Bài tập học kỳ Luật Sở hữu trí tuệ có đáp án.
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt nam đã tạo lập được một nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Trong đó có văn học, nghệ thuật dân gian. Vì thế, để bảo tồn và phát huy nền văn hóa này, em xin lựa chọn đề tài: “: Phân tích những hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt nam hiện hành về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.”
NỘI DUNG
I.Khái quát chung pháp luật Việt nam về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
1. Khái niệm “Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian”.
Khái niệm tác văn học nghệ thuật dân gian đã được pháp luật quy định tại khoản 1 điều 23 Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm:
i. Truyện, thơ, câu đố;
ii. Điệu hát, làn điệu âm nhạc;
iii. Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi;
iv. Sản phẩm nghệ thuật đồ hoạ, hội hoạ, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.”
Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian do cộng đồng sáng tạo, cho nên thời gian ra đời và tồn tại của nó thường không xác định và thường vận động theo sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đời sống dân cư. Nhiều tác phẩm văn học được lưu truyền bằng trí nhớ của con người, Vì thế nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thường có “dị bản” khác nhau do được lưu truyền trong cộng đồng như các tác phẩm truyện, bài hát, thơ….Tuy nhiên, hiện nay nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian vẫn còn bị thất truyền, một số tác phẩm nổi tiếng trong phạm vi quốc gia và được nhiều người biết đến, nhưng vấn đề sử dụng có hiệu quả và khai thác giá trị của nó để bảo tồn cho mai sau còn chưa được quan tâm đúng mức.
2. Quy định của pháp luật Việt nam về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
2.1. Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Thứ nhất, sản phẩm sáng tạo phải được thể hiện dưới dạng văn học, nghệ thuật. Tại khoản a Điều 20 Nghị định số 85/2011/NĐ-CP, nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số đều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan đã quy định các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được bảo hộ bao gồm: “Tác phẩm văn học, nghệ thuât dân gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật ngôn từ như truyện tiếu lâm, ngụ ngôn, sử thi, thần thoại, truyền thuyết, giai thoại, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố và các hình thức thể hiện tương tự khác; 2. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như tuồng, chèo, cải lương, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian và các hình thức thể hiện tương tự khác;3. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 của luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật tạo hình như đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ; hình mẫu kiến trúc và các hình thức thể hiện tương tự khác.”
Thứ hai, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được bảo hộ mang tính sáng tạo tập thể, không bao gồm sáng tạo của một cá nhân. Khác với các tác phẩm thông thường là được tạo ra do một cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó thì tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được sáng tạo trên nền tảng tập thể. Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân trên nền tảng tập thể nhưng không phải tất cả nhân dân đều là tác giả của văn học dân gian.
Thứ ba, không phải tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nào cũng bắt buộc phải thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định (không bắt buộc phải định hình). Đối với các đối tượng như truyện, thơ, câu đố thì không bắt buộc phải thể hiện dưới bất kỳ phương thức vật chất nào. Nhưng một số đối tượng khác như bức vẽ, tượng, trang phục, nhạc cụ lại cần phải thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.
2.2. Nội dung bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
a. Quyền nhân thân của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Được quy định tại Khoản 2 điều 23 luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Quyền này thể hiện vai trò của chủ sở hữu của chính cộng đồng đã sáng tạo ra tác phẩm. Họ phải có quyền xác nhận là nguồn gốc của tác phẩm mỗi khi tác phẩm được sử dụng hoặc dẫn chiếu. Bên cạnh đó, một quyền nhân thân nữa của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian cũng cần được bảo hộ là quyền tương tự như quyền: “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và sự uy tín của quốc gia” được quy định cho quyền tác giả thông thường.
b. Quyền tài sản của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Luật sở hữu trí tuệ Việt nam chỉ bảo hộ quyền nhân thân chứ không bảo hộ quyền tài sản đối vói tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Quyền tài sản được hiểu là các quyền độc quyền cho chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao.
II. Một số hạn chế trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đang là vấn đề gây tranh cãi không chỉ ở Việt nam mà còn trong phạm vi thế giới. Do đặc điểm của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian nên không thể áp dụng tương tự các quy định như các đối tượng bảo hộ quyền tác giả khác. Hiện nay, chưa có một định nghĩa pháp l ý thống nhất nào về tác phẩm văn học dân gian. Việc nhà nước có biên pháp bảo hộ, duy trì và giữ gìn các giá trị nhân văn thể hiện trong các tác phẩm này là cần thiết, là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ và giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên không thể bảo hộ theo quy định chung về quyền tác giả vì chings là di sản văn hóa của cộng đồng và tác giả của nó là nhân dân. Nó là kết quả lao động trí tuệ sáng tạo của nhiều thế hệ nhân dân và thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc. Vì vậy, cần phải có các quy định riêng, đầy đủ, rõ ràng phù hợp với loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian như sau:
1.Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Xác định chủ sở hữu tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian là cộng đồng đã sáng tạo ra tác phẩm và toàn thế cộng đồng chung và Nhà nước thông qua một cơ quan được trao quyền sẽ là chủ thể đại diện cho toàn thể công chúng thực thi quyền tác giả đối với các tác phẩm, Theo kinh nghiệm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì Hội công nhận những thực thể và cá thể có thể tham gia vào sở hữu văn học nghệ thuật dân gian như sau:
+ Cộng đồng công xã: Trong khuôn viên sáng tạo, tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận văn học nghệ thuật dân gian cổ truyền là các cộng đồng xã được gọi là làng, buôn, phum, sóc…(gọi chung là làng). Trường hợp làng có cùng một loại hình văn học nghệ thuật dân gian thì công nhận vốn văn học nghệ thuật dân gian của từng làng.
+ Nghệ nhân dân gian: Những người được cộng đồng công nhận là người hàng đầu trong việc nắm giữ và thực hành, truyền dạy vốn văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng.
+ Người thực hành: Là những người trình diễn, biến những giá trị văn học nghệ thuật dân gian vốn chỉ được lưu giữ trong trí nhớ được vật chất hóa, thực hiện hóa.
2. Phạm vi bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.
Phạm vi này cần được xem xét toàn diện hơn. Xác lập các quyền nhân thân và quyền tài sản cho việc bảo hộ quyền tác giả phù hợp với mục đích bảo hộ và đặc điểm của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian:
- Quy định quyền tương tự như quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm để ngăn cản các hành vi sửa chữa, căt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào đi ngược lại giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian mà tác phẩm chứa đựng.
- Xác định bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian không phải là độc quyền sử dụng và cho phép sử dụng tác phẩm mà mọi người dân đều được tiếp cận một cách dễ dàng để duy trì, nâng cao giá trị văn hóa của cả cộng động thông qua việc sử dụng tác phẩm.Tuy nhiên, khi muốn sử dụng cá tác phẩm phải nộp một khoản phí nhất định được dùng để bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Mức phí này không phải là sự thỏa thuận giữa đại diện chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng mà di nhà nước quy định phù hợp với điều kiện Việt nam.
3. Mục đích bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Mục đích của việc bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm văn học nghệ thuật thông thường, ngoài việc công nhận về nguồn gốc sáng tạo ra tác phẩm còn là sự bù đắp xứng đáng cho tác giả và người sở hữu quyền tác giả vì những công sức sáng tạo họ đã bỏ ra.
Tác giả của các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là những cộng đồng dân cư theo sắc tộc hay địa lí, Đó không phải là cá nhân hay tổ chức nào cụ thể. Vì thế sẽ không phù hợp nếu như xác định cần phải bù đắp về vật chất công sức sáng tạo cho tác giả như đối với một tác phẩm thông thường. theo khoản 2 điều 20 nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiêt: “Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian” điều này chưa xác định rõ rang mục đích của bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là gi? Mục đích cao nhất của việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đó phải là làm sao bảo tồn và phát huy tối đa những giá trị truyền thống trong các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Mục này đã làm cho việc cấp phép sử dụng theo cách bảo hộ quyền tác giả thông thường, trở thành không cần thiết khi một người dân Việt Nam nào đó muốn tiếp cận và sử dụng một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Tuy vậy những hành vi sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đi ngược lại giá trị văn học, dân gian cần phải bị cấm. Đồng thời việc không cần phải cấp phép không loại trừ khả năng người sử dụng phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính nhất định.
4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian
Pháp luật về sở hữu quyền tác giả không có quy định về thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian và xác định tác giả của tác phẩm này cũng rất khó khăn bởi tính chất cộng đồng của nó. Hơn nữa, nếu bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian như một tác phẩm khuyết danh thì nó chỉ được bảo hộ trong vòng 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố, điều này không phù hợp với đặc điểm của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, luôn được làm mới, bổ sung và phát triển qua từng thời kì.vì vậy cần xác định thời hạn bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là vô thời hạn.
5. Bảo vệ quyền tác giả với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Luật sở hữu trí tuệ chưa quy định cụ thể về các hình thức để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian khi có hành vi vi phạm. Đối với loại hình VHNTDG đặc biệt nên cần phải có cơ chế bảo hộ đặc biệt riêng không giống như loại hình cụ thể khác. Vậy nên cần phải đăt ra những quy tắc chung, đảm bảo được tính nguyên gốc, toàn vẹn, vừa phát huy được sự tự do sáng tạo phát triển trong cộng đồng. Theo WIPO có 2 loại hành vi chủ yếu mà các hình thức thể hiện dân gian cần được bao hộ chống lại chúng: khai thác bất hợp pháp và các hành vi gây tốn hại khác.
Khai thác bất hợp pháp: là bất kỳ việc sử dụng nào được thực hiện nhằm mục đích thu lợi, ngoài phạm vi truyền thống hay tập quán và không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền hoặc cộng đồng liên quan tới nó. Nghĩa là, việc sử dụng - kể cả nhằm mục đích thu lợi - trong phạm vi truyền thống hoặc tập quán thì cũng không phải là đối tượng được phép.
Các hành vi gây tổn hại khác, có hại cho các lợi ích liên quan tới việc sử dụng các hình thức thể hiện dân gian, và tùy theo mức độ lỗi và hậu quả thiệt hại mà bị chế tài hành chính hay hình sự.
Tuy nhiên cũng cần xác định thế nào là hành vi hợp pháp. Sử dụng được phép: Quy định này cho phép bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng được tự do nhân bản hoặc trình diễn các hình thức thể hiện dân gian của cộng đồng mình trong phạm vi truyền thống và tập quán của họ, bất kể họ làm việc đó nhằm hoặc không nhằm mục đích thu lợi. Ngoài ra, cần phải loại trừ các trường hợp ngọai lệ đặc biệt mà không cần xin phép, kể cả khi việc khai thác hình thức thể hiện dân gian được thực hiện để lấy tiền và ngoài phạm vi truyền thống hay tập quán
Như một nguyên tắc, Việc không tuân thủ yêu cầu chỉ dẫn về nguồn sẽ bị xử phạt. Việc sử dụng không xin phép đối với các hình thức thể hiện dân gian khi việc xin phép là bắt buộc cũng cấu thành hành vi xâm phạm. Việc sử dụng nhằm mục đích công "làm méo mó" hình thức thể hiện dân gian, với bất kỳ cách thức trực tiếp hay gián tiếp nào gây tổn hại tới các lợi ích văn hoá của "cộng đồng liên quan", đều là hành vi xâm phạm…vì vậy cần có một cơ quan nhà nước đứng ra bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Sau đây là một số ý kiến về việc cấp phép sử dụng và cơ chế giám sát:
Một vấn đề được đặt ra là ai có thẩm quyền cấp? Theo quy định của WIPO thì đưa ra hai chủ thể đó là "cơ quan có thẩm quyền" và "cộng đồng có liên quan".. Cộng đồng cấp phép cho người sử dụng theo cách tương tự như các tác giả cấp phép. Ở các nước khác, nơi di sản VHNTDG của cộng đồng về cơ bản được xem như một phần của di sản văn hóa dân tộc, hoặc nơi mà các cộng đồng liên quan không thể tự quản lý một cách có hiệu quả việc sử dụng các hình thức thể hiện dân gian của mình, thì "các cơ quan có thẩm quyền" có thể được chỉ định để tiến hành cấp phép dưới hình thức các quyết định theo luật công. Ở Việt Nam di sản VHNTDG được xem là nột tài sản quốc gia, là một phần của di sản văn hóa dân tộc được thể hiện rất phong phú và đa dạng trải rộng trên khắp 54 dân tộc thế nhưng gần như chưa có cơ quan nào đươc thành lập để thực hiện việc này.
Vì vậy cần phải có một cơ quan nhà nước đủ lớn, đủ mạnh đủ khả năng đứng ra tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về vấn đề này. Cơ quan này phải có sự phối hợp chặt chẽ với "cộng đồng có liên quan" được tổ chức thành hệ thống từ Trumg Ương đến cơ sở (có thể tương ứng với đơn vị hành chính từ cấp bộ đến thôn bản) chịu trách nhiệm hệ thống hóa di sản VHDG, rà soát, kiểm tra giám sát, cấp phép sử dụng và thu phí. Vì "một tác giả hoặc cộng đồng không thể tự mình biết được mọi chuyện đang diễn ra trên cả nước, còn nếu đem ra kiện tụng thì rất tốn kém". Cơ quan giám sát có thẩm quyền có thể là Bộ Văn hóa.
Khi không có cơ quan thẩm quyền được chỉ định và cả hai việc cấp phép và thu lệ phí đều được thực hiện bởi cộng đồng, thì đương nhiên, việc sử dụng lệ phí thu được phải được quyết định bởi cộng đồng. Nhà nước cần đảm bảo có sự chia sẻ lợi nhuận bằng cách đánh thuế hoặc đưa ra các biện pháp thích hợp khác.
KẾT LUẬN
Qua những phần tích và tìm hiểu trên, chúng ta cũng phần nào hiểu được về sự bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian ở Việt nam. Để từ đó hoàn thiện và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở nước ta.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật SHTT Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2. Lê Đình Nghị và Vũ Thị Hải Yến (chủ biên), Giáo trình luật SHTT, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009.
3. Lê Hồng Hạnh, Bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam - những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
4. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005
5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009.
6. Nghị định của Chính phủ số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011.
No comments:
Post a Comment