27/07/2014
Nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án nhân dân
Theo quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan thì Tòa án cần phải thực sự độc lập trong hoạt động xét xử. Đã có rất nhiều các quy định pháp luật đã được ban hành trong thời gian qua nhằm giúp cho Tòa án thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động của mình Tòa án vẫn còn phải chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, từ sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan khác đến những bất cập trong quy định của pháp luật khiến cho Tòa án đôi khi không thực sự khách quan khi xét xử.

1  ĐẶT VẤN ĐỀ

Một trong những tiêu chí hàng đầu được đặt ra trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) là phải luôn đảm bảo tính khách quan, sự công minh của người cầm cân nảy mực. Và để đạt được tiêu chí này thì đòi hỏi trong hoạt động của mình TAND phải độc lập. Có thực sự độc lập, không lệ thuộc vào các cơ quan khác thì TAND mới thực sự khách quan trong việc phán xét các vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND thì nguyên tắc độc lập luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là nguyên tắc Hiến định và được cụ thể hóa trong tất cả các văn bản luật có liên quan đến TAND.[2] Ngoài nguyên tắc này thì cũng có rất nhiều những quy định khác được đặt ra nhằm đảm bảo sự độc lập của TAND. Tuy nhiên bên cạnh đó thì vẫn tồn tại những hạn chế trong cả tổ chức và hoạt động của TAND, mà những hạn chế này ít nhiều khiến cho TAND không thực sự khách quan trong hoạt động xét xử. Để phân tích những bất cập trong tổ chức và hoạt động của TAND liên quan đến tính độc lập người viết sẽ trình bày một số nội dung chính sau đây. Thứ nhất, người viết sẽ xem xét nội dung của các quy định có liên quan đến nguyên tắc độc lập và những đảm bảo cho sự độc lập của TAND. Trên cơ sở đó, nội dung của nguyên tắc độc lập trong xét xử của TAND sẽ được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Cuối cùng, bài viết sẽ phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến sự độc lập trong hoạt động xét xử của TAND.

2 NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TAND

2.1    Cơ sở pháp lý của nguyên tắc

Tính độc lập trong hoạt động của TAND được quy định rất rành mạch trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, từ Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa 10 (Hiến pháp 1992) đến Luật tổ chức TAND 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003, cụ thể như sau:

- Điều 130 Hiến pháp 1992 quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”

- Tương tự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002,[3] Bộ luật tố tụng hình sự 2003[4] và Bộ luật tố tụng dân sự 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2011 (Bộ luật tố tụng dân sự 2005)[5] cũng yêu cầu Thẩm phán và Hội thẩm phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.

2.2    Những quy định nhằm đảm bảo sự độc lập của TAND

Ngoài những quy định trực tiếp liên quan đến yêu cầu độc lập khi xét xử thì trong tổ chức và hoạt động của TAND cũng có những quy định nhằm góp phần giúp Tòa án độc lập. Thứ nhất là quy định về việc bổ nhiệm các Thẩm phán của TAND. Trước đây theo quy định của Hiến pháp 1980 thì Thẩm phán ở TAND các cấp sẽ được cơ quan quyền lực cùng cấp bầu ra.[6] Và chính vì do một cơ quan khác bầu ra, cụ thể là Thẩm phán của TAND tối cao do Quốc hội bầu ra và Thẩm phán của TAND địa phương sẽ do do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, cho nên trong hoạt động của mình TAND khi giải quyết những vụ việc có liên quan đến cơ quan đã bầu ra mình thì khó đảm bảo tính khách quan. Do đó, trong hoạt động của mình thì các Thẩm phán ít nhiều bị áp lực từ các cơ quan đã bầu ra Thẩm phán. Chính vì hạn chế đó, đến Hiến pháp 1992 thì nguyên tắc bầu thẩm phán bị thay thế bằng nguyên tắc bổ nhiệm thẩm phán nhằm giúp Thẩm phán độc lập và khách quan khi xét xử.[7] Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Thẩm phán TAND tối cao là do Chủ tịch nước bổ nhiệm[8] và Thẩm phán của TAND địa phương là do Chánh án TAND tối cao trực tiếp bổ nhiệm.[9] Quy định này đã giúp giảm thiểu sự lệ thuộc của các thẩm phán vào các cơ quan khác, từ đó có thể có được những phán quyết độc lập hơn khi xét xử.

Thứ hai là quy định có liên quan đến quy trình bổ nhiệm Phó chánh án và Thẩm phán của TAND tối cao. Nếu chúng ta đặt quy trình hình thành các thành viên của Chính phủ, cụ thể là Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, với các thành viên của TAND tối cao thì sẽ có sự khác biệt và chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên sự độc lập của TAND. Theo đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được Thủ tướng trình cho Quốc hội phê chuẩn và trên cơ sở đó Chủ tịch nước bổ nhiệm.[10] Còn đối với Phó chánh án và Thẩm phán TAND tối cao thì được Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.[11] Như vậy, đối với Chính phủ, một cơ quan về mặt tính chất là cơ quan chấp hành của Quốc hội[12] thì các thành viên của Chính phủ phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Ngược lại, TAND với chức năng xét xử đòi hỏi phải thực sự độc lập trong tổ chức và hoạt động thì các thành viên của TAND tối cao, ngoại trừ Chánh án, không cần phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi Chủ tịch nước bổ nhiệm.

2.3    Nội dung của nguyên tắc độc lập

Từ việc phân tích các quy định trên chúng ta sẽ thấy rằng TAND khi xét xử phải hoàn toàn độc lập và chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật để thực hiện chức năng của mình. Nguyên tắc độc lập của TAND có thể được phân chia thành một số nội dung như sau:

- TAND xét xử độc lập với các cơ quan khác;

- TAND xét xử độc lập với cơ quan Tòa án cấp trên;

- Thành viên của Hội đồng xét xử phải độc lập với nhau.

2.3.1    Trong xét xử Tòa án độc lập với các cơ quan khác

Trong hoạt động xét xử thì Tòa án phải không bị lệ thuộc, bị áp lực từ phía các cơ quan khác kể cả cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng. Kim chỉ nam duy nhất để Tòa án căn cứ vào khi xét xử là các quy định của pháp luật có liên quan. Tòa án không phải chịu sự chỉ đạo của bất kì cơ quan nào khác.

Đối với các cơ quan nhà nước thì rõ ràng các cơ quan này không có trách nhiệm và quyền hạn trong việc xét xử, đây là chức năng của Tòa án. Theo quy định tại điều 2 Hiến pháp 1992 thì mặc dù quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất nhưng đối với các cơ quan nhà nước thì về mặt chức năng có sự phân công một cách rõ ràng. Mỗi cơ quan đều có một chức năng riêng tương ứng, và mối liên hệ giữa các cơ quan nhà nước là sự phối hợp với nhau để tạo nên sự đồng bộ nhằm thực hiên các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Yêu cầu về sự phối hợp không có nghĩa là các cơ quan nhà nước khác có quyền gây áp lực và tác động lên hoạt động xét xử cả Tòa án. Mà ngược lại, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khác là phải thực hiện đúng và tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần giúp Tòa án thực hiện chức năng xét xử.

Đối với các cơ quan Đảng thì mặc dù, về nguyên tắc, trong hoạt động của mình Tòa án phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng,[13] nhưng Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền[14] hoạt động theo nguyên tắc pháp chế[15] và mọi hoạt động của Đảng, kể cả hoạt động lãnh đạo, cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.[16] Vì lẽ đó, trong hoạt động xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào pháp luật và làm đúng theo các quy định của pháp luật; nghĩa là, Tòa án phải độc lập với các cơ quan khác.

Bên cạnh đó, trong giải quyết các vụ án hình sự thì Tòa án còn phải thực sự độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, cụ thể là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.[17] Mặc dù hoạt động xét xử của Tòa án là dựa trên hồ sơ, chứng cứ của Cơ quan điều tra cũng như cáo trạng của Viện kiểm sát nhưng Tòa án phải thực sự có chính kiến, nhận định riêng trong việc đánh giá hồ sơ và cáo trạng; theo đó, Tòa án phải phán xét cả sự đúng hay sai và đủ hay thiếu của hồ sơ, cáo trạng. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Tòa án sẽ ra phán quyết một cách độc lập và khách quan. Nguyên tắc độc lập đòi hỏi Tòa án phải thực sự là một trọng tài, đứng giữa hai phía là Viện kiểm sát giữ chức năng buộc tội[18] và luật sư là người bào chữa cho bị cáo,[19] không thiên vị bên nào, để xem xét lý lẽ, chứng cứ của bên nào đưa ra thuyết phục và phù hợp với pháp luật hơn, từ đó đưa ra phán xét công bằng.

2.3.2    Trong xét xử Tòa án độc lập với cơ quan Tòa án cấp trên

Theo yêu cầu của nguyên tắc độc lập thì Tòa án cấp dưới khi xét xử phải không lệ thuộc vào sự chỉ đạo cũng như dựa dẫm vào ý kiến chỉ đạo của cơ quan Tòa án cấp trên. Mặc dù về mặc tổ chức thì các tòa án địa phương[20] phải chịu sự quản lý của TAND tối cao,[21] nhưng về mặt xét xử thì tòa án cấp dưới phải hoàn toàn độc lập với tòa án cấp trên. Theo quy định thì về mặt chuyên môn TAND tối cao có thẩm quyền “[h]ướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Toà án”[22] và TAND cấp tỉnh có thẩm quyền tổng kết kinh nghiệm xét xử.[23] Trên cơ sở đó, các Tòa án cấp dưới sẽ vận dụng để giải quyết các vụ án chính xác và đúng pháp luật hơn. Đối với từng vụ án cụ thể thì Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và những gì diễn ra tại phiên tòa để ra phán xét. Trong trường hợp

[n]ếu thấy vướng mắc về vấn đề tố tụng, đánh giá chứng cứ... Toà án cấp dưới có quyền làm văn bản xin ý kiến của toà án cấp trên để được hướng dẫn. Trong thẩm quyền của mình, nếu thấy có sự xung đột pháp luật hay mâu thuẫn trong văn bản áp dụng mà toà án cấp trên chưa hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ thì toà án cấp trên phải hướng dẫn cho toà án cấp dưới cách áp dụng pháp luật sao cho chuẩn xác nhất. Tuyệt đối, Toà án cấp trên không được phép ''chỉ đạo'' Toà cấp dưới phải xử như thế này hoặc như thế kia.[24] 
2.3.3    Thành viên của Hội đồng xét xử phải độc lập với nhau

Một trong những nguyên tắc trong hoạt động của TAND là Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; do đó, Hội đồng xét xử sẽ bao gồm nhiều người và có thể có nhiều thành phần khác nhau.[25] Về cơ bản thành phần của Hội đồng xét xử bao gồm Thẩm phán và Hội thẩm.[26] Theo yêu cầu của nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp thì “[k]hi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”[27] Phân tích nội dung của những quy định có trên thì chúng ta sẽ thấy hai khía cạnh liên quan đến Hội đồng xét xử:

- Khía cạnh thứ nhất, các Thẩm phán và Hội thẩm cùng nhau làm việc và gắn kết với nhau tạo thành một thể thống nhất là Hội đồng xét xử. Và, các thành viên của Hội đồng xét xử phối hợp với nhau để tạo ra một “sản phẩm” chung đó là bản án hoặc quyết định trên cơ sở biếu quyết theo đa số.

- Khía cạnh thứ hai, Thẩm phán và Hội thẩm là những con người riêng biệt có suy nghĩ và nhận định độc lập với nhau trong quá trình xét xử vụ án. Tính độc lập của các thành viên hội đồng xét xử được thể hiện ở một số quy định của pháp luật về tố tụng. Theo quy định tại điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì khi nghị án Hội đồng xét xử sẽ “phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một.” Trong trường hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử là không giống nhau thì “[n]gười có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.”[28] Như vậy, rõ ràng là mỗi cá nhân Thẩm phán và Hội thẩm đều phải tự chủ và có chính kiến riêng của mình, dù đó là ý kiến thiểu số hay đa số đều được ghi nhận. Chứ không phải trong trường hợp là ý kiến thiểu số thì sẽ bị che lấp bởi quyết định của đa số. Quy định này góp phần khuyến khích sự tự chủ và độc lập của mỗi thành viên Hội đồng xét xử. Thêm vào đó, Thẩm phán và Hội thẩm phải chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định của riêng mình.[29] Chính trách nhiệm cá nhân này càng thực sự là một đảm bảo cho Thẩm phán và Hội thẩm mạnh dạn có những quyết định độc lập. Cá nhân của mỗi người khi tin tưởng ý kiến của mình, cho dù là thiểu số, là đúng pháp luật thì mạnh dạn quyết định, không phải lệ thuộc vào ý kiến của đa số những người khác. Bởi vì, nếu ý kiến của riêng mình là đúng thì không có lý do gì phải e sợ trách nhiệm, cho dù bản án hoặc quyết định cuối cùng là theo ý kiến của đa số.

3     NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH ĐỘC LẬP CỦA TÒA ÁN
Những nguyên nhân dẫn đến sự hoạt động thiếu tính độc lập của TAND dưới những góc độ khác nhau có thể bao gồm rất nhiều, nhưng ở đây, trong phạm vi bài viết chỉ liệt kê hai nhóm nguyên nhân chính, đó là:

- Những hành vi, hoạt động không đúng với quy định của pháp luật ảnh hưởng đến sự độc lập của TAND;

- Những quy định của pháp luật ảnh hưởng đến tính độc lập của TAND.

3.1    Sự tác động trái pháp luật ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án

Trên thực tế hiện nay vẫn đang tồn tại thực trạng là có những cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới hình thức này hay hình thức khác có những hành vi, hoạt động tác động đến Tòa án trong quá trình xét xử. Nhưng chung quy lại, sự tác động này cũng chỉ xuất phát từ hai nhóm cơ quan, đó là sự tác động của cơ quan có cùng chuyên môn và sự tác động của những cơ quan không có chuyên môn liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án.

Thực trạng “thỉnh thị án” – sự can thiệp của cơ quan có cùng chuyên môn trong hoạt động xét xử. Đây là thực trạng một số Tòa án cấp dưới đã không căn cứ vào các quy định của pháp luật cũng như những gì diễn ra tại phiên tòa để ra phán quyết đối với một vụ án cụ thể mà lại căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Tòa án cấp trên, dưới hình thức trao đổi nghiệp vụ, để ra phán quyết. Ở đây chúng ta không bàn đến vấn đề bản án được ban hành trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Tòa án cấp trên là đúng hay sai. Bởi vì, ngay từ ban đầu, việc Tòa án cấp dưới xin ý kiến và Tòa án cấp trên chỉ đạo việc xét xử đối với một vụ án cụ thể là hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc độc lập khi xét xử của Tòa án. Một bản án được ban hành trên cở sở những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về mặt tố tụng thì rõ ràng là bản án sai. Do đó, về mặt nội dung, phán quyết cuối cùng trong bản án có phù hợp hay không phù hợp với pháp luật thì bản án đó cũng là một bản án trái pháp luật. Mà vấn đề đặt ra ở đây là giới hạn và thẩm quyền của cơ quan Tòa án cấp trên trong việc trao đổi nghiệp vụ và hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với Tòa án cấp dưới. Tòa án cấp trên về mặt chuyên môn nghiệp vụ chỉ được quyền hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan chứ không được can thiệp và chỉ đạo đối với những vụ án cụ thể.

Tình trạng can thiệp trái pháp luật của các cơ quan không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án. Trường hợp vi phạm này so với trường hợp thứ nhất, về mặt bản chất, rõ ràng là nặng nề hơn. Bởi vì, đối với trường hợp thứ nhất, mặc dù cũng là can thiệp làm ảnh hưởng đến sự độc lập của Tòa án nhưng đó là sự chỉ đạo về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của một cơ quan có cùng chuyên môn, cùng chức năng cấp trên đối với cơ quan cấp dưới; và mục đích của cơ quan thực hiện sự can thiệp, nhìn chung, cũng chỉ xoay quanh vấn đề chuyên môn. Ngược lại, đối với trường hợp này, cơ quan can thiệp, có thể là Ủy ban nhân dân hoặc là một cơ quan Đảng, lại không có chuyên môn, nghiệp vụ đối với hoạt động xét xử. Do đó, mục đích của việc can thiệp rõ ràng là không liên quan đến vấn đề chuyên môn mà phải là một mục đích khác. Chính vì vậy, về tính chất, sự can thiệp này nghiêm trọng hơn và cần thiết phải có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật này.

3.2    Những quy định của pháp luật ảnh hưởng đến tính độc lập của TAND

Mặc dù, như đã phân tích ở trên, có rất nhiều các quy định pháp luật được đặt ra nhằm đảm bảo sự khách quan của Tòa án trong hoạt động xét xử, tuy nhiên, bên cạnh đó, trong rất nhiều các quy định của pháp luật cũng có một số quy định lại tác động một cách tiêu cực đến tính độc lập của TAND. Các quy định này bao gồm các vấn đề liên quan đến nhiệm kì của Thẩm phán, giới hạn của việc xét xử và trách nhiệm chứng minh tội phạm.

3.2.1     Nhiệm kì của Thẩm phán

Theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002[31] và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân 2002)[32] thì nhiệm kì của Thẩm phán là năm năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Sau khi hết nhiệm kỳ các Thẩm phán sẽ được tái bổ nhiệm nếu như được Hội đồng tuyển chọn thẩm phán tuyển chọn.[33] Ngược lại, trong trường hợp sau khi kết thúc nhiệm kỳ mà không được tuyển chọn bởi Hội đồng tuyển chọn những người đang là Thẩm phán sẽ không được bổ nhiệm lại và, đương nhiên là họ phải chuyển sang làm một công tác khác hoặc một nghề khác. Chính sự giới hạn nhiệm kỳ của Thẩm phán là năm năm sẽ dẫn đến tình trạng các Thẩm phán sẽ không tận tâm làm hết khả năng của mình nhằm đảm bảo sự khách quan, độc lập của Tòa án. Mà ngược lại, các Thẩm phán sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng mình sẽ được bổ nhiệm lại. Đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia và cả những người đang là Thẩm phán cho rằng “[năm] năm là quá ngắn để đảm bảo sự độc lập của [T]hẩm phán. Bởi thay bằng xét xử một cách công minh, chỉ tuân theo pháp luật, quan tòa đó có thể hành xử theo hướng có lợi nhất cho việc tái bổ nhiệm của mình.”[34]

3.2.2    Giới hạn của việc xét xử

Theo quy định tại điều 169 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:

Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Như vậy theo quy định của điều luật trên thì tội danh mà Viện kiểm sát truy tố là mức “trần” mà Tòa án khi xét xử thì không được vượt trần. Quy định này có sự mâu thuẫn rất lớn đối với chức năng xét xử của Tòa án. Bởi vì xét xử, đối với vụ án hình sự, là việc mà Tòa án sẽ xem xét một hành vi là có tội hay vô tội, nếu có tội là tội gì, nặng hay nhẹ và chịu hình phạt gì. Nhưng với quy định này thì Tòa án lại bị bó hẹp phạm vi xét xử của mình trong giới hạn do Viện kiểm sát đặt ra. Như vậy, suy cho cùng thì Viện kiểm sát cũng có chức năng xét xử[35] và thậm chí thẩm quyền xét xử của Viện kiểm sát còn rộng và lớn hơn của Tòa án. Về mặt ý nghĩa thì “độc lập là đứng một mình, không dựa vào ai, không nhờ cậy ai, không bị ai kiềm chế.”[36] Theo đó, Tòa án xét xử độc lập nghĩa là Tòa án không bị ai kiềm chế khi xét xử mà chỉ tuân theo các quy định của pháp luật. Nhưng ở đây thì Tòa án lại bị kiềm chế bởi quyết định truy tố của Viện kiểm sát, cho dù quyết định truy tố đó là không đúng với các quy định của pháp luật,[37] khi xét xử. Rõ ràng, theo quy định về giới hạn của việc xét xử, là Tòa án không độc lập và bị lệ thuộc vào Viện kiểm sát.

3.2.3    Trách nhiệm chứng minh tội phạm

Theo quy định của pháp luật thì trong giải quyết các vụ án hình sự thì Tòa án, cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng khác có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Cụ thể, “[t]rách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.”[38] Chính quy định này ít nhiều tác động đến tính độc lập của Tòa án khi xét xử. Phân tích nội dung của quy định, chúng ta sẽ thấy hai ý nghĩa như sau:

- Thứ nhất, quy định trên đã loại trừ trách nhiệm của bị can, bị cáo trong việc chứng minh mình vô tội. Có thể nói đây là quy định cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, “[k]hông ai bị xem là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”[39] Rõ ràng, ngay tại thời điểm xét xử thì chưa có bản án, do đó, bị cáo không thể bị xem là có tội. Vì vậy không có lí do gì một người vô tội lại phải đi chứng minh mình không có tội. Kết luận này cũng chính là nội dung của quy định “[b]ị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”[40]
   - Thứ hai, quy định trên đã trực tiếp đặt trách nhiệm cho Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra là phải “chứng minh tội phạm”. Bởi vì đây là trách nhiệm nên Tòa án phải có gắng để hoàn thành trách nhiệm. Do có cùng trách nhiệm, nên vô hình trung Tòa án bị đẩy về cùng một phía với Viện kiểm sát, cơ quan có chức năng buộc tội bị cáo. Điều này dẫn đến thực trạng là Tòa án sẽ không độc lập mà sẽ có xu hướng nghiêng về phía buộc tội. Đối với Tòa án, khi xét xử, không chỉ dựa trên những chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan tiến hành tố tụng khác cung cấp để xem xét bị cáo có tội hay không mà, nếu như tòa án thực sự độc lập không mang trên vai trách nhiệm chứng minh tội phạm, còn phải xem xét xem những chứng cứ đó có khách quan, đúng luật và đầy đủ để kết tội bị cáo hay không. Nghĩa là tòa án phải phán xét cả hai phía, phán xét bị cáo và phán xét chứng cứ do cơ quan điều tra cung cấp.
4     KẾT LUẬN
Độc lập là yếu tố quan trọng nhất giúp cho Tòa án xét xử khách quan và công bằng. Tính độc lập của Tòa án phải được đảm bảo trong tất cả các mối quan hệ có liên quan bao gồm: quan hệ với các cơ quan khác, quan hệ với cơ quan Tòa án cấp trên và quan hệ trong nội bộ Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, trên thực tế tính độc lập của Tòa án lại bị tác động bởi sự can thiệp trái pháp luật của những cơ quan có và không có liên quan đến chức năng xét xử của Tòa án. Bên cạnh đó một số quy định pháp luật có liên quan đến Tòa án cũng làm cho Tòa án không thực sự độc lập khi thực hiện chức năng của mình. Chính vì lí do đó, yêu cầu đặt ra là phải có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự can thiệp trái pháp luật đến hoạt động xét xử của TAND, đồng thời phải sửa đổi những quy định pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo sự độc lập thực sự của Tòa án.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hiến pháp 1980

Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa 10

Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1981

Luật tổ chức Chính phủ 2002

Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002

Bộ luật tố tụng hình sự 2003

Bộ luật tố tụng dân sự 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2011

Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2011

Án “thỉnh thị”, nên hay không?, Báo điện tử Tuổi trẻ, 2005, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/89380/An-thinh-thi-nen-hay-khong.html, [ngày truy cập 10/10/2011]

Lê Tiến Châu: Một số vấn đề về tranh tụng trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học pháp lý điện tử, số 1, 2003, http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=210:tc2003so1msvdttttths&catid=91:ctc20031&Itemid=106, [truy cập ngày 11/10/2011]

Nghĩa Nhân: Nhiều quy định hạn chế sự độc lập của Tòa án, báo điện tử VnExpress, 2002, http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2002/08/3b9bf659/, [truy cập ngày 10/10/2011]

Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994




[1] Khoa Luật

[2] Hiến pháp 1992, điều 130; Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 5; Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 16.

[3] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 5.

[4] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 16.

[5] Bộ luật tố tụng dân sự 2005, điều 12.

[6] Hiến pháp 1980, điều 129; Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1981, điều 3.

[7] Hiến pháp 1992, điều 128.

[8] Hiến pháp 1992, điều 83, khoản 8.

[9] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 25.

[10] Luật tổ chức Chính phủ 2002, điều 3.

[11] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 40.

[12] Luật tổ chức Chính phủ 2002, điều 1.

[13] Hiến pháp 1992 (2001), điều 4.

[14] Hiến pháp 1992 (2001), điều 2.

[15] Hiến pháp 1992 (2001), điều 12.

[16] Hiến pháp 1992 (2001), điều 4.

[17] Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án (Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 33).

[18] Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002, điều 1.

[19] Trong trường hợp bị cáo nhờ luật sư bào chữa.

[20] Kể cả các Tòa án quân sự cũng chịu sự quản lý của TAND tối cao về mặt tổ chức.

[21] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 17.

[22] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 19, khoản 1.

[23] Cụ thể là thẩm quyền của Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp tỉnh (Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 29, khoản 2, điểm c).

[24] Ý kiến của thẩm phán Nguyễn Quang Lộc, Chánh văn phòng TAND tối cao, trích từ Án “thỉnh thị”, nên hay không?, Báo điện tử Tuổi trẻ, 2005, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/89380/An-thinh-thi-nen-hay-khong.html, [ngày truy cập 10/10/2011].

[25] Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002, điều 6.

[26] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 185; Bộ luật tố tụng dân sự 2005, điều 52.

[27] Hiến pháp 1992, điều 130.

[28] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 222.

[29] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 39, khoản 4 và điều 40, khoản 2.

[30] Thiện Nhân: Tình tiết mới trong vụ án chiếm đoạt tài sản ở Pleiku: Tòa sơ thẩm xử kiểu “thỉnh thị án”?, báo điện tử Thanh tra, 2011, http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/41163/temidclicked/1061/seo/Toa-so-tham-xu-kieu-thinh-thi-an/Default.aspx, [truy cập ngày 20/7/2012].

[31] Điều 40, khoản 5.

[32] Điều 24.

[33] Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân 2002 , điều 20 – 31.

[34] Nghĩa Nhân: Nhiều quy định hạn chế sự độc lập của Tòa án, báo điện tử VnExpress, 2002, http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2002/08/3b9bf659/, [truy cập ngày 10/10/2011].

[35] Lê Tiến Châu: Một số vấn đề về tranh tụng trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học pháp lý điện tử, số 1, 2003, http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=210:tc2003so1msvdttttths&catid=91:ctc20031&Itemid=106, [truy cập ngày 11/10/2011].

[36] Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr. 316.

[37] Lê Tiến Châu: Một số vấn đề về tranh tụng trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học pháp lý điện tử, số 1, 2003, http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=210:tc2003so1msvdttttths&catid=91:ctc20031&Itemid=106, [truy cập ngày 11/10/2011].

[38] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 10, đoạn 2.

[39] Hiến pháp 1992, điều 72.

[40] Bộ luật tố tụng hình sự 2003, điều 10, đoạn 2.

Tác giả: Đinh Thanh Phương

No comments:

Post a Comment