14/03/2015
Tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An
Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Luật đề tài: Tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.

THỰC TIỄN TỘI TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DIỄN CHÂU TỈNH NGHỆ AN

2.1. Tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An

2.1.1. Vài nét về tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An

Diễn Châu là một huyện ven biển thuộc tỉnh Nghệ An với diện tích là 304,92 km, dân số 218.227 người. Huyện Diễn Châu có một thị trấn và 38 xã. Diễn Châu là một mảnh đất lịch sử có kênh nhà Lê, sông Bùng và đường sắt Bắc Nam. Huyện Diễn Châu cách thủ đô Hà Nội 270 km, cách thành phố Vinh 40 km.

Diễn Châu có điều kiện giao thông hết sức thuận lợi tạo điều kiện cho huyện phát triển kinh tế xã hội. Bao gồm: đường bộ, đường thuỷ, đường sắt. Đối với mạng lưới đường bộ, Diễn Châu có 30 km quốc lộ 1A đi qua từ đầu đến cuối huyện; có quốc lộ 7A bắt đầu từ ngã tư Diễn Châu nối liền với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; có tỉnh lộ 38 nối ngã ba Chợ Si với trung tâm huyện Yên Thành và một hệ thống nông thôn được nhựa hoá nối liền các xã với nhau. 

Những lợi thế về giao thông không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, thông thương, trao đổi hàng hoá mà còn giúp Diễn Châu tiếp cận được một khối lượng thông tin lớn, mới mẻ về tình hình trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất. Nhưng bên cạnh đó cũng là thách thức lớn của huyện trong việc ngăn ngừa tội phạm du nhập vào địa bàn huyện.Với tổng diện tích tự nhiên 30,49 km2 gồm có núi - rừng - sông - biển, có đồng bằng, Diễn Châu có đủ điều kiện để phát triển nông- lâm- ngư, diêm nghiệp. Diễn Châu được biết đến là một trong những địa phương có sản lượng lạc, vừng lớn nhất trong cả nước, có tiềm năng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ - hải sản nhất, nhì tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, các nghành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển hết sức phong phú, đa dạng. Nghề đánh bắt hải sản ở tất cả các xã ven biển, nghề luyện quặng sắt và nghề rèn ở khe Lậm, nghề đúc ở Diễn Thành, nghề đóng thuyền ở Thanh Bích, nghề chế biến nước mắm Vạn Phần ở Diễn Ngọc nghề dệt vải tơ lụa Phương Lịch… cũng được qua tâm, đầu tư phát triển

Đa số người dân ở đây kiếm sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, còn lại là phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, tỷ lệ phổ cập tiểu học khá, huyện Diễn Châu đang thực hiện việc xóa mù chữ cho trẻ em đặc biệt là những trẻ em ở vùng sông nước ít khi được đến trường. 

Tuy nhiên, huyện Diễn Châu vẫn còn có những khó khăn: 

Lẽ thường thuận lợi đi liền với khó khăn, thời cơ đi đôi với thách thức, Diễn Châu cũng không nằm ngoài cái lẽ thường đó. Diễn Châu là huyện đồng bằng ven biển, địa hình hẹp về chiều ngang. Bởi vậy, nếu mưa lớn thì lũ lụt sẽ đến nhanh, gây ngập úng trên diện rộng làm thiệt hại về kinh tế, hoa màu. Mặt khác, lũ lụt thường xuyên cũng ảnh hưởng rất lớn đến độ phì nhiêu của đất, làm cho đất mất màu hay sự nhiễm mặn do ảnh hưởng của thuỷ triều nước lợ.

Đa số người dân ở đây kiếm sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, còn lại là phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hộ nghèo vẫn còn nhiều. Trình độ dân trí còn thấp, số trẻ em bỏ học, trốn học, thất học còn diễn ra khá phổ biến, ý thức pháp luật của người dân còn kém, nhiều người còn trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho tội phạm làm cho tỷ lệ người phạm có chiều hướng tăng. Tỷ lệ người không có việc làm, thất nghiệp và kéo theo đó là các tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng gia tăng. Đây là một thách thức của huyện trong việc đảm bảo phát triển kinh tế xã hội đi đôi với việc ngăn chặn những mặt trái của nó.

Một số doanh nghiệp nhỏ nằm trên địa bàn huyện đi vào hoạt động sản suất kinh doanh đạt doanh thu chưa cao, nhiều sản phẩm truyền thống như: chế biến đông lạnh, các loại nông sản, nước mắm, sản xuất muối…chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp sản xuất ổn định trên địa bàn còn ít nhiều tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư so với tốc độ phát triển hiện nay của huyện. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp hơn so với cùng kỳ 8,4% . Sản lượng lúa cả năm bằng 81,8 %; ngô bằng 72,2%. Chăn nuôi tăng chậm, vẫn để xẩy ra dịch cúm gia cầm ở một số xã trong huyện. [3, 2]

2.1.2. Tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An

Gần đây, sự gia tăng của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã gây ảnh hưởng xấu và nguy hiểm tới tình hình trật tự công cộng trên địa bàn huyện. Tính từ năm 2005 đến năm 2008, sự gia tăng của các tội phạm về xâm phạm sở hữu đã kéo theo sự phát triển của tội phạm này. Theo số liệu của cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự xã hội công an huyện Diễn Châu thì trong khoảng 4 năm trở lại đây (từ năm 2005 đến năm 2008), cứ mỗi lần triệt phá các ổ nhóm trộm cắp tài sản thì lại khám phá ra các đường dây tiêu thụ của chúng. Trong 125 vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, thì Viện kiểm sát truy tố tới 15 vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Do ý thức pháp luật kém nên tình trạng người dân mua đồ gian vẫn còn nhiều, có người biết rõ tài sản do phạm pháp nhưng vẫn đồng ý mua vì tham lợi. Một số đồ như quạt điện, phích nước, bàn là,… trị giá 400 ngàn đồng nếu trong trường hợp này bị phát hiện sẽ bị xử lý theo điều 18 nghị định số 150/2005/NĐ- CP. Còn những tài sản có giá trị lớn hơn như máy tính xách tay, xe máy, vàng, điện thoại di động … nếu trong trường hợp bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 250 BLHS năm 1999. Hầu hết những tài sản này, người tiêu thụ có thể mua với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường do vậy những kẻ hám lợi sẵn sàng phạm pháp gián tiếp tiếp tay cho loại tội phạm này phát triển.

Một tình trạng khá phổ biến diễn ra trên địa bàn huyện Diễn Châu đó là việc tiêu thụ chó có nguồn gốc bất minh không được kiểm soát chặt chẽ. Số chó sau khi trộm được, các đối tượng chủ yếu bán cho các chủ cửa hàng bán thịt chó, (một số khác bán cho người dân và cửa hàng chó cảnh). Đối với các vụ án trộm chó khi đã bắt được và qua đấu tranh đối tượng khai bán chó cho một cửa hàng bán thịt chó nào chẳng hạn. Cơ quan điều tra làm việc với người mua đó nhưng rất khó làm rõ nhận thức của người mua chó rằng nếu biết con chó đó là do ăn trộm được mà vẫn mua thì sẽ bị xử lý theo pháp luật (tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ). Phần lớn những người mua con chó trộm cắp được cũng tìm cách đối phó khi bị đối tượng khai ra, vì lúc mua chỉ có một người mua người bán (một chứng một cung) không có người thứ ba. Và một vấn đề nữa là các đối tượng trộm cắp chó mang đi bán không bao giờ nói đây là con chó trộm cắp được. Chính vì vậy không thể xử lý đối tượng tiêu thụ được.

Việc hình thành ổ nhóm tiêu thụ nhằm hợp thức hóa xe gian cũng khá phổ biến, các đối tượng không chỉ liên kết nhỏ hẹp ở địa bàn huyện mà còn có sự tham gia của các đối tượng ở tỉnh khác. Điển hình như vụ án Nguyễn Văn Hiếu cùng đồng bọn đang được viện kiểm sát truy tố về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngoài ra, việc tiêu thụ tài sản có nguồn gốc không rõ ràng ở các cửa hàng bán phụ tùng xe máy, ô tô cũng đang khiến các cơ quan có thẩm quyền nhức nhối và khó xử lý (đây chính là nơi tiêu thụ đồ trộm cắp phụ tùng xe máy ô tô là nhiều nhất). Trong 3 năm gần đây, nếu điểm lại các vụ án về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, có rất ít vụ việc xảy ra tại khu vực buôn bán hàng phụ tùng xe các loại .Vì vậy, phụ tùng ô tô xe máy ăn cắp được bán công khai.

Qua thực tế diễn biến tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu, chủ yếu là các hình thức tiêu thụ nhỏ và vừa, có thể thấy các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường rất tinh vi và ít khi bị phát hiện. Hiện tượng người dân mua đồ gian vẫn còn nhiều vì ham rẻ, lợi nhuận cao nên họ đã bất chấp. Các lực lượng trinh sát của cơ quan công an còn mỏng, chưa có thể xử lý được hết các hành vi phạm tội cũng như ngăn chặn các loại tội phạm có tính chất “nguồn” liên quan đến hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì thế cho nên, cần sự phối hợp của tất cả người dân với cơ quan có thẩm quyền để hạn chế bớt loại tội phạm này xảy ra.

2.1.3. Mối quan hệ giữa tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với các tội phạm khác 

Điểm khác biệt giữa loại tội phạm này với các loại tội phạm khác ở chương XIX của các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có liên quan tới các tội phạm có tính chất là đầu vào duy trì cho sự phát triển gia tăng của tội phạm này cũng như các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, trốn thuế, tham nhũng, buôn ma túy và các hành vi phạm tội khác trực tiếp hay gián tiếp có được tài sản một cách bất hợp pháp, khuyến khích các đối tượng tham gia phạm tội và phạm tội nhiều lần. [4,23]

Hầu hết các vụ án tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện đều liên quan đến các tội trộm cắp, cướp giật…Hoạt động của các nhóm đối tượng phạm tội về xâm phạm sở hữu có xu hướng gia tăng, chúng không chỉ thực hiện hành vi phạm tội đơn lẻ mà ngày càng có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong việc tiêu thụ tài sản cũng như làm giả giấy tờ, tài liệu ccủa cơ quan nhà nước để hợp pháp hóa các tài sản này và để đưa ra thị trường nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.

Mặt khác, theo quy định của BLHS có hai điều luật quy định về tội phạm liên quan trực tiếp tới việc “rửa tiền” là tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (điều 250) và tội hợp pháp hóa tiền và tài sản do người khác phạm tội mà có (điều 251). Như vậy, tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là một trong những tội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc rửa tiền, nhưng điều luật này lại chưa bao quát hết được các hành vi sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp tại các casino, làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác.

“Tài sản và tiền do phạm tội mà có được trực tiếp đưa vào hoạt động kinh doanh, hoạt động kinh tế. Một tài sản do phạm tội mà có có thể được ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của nó bằng hợp đồng tặng, cho, di chúc…”. [23, 38] Tài sản thực tế không tham gia vào các giao dịch này nhưng lại được ngụy trang bởi các giao dịch này. Trong khi đó các khoản tiền có được do buôn bán ma túy chẳng hạn được đầu tư vào dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần vào công ty nhất định được xem là việc sử dụng tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có vào hoạt động kinh doanh, nói cách khác tiền và tài sản do phạm tội mà có trở thành công cụ của tội phạm rửa tiền.

Như vậy, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có liên quan tới nhiếu tội phạm từ các tội xâm phạm sở hữu cho tới các tội phạm làm giả giấy tờ, tài liệu cảu cơ quan nhà nước, buôn lậu, trốn thuế, tham nhũng, buôn bán ma túy…. Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không chỉ thể hiện tính chất nguy hiểm của nó với xã hội thông qua hành vi tiêu thụ tài sản phạm pháp mà nó còn làm gia tăng các loại tội phạm khác. Và điều cấp thiết phải làm để ngăn chặn loại tội phạm này là phải xử lý thật nghiêm minh các tội phạm liên quan được coi là nguồn cho loại tội phạm này hoạt động. Nếu làm tốt được việc này thì sẽ hạn chế được loại tội phạm này phát triển cũng như các tội phạm liên quan tới hoạt động hợp thức hoá hàng gian (hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có).

2.2. Cơ cấu, tính chất của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trên địa bàn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An 


2.2.1. Cơ cấu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 

Cơ cấu của tình hình tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là tỉ trọng, mối tương quan giữa tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong tổng thể các tội phạm xâm phạm an toàn trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn huyện Diễn Châu trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2008.

Qua số liệu thống kê của Tòa án án nhân dân huyện Diễn Châu từ năm 2005 đến năm 2008, Tòa án án đã xét xử được 554 vụ án về tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng.Trong đó, tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là 64 vụ án chiếm 45,28 % còn lại là các tội về vi phạm quy định về điều phương tiện giao thông đường bộ, tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Cơ cấu tội phạm về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong tổng thể các tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng hiện nay thể hiện qua bảng thống kê dưới đây:

Bảng 1: Tỷ lệ tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong tổng số tội phạm xâm phạm trật tự an toàn công cộng

Năm Tổng số vụ án về trật tự an toàn công cộng Tổng số vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có Tỷ lệ %
Năm 2005 22 5 22,7
Năm 2006 25 7 28
Năm 2007 31 9 29
Năm 2008 34 11 32,3
Tổng số 112 32 112,5

(Nguồn: Số liệu thống kê kiểm sát điều tra, xử lý, xét xử sơ thẩm án hình sự năm 2005- 2008 của phòng thống kê – VKSND huyện Diễn Châu)

Qua bảng thống kê trên chúng ta có thể thấy, trong nhóm các tội phạm xâm phạm an toàn trật tự công cộng thì tội đánh bạc vẫn là tội phạm điển hình. Ngoài ra, trong thời gian gần đây tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có chiều hướng gia tăng theo sự gia tăng của các tội phạm về sở hữu. Điều này được thể hiện qua bảng số liệu thống kê sau:

Bảng 2: Tỷ lệ tội tiêu thụ tài sản trong tổng số vụ án hình sự do VKSND huyện thụ lý

Năm Tổng số vụ án về hình sự được thụ lý Tổng số vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có Tỷ lệ %
Năm 2005 190 8 4,2
Năm 2006 201     6 2,98
Năm 2007 211 12 5,68
Năm 2008 225 17 7,55

(Nguồn: Số liệu thống kê kiểm sát điều tra, xử lý, xét xử sơ thẩm án hình sự năm 2005- 2008 của phòng thống kê – VKSND huyện Diễn Châu)

Năm 2005, Viện kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu mới chỉ thụ lý được 8 vụ án chiếm 4,2 % tổng số vụ án hình sự , nhưng đến năm 2008 số lượng vụ án mà VKSND thụ lý đã lên tới 17 vụ chiếm 7,55 % tổng số vụ án hình sự. Điều này cho thấy loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng rõ rệt.

2.2.2. Tính chất của tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Thông qua các chỉ số về cơ cấu của tình hình tội phạm, chúng ta xác định được tính chất của tình hình tội phạm.

2.2.2.1 Mức độ nguy hiểm của hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Mặc dù tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng số vụ và người được phát hiện, xử lý hình sự hằng năm nhưng mức độ nguy hiểm gây ra cho xã hội lại có xu hướng tăng. Thể hiện:

Hành vi tiêu thụ không chỉ thực hiện ở một địa bàn nhất định mà được thực hiện nhiều huyện trong tỉnh, có móc nối chặt chẽ từ khi có nguồn hàng đến khi tập kết đến nơi tiêu thụ.

Trước đây, việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ phích nước, bàn là, quạt điện, xe đạp…có giá trị từ 500.000đ trở lên và thực hiện ở phạm vi thôn xóm. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và những mặt trái của nó đã kéo theo sự gia nhập của các loại tội phạm. Tính chất hoạt động của tội phạm cũng phức tạp hơn, sự liên kết giữa các đối tượng cũng chuyên nghiệp hơn trong việc hợp pháp hóa các tài sản do người khác phạm tội mà có để đưa đi tiêu thụ. Hoạt động này diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện và xử lý.

So với những năm trước, tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường có tổ chức nhỏ, số lượng người tham gia ít, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, tài sản có giá trị thấp. Nhưng trong những năm gần đây, tội phạm này hoạt động có tổ chức chặt chẽ hơn, số lượng người tham gia đông hơn, có quy mô, tài sản có giá trị lớn hơn gây thiệt hại hàng chục triệu đồng cho các tổ chức, xí nghiệp, và của người dân.

Loại tội phạm này diễn ra phổ biến hơn không chỉ ở địa bàn thôn, xóm, huyện mà còn lan ra các huyện khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình trật tự trị an xã hội.

2.2.2.2. Thủ đoạn của bọn tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Thủ đoạn của bọn tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có rất đa dạng như: lợi dụng những sơ hở của người dân trong khi trao đổi mua bán, sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý trong việc đăng ký phương tiện giao thông cơ giới, móc nối với đối tượng khác ở các tỉnh lân cận để tiêu thụ .Và một điều quan trọng nữa, là tranh thủ đuợc tâm lý hám lợi của một số ít người dân chúng đã tiêu thụ được rất nhiều tài sản phạm pháp. Điển hình cho thủ đoạn tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là thủ đoạn tiêu thụ xe cơ giới có nguồn gốc bất hợp pháp. Thủ đoạn của bọn chúng như sau: 

Qua điều tra các vụ án có thể thấy, thủ đoạn gian dối trong đăng ký để hợp thức hóa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ( PTGTCGĐB) có nguồn gốc bất hợp pháp là các hành vi lắt léo, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót, những khó khăn, bất lợi trong kiểm tra, soát xét thực hiện quy trình, thủ tục đăng ký để làm sai lệch nội dung hồ sơ hoặc tình trạng thực của phương tiện đăng ký nhằm hợp thức các phương tiện giao thông cơ giới có nguồn gốc bất hợp pháp.

Thực tế cho thấy thủ đoạn gian dối trong đăng ký thường được thực hiện dưới một số dạng chủ yếu như: làm giả hồ sơ đăng ký cho phù hợp với tình trạng của phương tiện bất hợp pháp ( ví dụ: lấy cắp, mua bán ấn chỉ rồi điền số máy, số khung của xe gian vào, đóng dấu giả, chữ ký giả để đăng ký), thay đổi đặc điểm, hình dáng hoặc tình trạng kỹ thuật của phương tiện bất hợp pháp cho phù hợp với hồ sơ đăng ký (ví dụ như các đối tượng thường được sử dụng kết hợp với hồ sơ, giấy tờ thật hoặc giả qua mắt lực lượng kiểm tra hoặc đục sửa số máy, số khung nhằm trốn thuế cho xe bằng việc sửa cho phù hợp với mẫu đăng ký xe nội địa), vừa làm giả hồ sơ, sửa chữa, thay đổi nội dung hồ sơ vừa sửa chữa, thay đổi đặc điểm, hình dáng, đặc tính kỹ thuật phương tiện bất hợp pháp cho phù hợp với hồ sơ đăng ký(ví dụ: bọn tội phạm thường sử dụng đăng ký xe giả kết hợp với biển đăng ký xe giả hoặc biển đăng ký xe thật để tiến hành mua bán, sang tên hợp thức). Ngoài ra, bọn chúng lợi dụng sơ hở trong việc cấp lại biển đăng ký xe, giấy đăng ký xe (ví dụ như là báo mất, xin cấp lại đăng ký xe, sau đó tiếp tục báo mất biển đăng ký xe để được cấp lại. Dùng giấy tờ và biển đăng ký đó lắp vào xe lậu, xe gian đã đục lại số máy, số khung phù hợp giấy tờ xe rồi tiến hành tiêu thụ trong khi xe thật vẫn còn nguyên đăng ký cũ. Như vậy, cả xe đăng ký hợp pháp và xe bất hợp pháp đều có đăng ký thật).

Để ngăn chặn tình trạng trên cần phải có các biện pháp đấu tranh mạnh mẽ kịp thời phát hiện phòng chống các hành vi cướp xe máy, trộm cắp xe máy, kịp thời xử lý các hành vi gian dối trong việc hợp thức hóa các phương tiện giao thông bất hợp pháp để tiêu thụ trên thị trường. 

2.3. Thực tiễn xét xử tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở tòa án nhân dân huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An

2.3.1. Thực tiễn xét xử tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có qua một số vụ án cụ thể

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu có nhiều cố gắng và thực hiện tốt công tác xét xử. Trong 4 năm 2005 đến năm 2008 đã giải quyết 420 vụ án hình sự các loại trên tổng số 448 vụ án đã thụ lý, đạt 93,75 %. Số vụ án còn lại chủ yếu do mới thụ lý còn trong thời hạn xét xử và đang được tiến hành giải quyết. Tỷ lệ hủy án do lỗi khách quan là 1 vụ chiếm 0,22 % , bị sửa nghiêm trọng và để quá thời hạn không có vụ nào. Trong số các vụ án xét xử có thể thấy vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có chiều hướng gia tăng. Năm 2008 có 12 vụ án, tăng 6 vụ so với năm 2007. Trong số các bị cáo bị xét xử trong 4 năm thì phạt tù có 27 bị cáo, phạt tù cho hưởng án treo chiếm 12 bị cáo , cải tạo không giam giữ 9 bị cáo, phạt tiền 5 bị cáo.

Bảng 4: Tỷ lệ xét xử tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong năm 2005- 2008
Năm Tổng số vụ án hình sự được thụ lý Tổng số vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có Tỷ lệ %
Vụ Bị cáo Vụ Bị cáo
2005 96 106 06 10 6,2
2006 100 110 4 8 4,4
2007 120 150 8 16 6,6
2008 132 187 12 21 9,0
Tổng số 448 553 30 54 26,38
(Nguồn:Phòng tổng hợp – TAND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)

Đường lối xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng Tòa án đã chủ động phối hợp với cơ quan công an, Viện kiểm sát, đài truyền hình xét xử lưu động 4 vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở địa bàn phức tạp, nhằm tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân.

Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng của tình hình tội phạm, nhất là đối với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thực tế, con số thống kê của Tòa án cần phải tính đến những sai số của nó, thường là do hai nguyên nhân chính sau: Viện kiểm sát, cơ quan điều tra vì những nguyên nhân nào đó không gửi báo cáo hoặc có gửi nhưng không gửi đúng thời hạn theo quy định nên khi TAND thực hiện việc thống kê còn gặp nhiều khó khăn và bỏ sót tội phạm. Chúng ta biết rằng tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bắt nguồn từ các tội phạm khác. Do đó, một khi chưa phát hiện ra các tội phạm khác thì khó có thể phát hiện, điều tra xử lý tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được. 

Hơn nữa, việc điều tra tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có còn gặp nhiều vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc thực của các tài sản đó chính vì vậy số lượng các vụ phạm tội xảy ra, số lượng người phạm tội vẫn chưa bị phát hiện và xử lý hình sự và nó vẫn chưa được thống kê. Thực tế vẫn còn nhiều số lượng tội phạm “ẩn” so với con số thật thống kê được.

Ngoài ra, cần phải kể đến các vụ án và số lượng người phạm tội đã bị phát hiện nhưng không cần thiết áp dụng thủ tục xét xử của tòa án và số tội phạm đã phát hiện song chưa đủ điều kiện để đưa ra xét xử hoặc vì một lý do tiêu cực nào đó mà cho “chìm xuồng” luôn hoặc do chính nguyên nhân người phạm tội (tâm lý sợ trả thù, cho rằng hành vi phạm tội của mình quá tinh vi và không thể bị phát hiện…). Như vậy có thể thấy các con số trên chỉ phản ánh bề nổi của tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (tức tội phạm thực tế) còn lại là con số chưa được thống kê nói lên tình hình tội phạm ẩn của tội phạm này. Đây mới chính là “bức tranh” toàn cảnh về thực trạng tình hình tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Hằng năm, số lượng các vụ án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà Viện kiểm sát, tòa án nhân dân huyện Diễn Châu xét xử và thống kê số liệu còn rất ít so với các loại tội phạm khác cũng như thực tế tội phạm này xảy ra. Điều này cho chúng ta thấy được loại tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang có chiều hướng gia tăng. Việc này gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình trật tự an toàn công cộng, khuyến khích, tác động, cho các tội phạm khác phát triển.

Thực tế xét xử cho thấy, bọn tội phạm thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản có nguồn gốc thường là không rõ ràng từ những vật dụng sinh hoạt thường ngày cho tới những chiếc xe máy…Hầu hết các vụ án xét xử ở tòa án đều xác minh những tài sản này có liên quan tới các vụ án trộm cắp, cướp giật…Số lượng người tham gia vào việc tiêu thụ cũng rất đa dạng. Ngoài ra, ở những vụ án về tiêu thụ xe máy các đối tượng phạm tội thường có sự hứa hẹn trước người cung cấp các công cụ để hợp thức hóa các phương tiện này, số các vụ án còn lại thường ở dạng không hứa hẹn trước. Cụ thể:

Tại bản án số 110/HS- ST ngày 26 tháng 6 năm 2008 tòa án nhân dân huyện Diễn Châu xét xử Nguyễn Văn Đắc (trú tại xóm 4 xã Diễn Quảng huyện Diễn Châu) về tội trộm cắp tài sản, Lê Hữu Sản (trú tại xã Diễn Thái huyện Diễn Châu) và Vũ Văn Kiên (trú tại xã Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo bản cáo trạng thì Sản là một đối tượng không ngề nghiệp nhưng liên tục thay đổi nhiều loại xe máy. Qua điều tra xác minh của cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Diễn Châu, được biết xe Hon đa Wave RS y đang điều khiển là tang vật của một vụ án trộm cắp xảy ra tại thôn Yên Trung, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu. Sản khai nhận đã mua chiếc xe máy trên của Kiên với giá 4,2 triệu đồng trong tình trạng không có giấy tờ xe. Sản cho biết y đã mua 4 chiếc xe máy của Kiên với giá từ 2- 2,7 triệu đồng, sau đó, tẩy xóa số khung để đi bán kiếm lời. Kiên khai nhận mua số tài sản trên của Đắc .Đắc khai nhận y có số xe trên là do trộm cắp được. Chiếc xe máy trộm được ở xã Diễn Thái vào tháng 12 năm 2007 y bán cho Kiên với giá 4,2 triệu đồng. Vào tháng 3 năm 2008 y lại trộm được chiếc Hon đa Future màu đỏ tại khu vực cầu Bến Thủy, thành phố Vinh và bán cho Kiên với giá 3,5 triệu đồng. Tháng 5 năm 2008, Đắc lại trộm cắp tiếp 1 chiếc xe máy Hon đa Wave RS bán cho Kiên với giá 2,7 triệu đồng. Những vụ trộm cắp trên đều xảy ra vào lúc sơ hở mọi người xuống ruộng làm đồng.

Và mới đây, tòa án huyện Diễn Châu đã xét xử vụ án đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu và đồng bọn về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản các hiệu cầm đồ. Hầu hết các xe mà bọn chúng đưa đi cầm đều là xe đắt tiền là tài sản do trộm cắp, cướp được. Từ những tài sản có được, các đối tượng chấp nhận bỏ ra khoản phí để mua giấy tờ đăng kí xe, CMND giả. Tiếp đó chúng đưa những chiếc xe có giấy tờ “hợp lệ”đúng hình họ tên rồi càm với giá 17- 25 triệu đồng. Vào ngày 20/12/2008 chúng đang thực hiện hành vi trên thì bị công an huyện Diễn Châu bắt quả tang.

Như vậy, thông qua hoạt động xét xử của tòa án chúng ta có thể thấy được thực chất hành vi tiêu thụ tài sản ngày càng trở nên phức tạp, thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi hơn gây khó khăn nhiều hơn trong việc xác minh chứng cứ phạm tội và giải quyết đúng đắn vụ án nhằm thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật. 

2.3.1.1. Đặc điểm nhân thân của tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Tính chất nghiêm trọng của tội phạm về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở các đặc điểm về nhân thân người phạm tội.

Nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm riêng biệt của người phạm tội, chúng có ảnh hưởng nhất định tới quá trình thực hiện tội phạm. Xác định được nhân thân người phạm tội giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng rõ một số chi tiết liên quan đến vụ án từ đó giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ.

Bảng 3: Nhân thân người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có từ năm 2005 đến năm 2008
Năm Công nhân viên chức Tái phạm Tiền án, tiền sự Nữ Từ 18- 30 tuổi Người chưa thành niên
2005 2 1 1 6 9 0
2006 0 2 0 2 6 1
2007 1 1 2 3 8 2
2008 2 3 3 5 12 4
(Nguồn: phòng tổng hợp –TAND huyện Diễn Châu năm 2005- 2008)

Qua bảng thống kê trên chúng ta có thể thấy rằng, đối tượng phạm tội về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bao gồm nhiều tầng lớp và thành phần tham gia khác nhau đủ mọi lứa tuổi. Trong 54 bị cáo phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã được tòa án nhân dân huyện Diễn Châu xét xử sơ thẩm hình sự trong 5 năm (từ năm 2005- 2008) cho kết quả sau:

a) Về giới tính

Trong thực tiễn xét xử các vụ án về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì nữ giới chiếm tỷ lệ khoảng 18,5 %. Họ thường tập trung tiêu thụ ở các cửa hàng bán đồ phụ tùng ô tô xe máy, các cửa hàng bán thịt chó, các cửa hàng bán đồ gia dụng…lớn hơn là các cửa hàng bán điện thoại di động và máy tính xách tay…Các đối tượng này khi mua đồ không có nguồn gốc thì không khai báo cho cơ quan chức năng để xử lý mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi mua bán vì những đồ dùng này rất rẻ và khi bán lại trên thị trường với giá cao. Ví dụ như trường hợp mua máy tính xách tay, người chủ cửa hàng sau khi đã thỏa thuận giá cả xong, bảo đối tượng mở mật mã, nhưng người đó không biết. Trong trường hợp này, chỉ cửa hàng biết đó là đồ gian nhưng vì ham lợi nhuận nên biết đó là đồ gian mà vẫn chấp nhận mua.

Nữ giới tham gia các hành vi này chủ yếu ở tuổi từ 18 đến 55, chiếm vị trí cao nhất. Đối tượng vừa thực hiện hành vi trộm cắp vừa thực hiện hành vi tiêu thụ thường xuyên thấy ở những người thất học, không có nghề nghiệp và gia cảnh khó khăn.

Người chưa thành niên tham gia vào việc tiêu thụ tài sản phạm pháp cũng có xu hướng tăng lên chiếm khoảng 12,9 % , thể hiện ở việc cấu kết tiêu thụ tài sản với người lớn. Các đối tượng này thường là những đứa trẻ lang thang được lớn lên trong gia đình làm ăn bất chính, buôn bán gian lận, nghiện hút, trộm cắp…

b) Tuổi

Thanh niên từ 18 đến trên 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao khoảng 64,8 % và có xu hướng tăng nhanh từ năm 2006 trở lại đây. Đa số những người này là thất nghiệp và làm việc bán thời gian, làm việc ở các trạm sửa xe, bảo hành…

Các đối tượng là công nhân, viên chức làm việc cho các nhà máy sản xuất phụ tùng xe các loại, họ thường trộm cắp các loại tài sản này rồi tìm nơi tiêu thụ lấy tiền tiêu xài. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở các khu công nghiệp.

c) Tiền án, tiền sự

Tỷ lệ các đối tượng có tiền án, tiền sự chiếm khoảng 14,8 %. Các đối tượng thực hiện hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thường có tiền án về tội trộm cắp, cướp giật, các tội về chiếm đoạt tài sản như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,…hoặc các đối tượng này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

d) Tái phạm

Tỉ lệ tái phạm chiếm khoảng 12,9 % và tăng cao nhất trong năm 2008. Thực tế xét xử cho thấy, phần lớn người thành niên phạm tội nhiều lần và tái phạm rất lớn vì cải tạo xong ra trường lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội vì chúng không được sự quan tâm của gia đình và xã hội.

Như vậy, đặc điểm nhân thân người phạm tội về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có sự thay đổi đáng chú ý ở một số điểm như: số người thành niên tham gia lớn, nữ giới và người chưa thành niên cũng có xu hướng tăng. Phần lớn các đối tượng này phạm tội vì động cơ vụ lợi, động cơ thỏa mãn nhu cầu nghiện hút, còn lại là có động cơ và mục đích khác.

2.3.1.2. Hậu quả của tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có gây ra đối với xã hội.

Nghiên cứu các dấu hiệu hậu quả của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta nhận thức đầy đủ về tình hình tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Như chúng ta đã phân tích ở các mục trên, hậu quả của loại tội phạm này gây ra thể hiện trước hết ở số lượng gia tăng các vụ án trộm cắp, cướp giật và kéo theo đó là số lượng người phạm tội trong xã hội tăng lên dần theo cấp số nhân đặc biệt là giới trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này gây mất ổn định trật tự trị an trong thôn xóm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Đồng thời, nó còn là nhân tố thuận lợi cho các tệ nạn xã hội khác cũng như tội phạm phát triển.. Nhiều thanh thiếu niên vì thoả mãn những nhu cầu thường ngày mà thực hiện hành vi trộm cắp đưa tài sản đi bán lấy tiền chơi game, cờ bạc…nó làm cho nhân cách của các em bị tụt dốc, làm suy thoái đạo đức, ảnh hưởng tới sự phát triển tương lai các em sau này. 

Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có còn gây thiệt hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do người khác phạm tội mà có, ảnh hưởng tới việc điều tra, phát hiện tội phạm, tạo điều kiện khuyến khích những người khác đi vào con đường phạm tội, có trường hợp làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do người khác phạm tội mà có.

Thiệt hại gây ra ở đây chính là số lượng tiền, tài sản của người dân bị mất cắp cũng như tài sản của nhà nứơc bị xâm phạm làm cho người dân mất lòng tin vào sự quản lý đúng đắn của nhà nước đối với xã hội. Ngoài ra, còn phải kể đến toàn bộ chi phí của nhà nước và xã hội cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự an toàn xã hội nói chung cũng như tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nói riêng. Do đó, thiệt hại này không thể thống kê đựơc. Không những thế, loại tội phạm này đã ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương vì số tiền chi phí trên đáng lẽ phải được sử dụng cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương cũng như thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp người dân vay vốn để tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống giúp người dân tránh xa với các tệ nạn xã hội thì nay lại chi phí cho hoạt động ngăn chặn tội phạm này.

2.4. Những vướng mắc trong thực tế xét xử tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Bộ luật hình sự là công cụ sắc bén của nhà nước, của nhân dân, đã phát huy vai trò, tác dụng to lớn trong công cuộc bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, kết quả tổng kết 8 năm qua thi hành BLHS trong các ngành công an, kiểm sát, quốc phòng cũng như kết quả khảo sát tình hình thi hành BLHS tại một số địa phương cho thấy, BLHS năm 1999 đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế cần được phải được khắc phục. Tiêu biểu trong số các tội phạm được nêu ra trong BLHS năm 1999 có tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (điều 250).

2.4.1. Về cách hiểu và vân dụng điều luật

Điều luật này do chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nên thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã có những cách hiểu và vận dụng khác nhau. Chúng ta có thể thấy điều này qua một số ví dụ sau đây:

Ví dụ1 A chưa đủ tuổi chịu TNHS, trộm cắp chiếc xe mô tô trị giá 6 triệu đồng, bán cho B, B biết rõ là xe do A trộm cắp nhưng vẫn mua với giá là 3 triệu đồng.

Ví dụ 2 C đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích, sau đó C lại trộm cắp chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 800.000 đồng bán cho D với giá 300.000 đồng 

Ở ví dụ 1 có hai cách hiểu như sau:

Cách hiểu thứ nhất: do A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên A không phạm tội. Vì vậy hành vi tiêu thụ tài sản của B không cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Cách hiểu thứ hai: tuy về điều kiện chủ thể của tội phạm chưa thoả mãn, nhưng đã thoả mãn các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Do đó, tuy A không phạm tội trộm cắp tài sản, B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Ở ví dụ 2 cũng có hai cách hiểu như sau:

• Cách hiểu thứ nhất: mặc dù giá tri tài sản dưới 500 nghìn đồng nhưng C đã bị kết án, chưa được xoá án tích về tội chiếm đoạt nên C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

• Cách hiểu thứ hai : vì giá trị tài sản mà C chiếm đoạt dưới 500 nghìn đồng, nên chưa thoả mãn cấu thành cơ bản của tội trộm cắp tài sản. Vì vậy, D không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do nguời khác phạm tội mà có.

 Vướng mắc nữa là điều 250 BLHS không có quy định giá trị tài sản tiêu thụ là bao nhiêu nên chưa đồng bộ với các tội danh khác mà người có tài sản đó thực hiện. Chính vì không quy định cụ thể giá trị tài sản tiêu thụ là bao nhiêu thì phải chịu trách nhiệm hình sự (như một số tội có tính chất chiếm đoạt khác như tội chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp, tội lừa đảo, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…). Do vậy, còn có nhiều ý kiến khác nhau về giá trị tài sản tiêu thụ để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm.

 Ví dụ: Trần Văn A mua một xe đạp Trung Quốc trị giá 400.000 đồng của Hoàng Văn Q do phạm tội "cướp" mà có, nhưng Q nói với A là do trộm cắp được nên bán với giá rẻ là 200.000 đồng.Và A đã mua.


 Ý kiến thứ nhất cho rằng : hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ", vì chiếc xe đạp mà A mua của Q là do phạm tội mà có.

 Ý kiến thứ hai cho rằng: “trường hợp này chưa đủ yếu tố cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bởi lẽ như sau: A biết là tài sản phạm pháp nhưng tham rẻ nên đã mua, nhưng lại tưởng đó là xe đạp do Q "trộm cắp " được chứ không hề biết do Q phạm tội "cướp " mà có. Giả sử, nếu Q trộm cắp chiếc xe đạp đó, thì bản thân Q cũng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ xử lý hành chính”[27,20]. Do vậy, cũng chỉ áp dụng xử lý hành chính đối với A, chứ chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.

 Trong trường hợp đối với tội danh này, việc quy định giá trị tài sản tiêu thụ mức tối thiểu để định tội hay xác định "tài sản, vật phạm pháp có giá tri lớn" hay "rất lớn" để định khung là rất khó khăn và sẽ có nhiều bất cập, vì các tội danh khác nhau có quy định về giá trị tài sản, vật phạm pháp rất khác nhau.

 Ví dụ: + Tội cướp tài sản khoản 1 điều 133 BLHS thì không quy định giá trị tài sản nhằm chiếm đoạt;

 + Tội trộm cắp tài sản khoản 1 điều 138 BLHS quy định tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội;

 + Tội buôn lậu khoản 1 điều 153 BLHS quy định vật phạm pháp phải có giá từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự. Do vậy, không thể quy định một cách cứng nhắc, định lượng về giá trị tài sản tiêu thụ để định tội hay định khung đối với hành vi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" mà phải căn cứ theo quy định về giá trị tài sản, vật phạm pháp của tội danh mà chủ thể đã phạm tội này để có được tài sản, vật phạm pháp đem đi tiêu thụ.

 Ví dụ : đối với tài sản do phạm tội cướp tài sản mà có, thì chủ thể tiêu thụ tài sản này bị xử lý hình sự khi giá trị tài sản này là rất nhỏ, nhưng tiêu thụ tài sản do "trộm cắp tài sản" mà có thì phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên,và tiêu thụ tài sản do "buôn lậu" mà có thì phải có giá trị trên 100 triệu đồng mới bị xử lý hình sự.

 Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là phải làm rõ nhận thức chủ quan của người phạm tội, biết tài sản đó do người khác phạm tội gì mà có để xử lý cho thoả đáng chứ không phải căn cứ vào giá trị tài sản tiêu thụ.

Quay lại trường hợp của Trần Văn A ở trên, theo ý kiến của cá nhân, A chỉ bị xử lý hành chính là đúng với nhận thức chủ quan của A.

Trong BLHS hiện hành, một số quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới, nhất là các quy định về mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

2.4.2. Về mặt pháp luật

BLHS hiện hành được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhiều điều ước quốc tế chúng ta chưa có điều kiện gia nhập. Do vậy, nó chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là các tội phạm mang tính quốc tế như: khủng bố, buôn bán người hay tội phạm rửa tiền là một tội phạm được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

BLHS năm 1999 có hai điều luật quy định về hai tội phạm liên quan trực tiếp đến “rửa tiền”. Đó là điều 250 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và điều 251 về tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có. Điểm bất cập lớn nhất của hai tội phạm này thể hiện ở chỗ hai tội này đều quy định những hành vi rửa tiền khác nhau nhưng lại chưa bao quát được hết các hành vi rửa tiền, như: sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp (casino), làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác; dịch chuyển tài sản biết rõ là do phạm tội mà có từ nơi này sang nơi khác nhằm mục đích che dấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, bằng các biện pháp sau: ngụy trang các thông tin về chủ sở hữu, về nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, sử dụng tài sản mà không kèm theo việc chiếm hữu tài sản .

Hành vi tiêu thụ bắt đầu thực hiện trước khi tội phạm kết thúc, sau khi tội phạm hoàn thành. Xử lí tội đồng phạm hay tội tiêu thụ? Đó là một trong những vướng mắc gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng xác định tội, để xử lí đúng người đúng tội không bỏ lọt kẻ phạm tội.

Tham khảo thực tiễn xét xử chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu như:

Trước hết, về đối tượng của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tội danh quy định đối tượng của loại tội phạm này là tài sản và tài sản đó phải do người khác phạm tội mà có. Ở đây, câu hỏi được đặt ra là có phải mọi đối tượng vật chất do phạm tội mà có đều được coi là tài sản và là đối tượng của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? Cụ thể, nếu tiêu thụ những đối tượng vật chất là hàng cấm do người khác phạm tội mà có như các loại pháo, thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài, ma túy …thì có phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? Theo chúng tôi hàng cấm đã được BLHS quy định là đối tượng của các tội phạm riêng mà không coi là tài sản vì thế người tiêu thụ đối tượng là hàng cấm do người khác phạm tội mà có vì bất cứ mục đích, động cơ gì sẽ không coi là phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tùy tính chất của đối tượng được tiêu thụ mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi về các tội danh tương ứng trong BLHS, ví dụ tiêu thụ chất ma túy (không hứa hẹn trước) là phạm tội tàng trữ hoặc mua bán trái phép chất ma túy (điều 194 BLHS). Theo cách hiểu này, “đối tượng của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có chỉ có thể là tài sản (các đối tượng vật chất, hàng hóa, tiền) do phạm tội mà có trừ các đối tượng vật chất là hàng cấm ) do phạm tội mà có”[31,6].

Thứ hai, về mức độ của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và về dấu hiệu “… do người khác phạm tội mà có”.

Trong quy định về tội này, điều luật không xác định tiêu thụ tài sản có giá trị bao nhiêu mà chỉ quy định “…tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có …”. Qua quy định này có thể hiểu, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (trừ các đối tượng là hàng cấm) luôn cấu thành tội phạm mà không phụ thuộc vào mức độ. Nhưng từ đó dẫn đến một bất hợp lý sau:

Trong khi hành vi tiêu thụ tài sản có giá trị không lớn nhưng vẫn bị coi là phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có(vì tài sản có giá trị không lớn nhưng tài sản đó lại do người khác phạm tội mà có) thì trái lại hành vi tiêu thụ tài sản giá trị lớn vẫn không bị coi là phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có vì tài sản đó lại không do người khác phạm tội mà có (vì người này dù thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác không thỏa mãn dấu hiệu độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ). Ví dụ A mới 15 tuổi có hành vi trộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới 100 triệu đồng và mang đi bán .B biết tài sản A bán cho mình là tài sản do trộm cắp mà có .Nhưng do người có tài sản bán là A không phải là người phạm tội nên B tiêu thụ tài sản này cũng không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

2.4.3. Về phía cơ quan tiến hành tố tụng

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng điều 250 BLHS nói riêng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc vì có những dấu hiệu của những cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS còn khó hiểu và khó áp dụng. Và đặc biệt là, để thấy được mối quan hệ giữa cấu thành tội phạm và định tội danh, giữa cá yếu tố cấu thành tội phạm và tội phạm. Nhất là khi một yếu tố nào đó trong cấu thành tội phạm chưa xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, đặc biệt là mặt khách quan của tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng chưa định được tội danh một cách chính thức. Vì các lẽ đó phải bàn thêm về điều 250 BLHS tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện bằng một trong các hành vi sau đây:Tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, như: mua tài sản đó, đem đi tiêu thụ tài sản đó, trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất tài sản đó… Như vậy, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là cần phải có các điều kiện sau:

- Giữa người phạm tội này và người có tài sản do phạm tội mà có không có sự hứa hẹn trước.

- Người phạm tội biết rõ tài sản này là của người khác do phạm tội mà có.

Vậy, hiểu thế nào là "biết rõ "trong mặt khách quan của tội phạm này?

Theo từ điển tiếng Việt thì "biết" có nghĩa là hiểu lẽ chính, hiểu manh mối đầu đuôi một cái gì, vật gì. Còn từ "rõ" có nghĩa là dễ nghe, dễ thấy, dễ hiểu [30, 20]. Vấn đề này đã xảy ra nhiều tranh luận trong giới luật gia, và các nhà nghiên cứu pháp luật, giữa những người tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa viện kiểm sát với luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo. Có ý kiến thì cho rằng bị can, bị cáo biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có, ý kiến khác lại cho rằng bị can, bị cáo không biết hoặc biết nhưng chưa rõ là tài sản đó do người khác phạm tội mà có; và đặc biệt bị can, bị cáo thì một mực kêu oan vì cho rằng thực sự thì bị can, bị cáo không biết rõ.

Xin nêu một số vụ án cụ thể như sau:

Vụ án thứ nhất: vào ngày 21/10/2006 Nguyễn Văn H do muốn có tiền hút hít nên đã thực hiện hành vi trộm cắp. H trộm được một chiếc xe máy và đem qua tỉnh bên cạnh cầm cho chị K là người không quen biết. Khi nhận cầm xe, chị K có hỏi H là xe của ai, có giấy tờ gì không, thì H trả lời là xe của gia đình H , do vội nên không đem giấy tờ theo. Vì cần có phương tiện đi lại nên chị K đồng ý nhận cầm xe, H đem cầm xe lấy 2 triệu đồng và để lại cho chị K giấy chứng minh nhân dân (bản phô tô của mình). Hai ngày sau H đến chỗ chị K và yêu cầu cầm thêm một triệu nữa, chị K đồng ý và đưa cho H thêm một triệu nữa.

Đến ngày 15/11/ 2006 H bị cơ quan điều tra bắt giữ, H bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo điểm b, khoản 2 điều 138 BLHS, còn chị K thì bị khởi tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có . Theo khoản 1 điều 250 BLHS.

Vụ án này có 2 ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng chị K không phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có vì chị K biết là chiếc xe do H trộm cắp mà có.

Ý kiến thứ hai lại cho rằng chị K buộc phải biết rõ là chiếc xe do H phạm tội mà có vì xe máy là một loại tài sản có giấy tờ xác lập quyền sở hữu, khi giao dịch trao đổi mua bán. Chị K trong ý thức vẫn biết được là chiếc xe đó là do H phạm tội mà có, những lờ đi vì tham lợi.

Vụ án này sau đó đã được cơ quan điều tra căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 139, khoản 2 điều 89 BLTTHS đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với chị K về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có vì không xác định được chị K có biết rõ chiếc xe máy đó là do H phạm tội mà có hay không và do đó đã xác định hành vi phạm tội của chị K không cấu thành tội phạm.

Vụ án thứ hai: Nguyễn Văn T là một người có nhân thân xấu, thường hay trộm cắp trên địa bàn. T đã có một tiền án và một tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản .Ngày 24/4/2003 T đem bán cho bà M (là chủ đại lý vật liệu xây dựng) 11,5 tấn xi măng hiệu Bỉm Sơn giá 400.000 đ/ tấn. Khi mua bà M hỏi T là xi măng của ai thì T trả lời là xi măng của T, do làm nhà còn thừa nên đem bán lại. Bà M không hỏi gì thêm mà đồng ý mua cho T.

Sau đó, T bị bắt về tội trộm cắp tài sản vì đó là xi măng T trộm được của công ty xây dựng V- L. Công ty đang để xi măng tại kho của công trường, còn T đang làm thợ hồ cho công trường nên đã theo dõi và biết được sơ hở trong quản lý của công trường nên đã thuê công nông đến tận nơi, giả vờ chở đi làm công trình rồi bán luôn.

Xung quanh vụ án này có hai ý kiến sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng bà M đã có dấu hiệu phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì trong trường hợp này bà M bắt buộc phải biết rõ tài sản là do T phạm tội mà có, bởi thứ nhất T là người có nhân thân xấu, thứ hai là giá bán là quá thấp so với thị trường.

Ý kiến thứ hai cho rằng chưa có cơ sở để xác định bà M biết rõ tài sản đó do T phạm tội mà có, trong ý thức thì bà M có thể biết rõ nhưng hành vi biểu hiện thì không xác định được điều đó .Vì khi mua bà M có hỏi và T trả lời là tài sản của T. Luật không quy định bà M phải đi xác định lời nói của T, hay tìm hiểu nguồn gốc tài sản đó. Và đối với bà M thì đó là một giao dịch dân sự ngay tình.

Để làm rõ hành vi khách quan của tội phạm này không phải dễ vì nó phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị can, bị cáo. Có thể trong ý thức họ biết rõ là tài sản họ chứa chấp hay tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có nhưng hành vi khách quan biểu hiện ra bên ngoài thì không thể hiện rõ ràng và chắc chắn. Bản thân họ thì cho rằng hoặc là không biết hoặc có thể biết nhưng biết không rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà đối với loại tội phạm này thì người có tài sản do phạm tội mà có ít khi để lộ nguồn gốc tài sản đó, còn người tiêu thụ tài sản đó cho dù có biết rõ là do người khác phạm tội mà có họ cũng không biểu hiện ra bên ngoài.

Theo quy định tại điều 11 BLTTHS hiện hành thì: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội…Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội ".

Như vậy, việc xác định bị can, bị cáo có "biết rõ" hay không " biết rõ" thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó do điều luật khó xác định nên đã gây không ít trường hợp phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cơ quan nhà nước không có bằng chứng cụ thể để kết tội đối tượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bản án số 128/ 2007/HS- ST ngày 24 tháng 12 năm 2007, Bản án số 100/2008/ HS- ST ngày 26 tháng 6 năm 2008 và một số bản cáo trạng khác
[2]. Báo cáo công tác nghành tòa án năm 2005, 2006, 2007, 2008 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006, 2007, 2008, 2009.
[3]. Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2008, một số nhiệm vụ và giải pháp năm 2009 của UBND huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, trang 1- 4
[4]. Báo Công an nhân dân số 1177 ngày 1 tháng 9 năm 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh, trang 23, 24
[5]. Bình luận khoa học bộ luật hình sự năm 1999, NXB công an nhân dân, Hà Nội,năm 2004, tập 2, phần các tội phạm cụ thể, trang 554- 555
[6]. Bộ luật dân sự năm 2005, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, trang 83
[7]. Bộ luật hình sự năm 1985, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1990, trang 65
[8]. Bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, trang11, trang 15,trang 17, trang 19.
[9]. Bộ Hoàng Việt Hình Luật- chữ quốc ngữ, NXB pháp lý, Hà Nội năm 1991, trang 108
[10]. Bộ luật hình sự Nhật Bản, Bộ Tư Pháp, người dịch: Nguyễn Văn Hoàn, người hiệu chính: TS. Uông Chu Lưu, Hà Nội, trang 69
[11]. Bộ Quốc triều hình luật – Viện Sử học, NXB pháp lý, Hà Nội, năm 1991, trang 216
[12]. Bộ luật tố tụng hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 20004, trang 12
[13]. Các Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, xuất bản lần hai, tập 1, NXB Sự thật, Hà Nội, 1978, trang 665
[14]. Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, ngày 3 tháng 12 năm 2002, trang 2.
[15]. Đinh Quang Tâm – “Cần sửa đổi điều 250 bộ luật hình sự” - Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 tháng 8 năm 2007, trang 10
[16]. Đinh Văn Quế, “Bình luận khoa học bộ luật hình sự năm 1999”, nxb thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tập 2 phần các tội phạm cụ thể, trang 445- 447
[17]. Giáo trình luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội năm 2006, tập 1, trang 11- 19, trang 79, trang 128, trang 144.
[18]. Giáo trình luật hình sự Việt Nam, NXB công an nhân dân,Hà Nội năm 2006, trang 256, tập 2
[19]. Giáo trình tội phạm học, NXB công an nhân dân, Hà Nội, năm 2006, trang 7, 207,275,297
[20]. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung năm 2001, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2000, trang 17
[21]. Lê Văn Luật- “Bàn về điều 250 bộ luật hình sự”- Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 tháng 6 năm 2004, trang 23- 24
[22]. Nguyễn Hữu Thanh- “Về hành vi “rửa tiền” theo quy định của pháp luật Việt Nam”- Tạp chí luật học số 7 năm 2003, trang 36- 40
[23]. Nguyễn Ngọc Hòa – “Phòng ngừa tội phạm trong tội phạm học”- Tạp chí luật học số 6 tháng 6 năm 2007, trang 27- 31
[24]. Nghị định số 150/2005/NĐ- CP về xử lý vi phạm hành chính đối với người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
[25]. Nghị quyết số 02/2003/NQ- HĐTPTANDTC ngày 17 tháng 4 năm 2003 hướng dẫn đối với trường hợp thu lợi bất chính đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
[26]. Nguyễn Thị Xuân, Huế, tập bài giảng luật hình sự trang 21- 22 trang 64, trang 33, Huế năm 2005
[27]. Nguyễn Văn Vương –“Một số vướng mắc khi áp dụng điều 104 và 250 bộ luật hình sự”. Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 năm 2003, trang 19- 20
[28]. Nguyễn Xuân Yêm, “Tội phạm có tổ chức, mafia và toàn cầu hóa tội phạm”, NXB Công an nhân dân, năm 2003, trang 544
[29]. Pháp lệnh 1, pháp lệnh 2, trừng trị các tội phạm tài sản và tờ trình hai dự thảo pháp lệnh của tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và bộ công an. Hệ thống hóa pháp luật về hình sự (1945- 1974), tập 1, trang 207, 227, và 456
[30]. Phan Cảnh, từ điển tiếng Việt, NXB Mũi Cà Mau, năm 1997, trang 20
[31]. Phạm Văn Báu – “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Tạp chí luật học số 5 tháng 5 năm 2004, trang 3- 7
[32]. Sắc lệnh số 27- SL ngày 28 tháng 12 năm 1946 Hệ thống hóa pháp luật về hình sự (1945- 1975), tập 1, trang 29
[33]. Trần Quang Tiệp –“Một số vấn đề về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Tạp chí Tòa án nhân dân số 7 tháng 9 năm 2007, trang 4- 7
[34]. Từ điển luật học, Viện khoa học pháp lý- Bộ tư pháp, NXB tư pháp, năm 2006, trang 764

No comments:

Post a Comment