18/06/2014
Khoa học tội phạm học Xô Viết và Bài học kinh nghiệm đối với khoa học tội phạm học ở Việt Nam
Khoa học tội phạm học Xô Viết và Bài học kinh nghiệm đối với khoa học tội phạm học ở Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Đức
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu TPH&PNTPH

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, chính quyền Xô viết non trẻ đã ban hành nhiều sắc luật để củng cố, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội, cải tổ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc bảo vệ chế độ mới - đó là tập trung đấu tranh chống bọn phản cách mạng, tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội.


Theo V.I. Lênin quá trình cải tạo xã hội cũ là một “quá trình phức tạp và lâu dài” và muốn xây dựng thành công xã hội mới thì cần phải thủ tiêu các hiện tượng tiêu cực và tội phạm[1]. Bên cạnh đó nhiều nhà lãnh đạo Xô viết cũng nhấn mạnh rằng: “chủ nghĩa xã hội không diệt trừ ngay được thói quen bất lương và cũng không thiết lập ngay được sự công bằng cho mọi người”, và nếu không có biện pháp thích hợp thì “những điều ác, sự rác rưởi, đố kỵ sẽ giết chết sự công bằng; sẽ xâm phạm đến sở hữu của nhà nước, của nhân dân, đến các chuẩn mực của chế độ xã hội mới”[2]. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, nhà nước Xô viết đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng lý luận về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, trong đó có việc xây dựng và phát triển khoa học về Tội phạm học (TPH). Căn cứ vào lịch sử của Nhà nước Xô viết và Liên bang Nga ngày nay, có thể chia các giai đoạn phát triển của ngành TPH Xô viết và Liêng bang Nga thành các giai đoạn sau: 


Giai đoạn 1917-1920, những người đặt nền móng cho khoa học TPH Xô viết giai đoạn này đó là V.I. Lênin và những nhà lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực giáo dục xã hội và bảo vệ trật tự xã hội tiêu biểu như: Dzerzinski Ph.E.; Krolovski M.U.; Krưlenko N.V.; Stutrki P.I;… Trong giai đoạn này V.I. Lênin và các nhà khoa học đã nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm phản cách mạng trong giai đoạn đầu của cách mạng, đấu tranh chống lại những thói quen tiêu cực của xã hội cũ và xây dựng hệ thống các nguyên tắc về phòng ngừa, đấu tranh. Tuy nhiên một số quy định về nguyên tắc và cấu trúc hệ thống phòng ngừa, phương pháp luận đối với việc đánh giá tình hình tội phạm không có giá trị vững chắc đối với TPH. Và đã xuất hiện những sự phê phán về các quan điểm tội phạm học của V.I. Lênin và những người đại diện cho trường phái Tội phạm học Mác xít[3]. 

Giai đoạn 1920-1950, vấn đề đặt ra với khoa học Tội phạm học Xô viết, đòi hỏi phải xây dựng ra phương pháp luận và nguyên lý của TPH, loại bỏ ảnh hưởng của trường phái TPH tư sản với thuyết sinh vật học. Hàng loạt những vẫn đề về phương pháp luận đặt ra và tranh luận tích cực. Nhiều quan điểm cho rằng, việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm và đề ra giải pháp đấu tranh đó là nhiệm vụ của khoa học hình sự. Nhưng có các quan điểm ngược lại cho rằng, vấn đề này phải đặt trong một ngành khoa học độc lập đó là TPH[4]. Mặc dù vẫn còn tranh luận về mặt lý luận, nhưng thực tiễn chính quyền Xô viết vẫn tiến hành các hoạt động tích cực trong lĩnh vực TPH. Cụ thể là trong thời gian này việc nghiên cứu TPH được thực hiện bởi Trung tâm quản lý thống kê của Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga (được thành lập vào năm 1918, và đến năm 1923 Trung tâm thống kê như vậy được thành lập thuộc Liên Xô). Cả hai Trung tâm này có nhiệm vụ hệ thống hóa các số liệu về tội phạm, các vi phạm pháp luật khác, phạm nhân, nhân thân người bị kết án (ngay từ năm 1920 có đến 85% các tỉnh và vùng trên lãnh thổ Liên Xô được thống kê)[5] và các số liệu này hàng năm đều được công bố công khai. Từ năm 1922-1926 mạng lưới các cơ quan khoa học phòng ngừa tội phạm mở rộng và được thành lập trên toàn Liên Xô (ở Saratov, Mátxcơva, Lêningrát, Rostov, Belarus, Bacu, Tibilisi, Zakapcas, Kiev). Để thống nhất việc nghiên cứu TPH trên toàn Liên Xô, khắc phục những thiếu sót trong phương pháp luận nghiên cứu, ngày 25 tháng 3 năm 1925 Ủy ban Đại hội đồng nhân dân nước Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga đã ra Nghị quyết thành lập Viện nghiên cứu quốc gia về tội phạm và người phạm tội. Và đến năm 1931 Viện này được cải tổ và đổi tên thành Viện chính sách hình sự và cải tạo lao động. Trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1939-1945), việc nghiên cứu TPH vẫn được tiến hành, nhưng do chiến tranh nên bị gián đoạn trong một thời gian dài. 

Giai đoạn 1950-1990, do sự thay đổi tình hình xã hội ở Liên Xô sau năm 1953 đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải khôi phục lại việc nghiên cứu TPH. Lần lượt các trung tâm và các ban nghiên cứu TPH của Viện nhà nước và pháp luật thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát ra đời để nghiên cứu TPH. Đồng thời bộ môn TPH thuộc Khoa luật Trường đại học tổng hợp mang tên Lômônôxốp (MGU) và ở các trường đại học khác lần lượt ra đời và từ năm 1964 môn TPH chính thức trở thành môn học bắt buộc đối với các sinh viên luật. Năm 1963 Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành quyết định thành lập Viện nghiên cứu Liên bang Xô viết về nguyên nhân và soạn thảo các biện pháp phòng ngừa tội phạm – đây là cơ quan nghiên cứu TPH hàng đầu của Liên Xô. Kinh phí hoạt động của các cơ quan này được trích từ kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm của Chính phủ. Trong giai đoạn này nghiên cứu khoa học phòng ngừa tội phạm được phát triển mang tính quy mô, các định hướng khoa học được chương trình hóa tổ chức đấu tranh chống tội phạm trên các khu vực khác nhau của Liên Xô (như: Baku, Dubna, Irkusk, Leningrat, Lưvob, Matxcơva, Novopolosk,…). Có thể khẳng định rằng đến năm 1984 khoa học về cơ sở lý luận TPH Xô viết tương đối hoàn thiện với nhiều công trình ngiên cứu của các nhà tội phạm học nổi tiếng góp phần quan trọng vào việc đấu tranh đối với một số loại tội phạm, tội phạm có tổ chức, khủng bố. 

Giai đoạn 1990 đến nay, sau sự kiện năm 1991, nước Nga chuyển sang một chế độ chính trị mới, nhưng toàn bộ hệ thống các cơ quan nghiên cứu TPH thời kỳ Xô viết vẫn được duy trì và phát triển để thực hiện nhiệm vụ vốn có của mình trên cơ sở kinh phí từ ngân sách nhà nước Liên bang Nga. Đến năm 1989 Viện nghiên cứu Liên bang Xô viết về nguyên nhân và soạn thảo các biện pháp phòng ngừa tội phạm được chuyển và đổi tên thành Viện nghiên cứu khoa học các vấn đề củng cố pháp lý và trật tự pháp luật thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga, nhưng giữ vai trò là trung tâm nghiên cứu TPH hàng đầu của Liên bang Nga ngày nay. Kết quả nghiên cứu của Viện này và các cơ quan nghiên cứu TPH khác đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính sách hình sự, chiến lược phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, buôn lậu ma túy, tội phạm khủng bố; xây dựng Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005), Bộ luật thi hành án phạt tù 1998 (sửa đổi năm 2004) và một số luật khác. Hàng năm các nhà TPH có nhiệm vụ tham gia giúp Quốc hội Liên bang Nga soạn thảo các các dự án luật và các văn bản quy phạm mang tính chỉ đạo khác của Chính phủ Liên bang Nga về các vấn đề phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, ngành khoa học Tội phạm học ở Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay phát triển rất sớm và trở thành một ngành “khoa học quan trọng không thể thiếu trong việc dự báo tình hình tội phạm, hoạch định chính sách hình sự và chính sách xã hội”[6], góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội qua các thời kỳ phát triển của đất nước Xô viết và Liên bang Nga ngày nay. 

Ngành TPH nước ta phát triển chậm so với các nước trên thế giới, mặc dù ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta luôn quan tâm và giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiên cứu lý luận về phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, mãi đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước mới có một số công trình gồm các đề tài khoa học, sách chuyên khảo liên quan[7] đến khoa học TPH. Kết quả nghiên cứu của các công trình này đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện chính sách hình sự của Nhà nước; lý luận phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong những năm qua. Môn học TPH chính thức được đưa vào giảng dạy tại các trường: Đại học Luật Hà Nội. Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1998, và tiếp đó là tại khoa Luật Đại học quốc gia, Đại học Cảnh sát, Đại học An ninh[8],… Và đến năm 2002 Học viện Cảnh sát nhân dân chính thức được đào tạo sau đại học mã ngành Tội phạm học và Điều tra tội phạm.

Trước yêu cầu cấp bách cả về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, tháng 6/2007 Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (TPH và PNTP) thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an được thành lập với chức năng: tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về TPH và khoa học phòng chống tội phạm phục vụ công tác của lực lượng CSND; nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, biện pháp nghiệp vụ về phòng ngừa tội phạm; hợp tác quốc tế về nghiên cứu tội phạm[9]. Đây là Trung tâm Nghiên cứu TPH duy nhất ở Việt Nam hiện nay, sau hơn một năm thành lập với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Bộ Công an, tổ chức hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu TPH và PNTP đang dần từng bước hoàn thiện, tập thể cán bộ, giáo viên của Trung tâm đang nỗ lực đặt những “viên gạch” để xây dựng nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu khoa học TPH trong lực lượng CSND ở nước ta hiện nay. 

Như vậy, nhìn về lịch sử phát triển của ngành TPH nước nhà chúng ta thấy rằng, về mặt pháp lý, đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào của Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan bảo vệ pháp luật nào trực tiếp thực hiện chức năng nghiên cứu TPH, hoặc có quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển ngành TPH nước nhà, cũng như phục vụ việc nghiên cứu TPH và xây dựng, hoàn thiện lý luận về TPH phù hợp với điều kiện của nước ta. Mà chỉ có các chế định nằm ở các ngành luật, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thực tế, việc nghiên cứu TPH chưa mang tính chiến lược, chủ yếu mang tính tự phát, cơ quan bảo vệ pháp luật nào có nhu cầu nghiên cứu phục vụ công tác của ngành mình thì mới quan tâm nghiên cứu theo từng vấn đề tại thời điểm đó. Hoặc nghiên cứu dưới dạng các luận văn, luận án, bài báo khoa học tại Học viện CSND, Học viện An ninh nhân dân, Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở khác đào tạo sau đại học chuyên ngành luật học. Mặc dù có một số các công trình có giá trị của các nhà khoa học nghiên cứu về TPH nhưng chủ yếu là sự nỗ lực của cá nhân các nhà khoa học và chỉ có phần nhỏ sự hỗ trợ kinh phí của cơ quan chủ quản. Đa số các công trình tập trung nghiên cứu về vấn đề tình hình tội phạm thuộc một số lĩnh vực cụ thể và thực tiễn đấu tranh phòng, chống của các cơ quan chức năng. Ít có công trình nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ nhất về tình hình tội phạm; nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm; nhân thân người phạm tội cũng như kết quả thực tiễn phòng ngừa tội phạm trên các lĩnh vực. Hoặc ít có các công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn thường xuyên về công tác dự báo tội phạm. Có thể nói rằng, về lý luận TPH, duy nhất có công trình của PGS,TS. Nguyễn Xuân Yêm: “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm” năm 2001 là tương đối hoàn thiện về khoa học lý luận Tội phạm học ở Việt Nam hiện nay.

Với những lý do nêu trên có thể khẳng định rằng sự phát triển của ngành TPH nước nhà vẫn còn chậm và chưa được đầu tư đầy đủ để trở thành một ngành khoa học xã hội quan trọng góp phần vào việc dự báo và tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. So sánh với những thành quả và kinh nghiệm xây dựng và phát triển của ngành TPH Liên Xô và Liên bang Nga, chúng tôi xin nêu một số ý kiến nhằm góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện ngành khoa học TPH ở Việt Nam hiện nay:

Một là, cần thiết phải có sự nhận thức đầy đủ về vai trò của khoa học TPH trong hệ thống khoa học xã hội; Nhà nước cần cấp kinh phí và đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hoàn thiện vấn đề lý luận về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm dưới góc độ khoa học TPH, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước hội nhập vào nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về hoạt động nghiên cứu TPH, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tổ chức công tác nghiên cứu TPH. Cụ thể là Nhà nước cần ban hành văn bản pháp luật quy định rõ: mục đích, nhiệm vụ, chức năng, nguyên tắc, hình thức tổ chức nghiên cứu TPH; hình thức công bố các số liệu, kết quả nghiên cứu, dự báo tình hình tội phạm; cơ cấu tổ chức cơ quan nghiên cứu và trách nhiệm đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách và các dự án luật về phòng, chống tội phạm. 

Ba là, có thể thiết lập hệ thống cơ quan thực hiện chức năng nghiên cứu TPH ở cấp độ “Viện nghiên cứu Tội phạm học” thành đơn vị tương đương cấp Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an với trụ sở chính đặt tại Hà Nội và chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh như các đơn vị khác của Bộ Công an; đồng thời xây dựng quy chế pháp lý cho sự hoạt động của “Viện nghiên cứu Tội phạm học”, cũng như quy chế phối hợp mang tính bắt buộc giữa cơ quan trực tiếp nghiên cứu TPH với các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các cơ quan khác có liên quan như (Hải Quan, Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Viện kiểm sát, Tòa án,…) về trách nhiệm trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, hợp tác nghiên cứu TPH.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học lý luận về TPH tại các trường đào tạo luật và bảo vệ pháp luật, cũng như là tại các cơ sở nghiên cứu pháp lý. Cụ thể là, Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể giao nhiệm vụ nghiên cứu TPH theo từng lĩnh vực kinh tế-xã hội. Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên cơ sở kế hoạch đó cụ thể hóa các đề tài nghiên cứu cho từng năm, theo hướng chuyên sâu làm luận cứ khoa học về các giải pháp phòng ngừa xã hội và nghiệp vụ. Đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo sau đại học về chuyên ngành TPH để có những chuyên gia chuyên sâu về TPH (bao gồm các nhánh khoa học cùng nhóm: Xã hội học tội phạm; Nạn nhân học tội phạm; Tâm lý học tội phạm;…) làm nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích và đấu tranh chống tội phạm trong thực tiễn. Hàng năm cơ quan nghiên cứu TPH tổ chức các lớp tập huấn theo định kỳ về kiến thức TPH cho các điều tra viên, trinh sát, thẩm phán, kiểm sát viên, quản giáo, thanh tra, hải quan, bộ đội biên phòng và một số nhân viên khác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa hợp tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu Tội phạm học,.... 

Trên đây là một số suy nghĩ ban đầu về kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khoa học TPH Xô viết và ở Liên bang Nga đối với việc phát triển, hoàn thiện khoa học TPH ở Việt Nam, rất mong các nhà khoa học, luật học, các chuyên gia trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm quan tâm, đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực này nhằm xây dựng, phát triển và hoàn thiện lý luận về khoa học TPH nước nhà, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự xã hội ở nước ta hiện nay. 
________________________________________
[1] Xem. V.I. Lênin. Toàn tập, tập 35. M. 1977, tr. 95 (bản tiếng Nga). 
[2] Xem. Ia.A. Berman. Tạp chí: Cách mạng vô sản và pháp luật. Số 1/1918 và số 2/1919 (bản tiếng Nga). 
[3] Xem. Kuznesovoi N.Ph., Luneeva V.V. Tội phạm học. M. 2005. tr.34-35 (bản tiếng Nga). 
[4] Xem. PGS,TS. Nguyễn Xuân Yêm. Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm. Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2001. tr.65.
[5] Xem. Kuznesovoi N.Ph., Luneeva V.V. Sđd. tr. 37.
[6] Xem. Bài phát biểu của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện nghiên cứu khoa học các vấn đề củng cố pháp lý và trật tự pháp luật thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga, tháng 5/2003. Báo Nước Nga. Ngày 21/5/2003. 
[7] Xem. “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm và đấu tranh chống tội phạm” (Viện nhà nước và pháp luật 1985); “Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam” (GS,TS. Đào Trí Úc, 1995); “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm” (của PGS,TS. Nguyễn Xuân Yêm, 2001); Giáo trình “Tội phạm học đại cương” (của PGS,TS. Đỗ Ngọc Quang, 1998);… 
[8] Cụ thể xem: PGS,TS. Nguyễn Xuân Yêm. “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm. Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2001, trang 65-67. 
[9] Xem. Quyết định số 1593/2007/QĐ-X11(X12) ngày 23/8/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Nghiên cứu TPH&PNTP. 

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment