15/06/2014
Tình huống bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra - Bài tập cá nhân Luật Dân sự 2
Xét về lịch sử hình thành, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định có lịch sử sớm nhất của pháp luật dân sự. Mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào quan niệm, truyền thống lập pháp, phong tục tập quán… mà đưa ra các quy định khác nhau về bồi thường thiệt hại. Trong phạm vi bài tập cá nhân tuần 2, em xin trình bày bài làm với đề bài: “Xây dựng một tình huống bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai? Giải thích tại sao” Dưới đây là toàn bộ bài làm của em

1. Xây dựng tình huống

Trường THCS X  đang trong thời gian thi công, xây dựng thêm một khu nhà mới. Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ học sinh của trường, trường đề ra nội quy yêu cầu tất cả học sinh không được lại gần khu vực đang thi công phía sau trường. Học sinh nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của nhà trường. Tuy nhiên, chiều ngày 22/3/2010, sau khi tan học, sẵn tính tò mò , 2 em Long và Việt Anh, học sinh lớp 7A (12 tuổi) rủ nhau ở lại, trốn ra công trường phía sau trường nghịch ngợm. Sẵn có bãi đá, Long và Việt Anh dùng đá chơi ném nhau sau đó thách nhau xem ai ném trúng quả xoài trên cây xoài gần đó. Không may viên đá bay lạc, trúng vào đầu cụ Nguyễn Thị Dung đang đi bộ ở khu dân cư ngay sát trường học làm cụ Dung bị choáng và ngã xuống đường. Kết quả  tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cụ Dung bị thương ở đầu, phải khâu mất 7 mũi. Tiền viện phí, chụp X-quang, thuốc men lên đến 3 triệu đồng. 


Gia đình cụ Dung yêu cầu gia đình 2 em Long, Việt Anh phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cụ Dung. Gia đình 2 em Long, Việt Anh lại cho rằng, sự việc xảy ra trong phạm vi trường THCS X, em Long, Việt Anh lại chịu sự quản lý của nhà trường nên 2 gia đình yêu cầu trường THCS X đứng ra bồi thường thiệt hại cho cụ Dung


Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai? Giải thích tại sao.

2. Giải quyết tình huống

a. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Hành vi của Long và Việt Anh cùng gây thiệt hại cho cụ Dung, vì vậy theo Điều 616 BLDS 2005, Long và Việt Anh phải liên đới bồi thường

Theo Điều 621 BLDS 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác quản lý, người dưới mười lăm tuổi trong trường hợp học tại trường mà gây thiệt hại thì nhà trường phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên cũng tại khoản 3 Điều này, luật quy định thêm: “…nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.”

Trong trường hợp trên có thể thấy, Long và Việt Anh gây thiệt hại ngoài thời gian quản lý của nhà trường (sau giờ tan học). Đồng thời, nhà trường đã có những biện pháp nhằm nghiêm cấm học sinh chơi đùa, đến gần khu công trường đang xây dựng nhưng 2 em Long và Việt Anh đã vi phạm nội quy nhà trường, không chấp hành quy định chung. Như vậy, trường THCS X không có lỗi trong việc quản lý học sinh. Vì lý do này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thuộc về trường THCS X.

Khoản 2 Điều 606 quy định về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau: “Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại;…”  Theo tình huống trên, tính đến thời điểm gây thiệt hại, 2 em Long và Việt Anh (12 tuổi) là trẻ chưa thành niên, gây thiệt hại về sức khỏe cho cụ Nguyễn Thị Dung. Theo quy định của pháp luật, cha, mẹ của 2 em Long và Việt Anh sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. 

b. Xác định mức độ bồi thường thiệt hại

Việc xác định mức độ thiệt hại là một vấn đề phức tạp. Theo tinh thần của Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP ngày 08/07/2006 hướng đẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Khoản 1 Điều 609 BLDS quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

“a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại…

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó…”

Trong tình huống này, chúng ta sẽ xác định mức nồi thường theo tinh thần của Nghị quyết 03 và Điều 609 BLDS 2005. Theo đó, cụ Dung sẽ được bồi thường các khoản sau:

+ Các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút bao gồm: tiền thuê phương tiện đến bệnh viện, tiền thuốc, viện phí, chi phí chiếu chụp X quang, tiền bồi dưỡng, cụ thể là ba triệu đồng.

+ Vì cụ Dung đã già, hết tuổi lao động nên không phải bồi thường thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút cho cụ.

+ Việc gây thiệt hại ít nhiều có ảnh hưởng đến việc giao tiếp, sinh hoạt của cụ Dung, dẫn đến ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm. Vì vậy, cụ Dung có thể được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Qua tình huống trên ta có thể thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trong của bộ luật Dân sự. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai và mức độ bồi thường thiệt hại luôn đòi hỏi phải chính xác và công bằng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại Học Luật Hà Nội, TS.Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 2, NXB CAND, Hà Nội 2009
3. Tưởng Duy Lượng, Pháp luật Dân sự và thực tiễn xét xử, NXB CTQG, Hà Nội 2009
4. Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005
5. Nghị quyết HĐTP TAND tối cao số 03/2006/NQ – HĐTP ngày 08/07/2006 – Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
6. Các website:
o http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com
o http://sinhvienluat.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment