LỜI MỞ ĐẦU
Thuế là một trong những chính sách kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Thuế là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, giải quyết vấn đề kinh tế xã hội của đất nước. Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến chế độ tự khai, tự nộp thuế với một trong những nội dung trọng tâm là thanh tra, kiểm tra thuế.
Thanh tra, kiểm tra thuế có vai trò quan trọng, là chức năng thiết yếu của quản lí Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực thuế nói riêng.
Trong những năm vừa qua công tác thanh tra, kiểm tra Thuế cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần ngằn ngừa cac vi phạm thuế, thu hồi lại các nguồn thu thuế đã bị mất cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những tồn tại yếu kém của công tác thanh tra, kiểm tra, nguyên nhân gây ra tình trạng yếu kém ấy là do hệ thống pháp luật về quản lí thuế còn yếu, thiếu, khó thực hiện, khó kiểm tra, giám sát và chưa phù hợp với xu thế chung của xã hội. Công tác kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan có chức năng chưa được coi trọng đúng mức, tính hiệu lực, hiệu quả, trong thanh tra kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện được kịp thời các hành vi gian lận trong việc kê khai tính thuế, miễn giảm thuế. Trước thực trạng đó và xu thế phát triển của đất nước là đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế xây dựng trên nền tảng của sản xuất công nghiệp hiện đại; quản lí theo yêu cầu hiện đại hóa. Chính vì thế để làm rõ hơn về công tác thanh tra, kiểm tra thuế em xin được lựa chọn đề tài: “ Vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật thuế - thực trạng và những vấn đề cần hòan thiện ở VN hiện nay ” làm cơ sở cho bài tập lớn kỳ này!
NỘI DUNG
I Những vấn đề chung về thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm pháp luật thuế.
1. Sự cần thiết của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế
Thanh tra, kiểm tra là yêu cầu tất yếu trong quản lí nhà nước nói chung, mà còn có vài trò đặc biệt quan trọng trong quản lí thuế nói riêng, họat động thanh tra, kiểm tra có nghĩa là tiến hành việc nghiên cứu, thu thập số liệu, đánh giá họat động quản lí và mục đích cuối cùng là tìm hiểu được kết quả tác động của chủ thể quản lí tới đối tượng quản lí, họat động thanh tra, kiểm tra không phải là họat động trực tiếp chỉ huy, điều hành quản lí, không chỉ là họat động chuyên môn trong bộ máy quản lí, mà nó chính là họat động đảm bảo thực hiện chính sách pháp luật. giữ vững kĩ cương trong quản lí tài chính. Qua kiểm tra giúp nâng cao công tác quản lí của các cơ quan có chức năng, ngòai ra họat động thanh tra, kiểm tra còn là một phương thức để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Thanh tra, kiểm tra thuế nhằm kịp thời phát hiện và xử lí các sai phạm trong lĩnh vực thuế; ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm pháp luật thuế; chống thất thu ngân sách nhà nước. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế nước ta đang thực hiện cải cách công tác quản lí thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp thuế thì công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế ngày càng được coi trọng.
2. Khái niệm thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế.
Kiểm tra thuế, thanh tra thuế, xử lý vi phạm pháp luật thuế là những nội dung của quản lý thuế được quy định trong Luật quản lý thuế (QLT) năm 2006 và các văn bản Luật có liên quan.
- Có thể thấy trong trong họat động quản lí Nhà nước nói chung thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lí Nhà nước, là họat động kiểm tra, xem xét việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; thường được thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách thoe một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm kết luận đúng, sai, đánh giá ưu, khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý các vi phạm góp phần hòan thiện cơ chế quản lí, tăng cương pháp chế xã hội chỉ nghĩa, bảo về lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên đối với pháp luật thuế hiện hành, công tác thanh tra thuế được đưa ra một khái niệm như sau: “ Thanh tra thuế là kiểm tra đối tượng nộp thuế ở mức cao hơn, toàn diện hơn. Thanh tra thuế được thực hiện theo định kì đối với người nộp thuế lớn, ngành nghề kinh doanh đa dang, quy mô lớn và phức tạp; hoặc đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và thanh tra để giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lí thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ tài chính”.
- Nếu như thanh tra thuế là một họat động quản lí mang tính chất trực diện trên phạm vi nhất định thì kiểm tra thuế lại là họat động mang tính chất rộng hơn, thoe pháp luật thuế hiện hành, kiểm tra thuế được hiểu là một họat động thường xuyên, là việc xem xét các các chủ thể chấp hành chính sách pháp luật về thuế đúng hay không, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về thuế do Nhà nước ban hành. Vì vậy có thể hiểu khái niệm về kiểm tra thuế: “ Kiểm tra thuế là hoạt động do cơ quan thuế tiến hành nhằm xem xét tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Kiểm tra thuế là công việc thường xuyên mang tính chất nghiệp vụ của cơ quan thuế. Kiểm tra thuế được thực hiện theo hai phương thức: Kiểm tra thuế được tại trụ sở cơ quan thuế và kiểm tra thuế được tiến hành ở trụ sở của người nộp thuế ”.
- Xử lý vi phạm pháp luật thuế: Vi phạm pháp luật thuế là hành vi làm trái các qui định của pháp luật thuế, do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng. Xử lý vi phạm pháp luật thuế chính là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động nhất định để áp dụng chế tài đối với các chủ thể vi phạm pháp luật thuế. Trong thực tiễn pháp lí, các hành vi vi phạm pháp luật thuế diễn ra rất đa dạng, tinh vi và phức tạp với nhiều dạng thức khác nhau. Tuy nhiên, về phương diện bản chất, mỗi vi phạm đó đều thuộc về một trong các loại hành vi vi phạm chủ yếu: vi phạm hành chính về thuế, vi phạm hình sự về thuế.
Từ việc phân tích các khái niệm trên về thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật về thuế có thể thấy chúng là những họat động riêng biệt với nhau, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau giúp cho quá trình quản lí về thuế ngày càng linh họat hơn.
3. Mục tiêu của thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế trong công tác quản lí thuế của nước ta hiện nay.
Mục tiêu của họat động thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế trong giai đọan hiện nay và tương lại nhằm. Thứ nhất, phòng ngừa, phát hiện và xử lí các hành vi vi phạm pháp luật thuế. Thứ hai, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của các chính sách thuế mà nhà nước ban hành. Bảo đảm không bị thất thoát các khoản thu thuế của ngân sách nhà nước. Thứ ba, bảo đảm pháp luật thuế được thi hành nghiêm trên thực tế, bảo đảm sự công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế. Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lí thuế mà cụ thể là các cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật.
II. Nội dung pháp luật thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế.
1. Nội dung thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế trong pháp luật hiện hành.
1.1 Quy định của pháp luật về thanh tra thuế
Chủ thể có thẩm quyền thanh tra thuế: căn cứ vào khoản 3 điều 9 Luật QLT là cơ quan quản lý thuế. Cơ quan quản lý thuế bao gồm cơ quan thuế và cơ quan hải quan.
Đối tượng bị thanh tra thuế: Đối tượng bị thanh tra thuế là người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp có nghành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng; Người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế; Theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp, theo yêu cầu của Bộ trưởng bộ tài chính; Thanh tra thuế để giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hình thức, trình tự thủ tục thanh tra thuế: Dựa theo quy định tại Điều 81 luật QLT, có hai loại thanh tra thuế là: Thanh tra thuế theo kế hoạch và thanh tra thuế không theo kế hoạch.
Thanh tra thuế theo kế hoạch: Thanh tra thuế theo kế hoạch chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có nghành nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng. Thanh tra định kỳ một năm không quá một lần và được thực hiện căn cứ vào kế hoạch thanh tra hàng năm đã được phê duyệt.
Thanh tra không theo kế hoạch: Thanh tra không theo kế hoạch sẽ áp dụng cho các đối tượng sau:
Người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế ; Thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ tài chính và Thanh tra để giải quyết khiếu nại tố cáo.
Việc thanh tra thuế được thực hiện khi có quyết định thanh tra. Số lần thanh tra thuế và thời gian thanh tra trong mỗi lần phải thực hiện theo kế hoạch thanh tra đã được thủ trưởng cơ quản lý thuế phê duyệt (qui định tại điều 37 nghị định số 85/2007/NĐ-CP).
Đặc biệt, Luật QLT dành mục 4 chương X để qui định các biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế. Cụ thể: Khi người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến các cá nhân, tổ chức khác hoặc có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế có tính chất phức tạp, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau: Thu nhập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế; Tạm giữ tài liệu tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế; Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
1.2 Quy định của pháp luật về kiểm tra thuế.
Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra thuế: căn cứ vào khoản 3 điều 9 Luật QLT, chủ thể có thẩm quyền kiểm tra thuế là cơ quan quản lý thuế. Cơ quan quản lý thuế bao gồm cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Cơ quan thuế gồm Tổng cục thuế, cục thuế, chi cục thuế. Cơ quan hải quan có Tổng cục hải quan, cục hải quan, chi cục hải quan.
Đối tượng bị kiểm tra thuế: Đối tượng bị kiểm tra thuế là người nộp thuế.
Người nộp thuế là người có nghĩa vụ nộp các khoản thuế do các luật thuế quy định.
Phạm vi tiến hành: Kiểm tra thuế thường được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra thích hợp với yêu cầu, đặc điểm của từng khách thể điều tra.Hoạt động kiểm tra thuế được tiến hành trong thời gian tối đa không quá 5 ngày.
Hình thức, trình tự thủ tục kiểm tra thuế: Điều 77 và Điều 78 Luật QLT 2006 nghi nhận 2 hình thức kiểm tra thuế là: Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế và kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
Kiểm tra thuế ở cơ quan quản lý thuế là kiểm tra dựa trên hồ sơ của người nộp thuế. Việc kiểm tra thuế ở cơ quan quản lý thuế được tiến hành theo trình tự thủ tục sau:
Khi các hồ sơ thuế của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế, công chức thuế tiến hành kiểm tra nội dung kê khai trong hồ sơ thuế, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của người nộp thuế và tài liệu liên quan về người nộp thuế, so sánh các dữ liệu nộp thuế cùng ngành nghề, mặt hàng kinh doanh để phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ hoặc phát hiện các trường hợp khai chưa đầy đủ thông tin, khai sai thông tin nhằm trốn thuế, lậu thuế, gian lận thuế.
Sau khi kiểm tra, công chức thuế xác nhận kết quả kiểm tra thuế vào hồ sơ thuế: Nếu hồ sơ khai thuế bảo đảm tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu, không có dấu hiệu vi phạm thì chấp nhận. Nếu hồ sơ chưa đủ tài liệu theo qui định của pháp luật hoặc khai chưa đầy đủ các chỉ tiêu theo qui định,cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế biết để hoàn chỉnh hồ sơ.
Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế: kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế chỉ được tiến hành khi thuộc các trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 78 Luật QLT, cụ thể gồm: Hết thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế và cơ quan thuế không đủ căn cứ ấn định số thuế phải nộp, cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế ; kiểm tra sau thông quan.
Việc kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chỉ thực hiện khi có quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế do thủ trưởng cơ quan thuế ban hành.
Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế được qui định cụ thể tại khoản 2 Điều 78.
1.3 Quy định của pháp luật về xử lí vi phạm pháp luật thuế.
Đối tượng bị xử lí vi phạm pháp luật thuế:
Theo Điều 1 Nghị định 98/2007, đối tượng bị xử lí vi phạm pháp luật về thuế bao gồm: người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế; cơ quan thuế, công chức quản lí thuế vi phạm pháp luật về thuế; người có thẩm quyền và trách nhiệm xử lí vi phạm pháp luật về thuế; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc xử lí vi phạm pháp luật về thuế.
Người nộp thuế bị xử lí vi phạm pháp luật thuế khi có các hành vi:chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin so với thời hạn quy định; khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế; chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định; vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và vi phạm chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá vận chuyển trên đường; chậm nộp tiền thuế; khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; trốn thuế, gian lận thuế.
Theo Điều 16 Nghị định 98/ 2007/ NĐ- CP, cơ quan quản lí thuế, công chức quản lí thuế bị xử lí vi phạm khi có các hành vi quy định tại Điều 112, 113 Luật QLT.
Tổ chức, cá nhân có liên quan bị xử lí vi phạm pháp luật thuế khi có các hành vi quy định tại Điều 17 NĐ 98/ 2007/ NĐ- CP.
Thẩm quyền xử lí vi phạm pháp luật về thuế được quy định tại Điều 109 Luật QLT và Điều 18, 19 Nghị định 98/2007/NĐ-CP, chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuế gồm: Cơ quan thuế và chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp.
Thời hiệu xử lí vi phạm pháp luật về thuế quy định tại Điều 110 Luật QLT:
“1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
2. Đối với hành vi vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế, thời hiệu xử phạt là năm năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận vào ngân sách nhà nước.”
Như đã nói, các hành vi vi phạm tuy đa dạng nhưng thuộc một trong các loại hành vi vi phạm chủ yếu: vi phạm hành chính về thuế, vi phạm hình sự về thuế.
Hành vi vi phạm hành chính thuế là hành vi làm trái các qui định pháp luật hành chính trong lĩnh vực thuế, do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các lợi ích mà các luật thuế bảo vệ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm hành chính thuế phải chịu trách nhiệm hành chính.()
Hành vi vi phạm hình sự về thuế là hành vi làm trái các qui định pháp luật hình sự, do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý, xâm hại đến các lợi ích phát sinh từ quan hệ nộp thuế được Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) bảo vệ.()
Điều kiện, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm pháp luật thuế:
* Đối với xử lý vi phạm hành chính thuế: văn bản pháp luật điều chỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế là nghị định số 98/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2009/NĐ-CP.
Điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính thuế: Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt hành chính thuế khi:
- Thực hiện các hành vi qui định ở điều 103 Luật quản lý thuế (vi phạm các quy định về thủ tục thuế; chậm nộp tiền thuế; Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; trốn thuế, gian lận thuế.)
- Có lỗi khi thực hiện hành vi: có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý.
- Hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật hình sự năm 1999.
Chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuế: Nhân viên thuế đang thi hành công vụ; Trạm trưởng Trạm Thuế, Đội trưởng đội Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; chủ tịch UBND các cấp.
Cách thức xử lý vi phạm hành chính thuế: Người vi phạm hành chính thuế sẽ bị áp dụng các chế tài hành chính thuế: phạt cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
* Đối với xử lý vi phạm hình sự thuế.
Văn bản điều chỉnh xử lý vi phạm hình sự thuế là Bộ luật hình sự năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Trong đó, Bộ luật hình sự 1999 qui định những hành vi nào là hành vi vi phạm hình sự về thuế, qui định chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm hình sự thuế. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 qui định trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý các hành vi vi phạm hình sự về thuế.
Khi người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý thuế vi phạm các qui định có liên quan đến lĩnh vực thuế được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 thì hành vi đó được xác định là tội phạm
2. Đánh giá quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm thuế
Kể từ khi ban hành Luật QLT, vấn đề về kiểm tra thuế, thanh tra thuế, xử lý vi phạm pháp luật thuế đã có những bước phát triển vượt bậc,có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, pháp luật thanh tra, kiểm tra thuế và xử lý vi phạm pháp luật thuế ở nước ta hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định: Các quy định về thanh tra, kiểm tra chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật như: Luật thanh tra, Luật quản lý thuế, Luật khiếu nại tố cáo…; các quy trình, thủ tục trong thanh tra, kiểm tra thuế vẫn còn chưa phù hợp với Luật quản lý thuế gây khó khăn cho quá trình thanh tra, kiểm tra thuế trong thực tế. Ngòai ra trên cơ sở thực tiễn của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế, còn tồi tại vấn đề về trách nhiệm của người nộp thuế, của cơ quan quản lý thuế, cần thiết phải thay đổi bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp hoặc còn chưa đầy đủ đề nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, hạn chế các tiêu cực đã đang sảy ra đối với người nộp thuế, về cơ quan quản lý nhà nước cũng cần cải cách về chế độ hành chính thoe hướng linh họat, minh bạch rõ ràng….vv. Hơn thế nữa, pháp luật thanh tra, kiểm tra thuế hiện nay chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, còn mang tính chắp vá, tản mạn. Điều này được thể hịên trong qui trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ban hành kèm theo quyết định 1166/QĐ-TCT ngày 31 tháng 10 năm 2005 của tổng cục thuế, tại điểm 2.3 khoản 2 mục III qui định” trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra ký kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra. Điều này là mâu thuẫn với khoản 1 Điều 135 nghị định 41 /2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của chính phủ qui định huớng dẫn thi hành một số điều của luật thanh tra năm 2004.
III. Thực tiễn thi hành pháp luật thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế.
1. Những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn và nguyên nhân của nó.
Từ phân tích ở trên có thể thấy tác động của họat động thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế mang lại nhiều lợi ích cho quá trình của quản lí của các cơ quan chức năng, tuy nhiên bên cạnh đó thực tiễn thi hành, áp dụng lại đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Thứ nhất: Luật QLT đã có qui định là việc thanh tra được thực hiện căn cứ vào kế hoạch thanh tra (trừ trường hợp thanh tra không theo kế hoạch). Việc lập kế hoạch thanh tra phải dựa trên những phân tích cơ bản về người nộp thuế, từ đó phát hiện và lập danh sách những người nộp thuế có dấu hiệu bất thường trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Các cơ quan có chức năng khi tiến hành thanh tra, còn gặp nhiều khó khăn do có sự trùng lặp về văn bản thi hành, chủ yếu là các văn bản có hiệu lực pháp lí thấp, quy trình thủ tục trong quản lí thuế ở các sắc thuế không thống nhất gây khó khăn cho việc thực hiện và làm cho hệ thống thuế phức tạp, khó hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế còn mang tình trạng thừa và thiếu và yếu. Không rõ ràng và thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế….
Thứ hai: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế thoe phương thức mới dựa trên cơ sở dự liệu thông tin tổng hợp và kỹ thuật quản lý rủi ro hạn chế. Kể từ khi chuyển sang phương pháp thanh tra, kiểm tra mới còn rất nhiều nơi đặc biệt là ở cấp chi cục việc áp dụng phương pháp này còn rất lúng túng do vậy kết quả còn rất hạn chế. Không chỉ vậy, phương pháp mới còn có thể gặp rủi ro đó là khả năng để sót các trường hợp gian lận mà không bị phát hiện và ngằn chăn kịp thời do người nộp thuế lợi dụng sự thông thóang của cơ chế “ tự khai, tự nộp ”. Trường hợp này sảy ra nhiều khi hệ thống thông cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế không được đảm bảo tính đầu đủ, tòan diện, kịp thời; hoặc bộ máy quản lý thu thuế không đủ độ tinh nhuệ, lực lượng phương tiện để phục vụ cho công tác quản lý không đảm bảo cho việc phát hiện kịp thời các đối tượng cố tình khai man, trốn lậu thuế hoặc do bộ máy quản lý, giám sát bị tha hóa, biến chất, tham nhũng, cố tình làm ngơ.
Thứ ba: Lực lượng thanh tra thuế hiện nay là rất mỏng. Ở các nước khác lượng lượng thanh tra chiếm tỷ lệ 25 đến 30% tổng số cán bộ ngành thuế còn ở Việt nam chỉ chiếm khoảng 12%. Ngoài ra, chất lượng cán bộ thanh tra thuế, kiểm tra thuế là còn chưa cao. Trong khi đó hồ sơ khai thuế tháng hiện nay, hầu hết người nộp thuế gần sát ngày hết hạn nộp thuế mới đến nộp cho cơ quan thuế. Do đó số lượng người nộp thuế tập trung quá đông trong một thời điểm mà đòi hỏi tiến hành trong thời hạn không quá 3 ngày nên không tránh được tình trạng hồ sơ thuế không được kiểm tra kĩ lưỡng.
Thứ tư: Trình độ hiểu biết về thuế, ý thức chấp hành các luật, pháp lệnh về thuế của đại bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lậu thuế thậm chí nhiều trường hợp còn thờ ơ, đồng tình gây khó khăn cho công tác thanh tra kiểm tra thuế.
Thứ năm: Thực tiễn cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cơ quan kho bạc nhà nước, ngân hàng, cơ quan kế hoạch và đầu tư, tổng cục thống kê và các cơ quan khác có liên quan còn hạn chế.
Cuối cùng một điểm bất cập nữa mà hiện nay, được xem là vấn đề khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế đó là tình trạng, gian lận thuế, trốn lậu thu, chiếm đạt tiền nợ thuế, nợ đọng thuế vẫn không chấm dứt triệt để, mà vẫn còn diễn ra ở nhiều loại thuế và ở nhiều địa phương trong cả nước. Tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi, trá hình, trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật thuế của cơ quan quản lý thuế vẫn còn một số hạn chế và chưa lường hết được các thủ thuật của người nộp thuế.
IV. Phương hướng và những kiến nghị hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế ở nước ta hiện nay.
1. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế.
Thứ nhất, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra thuế trong Luật quản lý thuế 2006. Bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cơ quan thuế, công chức thuế gây ra. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hành vi trái pháp luật do lỗi cùa người thì hành công vụ gây ra; có thiệt hại thực tế do người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại; có quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại. Và quy định rõ về các trình tự thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bổ sung thêm quy định về phối hợp điều tra thuế nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra thuế kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất phức tạp, tinh vi. Quy định về điều tra thuế nên theo hướng xác định điều tra thuế là chỉ điều tra hành chính, đồng thời với quy định về điều tra thuế cần bổ sung các quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế trước các quyết định của mình.
Bổ sung quy định về thanh tra đột xuất: tiến hành thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định phải làm rõ được dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế đến mức độ nào thì cơ quan thuế mới có quyền tiến hành thanh tra đột xuất; phải làm rõ được việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được xác minh và xác định chính xác như thế nào thì cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra đột xuất.
Thứ hai, nhanh chóng ban hành quy trình thanh tra, kiểm tra mới phù hợp với các quy định của Luật QLT thay thế cho quy trình thanh tra, kiểm tra đã được ban hành theo Quyết định 1166/ 2005.
Thứ ba, cần nhan chóng ban hành các quy định hướng dẫn một cách cụ thể về vấn đề kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của các tài liệu thông tin trong hồ sơ thuế để tránh tính trạng cơ quan thuế à doanh nghiệp có cách hiểu khác nhau về trách nhiệm xác định tính đầy đủ và chính xác trong hồ sơ nộp thuế của người nộp thuế. Theo cơ chế quản lí thuế tự khai, tự nộp thuế, người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu đã khai trong hồ sơ nộp thuế, việc kiểm tra của cơ quan thuế và việc chấp nhận tờ khai của cơ quan thuế mới là các thủ tục chỉ mang tính chất hành chính.
Thứ tư, hoàn thiện các quy định về mô hình tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế đặc biệt là hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức thanh tra thuế, thanh tra hải quan ở cấp tổng cục và chi cục để phù hợp với Luật QLT và luật Thanh tra 2004, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra thuế; tạo điều kiện cho các cơ quan thanh tra hoạt động có hiệu quả cao, theo đúng khuôn khổ pháp luật.
2. Những giải pháp bảo đảm thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế.
Trước hết, cần tiến hành rà soát lại hiện trạng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật thuế trong thời gian vừa qua, qua đó đánh giá được những mặt đạt được và những nhước điểm vẫn còn tồn tại, qua đó nghiên cứu xây dựng các quy định pháp luật cho phù hợp với tính hình thực tế.
Đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế dưới nhiều hình thức phong phú. Hướng dẫn đầy đủ các thủ tục có liên quan đến thủ tục thuế để người nộp thuế tự mình thực hiện tốt các nghĩa vụ về thuế. Cơ quan thuế cần chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống giáo dục quốc dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để mọi tổ chức cá nhân hiểu biết rõ và tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
KẾT LUẬN
Qua bài làm vừa phân tích như trên, ta có thể thấy chính sách về thuế và luật thuế về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về Luật thuế đã có những bước thay đổi, những dấu hiệu đáng mừng, vì về cơ bản, qua quá trình sửa đổi bổ sung luật đã làm tăng cao hơn tính hiệu quả, tính chặt chẽ, trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật thuế, giảm tối thiểu các trường hợp chốn thuế, lậu thuế, đồng thời cũng nâng cao được ý thức tự giác, ý thức cá nhân độc lập làm việc đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, thực hiện công tác,thanh tra, kiêm tra và xử lý vi phạm pháp luật thuế…vv
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh đó, cũng song song tồn tại, những bất cập chưa giải quyết được trong nghành thuế nói chung và trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng, vì thế yêu cầu bức thiết là Đảng và Nhà nước ta cần nâng cao, đẩy mạnh hơn nữa pháp luật về thuế, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.
No comments:
Post a Comment