23/10/2014
Nhận thức cá nhân về khái niệm tình hình tội phạm - Bài tập học kỳ Tội phạm học
A.ĐẶT VẤN ĐỀ:

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo là cùng với sự gia tăng của tội phạm. Thời gian qua tình hình tội phạm (THTP) diễn ra khá phức tạp và không ngừng biến hóa về các chiêu trò khiến nạn nhân vừa bất ngờ, vừa hoang mang lo sợ. Chúng ta không dám chắc mình sẽ là nạn nhân bất đắc dĩ vào một thời điểm nào đó. Hơn nữa, việc lừa đảo hay tấn công các nạn nhân bằng những chiêu quái đản không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà thậm chí ở cả các vùng quê. Mức độ của THTP không chỉ gia tăng về số lượng mà còn diễn ra ngày càng liều lĩnh, manh động. Nhóm em xin trình bày về vấn đề "nhận thức về tình hình tội phạm" để từ đó hiểu rõ hơn về tình hình của tội phạm đang diễn ra ở Việt Nam cũng như thế giới.

B. NỘI DUNG CHI TIẾT:

I. Khái niệm và đặc điểm của tình hình tội phạm:

1. Khái niệm:

Tình hình tội phạm là trạng thái, xu thế vận động của (các) tội phạm (hoặc nhóm tội phạm hoặc một loại tội phạm) đã xảy ra trong một đơn vị không gian và thời gian nhất định.

THTP được thể hiện thông qua thực trạng, diễn biến, cơ cấu, tính chất của THTP, trên cơ sở đó giúp cho các cơ quan có thẩm quyền xây dựng được biện pháp phòng ngừa tội phạm sát hợp với thực tiễn.

2. Đặc điểm:

- Đặc điểm về phạm vi: THTP luôn gắn với các phạm vi – phạm vi đối tượng, phạm vi không gian và phạm vi thời gian. Phạm vi đối tượng thường có ba mức độ: Phạm vi tất cả các tội phạm, phạm vi nhóm tội phạm (như nhóm tội tham nhũng, nhóm tội xâm phạm sở hữu…) và phạm vi tội phạm cụ thể (như tội giết người, tội nhận hối lộ…). Ngoài ra, các phạm vi đó còn có thể được giới hạn tiếp bởi đặc điểm nhất định của tội phạm. Phạm vi về không gian có thể là phạm vi toàn quốc, phạm vi vùng, phạm vi địa phương hoặc phạm vi ngành, lĩnh vực. Phạm vi thời gian có thể là khoảng thời gian 5 năm, 10 năm hoặc trong giới hạn bởi mốc bắt đầu và mốc kết thúc nào đó.

Đặc điểm này của THTP đ̣i hỏi khi nghiên cứu THTP, người nghiên cứu phải xác định rõ ràng ngay từ đầu các phạm vi này.

- Đặc điểm về nội dung: THTP luôn gắn với các đặc điểm về nội dung – đặc điểm về mức độ, đặc điểm về cơ cấu và tính chất, đặc điểm về xu hướng vận động. Đặc điểm về mức độ cùng với đặc điểm về cơ cấu và tính chất hợp thành đặc điểm về thực trạng của tội phạm. Đặc điểm về xu hướng vận động thường được gọi là đặc điểm về động thái của tội phạm. Như vậy, đặc điểm về nội dung đ̣i hỏi người nghiên cứu THTP phải làm rõ đặc điểm về thực trạng và về động thái của tội phạm.

- Đặc điểm về tính phụ thuộc pháp lí và tính vận động: Tội phạm – hiện tượng xă hội tạo nên “bức tranh THTP” luôn có tính pháp lí vì được phản ánh trong luật hình sự. Chỉ những hiện tượng xă hội xảy ra đă được quy định trong luật hình sự mới có thể là “nguyên liệu” tạo ra “bức tranh THTP”. Thay đổi của luật sẽ làm thay đổi “nguyên liệu” và qua đó làm thay đổi “bức tranh”. Như vậy, có thể nói: THTP có tính phụ thuộc pháp lí. Đồng thời với đặc điểm này, THTP cũng có tính vận động – không ổn định theo thời gian và không gian.

Đặc điểm này đ̣i hỏi người nghiên cứu phải chú ý đến các điều kiện kinh tế-xă hội và môi trường pháp lí trong đó có môi trường pháp lí hình sự khi xem xét, đánh giá THTP.

- Đặc điểm về tính tuyệt đối và tính tương đối: Tình hình tội phạm luôn

tồn tại khách quan và có thể nhận thức được nhưng chúng ta chỉ có thể nhận thức được gần đúng vì những lí do khách quan và chủ quan khác nhau. THTP mà chúng ta nhận thức được chỉ là THTP tương đối so với THTP thực là THTP tuyệt đối. Vấn đề đặt ra là cần loại trừ những yếu tố có thể làm sai lệch nhận thức để chúng ta đến gần nhất với THTP tuyệt đối.

II. Nội dung của tình hình tội phạm:

1.Thực trạng của THTP:

a. Tội phạm rõ.

Trước hết về khái niệm tội phạm rõ ta có thể hiểu: tội phạm rõ là tội phạm đã được xử lí về hình sự và đã được đưa vào thống kê tội phạm.

Tội phạm đã được xử lí về hình sự bao gồm: Tội phạm đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật( kể cả trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt) và các trường hợp xác định là tôi phạm nhưng đã bị đình chỉ mà không được xét xử vì lí do khác nhau như đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện đã chết…

Thời điểm được coi là tội phạm rõ từ khi cơ quan cảnh sát nhận được tin báo về tội phạm và có sự xác nhận của cơ quan cảnh sát hoặc cơ quan áp dụng pháp luật khác là hành vi đó vi phạm pháp luật hình sự.

Xác định tội phạm rõ dựa trên thông số về số vụ án xảy ra trên thực tế (chứ không phải là số vụ án được đưa ra xét xử trên thưc tế) và chỉ khi làm như vậy mới phản ánh chính xác về thực trạng của THTP.

Theo GS.TS. Yock Yong (1): có 4 nguồn thông tin là cơ sở để xác định tội phạm rõ trong xã hội. Đó là:

Số liệu từ cơ quan cảnh sát

Số liệu từ cuộc điều tra nạn nhân của tội phạm

Số liệu điều tra về tội phạm tự tường thuật

(1): bài giảng “Extend of crime” của GS. TS Jock Young trên trang web: www.malcolmread.co.ukJock Youngthe_ extend_of_crime.pdf ngày 21/8/2009.

- Các số liệu khác.

Trong các nguồn trên thì số liệu của quan cảnh sát được sử dụng để chứng minh tội phạm rõ. Ba nguồn còn lại để xác định tội phạm ẩn.

Từ những phân tích trên có thể thấy nên thay đổi quan niệm coi số liệu của Tòa án làm căn cứ để mô tả tội phạm rõ, chúng ta nên lấy số liệu của cơ quan cảnh sát thì hợp lí hơn, phù hợp hơn với xu thế các nước vẫn sử dụng để xác định tội phạm rõ.

b. Tội phạm ẩn.

Khái niệm: Tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lí hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm.

Việc các tội phạm này không được thể hiện trong thống kê tội phạm là do không được xử lí về hình sự (không được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng không được xử lí về hình sự) hoặc đã được xử lí về hình sự nhưng chưa dứt điểm (chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật) hoặc đã được xử lí dứt điểm về hình sự nhưng không được đưa vào thống kê tội phạm.

Việc tội phạm không được xử lý về hình sự có thể do nguyên nhân khách quan nhưng cũng có thể do lỗi chủ quan của các cơ quan có trách nhiệm. Từ đó, tội phạm ẩn được phân thành tội phạm ẩn khách quan và tội phạm ẩn chủ quan. Tội phạm ẩn do không được đưa vào thống kê tội phạm được gọi là tội phạm ẩn do sai số thống kê.

Nguyên nhân dẫn tới tội phạm ẩn:

- Nguyên nhân bắt nguồn từ phía nạn nhân của tội phạm: nạn nhân không tố cáo hành vi phạm tội do không tin tưởng vào cơ quan bảo về pháp luật do bị người phạm tội hoặc người nhà phạm tội đe dọa, hoặc do sợ phiền hà hoặc sợ bị công khai bí mật đời tư.

- Nguyên nhân từ phía người phạm tội: người phạm tội thực hiện bằng hành vi xảo quyệt, người phạm tội đe dọa nạn nhân và gia đình nạn nhân hoặc người phạm tội đưa hối lộ.

- Nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng: do thái độ thiếu tình thần trách nhiệm hoặc do nể nan, quen biết nên bao che, hoặc nhận hối lộ.

- Nguyên nhân từ phía người làm chứng: người làm chứng sợ bị trả thù nên không dám đứng ra làm chứng, tố cáo hành vi phạm tội hoặc sợ phiền hà cá nhân và người thân.

Mối quan hệ giữa tội phạm rõ và tội phạm ẩn.

Tội phạm rõ và tội phạm ẩn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trước hết, tội phạm rõ và tội phạm ẩn là hai phần cảu tội phạm đã xảy ra, có quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Phần “rõ” càng lớn thì phần “ẩn” càng nhỏ và ngược lại. Phần rõ là phần có thể khẳng định một cách chắc chắn vì dựa trên các con số thống kê cụ thể. Trong khi đó, phần ẩn là phần mà không thể có được sự sự khẳng định chắc chắn vì dựa trên sự suy đoán. Trong đó, phần rõ là một trong các cơ sở của sự suy đoán này.

Tội phạm rõ so với tội phạm thực tế có thể đạt được các tỉ lệ khác nhau ở các phạm vi tội danh, phạm vi không gian và phạm vi thời gian khác nhau nhưng luôn có ý nghĩa đặc biệt vì vừa phản ánh thực trạng đấu tranh chống tội phạm của Nhà nước và xã hội vừa là cơ sở cần thiết để nghiên cứu tội phạm ẩn.

Nghiên cứu về THTP là nghiên cứu THTP thực bao gồm cả tội phạm rõ và tội phạm ẩn. “ Bức tranh” thực trạng của tội phạm phải là “bức tranh” tổng hợp của cả tội phạm rõ và tội phạm ẩn. Về lí thuyết, khi nghiên cứu THTP cụ thể, chúng ta phải bắt đầu và chủ yếu nghiên cứu tội phạm rõ. Các mô tả, đánh giá, giải thích cũng như dữ liệu trước hết và chủ yếu là dựa trên tội phạm rõ. Nghiên cứu tội phạm ẩn được tiến hành sau và kết quả của nó chỉ được sử dụng có tính tham khảo thêm khi nghiên cứu THTP.

c. Chỉ số tội phạm, thông số về nạn nhân.

Chỉ số tội phạm:

Chỉ số tội phạm được xác định để tìm hiểu mức độ phổ biến tội phạm trong dân cư. Khi đánh giá thực trạng của tình hình tội phạm không thể bỏ qua chỉ số tội phạm, nhất là khi đánh giá thực trạng của THTP qua các khoảng thời gian khác nhau trên một địa bàn hoặc ở các địa bàn khác nhau trong cùng khoảng thời gian nhất định. Chỉ số tội phạm được tính theo tỷ lệ số tội phạm (hoặc vụ phạm tội) trên 100.000 người dân (hoặc 10.000 dân). Cần lưu ý là chỉ số tội phạm luôn được xác định gắn liền với một địa bàn nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ: số vụ cướp tài sản trên địa bàn tỉnh A là 655 vụ trong năm 2012. Dân cư của tỉnh A năm 2012 là 560.000 người. Do đó, chỉ số tội cướp tài sản

trên địa bàn tỉnh N năm 2007 sẽ là: (655 x 100.000) : 560.000 = 1,17.

Thông số về nạn nhân:

Thông số về nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong việc mô tả thực trạng của THTP. Để làm sáng tỏ thông số về nạn nhân cần làm rõ các vấn đề sau đây:

- Số lượng nạn nhân.

- Thông tin về đặc điểm nhân thân của nạn nhân.

- Thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu như thiệt hại về thể chất, vật chất, tâm lí.

- Tình huống trở thành nạn nhân.

Những thông tin này rất quan trọng đối với cở quan hoạch định chính sách phòng ngừa nhằm giúp các cơ quan này đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế cũng như phải có biện pháp cảnh báo người dân để họ chủ động phòng tránh không trở thành nạn nhân cảu tội phạm.

2.Diễn biến của THTP.

Diễn biến THTP là sự phản ánh xu hướng tăng, giảm hoặc ổn định tương đối của tội phạm nói chung ( hoặc môt tội hoặc nhóm tội phạm) xảy ra trong khoảng thời gian nhất định và trên một địa bàn nhất định.

Nghiên cứu diễn biến của THTP có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ giúp cho nhận diện “bức tranh” về tội phạm- THTP được rõ nét mà còn giúp cho việc dự toán xu hướng vận động của tội phạm trong thời gian tiếp theo một cách tương đối, từ đó giúp cho việc xây dựng biện pháp phòng ngừa tội phạm của cơ quan chức năng sát với tình hình thực tiễn. Diễn biến của THTP có thể bị thay đổi do tác động của hai loại yếu tố:

- Các yếu tố xã hội như: sự tăng trưởng - suy thoái của kinh tế, vấn đề di dân, gia tăng dân số ở các thành phố lớn, sự chênh lệch về mức sống của người dân…

- Sự thay đổi về mặt pháp lý trong đó, sự thay đổi của pháp luật hình sự trong việc mở rộng hoặc thu hẹp tội phạm cũng như biện pháp xử lý hình sự cũng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng vận động của tội phạm

3. Cơ cấu và tính chất của THTP.

Cơ cấu của tình hình tội phạm là tỉ trọng, mối tương quan giữa

nhân tố bộ phận và tổng thể của THTP trong khoảng thời gian nhất định và trên địa bàn nhất định. Cơ cấu của THTP được biểu thị bằng chỉ số tương đối, phản ánh mối tương quan giữa các loại tội phạm, các tội phạm cụ thể trong tổng thể THTP.

Cơ cấu của tội phạm có thể được xác định theo những tiêu chí sau:

+ Cơ cấu của THTP theo tên chương các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự.

+Cơ cấu của THTP theo tội danh cụ thể của Bộ luật hình sự.

+Cơ cấu của THTP theo phân loại tội phạm (tại khoản 3 Điều 8 BLHS).

+ Cơ cấu của THTP theo hình thức lỗi.

+Cơ cấu của THTP theo hình thức phạm tội.

+Cơ cấu của THTP theo địa bàn phạm tội.

+ Cơ cấu của THTP theo loại hình phạt áp dụng cho người phạm tội.

+Cơ cấu của THTP theo dạng thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

+Cơ cấu của THTP theo đặc điểm về nhân thân của người bị kết án.

+ Cơ cấu của THTP theo loại động cơ phạm tội.

+ Cơ cấu của THTP theo đặc điểm của công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian phạm tội.

Ví dụ: người nghiên cứu sẽ xác định số vụ cướp tài sản vào ban ngày, số vụ cướp tài sản vào ban đêm chiếm tỉ lệ bao nhiêu % trong tổng số vụ cướp xảy ra

Cơ cấu của THTP theo đặc điểm mối quan hệ của nạn nhân với người phạm tội.

Ví dụ: người nghiên cứu sẽ xác định số vụ phạm tội mà giữa nạn nhân và người phạm tội có quan hệ gia đình, họ hàng (hoặc là quan hệ xóm giềng, hoặc là hệ đồng nghiệp hoặc là không quen biết) chiếm tỉ lệ bao nhiêu % trong tổng số tội phạm xảy ra.

Tính chất của THTP được làm sáng tỏ sau khi có sự nghiên cứu về cơ cấu của THTP.

Tính chất của THTP phản ánh đặc trưng, nổi bật nhất trong cơ cấu của THTP. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ có định hướng tập trung trong việc tìm ra nguyên nhân của tội phạm cũng như có giải pháp phòng ngừa tội phạm sát hợp với thực tế, khắc phục tình trạng biện pháp phòng ngừa quá phân tán, tràn lan nên không thể giả quyết hiệu quả, dứt điểm vấn đề tội phạm; việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa thường tập trung vào nhóm tội (hoặc tội) với những đặc trưng phổ biến nhất, nguy hiểm nhất thể hiện trong tính chất của THTP.

Ví dụ: qua tìm hiểu cơ cấu của THTP trộm cắp tại địa bàn thành phố A theo đặc điểm về nhân thân của người phạm tội, ta có, người phạm tội là nam giới chiếm 70,5%, người phạm tội là nữ giới chiếm 29,5%; người phạm tội thất nghiệp chiếm 61,6 %; người phạm tội tái phạm chiếm 30%.... Từ đó, ta thấy tính chất của THTP trộm cắp tại địa bàn thành phố X là đặc trưng bởi đặc điểm về giới tính và tình trạng nghề nghiệp....

III.THTP ở Việt Nam hiện nay:

THTP ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, mỗi năm phát hiện trung bình trên 70 ngàn vụ phạm tội các loại, trong đó khoảng 50 ngàn vụ phạm tội về trật tự xã hội, trên 10 ngàn vụ phạm tội về kinh tế và gần 10 ngàn vụ phạm tội về ma tuý. So với các nước trên thế giới và trong khu vực thì THTP ở Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp, nhưng tính chất phức tạp. Đáng lưu ý, tỷ lệ tội phạm ẩn ở nước ta cao, đặc biệt là trong lĩnh vực tội phạm về kinh tế, ma tuý.

Đặc điểm của THTP ở nước ta trong giai đoạn hiện nay:

- Sự hình thành các tổ chức, băng, nhóm tội phạm có chiều hướng gia tăng

-Tính chất các loại tội phạm ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, hậu quả của tội phạm ngày càng lớn

-Tội phạm sử dụng thành tựu của khoa học - công nghệ vào quá trình phạm tội ngày càng nhiều, số người phạm tội là người có trình độ học vấn cao ngày càng gia tăng

-Tội phạm ngày càng gắn với tệ nạn ma tuý

-Tính xã hội của tội phạm ngày càng thể hiện rõ nét, thể hiện những đặc trưng riêng của nền kinh tế thị trường phát triển

C. KẾT LUẬN:

Trên đây là nhận thức của nhóm về tình hình tội phạm. Có thể thấy việc nghiên cứu về tình hình tội phạm có ý nghĩa giúp ta hiểu được “bức tranh” toàn cảnh về tội phạm ( hoặc nhóm tội phạm hoặc một tội phạm nào đó trong một không gian, thời gian nhất định). Do còn hạn chế về tại liệu cũng như kĩ năng diễn đạt nên bài làm của chúng em còn nhiều thiếu sót mong thầy, cô góp ý để sự hiểu biết của chúng em được hoàn thiện hơn.          

No comments:

Post a Comment