20/01/2015
Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về giải thể doanh nghiệp - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 1

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, tốc độ thành lập doanh nghiệp tăng nhanh một cách đáng kể. Có thể thấy đó là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước ta. Tuy vậy, bên cạnh đó, kinh tế cũng ngày một khó khăn và tính cạnh tranh ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thích nghi và đáp ứng được dẫn đến tình trạng phải giải thể doanh nghiệp. Do đó, pháp luật về giải thể là một vấn đề cấp thiết đang rất được quan tâm hiện nay. Nắm bắt tình hình đó, em xin chọn đề tài “Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về giải thể doanh nghiệp”.


NỘI DUNG

I. Giải thể doanh nghiệp:

1. Khái niệm giải thể:

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp trước hết là quyền của các thành viên doanh nghiệp. Mặt khác doanh nghiệp còn bị giải thể trong những trường hợp do pháp luật quy định.

2. Các trường hợp giải thể:

Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về các trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:

“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. “

Như vậy, theo luật doanh nghiệp, một doanh nghiệp sẽ bị giải thể trong những trường hợp sau đây:

Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ti mà không có quyết định gia hạn. Khi thành lập công ti các thành viên đã thỏa thuận, kết ước với nhau. Sự thỏa thuận, kết ước được biểu hiện bằng điều lệ công ti. Điều lệ công ti là bản cam kết của các thành viên về thành lập, hoạt động của công ti trong đó đã thảo thuận về thời hạn hoạt động. Khi hết thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ (nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động) thì công ti đương nhiên phải tiến hành giải thể.�

Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ti đối với công ti trách nhiệm hữu hạn, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Đây là trường hợp các thành viên xét thấy việc tham gia công ti không còn có lợi thì họ có thể thỏa thuận để yêu cầu giải thể công ti.

Công ti không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật trong thời hạn 6 tháng liên tục.

Có đủ số lượng thành viên tối thiểu là một trong những điều kiện pháp lí để công ti tồn tại và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ti là khác nhau. Khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu, để tiếp tục tồn tại, công ti phải kết nạp thêm các thành viên cho đủ số lượng tối thiểu. Thời hạn để công ti thực hiện việc kết nạp thêm thành viên là 6 tháng kể từ ngày công ti không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu công ti không kết nạp thêm thành viên, dẫn đến công ti tồn tại không đủ số lượng thành viên tối thiểu trong 6 tháng liên tục thì công ti phải giải thể.

Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh

Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh là căn cứ pháp lí không thể thiếu cho sự tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, công ti nói riêng. Khi công ti kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thì công ti không thể tiếp tục tồn tại, hoạt động. Trong những trường hợp này công ti phải giải thể theo yêu cầu của cơ quan đăng kí kinh doanh (theo khảon 2 điều 165 Luật Doanh nghiệp).�

3. Thủ tục giải thể công ti:

Điều 158 Luật Doanh nghiệp quy định về thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau:

“Việc giải thể doanh nghiệp được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

b) Lý do giải thể;

c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá sáu tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

2. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Quyết định giải thể phải được gửi cho các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

4. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

b) Nợ thuế và các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

5. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

6. Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định tại Điều này.

Sau thời hạn sáu tháng quy định tại khoản này mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.”

Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp và thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ. Vì vậy, việc giải thể doanh nghiệp phải tuân theo những thủ tục nhất định.

Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi rơi vào một trong những trường hợp bị giải thể, để tiến hành việc giải thể, doanh nghiệp phải thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 1, điều 158 Luật Doanh nghiệp.

Sau khi thông qua quyết định giải thể, doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng kí kinh doanh, các chủ nợ, người lao động, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan. Quyết định giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính của công ti và phải đăng ít nhất trên một tờ bào viết hoặc bào điện tử trong ba số liên tiếp.

Khi gửi quyết định giải thể cho các chủ nợ, công ty phải gửi kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo này phải ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nợ, số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó, cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp

Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ là vấn đề quan trọng, chủ yếu của doanh nghiệp giải thể. Việc thanh toán các khỏan nợ là rất phức tạp vì liên quan đến quyền lợi của nhiều người, do đó phải tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định. Trước hết phải thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ, sau đó tiến hành phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp cho các thành viên. Phần hoàn lại cho các thành viên có thể nhiều hơn hoặc ít hơn phần vốn góp ban đầu, điều đó tùy thuộc vào tình trạng tài sản của doanh nghiệp.

Sau khi thanh toán hết nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải gửi hồ sơ về giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng kí kinh doanh. Cơ quan đăng kí kinh doanh trong thừoi hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ về giải thể doanh nghiệp, phải xóa tên doanh nghiệp trong sổ đang kí kinh doanh. Doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại từ khi bị xóa tên trong sổ đăng kí kinh doanh.�

4. Các hoạt động bị cấm kể từ khi giải thể doanh nghiệp:

Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Cất giấu, tẩu tán tài sản;

2. Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

3. Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

4. Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện giải thể doanh nghiệp;

5. Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

6. Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

7. Huy động vốn dưới mọi hình thức khác.

Có thể thấy, đây là một điều luật mới so với Luật Doanh nghiệp 1999. Điều 159 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như vậy là để bảo vệ lợi ích của chủ nợ, khách hàng và người tiêu dùng.

II. Ưu và nhược điểm của giải thể doanh nghiệp:

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp thích nghi được với môi trường kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kinh doanh hiệu quả, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp không theo kịp hoặc không có khả năng thích ứng với thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả dẫn tới hậu quả phải giải thể.

Trong những trường hợp này, tuy doanh nghiệp không mong đợi, nhưng sự giải thể vẫn thường xuyên xảy ra, phải coi đây là hiện tượng bình thường, nhất là trong nền kinh tế thị trường.

Vì vậy, giải thể có hai mặt trọng một vấn đề, nó có những ưu và nhược điểm nhất định.

1. Ưu điểm:

Đối với doanh nghiệp:

-  Giải thể xuất phát chủ yếu từ ý chí chủ quan của chủ sở hữu Doanh nghiệp tư nhân), tất cả các thành viên hợp danh ( Công ty hợp danh), Hội đồng thành viên, chủ sở hữu Công ty (Công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông (Công ty cổ phần) khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không tìm được hướng đi mới hoặc nó đã thực hiện xong nhiệm vụ đặt ra khi thành lập. Giải thể doanh nghiệp có yếu tố tự quyết của chủ doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp giải thể chỉ đơn thuần là giải quyết dứt điểm tình trạng công nợ, thanh lý tài sản chia cho các cổ đông, trả giấy phép.

- Giám đốc doanh nghiệp giải thể có thể đứng ra thành lập, điều hành công ty mới

- Doanh nghiệp giải thể sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản vẫn có thể chuyển sang một ngành nghề kinh doanh khác nếu có thể.

Đối với nền kinh tế:

Nó có tác dụng tích cực sắp xếp lại sản xuất theo hướng có hiệu quả hơn

Đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, thích ứng với môi trường kinh doanh thường xuyên biến động hiện nay

Thúc đẩy việc phân công lao động một cách hợp lý và có hiệu quả.�

2. Nhược điểm:

- Giải thể bao giờ cũng dẫn đến việc chấm dứt hoạt động, tồn tại của doanh nghiệp, xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế 

- Nó gây ra những hậu quả mà phải mất một thời gian nhất định mới có thể khắc phục được như: thất nghiệp, nợ nần, làm giảm sự phát triển của một vùng thậm chí ở một quốc gia…�

- Tuy nhiện, hiện nay quy định về giải thể doanh nghiệp chưa có sự thống nhất về cách hiểu. Điều 51 Điều lệ mẫu của Bộ tài chính quy định: “Trừ khi Điều lệ này có quy định khác, các cổ đông nắm giữ một nửa số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết trong bầu cử thành viên Hội đồng quản trị có quyền đệ đơn khiếu nại tới Tòa để yêu cầu giải thể theo một hay một số các căn cứ sau.”

Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp quy định công ty cổ phần bị giải thể “theo quyết định của đại hội đồng cổ đông.” Do đó, vấn đề giải thể đối với một công ty cổ phần sẽ do đại hội dồng cổ đông của chính công ty đó quyết định. Mặt khác, Tòa án không xem xét và quyết định việc giải thể mà chỉ xem xét và quyết định đối với trình tự phá sản của công ty theo pháp luật về phá sản. Do đó, quy định tại điều 51, Điều lệ mẫu của Bộ Tài chính không phù hợp với thực tế hoạt động của Tòa án và vi phạm quy định tại điều 157.1.b của Luật Doanh nghiệp.

Ngoài các quy định vi phạm nêu trên, Quyết định số 16/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ mẫu còn rất nhiều điểm không hợp lý, thậm chí không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.�

III. Thực trạng của việc giải thể doanh nghiệp ở nước ta hiện nay:

1. Thực trạng giải thể doanh nghiệp ở nước ta hiện nay:

Trong năm 2011, tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng mạnh so với các năm trước đây, cụ thể, năm 2011, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53.972, tăng 24,8% so với năm 2010. Trong đó, số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7.611, tăng gần 15% so với năm 2010; số doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động hoặc không đăng ký nhưng ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 46.361, tăng 26,6% so với năm 2010. Tiếp đó, trong năm 2012, cụ thể tính đến 31/12/2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 54.261 doanh nghiệp (con số này cao hơn so với năm 2011).

Tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong quý 1-2013 tiếp tục xu hướng xấu. Cụ thể, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết số doanh nghiệp giải thể trong quý 1-2013 là 2.272 doanh nghiệp (đã hoàn thành các thủ tục giải thể doanh nghiệp). Các địa bàn có nhiều doanh nghiệp giải thể là TP.HCM, Hà Nội, Thái Bình, Khánh Hòa… Trong 3 tháng này, cả nước có 13.011 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp dừng hoạt động trong quý 1-2013 thực tế đã tăng 26,1% so với cùng kỳ quý 1-2012. Như vậy, nếu tính tổng số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động trong quý vừa qua đã lên tới trên 15.200 doanh nghiệp.

Về cơ cấu theo địa bàn, các doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động vẫn tập trung chủ yếu tại các địa bàn truyền thống: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Về ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, đa số các lĩnh vực kinh doanh truyền thống đều có số doanh nghiệp phải dừng hoạt động gia tăng so với cùng kỳ năm 2012, nhiều nhất là ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp theo là các lĩnh vực: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác.

2. Nguyên nhân của việc giải thể doanh nghiệp ở nước ta hiện nay:

- Đầu tư và tiêu dùng giảm do chịu ảnh hưởng của việc áp dụng chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được xem là nguyên nhân thứ nhất. - Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu đã tác động đến sức tiêu thụ tại các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp. - Việc thực hiện các cam kết hội nhập về giảm dần thuế quan và cắt bỏ hàng rào phi thuế quan, dẫn đến áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài rất lớn, trong khi đó khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước chưa cao. - Lãi suất huy động vốn cao và kéo dài, giá các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, dầu, điện tăng làm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, trong khi giá một số mặt hàng chủ lực như nông sản giảm. - Quản trị tài chính và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế như nhiều doanh nghiệp kinh doanh dàn trải, đa ngành nghề, phụ thuộc nhiều vào vốn vay, không đủ năng lực hấp thu vốn, giá trị gia tăng thấp.

3. Giải pháp:

Cần có những chính sách giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu, bất động sản, cũng như xây dựng mục tiêu dài hạn, giải quyết đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hệ thống thể chế và tập trung hướng tới nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần cụ thể hóa những nội dung và điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng - minh bạch đưa vào đúng chủ thể, tránh lợi dụng thất thoát và lãng phí. Đồng thời, tạo nên phong cách điều hành mới sâu sát có trách nhiệm, có kỷ cương, tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời có chế tài xử lý những sai phạm, tạo dựng lại kỷ cương, kỷ luật điều hành quản lý theo pháp luật; kịp thời tháo gỡ khó khăn linh hoạt trong điều hành. Nếu triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thì năm nay các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những quyết sách này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dù làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng đây cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận… và sẽ tác dụng trở lại góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần.

Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai; cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp; quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên vào những giải pháp cụ thể sau: Thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; Đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại…; Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực; Thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.�

IV. Kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp về vấn đề giải thể:

Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa có chế tài đủ sức răn đe với các giới chủ, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản. Hiện chỉ có quy định xử phạt "không thấm vào đâu" từ 1 đến 3 triệu với hành vi không đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp quy định điều kiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là cần xác định doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở 6 tháng liên tục. Cơ quan đăng ký kinh doanh không đủ khả năng xác định tính liên tục trong hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mất rất nhiều thời gian.

Cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng tăng chế tài xử phạt. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp “treo” không thực hiện đăng ký ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, có mức nợ thuế Nhà nước lớn sẽ không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp cho đến khi tuân thủ quy định.

Đồng thời, giãn thời hạn thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp từ 6 tháng lên 9 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể. Trường hợp đặc biệt có thể gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh xin gia hạn nhưng không quá 12 tháng.�

KẾT LUẬN

Luật doanh nghiệp 2005 được đánh giá là phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế hiện nay của nước ta nhưng lại đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, bình đẳng. Một đạo luật tiến bộ như vậy, mới mẻ như vậy những nắm bắt nó cũng không dễ dàng, cụ thể là các quy định về giải thể. Do vậy, khi đi đến quyết định giải thể, các chủ doanh nghiệp cần nắm rõ các thủ tục pháp lý về vấn đề này. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế ngày càng nhiều biến động cũng đòi hỏi các nhà làm luật không ngừng hoàn thiện pháp luật, luật doanh nghiệp nói chung cũng như quy định về giải thể nói riêng để phù hợp với bối cảnh hội nhập của đất nước.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, 2006. Giáo trình Luật thương mại Việt Nam I. Nxb Công an nhân dân.

2. Ts. Bùi Ngọc Cường (Chủ biên). Giáo trình Luật thương mại Việt Nam 1. Nxb Giáo dục.

3. Nguyễn Bích Hạnh, 2008. Hỏi đáp về Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia.

4. Nguyễn Phan Thái Vũ, 2010. Hỏi đáp Luật Doanh nghiệp. Nxb Lao động.

5. Một số website:

Khó khăn của Doanh nghiệp: Vấn đề và giải pháp

http://ecna.gov.vn/ct/ht/Lists/BaiViet/Attachments/186/Kho%20khan%20cua%20doanh%20nghiep%20-%20Van%20de%20va%20giai%20phap%20-%20TS%20Nguyen%20Dinh%20Cung.pdf

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và giải pháp hỗ trợ năm 2013

http://www.tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Doanh-nghiep-nho-va-vua-Thuc-trang-va-giai-phap-ho-tro-nam-2013/22487.tctc

Chính phủ lý giải nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó khăn

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-chinh-phu-ly-giai-nguyen-nhan-doanh-nghiep-gap-kho-khan-2126.html

Phân biệt phá sản và giải thể

http://thoimocua.com/doanh-nghiep/luat-thuong-mai/2990-phan-bit-pha-sn-va-gii-th.html

� Trang 142, 143 Giáo trình Luật thương mại Việt Nam 1, Trường Đại học Luật Hà Nội

� Trang 143, 144 Giáo trình Luật thương mại Việt Nam 1, Trường Đại học Luật Hà Nội

� Trang 70, 71 Giáo tình Luật Thương Mại Việt Nam 1 - Ts Bùi Ngọc Cường

� Trang 130 Hỏi đáp về Luật Doanh nghiệp – Luật sư Nguyễn Bích Hạnh

� Trang 131, Hỏi đáp Luật Doanh nghiệp – Luật sư Nguyễn Bích Hạnh

� Trang 296, 297 Hỏi đáp Luật Doanh nghiệp – Luật gia Nguyễn Phan Thái Vũ

� Theo Ts Cao Sỹ Kiêm - Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và giải pháp hỗ trợ năm 2013

� Theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Trưởng phòng nghiệp vụ Đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

No comments:

Post a Comment