11/06/2014
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả - Bài tập học kỳ Dân sự 2 - 8 điểm
Thực tế cho thấy, trong đời sống thường nhật, thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và tổ chức được diễn ra hết sức phức tạp, được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi thế, Nhà nước đã bằng những quy định của pháp luật sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế, ngăn chặn và khắc phục những hậu quả đó. Cơ sở pháp lý của trách nhiệm này quy định trong Bộ luật dân sự về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vậy vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể và mồ mả được hiểu như thế nào?

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ CHUNG.

1. Cơ sở lý luận.

Khi nói đến trách nhiệm bồi thường là đề cập đến một tình thế buộc một người phải thực hiện một hành vi hoặc có trách nhiệm gánh chịu những bất lợi về tài sản hoặc về nhân thân của người mang trách nhiệm đó.

Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là trách nhiệm của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín …mà trước đó giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có giao kết hợp đồng hoặc giữa họ có giao kết hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng là hành vi trái pháp luật; hành vi này xâm phạm đến nhóm khách thể được pháp luật bảo vệ.


Quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể và mồ mả.

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Điều 628. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

1. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người xâm phạm thi thể phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lưng tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 629. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ m gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

2. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

- Điều kiện thứ nhất: phải có thiệt hại. Thiệt hại được hiểu là thiệt hại về tài sản, những chi phí, những thu nhập bị giảm sút của người bị gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng… Những thiệt hại phải thực tế, xác định được.

- Điều kiện  thứ hai: phải có hành vi trái pháp luật. Hành vi gây thiệt hại phải xác định được là hành vi trái pháp luật, người gây thiệt hại phải bồi thường. Thế nào là hành vi trái pháp luật? Để giải quyết thỏa đáng vấn đề đặt ra, sự cần thiết phải làm rõ mối liên hệ giữa hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hợp đồng và hành vi gây thiệt hại cho người khác không theo bất kì hợp đồng nào giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

- Điều kiện  thứ ba: phải có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại. Theo nội dung của Thông tư số 173-UBTP, có sự phân biệt giữa hành vi là nguyên nhân trực tiếp với hành vi là nguyên nhân gián tiếp của thiệt hại: “ có trường hợp tuy hành vi trái pháp luật không phải là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại xảy ra, nhưng lại có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại và được coi là có quan hệ nhân quả với thiệt hại”.

- Điều kiện thứ tư: phải có lỗi của người gây thiệt hại. Thông tư số 173-UBTP thì: “ Người gây thiệt hại phải nhận thức hoặc có thể nhận thức được rằng hành vi của mình là trái pháp luật và có thể gây thiệt hại cho người khác: “cố ý hay vô ý đều là có lỗi”.

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

Nghị quyết 03/ 2006  2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.

b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

c) Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

- Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…

II. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM THI THỂ.

1.Cơ sở pháp lý.

Nghị quyết 03/2006  4. Chi phí hợp lý

Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.

BLDS năm 2005, Điều 628. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể: “

1. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người xâm phạm thi thể phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lưng tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Khi nói đến thi thể thì thi thể được hiểu là xác của một cá nhân đã chết. Thi thể gắn liền với cá nhân có thi thể đó. Khi cá nhân chết, địa vị chủ thể của cá nhân trong các quan hệ xã hội cũng đồng thời chấm dứt từ thời điểm cá nhân chết. Thi thể của cá nhân, không thể hiểu là chủ thể mà được hiểu là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Khi cá nhân chết để lại thi thể và thi thể đó gắn liền với cá nhân của người chết, không thể chuyển dịch, thay thế cho cá nhân khác. Thi thể của cá nhân luôn được tôn trọng và bảo vệ những bằng pháp luật mà còn bằng cả đạo đức. Theo đó, thi thể của cá nhân bất khả xâm phạm. Thi thể của cá nhân là một thực thể thiêng liêng không những theo phong tục, theo quan niệm tôn giáo và còn theo bản sắc của một cộng đồng, một dân tộc. Thi thể của cá nhân là xác của cá nhân sau khi chết chưa được mai táng, điện táng hay chưa được hóa thân bằng các hình thức khác theo phong tục và tôn giáo. Nhưng trong trường hợp, thi thể của cá nhân đã được chôn cất, mai táng mà không dùng các biện pháp điện táng, hóa thân dưới hình thức đốt xác và đã bị người khác xâm phạm, thì hành vi này được xác định là xâm phạm mồ mả. Việc phân biệt trên có ý nghĩa về mặt pháp lý và thực tiễn trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của người có hành vi xâm phạm. Thi thể của cá nhân có thể bị xâm phạm do hành vi cố ý hoặc vô ý của người khác. Việc xác định hành vi xâm phạm thi thể của cá nhân rất cần thiết trong việc xác định bồi thường thiệt hại. Hành vi nào được coi là hành vi xâm phạm thi thể, hành vi nào không bị coi là hành vi xâm phạm thi thể, sự cần thiết phải làm rõ những yếu tố sau đây và có mối liên hệ của hành vi này với các quan hệ khác có liên quan đến sự tác động đến thi thể của cá nhân.

Thi thể của cá nhân là một thực thể tự nhiên của cá nhân, cho dù theo phong tục, tôn giáo hay pháp luật của bất kì một quốc gia có chủ quyền nào cũn đều được tôn trọng, bảo vệ, tuy nguyên tắc và mức độ bảo vệ thi thể có thể khác nhau. Sự cần thiệt phải xác định mối liên hệ giữa việc lấy bộ phận cơ thể, lấy mô, lấy xác của cá nhân với hành vi xâm phạm thi thể của cá nhân. Ranh giới giữa hành vi hợp pháp trong việc lấy bộ phận cơ thể, lấy mô, tạng, xác của cá nhân với hành vi trái pháp luật do xâm phạm thi thể của cá nhân thật sự quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể.

Ở nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam đã có luật quy định về lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác đều nhằm bảo vệ không những thi thể của người chết, mà còn đảm bảo cho người được nhận các bộ phận cơ thể người đã chết nhằm mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, Luật hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua 29/11/2006, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 11:

1. Lây trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận của cơ thể người  không tự nguyện hiến.

3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại…”

Thi thể của cá nhân chỉ nhằm để phục vụ cho những nhu cầu hữu ích cho cá nhân khác và cho việc nghiên cứu khoa học hoặc dùng để điều trị bệnh theo nguyện vọng của cá nhân khi còn sống. Một người có hành vi xâm phạm đến thi thể trái với những nguyên tắc và điều kiện nhận bộ phận cơ thể hoặc xác của người chết, đều bị coi là hành vi xâm phạm thi thể của cá nhân. Với tiêu chí, xác của cá nhân chưa được mai táng, hỏa táng, điện táng hoặc dưới hình thức mai táng khác, thì xác của cá nhân được xác định là thi thể của cá nhân đó. Tiêu chí này, cũng đồng thời là cơ sở để xác định trong trường hợp xác của cá nhân đã được khâm niệm, nhưng chưa được mai táng, chưa được hóa thân dưới bất kì hình thức nào, thì vẫn là thi thể. Hành vi xâm phạm thi thể được xác định:

2. Thi thể của cá nhân trước hết được hiểu là thực thể tự nhiên.

Về mặt sinh học, thì thực thể đó dẫ chấm dứt sự trao đổi chất. Toàn thể các yếu tố tự nhiên cấu thành thực thể đó đã không còn khả năng trao đổi chất xét về mặt sinh học dưới bất kì hình thức nào. Nhưng theo quy định của pháp luật, thi thể của cá nhân bất khả xâm phạm. Theo phong tục tập quán, theo tôn giáo, theo quan niệm xã hội thì thi thể của cá nhân là thực thể thiêng liêng, không thể xâm phạm. Mọi hành vi xâm phạm đến thi thể của cá nhân là xâm phạm đến điều thiêng liêng và bị ngăn chặn, bị lên án và trong nhiều trường hợp còn là mầm mống của sự hận thù giữa người này với người khác, giữa dòng tộc này với dòng tộc khác trong một xã hội nhất định. Theo phong tục của một số dân tộc, thi thể của cá nhân tuy đã được mai táng, chôn cất… nhưng những người thân thích vẫn chia phần tài sản cho người chết, và vẫn coi họ thành viên trong gia đình. Một số dân tộc coi trọng phần hồn của người chết, nhưng phần xác là thi thể của cá nhân cũng được coi là thực thể thiêng liêng không thể xâm phạm. Thi thể của cá nhân được tôn trọng, giữ gìn và theo phong tục, tập quán của một số dân tộc, thi thể của cá nhân còn được bảo vệ, giữ gìn theo những nghi thức nhất định.

3. Xác định hành vi xâm phạm thi thể và các yếu tố loại trừ hành vi xâm phạm thi thể.

Khi xác định bồi thường thiệt hại phải dựa trên những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm do hành vi xâm phạm thi thể.

Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân do lỗi cố ý hoặc vô ý mà xâm phạm đến thi thể của người khác. Hành vi xâm phạm thi thể được xác định theo mục đích thực hiện hoặc hậu quả do hành vi xâm phạm thi thể gây ra. Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân hoặc nhiều cá nhân do cố ý xâm phạm đến tính toàn vẹn của cơ thể, đã dẫn đến hậu quả thi thể của cá nhân bị biến dạng, thiếu hụt các bộ phận tự nhiên vốn có của con người.

a. Hành vi xâm phạm thi thể do lỗi cố ý hoặc vô ý.

Người có hành vi xâm phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc này được xác định theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người có hành vi gây thiệt hại cho dù có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý đều phải bồi thường thiệ hại.

b. Hành vi xâm phạm thi thể trái với ý chí của người có thi thể khi còn sống.

Khi còn sống, người có thi thể đã thể hiện ý chí định đoạt việc hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học thì sau khi người đó chết, cá nhân, cơ quan được chỉ định nhận xác hoặc lấy bộ phận cơ thể của người đó với mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học được phép thực hiện theo ý chí của người có thi thể. Ngược lại, khi còn sống cá nhân không thể hiện ý chí bằng văn bản hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học thì không ai có quyền lấy bộ phận cơ thể hoặc xác của người đó sau khi chết. Hành vi lấy bộ phận cơ thể hoặc xác của cá nhân trái với ý chí của cá nhân khi còn sống là hành vi trái pháp luật. Lỗi của người lấy xác hoặc bộ phận cơ thể của một người chết được xác định là lỗi cố ý. Trong trường hợp cá nhân xâm phạm đến thi thể của người khác có thể do lỗi vô ý. Lỗi vô ý xâm phạm đến thi thể của cá nhân có thể có trong trường hợp một cơ sở chữa bệnh đã xác định sai thời điểm cá nhân chết, nhưng thực chất cá nhân đó đã chết, cho nên vẫn tiến hành phẫu thuật với mục đích điều trị cho người đó. Đây cũng là hành vi xâm phạm đến thi thể của cá nhân. Tuy nhiên, sự kiện này ít được phát hiện do chính mục đích điều trị bệnh chi phối, mà mọi người không quan tâm đến, đã bỏ sót trường hợp rất đặc biệt này. Nhưng xét về mặt pháp lí, cơ sở chữa bệnh đó đã vô ý xâm phạm đến thi thể của cá nhân.

c. Hành vi xâm phạm thi thể còn được xác định trong trường hợp do ý chí của những người thân thích của người có thi thể.

Trên thực tế, có thể có trường hợp những người thân thích của người có thi thể như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, các con của người chết đã hiến thi thể của người chết cho cá nhân, cơ sở y tế nhằm mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học trái với ý chí của người có thi thể khi còn sống. Hành vi của những người thân thích trong trường hợp này cũng là hành vi trái pháp luật và là hành vi cố ý. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng, những người thân thích của người chết có thể định đoạt thi thể của người đó cho bất kì ai hoặc để chữa bệnh hoặc vì mục đích khoa học, và sự định đoạt đó có thể trái với ý chí của người có thi thể đó. Xét về mặt thực tiễn, quan điểm trên có thể được chấp nhận, nhưng về mặt pháp luật thì quan điểm trên không thể được chấp nhận vì theo nguyên tắc không ai có quyền định đoạt thi thể của người khác nếu pháp luật không có quy định hoặc người có thi thể đó không định đoạt khi còn sống. Về vấn đề này, khi BLDS được sửa đổi bổ sung cần phải có những quy định cho phù hợp với thực tế đời sống. Hiện tại, theo nguyên tắc của pháp luật hiện hành, bất kì hành vi nào xâm phạm đến thi thể của cá nhân ngoài ý chí của cá nhân đó khi còn sống thì cho dù hành vi đó là do cố ý hay vô ý cũng đều là hành vi trái pháp luật. Nguyên tắc này cần được tuân thủ triệt để, nhằm ngăn chặn các hành vi vô đạo đức có thể có trong xã hội: các con ngại mai táng bố mẹ khi qua đời, do mất đoàn kết với nhau, do bạc đãi bố mẹ khi còn sống, do điều kiện kinh tế… Không thể chấp nhận hành vi xâm phạm đến thi thể của cá nhân trái với ý chí của cá nhân có thi thể khi còn sống, đồng thời cũng không thể bảo vệ hành vi của những người thân thích của cá nhân sau khi chết, định đoạt thi thể của người thân thích do không mai táng, hóa thân hoặc dưới các hình thức khác theo phong tục, tập quán.

d. Các yếu tố loại trừ.

Thi thể của cá nhân có thể bị tác động dưới các biện pháp sinh học hoặc cơ học và hậu quả của sự tác động đó đã làm thay đổi, biến dạng thi thể cả nội tạng và hình thức xác cá nhân do giải phẫu, bị lấy đi bộ phận cơ thể để nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm, phát hiện nguyên nhân gây bệnh… theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi bộ phận của thi thể bị lấy, thi thể bị biến dạng do giải phẫu phục vụ những công việc nói trên thì cá nhân, cơ quan tiến hành các công việc theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không bị xem hành vi trái pháp luật, xâm phạm thi thể. Các chủ thể thực hiện các hành vi đó không phải chịu trách nhiệm dân sự.

4. Những hành vi xúc phạm quyền nhân thân của người chết và hành vi xâm phạm thi thể.

Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi của cá nhân đã xâm phạm đến thi thể về mặt cơ học, làm biến dạng hình thức của thi thể hay lấy đi các bộ phận của thi thể, trái với ý chí của người có thi thể khi còn sống hoặc không dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi xâm phạm thi thể. Tuy nhiên, trên thực tế, người có hành vi xúc phạm người chết, có được xác định là hành vi xâm phạm thi thể không? Xét về bản chất, hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của cá nhân người có thi thể không phải là hành vi xâm phạm thi thể. Vì xâm phạm thi thể được hiểu là hành vi xâm phạm đến thi thể một cách trực tiếp bằng biện pháp cơ học hoặc sinh học. Còn hành vi đưa tin thất thiệt nhằm mục đích xúc phạm đến các quyền nhân thân của người có thi thể khi còn sống không thuộc hành vi xâm phạm thi thể. Giữa hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người có thi thể và thiệt hại về thi thể không có mối quan hệ nhân quả, không dẫn đến sự biến dạng về mặt cơ học và sinh học của thi thể.

5. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm thi thể và hậu quả xảy ra.

Hành vi xâm phạm thi thể dẫn đến hậu quả là thay đổi về mặt cơ học của thi thể: thi thể bị biến dạng về hình thức hay bị lấy đi các bộ phận có thể trái với ý chí của người có thi thể khi còn sống hoặc không dựa trên một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành vi xâm phạm thi thể là hành vi trái pháp luật, những hành vi xâm phạm thi thể có thể là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp, người có hành vi đó phải bồi thường thiệt hại. Hậu quả thiệt hại của thi thể bị xâm phạm không phải là thiệt hại về tài sản. Vì thi thể của con người không phải là tài sản. Những chi phí phổ biến liên quan đến liên quan đến thi thể bị xâm phạm có thể xác định được: chi phí tìm kiếm thi thể bị cất giấu, chi phí thu hồi bộ phận cơ thể bị lấy trộm, chi phí cho việc tìm lại những bộ phận cơ thể bị lấy cắp, chi phí khôi phục tính nguyên trạng của thi thể…

6. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể và người được bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

+ Người phải bồi thường: Người có hành vi trái pháp luật xâm phạm thi thể phải bồi thường khoản chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người gây thiệt hại do xâm phạm thi thể có lỗi cố ý, do vậy không được giảm mức bồi thường. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể theo trách nhiệm liên đới, trong trường hợp nhiều người cùng gây ra, theo quy định tại Điều 616 BLDS.

+ Người được bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần: Theo quy định tại khoản 3 Điều 628 BLDS, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết được hưởng khoản tiền theo mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu. Theo quy định này, thì khoản tiền bù đắp về tinh thần mà những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất được hưởng không nên hiểu đó là di sản thừa kế, vì di sản thừa kế phải do người chết để lại hoặc là khoản tiền bảo hiểm tính mạng, sức khỏe của người đó. Khoản tiền này chỉ những người thừa kế tại hàng thứ nhất được hưởng, nếu không có những người thừa kế tại hàng này, thì người xâm phạm thi thể không phải bồi thường. Số tiền này không thể chuyển cho người thừa kế tại hàng sau, theo nguyên tắc hưởng di sản thừa kế chia theo pháp luật. Sự khác biệt về việc hưởng khoản tiền này, đã là căn cứ xác định khoản tiền này không phải là di sản thừa kế, và không thể hiểu là di sản thừa kế.

III. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM MỒ MẢ.

1. cơ sở pháp lý.

BLDS 2005, Điều 629. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Mồ mả là nơi được dùng để chôn thi thể hoặc hài cốt hoặc tro hài cốt của cá nhân. Bảo vệ mồ mả của người chết cho dù ở bất kì xã hội cũng đều được quan tâm, chú ý theo tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục. Pháp luật của Nhà nước ta luôn so những quy định bảo vệ mồ mả của cá nhân, có những quy định ngăn chặn, trừng trị người xâm phạm mồ mả của người khác. BLHS của nhà nước ta cũng có quy định những biện pháp trừng trị người xâm phạm mồ mả của người khác.

Lần đầu tiên ở nước ta, BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả tại Điều 629. Quy định trên thật sự phù hợp với đời sống thực tế. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường được khuyến khích bảo hộ ở nước ta, kinh tế đất nước ngày một phát triển, việc mở rộng những khu công nghiệp mới, khu nhà chung cư, khu đô thị, hệ thống cầu cống, đường sá… cùng với việc giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ những điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và giải phóng mặt bằng đã vô tình hay hữu ý xâm phạm đến mồ mả của người khác trên phạm vi diện tích đất được cấp quyền sử dụng. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, là trách nhiệm pháp lý đặc biệt vì hành vi xâm phạm mồ mả, đồng thời xâm phạm về nhân thân và xâm phạm về tài sản.

* Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hạn do mồ mả bị xâm phạm được xác định dựa trên những yếu tố sau đây:

Thứ nhất, mồ mả là nơi mai táng thi thể hoặc hài cốt của cá nhân, theo đó mồ mả là quyền nhân thân gắn liền và vĩnh viễn với người chết, không thể chuyển dịch và không thể thay đổi cho người khác. Mồ mả cũng là quyền nhân thân của những người thân thích, người trong dòng tộc của người có mồ mả đó. Tính chất hai mặt của quyền nhân thân liên quan đến mồ mả, cũng là đặc điểm khác biệt so với các quyền nhân thân khác của cá nhân khi còn sống.

Thứ hai, hành vi xâm phạm mồ mả luôn luôn là hành vi trái pháp luật.

Thứ ba, người được bồi thường thiệt hại là những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó.

Thứ tư, thi thể hay hài cốt của cá nhân không phải là tài sản, do vậy hành vi xâm phạm thi thể hay hài cốt của cá nhân không phải là hành vi xâm phạm tài sản, mà là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân gắn với thi thể, mồm mả của cá nhân.

Thứ năm, bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thực chất là bồi thường những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

* Căn cứ vào những đặc điểm trên thì trách nhiệm của người xâm phạm mồ mả là trách nhiệm dân sự và phải thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Điều kiện thứ nhất: Hành vi xâm phạm mồ mả luôn luôn được xác định là hành vi trái pháp luật (pháp luật bảo vệ mồ mả của cá nhân).

+ Điều kiện thứ hai: Người xâm phạm mồ mả dù có lỗi cố ý hoặc vô ý đều phải chịu trách nhiệm dân sự (xét về hậu quả của hành vi xâm phạm mồ mả).

+ Điều kiện thứ ba: Hành vi xâm phạm mồ mả có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại về tài sản của những người thân thích của cá nhân có mồ mả, đồng thời cũng là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân gắn liền với cá nhân có mồ mả.

2. Người xâm phạm mồ mả chịu trách nhiệm về tài sản.

Thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra là phần thiệt hại về tài sản liên quan đến những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Tính hợp lí khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả của một người bị xâm phạm được xác định trên cơ sở nhưng thiệt hại thực tế. Những thiệt hại về tài sản khi mồ mả bị xâm phạm là những chi phí mua vật liệu xây dựng và những chi phí hợp lí khác cho việc xây dựng mồ mả… Bồi thường thiệt hại về mồ mả do phần tài sản (vật chất) bị xâm phạm cũng theo nguyên tắc, gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường thiệt hại bấy nhiêu (bồi thường toàn bô thiệt hại). Như vậy, bồi thường thiệt hại về mồ mả cũng tuân theo nguyên tắc chung bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do hành vi xâm phạm mồ mả mà gây thiệt hại về tài sản. Những chi phí khác liên quan đến điều điều cấm của pháp luật như: gọi hồn, liên hoan nhân dịp khánh thành ngôi mộ… thì người xâm phạm mồ mả không phải bồi thường.

Một vấn đề thực tế cần phải được giải quyết trong trường hợp có hành vi xâm lấn mồ mả: hành vi xâm lấn mồ mả của người khác nhưng không gây thiệt hại về vật chất, người có hành vi xâm lấn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không? Hiện nay pháp luật dân sự và pháp luật đất đai không điều chỉnh diện tích dành riêng cho một ngôi mộ chôn cất, mai táng người chết là bao nhiêu mét vuông.

3. Người xâm phạm mồ mả không những xâm phạm đến quyền nhân thân bất khả chuyển dịch của cá nhân có mồ mả, mà còn xâm phạm đến tinh thần người thân thích của cá nhân có mồ mả.

Thi thể hay hài cốt của người chết không phải là tài sản, do vậy người xâm phạm mồ mả của người khác thì ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là những khoản chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại thực tế đã xảy ra theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại, người xâm phạm mồ mả còn phải bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Vì hành vi xâm phạm mồ mả không những đã gây thiệt hại về phần tài sản, mà hành vi đó còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó. Đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần đối với những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.

a. Quyền nhân thân của người có mồ mả.

Quyền nhân thân gắn với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó chết. Nhưng quyền nhân thân gắn liền với mồ mả của cá nhân được pháp luật bảo đảm sự toàn vẹn và cấm mọi hành vi xâm phạm đến mồ mả của cá nhân.

b. Danh dự của những người thân thích.

Danh dự của những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm được xác định theo quy định của pháp luật dân sự là sự tổn thất về mặt tinh thần. Về người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được coi tương tự như trong trường hợp thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 611 BLDS không? Vấn đề đặt ra ở đây là, những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm có được hưởng khoản tiền bồi thường thiệt hại để bù đắp tổn thất về tinh thần do mồ mả của cá nhân là những người thân thích của họ bị xâm phạm không? Trường hợp không thỏa thuận được thì cũng áp dụng mức bồi thường tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 61 BLDS. Mồ mả của cá nhân bị xâm phạm đã khiến cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả thật đau lòng, tổn thất về tinh thần không phải là nhỏ. Trong đời sống xã hội vẫn còn tồn tại quan niệm truyền thống: “ Sống vì mồ, vì mả không ai soogns vì cả bát cơm”, do vậy mồ mả của cá nhân luôn luôn được những người thân thích đặc biệt lưu tâm bảo quản và giữ gìn. Thành ngữ trên đã phần nào phản ánh tương đối chính xác và nhạy bén quan niệm chung của những người còn sống có bổn phận với người đã chết trong việc lưu giữ và chăm nom mồ mả của những người thân thích như gìn giữ điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống, và cũng là quan niệm đạo đức trong nhân dân. Vì vậy, việc áp dụng khoản 2 Điều 611 BLDS để giải quyết tranh chấp do có hành vi xâm phạm mồ mả là cần thiết và không trái với quy định chung của pháp luật dân sự về bồi thường về tổn thất về tinh thần cho người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.

c. Trách nhiệm của người do bị nhầm lẫn mà xâm phạm mồ mả của cá nhân.

Trên thực tế, hành vi nhầm lẫn có thể xảy ra trong trường hợp người ta khai quật nhầm mồ mả của cá nhân do thiếu cẩn trọng hoặc xác định sai vị trí mồ mả. Hành vi đào nhầm mồ mả của cá nhân có phải là hành vi xâm phạm không? Nếu xét theo hành vi lỗi, hành vi đào nhầm mồ mả là hành vi vô ý mà gây thiệt hại đến mồ mả của người khác. Nếu xét theo hậu quả của hành vi đào nhầm mồ mả của cá nhân, thì hành vi đào nhầm cũng là hành vi xâm phạm mồ mả. Những thiệt hại về mồ mả cho dù xuất phát từ hành vi cố ý hay vô ý, thì cũng đều gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản hoặc nhân thân hoặc tổn thất về tinh thần của những người thân thích của cá nhân có mồ mả đó. Từ những nhận định trên, người xâm phạm mồ mả luôn phải chịu trách nhiệm dân sự trước những người thân thích của cá nhân co mồ mả bị xâm phạm. Trách nhiệm dân sự không thay đổi trong mọi trường hợp khi có hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân. Người gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại vật chất và tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.

Xác định trách nhiệm dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác, là thật sự cần thiết. Chỉ khi nào xác định rõ hành vi xâm phạm mồ mả và hậu quả của hành vi đó, tòa án nhân dân mới có cơ sở pháp lý để xác định người phải bồi thường người được bồi thường và mức độ bồi thường do có hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân. Việc giải quyết triệt để những tranh chấp do có hành vi xâm phạm mồ mả của cá nhân, không những bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của những người liên quan, mà còn ngăn chặn kịp thời những hành vi cố ý xâm phạm đến mồ mả của cá nhân, để bảo đảm cho những quy định của pháp luật về đối tượng đặc biệt này được thực hiện có hiệu quả cao trong đời sống xã hội hiện đại.

C. KẾT BÀI: Những vấn đề được nêu ở trên đang là những bức xúc của người dân được dư luận hết sức quan tâm. Cho dù ai đó có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả của người chết là do lỗi cố ý hay vô ý đều khiến cho dư luận xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương và các miền quê. Nhưng hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả đó có bị pháp luật xử lý hay không hoặc xử lý thì phải xử lý ra sao, trách nhiệm bồi thường như thế nào?

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1. Giáo trình luật dân sự 2, Trường Đại Học Luật Hà Nội năm 2006, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân.
2. BLDS năm 2005, NXB Thống Kê.
3. Nghị quyết 03/2006.
4. thongtinphapluatdansu.wordpress.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Huệ Trần - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment