16/01/2015
Điều kiện pháp lý để người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam và liên hệ thực tiễn
Bài tập học kỳ Tư pháp quốc tế có đáp án.

A. MỞ BÀI


Quyền tác giả là một nhóm quyền của Sở hữu trí tuệ, được Nhà nước bảo hộ cho các tác giả cho một thời hạn nhất định. Mỗi một quốc gia khác nhau thì có những nội dung về bảo hộ quyền cho tác giả khác nhau, không chỉ với các tác giả trong nước mà còn có các chế định để bảo vệ quyền cho tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài. Các chế định này được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và là cơ sở pháp lý để thực thi việc bảo hộ quyền tác giả của họ.Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đối với các tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam đều được bảo hộ quyền tác giả. 


Đối với tác phẩm công trình của người nước ngoài được công bố, sử dụng ở Việt Nam dựa trên cơ sở những điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia thì chế độ bảo hộ quyền tác giả sẽ được xác định theo điều ước quốc tế và theo pháp luật Việt Nam. 

Dựa trên cơ sở pháp lý của những quy định trên, trong phạm vi bài viết này sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về điều kiện pháp lý để người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam và liên hệ thực tiễn vấn đề này trong giai đoạn hiện nay.

B. NỘI DUNG

I. Khái niệm chung về quyền tác giả và bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Tác giả: 

Tác giả là những người bằng lao động trí tuệ của mình, trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.

Theo quy định tại Điều 736 Bộ luật dân sự, thì:  

- Người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học(sau đây gọi chung là tác phẩm) là tác giả của tác phẩm đó      

Trong trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm thì những người đó là các đồng tác giả

- Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó.

Như vậy chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới được coi là tác giả. Những người cung cấp tư liệu, góp ý kiến cho việc sáng tạo, làm phản biện, hướng dẫn khoa học không thể là tác giả của tác phẩm. Kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại phải định hình dưới dạng vật chất nhất định.

2. Quyền tác giả (thường gọi là bản quyền, bản quyền tác giả) là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm (văn học, nghệ thuật hay khoa học) do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (Khoản 2, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Quyền tác giả là các quyền về tinh thần và vật chất của tác giả .Quyền tác giả bao gồm :

- Quyền nhân thân

- Quyền tài sản

+ Quyền làm tác phẩm tái sinh

+ Quyền sao chép tác phẩm

+ Quyền biểu diễn

+ Quyền phân phối, nhập khẩu bản sao gốc của tác phẩm

+ Quyền truyền đạt tác phẩm

+ Quyền cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

3. Người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài

Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.

Pháp nhân là một tổ chức nhất định của con người, được pháp luật nhà nước quy định có quyền năng chủ thể. Phá nhân nước ngoài là tổ chức hưởng tư cách phá nhân theo quy định của pháp luật nước ngoài và được công nhận là có quốc tịch nước ngoài.

4. Quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam: Được quy định tại Điều 774 Bộ Luật dân sự 2005, theo đó Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Bảo hộ quyền tác giả: là bảo hộ các quyền lợi của tác giả đối với tác phẩm văn học và nghệ thuật hay khoa học.

6.Bảo hộ quyền tác giả người nước ngoài,pháp nhân nước ngoài tại VN: là bảo hộ các quyền lợi của tác giả là người nước ngoài,pháp nhân nước ngoài tại VN đối với tác phẩm văn học và nghệ thuật hay khoa học. Đối với tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được công bố, phổ biển tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam đều được nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền tác giả (trừ trường hợp tác phẩm không được nhà nước bảo hộ).

II. Điều kiện pháp lý về vấn đề bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài , pháp nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

-  Bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật

a. Chủ thể và đối tượng bảo hộ quyền tác giả

Theo pháp luật Việt Nam, chủ thể của bảo hộ quyền tác giả là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam đều được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền tác giả. Người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố, phổ biến, xuất hiện lần đầu ở nước ngoài, thì chỉ có thể được bảo hộ tại Việt Nam nếu điều ước Quốc tế Việt Nam hoặc gia nhập có quy định.

Đối tượng bảo hộ phải là những tác phẩm được nhà nước bảo hộ, không nằm trong trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ.

b. Nội dung quyền tác giả.

Pháp luật hầu hết các nước đều thừa nhận nguyên tắc chung để bảo hộ quyền tác giả là vào thời điểm tác phẩm được sáng tạo hoặc được định hình vật chất. Ngay vào thời điểm này tác phẩm đã được pháp luật Quốc gia bảo hộ. Đây được gọi là quốc gia gốc, hoặc nước xuất xứ của tác phẩm, cụ thể pháp luật quốc gia sẽ điều chỉnh các vấn đề sau.

+  Xác định tư cách pháp lý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm;

+ Xác định đối tượng được bảo hộ. Do pháp luật các nước cũng có quy định khác nhau về định danh đối tượng tác phẩm được bảo hộ, có thể một đối tượng được bảo hộ ở nước này nhưng không được bảo hộ ở nước khác. 

+ Điều kiện bảo hộ đối với tác phẩm. Pháp luật các nước cũng có quy định khác trong việc đưa ra các điều kiện để bảo hộ một tác phẩm. Nhìn chung thì một tác phẩm sẽ được bảo hộ nếu nó có tính độc đáo , tính sáng tạo, không căn cứ vào thể loại, tính chất...tác phẩm.

+ Xác định nội dung quyền tác giả được quy địn tại Điều 774 BLDS 2005 : “ Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Với quy định trên, điều kiện để bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được chia thành hai trường hợp:

+)  Quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài sẽ được bảo hộ tại Việt Nam nếu có các tác phẩm được công bố phổ biến lần đầu tiên tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam. Trong trường hợp này người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài đều có các quyền và nghĩa vụ như công nhân và pháp nhân Việt Nam .

+) Trong trường hợp người nước ngoài pháp nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố, phổ biến, xuất hiện lần đầu ở nước ngoài, thì chỉ có thể được bảo hộ tại Việt Nam nếu điều ước Quốc tế Việt Nam hoặc gia nhập có quy định. 

Trong các trường hợp này người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ theo quy định của điều ước quốc tế. 

c. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Công ước Berne quy một công thứ chung về thời hạn bảo hộ cho một tác phẩm tại Điều 7 là một tác phẩm sẽ được bảo hộ cả đời tác giả cộng 50 năm sau khi tác giả chết.  Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần của công ước cũng có quy định tương tự như Điểu 7 công ước Berne, nội dung thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 27 bảo hộ quyền tác giả Luật SHTT 2009. 

2.Bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2.1, Bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài theo quy định của công ước Berne

Nội dung bảo hộ quyền tác giả theo quy định của công ước Berne

Nguyên tắc cơ bản

Nguyên tắc đối xử quốc gia, là nguyên tắc đặt ra cho các quốc gia thành viên thực hiện bảo hộ tác phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia thành viên khác tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân quốc gia mình. Sự bảo hộ đó không kém thuận lợi hơn, không thấp hơn sự bảo hộ đối với công dân thuộc quốc gia mình. Nguyên tắc này đặt ra sự bình đẳng trong đối xử với công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên.

Nguyên tắc bảo hộ tự động, đây là nguyên tắc đặc thù trong lĩnh vực quyền tác giả, theo đó quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm định hình dưới dạng vật chất nhất định không lệ thuộc vào bất cứ thủ tục nào như đăng ký cấp giấy chứng nhận, nộp lưu chiểu...

Nguyên tắc bảo hộ độc lập, được quy định tại khoản 1 Điều 5 Công ước, theo đó được hiểu là việc được hưởng và thực hiện các quyền theo Công ước độc lập với những gì được hưởng tại nước xuất xử của tác phẩm. Nguyên tắc được thể hiện ở chỗ, một tác phẩm được bảo hộ không phụ thuộc vào việc tác phẩm đó có được bảo hộ hay không tại quốc gia gốc của nó. Nói cách khác, một tác phẩm dù có hay không được bảo hộ ở quốc gia gốc nhưng nó vẫn có thể được bảo hộ ở các quốc gia khác là thành viên của Liên hiệp với quy chế pháp lý theo về bảo hộ quyền tác giả ở quốc gia này.

Tuy nhiên, ngoại lệ của nguyên tắc này được quy định tại khoản 8 Điều 7 Công ước. Theo đó, về nguyên tắc thì thời hạn bảo hộ của quốc gia sở tại đối với tác phẩm không chịu ảnh hưởng bởi thời hạn bảo hộ của quốc gia gốc, nhưng trên thực tế nếu thời hạn bảo hộ ở quốc gia gốc đã hết thì quốc gia thành viên có quyền từ chối bảo hộ tác phẩm khác mặc dù theo pháp luật của nước này vẫn còn thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm đó.

Đối tượng bảo hộ của Công ước Berne là các tác phẩm văn học, nghệ thuật  và khoa học được liệt kê khá đầy đủ và toàn diện tại Điều 2, bao gồm: tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh  và các tác phẩm được diễn tả bằng một kĩ thuật tương tự với điện ảnh...Công ước bảo hộ các tác phẩm được biểu hiện theo phương thức hay hình thức nào. Đồng thời, công ước cũng quy định mở cho các quốc gia thành viên quyền quyết định không bảo hộ các tác phẩm nói chung hoặc những thể loại khác cụ thể nào đó, trong khi các tác phẩm ấy chưa được ấn định trên một hình thái vật chất.

Về quyền được bảo hộ, Công ước quy định các quyền độc quyền của tác giả bao gồm quyền sao chép, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phóng tác, quyền biểu diễn công cộng, quyền kể lại trước công chúng, quyền phát song, quyền truyền thông tới công chúng, quyền bán lại tác phẩm nghệ thuật gốc. Các quyền này là quyền kinh tế của tác giả, do tác giả trực tiếp thực hiện hoặc cho phép các tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

Đồng thời Công ước còn đưa ra quy định về giới hạn và ngoại lệ. Tuy nhiên, các giới hạn, ngoại lệ chỉ mở rộng trong các trường hợp đặc biệt, không ảnh hưởng tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại về quyền lợi hợp pháp của tác giả. Các quyền tinh thần đề cập trong Công ước là các quyền đững tên tác giả trên tác phẩm, phản đối bất kỳ sự cắt xén, bóp méo, sửa đổi hay bất kì hành vi xâm phạm khác liên quan tới tác phẩm, có thể làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Thời hạn bảo hộ, Công ước đưa ra hai nguyên tắc tình thời hạn bảo hộ. Nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ theo đời người, được quy định là khoảng thời gian suốt đời tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả qua đời. Nguyên tắc tính thời gian bảo hộ dựa vào thời điểm công bố được quy định là khoảng thời gian năm mươi năm đối với tác phẩm điện ảnh hoặc thời điểm tác phẩm được sáng tạo, nếu chưa công bố. Đối với những tác phẩm khuyết danh hay bút danh, thời hạn bảo hộ do công ước này quy định chấm dứt năm mươi năm sau khi tác phẩm được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp. Tuy nhiên, khi bút hiệu tác giả biểu lộ không chút hoài nghi về danh tính của tác giả thì thời hạn bảo hộ được tính theo nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ theo đời người. Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, thời hạn bảo hộ tối thiểu là hai lăm năm kể từ khi tác phẩm được sáng tạo. Đối với tác phẩm đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ được tính như trên chỉ khác là thời hạn tính sau khi người đồng tác giả cuối cùng chết.

Quyền tác giả theo công ước Berne được xác lập theo nguyên tắc tự động: không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền. 

Ưu đãi dành cho quốc gia thành viên là nước đang phát triển: đây là những điều khoản đặc biệt được quy định tại Công ước Berne về ưu đãi, miễn trừ. Lợi ích này là thỏa thuận của các nước đang phát triển, để các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận việc dịch và xuất bản (làm các bản sao) đối với một số loại hình tác phẩm. 

2.2, Bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Hiệp định TRIPs

Hiệp định đưa ra các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản , đặc biệt là cam kết đối xử quốc gia mà theo đó các công dân của các nước thành viên phải được đối xử không kém ưu đãi hơn so với công dân của các nước thành viên đó về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc cũng được đưa ra, đây là một điều khoản mới trong thỏa thuận sở hữu trí tuệ quốc tế, theo đó bất kì thuận lợi nào mà một thành viên dành cho các công dân của một thành viên khác cũng phải được ngay lập tức và vô điều kiện áp dụng cho công dân của tất cả các thành viên khác ngay cả khi sự đối xử này ưu đãi hơn đối xử mà thành viên đó dành cho chình công dân nước mình.

Đối tượng được bảo hộ bao gồm các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học (chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu). Tuy nhiên, không phải bất kỳ tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật nào cũng được bảo hộ. Để được bảo hộ, tác phẩm phải là nguyên tác (ý tưởng trong tác phẩm không nhất thiết phải là mới nhưng loại hình biểu hiện phải là nguyên bản sáng tạo của tác giả)

Nội dung bảo hộ của Hiệp định bao gồm các nội dung được quy định tại Công ước Berne như đã trình bày ở trên.

Thời hạn bảo hộ, trừ tác phẩm nhiếp ảnh và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm không được tính theo đời người, Hiệp định TRIPs quy định thời hạn bảo hộ tối thiều đối với QTG. Thời hạn bảo hộ đó không được dưới năm mươi năm kể từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được công bố một cách hợp pháp, hoặc năm mươi năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm này không được công bố một cách hợp pháp trong vòng ba mươi năm kể từ ngày tạo ra tác phẩm.

III. Ví dụ về việc thực thi quyền tác giả cho cá nhân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam

Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ luật dân sự 2005, Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định 100/NĐ-CP/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả có liên quan. Những năm qua pháp luật về quyền tác giả đã phát huy tác dụng tích cực trên các lĩnh vực. Ngày 20 tháng 2 năm 1987, Hãng bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, tiền than của Cục bản quyền tác giả được thành lập. Trong bối cảnh đất nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, đây là lựa chọn đúng đắn để hướng tới văn minh nhân loại. 

Một trong những vụ việc gây tranh cãi nhiều nhất thời gian gần đây chính là “phớt lờ các quyền ca khúc nước ngoài”. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) vừa lên tiếng về việc VTV không trả tiền tác quyền cho các ca khúc tiếng nước ngoài phát song trên truyền hình. Trong số các chương trình vi phạm về tác quyền do trung tâm này thống kê gồm The Voice, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, tìm kiếm tài năng,…và nhiều chương trình âm nhạc khác. Theo thống kê, The Voice chủ yếu hát bài hát tiếng nước ngoài nhưng VTV không hề trả tiền bản quyền cho các bài hát này. VTV chỉ trả tiền bản quyền cho bài hát tiếng Việt theo giá thoả thuận giữa hai bên. Đây có thể xem là trường hợp tiêu biểu trong vô số trường hợp VCPMC nhận được hàng năm. Anh, Mỹ, Hàn…đều gửi “trát” đòi tác quyền. Họ đều là những nước có ký thoả ước song phương với Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả. Xét về nguyên tắc kí thoả thuận song phương, cả hai bên đều có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho đối tác. Việc kiểm soát lượng sử dụng ca khúc tiếng nước ngoài hiện nay gặp khó khăn vì VTV cũng như các đơn vị phát sóng khác không phải xin phép trước khi sử dụng. Đây không phải lần đầu tiên VCPMC đặt vấn đề về việc trả tác quyền cho ca khúc nước ngoài. Cũng theo VCPMC, chỉ có đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh  là đơn vị duy nhất chịu trả tiền tác quyền cho các ca khúc tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài với mức giá ngang nhau (300000 đồng cho chương trình có tài trợ, 100000 đồng cho chương trình không có tài trợ). Với các chương trình mật độ sử dụng ca khúc nước ngoài cao như The Voice, VCPMC vẫn phải thống kê, rà soát trên hệ thống lưu trữ bản quyền quốc tế. gửi thông báo đến từng nước có ca khúc sử dụng và đề nghị cùng hợp tác để thu tiền bản quyền. Phía đại diện của VCPMC cho biết “Không chỉ The Voice, Bước nhảy hoàn vũ mà toàn bộ các chương trình sử dụng ca khúc nước ngoài, VCPMC chưa từng thu một đồng tác quyền từ các nhà đài”??? Đứng trước thực tế này trưởng ban thư kí biên tập VTV cho hay “VTV là đơn vị tiên phong trong vấn đề trả tiền tác quyền, nhưng riêng đối với bài hát nước ngoài thì chưa thực hiện được. Có nhiều lý do nhưng quan trọng là lâu nay VTV tự liên hệ với nhạc sĩ để trả, bắt đầu từ năm 2012 mới thông qua VCPMC. Đối với tác giả nước ngoài, việc liên hệ thông tin với họ là rất khó nên chưa thực hiện được”. Lý do này được nhiều người cho rằng khó chấp nhận. Bởi “muốn làm được minh bạch, chặt chẽ vấn đề bản quyền, tác quyền thì tất cả chúng ta nên tập quen với cuộc sống thượng tôn pháp luật đi đã” (một nhạc sĩ trẻ giấu tên). 

Hai cuốn sách mới nhất của Pam Scott vừa được xuất bản là Vietnam Revisited (Thăm lại Việt Nam) và Trailblazers of Fortune (Những kẻ đi tìm vận may) - viết về câu chuyện có thật của một gia đình người Pháp sống tại Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc từ năm 1858 đến 1954 do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Hai tác phẩm trên của Pam Scott được công bố lần đầu tiên ở Việt nam, tại không gian sách Bookworm, Hà Nội vào tối ngày 19/09/2012 đồng thời 2 cuốn sách này đã được nhà xuất bản Thế giới phát hành. 


Pam Scott là nhà văn Úc, tuy nhiên bà đã sinh sống ở Việt Nam từ rất lâu và 2 cuốn sách mới nhất của bà là Vietnam Revisited (Thăm lại Việt Nam) và Trailblazers of Fortune (Những kẻ đi tìm vận may) được bà hoàn thành tại Việt Nam cũng như được công bố lần đầu tiên ở Việt Nam. Và theo quy định tại Điều 774 BLDS  Việt Nam: “ Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại VIệt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩ Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” thì Pam Scott hoàn toàn được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam cũng như hai tác phẩm của bà cũng được bảo hộ tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment