17/01/2015
Bình luận về mô hình liên kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN - Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN
1. Bình luận về mô hình liên kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN

1.1. Khái quát về Cộng đồng kinh tế ASEAN và mô hình liên kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

a. Khái niệm Cộng đồng kinh tế ASEAN

Ý tưởng về việc thành lập một cộng đồng kinh tế của ASEAN lần đầu tiên được thủ tướng Goh Chok Tong của Singapore chính thức đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN 8 ở Phnom Pênh vào tháng 11/ 2002 với đề nghị ASEAN xem xét thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Sau đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9, trong Tuyên bố Bali II, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí quyết định thực hiện ý tưởng trên và coi đây là một trong ba trụ cột để xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Khái niệm về Cộng đồng kinh tế ASEAN được hiểu như sau: Cộng đồng kinh tế ASEAN là liên kết kinh tế của ASEAN, hình thành trên cơ sở một hệ thống thể chế và thiết chế pháp lý, nhằm xây dựng ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, có tính cạnh tranh cao, phát triển đồng đều giữa các nền kinh tế thành viên và hội nhập hoàn toàn vào nên kinh tế toàn cầu. Như vậy, khái niệm Cộng đồng kinh tế ASEAN không phải là một khái niệm kinh tế quốc tế thuần túy mà thực chất là một khái niệm pháp lý do các nhà lãnh đạo ASEAN xác lập và hoàn thiện trong các văn bản pháp lý của ASEAN.

b. Mô hình liên kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN

Cấu trúc nội dung

Theo các văn bản pháp lý của ASEAN, nội dung của AEC bao gồm:

1. Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất: Một thị trường và cơ sở sản

xuất thống nhất của ASEAN bao gồm năm yếu tố cốt lõi: Tự do hóa thương mại hàng hóa; Tự do hóa thương mại dịch vụ; Tự do hóa đầu tư; Tự do hóa dòng vốn; Tự do di chuyển lao động ngành nghề. Ngoài ra, thị trường và cơ sở sản xuất cũng bao gồm hai thành phần quan trọng là: các lĩnh vực hội nhập ưu tiên; thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.

2. Khu vực kinh tế cạnh tranh cao: Có sáu yếu tố chủ yếu trong khu vực kinh tế cạnh tranh ASEAN: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế và thương mại điện tử.

3. Khu vực phát triển kinh tế đồng đều: Phát triển khu vực kinh tế đồng đều của AEC tập trung vào hai nội dung chính: phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.

4. Khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu: Để làm được điều này thì AEC cần có cách tiếp cận thống nhất với các quan hệ kinh tế đối ngoại; tăng cường sự tham gia của ASEAN vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Phương thức xây dựng và thực hiện

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, ASEAN đã xác định phương thức xây dựng và thực hiện AEC như sau: Đẩy nhanh và hoàn thành các chương trình sáng kiến kinh tế hiện có với các “thời hạn rõ ràng”; Xây dựng các sáng kiến, chương trình và tiếp tục hoàn thiện cơ chế liên kết kinh tế; Áp dụng công thức – X trong hợp tác kinh tế để đẩy nhanh tiến độ hội nhập kinh tế; Phát triển nguồn lực và truyền thông; Tăng cường hợp tác với bên ngoài.

Thiết chế pháp lý

Thông qua các văn bản pháp lý về AEC, các thiết chế pháp lý của AEC được xác định bao gồm:

- Hội nghị cấp cao ASEAN có quyền quyết tối cao đối với việc thi hành AEC như là một phần của Cộng đồng ASEAN.

- Hội đồng điều phối ASEAN, gồm các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, có trách nhiệm điều phối việc thi hành ba cộng đồng.

- Hội đồng AEC bao gồm các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế của các nước thành viên ASEAN có trách nhiệm đưa ra các định hướng, chính sách, các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN và phối hợp với các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng về hợp tác kinh tế trong từng lĩnh vực cụ thể. Hội đồng AEC có hai cơ quan giúp việc là nhóm đặc trách cao cấp về hội nhập kinh tế ASEAN (HLTF) và hội nghị quan chức kinh tế cao cấp (SEOM).

- Các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng, bao gồm: Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM); hội đồng khu vực thương mại tự do ASEAN (Hội đồng AFTA); Hội đồng khu vực đầu tư ASEAN (AIA); Hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN (AFMM); Hội nghị bộ trưởng nông – lâm nghiệp ASEAN (AMAF); Hội nghị bộ trưởng năng lượng ASEAN (AMEM); Hội nghị cấp bộ trưởng về khoáng sản ASEAN (AMMin); Hội nghị bộ trưởng khoa học và công nghệ ASEAN (AMMST); Hội nghị bộ trưởng ASEAN về viễn thông và công nghệ thông tin (TELMIN); Hội nghị bộ trưởng giao thông vận tải ASEAN (ATM); Hội nghị bộ trưởng du lịch ASEAN (M -ATM); Cơ quan hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong của ASEAN (AMBDC); Trung tâm năng lượng ASEAN (ACE); Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tại Tokyo.

- Ban thư ký ASEAN

Cấp độ liên kết

Theo lý thuyết về hội nhập kinh tế quốc tế, xét về mặt nội dung, các liên kết khu vực được cấu thành từ một hoặc một số hoặc từ tất cả các nội dung sau: Sự tự do thương mại về hàng hóa; sự tự do thương mại về dịch vụ; sự tự do luân chuyển về đấu tư; sự tự do di chuyển lao động; thuế quan chung đối với bên ngoài; hài hòa hóa và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô; đông tiền và chính sách tiền tệ chung.

Cũng căn cứ vào số lượng và tính chất các yếu tố trên, các liên kết kinh tế khu vực được phân thành các cấp độ: Câu lạc bộ thương mại ưu đãi (PTC); Khu vực thương mại tự do (FTA) hay còn gọi là khu vực mậu dịch tự do; Liên minh thuế quan (CU); Thị trường chung (CM); Liên minh kinh tế tiền tệ (EMU)�.

1.2. Một số nhận xét về mô hình liên kết của AEC (trên cơ sở đó so sánh với mô hình liên kết kinh tế EU

Thông qua việc tìm hiểu những nội dung khái quát nhất về mô hình liên kết của AEC, ta có thể thấy AEC là liên kết kinh tế đặc thù của ASean dựa trên những luận điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, có thể nói mô hình liên kết của AEC trước hết phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay cả về mặt cấu trúc nội dung, phương thức xây dựng và thực hiện cũng như thiết chế pháp lý. Bởi, với xu thế toàn cầu hóa và chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức của nền kinh tế thể giới, xu thế bùng nổ các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh từ nền kinh tế quốc tế… thì việc lựa chọn bước đi thống nhất về thị trường và cơ sở sản xuất cũng như việc xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh cao dựa trên sự phát triển khu vực kinh tế đồng đều với khả năng hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới là cách thức đúng đắn để Asean trở thành một thực thể liên kết thống nhất, có khả năng bổ sung và khắc phục điểm yếu của từng quốc gia riêng lẻ trong việc cạnh tranh với các nước ngoại khối. Cùng với đó là vấn đề hợp tác trong lĩnh vực kinh tế của ASEAN chưa có hiệu quả. Chính vì vậy phương thức xây dựng và thực hiện AEC cần được cụ thể hoá theo từng tiến trình, nấc thang, từ việc kế thừa những sáng kiến đã có đến việc xây dựng sáng kiến mới và tiếp tục hoàn thiện cơ chế hơn nữa sau đó mới tính đến những bước đi vững chắc và hội nhập kinh tế - những nội dung này đều được Asean khẳng định rõ trong Tuyên Bali II và Bản khuyến nghị của nhóm đặc trách cao cấp về hội nhạp kinh tế Asean (HLTF.)

Mô hình liên kết của AEC phù hợp với ASEAN. Bởi lẽ về bản chất, ASEAN bao gồm các quốc gia thành viên mà giữa họ có sự khác biệt nhau rất lớn về thể chế chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội, sự đa dạng trong văn hóa. Nếu như không có sự gắn kết đặc biệt thì Cộng đồng kinh tế ASEAN khó có thể trở thành hiện thực. Đặc biệt là sự khác biệt về khả năng kinh tế nên phương thức xây dựng và thực hiện AEC cần có những bước đi thận trọng chứ không thể nóng vội, cần có lộ trình phù hợp theo từng mức độ từ hoàn thành các chương trình sáng kiến đến phát triển, hoàn thiện cơ chế và đẩy mạnh hội nhập, tăng cường hợp tác với các quốc gia bên ngoài, trên cơ sở sự thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên.

Thêm vào đó, các cơ cấu thiết chế của AEC có thể được đánh giá cao ở khả năng tương thích với mục tiêu và các yêu cầu cũng như các thách thức kinh tế đặt ra cho Asean, như Hội đồng khu vực thương mại tự do AFTA, Hội đồng khu vực đầu tư, Hội nghị Bộ trưởng năng lượng, Hội nghị cấp Bộ trưởng về khoảng sản về khoa học công nghệ… đến cơ quan về phát triển thế mạnh của Asean như: Hội nghị Bộ trưởng nông – lâm nghiệp, và cơ quan giả quyết vấn đề kinh tế chung của một số quốc gia trong Asean như: Cơ quan hợp tác phát triển Sông Mê Kông. Điều đó cũng khẳng định thiết chế pháp lý của AEC không chỉ được xây dựng để giải quyết những vấn đề chung nhất của Asean mà còn quan tâm sâu sắc tới sự phát triển cũng như các vấn đề đáng quan tâm của từng quốc gia trong khu vực.

So với Mô hình liên kết kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) AEC cũng có cơ quan quyết định tối cao đối với các chính sách về kinh tế (Hội nghị cấp cao Asean) giống như Hội nghị thượng đỉnh EU (hay Hội đồng bộ trưởng – đây là cơ quan quyết định các chính sách lớn của EU cả về kinh tế, chính trị), cũng có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề về kinh tế (Hội đồng điều phối) giống với Nghị viện Châu Âu (cơ quan giám sát các chính sách lớn của EU trong đó có chính sách kinh tế). Tuy nhiên, trong thiết chế pháp lý của mô hình kiên kết kinh tế EU còn có sự chuyển giao thẩm quyền cho toà án trong việc giải quyết các vấn đề về kinh tế mà điều này ở AEC trong Asean chưa thể có được

Thứ hai, trong quá trình phát triển, AEC chủ yếu mới chỉ dựa vào 4 yếu tố đầu tiên trong các yếu tố đã nêu trong cấu trúc nội dung, đó là: Tự do lưu chuyển bốn yếu tố của sản xuất là hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động, nhưng sự tự do các yếu tố dịch vụ, vốn và lao động chỉ ở mức yếu: tự do một số lĩnh vực dịch vụ chứ chưa phải là tất cả các lĩnh vực dịch vụ, tự do di chuyển vốn hơn so với trước đây chứ chưa phải là hoàn toàn tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển lao động lành nghề chứ chưa phải tự do di chuyển mọi hình thức lao động. Hay nói cách khác, AEC chỉ là mô hình liên kết khu vực dựa trên và nâng cao những liên kết kinh tế sẵn có của ASEAN (AFTA, AFAS, AIA,…) và bổ sung thêm nội dung mới là tự do di chuyển lao động lành nghề. Điều này được thể hiện cụ thể ở những điểm sau: (i)Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) được thành lập vào năm 1992 với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại trong nội bộ ASEAN bằng cách loại bỏ tất cả các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan, tạo ra một thị trường thống nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường khu vực, thúc đẩy phân công lao động trong nội bộ khối ASEAN và phát huy lợi thế của từng nước. Thông qua AFTA, ASEAN đã và đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xóa bỏ thuế quan. (ii)Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) ra đời vào năm 1995 nhằm bổ sung thêm việc tự do hóa thương mại dịch vụ cho Hiệp định AFTA. Mục tiêu hướng tới của AFAS là hình thành một khu vực tự do về thương mại dịch vụ vào năm 2020 (đã được rút ngắn vào năm 2015). Thông qua cấu trúc nội dung của mô hình liên kết AEC có thể thấy, nội dung về tự do lưu chuyển thương mại dịch vụ-một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa cộng đồng kinh tế AEC chính là nhằm mục đích hoàn thành AFAS. Mở rộng công nhận dịch vụ AFAS được tiến hành thông qua những vòng đàm phán chủ yếu của Ủy ban phối hợp và dịch vụ. Ngoài ra, để hỗ trợ cho việc thực hiện AFAS, một nội dung quan trọng đã được bổ sung để xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN đó là tự do di chuyển lao động có tay nghề. Nội dung này được thực hiện thông qua việc tạo thuận lợi hơn trong cấp visa, giấy phép hành nghề của lao động nước ngoài tại các quốc gia ASEAN hoặc xuất khẩu lao động của các quốc gia ASEAN; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ mạng lưới các trường đại học ASEAN, xây dựng các kỹ năng, tiêu chuẩn nghề nghiệp cơ bản, tăng cường năng lực nghiên cứu của các nước, xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường lao động.v.v..(iii)Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần đầu tiên được quy định trong Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN. Mục tiêu cơ bản của AIA là tạo ra một thị trường đầu tư thông thoáng và minh bạch hơn nhằm thúc đẩy ASEAN thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất, thu hút đầu tư vào ASEAN từ các nguồn trong và ngoài nước. Từ đó, AIA sẽ góp phần hướng tới tự do lưu chuyển đầu tư vào năm 2020 (đã được rút ngắn vào năm 2015). Đây cũng chính là một trong những nội dung của cộng đồng kinh tế ASEAN-đó là tự do hóa đầu tư và tự do di chuyển vốn hơn đã được rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 5 năm, vào năm 2015.

Thứ ba, AEC là mô hình liên kết chưa có tiền lệ trên thế giới. Hay nói một cách cụ thể hơn, AEC là một Thị trường chung “trừ” hoặc một Khu vực thương mại tự do “cộng”. Cụ thể hơn, CM- tức là trừ đi hai nội dung bao gồm thuế quan chung với các nước bên ngoài khu vực và phối hợp các chính sách kinh tế hoặc là FTA+ tức là FTA cộng thêm nội dung di chuyển tự do các yếu tố sản xuất. Tuy nhiên các yếu tố sản xuất ở đây cũng không được tự do di chuyển một cách hoàn toàn mà chỉ ở mức độ yếu là tự do di chuyển hàng hóa và dịch vụ, tự do di chuyển vốn hơn và lao động có tay nghề. Trước hết, với việc kế thừa các mục tiêu đã đạt được khi hoàn thành AFTA vào năm 2010, AEC là sự bổ sung các nội dung tiếp tục phải được hoàn thành vào năm 2015 để Cộng đồng ASEAN đạt mục tiêu trở thành “Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất (ghi nhận tại Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Bali II và Kế hoạch tổng thể AEC). Dưới góc độ tiêu dùng, AEC sẽ là một thị trường thống nhất, nơi người tiêu dùng đuợc tự do lựa chọn các loại hàng hóa và dịch vụ đuợc sản xuất trong khu vực cũng như hàng hóa, dịch vụ được sản xuất ngay tại đất nước mình. Duới góc độ sản xuất, AEC sẽ là một mạng lưới sản xuất khu vực nơi các yếu tố sản xuất (như vốn và lao động có tay nghề, hàng hoá, dịch vụ) được tự do di chuyển. Thị truờng thống nhất và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN luôn gắn liền với nhau, có thể được hình thành với đìều kiện quan trọng là phải có sự tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như tác động ngược lại làm thúc đẩy sự tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như với bên ngoài. Tuy nhiên, với mục tiêu này thì AEC mới chỉ đáp ứng được hai yếu tố là tự do hóa thương mại và tự do di chuyển yếu tố sản xuất. Xét trên lý thuyết, với những nội dung trên, AEC không nằm trong một cấp độ liên kết nào mà AEC chỉ có thể được gọi là một Thị trường chung trừ (CM-) hay là một khu vực mậu dịch tự do cộng (FTA+).

Thứ tư, AEC là các nền kinh tế “cộng” chứ không phải là một thực thể kinh tế đơn nhất (đã được nhất thể hóa như Liên minh kinh tế - tiền tệ Châu Âu). So với Liên minh kinh tế tiền tệ của EU hiện nay, thì mức độ liên kết kinh tế của Asean còn thấp hơn nhiều, bởi Liên minh kinh tế tiền tệ (EMU) là cấp độ phát triển cao nhất của các liên kết khu vực hiện nay. Và EU đã đạt đến mức độ này, với sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu vào ngày 1/1/202. Trong khi đó, AEC mới chỉ là một mô hình liên kết kinh tế dừng lại ở mức FTA+ và CM_, khoảng cách giữa AEC với liên minh kinh tế tiền tệ của EU là khá xa về mức thuế quan chung về phối hiựp chính sách kinh tế và chính sách tiền tệ chung với đồng tiền chung của khu vực.

Xét trên thực tế, nội dung của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng không giống với cộng đồng kinh tế Châu Âu trước đây (EEC) – tiền thân EU sau này. EEC bắt đàu từ một thị trường chung thống nhất cho một vài sản phẩm (than, thép…) và từ năm 1968 EEC chuyển từ Liên minh Hải quan thành một thị trường chung. Như vậy, EEC đã xác định ngay từ đầu là một thị trường chung và từng bước hài hòa, phối hợp chính sách kinh tế của các nước thành viên (Điều 2 Hiệp ước Roma), vì vậy điều kiện hội nhập còn thiếu chỉ là đồng tiền chung, và sau này Liên minh kinh tế tiền tệ EU đã làm được điều này.

Thêm vào đó, AEC là một cồng đồng kinh tế mở, các nước thành viên AEC còn phụ thuốc nhiều vào thị trường xuất khẩu, vốn và công nghệ ở bên ngoài, AEC cũng chưa có sự quy định chặt chẽ về chính sách kinh tế ràng buộc. Còn EU là một trong những trung tâm kinh tế, khoa học, kỹ thuật lớn nhất trên thế giới, mô hình liên kết kinh tế có sự quy định chi tiết cụ thế và có tính chất ràng buộc. Ví dụ: Các quốc gia muốn tham gia vào Liên minh kinh tế tiền tệ EU cần phải đáp ứng các điều kiện nhất đinh như: Lạm phát thấp, không vượt quá 1.5% so với mức trung bình của 3 nước có mức lạm phát thấp nhất; thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP�. AEC không có một đầu tàu kinh tế nào tương tự như Đức, Pháp, Anh ở EEC.. do đó có thể thấy EEC vẫn là một mức độ liên kết kinh tế cao hơn. Mặt khác, phương thức hợp tác của AEC vẫn là phương thức liên chính phủ và ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận. Điều này hoàn toàn khác so với “phương thức cộng đồng” của Cộng đồng kinh tế Châu Âu, theo đó tất cả các vấn đề thuộc phạm vi của Cộng đồng đều được các quốc gia thành viên chuyển giao chủ quyền cho Cộng đồng kinh tế Châu Âu. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận đang gây trở ngại cho AEC bởi nguyên tắc này làm chậm quá trình hợp tác, hội nhập kinh tế của các quốc gia thành viên. Do sự đa dạng về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế và nhiều nét khác biệt về văn hóa – xã hội giữa các quốc gia thành viên nên quá trình thương lượng để có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên thường kéo dài rất lâu. Một quyết định, một vấn đề…không được thông qua khi có một quốc gia thành viên không đồng ý. Trong khi đó, hội nhập kinh tế, hợp tác kinh tế… đòi hỏi sự quyết định nhanh chóng, kịp thời và nắm bắt được thời cơ để có thể hợp tác, phát triển. Chính vì vậy mà nguyên tắc thể hiện những hạn chế của nó trong lĩnh vực kinh tế.

Để khắc phục những điểm yếu của nguyên tắc đồng thuận trong lĩnh vực kinh tế, tăng tính linh hoạt, năng động và đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế thì AEC áp dụng công thức – X trong quá trình thực hiện vấn đề kinh tế. Khác với công thức 2+X trước đây (cho phép các quốc gia thành viên có đủ điều kiện có thể thực hiện trước các hoạt động hội nhập kinh tế) chỉ phản ánh quá trình hội nhập đi từ số ít các quốc gia muốn “vượt trước”, công thức –X (ASEAN –X hay 10-X) cho phép các quốc gia chưa đủ điều kiện có thể thực hiện các cam kết kinh tế chậm hơn so với lộ trình chung nhưng không được hưởng ưu đãi mở cửa từ các quốc gia thực hiện theo lộ trình chung. Điều này phản ánh quá trình hội nhập đi từ số nhiều và một khả năng là những nước chậm trễ có thể bị đặt ra ngoài lề của quá trình đó.

2. Đánh giá triển vọng của Cộng đồng kinh tế vào năm 2015

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ bảy, tháng 1/2007 tại Xê-bu, Phi-li-pin, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua xây dựng Kế hoạch tổng thể và Lộ trình chiến lược thực hiện AEC với các biện pháp chi tiết và một thể chế thực thi chặt chẽ, đồng thời quyết định đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành AEC vào năm 2015 mà theo dự kiến ban đầu của các nhà lãnh đạo ASEAN là vào năm 2020.

Theo kế hoạch, từ năm 2015 AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Thị trường ấy sẽ phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN để từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân dân và các quốc gia ASEAN. Điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh của ASEAN với thế giới, từ đó góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển và thúc đẩy ổn định xã hội. Như vậy, AEC không đơn thuần là tập hợp của các cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư mà được xây dựng dựa trên sự thống nhất, hài hòa cao về hệ thống tiêu chuẩn, quy trình quản lý hoạt động thương mại, đầu tư và khả năng điều phối chặt chẽ các chính sách vĩ mô giữa các nước thành viên.

Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch được các nhà lãnh đạo ASEAN đặt ra trong tương lai, thực tế, để xem xét kế hoạch đó có khả thi hay không chúng ta cần xét xem ASEAN đã và đang làm được những gì, gặp khó khăn và thuận lợi gì trong việc tiến tới xây dựng AEC ?

Trước hết có thể khẳng định việc xây dựng thành công AEC trong tương lai là rất khả quan. Có thể khẳng định như vậy vì:

Thứ nhất, trong xu thế hiện nay, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN là rất cần thiết. Bởi AEC được thành lập nhằm đáp ứng những đòi hỏi tất yếu bên trong của quá trình hội nhập của ASEAN. Sự bất ổn về chính trị, khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên và sức cạnh tranh thấp là những lý do đang làm giảm sút một hình ảnh ASEAN năng động trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. AEC hình thành, liên kết trong ASEAN sẽ được tăng cường , từ đó góp phần đối phó hữu hiệu với mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc và Ấn Độ. Cộng đồng kinh tế còn giúp cho các nước tránh khỏi nguy cơ bị hòa tan trong dòng chảy hội nhập…Vì vậy sự ra đời của AEC là hết sức cần thiết.

Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tiếp tục là hai nét đặc trưng của kinh tế thế giới thời gian tới, tạo ra những tác động thuận chiều cho việc xây dựng AEC. Tự do hóa thương mại, xu thế đàm phán và kí kết các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn cầu hóa cũng mang lại cho các nước thành viên ASEAN cơ hội tăng trưởng kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống và thu nhập của người dân…

Thứ ba, quá trình hợp tác liên kết ASEAN có cơ hội được thúc đẩy mạnh hơn do sự phát triển của liên kết kinh tế Đông Á. Sự nỗ lực hợp tác giữa các nước Đông Á có ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng hợp tác, liên kết ASEAN vì ASEAN không chỉ là một bộ phận hợp thành quan trọng của Đông Á, mà ASEAN còn được coi là có vai trò nòng cốt, khởi xướng nhiều sáng kiến cho hợp tác Đông Á và châu Á, Thái Bình Dương trên lĩnh vực kinh tế và cả chính trị.

Thứ tư, thực tiễn triển khai xây dựng AEC đã có những thành tựu đáng kể. Về thương mại hàng hóa, kể từ năm 2010, các nước ASEAN-6 áp dụng thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các mặt hàng, 4 nước còn lại sẽ thực hiện vào năm 2015. Tiếp đó trên cơ sở Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT/AFTA), hiệp định ATIGA được xây dựng là chương trình giảm thuế thành công nhất của ASEAN từ trước đến nay, đồng thời cập nhật nhiều thỏa thuận mà ASEAN đã đạt được qua hơn 15 năm thực hiện CEPT/AFTA. Về thương mại dịch vụ, đầu tư Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) đã được kí tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 (02/2009) để thay thế các hiệp định AIA và IGA. Việc thu hiện thu hẹp khoảng cách phát triển và hợp tác tiểu vùng đang được tích cực triển khai. Đến nay Kế hoạch hành động IAI đã thực hiện xong giai đoạn I gồm 134 dự án với số vốn huy động là hơn 48 triêu USD và đang tiến hành triển khai Kế hoạch hành động IAI giai đoạn II (2009-2015). Hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài là một trọng tâm lớn trong hoạt động của ASEAN, trong đó EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là các đối tác nổi bật. ASEAN đã hoàn tất Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Ôxtraylia- Niudilân (02/2009) và Hiệp định đầu tư ASEAN- Hàn Quốc (06/2009). Điều này cho thấy ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực để có thể hình thành AEC đúng thời hạn.

Trong những năm gần đây tình hình phát triển cũng như hợp tác kinh tế của Asean đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Các nước ASEAN đều đạt mức tăng trưởng kinh tế cao so với các khu vực khác trên thế giới với nhịp độ tăng hằng năm từ 5% đến 10%. Với những thành tựu đáng kích lệ đó, ASEAN đang từng bước hoàn thành mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hướng tới một khu vực năng động bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhóm chúng tôi, để xây dựng thành công AEC vào năm 2015 là điều rất khó trở thành hiện thực. Bởi lẽ, con đường xây dựng AEC còn vướng phải quá nhiều khó khăn và thách thức. Có thể lý giải điều này như sau:

Một là, vấn đề khoảng cách phát triển: nội bộ Asean vẫn chứa đựng nhiều bất ổn mà trong đó là do tình trạng về khoảng cách phát triển giữa nhóm nước phát triển hơn, gồm Brunây, Inđônêxia, Malaysia, Singapoes, Philipin và Thái lan (ASEAN-6) và nhóm các nước gia nhập sau của ASEAN, gồm Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (nhóm CLMV) .Về lâu dài, nếu không có sự thu hẹp khoảng cách sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển chung, Chênh lệch khoảng cách thể hiện trên nhiều phương diện, tập trung ở một số khía cạnh như sau: Về thu nhập, mức độ tương phải giữa nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất (Singapore xấp xỉ 50 nghìn USD) và nước thấp nhất (Việt Nam 2.900USD; Mianma 1.100USD) có sự chênh lệch đáng kể. Quy mô thị trường và cấu trúc thương mại cũng có sự khác biệt: Trong khi Tổng GDP của Inđônêxia đạt 546 tỷ USD, của Thái lan, Malaisia, Singapore cũng đạt trên dưới 200 tỷ USD thì những nền kinh tế như Lào, Mianma, Campuchia chỉ đạt từ 5 đến 18 tỷ USD, thấp hơn 80 - 90 lần so với các thành viên khác. Về thương mại, Singgapore là nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất trong số 10 nước thành viên ASEAN với trị giá 516 tỷ USD - chiếm 33,5% tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của ASEAN. Tiếp đến là Thái-lan chiếm 18,6%, Malaisia chiếm 18,3%. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ba nước Lào, Mianma, Campuchia chỉ đạt 2,2%. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng: sự phát triển của 2 nhóm nước cũng được thể hiện rõ. Từ năm 2007, Singapore và Thái lan đã có hệ thống đường trải nhựa với tỷ lệ gần như 100%, Malaisia 78%. Còn ở các nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam thì đến năm 2009 tỷ lệ vẫn chỉ trên 20%. Nhóm CLMV cũng thiếu kết cấu hạ tầng "mềm" (công nghệ thông tin, viễn thông và hệ thống ITC) - điều kiện tối cần thiết cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Hai là, thị trường ASEAN là một thị trường “cộng” chứ không hoàn toàn “hòa nhập” của tất cả thị trường các nước thành viên, với những chính sách kinh tế không công khai, phát triển ở nhiều cấp độ, lại chủ yếu hướng ra bên ngoài chứ không phải vào thị trường nội khối.

Ba là, ASEAN không có một nền kinh tế đầu tàu và một đồng tiền mạnh để dẫn dắt khu vực. Trong khi đó, viễn cảnh một "Cộng đồng kinh tế Đông Á" lại tỏ ra hấp dẫn hơn AEC do khu vực này có hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và Trung Quốc. Quá trình hợp tác kinh tế cho thấy ý tưởng hình thành “đồng tiền chung” của các nước thành viên Asean là không phải bàn cãi. Điều này được lý giải là để nhằm tránh sự lệ thuộc vào đồng tiền thứ ba và giảm thiểu tác động của biến động tài chính từ bên ngoài. Tuy nhiên, ý tưởng nêu trên của các nước ASEAN khó trở thành hiện thực trong tương lai gần do GDP khác nhau và sự thiếu vắng một định chế lớn để giải quyết những đe dọa trong khu vực tài chính, giữa các nước còn nhiều khác biệt, nhất là về mức độ rủi ro và kỷ luật tài chính. Thêm vào đó, thực tiễn quốc tế hiện nay cho thấy, Euro - đồng tiền chung của Liên minh châu Âu – biểu tượng cho sự hòa hợp và phát triển kinh tế ở “Lục địa già” sau hơn 12 năm tồn tại lại đang đừng trước bờ vực phá sản. Tình hình này càng làm cho các nước trong khu vực Asean ngày cành do dự hơn nữa trong việc hình thành một đồng tiền chung của khối, đòi hỏi các nước Asean muốn hình thành đồng tiền chung cũng phải có những bước đi và tính toán chi tiết, cụ thể. Và như vậy, tương lai hình thành một đồng tiền chung của Asean là rất dài và rất xa.

Hiện nay, thời điểm 2015 để xây dựng Cộng đồng kinh tế không còn xa, nhưng rất nhiều thách thức và khó khăn đặt ra mà các nước Asean đang gặp phải là rất lớn mà đòi hỏi phải có một thời gian khá dài để giải quyết nó. Điều này càng chứng tỏ một Cộng đồng kinh tế được hoàn thành vào năm 2015 của Asean là khó trở thành hiện thực.

No comments:

Post a Comment