04/05/2014
Bài tập nhóm 1 Dân sự 1 - Tuyên bố cá nhân mất tích (9 điểm)
ĐỀ BÀI SỐ 3

Hãy sưu tầm một trường hợp thực tiễn tuyên bố cá nhân bị mất tích. Trên cơ sở đó hãy phân tích rõ:
1. Các điều kiện để tuyên bố cá nhân mất tích trong trường hợp trên? Nhận xét về các điều kiện được áp dụng trong trường hợp trên
2. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân bị tuyên bố mất tích? Những ai bị ảnh hưởng đến lợi ích và bị ảnh hưởng như thế nào khi cá nhân bị tuyên bố mất tích trong trường hợp trên?

3. Giả sử, cá nhân bị tuyên bố mất tích là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền cuả ngân hàng thì ngân hàng có đòi nợ khi đến hạn được không? Chỉ rõ căn cứ pháp lý làm cơ sở cho lập luận


A. MỞ BÀI

Tuyên bố mất tích, tuyên bố chết là một chế định đặc biệt của luật dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân cũng như những chủ thể có liên quan khác. Chế định này mang một ý nghĩa to lớn đối với việc xác định các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tuyên bố mất tích,tuyên bố chết cũng như những người có liên quan. Xác định được sự quan trọng đó, trong phạm vi bài tập nhóm tháng số 1, nhóm 2 chúng em xin lựa chọn đề tài số 3 để làm rõ hơn về việc tuyên bố một cá nhân mất tích.

Trong bài làm của mình, chúng em xin trình bày những nội dung chính sau:

Phần 1: Khái quát chung
Phần 2: Trường hợp thực tiễn tuyên bố cá nhân bị mất tích
Phần 3: Giải quyết vấn đề  
B. NỘI DUNG

1. Khái quát về tuyên bố mất tích

1.1. Khái niệm

Tuyên bố mất tích đối với cá nhân là việc theo thủ tục tố tụng dân sự, Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích nếu người đó biệt tích hai năm trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng về việc người đó còn sống hay đã chết (Điều 78 BLDS).

1.2. Điều kiện tuyên bố mất tích

Việc tuyên bố một người mất tích chỉ được thực hiện khi có đầy đủ ba điều kiện sau:

1.2.1. Người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu

Người có quyền, lợi ích liên quan là những người mà giữa hoj vơi người biệt tích đã và đang có các mối quan hệ nhất định ( quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hành chính, quan hệ dân sự, quan hệ lao động hoặc các quan hệ khác) mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng do sự vắng mặt của chủ thể biệt tích. Chẳng hạn vợ, chồng, con, cha, mẹ của người biệt tích; những người mà người biệt tích phải thực hiện một nghĩa vụ về tài sản đối với họ như chủ nợ, người là công, người được bồi thường thiệt hại.

1.2.2. Hoàn thành thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt

Thông báo, tìm kiếm nhằm xác định thông tin liên quan đề người vắng mặt trước khi ra quyết định mất tích đối với người đó. Vì vậy, đây là một thủ tục không thể thiếu trong quá trình giải quyết việc tuyên bố mất tích. Theo thông báo của Tòa án, người vắng mặt khi nhận được thông tin này sẽ có hồi âm cho Tòa án hoặc cho người thân thích. Nếu hết thời hạn thông báo mà vẫn không tin tức về người váng mặt thì Tòa án sẽ áp dụng biện pháp quản lý tài sản của họ. Việc thông bóa tìm kiếm người vắng mặt phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình trung ương trong ba ngày liên tiếp (khoản 1 Điều 328 BLTTDS)

1.2.3. Cá nhân biệt tích hai năm liền trở lên

Một người bị coi là “biệt tích” khi họ rời khỏi nơi cư trú mà không có tin tức xác thực nào về việc họ còn sống hay đã chết. Tuy nhiên, Tòa án chỉ có thể tuyên bố một người mất tích nếu không còn tin tức gì về họ một cách liên tục từ hai hai năm trỏe lên. Do đó, thời hạn hai năm liền được tính kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó.

Trong trường hợp không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn hạn năm được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

1.3. Hậu quả của tuyên bố mất tích

1.3.1. Về tài sản

Khi có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt và giao tài sản của người đó cho những người sau đây quản lý:

- Đối với tài sản được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý
- Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý
- Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trong trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích đượ giao cho con đã thành niên hoặc cha mẹ của người mất tích quản lý
- Trong trường hợp mà không có những người như trên thi Tòa án chỉ định một trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản

Người quản lý tài sản có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản của người vắng mặt

1.3.2. Về hôn nhân

Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích có quyền xin ly hôn vắng mặt. Khi họ xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn

1.4. Giải quyết hậu quả khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là còn sống

Việc tuyên bố mất tích chỉ tạm dừng năng lực chủ thể của một người. Việc tạm dừng có thể được thay đổi theo hai hướng sau

- Chấm dứt năng lực chủ thể: Việc chấm dứt tư cách chủ thể được diễn ra khi có tin tức rằng họ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết.
- Phục hồi năng lực chủ thể xảy ra trong hai trường hợp người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống

Hậu quả của hủy bỏ việc quết định tuyên bố mất tích được quy định trong Điều 80 BLDS:

“1. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Việc giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thuộc thẩm quyền của Tòa án đã ra quyết định tuyên bố mọt người mất tích.
2. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
3. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tich trở về  hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực”

2. Trường hợp thực tiễn tuyên bố cá nhân bị mất tích

Ông Trần Văn Hưng có vợ là Bà Hoàng Thị An, trú tại thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có con là Trần Văn Tuấn (11 tuổi). Ngày 01/05/2004, do hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp khó khăn lại được bạn bè rủ rê, nên ông Hưng quyết định xa nhà đi khỏi nơi cư trú, nói với bà An là vào Nam (thành phố Hồ Chí Minh) làm ăn cùng mấy người bạn kiếm tiền trang trải thêm cho cuộc sống. Từ đó không về, bà An không có tin tức xác thực về ông nữa.Ngày 5/11/2007, Bà An yêu cầu Tòa án giúp đỡ tìm người nhà tại nơi cư trú. Đồng thời, Bà An đã cho đăng báo tìm người thân, và mọi cách tìm chồng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, nhờ người quen biết hỏi thăm. Sau một thời gian dài tìm kiếm tin tức của chồng, ngày 20/10/2008, theo yêu cầu của bà An, Ông Hưng bị Toà án Nhân dân huyện Chương Mỹ - TP.Hà Nội tuyên bố mất tích. Giữa ông Hưng và bà An trong thời gian chung sống chỉ có tài sản chung là căn nhà 2 tầng, diện tích 30m2¬ và hai sào vườn, ngoài ra các tài sản khác không đáng kể. 

(Quyết định giải quyết vụ việc dân sự Toàn án Nhân dân huyện Chương Mỹ - TP. Hà Nội)

3. Giải quyết vấn đề

Câu 1: Các điều kiện để tuyên bố cá nhân mất tích trong trường hợp trên? Nhận xét về các điều kiện được áp dụng trong trường hợp trên

Theo khoản 1 Điều 78 BLDS:“Khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích, thời hạn 2 năm được tính từ ngày có tin tức cuối cùng về người đó, nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng, nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.

Trong trường hợp trên, ông Hưng biệt tích từ ngày 01/05/2004 đến ngày 05/11/2007. Theo như thời gian trên, ông Hưng đã biệt tích được 43 tháng tức là ba năm rưỡi, nhưng cũng không có tin tức nào về việc ông Hưng còn sống hay đã chết. Hơn nữa, Bà An đã cho đăng báo tìm người thân, và mọi cách tìm chồng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, nhờ người quen biết hỏi thăm. Tuy nhiên cũng không nhận được hồi âm của ông Hưng. Như vậy, với thời gian biệt tích của ông Hưng là ba năm rưỡi  cộng với việc đăng tin thông báo tìm kiếm người mất tích trên phương tiện đại chúng và yêu cầu tuyên bố mất tích đối với ông Hưng của bà An thì đây chính là ba điều kiện cụ thể để tuyên bố cá nhân mất tích trong trường hợp nêu trên

Các điều kiện được áp dụng trong trường hợp trên là điều kiện cụ thể, phù hợp với điều kiện pháp lí để tuyên bố cá nhân mất tích. Có thể nói việc thông báo tìm kiếm người mất tích, tuyên bố mất tích trong bộ Luật dân sự có ý nghĩa quan trọng vì nó việc 1 người mất tích ảnh hưởng đến quyền và lợi ích trực tiếp của người có liên quan. Việc xác định các điều kiện này nhằm xác định được cá nhân nào đó còn sống hay đã chết, bảo vệ quyền và lợi ích của những người liên quan và của chính người bị mất tích.

Câu 2: Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân bị tuyên bố mất tích? Những ai bị ảnh hưởng đến lợi ích và bị ảnh hưởng như thế nào khi cá nhân bị tuyên bố mất tích trong trường hợp trên?

 Quan hệ nhân thân: Là các quan hệ luôn gắn liền với một lợi ích tinh thần nhất định. Ở trường hợp tuyên bố cá nhân mất tích thì quan hệ nhân thân được đề cập đến hai vấn đề: tư cách chủ thể và quan hệ hôn nhân.

Trong trường hợp nêu trên, ông Hưng có đủ ba điều kiện để Tòa án tuyên bố mất tích là về thời gian, có yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích của bà An và đã sử dụng các biện pháp tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi ông Hưng bị tuyên bố mất tích thì tư cách chủ thể của ông sẽ bị tạm dừng. 

Còn trong quan hệ hôn nhân xảy ra hai trường hợp:

Trường hợp 1: Vẫn giữ nguyên quan hệ hôn nhân giữa ông Hưng và bà An nếu bà An không yêu cầu ly hôn. Bà An vẫn là vợ hợp pháp của ông Hưng.

Trường hợp 2: Nếu bà An yêu cầu Tòa án cho ly hôn với ông Hưng thì Tòa án cho ly hôn vắng mặt. Và quan hệ hôn nhân giữa bà An và ông Hưng sẽ chấm dứt khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp lý.

 Quan hệ tài sản: Là quan hệ luôn gắn liền với một lợi ích vật chất nhất định.

Ở tình huống trên, trong khoảng thời gian vợ chồng ông Hưng và bà An có tài sản chung là căn nhà 2 tầng, diện tích 30m2¬ và hai sào vườn, ngoài ra các tài sản khác không đáng kể. Vì đây là những tài sản chung giữa vợ chồng ông Hưng nên khi ông Hưng bị Tòa tuyên bố mất tích thì việc quản lí số tài sản này sẽ tiến hành theo hai trường hợp sau

Trường hợp 1: Nếu quan hệ hôn nhân giữa bà An và ông Hưng vẫn giữ nguyên.Theo khoản 1 Điều 79 BLDS quy định: “Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Toà án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật này”. Mà giữa ông Hưng và bà An có tài sản chung là “căn nhà 2 tầng, diện tích 30m2¬ và hai sào vườn và các tài sản khác không đáng kể”. Do đó, theo quy định của khoản 1 Điều 79 BLDS thì số tài sản trên vẫn do bà An – chủ sở hữu chung còn lại tiếp tục quản lí.

Trường hợp 2: Nếu bà An yêu cầu ly hôn và Tòa án đã cho phép ly hôn vắng mặt thì số tài sản chung giữa hai ông bà sẽ được chia theo nguyên tắc phân chia tài sản tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2000:

“1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.”

Sau khi phân chia tài sản giữa ông Hưng và bà An thì số tài sản của bà An sẽ do bà giữ quản lí, còn người quản lí tài sản cho ông Hưng được quy định tại khoản 2 Điều 79: “Trong trường hợp Toà án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài   sản ”

Vì vậy số tài sản của ông Hưng sẽ giao cho cha, mẹ ông quản lý do con của ông là anh Trần Văn Tuấn  mới 11 tuổi và chưa phải là thành niên. Nếu bố mẹ ông Hưng đã mất, hoặc không có khả năng quản lý tài sản thì sẽ giao cho nhưng người thân thích quản lý. Trong trường hợp nếu không có những người như trên thì Tòa sẽ chỉ định một người khác quản lý tài sản thay. Và khi trở về thì tài sản sẽ được hoàn trả lại cho ông Hưng và ông Hưng có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí quản lý đối với người được chỉ định quản lý 

 Những người bị ảnh hưởng đến lợi ích khi cá nhân bị tuyên bố mất tích trong trường hợp trên:

Trong quan hệ dân sự, mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các cá nhân gắn bó chặt chẽ với nhau, việc một người vắng mặt ở nơi cư trú trong một thời gian dài mà không có tin tức chứng minh rằng người đó còn sống hay đã chết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến các chủ thể liên quan khác. Việc tuyên bố ông Hưng mất tích có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích của các chủ thể liên quan.

Trong tình thuống này, ông Hưng đã bị sự Toàn án Nhân dân huyện Chương Mỹ - TP. Hà Nội tuyên bố mất tích. Theo những phân tích ở trên thì  người trực tiếp bị ảnh hưởng đến lợi ích là bà Hoàng Thị An (vợ ông Hưng) và anh Trần Văn Tuấn (con ông Hưng), ngoài ra có thể có cha mẹ hoặc người thân thích của ông Hưng và những cá nhân, tổ chức khác đã thực hiện giao dịch liên quan tới tài sản của ông Hưng.

- Đối với bà Hoàng Thị An: Bà vẫn là chủ sở hữu của tài sản chung nếu quan hệ hôn nhân giữa hai ông bà được giữ nguyên. Nếu quan hệ hôn nhân chấm dứt thì bà sẽ được giữ và quản lí số tài sản được chia theo nguyên tắc phân chia tài sản được quy định tại điều 95 luật Hôn nhân và gia đình.

- Đối với anh Trần Văn Tuấn(11 tuổi): Khi bà An xin li hôn và được tòa chấp nhận thì theo Điều 79, do anh Tuấn chưa thành niên nên tài sản của ông Hưng sẽ do cha, mẹ của ông Hưng quản lý; nếu cha, mẹ không còn thì giao cho người thân thích của ông Hưng quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

- Đối với những giao dịch dân sự với các cá nhân tổ chức khác: Người được Tòa án ủy quyền quản lý tài sản của ông Hưng phải tiếp tục hoàn tất giao dịch dân sự với các cá nhân, tổ chức khác (những người đã thực hiện giao dịch với ông Hưng mà hiệu lực của giao dịch chưa chấm dứt) bằng chính tài sản được giao quản lý.

Câu 3: Giả sử, cá nhân bị tuyên bố mất tích là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền cuả ngân hàng thì ngân hàng có đòi nợ khi đến hạn được không? Chỉ rõ căn cứ pháp lý làm cơ sở cho lập luận?

Trước hết, phải làm hai khái niệm: thế chấp tài sản và hợp đồng vay tài sản để làm rõ mối quan hệ giữa ông Hưng và ngân hàng khi tham gia giao dịch dân sự.

- Theo quy định tại khoản 1 điều 342 BLDS, “thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia( bên nhận thế chấp ) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”.

- Theo điều 471 BLDS, “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”. 

Đối chiếu Điều 471 BLDS với khoản 1 Điều 3 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 sửa đổi, bổ sung bằng quyết định 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng: “Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi” thì hợp đồng vay tiền giữa ông Hưng và Ngân hàng là một hợp đồng tín dụng.

Vì giao dịch giữa ông Hưng và Ngân hàng là hợp đồng tín dụng nên theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng (ở đây là Ngân hàng) ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 sửa đổi, bổ sung bằng quyết định 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng tại điểm e, khoản 1, Điều 25 thì Ngân hàng được phép đòi nợ khi đến hạn. 

Cụ thể, “ khi đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả nợ, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm vốn vay theo sự thoả thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với trường hợp khách hàng được bảo lãnh vay vốn”. 

Chưa hết, theo Điều 355 BLDS quy định: “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này”.

Điều 355 dẫn ngược chúng ta trở lại với Điều 336 và 338 BLDS.

Điều 336 BLDS quy định: “Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân  sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.”

Và Điều 338 BLDS quy định: “Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vu được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.”

Như vậy, đối chiếu điểm e, khoản 1, Điều 25 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 sửa đổi, bổ sung bằng quyết định 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng với các điều 355, 336 và 338 BLDS thì Ngân hàng hoàn toàn có thể đòi nợ được ông Hưng khi đến hạn. 

Tuy nhiên, ở tình huống đưa ra, ông Hưng lại đang bị tuyên bố mất tích, nghĩa là đến thời điểm đó, ông Hưng không thể tự mình hoàn thành nghĩa vụ trả số nợ cho Ngân hàng. Như vậy, cần 1 người quản lý tài sản đã thế chấp để giúp ông Hưng xử lý số nợ đó. 

Theo Điều 79 BLDS: “Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Toà án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật này.

Trong trường hợp Toà án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản”

Điều 79 dẫn ta tới Điều 75 của BLDS:

1.Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho những người sau đây quản lý:
a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;
b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
c) Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

Như vậy, đối chiếu điều 79 và khoản 1 Điều 75, xét trong tình huống được đưa ra, ông Hưng bị Toà án tuyên bố mất tích thì tài sản của ông sẽ được vợ của ông là bà An quản lý.

Điều 79 cũng dẫn chúng ta  đến khoản 3 Điều 76 BLDS: “ Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Toà án.”

Như vậy, theo điều 79 BLDS, người quản lý tài sản của ông Hưng, ở trên đã khẳng định là bà An, vợ ông sẽ phải thực hiện nhiệm vụ thanh toán nợ với Ngân hàng về khoản nợ của ông Hưng bằng tài sản mà bà đang quản lý của ông.

Tóm lại, với tình huống đã được đưa ra và với giả thiết là “cá nhân bị tuyên bố mất tích là bên thế chấp đồng thời là người vay tiền cuả ngân hàng thì ngân hàng có đòi nợ khi đến hạn được không”, câu trả lời của chúng em là hoàn toàn có thể.

C. KẾT LUẬN

Trên đây là những đánh giá, nhận xét của nhóm 2 chúng em xoay quanh một trường hợp thực tiễn tuyên bố cá nhân bị mất tích. Vì kinh nghiệm còn thiếu, tầm hiểu biết còn hạn hẹp mà phạm vi đề tài lại khá rộng nên trong bài làm của chúng em chắc chắn không tránh khỏi những thiếu xót, sai lầm, rất mong thầy cô đóng góp ý kiến để bài làm của chúng em được hoàn thiện hơn.

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Phạm Văn Ngọc đã chia sẻ tài liệu!

No comments:

Post a Comment