16/06/2014
Một số đặc thù trong giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài
MỘT SỐ  ĐẶC THÙ  TRONG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

TH.S NGÔ THỊ MINH NGỌC
Phó Chánh tòa Dân sự
Toà án nhân dân TP Hà Nội

Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 28/10/1995 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/1996. Các quy định của Bộ luật Dân sự đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng khi điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội, đó là các giao lưu dân sự của các nhân, pháp nhân, tổ chức và các chủ thể khác. Trong điều kiện đất nước hiện nay, với tinh thần “giao lưu”, “hội nhập” với các nước trên thế giới thì các quan hệ xã hội này lại càng rộng lớn hơn, diễn ra thường xuyên hơn, không những chỉ ở trong nước mà còn vượt ra các quốc gia khác. Chính vì vậy, các tranh chấp dân sự nói chung và các tranh chấp về dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển lành mạnh của các quan hệ xã hội (trong đó có quan hệ dân sự), tạo cơ chế giải quyết các tranh chấp dân sự có hiệu quả, thuận lợi, ngày 15/6/2004 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XI đã thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự. Bộ luật này có hiệu lực từ 01/01/2005 với 36 chương, 418 điều trong đó thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài  được quy định tại phần thứ IX của Bộ luật Tố tụng Dân sự với 3 chương và 14 điều. Đây là quy định mới của pháp luật về tố tụng dân sự “Đáp ứng được thực tế cuộc sống và xu thế hội nhập quốc tế và đảm bảo các điều kiện chặt chẽ, phù hợp với nguyên tắc chủ quyền quốc gia, quyền tài phán của Việt Nam, không trái với pháp luật quốc tế (nhất là pháp luật quốc tế về quyền con người) và tập quán quốc tế” (54)

I.   TÍNH ĐẶC THÙ TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

1.  Những quy định của pháp luật về quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài

Trong đời sống xã hội, các chủ thế (cá nhân, pháp nhân) có sự liên hệ với nhau, phát sinh từ lợi ích vật chất hoặc từ lợi ích tinh thần – đó chính là quan hệ dân sự và thông qua quan hệ dân sự, các chủ thể có thể thoả mãn nhu cầu trong sinh hoạt tiêu dùng hoặc trong sản xuất. Quan hệ dân sự bao gồm hai nhóm chính, đó là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân, được hình thành trên cơ sở sự thoả thuận tự nguyện của các bên theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điều 826 Bộ luật Dân sự thì quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài còng bao gồm cả quan hệ dân sự giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên đang định cư ở nước ngoài mặc dù căn cứ để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở Việt Nam.

Khi tham gia quan hệ dân sự, người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam còn năng lực hành vi dân sự của họ lại được xác định theo pháp luật của nước mà họ là công dân, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.  Tuy nhiên, nếu người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi của họ được xác định theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với pháp nhân nước ngoài thì năng lực pháp luật dân sự được xác định theo pháp luật nơi pháp nhân đó thành lập, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.

Trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác lập theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phần này đã được quy định tại chương III của Bộ luật dân sự.

Khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể đã thực hiện hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng nhằm làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự.

Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định các đương sự có quyền khởi kiện, yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, khi lợi ích hợp pháp bị xâm hại, Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án. Hành vi khởi kiện và việc khởi tố vụ án làm phát sinh vụ việc dân sự.

Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại điều 405 khoản 2 Bộ luật Tố tụng Dân sự: là vụ việc dân sự có ít nhất một trong các đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hoặc các quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Trước khi có Bộ luật Tố tụng Dân sự, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã được quy định tại phần thứ VII với 13 điều của Bộ luật Dân sự nhưng các quan hệ tố tụng dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân, gia đình … lại được quy định trong các văn bản pháp luật về tố tụng một cách rất ngắn gọn, không đầy đủ như pháp luật thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (quy định tại điều 87), pháp luật thủ tục giải quyết các vụ án lao động (điều 103) hay pháp luật công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài v.v…Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự tuy được quy định về việc giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài tại chương XIV với 3 điều về quyền của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, về tố tụng dân sự (điều 83), vụ án dân sự có liên quan đến Nhà nước nước ngoài hoặc người được hưởng quy chế ngoại giao (điều 84), Uỷ thác tư pháp giữa Toà án Việt Nam và Toà án nước ngoài (điều 85). Thi hành những quyết định về tố tụng dân sự trong những điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và pháp lý (Điều 86) nhưng cũng chỉ nêu những nguyên tắc chung.

So với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 thì Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định một cách đầy đủ, rõ ràng về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài và tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự tại 2 chương XXXIV và chương XXXV với 9 điều trong phần thứ chín của Bộ luật, trong đó đã quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật (điều 405), quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài khi tham gia tố tụng dân sự (điều 406), năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của công dân nước ngoài, người không quốc tịch (điều 407), năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong tố tụng dân sự (điều 408), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài (điều 409), đồng thời đã quy định rõ thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (điều 410) và thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam đối với các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.

Về tương trợ tư pháp: Trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 không có quy định thành chương riêng và chỉ nêu có tính nguyên tắc chung tại điều 86 và về vấn dề uỷ thác tư pháp chỉ quy định ngắn gọn tại diều 85 về nguyên tắc “Bình đẳng cùng có lợi” mà không quy định nguyên tắc hỗ trợ tư pháp trong trường hợp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, việc thực hiện việc uỷ thác tư pháp như thế nào và thủ tục thực hiện uỷ thác ra sao, các văn bản uỷ thác tư pháp cần phải có những nội dung gì?.v.v… Do đó, khi phải tiến hành các thủ tục này, Toà án chỉ căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của ngành, những văn bản này có từ rất lâu và cho đến nay có phần không còn phù hợp với thực tế như Công văn 1301/NCPL ngày 16.12.1991, Công văn 29/NCPL ngày 06.4.1992, Công văn 517/NCPL ngày 09.10.1993 của Vụ Nghiên cứu pháp luật Toà án nhân dân tối cao (nay là Viện Khoa học xét xử Toà án nhân dân Tối cao) nhưng những công văn này cũng chỉ hướng dẫn các trường hợp cần uỷ thác và uỷ thác đối với cơ quan nào chứ không hướng dẫn về trình tự, thủ tục uỷ thác. Do đó, khi giải quyết Toà án vẫn còn nhiều lúng túng. Sự ra đời của Bộ luật tố tụng dân sự với những quy định mới đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc dân sự nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, tạo điều kiện để Toà án giải quyết vụ án đúng pháp luật.

2.  Đặc thù của việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Khi có việc khởi kiện hoặc khởi tố vụ án tại Toà án đã làm phát sinh vụ việc dân sự và từ đó cũng xuất hiện mối quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tính đặc thù trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trước hết là thể hiện quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài ở chỗ có ít nhất một bên những người tham gia tố tụng là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài. Theo quy định tại điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự thì những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án gồm:

- Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
- Tranh chấp về hợp đồng dân sự
- Tranh chấp về quyền sở hữ trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 29 của Bộ luật này.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
- Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định

Thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại điều 410 Bộ luật tố tụng dân sự trong các trường hợp sau:

ƒThẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định tại chương III của Bộ luật này, trừ trường hợp chương này có quy định khác.

- Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau:

o Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;

o Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

o Nguyên đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch, cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đối với vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ.

o Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;

o Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam;

o Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;

o Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.

Khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Toà án có thể uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, uỷ thác cho Toà án nước ngoài điều tra, tống đạt… và thực hiện các hành vi tố tụng khác. Do đó, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự cũng như Bộ luật tố tụng dân sự đều quy định thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết những vụ việc có yếu tố nước ngoài. Hiện nay, theo quy định về tăng thẩm quyền cho Toà án cấp huyện giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo quy định tại điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự, trường hợp không phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, Toà án nước ngoài… thì một số Toà án cấp huyện sẽ thụ lý giải quyết. Tại Hà Nội , Theo Nghị quyết số 742/NQ-UBTVQH ngày 24/12/2004 gồm 5 Toà án cấp huyện là (1) Ba Đình, (2) Đống Đa, (3) Hai Bà Trưng, (4) Hoàn Kiếm, (5) Thanh Xuân. Các Toà án cấp huyện được tăng thẩm quyền đã thụ lý giải quyết các loại vụ việc thuộc trường hợp này.

Tính đặc thù trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài còn được thể hiện rõ ở chỗ khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Thẩm phán không những phải nắm vững luật nội dung, nắm vững pháp luật tố tụng mà còn phải nắm vững và vận dụng đúng đắn các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về các quan hệ cụ thể, có kiến thức về tư pháp quốc tế. Những vấn đề đã được Bộ luật dân sự quy định rõ như năng lực pháp luật dân sự của người nước ngoài tại Việt Nam (điều 830), năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài (điều 831), năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài (điều 283) và các quan hệ cụ thể như quyền sở hữu tài sản, tài sản trên đường vận chuyển, phân biệt động sản và bất động sản (điều 833).v.v…

Một số vấn đề khác như về hợp đồng dân sự: thì phải xem xét hình thức của hợp đồng, nơi giao kết hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng, các hợp đồng dân sự liên quan đến bất động sản (điều 834), vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải chú ý đến địa điểm nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại (điều 835). Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được bảo hộ như thế nào (điều 836, 837).v.v… từ đó mới xác định đúng tính chất của vụ việc, pháp luật áp dụng và có một phán quyết đúng đắn.

II. NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP.

1.  Những vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội trong thời gian qua

Mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự đã có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng nhưng qua thực tế giải quyết các vụ việc dân sự tại Toà án trong những năm qua cũng như hiện nay, chúng tôi thấy rằng cũng còn một số khó khăn nhất định:

Thứ nhất: BLTTDS quy định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong đó có nêu trường hợp “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, vấn đề này tại khoản 2 điều 4 Luật Quốc tịch do Quốc hội ban hành ngày 06.01.1998 có hiệu lực ngày 01.01.1999 quy đinh: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài  ở nước ngoài”. Vậy thời gian như thế nào được xác định là “lâu dài”. Trong thực tế giải quyết các tranh chấp dân sự hiện nay, trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài có thời hạn như đi công tác, học tập hoặc đi du lịch nhưng họ không về nước, khi hết thời hạn họ ở lại nước ngoài thời gian khá lâu có khi 5 đến 7 năm. Nếu theo quy định trên thì trường hợp đó có được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không? Vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau, cho đến nay chưa có sự giải thích rõ ràng nên khi giải quyết vụ việc dân sự thuộc loại này vãn còn nhiều lúng túng. Đây là một trong những yếu tố liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp tỉnh hay cấp huyện. Cũng chính quy định này mà hiện nay đối với các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01.7.1991 mà có yếu tố nước ngoài thì theo quy định tại khoản 2 điều 1 mục I của Nghị quyết 58-1998/NQ-UBTVQH/QH10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 10 và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày
25.01.1999 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Nghị quyết 58/QH10 thì những giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01.7.1991 mà có người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia thì Toà án chưa thụ lý giải quyết. Trường hợp đã thụ lý rồi thì Toà án tạm đình chỉ chờ Nghị quyết Quốc hội nên nhiều vụ án Toà án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý giải quyết và ra quyết định tạm đình chỉ khi xác định có người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bị Toà án nhân dân tối cao huỷ để xác định đương sự có “định cư” ở nước ngoài hay không. Việc xác định vấn đề này là hết sức khó khăn, cơ quan nào có thẩm quyền xác định và cung cấp cho Toà án cũng chưa có văn bản hướng dẫn. Đây là một vướng mắc lớn cho các cấp Toà án khi giải quyết các vụ án thuộc loại này.

Thứ hai: Cơ chế thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp còn chưa phát huy được tác dụng trong thực tế: Khi tiến hành giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 trước đây cũng như Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay đã quy định về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án Việt Nam cho Toà án nước ngoài nhưng kết quả trả lời chậm và thậm chí nhiều trường hợp không nhận được kết quả trả lời, ngay cả đối với các nước mà Toà án đã ký kết và gia nhập điều ước quốc tế thì vấn đề điều tra, tống đạt các văn bản để giải quyết vụ án là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản của Toà án hoặc xác định tài sản ở nước ngoài.v.v… không thể thực hiện được, làm cho vụ án kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án để quá thời hạn chuẩn bị xét xử. Ví dụ, hiện nay những vụ án ly hôn giữa người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài (hoặc người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài). Sau khi kết hôn, người nước ngoài về nước họ, hoặc cư trú tại nước nào cũng không thông tin cho người vợ (chồng) ở Việt Nam biết. Do chờ đợi quá lâu, người vợ (chồng) ở Việt Nam có đơn xin ly hôn nhưng cũng chỉ cung cấp cho Toà án địa chỉ của người đang ở nước ngoài khi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài ra không cung cấp được thông tin nào khác. Trước đây, những trường hợp này, sau hai lần Toà án uỷ thác tư pháp qua Bộ Tư pháp, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và Toà án nước ngoài điều tra, tống đạt nhưng hết thời hạn 6 tháng không có kết quả trả lời, Toà án phải tạm đình chỉ vì không tìm được hoặc không có lời khai của bị đơn. Chính vì vậy, nhiều cuộc hôn nhân chỉ mang tính hình thức vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của nguyên đơn (là người Việt Nam ở trong nước). Để giải quyết vấn đề này, ngày 16/4/2003, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2003/NQ – HĐTP hướng dẫn giải quyết như sau:

“Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn thì Toà án thụ lý giải quyết.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ chồng có nghĩa vụ chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình; do đó, nếu người nước ngoài bỏ về nước không thực hiện nghĩa vụ theo quy định, thời gian không có tin tức cho vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam từ một năm trở lên mà đương sự, thân nhân của họ và các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước họ, các cơ quan có thẩm quyền mà người đó là công dân), sau khi đã điều tra xác minh địa chỉ của họ theo thủ tục xuất nhập cảnh, địa chỉ mà họ khai khi đăng ký kết hôn theo giấy đăng ký kết hôn… nhưng cũng không biết tin tức, địa chỉ của họ, thì được coi là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ và xử cho ly hôn”55

Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao tuy có quy định và hướng dẫn mở cho Toà án khi giải quyết vụ án nhưng Toà án không thể sau khi thụ lý một, hai tháng đã đưa ra xét xử mà cũng phải sau khi điều tra, xác minh, khi không có tin tức (không có kết quả trả lời từ phía cơ quan nhận uỷ thác tư pháp) thì Toà án mới xử cho ly hôn, do đó, vụ án vẫn kéo dài, không thể giải quyết ngay được.

Thứ ba: Hiểu biết về pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật nước ngoài của công dân, thậm chí của pháp nhân Việt Nam còn chưa cao, do vậy khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự (xác lập giao dịch dân sự) nhiều khi chủ thể là người Việt Nam, pháp nhân Việt Nam còn tuỳ tiện, không thận trọng (ví dụ, khi xác lập quan hệ thuê tài sản, vay tài sản… không xác định và yêu cầu người nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nước mà họ là công dân, khi xác lập quan hệ hôn nhân và gia đình… không tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể nơi người nước ngoài sinh sống.v.v… ) nên khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, người nước ngoài đã không còn ở Việt Nam mới làm đơn khởi kiện. Toà án rất khó khăn trong việc xác định địa chỉ của bị đơn, mặt khác pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc tự do bình đẳng trong quan  hệ dân sự giữa các chủ thể có nghĩa là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hay cá nhân, pháp nhân Việt Nam khi tham gia quan hệ dân sự với nhau phải thực hiện đúng nguyên tắc này và khi tham gia quan hệ tố tụng dân sự thì công dân đều bình đẳng trước pháp luật tức là khi tham gia tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có quyền và nghĩa vụ như công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam (điều 8 và điều 406 khoản 2 BLTTDS) nhưng thực tế nhiều vụ việc dân sự do nguyên đơn là công dân, pháp nhân Việt Nam khởi kiện, bị đơn là người nước ngoài, nhưng luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ của mình trước pháp luật. Khi biết bị khởi kiện tại Toà án, họ tìm cách rời khỏi Việt Nam. Toà án đã áp dụng Nghị định 24/CP ngày 24.3.1995 của Chính phủ về thủ tục xuất nhập cảnh; Thông tư 02/TT-BNV (A18) ngày 30.4.1995 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24 của Chính phủ quy định về những trường hợp chưa được phép xuất nhập cảnh. Nghị định 04/CP ngày 18.01.1993 của chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư 04/BNV ngày 27.3.1993 hướng dẫn thực hiện Nghị định 04/CP của Chính phủ để yêu cầu cơ quan xuất nhập cảnh tạm hoãn xuất cảnh đối với đương sự nhằm giải quyết vụ án nhưng các đương sự này đã phản ứng gay gắt và thông qua cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán nước họ tại Việt Nam can thiệp, nên nhiều trường hợp Toà án Việt Nam phải có công văn giải toả để họ xuất cảnh. Chính vì vậy, khi xét xử tại phiên toà không có mặt bị đơn và việc thi hành bản án cũng khó thực hiện được.

Thứ tư: Trình độ Thẩm phán tuy đã được nâng cao, song cũng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu hiện nay. Do không được đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên nên Thẩm phán không nắm vững kiến thức chuyên môn của Tư pháp quốc tế. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế do đó khi tiếp cận với pháp luật nước ngoài và khi tiến hành tố tụng những vụ án có công dân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia tố tụng còn gặp nhiều khó khăn; việc mời phiên dịch cũng không dễ dàng, cơ quan nào có trách nhiệm làm phiên dịch cho Toà án, chi phí cho việc mời phiên dịch khi các đương sự không thiện chí nộp.v.v… còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Thứ năm: Thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự: Đối với các Toà án nước ngoài yêu cầu thì Toà án Việt Nam thực hiện tốt, kết quả trả lời nhanh, nhưng những việc Toà án Việt Nam yêu cầu thì lại không có hiệu quả, Toà án nước ngoài chưa đáp ứng, kết quả trả lời rất ít.

2.  Một số giải pháp giải quyết những vướng mắc

Để thực hiện tốt quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tạo điều kiện giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài chúng tôi có một số hướng giải quyết những vướng mức sau:

-      Về Ban hành pháp luật:

o Pháp luật nên sửa đổi, bổ sung những quy định trong Bộ luật dân sự như các nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với mỗi loại quan hệ dân sự và xây dựng các quy phạm xung đột phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả của việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

o Cần quy định  rõ cơ quan nào có trách nhiệm cử người phiên dịch cho Toà án khi giải quyết các vụ việc dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia? o Quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm xác định và trả lời cho Toà án vấn đề “định cư” của người Việt Nam ở nước ngoài để Toà án có căn cứ xác định đúng thẩm quyền để giải quyết vụ án..

-      Cơ chế giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài:

Nên có hướng dẫn thoáng hơn trong việc giải quyết vụ việc dân sự có người Việt Nam ở nước ngoài (có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch nước ngoài) thì Toà án có thể liên hệ trực tiếp với đương sự không qua uỷ thác điều tra mà có thể gửi những yêu cầu để họ có đơn, lời khai về cho Toà án. Toà án cũng có thể tống đạt án cho họ bằng cách này. Bởi vì trên thực tế có nhiều trường hợp, Toà án làm thủ tục uỷ thác điều tra, tống đạt bản án nhưng không có kết quả, khi làm thủ tục gửi trực tiếp cho đương sự thì họ có đơn và văn bản gửi cho Toà án rất nhanh và kịp thời.

-      Công tác cán bộ:

Các cơ quan Nhà nước, TANDTC cần thường xuyên mở lớp tập huấn những kiến thức cơ bản về Tư pháp quốc tế để giúp cho thẩm phán, cán bộ làm công tác pháp luật có điều kiện và cách thức tiếp cận với hệ thống pháp luật nước ngoài giúp cho thẩm phán có khả năng so sánh đối chiếu giữa pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài làm cơ sở cho việc nghiên cứu và giải quyết vụ án; TANDTC cũng nên mở nhiều lớp học ngoại ngữ cho thẩm phán để họ có khả năng tiếp cận những thông tin , kinh nghiệm và phương pháp làm việc của nước ngoài, có khả năng giao tiếp, giúp thẩm phán tự tin hơn khi giải quyết các vụ việc dân sự có người nướcngoài nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia tố tụng.

-      Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật:

Việc nắm vững và thực hiện tốt quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các quy định của pháp luật (cả về Luật nội dung và Luật tố tụng) là rất cần thiết. Giúp các chủ thể tránh được sự rủi ro trong các quan hệ dân sự nhất là các cá nhân, pháp nhân, tổ chức Việt Nam khi tham gia giao dịch dân sự với các đối tác nước ngoài khi họ có trình độ pháp luật và khả năng, điều kiện mọi mặt hơn chúng ta từ đó hạn chế những tranh chấp dân sự.

KẾT LUẬN

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng như các tranh chấp về dân sự có yếu tố nước ngoài trong điều kiện hiện nay thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Sự ra đời của Bộ luật tố tụng dân sự sẽ có rất nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Để giải quyết có hiệu quả và đúng pháp luật những vụ việc dân sự nói chung và những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, cán bộ Toà án không những phải nghiên cứu nắm vững các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự cũng như không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Chú thích

54 Phần thứ nhất: Giới thiệu về Bộ luật Tố tụng Dân sự  - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2004.

55 Trích mục II.2.4  Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment