I. Lý luận chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được quy định tại điều 624 BLDS 2005: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Luật bảo vệ môi trường 2005 cũng có các quy định về trách nhiệm này. Tại điều 4 khoản 5: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật”. Điều 49 khoản 1 điểm d: “Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại mục 2 Chương XIV của Luật này hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Điều 49 khoản 3 điểm d: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường còn được quy định trong nhiều văn bản luật khác như luật khoáng sản (1996), luật tài nguyên nước (1998)...
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một trong những quy định về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Quy định trên bắt nguồn từ căn cứ là quan hệ pháp luật về bảo vệ môi trường có thể phát sinh giữa các chủ thể mà không cần đến cơ sở pháp lý tiền đề (như quan hệ hợp đồng, quan hệ công vụ…) nên bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường luôn là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là loại trách nhiệm phát sinh dưới sự tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật mà không cần có sự thỏa thuận trước của các chủ thể. Sự trùng hợp về một số nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các thỏa thuận hay cam kết không làm ảnh hưởng đến căn cứ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo luật định.
Môi trường có thể bị xâm hại từ 2 nhóm nguyên nhân: Một là, các nguyên nhân khách quan tác động đến môi trường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, như bão, lũ lụt, động đất, hạn hán... Những trường hợp này không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào; hai là, các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người gây ra từ việc khai thác, sử dụng các yếu tố môi trường hay từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác. Đối với những trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường phát sinh khi có đủ các dấu hiệu cấu thành trách nhiệm pháp lý dân sự (đó là có thiệt hại xảy ra, có hành vi làm ô nhiễm môi trường trái pháp luật, có lỗi của người gây thiệt hại và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật).
Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra đối với môi trường. Trách nhiệm này trước hết được hiểu là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội của người gây hại cho môi trường vì họ đã xâm hại tới các điều kiện sống chung của con người. Tiếp đến mới là trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể là nạn nhân của sự xâm hại đó, thể hiện qua việc bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường có mối quan hệ nhất định với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Trong lĩnh vực môi trường, người làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thường phải thực hiện đồng thời cả hai biện pháp: Khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm và bồi thường thiệt hại về môi trường. Tác dụng chính của biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường là hạn chế, ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng, khả năng lây lan ô nhiễm môi trường, đồng thời làm giảm nhẹ những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tác dụng của bồi thường thiệt hại là bù đắp những tổn thất về người, tài sản và những giá trị sinh thái đã bị mất. Trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường mang tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính, do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định, còn bồi thường thiệt hại lại là một loại trách nhiệm dân sự có thể thỏa thuận và xác lập theo ý chí của các bên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường hai loại trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và trong một số trường hợp có thể thay thế (chuyển hóa) cho nhau, đặc biệt là khi chỉ xuất hiện thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà không xuất hiện thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân. Nếu việc khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm, suy thoái do chính người bị hại tiến hành thì những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại sẽ được tính trong tổng giá trị thiệt hại để đòi bồi thường. Còn trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã tự mình thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm thì họ sẽ được giải phóng hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
Nhiều người cùng gây thiệt hại cũng là tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ gây hại đến môi trường của từng đối tượng. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự tính đến trong trường hợp này. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về đối tượng gây thiệt hại sẽ giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cũng cần tính đến tình huống không áp dụng được trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các đối tượng chỉ vì đơn giản thiệt hại môi trường là kết quả của hiện tượng tích tụ và cộng dồn các ảnh hưởng tới môi trường, trong khi từng đối tượng lại tác động không quá mức giới hạn tới môi trường.
II. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Theo pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường phát sinh khi có các điều kiện sau đây:
a, Có thiệt hại xảy ra:
Theo quy định tại điều 130 Luật bảo vệ môi trường 2005, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:
“1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;
2. Thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.”
Thứ nhất là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. Xem xét dưới giác độ xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại thì các yếu tố nhân tạo thường được nhìn nhận là các tài sản hiện hữu, thuộc quyền sở hữu của một chủ thể xác định. Nếu chúng có bị suy giảm chức năng, tính hữu ích thì cần được hiểu là suy giảm chức năng, tính hữu ích của chính tài sản đó. Các yếu tố tự nhiên được xem là những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại, phát triển chung của cả cộng đồng, không do một tổ chức, cá nhân nào tạo ra và đương nhiên thuộc quyền sở hữu chung của cả cộng đồng mà đại diện là Nhà nước. Do đó, nếu có sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các yếu tố này thì đó là sự suy giảm các giá trị môi trường sống nói chung.
Chức năng, tính hữu ích của môi trường được thể hiện qua các phương diện chính như sau: 1) Môi trường là không gian sinh tồn của con người; 2) Môi trường là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học (kể cả vật liệu, năng lượng, thông tin cần thiết cho cuộc sống và hoạt động của con người); 3) Môi trường là nơi chứa đựng và tiêu hủy chất thải do con người thải ra trong các hoạt động của mình. Như vậy, có thể hiểu sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường xảy ra khi: Một là, chất lượng của các yếu tố môi trường sau khi bị tác động thấp hơn so với tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; hai là, lượng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác, sử dụng lớn hơn lượng được khôi phục, tái tạo (đối với tài nguyên tái tạo được) và lượng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác, sử dụng lớn hơn lượng thay thế (đối với tài nguyên không tái tạo được); ba là, lượng chất thải thải vào môi trường lớn hơn khả năng tự phân hủy, tự làm sạch của chúng hoặc khả năng tái chế, tái sử dụng.
Thứ hai, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
- Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, ví dụ như cơ thể con người hấp thụ hoặc bị tác động bởi các chất độc hại mà sinh ra bệnh tật hoặc các thương tổn khác. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người được thể hiện qua các chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có nguyên nhân từ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
- Thiệt hại về tài sản là những thiệt hại về vật chất của người bị thiệt hại như mất tài sản, bị giảm sút tài sản…được thể hiện qua những tổn thất về cây trồng, vật nuôi, những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên. Như các công ty xả nước thải chưa được xử lý làm cho ruộng lúa, hoa màu của các hộ gia đình bị hại nên năng suất bị giảm đáng kể. Hoặc do dầu tràn làm cho các ao hồ bị nhiễm độc, nguồn tài nguyên thuỷ sản như tôm, cá bị chết rất nhiều. Hoặc khi nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, đồng cỏ bị nhiễm độc do các chất thải của các cơ sở công nghiệp làm cho các gia súc, gia cầm bị ốm, bị chết gây thiệt hại cho nhân dân.
- Còn thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua sự tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Ví dụ như các khu du lịch do bị ô nhiễm mà phải đóng cửa dẫn đến bị thất thu và nguồn lợi nhuận bị suy giảm…
Trong mối quan hệ với loại thiệt hại thứ nhất, loại thiệt hại thứ hai luôn được xem là thiệt hại gián tiếp (còn gọi là thiệt hại phái sinh hay thiệt hại thứ sinh) - thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý là giữa thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và thiệt hại đối với tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không phải luôn luôn và hoàn toàn tách biệt. Trong một số trường hợp thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định cũng đồng thời là thiệt hại về tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó. Ví dụ, sự suy giảm nguồn lợi thủy sinh tại một vùng biển bị ô nhiễm cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của ngư dân ở khu vực đó. Điều này thiết nghĩ cần được lưu ý để tránh sự trùng lặp khi xác định các loại thiệt hại cụ thể do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên.
So với các thiệt hại trong các lĩnh vực khác, thiệt hại trong lĩnh vực môi trường có những dấu hiệu đặc trưng riêng của nó. Đó là:
- Thiệt hại thường có giá trị lớn. Môi trường có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của con người nên khi bị tổn hại, nó thường để lại hậu quả rất lớn. Mặt khác, thiệt hại trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không dễ nhận biết. Vì thế, trong rất nhiều trường hợp, thiệt hại về môi trường chỉ được xác định khi đã ở vào giai đoạn cuối của quá trình ô nhiễm và suy thoái nên hậu quả đã trở nên khá nặng nề. Hành vi làm ô nhiễm môi trường đã dẫn đến những thiệt hại không những về mặt thực tế, mà còn là những nguy cơ tiềm ẩn trong không gian và thời gian nhất định, có thể gây thiệt hại rất lớn, lâu dài cho con người và môi trường tự nhiên. Những thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra không thể xác định được như những thiệt hại vật chất đơn thuần khác, mà phải dựa vào những căn cứ khoa học của nhiều chuyên ngành để xác định, theo những số liệu thống kê được và qua phân tích mức độ môi trường bị ô nhiễm, để có căn cứ xác định thiệt hại. Như vậy, thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến những thiệt hại rất lớn không chỉ của một thời, mà có thể còn ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ mai sau.
- Thiệt hại thường khó xác định một cách chính xác. Có cả những thiệt hại gián tiếp, thiệt hại lâu dài… nên không thể dễ dàng trị giá thiệt hại ngay trong một thời điểm cụ thể. Có những thiệt hại có thể xác định được mức độ bị hại, như số lượng cá chết trong ao, hồ; số hoa màu bị hư hỏng do nguồn nước bị ô nhiễm...nhưng cũng có những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán hợp lý và khoa học thì mới xác định được mức độ bị hại. Thiệt hại do môi trường bị phá vỡ do bị nhiễm bẩn, nhiễm độc không chỉ là những thiệt hại xác định được ngay sau khi có hành vi làm ô nhiễm môi trường, mà còn là những thiệt hại vẫn đang và sẽ diễn ra theo phản ứng dây chuyền, theo sự vận động khách quan của môi trường tự nhiên và xã hội, mà con người không thể xác định được một cách đầy đủ và chính xác. Ví dụ xây dựng hệ thống giao thông đường thủy hoặc hệ thống tưới tiêu đã vô tình khơi nguồn nước tự nhiên chua phèn, thành phần nước có nhiều kiềm, nước cứng đã gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp; khai thác rừng bừa bãi làm cạn kiệt cả nguồn nước tự nhiên trong khu vực đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của cả một vùng.
- Trong nhiều trường hợp, thiệt hại không phải là do con người gây ra. Những tổn hại gây ra có thể do chính những biến đổi thất thường của tự nhiên.
- Thiệt hại thường rất khó khắc phục, thậm chí có những trường hợp không thể khắc phục được. Điều này xuất phát từ chính những đặc trưng của môi trường. Đó là khi bị ô nhiễm, suy thoái thì hoặc là phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục nhưng vẫn không thể khôi phục lại được trạng thái ban đầu, hoặc là không thể khôi phục lại được.
- Thiệt hại thường xảy ra trên một phạm vi rộng. Do môi trường là tổng thể các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau, nên khi một thành phần môi trường này bị tổn hại có thể gây tổn hại cho nhiều thành phần môi trường khác. Ví dụ, gây ô nhiễm nước sẽ dẫn đến thiệt hại đối với đất có mặt nước, thiệt hại đối với các nguồn lợi thủy sinh…
b, Có hành vi làm ô nhiễm môi trường là hành vi trái pháp luật:
Theo quy định tại điều 3 Luật bảo vệ môi trường: “1, Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật. 2, Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. 3, Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.”
Theo những quy định trên, hành vi làm ô nhiễm môi trường là những hành vi không tuân theo các qui định của pháp luật môi trường, tác động đến các yếu tố của môi trường và gây ô nhiễm các yếu tố đó (như hành vi xả chất thải độc hại chưa qua xử lý ra sông hồ) hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện (như không tiến hành đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án)... làm tổn hại đến các yếu tố nguyên thủy của môi trường dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Hành vi gây ô nhiễm môi trường làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn của môi trường. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, hành vi của con người đã làm ô nhiễm môi trường dẫn đến suy thoái môi trường, làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên. Hành vi vi phạm pháp luật môi trường được coi là căn cứ quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trên thực tế, hành vi trái pháp luật môi trường rất đa dạng, phong phú nhưng tồn tại phổ biến một số dạng sau:
- Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường hoặc các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép về môi trường.
- Vi phạm các quy định về bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như các quy định về bảo vệ rừng, khai thác, kinh doanh động, thực vật quý hiếm; bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất đai; vi phạm các quy định về bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên…;
- Vi phạm các quy định về xuất, nhập khẩu công nghệ, thiết bị, chất thải, hóa chất độc hại.
- Vi phạm các quy định trong việc bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm như các quy định về phòng tránh sự cố môi trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; trong thăm dò khai thác hầm mỏ; quy định về hoạt động có liên quan đến chất phóng xạ.
- Vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng như quy định về vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải; quy định về tiếng ồn, độ rung…
Một số hành vi trái pháp luật môi trường được quy định tại điều 7 Luật bảo vệ môi trường 2005. Những hành vi bị nghiêm cấm:
“ 1. Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
2. Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
4. Chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng nơi quy định và quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước.
6. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép.
7. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
8. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường.
9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức.
10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.
11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
12. Xâm hại di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với sức khỏe và tính mạng con người.
15. Che giấu hành vi huỷ hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.
16. Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.”
c, Lỗi của người gây thiệt hại:
Lỗi có ý nghĩa quyết định trong việc xác định người phải bồi thường và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại. Điều 308 và điều 604 của BLDS 2005 đã thừa nhận hai hình thức lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Chủ thể thực hiện hành vi có thể có lỗi cố ý hoặc vô ý để xảy ra hậu quả, trong đó lỗi được coi là trạng thái tâm lý chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi. Cơ sở để xác định lỗi là ở chỗ trong một điều kiện hoàn cảnh nhất định, một chủ thể có thể lựa chọn để thực hiện các hành vi không trái pháp luật nhưng chủ thể đó đã không thực hiện hành vi đúng pháp luật mà lại thực hiện hành vi trái pháp luật; do đó chủ thể này phải chịu hình thức chế tài đối với cách xử sự của mình. Ví dụ, doanh nghiệp đã lựa chọn hành vi lắp cống ngầm và xả nước thải chưa xử lý qua cống ngầm ra sông, hồ để giảm bớt chi phí vận hành và xử lý chất thải trong khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Trường hợp không có điều kiện để lựa chọn thực hiện hành vi đúng pháp luật thì chủ thể thực hiện hành vi có thể được xem xét miễn trách nhiệm pháp lý. Ví dụ, vì muốn tránh nguy cơ hỏa hoạn đối với kho tài sản lớn của nhà nước, doanh nghiệp đã chủ động phá bề chứa nước thải của công ty để tạo lối đi cho xe cứu hỏa đang vào. Hành vi này không bị xem là hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm chỉ được loại trừ trong trường hợp người bị hại có lỗi. Điều này có nghĩa là trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường nếu người bị thiệt hại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường luôn luôn đặt ra đối với người làm ô nhiễm môi trường. Người gây ô nhiễm môi trường có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
d, Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật:
Trong khoa học pháp lý, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối quan hệ nội tại, tất yếu. Thiệt hại thực tế xảy ra là kết quả của hành vi vi phạm pháp luật. Hoặc nói một cách khác, hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Việc xác định mối quan hệ nhân quả chính là xác định sự liên hệ khách quan giữa các hiện tượng tự nhiên và xã hội, trong đó một là nguyên nhân và sau đó là kết quả. Nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả và kết quả là hậu quả của nguyên nhân. Trong quá trình xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường cần làm sáng tỏ mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Một hậu quả, thiệt hại về môi trường có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và một nguyên nhân có thể phát sinh nhiều hậu quả, thiệt hại về môi trường. Vì vậy, nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại về môi trường thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai, cần xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào đối với thiệt hại xảy ra.
Trên thực tế, hành vi vi phạm rất đa dạng và phức tạp. Có hành vi chứa đựng khả năng thực tế gây hậu quả về môi trường như xả nước thải không qua xử lý, chứa độc tố hủy diệt các loài thủy sinh, khí thải độc hại… Giữa những hành vi này và hậu quả của nó tương đối dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, không hiếm những trường hợp hành vi vi phạm pháp luật môi trường ẩn dấu khả năng gây hậu quả trong tương lai như các vi phạm về các chất phóng xạ, hạt nhân, nguồn bức xạ…Khi hậu quả xảy ra, rất khó xác định mối liên hệ với nguyên nhân của nó vì hành vi vi phạm được thực hiện trước đó đã lâu. Trong những trường hợp này, chỉ có hoạt động giám định mới có thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.
Bên cạnh đó, hiện tượng tích tụ và cộng dồn các yếu tố gây ảnh hưởng xấu tới môi trường do nhiều hành vi của các đối tượng khác nhau gây ra, trong đó có thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường, và từ đó gây ra thiệt hại cũng khó có thể xác định rõ ràng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.
Để loại trừ thiệt hại xảy ra từ những nguyên nhân khác, pháp luật Việt Nam chỉ xác định mối quan hệ nhân quả trong trường hợp hành vi gây thiệt hại phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra. Ví dụ, nhà máy A thải chất thải không qua xử lý ra các ao hồ, nguồn nước xung quanh là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định làm ô nhiễm môi trường nước, từ đó gây thiệt hại cho nguồn lợi thủy sản của các tổ chức, cá nhân trong khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn và phức tạp. Do đó cần phải xem xét, phân tích đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó, mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây ra thiệt hại.
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại điều 606 BLDS 2005. Những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi đầy đủ thì tự mình phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại toàn bộ. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị hại.
Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện quản lý, thì trường học, bệnh viện phải bồi thường. Nếu tổ chức nêu trên mà không có lỗi, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Các tổ chức từ khi thành lập đã có năng lực pháp luật, có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật môi trường mà có hành vi làm ô nhiễm môi trường dẫn tới gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Các tổ chức có thể là pháp nhân (như doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu…) hoặc tổ chức khác không phải là pháp nhân (hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân…).
Trong thực tế đời sống, các chủ thể gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình do không có thiết bị xử lý chất thải, hoặc không tuân thủ các quy định khác về bảo vệ môi trường… các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, chủ thể “tiềm tàng” chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết là các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
3. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại về môi trường.
a, Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại và có lỗi. Mọi chủ thể khi có hành vi vi phạm pháp luật môi trường đều bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Trong một số trường hợp cụ thể, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không được loại trừ ngay cả khi người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường không có lỗi (trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, do sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết). Trường hợp này được áp dụng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra từ các nguồn nguy hiểm cao độ như từ chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử…làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho người khác.
- Trường hợp thiệt hại xảy ra do hiện tượng tích tụ và cộng dồn của các ảnh hưởng tới môi trường có hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải xác định phần thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và phần thiệt hại do các nguyên nhân khác. Trên thực tế, việc phân định này không hề đơn giản, cần có những giám định khoa học mới có thể xác định được. Trong nhiền trường hợp không thể xác định được một cách rõ rang. Do đó, cần có cơ chế để quyết định mức thiệt hại phù hợp trong trường hợp này.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước cũng là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng việc chứng minh Nhà nước phải bồi thường theo nguyên lý chung về bồi thường thiệt hại (có thiệt hại xảy ra, có hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có lỗi của người gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật) sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh hành vi vi phạm của Nhà nước. Nên có quan điểm cho rằng, thiệt hại xảy ra trong trường hợp này được coi như những rủi ro và từ đó Nhà nước phải thực hiện những biện pháp khắc phục, giúp đỡ phù hợp nhằm giải quyết tình trạng xảy ra.
+ Những hành vi được thực hiện trong thời gian trước khi doanh nghiệp phá sản, giải thể, chia tách hoặc hợp nhất…là nguyên nhân gây thiệt hại mà thiệt hại này xuất hiện sau khi các trình tự nêu trên đã hoàn thành. Trường hợp này có thể phân loại thành hai tình huống: Hành vi của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và hành vi của doanh nghiệp không trái pháp luật ở thời điểm đó. Trong trường hợp thứ nhất, có thể chứng minh theo nguyên lý chung về bồi thường thiệt hại và doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tại thời điểm xuất hiện thiệt hại, cũng là thời điểm phát sinh quyền đòi bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì doanh nghiệp không còn tồn tại với tư cách là một pháp nhân. Trong cả hai trường hợp, có thể thấy đây là lỗi hỗn hợp của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
+ Trong trường hợp nguyên nhân do quá trình xây dựng pháp luật của Nhà nước gây ra, tổ chức, cá nhân không có hành vi vi phạm pháp luật và do đó không phải bồi thường thiệt hại.
+ Trường hợp thiệt hại xảy ra do hiện tượng tích tụ và cộng dồn của các ảnh hưởng tới môi trường mà không có hành vi trái pháp luật.
b, Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại:
- Trong trường hợp đối tượng bị tác động là tính mạng sức khỏe hoặc tài sản thì chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là người bị tổn hại về sức khỏe (hoặc người thân của người chết) hoặc là người có quyền sở hữu đối với khối tài sản bị thiệt hại.
- Trong trường hợp thiệt hại là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Theo quy định của Hiến pháp, hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các thành phần môi trường như đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời…đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý hoặc Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Nhà nước tổ chức việc quản lý sử dụng dưới hai hình thức: hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý và thực hiện giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng. Do đó, chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nêu trên cần được xác định như sau:
+ Nhà nước, mà đại diện là cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý, là đối tượng có quyền đòi bồi thường thiệt hại cho trường hợp thành phần môi trường không được Nhà nước giao hoặc cho thuê quyền sử dụng.
+ Trường hợp thành phần môi trường đã được Nhà nước giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê quyền sử dụng thì tổ chức, cá nhân đó là đối tượng có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các đối tượng này không thực hiện quyền của mình thì Nhà nước là người có quyền đòi bồi thường thiệt hại về môi trường.
4. Xác định thiệt hại.
Do tính chất phức tạp của môi trường bị xâm phạm, bị ô nhiễm nên khi xác định thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra phải được đặt trong các mối liên hệ hữu cơ giữa các yếu tố xác định được:
- Những thiệt hại do môi trường bị xâm hại gây ra và trực tiếp gây thiệt hại cho người khác xác định được theo những tổn hại thực tế ngay sau khi môi trường bị xâm hại và những thiệt hại gián tiếp chắc chắn xảy ra xác định được trên cơ sở khách quan.
- Xác định thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng do môi trường bị xâm hại cần phải chỉ ra một khoản tiền cụ thể để khắc phục lại tình trạng ban đầu vốn có của môi trường có lợi cho cuộc sống của con người, cho vật nuôi, cây trồng, cho nguồn nước, nguồn không khí hữu ích cho sự sống trên trái đất…, và những thiệt hại thực tế về tài sản, những chi phí cho việc cứu chữa người bị thiệt hại về sức khỏe, hồi phục lại tình trạng sức khỏe…
- Xác định thiệt hại do môi trường bị xâm hại gây ra cần phải xác định hai mối quan hệ độc lập và các mối liên hệ mật thiết với nhau, thiệt hại này là nguyên nhân của thiệt hại kia và hành vi gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân của thiệt hại mang tính chất bắc cầu, được thể hiện: Hành vi xâm hại môi trường là nguyên nhân làm cho môi trường bị ô nhiễm; môi trường bị ô nhiễm có mối liên hệ với thiệt hại xác định được.
* Xác định thiệt hại về sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường:
Được quy định tại điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2005: Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
“1. Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gồm các mức độ sau đây:
a) Có suy giảm;
b) Suy giảm nghiêm trọng;
c) Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm có:
a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng;
b) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm;
c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm.
3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm có:
a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại;
b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài.
4. Việc tính toán chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:
a) Tính toán chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường;
b) Tính toán chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Tính toán chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại;
d) Thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan;
đ) Tuỳ điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính toán chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.
5. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.
Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.”
Cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy khó có thể đo, đếm được sự suy giảm thực tế về chức năng, tính hữu ích của mỗi thành phần môi trường khi chúng bị ô nhiễm, suy thoái. Trong trường hợp này chúng ta cần phải vận dụng phương pháp suy đoán lôgíc, theo đó nếu một thành phần môi trường bị ô nhiễm ở các mức có ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng thì cũng có nghĩa là thành phần môi trường đó đã bị sự suy giảm tương ứng về chức năng, tính hữu ích của nó. Điều đó cũng có nghĩa là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên có thể được chia làm 3 cấp độ tương ứng với 3 mức suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Luật BVMT (2005) thể hiện sự phát triển đáng ghi nhận khi căn cứ vào tiêu chuẩn môi trường để lượng hóa ở mức có thể nhận diện được các cấp độ ô nhiễm môi trường (Điều 92).
Tương tự như vậy cũng có thể xác định các cấp độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường căn cứ vào các mức độ suy thoái môi trường. Do mức độ suy thoái môi trường cũng có thể được xác định dựa trên cơ sở số lượng của thành phần môi trường bị khai thác, sử dụng quá mức so với trữ lượng tự nhiên của nó; dựa vào mức độ khan hiếm của thành phần môi trường trên thực tế hay mức độ ưu tiên của Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển mỗi thành phần môi trường... Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chưa có các quy định để lượng hóa các mức độ suy thoái môi trường nên việc xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do môi trường bị suy thoái mới chỉ dừng lại ở các mức định tính.
* Xác định thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây nên:
Điều 608, 609, 610 BLDS 2005 quy định việc xác định thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của tổ chức, cá nhân do ô nhiễm môi trường như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; và tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
- Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được tính để bồi thường bao gồm:
+ Tài sản bị mất;
+ Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
+ Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;
+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Trong đó, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản được hiểu là những tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Đây là những thiệt hại đối với người được phép khai thác, sử dụng một cách hợp pháp các thành phần môi trường nhưng vì chúng đã bị ô nhiễm nên họ không thể tiếp tục khai thác, sử dụng hoặc phải khai thác, sử dụng một cách hạn chế, dẫn đến lợi ích vật chất của họ bị tổn hại. Nói khác đi, thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua những tổn thất về cây trồng, vật nuôi, những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm gây nên; những lợi ích hợp pháp từ việc khai thác, sử dụng các thành phần môi trường mà đáng lẽ tổ chức, cá nhân có được nếu chúng không bị ô nhiễm, suy thoái.
Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Thông tư số 2262-TT/MTg ngày 29/12/1995 về khắc phục sự cố tràn dầu thì thiệt hại được tính để đòi bồi thường do sự cố tràn dầu gây nên còn bao gồm: 1, Chi phí cho việc ứng cứu sự cố; 2, Bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp từ sự cố; 3, Chi phí cho công tác khảo sát, lập căn cứ để đánh giá thiệt hại về kinh tế và môi trường.
III. Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Qua thực tiễn áp dụng cho thấy các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường còn nhiều thiếu sót, cần được sửa đổi, bổ sung để có thể điều chỉnh có hiệu quả quan hệ xã hội trong lĩnh vực môi trường. Một số kiến nghị nhằm làm hoàn thiện hơn các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại này:
* Về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường:
Thiệt hại do ô nhiễm môi trường bao gồm hai loại đã nêu ở phần trên là vấn đề pháp lý không còn bàn cãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải xác định là trong số các thành phần môi trường bị thiệt hại thì yếu tố nào được tính để bồi thường. Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, thành phần môi trường bao gồm các yếu tố vật chất như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Thiết nghĩ thiệt hại môi trường chỉ nên tập trung ở các thành phần sau: đất, nước, không khí và hệ sinh thái. Trong đó thiệt hại đối với đất cần có sự phân biệt giữa nhóm đất nông nghiệp với nhóm đất phi nông nghiệp. Thiệt hại đối với nước cần có sự phân biệt giữa nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt với nước phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước phục vụ cho vui chơi, giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng. Thiệt hại đối với không khí cần có sự phân biệt giữa không khí tại khu vực đô thị, khu dân cư tập trung với không khí ở những khu vực khác. Thiệt hại đối với hệ sinh thái cần có sự phân biệt giữa hệ sinh thái rừng với hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước.
* Về các nguyên tắc xác định thiệt hại trong lĩnh vực môi trường:
Việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường cần phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, khoa học, thuận tiện cho việc áp dụng.
- Căn cứ vào các mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
- Căn cứ vào số lượng thành phần môi trường bị suy giảm; các yếu tố của từng thành phần môi trường bị suy giảm.
- Căn cứ vào các mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường.
- Các địa phương khác nhau có mức độ thiệt hại môi trường như nhau có thể áp dụng các mức bồi thường khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật.
Cách thức xác định thiệt hại về môi trường cần được tiến hành như sau:
- Đối với thiệt hại là các yếu tố môi trường tự nhiên. Việc xác định các cấp độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường cần được lượng hóa theo cách lượng hóa các cấp độ xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm quy định tại điều 92 Luật bảo vệ môi trường 2005. Nghĩa là tương ững với 3 cấp độ: môi trường bị ô nhiễm, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng là 3 cấp độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường: suy giảm, suy giảm nghiêm trọng, suy giảm đặc biệt nghiêm trọng.
- Đối với thiệt hại là tính mạng, sức khoẻ của con người, ngoài các cách xác định thiệt hại theo quy định của BLDS, còn cần phải xác định thiệt hại theo phương pháp lượng giá trực tiếp, bao gồm: phương pháp so sánh năng suất, sản lượng thu hoạch canh tác hoặc nuôi trồng; phương pháp lượng giá chi phí giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn; phương pháp lượng giá theo hiệu quả sử dụng; phương pháp lượng giá ô nhiễm đối với sức khỏe con người.
* Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo bộ Luật dân sự thì thời hạn này là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Song cũng cần tính đến trong lĩnh vực môi trường, ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại không hoàn toàn trùng khít với ngày phát sinh thiệt hại trên thực tế. Thiệt hại đối với người bị nhiễm chất phóng xạ, nhiễm hóa chất độc hại là những ví dụ điển hình. Việc áp dụng thời hiệu khởi kiện về hành vi làm ô nhiễm môi trường phải được quy định riêng, phù hợp với đặc điểm của thiệt hại do xâm hại môi trường gây ra, mà không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện như thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Nên chăng pháp luật môi trường cần hướng tới việc quy định thời hiệu khởi kiện gắn với ngày mà thiệt hại thực tế xảy ra và cần có khoảng thời gian dài hơn 2 năm.
* Về thời hạn áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời đã trở thành nguyên tắc luật định, song trong lĩnh vực môi trường, do giá trị của các thiệt hại về môi trường thường rất lớn và khó xác định nên trong tuyệt đại đa số các trường hợp việc áp dụng trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại là điều khó có thể thực hiện được. Pháp luật cần có các quy định mang tính linh hoạt hơn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như người gây thiệt hại đối với môi trường có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian tối đa một số năm nhất định nào đó kể từ ngày áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường tại Việt Nam là vấn đề còn rất mới cả từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Do vậy, xác định thiệt hại đối với môi trường và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường trong mọi trường hợp đều không phải là mong muốn hàng đầu được áp dụng trong lĩnh vực môi trường.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân.
2. Bộ luật dân sự năm 2005.
3. Luật bảo vệ môi trường 2005.
4. TS Vũ Thu Hạnh, Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường, Tạp chí KHPL số 3 (40)/2007.
5. PGS, TS Phạm Hữu Nghị ( Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật), Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường.
6. TS Phùng Trung Tập, Xâm phạm môi trường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Tạp chí Nhà nước và pháp luật. Viện nhà nước và pháp luật, Số 1/2010, tr. 53-59, 64
7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo cáo phúc trình Đề tài NCKH cấp cơ sở “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây nên", 2006.
8. Báo cáo chuyên đề nghiên cứu: Quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam. Cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện.
No comments:
Post a Comment