25/08/2014
Sự tương đồng và khác biệt giữa nghĩa vụ dân sự và trách nhiệm dân sự
Trong khoa học pháp luật dân sự, chúng ta gặp nhiều thuật ngữ khác nhau như: Nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ dân sự; trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.


Tất cả các thuật ngữ trên đều được dùng để chỉ về một loại quan hệ pháp luật dân sự có nội dung là một bên phải thực hiện hay không được thực hiện một công việc hoặc một số công việc nhất định để vì lợi ích của bên kia. Tuy nhiên, quan hệ pháp luật trên được gọi bằng thuật ngữ nào lại phụ thuộc vào cách thức điều chỉnh và phương thức áp dụng luật đối với chúng. Hiện nay, chưa có tiêu chí cụ thể để phân biệt rạch ròi các thuật ngữ nói nên còn có sự lẫn lộn khi dùng các thuật ngữ đó. Vì thế, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi phân tích quy định của bộ luật dân sự (BLDS) về các vấn đề đã nêu trên, xác định sự giống và khác nhau giữa chúng, từ có sở đó đưa ra quan điểm của mình về tiêu chí khi sử dụng các thuật ngữ trên.


1. Nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể được gọi là bên có nghĩa vụ phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ tờ có giá, thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác được gọi là bên có quyền ( Điều 280 BLDS năm 2005).

Như vậy, nghĩa vụ dân sự là quan hệ pháp luật dân sự có nội dung là một bên chủ thể phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc nhất định vì lợi ích của bên kia. Nghĩa vụ dân sự có thể được hình thành từ sự thỏa thuận của các chủ thể hoặc từ một sự kiện đã được luật dự liệu. Những nghĩa vụ được hình thành từ sự thỏa thuận của các bên được gọi là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Những nghĩa vụ phát sinh từ những sự kiện khác được gọi là nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Chẳng hạn, các nghĩa vụ phát sinh từ một hành vi pháp lí đơn phương, từ việc thực hiện công việc không có ủy quyền hoặc từ việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật v.v...

2. Trách nhiệm dân sự

“Trách nhiệm” theo từ điển Tiếng Việt là “điều phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình”. Hiểu theo nghĩa chung nhất thì “trách nhiệm” là điều “bắt buộc” đối với một người. Về mặt lí luận, trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lí, hay nói cách khác là trách nhiệm pháp lí của ngành luật dân sự. Luật dân sự là ngành luật có nhiệm vụ “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích cộng cộng, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lí trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” ( Điều 1 BLDS). Ngoài việc quy định các quy tắc xử sự chung cho mọi chủ thể khi tham gia các quan hệ dân sự, luật dân sự còn quy định trách nhiệm dân sự nhằm áp dụng đối với các chủ thể nếu trong quá trình tham gia và thực hiện các quan hệ dân sự mà không tuân theo các nguyên tắc xử sự chung.

Các hành vi dân sự xảy ra một cách thường nhật trong đời sống xã hội với tính đa dạng và phong phú nên không thể liệt kê hết các xử sự này bao gồm những hành vi nào. Tuy nhiên, khi các chủ thể thực hiện các hành vi xử sự của mình phải tuân theo quy tắc chung của luật dân sự là: Đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể khác. Do đó, khi xử sự của một chủ thể làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác thì xử sự đó bị coi là trái pháp luật dân sự. Chính vì thế, người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác áp dụng thì người có xử sự trái với quy định của luật dân sự phải gánh chịu một hoặc một số hậu quả pháp lí như: buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm. 

Như vậy, trách nhiệm dân sự nói chung là sự quy định của luật dân sự về hâu quả pháp lí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng buộc người có hành vi vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lí nhất định nhằm bảo vệ quyền dân sự bị xâm phạm.

Là một loại trách nhiệm pháp lí nên trách nhiệm dân sự do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Bằng sức mạnh cưỡng chế của mình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng luật buộc người vi phạm phải thực hiện một số hành vi nhất định để đảm bảo, khôi phục và khắc phục các quyền và lợi ích của người bị vi phạm. Vì thế, về mặt nội dung, trách nhiệm dân sự cũng giống như một quan hệ nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, nếu nghĩa vụ dân sư có thể phát sinh từ sự thỏa thuận giữa các bên thì trách nhiệm dân sự chỉ phát sinh khi xảy ra một sự kiện mà luật dân sự đã dự liệu về việc phát sinh một trách nhiệm dân sự.

3. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

Khoản 1 Điều 302 BLDS quy định: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm đối với bên có quyền”. Như vậy, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là điều “bắt buộc” đối với bên vi phạm nghĩa vụ dân sự, chỉ hình thành giữa các bên chủ thể trong một  quan hệ nghĩa vụ đang tồn tại và đương nhiên, nó chỉ phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Khi trách nhiệm này được áp dụng người đã vi phạm nghĩa vụ dân sự buộc phải thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ mà mình đã vi phạm đối với bên có quyền. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự cũng có nội dung như nội dung của một quan hệ nghĩa vụ dân sự. Vì thế, nếu xét về tính chất của quan hệ pháp luật thì chúng cùng một loại quan hệ nhưng xét về mối liên hệ giữa chúng thì nghĩa vụ dân sự là cái có trước còn trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là cái có sai. Mặt khác, quan hệ pháp luật trên được gọi là nghĩa vụ dân sự nếu việc thực hiện nghĩa vụ của các bên đang nằm trong thời hạn đã được xác định và các bên được tự giác thực hiện nghĩa vụ đó. Trong thời hạn đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thể áp dụng luật để cưỡng chế các chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Khi một bên vi phạm nghĩa vụ (hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ) thì kể từ thời điểm nghĩa vụ bị vi phạm, quan hệ đó được gọi là trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự. Chẳng hạn, hai bên chủ thể A và B giao kết với nhau một hợp đồng mua bán tài sản, kể từ thời điểm hợp đồng đó có hiệu lực pháp luật, giữa hai bên đã hình thành một quan hệ về nghĩa vụ, theo đó bên bán có nghĩa vụ thực hiện các công việc về chuyển giao tài sản đã bán cho bên mua còn bên mua có nghĩa vụ chuyển giao tiền mua cho bên bán. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng, hành vi thực hiện hợp đồng của các bên chỉ mang tính nghĩa vụ mà chưa mang tính trách nhiệm, bởi trong giai đoạn này, sự điều chỉnh của pháp luật đối với hành vi của các bên mới chỉ là hậu thuẫn mà chưa mạng tính cưỡng chế. Nếu hợp đồng hết thời hạn thực hiện mà bên bán không giao hàng hoặc bên mua không trả tiền thì bên bị vi phạm có quyền khởi kiện và theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng luật bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước buộc bên vi phạm phải thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng (buộc bên bán phải giao vật bán hoặc buộc bên mua phải trả tiền). Từ thời điển này, hành vi thực hiện hợp đồng của các bên đã trở thành trách nhiệm bởi các bên phải thực hiện các hành vi đó dưới sức mạnh cướng chế của nhà nước.

Do tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự thường khác nhau trong mỗi một trường hợp cụ thể nên trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự còn được xác định theo hai loại với hai hậu quả pháp lí khác nhau sau đây:

Thứ nhất, trách nhiệm dân sự do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trách nhiệm này phát sinh kể từ thời điểm có sự vi phạm nghĩa vụ và theo đó bên vi phạm nghĩa vụ có trách nhiệm phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ mà họ đac vi phạm (các Điều 303, 304, 305, 306 BLDS năm 2005).

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ. Loại nghĩa vụ này chỉ hình thành giữa các bên chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ đang tồn tại và chỉ phát sinh khi sự vi phạm nghĩa vụ dân sự của một bên trong một quan hệ nghĩa vụ đã gây cho bên kia một thiệt hại, theo đó, bên vi phạm phải bồi thường do sự vi phạm nghĩa vụ của mình đối với bên kia.

Như vậy, trong loại trách nhiệm thứu nhất, bên bị áp dụng chỉ phải tiếp tục hoàn tất phần nghĩa vụ mà họ đã vi phạm còn trong trách nhiệm thứ hai, bên bị áp dụng trách nhiệm phải bằng tài sản của mình để gánh chịu việc bù đắp những thiệt hại về vật chất và tổn thất tinh thần cho hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia. Về mặt lí luận, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ dân sự được chia thành hai lạo như đã trình bày. Tuy nhiên, trong thực tế khi bên có quyền trong một quan hệ nghĩa vụ bị vi phạm đã khởi kiện yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm đối với bên có quyền mà không cần phải xác định trách nhiệm đó thuộc lại thứ nhất hay thứ hai. Chẳng hạn, khi một bên không thực hiện hợp đông đã đến hạn và bị bên kia khởi kiện trước tòa án. Khi giải quyết tranh chấp này nếu xét thấy việc vi phạm hợp đồng chưa gây ra thiệt hại thì tòa án chỉ buộc bên vi phạm phải thực hiện hợp đồng đó. Nếu việc vi phạm hợp đồng đã gây ra cho bên vi phạm một thiệt hai thì tòa án buộc bên vi phạm phải thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại.

4. Trách nhiệm bồi thương thiệt hại ngoài hợp đồng 

Điều 604 BLDS quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm đến uy tín tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Như vậy, có thể nói rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là quy định của luật dân sự nhằm buộc người có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao giờ cũng được hình thành giữa các chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ đang tồn tại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh giữa các chủ thể bất kì. Việc quy định hành vi gây thiệt hại trái pháp luật là một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự ( Điều 281 BLDS năm 2005) đã cho thấy rằng nhà làm luật đã đồng nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với nghĩa vụ dân sự. Vấn đề là ở chỗ tại sao có sự “đồng nghĩa” này ?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm pháp lí của luật dân sự nên nó mang đầy đủ các dấu hiệu của một trách nhiệm pháp lí nói chung. Ngoài ra, so với trách nhiệm pháp lí của ngành luật khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn mang những đặc điểm riêng sau đây:

- Thứ nhất, các chủ thể có thể tự áp dụng các trách nhiệm này mà không cần tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, chỉ có tòa án mới cơ quyền áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng trách nhiệm hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính nhưng việc bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) có thể do hai bên tư nguyện thỏa thuận với nhau.

- Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cũng được áp dụng đối người thứ ba trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ: khi người đủ 14 tuổi nhưng chưa tròn 15 tuổi phạm một tội hình sự thì trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng với chính người đó nhưng trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) có thể được áp dụng đối với cha, mẹ của họ.

- Thứ ba, hậu quả mà người bị áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng luôn mang tính vật chất và vì vậy, loại trách nhiệm này có chức năng khôi phục những hậu quả về mặt vật chất cho người bị thiệt hại.

Trong các đặc điểm nói trên thì đặc điểm thứ nhất cho thấy rằng, dù là một trách nhiệm dân sự nhưng trong các quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các chủ thể có thể tự thỏa thuận về nội dung bồi thường và tự giác thực hiện với nhau mà không cần đến việc áp dụng luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, về nội dung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng cùng loại quan hệ pháp luật với nghĩa vụ dân sự. Nếu xét về mặt nội dung và nếu các bên tự giác thực hiện với nhau thì quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một nghĩa vụ dân sự. Khi các bên không thỏa thuận và tự giác thực hiện với nhau về việc bồi thường và tòa án buộc phải áp dụng luật để xác định trách nhiệm bồi thường đối với bên có hành vi gây thiệt hại và việc bồi thường được thực hiệndưới sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước thì quan hệ đó được hiểu là một trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng). Chúng tôi cho rằng có lẽ vì lí do này nên mới có sự đồng nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với nghĩa vụ dân sự.

Tóm lại, các quan hệ pháp luật dân sự mà trong đó có nội dung là một bên phải thực hiện một công việc vì lợi ích của bên kia đều có thể gọi bằng một trong các thuật ngữ nói trên. Tuy nhiên, việc dùng thuậ ngữ nào để chỉ quan hệ đó cho phù hợp với tính chất của nó, cần được xác định theo các trường hợp sau đây:

- Thứ nhất, khi quan hệ đó đang trong giai đoạn mà cơ quan nhà nước không thể áp dụng sức mạnh cưỡng chế đối với các chủ thể sẽ được gọi là nghĩa vụ dân sự.

- Thứ hai, khi quan hệ đó tồn tại trong giai đoạn mà cơ quan nhà nước có thể áp dụng sức mạnh cưỡng chế đối với các bên chủ thể sẽ được gọi là trách nhiệm dân sự

- Thứ ba, trách nhiệm dân sự được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hành vi trái pháp luật của bên này đã gây ra thiệt hại cho bên kia.

- Thứ tư, trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng hoặc do không thực hiện một nghĩa vụ khác đã có giữa hai bên chủ thể sẽ được gọi là trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ.

- Thứ năm, trách nhiệm dân sự do hành vi gây thiệt hại không liên quan đến một hợp đồng đã có trước giữa các bên sẽ được gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng./.

1 comment: