31/12/2014
Đánh giá qui định của pháp luật hiện hành về hình thức của hợp đồng dân sự - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 2
Hợp đồng dân sự là phương thức cơ bản để các chủ thể thực hiện việc lưu thông, trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Trong bối cảnh nền kinh tế thì trường thì nhu cầu giao lưu kinh tế ngày càng mở rộng ra ngoài phạm vi mỗi quốc gia. Vì vậy, để hợp đồng dân sự trở thành một phương thức pháp lý đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các chủ thể trong quá trình giao lưu dân sự thì  Bộ luật Dân sự 2005 của nước ta quy định ở các điều ở phần thứ 3 : Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự rất đầy đủ. Có thể thấy cơ sở đầu tiên để hình thành một hợp đồng dân sự là việc thỏa thuận bằng ý chí tự nguyện của các bên, phù hợp với quy định của nhà nước về cả hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2005 hiện nay còn một số mâu thuẫn, chưa được quy định nhất quán. Do vậy, em xin chọn đề tài “Đánh giá qui định của pháp luật hiện hành về hình thức của hợp đồng dân sự”.

NỘI DUNG

I. Những vấn đề lý luận chung về hợp đồng dân sự và hình thức của hợp đồng dân sự.

1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng dân sự.

Hợp đồng dân sự là một giao dịch dân sự mà trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận để cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ dân sự nhất định. “Hợp đồng dân sự là những thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng, cho tài sản, làm một việc hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thỏa thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng” (Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng dân sự). Nhưng trong Bộ luật Dân sự có định nghĩa ở dạng khái quát hơn: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt và nghĩa vụ dân sự” (Điều 338 BLDS). Như vậy, có thể thấy hợp đồng dân sự không chỉ là sự thỏa thuận để một bên chuyển giao tài sản, thực hiện một công việc cho bên kia mà còn có thể là sự thỏa thuận để thay đổi hay chấm dứt các nghĩa vụ đó.

Đặc điểm của hợp đồng dân sự.

+ Hợp đồng dân sự được hình thành từ hành vi có ý chí, có mục đích của con người. C.Mác đã từng nói: hàng hóa không thể tự mình tham gia vào các giao dịch để chuyển từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác mà phải nhờ đến chủ sở hữu đang chiếm hữu đem hàng hóa của mình tham gia các quan hệ giao dịch. Như vậy, các chủ thể thể hiện ý chí về việc cùng nhau thiết lập một hợp đòng nhất định nhằm thực hiện trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định.

+ Hợp đồng dân sự trước hết phải là một thỏa thuận có nghĩa là hợp đồng phải chứa đựng yếu tố tự nguyện khi giao kết nó phải có sự trùng hợp ý chí của các bên. Việc chuyển giao kết hợp hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng, tự do giao kết hợp đồng, nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Thỏa thuận cũng có nghĩa là sự nhất trí chung (không bắt buộc phải được nhất trí hoàn toàn) được thể hiện ở chỗ không có một ý kiến đối lập của bất cứ một bộ phận nào trong số các bên liên quan đối với những vấn đề quan trọng và thể hiện thông qua một quá trình mà mọi quan điểm của các bên liên quan đều phải được xem xét và dung hòa được tất cả các tranh chấp; là việc các bên (cá nhân hay tổ chức) có ý định chung tự nguyện cùng nhau thực hiện những nghĩa vụ mà họ đã cùng nhau chấp nhận vì lợi ích của các bên. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự đặc trưng của hợp đồng so với các giao dịch dân sự khác, đây cũng là yếu tố làm nên bản chất của luật dân sự so với các ngành luật khác.

+ Mục đích hướng tới của các bên khi tham gia hợp đồng là hướng tới một hậu quả pháp lý nhất định: Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự. 

2. Hình thức hợp đồng dân sự.

a. Khái niệm: 

Hình thức của hợp đồng dân sự là phương tiện để ghi nhận, lưu trữ, truyền tải nội dung của hợp đồng. Đó là phương tiện để ghi nhận lại các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận cùng nhau. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất của từng hợp đồng cũng như tùy thuộc vào độ tin tưởng lẫn nhau cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Theo đại từ điển tiếng việt do tác giải Nguyễn Như Ý làm chủ biên hình thưc được hiểu là cái bên ngoài, cái chứa đựng nội dung. Trong cuốn từ điều luật học thì hình thức hợp đồng dân sự được định nghĩa là cách thức thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên. Khái niệm hình thức hợp đồng dân sự đầy đủ như sau: “Hình thức hợp đồng dân sự là sự biểu hiện ra bên ngoài của nội dung hợp đồng, là sự công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng”.

b. Phân loại:

b.1. Căn cứ vào hình thức thể hiện nội dung của hợp đồng.

Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:

“ 1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2.Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp có quy định khác”.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“ Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”

Vì hợp đồng cũng là một loại giao dịch dân sự, nên theo các quy định nêu trên thì có thể thấy, hình thức của hợp đồng bao gồm các loại sau: bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể và bằng thông điệp dữ liệu (hợp đồng điện tử). Như vậy, so với quy định của Bộ luật Dân sự 1995, quy định về hình thức của hợp đồn trong Bộ luật Dân sự 2005 được bổ sung thêm một hình thức mới là thông điệp dữ liệu, phù hợp với tình hình phát triển chung của xã hội hiện nay.

+  Hình thức miệng

Các chủ thể thỏa thuận miệng với nhau về những nội dung cơ bản của hợp đồng. Hình thức miệng được coi là có độ xác thực thấp nhất. Khi có tranh chấp giữa các bên về một hợp đồng đã được giao kết miệng với nhau, bất cứ bên nào cũng có thể phủ nhận tất cả những cam kết trước đây của mình. Tuy nhiên, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới thì hình thức miệng vẫn được coi là hình thức hợp đồng có lịch sử lâu đời và được áp dụng phổ biến nhất trong các giao dịch dân sự. Cần chú ý: 

 Thứ nhất, hình thức miệng được áp dụng trong những trường hợp các bên tham gia giao kết hợp đồng đã có độ tin cậy lẫn nhau. Độ tin cậy giữa các chủ thể thường được xác lập thông qua các quan hệ ruột thịt, quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cùng học tập … Trong nhiều trường hợp do thiếu độ tin cậy nên các chủ thể không thể áp dụng được hình thức miệng.

 Thứ hai, hình thức miệng được áp dụng với những hợp đồng có giá trị nhỏ. 

 Thứ ba, hình thức miệng được áp dụng đối với những hợp đồng mà có thể được thực hiện và chấm dứt ngay sau khi giao kết. 

- Hình thức văn bản

Các bên chủ thể thỏa thuận với nhau những nội dung của hợp đồng và ghi những nội dung thỏa thuận vào tờ giấy rồi cùng nhau kí xác nhận vào đó. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn bằng miệng. Các trường hợp cơ bản áp dụng hình thức văn bản này là : 

+)   Đối với những hợp đồng có giá trị lớn.

+)  Đối với những hợp đồng mà việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ hợp đồng có thể diễn ra trong một thời gian dài không cùng lúc với việc giao kết (ví dụ : hợp đồng gia công xây dựng nhà…)

+)  Khi giữa các bên chưa đật được sự tin cậy nhất định.

Đối với riêng dạng hợp đồng bằng văn bản thì Điều 401 khoản 2 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”. Thông qua chỉ dẫn này ta thấy rằng hợp đồng bằng văn bản được chia tiếp ra làm hai loại là : hợp đồng bằng văn bản thông thường và hợp đồng bằng văn bản có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

- Hình thức hành vi cụ thể: chủ thể của hợp đồng giao kết với nhau bằng những cử chỉ mà không nói với nhau, không viết ra giấy. Đối với hình thức này thì chỉ cần các bên thực hiện một hoặc một vài (không bắt buộc phải tất cả) hành vi là nghĩa vụ của hợp đồng thì hợp đồng đã được coi là giao kết.

- Hình thức bằng thông điệp dữ liệu (hợp đồng điện tử): Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao kết hợp đồng dưới hình thức văn bản giấy không còn là hình thức thích hợp khi các bên có khoảng cách xa về mặt địa lý. Chủ thể ở một quốc gia này có thể ký kết hợp đồng với chủ thể của một quốc gia khác mà không phải đi đến tận nơi gặp nhau trực tiếp để thương thảo hợp đồng. Thông qua mạng Internet, các doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau, ở các quốc gia khác nhau có thể nhanh chóng tìm kiếm được bạn hàng để thiết lập mối quan hệ làm ăn, mở rộng thị trường. Với chiếc máy tính nối mạng Internet, ngồi ở nhà chúng ta có thể dạo quanh thị trường một cách thoải mái vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khi cần mua một món hàng, chúng ta chỉ cần liên lạc với cửa hàng qua hệ thống mạng, sau đó sẽ có người mang món hàng đó đến tận nơi theo yêu cầu. Sự phát triển mạnh mẽ của giao dịch điện tử kéo theo sự ra đời một hình thức hợp đồng mới: hợp đồng điện tử- hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử.

b.2. Căn cứ vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bắt đầu giao kết giữa các bên, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, kể từ thời điểm đó các bên phải chịu trách nhiệm dân sự nến không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. 

Căn cứ tại điều 404 BLDS năm 2005 thì thời điểm giao kết hợp đồng đươc xác định dựa trên sự công bố ý chí của chủ thể:

 Hình thức miệc: ngay khi các bên giao kết với nhau bằng lời nói về những nội dung của hợp đồng thì nội dung thỏa thuận sẽ có hiệu lực ngay.

 Hình thức văn bản có hiệu lực khi bên sau cùng kí vào văn bản, thể hiện nội dung của những hợp đồng có giá trị hiệu lực trong một khoảng thời gian xác định. Còn văn bản có công chứng chứng thực: theo quy định tại khoản 3 điều 4 luật Công chứng 2005: “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên kí và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. 

II. Đánh giá quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng dân sự.

 Hợp đồng là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên. Theo nguyên tắc thì các bên có quyền lựa chọn một trong những nội dung của tự do hợp đồng – tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế khi giao kết hợp đồng thì hình thức hợp đồng phần nào đó bị tác động bởi yếu tố về đặc điểm hợp đồng giao kết như thế nào ? Và quy định của pháp luật về loại hợp đồng đó ra làm sao ? chẳng hạn như nếu chúng ta ra chợ mua thức ăn thì không ai lại đi lập hợp đồng bằng văn bản, rồi công chứng hay chứng thực và chúng ta không thể thỏa thuận bằng lời nói để mua, bán đi một mảnh đất bởi theo quy định của pháp luật thì các loại hợp đồng này phải được lập thành văn bản và được công chứng hoặc chứng thực.  Nếu như không thực hiện công chứng hoặc chứng thực các hợp đồng loại này thì hợp đồng không được công nhận, và không có hiệu lực. Như vậy, tùy từng trường hợp điều kiện, hoàn cảnh, giá trị, sự phức tạp của hợp đồng mà các bên lựa chọn hình thức phù hợp. 

 Đối với vấn đề hình thức hợp đồng là điều kiện hợp đồng có hiệu lực thì Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong các trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”. Như vậy, theo quy định trên ta thấy rằng hình thức hợp đồng là một điều kiện bắt buộc để giao dịch có hiệu lực trong những trường hợp cần thiết, và nếu hợp đồng không tuân thủ hình thức luật định thì có thể bị tuyên bố vô hiệu. 

Có những quan điểm cho rằng với việc quy định như vậy thì nhà nước đã can thiệp quá sâu vào hợp đồng và xâm phạm nguyên tắc tự do hợp đồng, làm cản trở sự phát triển của các quan hệ pháp luật tư vì đã hạn chế sự tự do ý chí của các bên. Một số quan điểm khác lại cho rằng, không nên quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, thậm chí nên bỏ hẳn các quy định về hình thức. Các quan điểm này có vẻ như coi nhẹ hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng có thể dẫn đến việc thiếu cơ chế để bảo vệ quyền lợi của bên yếu hơn trong quan hệ hợp đồng, thiếu chứng cứ chứng minh tồn tại của hợp đồng.

 Về mối quan hệ giữa hình thức với hiệu lực của hợp đồng được quy định tại khoản 2 Điều 122 BLDS 2005: “hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”, Điều 134 BLDS 2005: “trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”, khoản 2 Điều 401: “trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. 

Các quy định nói trên cho thấy, mặc dù pháp luật có quy định một loại hợp đồng nào đó phải được ký kết bằng văn bản, văn bản có chứng thực, tuy nhiên hợp đồng sẽ không bị coi là vô hiệu nếu các bên không tuân thủ hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định. Pháp luật quy định như vậy, tuy nhiên khi nghiên cứu các không thể tìm thấy bất kỳ quy định nào, theo đó hợp đồng không tuân thủ hình thức văn bản, văn bản có chứng thực thì vô hiệu, mà trong nhiều trường hợp pháp luật chỉ quy định hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản. 

 Với cách quy định về hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong pháp luật Việt Nam nói chung và BLDS nói riêng là không rõ ràng. Sự không rõ ràng này được hợp thức hoá bởi Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 01/2003). Cụ thể, hợp đồng mua bán nhà ở không được công chứng và một trong các bên yêu cầu Toà án tuyên bố vô hiệu, thì Tòa án áp dụng Nghị quyết số 01/2003, sẽ bị tuyên bố vô hiệu, nếu hợp đồng không được công chứng, chứng thực trong thời hạn một tháng (thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn một tháng đó) kể từ ngày có Quyết định của Toà án (Quyết định yêu cầu thực hiện công chứng, chứng thực). Cách giải quyết các tình huống nói trên là quá máy móc và không hợp lý.. Trong khi đó, nếu theo Điều 134 BLDS 2005 và Nghị quyết số 01/2003 thì pháp luật có vẻ như tôn trọng ý chí được biểu hiện sau thời điểm hợp đồng được ký kết. Điều này có vẻ trái với lý thuyết về tự do ý chí cũng như nguyên tắc giải thích hợp đồng. 

 Hợp đồng được giao kết bằng lời nói: các bên giao kết với nhau bằng lời nói, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại điện đàm để diễn tả ý muốn, tư tưởng của mình trong việc xác lập , giao kết hợp đồng. Tuy nhiên vì là lời nói gió bay nên nếu có phát sinh tranh chấp thì các hợp đồng được thiết lập dưới dạng hình thức lời nói đều không tạo ra được bằng chứng để làm những căn cứ giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy để tránh các trường hợp các bên liên quan phủ nhật sự tồn tại của hợp đồng, chỉ nên sử dụng hình thức bằng lời nói để giao kết các hợp đồng có giá trị không lớn, với những người thân quen tin tưởng lẫn nhau, hoặc những hợp đồng thực hiện và chấm dứt ngay lập tức. Với ưu điểm là cách thức giao kết đơn giản gọn nhẹ nên hình thức này được sử dụng nhiều nhưng đôi khi là lạm dụng, có nhiều hơp đồng thực chất là phải được lập bằng văn bản nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên 90% các tranh chấp về hợp đồng mua bán bị vô hiệu về hình thức.

 Hinh thức bằng văn bản: trường hợp các bên giao kết hợp đồng muốn đảm bảo tính rõ ràng về nội dung mà họ cam kết, thỏa thuận đối với những hợp đồng có giá trị tài sản lớn hoặc giữa những chủ thể koong có mối liên quan thân thiết … thì hợp đồng sẽ giao kết bằng hình thức văn bản, thể hiện đầy đủ những nội dung cơ bản của hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Trên cơ sở đó các bên có quyền yêu cầu bên kia có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ đối với mình. Hình thức này đảm bảo sự thể hiện rõ ràng ý chí của các bên đã thỏa thuận với nhau, là chứng cứ khi các bên có tranh chấp nên các loại hợp đồng được thiết lập bằng hình thức văn bản được thiết lập rất đa dạng và phong phú với số lượng lớn (hơn 50 loại): hợp đồng thế chấp tàu bay, đặt cọc (Điều 358), thế chấp tài sản (điều 343)… cho thấy vai trò của nó trong giao kết hợp đồng.

   Những hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép

Ngoài một số loại hợp đồng được pháp luật quy định dưới hình thức là văn bản, thì pháp luật còn quy định một số loại hợp đồng bắt buộc phải là văn bản, kèm theo công chứng, chứng thực và phải được đăng ký hoặc xin phép (theo quy định điều 401BLDS 2005). Các hình thức, thủ tục bắt buộc gồm:

+ Một là hình thức hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực: Pháp luật hiện hành có nhiều quy dịnh yêu cầu hợp đồng phải đươc công chứng, chứng thực nhưng chủ yếu là các hợp đồng liên quan đến bất động sản. Hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực có giá trị pháp lý rất cao, nội dung hợp đồng dễ nhận biết. Việc quá lạm dụng coi công chứng, chứng thực như là một điều kiện để hợp đồng có hiệu lực lại cũng đang là nguyên nhân dẫn đến việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu ngày cáng nhiều, và là lý do để các chủ thể phá hủy hợp đồng đã thiết lập nhằm mục đích vụ lợi, các quy định vẫn có sự chồng chéo, còn nhiều mâu thuẫn.

+ Hình thức đăng ký: đăng ký là một dạng hình thức của hợp đồng được quy định tại Điều 124, Điều 401 BLDS năm 2005, hình thức đăng ký được áp dụng đối với những giao dịch đảm bảo. Trong một số trường hợp Luật quy định hợp đồng vừa phải đăng ký vừa phải công chứng, chứng thực như hợp đồng: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; … Hình thức đăng ký cũng có vai trò là chứng cứ khi xảy ra tranh chấp, độ an toàn cho các chủ thể cao, có giá trị đối kháng với người thứ ba, tuy nhiên, việc pháp luật quy định một hợp đồng vừa phải công chứng hoặc chứng thực rồi lại phải đăng ký gây rườm rà.

+ Hình thức xin phép: trong một số trường hợp, pháp luật quy định yêu cầu người tham gia hợp đồng phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chẳng hạn như các điều kiện trong hợp đồng lao động (Điều 169 Bộ Luật lao động năm 2012), hoặc hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam …  Trong thực tế, còn có trường hợp Tòa án còn tuyên bố hợp đồng xây dựng vô hiệu do chưa có giấy phép xây dựng. Việc quy định xin phép là hình thức HĐDS sẽ gây khó khăn khi xác định đây là điều kiện về nội dung hay điều kiện về hình thức của hợp đồng.

Qua phân tích các loại hình thức bắt buộc trên, chúng ta thấy rằng các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc về hình thức là những hợp đồng liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc thế chấp có đối tượng là các loại tài sản quan trọng mà việc chiếm hữu, sử dụng của nó liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc các tư liệu sản xuất quan trọng có ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân đều cần phải có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc công bố và ghi chép trong số nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực có liên quan.

 Hình thức bằng thông điệp dữ liệu, một điểm mới trong bộ luật dân sự 2005. Ở nước ta, nhiều ngành kinh tế quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động của mình. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch điện tử ở nước ta về cơ bản mới ở giai đoạn xây dựng các dịch vụ ứng dụng, chưa có dịch vụ nào được thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Trước thực tế trên, để tạo cơ sở pháp lý cho giao dịch điện tử phát triển, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã ghi nhận hình thức hợp đồng điện tử thông qua việc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Luật Thương mại năm 2005 được thông qua, trong đó Điều 15 ghi nhận nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản". Và đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Giao dịch điện tử 2005. 

Đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu. Việc trao đổi, thoả thuận đó sẽ tạo ra hiệu lực pháp lý của hợp đồng mà không cần hai bên phải thực hiện thêm bất kỳ một thủ tục nào khác (trừ trường hợp pháp luật đòi hỏi hợp đồng phải được lập theo một hình thức và trình tự cụ thể). Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì nó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2005). Nó có giá trị làm chứng cứ, khi các bên có tranh chấp khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết (Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005).

KẾT LUẬN

Căn cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên chính là ở hình thức hợp đồng dân sự. Hình thức hợp đồng là cách thức thể hiện ý chí ra bên ngoài của các bên giao kết hợp đồng. Thông qua cách thức biểu hiện này, người ta có thể biết được nội dung của giao dịch đã xác lập, từ đó xác định trách nhiệm dân sự khi có vi hợp đồng phạm xảy ra. Với các quy định về hinh thức hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự thì đã có thể một phần xác định được hợp đồng dân sự nào có thể trở thành phương thức pháp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các chủ thể trong quá trình giao lưu dân sự. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
3. Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
4. Bộ luật dân sự năm 2005.
5. Luật Giao dịch điện tử 2005
6. Luật Thương mại năm 2005
7. Bài viết của GS.TS Phan Thị Mơ về Bình luận hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự 2005.
8. Hình thức của hợp đồng dân sự và hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vi phạm quy định hình thức : khoá luận tốt nghiệp / Nguyễn Thị Thơm ; TS. Nguyễn Minh Tuấn hướng dẫn . - Hà Nội, 2012 . - 50 tr. ; 28 cm

No comments:

Post a Comment