là trong quyết định của tòa án huyện H tuyên bố ông B đã chết thì việc xác định thời điểm chết (ngày chết) của ông B kể từ ngày nào là hợp lý nhất? Có rất nhiều quan điểm để giải quyết vấn đề này :
Quan điểm thứ nhất: Xác định ngày chết của ông B kể từ ngày 01/01/2003 với lập luận rằng đây là ngày biết tin tức cuối cùng của ông B, kể từ sau ngày này những người thân thích hoặc người quen biết không ai còn được gặp hoặc biết tin tức gì về ông B nên cũng được coi là ngày ông B đã chết. Nhóm không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ ngày 01/01/2003 chỉ là ngày ông B bắt đầu biệt tích, nếu xác định ngày đó đồng thời là ngày ông B chết thì khả năng ông B chết là không có cơ sở đảm bảo. Thực tế có thể ông B chỉ bỏ nhà đi đâu đó và không thông tin về cho gia đình biết. Như vậy, nếu ta xác định ngày ông B biệt tích là ngày chết thì sẽ không thể đảm bảo được độ chính xác.
Quan điểm thứ 2: xác định ngày ông B chết là ngày 20/01/2005 (ngày tòa án ra quyết định tuyên bố ông B mất tích).
Chúng tôi cũng không nhất trí với quan điểm này, vì việc tuyên bố một người là mất tích kéo theo những hậu quả pháp lý là tạm thời đình chỉ tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích, chứ không làm chấm dứt tư cách chủ thể của người đó. Việc tạm đình chỉ này có thể diễn tiến theo hai hướng: phục hồi năng lực chủ thể hoặc chấm dứt tư cách chủ thể. Việc chấm dứt tư cách chủ thể của người bị tuyên bố mất tích chỉ diễn ra khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết. Vậy nên xác định ngày chết là ngày quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực là hoàn toàn không phù hợp. Ngày biệt tích đầu tiên và ngày tòa án tuyên bố ông B mất tích chỉ là điều kiện cần và đủ để tòa án tuyên bố ông B đã chết.
Quan điểm thứ 3: xác định thời điểm ông B chết là ngày 20/2/2008, ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố ông B đã chết. Nhóm chúng tôi đồng tình với quan điểm này.
Theo quy định của điểm a khoản 1 điều 81 BLDS: "Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây: Sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống". Như vậy sau 3 năm kể từ ngày quyết định của Tòa án tuyên bố ông B mất tích có hiệu lực pháp luật (ngày 20/01/2005) mà vẫn không có tin tức xác thực là ông B còn sống, thì kể từ ngày 21/01/2008 trở đi bà A có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố ông B đã chết. Bởi thời gian 5 năm từ khi bỏ đi biệt tích là một khoảng thời gian tương đối dài, do đó khả năng ông B đã chết trong thực tế không phải thấp. Việc ra quyết định tuyên bố ông B đã chết khi đó sẽ gần với thực tế hơn. Mặt khác, với việc quyết định tuyên bố chết của Tòa án có hiệu lực, tư cách chủ thể của ông B bị chấm dứt hoàn toàn, tạo cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề về thừa kế di sản của ông B, cũng như nhiều mối quan hệ khác mà ông B tham gia. Do đó, để đảm bảo tính chính xác của quyết định, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông B, người thân thích của ông B và những người khác có liên quan, thì xác định thời điểm ông B chết kể từ ngày 20/02/2008 - ngày tòa án nhân dân huyện H tuyên bố ông B đã chết - là hợp lý nhất.
3) Vụ việc thứ 3
Tháng 4-2009, Tòa án nhân dân Quận 11 (TP.HCM) nhận được đơn của ông THĐ yêu cầu tòa tuyên bố em gái của mình đã chết. Trong đơn, ông trình bày rằng có người em gái tên là TTHP, sinh năm 1969. Trước đây, bà P. ở chung với gia đình ông nhưng từ trước năm 1975 (khi bà này chưa đầy sáu tuổi) thì bị mất tích. Đến nay, ông đã tìm kiếm nhiều nơi, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hoàn toàn không có tin tức gì.
Sau khi thụ lý, lấy lời khai của đương sự rồi tòa án nhân dân quận 11 phát hiện ra bà P. - người mà ông Đ. yêu cầu tuyên bố chết lại là một người không có thật. Cụ thể, ông Đ. cho tòa biết trước năm 1975, cha ông khai với chính quyền chế độ cũ rằng có thêm một người con là bà P. để tránh nghĩa vụ đi lính. Nay ông nhờ tòa tuyên bố người em gái khai thêm không có thật này đã chết để ông có đủ hồ sơ pháp lý để làm thủ tục phân chia di sản thừa kế cha mẹ để lại với các anh chị em khác trong nhà
Tòa án nhân dân quận 11 rơi vào tình trạng khó xử khi không biết nên đình chỉ vụ án hay vẫn giải quyết theo trình tự thông thường. Bởi lẽ, nếu đình chỉ vụ án thì ông Đ. sẽ không biết phải tìm đến cơ quan nào để giải quyết cho ông, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của ông Đ và những người có quyền lợi liên quan. Nhưng nếu vẫn giải quyết thì có nghĩa là tòa sẽ tuyên bố một “người ảo” đã chết. Trong khi đó, trong BLDS không có một quy định nào liên quan đến việc tuyên bố một người không có thật là đã chết, tức là tòa chỉ có thể ra phán quyết với đương sự liên quan là người có thật.
Cuối cùng, ông Đ đã tự nguyện xin rút lại đơn yêu cầu cùng toàn bộ hồ sơ sau khi hiểu rõ khó khăn của tòa và hẹn rằng khi nào thuận tiện, cần thiết thì ông sẽ nộp đơn lại. Từ cơ sở đó, tòa án nhân dân quận 11 đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện của ông Đ.
Dự vụ kiện đã khép lại do đương sự rút đơn nhưng về mặt pháp lý, trường hợp này đã đặt ra vấn đề cần phải bàn, vì trên thực tế đây không phải là một trường hợp hiếm hoi. Trong chế độ cũ, không ít người đã khai gian, khai thêm con để trốn nghĩa vụ đi lính hay hưởng thêm lương, từ đó hình thành nhiều “người ảo”. Hệ quả phát sinh là trong nhiều trường hợp có “người ảo”, việc làm thủ tục khai nhận di sản đều bị ách lại. Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay, vấn đề “người ảo” đang trở thành một vấn đề cần được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc.
Theo ý kiến của nhóm thì việc tòa đình chỉ vụ án, không giải quyết là một quyết định tạm thời có thể chấp nhận và thông cảm được, vì đây hoàn toàn là một trường hợp bất khả kháng do luật chưa có một quy định nào về vấn đề này. Tuy nhiên, mục đích của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, cho nên nếu vụ việc này không được giải quyết thì quyền lợi của những người liên quan sẽ không thể được đáp ứng, tức là nếu không giải quyết, thì đến bao giờ ông Đ và những người liên quan mới nhận được chia di sản thừa kế ?
Có quan điểm cho rằng, các anh em ông Đ. có thể đến phòng công chứng hoặc UBND quận để làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Trong biên bản phân chia, các anh em ông chỉ cần tự cam kết rằng ngoài những người kể tên là đồng thừa kế thì không còn ai là người thừa kế nữa. Khi khai các thông tin về người thừa kế, các anh em ông không nên ghi tên “người ảo” vào. Nếu UBND quận bắt phải giải trình về “người ảo” vì có tên trong tờ khai gia đình thì ông Đ. nên yêu cầu bộ phận lưu trữ tàng thư thuộc công an cấp quận phối hợp với công an phường nơi gia đình ông sinh sống từ trước đến nay tổ chức xác minh. Các cơ quan này sẽ ra văn bản xác định chị P là không có thật để gia đình ông bổ sung hồ sơ xin khai di sản thừa kế, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh các giấy tờ liên quan đến đăng ký thường trú (như hộ khẩu) của gia đình và loại bỏ “người ảo” này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm, cách giải quyết trên là rất khó khả thi. Bởi lẽ, việc xác minh một người đã mất tích hơn 30 năm là có thật hay không là một việc hoàn toàn không đơn giản do rất khó để tìm được những nhân chứng có thể chứng minh được điều này. Bên cạnh đó, từ thời điểm bà P được coi là mất tích (năm 1975) đến nay, các loại giấy tờ liên quan đến hộ tịch, cư trú,… đã qua nhiều lần thay đổi, do đó càng gây khó khăn cho công tác xác minh sự tồn tại của bà P của phía công an. Ngoài ra trong trường hợp này, việc điều chỉnh lại các giấy tờ liên quan đến đăng ký thường trú là một điều không thể theo pháp luật hiện hành. Theo khoản 1, Điều 22, Luật Cư trú 2006 quy định về trường hợp bị xoá đăng ký thường trú, thì trong trường hợp này, nếu bà P không được tuyên bố chết thì không được xóa đăng ký thường trú, mà như đã phân tích ở trên, tòa không thể tuyên 1 người ảo là đã chết được ! Tóm lại, tuy đây là một hướng giải quyết khá hiếm hoi và rất sát với vụ việc, nhưng theo nhóm thì phương án này không thể thực hiện được.
Như vậy để có thể triệt để giải quyết những vụ việc như thế này, theo ý kiến của nhóm, pháp luật cần sớm có những sự bổ sung, chỉnh lý hợp lý hơn để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của những người như ông Đ ở trên. Cụ thể, pháp luật Dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung (ví dụ Luật Cư trú) cần bổ sung những điều khoản quy định trình tự xác minh sự tồn tại của chủ thể trong thực tế, cũng như những quy định để giải quyết những trường hợp tuyên bố chết có liên quan đến người không có thật (ví dụ như thêm vào khoản 1, Điều 81, BLDS điều kiện về “người ảo” chẳng hạn).
III. Nhận xét về những quy định của pháp luật hiện hành quy định về tuyên bố chết và giải pháp hoàn thiện những quy định đó
Trong thực tế có nhiều trường hợp mà cá nhân vắng mặt quá lâu ngày mà không thể xác định được là họ còn sống hay đã chết. Tình trạng này làm gián đoạn các quan hệ mà họ đang tham gia và ảnh hưởng tới quyền lợi của chính họ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan. Vì vậy, pháp luật dân sự Việt Nam với những điều khoản quy định việc tuyên bố một người là đã chết nhằm duy trì trật tự các quan hệ pháp luật hoặc chấm dứt một số quan hệ pháp luật mà người tham gia đã vắng mặt quá lâu ngày, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể. Hiện nay các quy định về vấn đề tuyên bố chết đã phát huy được hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên theo nhóm, những quy định này vẫn còn một số điểm thiếu sót và chưa hợp lý. Chính vì vậy, nhóm xin đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện những quy định này như sau :
Thứ nhất, việc quy định: chỉ khi tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố là đã chết thì “các quan hệ nhân thân” của người bị tuyên bố là đã chết mới được khôi phục (khoản 2 Điều 83 BLDS) là bất hợp lý. Chúng ta đều biết rằng khi còn sống, công dân luôn được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ các quyền nhân thân. Trong khi đó, việc tuyên bố tuyên bố chết đối với cá nhân của tòa án chỉ là sự suy đoán. Sự xuất hiện trở lại của cá nhân là bằng chứng cho thấy sự suy đoán của tòa án là không chính xác. Mặt khác, việc xuất hiện của cá nhân bị tuyên bố là đã chết dự ở tình trạng nào thị họ vẫn là thực thể đang tồn tại nên vẫn phải chịu sự tác động của pháp luật và các mối quan hệ khác. Nghĩa là pháp luật vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho họ và họ vẫn phải gánh vác các nghĩa vụ nhất định. Vì vậy, theo quan điểm của nhóm thì tại thời điểm người bị tuyên bố là đã chết xuất hiện thì các quyền nhân thân hợp pháp của họ đã đương nhiên được khôi phục, đồng thời họ phải chịu trách nhiệm với những hành vi của chính mình.
Thứ hai, về điều kiện tuyên bố chết đối với cá nhân, theo nhóm, phải bổ sung thủ tục thông báo tìm kiếm như với điều kiện tuyên bố mất tích trong luật TTDS và BLDS. Việc thông báo tìm kiếm với mục đích nhằm xác định lại lần cuối cùng về tin tức sống còn của một người trước khi tòa án quyết định về thân phận pháp lí của họ. Nhóm cho rằng đây là một điều kiện không thể thiếu được trước khi muốn tuyên bố một người là đã chết. Bởi lẽ qua thủ tục này, Tòa án sẽ nâng cao hơn tính xác thực trong quyết định của mình.
Thứ ba, chỉ tuyên bố là đã chết đối với người không nằm trong tình trạng bị truy nã hình sự theo lệnh của cơ quan điều tra. Trên thực tế, nhiều vụ việc tuyên bố chết gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án, bởi lẽ, một người đang bị truy nã hình sự, nhưng nếu tuyên bố người đó chết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ và những người liên quan (như người vợ (hoặc chồng) muốn ly hôn chẳng hạn) thì vụ án hình sự sẽ phải đình chỉ và lệnh truy nã sẽ mất hiệu lực, điều này rõ ràng có lợi cho người phạm tội nếu như người đó chưa chết, đồng thời gây ra nhiều trở ngại đối với quá trình điều tra khởi tố vụ án hình sự (dù rằng người phạm tội xuất hiện thì vụ án có thể khôi phục). Theo ý kiến của nhóm, trong trường hợp đang bị truy nã thì đối tượng chỉ có thể bị tuyên bố mất tích chứ chưa thể bị tuyên bố chết, đồng thời bổ sung các quy định để Tòa có thể tiếp tục cho phép vụ việc hình sự được thực thi. Như vậy vừa có thể đảm bảo được lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến đối tượng đang bị truy nã (như vợ (hoặc chồng) muốn ly hôn), vừa đảm bảo được việc thực thi công bằng án hình sự.
Thứ tư, cần bổ sung thêm những quy định về tuyên bố một người không có thật là đã chết như đã nêu ở vụ việc thứ 3. Bởi lẽ, tình trạng này vẫn đang còn tồn tại không ít trên thực tế nước ta. Để đảm bảo quyền lợi của những người liên quan trong những vụ việc như vậy, chúng ta cần có những bổ sung nhất định và đồng bộ vào hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ năm, Về xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Từ vụ việc thứ 2 có thể thấy việc xác định ngày chết của một người hết sức quan trọng. Ngày chết của người bị tuyên bó là đã chết là cơ sở để xác định ngày mở thừa kế đối với di sản của người đó và là ngày để xác định các quan hệ khác mà người đó tham gia được coi là chấm dứt,… Tuy nhiên, khoản 2 Điều 81 BLDS mới chỉ quy định chung nhất về việc xác định ngày chết như sau: “Tùy từng trường hợp, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.” Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình áp dụng trong thực tế, vì thế theo quan điểm của nhóm, ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết phải được xác định cụ thể. Theo ý kiến của nhóm, riêng với những trường hợp tương tự như vụ việc thứ 2, thì ngày chết của người bị tuyên bố chết nên là ngày mà tuyên bố chết đó của Tòa án có hiệu lực.
KẾT LUẬN
Cá nhân sinh ra là thực thể của xã hội và pháp lý. Sự tồn tại của cá nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đem lại cho cá nhân các quyền và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định, việc quyết định tuyên bố một người là đã chết cần phải phù hợp với luật định và đảm bảo quyền, lợi ích của người bị tuyên bố chết và người có quyền, lợi ích liên quan.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình luật dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb công an nhân dân, Hà Nội – 2006
2. TS. Hồng Thế Liên, Nguyễn Đức Giaochủ biên, Bình luận khoa học bộ luật dân sự Việt Nam tập 1, những quy định chung ( từ điều 1 đến điều 171 bộ luật dân sự), Nxb Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, 2001
3. Bộ luật dân sự năm 2005, Nxb Tư Pháp.
4. Website: thongtinphapluatdansu.wordpress.com; sinhvienluat.vn
5. Lê Hồng Hải, “Xác định thời điểm chết trong trường hợp tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật dân sự”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, số 9/2004, tr. 21 – 23.
6. ThS. Phạm Văn Tuyết, “Tuyên bố chết đối với cá nhân và giải quyết hậu quả khi họ còn sống trở về”, Tạp chí luật học
7. TS nguyễn Minh Hằng, “Tuyên bố một người là đã chết theo điều 81 BLDS” tạp chí tòa án nhân dân, kỳ 1 tháng 6 năm 2009 trang 37_39 và trang 48.
No comments:
Post a Comment