20/08/2014
Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng
Việc xác định thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng là rất quan trọng. Bởi kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới phát sinh, và được pháp luật bảo vệ. Căn cứ vào các quy định hiện hành, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định tại nhiều thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức của hợp đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên, cũng như những quy định khác của pháp luật chuyên ngành

1. Phạm vi nghiên cứu


Việc xác định thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng là rất quan trọng. Bởi kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới phát sinh, và được pháp luật bảo vệ. Căn cứ vào các quy định hiện hành, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định tại nhiều thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức của hợp đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên, cũng như những quy định khác của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm này trên thực tế cũng như về mặt lý luận vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Đặc biệt là đối với những loại hợp đồng mà pháp luật buộc phải tuân thủ theo một hình thức nhất định (buộc phải công chứng, hoặc buộc phải công chứng và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền). Đối với những loại hợp đồng đó, việc tuân thủ hình thức là một yêu cầu bắt buộc và là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực (khoản 2 Điều 122, Điều 124 Bộ luật Dân sự). Thời điểm phát sinh hiệu lực của những hợp đồng này là không giống nhau, và không phải trong mọi trường hợp đều có thể xác định một cách rõ ràng (theo các quy định của pháp luật hiện hành). Để làm rõ hơn, trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ tập trung làm rõ thời điểm có hiệu lực của các nhóm hợp đồng sau:


1.1. Hợp đồng được lập thành văn bản, pháp luật không buộc phải thực hiện thủ tục công chứng và đăng ký quyền sở hữu;

1.2. Hợp đồng được xác lập bằng văn bản, phải được công chứng, và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (nếu pháp luật có quy định).

2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và cách xác định thời điểm của hợp đồng trong một số trường hợp mà pháp luật đã quy định.

2.1. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xem như một điều khoản trong hợp đồng

Như đã nêu tại mục 1, thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là không giống nhau đối với từng loại hợp đồng khác nhau. Điều này được thể hiện tại Điều 405 Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Nghĩa là: các bên có thể thỏa thuận với nhau thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, hoặc nếu các bên không thỏa thuận thì hợp đồng có thể phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng hoặc thời điểm khác theo quy định của pháp luật. Trên nguyên tắc, “hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” – Điều 388 Bộ luật Dân sự, vì thế việc thỏa thuận của các bên liên quan đến thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng có thể được xem là một điều khoản trong hợp đồng – bởi việc thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sẽ là cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Việc xem thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng giữa các bên như một điều khoản của hợp đồng dẫn đến nếu như thỏa thuận đó không trái với pháp luật và đạo đức xã hội thì phải được pháp luật công nhận.

2.2. Cách xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo các quy định pháp luật hiện hành

2.2.1. Hợp đồng được xác lập bằng văn bản, không phải công chứng, chứng thực và không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những loại hợp đồng mà pháp luật chỉ yêu cầu các bên xác lập bằng văn bản thông thường, không phải thực hiện thêm bất cứ hình thức nào khác thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định theo quy định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự: theo đó, hiệu lực của hợp đồng đó có thể được phát sinh từ thời điểm các bên giao kết hợp đồng (nếu không có thỏa thuận) hoặc nếu có thỏa thuận thì thời điểm các bên thỏa thuận là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Đối với dạng hợp đồng này mà các bên thỏa thuận sẽ yêu cầu công chứng chứng nhận vào hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sẽ được xác định theo khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng (tương tự như sẽ nói tại phần 2.2.2.1 dưới đây).

2.2.2. Hiệu lực của hợp đồng được xác lập bằng văn bản, phải được công chứng và phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (nếu có quy định)

Để làm rõ thời điểm có hiệu lực của nhóm hợp đồng, trước tiên, tôi phân chúng ra thành nhiều loại khác nhau dựa vào quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng:

2.2.2.1. Hợp đồng bằng văn bản mà pháp luật chỉ buộc thực hiện thủ tục công chứng. Điển hình là hợp đồng mua bán nhà ở - Điều 450 Bộ luật Dân sự, khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở: “Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực”. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất (Điều 689 Bộ luật Dân sự). Và các hợp đồng khác mà pháp luật quy định phải có công chứng chứng nhận hoặc chứng thực của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này không được ghi nhận một cách trực tiếp trong Bộ luật Dân sự cũng như Luật Nhà ở và các quy định khác. Theo khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà ở không phát sinh từ thời điểm giao kết hợp đồng mà được xác định kể từ khi các bên hoàn thành thủ tục công chứng: “văn bản được công chứng (hợp đồng, giao dịch và lời chứng của công chứng viên) có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và có đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Nếu các bên thỏa thuận với nhau thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là một thời điểm khác với thời điểm công chứng viên ký công chứng và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng, theo tôi thỏa thuận như thế là vô hiệu, bởi đây là là trường hợp “pháp luật quy định khác” theo Điều 405 BLDS.

Luật Công chứng đã không ghi nhận các trường hợp khác có thể làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng – cụ thể trong trường hợp này, Luật Công chứng đã không ghi nhận quyền tự do thỏa thuận giữa các bên giao kết hợp đồng. Bởi hiểu theo khoản 3 Điều 4 thì những văn bản được công chứng (cụ thể là hợp đồng mua bán nhà ở đang được đề cập) chỉ có thể phát sinh hiệu lực kể từ ngày được công chứng.

2.2.2.2. Hợp đồng bằng văn bản, các bên phải thực hiện thủ tục công chứng và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Có thể kể đến hợp đồng cho thuê nhà ở (Điều 492 Bộ luật Dân sự); Hợp đồng thế chấp các tài sản như: Quyền sử dụng đất, Quyền sử dụng rừng, Quyền sở hữu rừng trồng, Tàu bay, Tàu biển và các tài sản khác thế chấp bảo đảm nhiều nghĩa vụ; và hợp đồng tặng cho bất động sản mà pháp luật yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu (Điều 467 Bộ luật Dân sự) và các hợp đồng khác. Thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền đối với những loại hợp đồng trong nhóm này, có hại loại thời điểm có hiệu lực khác nhau:

(i) Việc đăng ký hợp đồng là một trong những điều kiện bắt buộc trong hình thức của hợp đồng.

Nghĩa là hợp đồng đó chỉ được xem là hoàn thiện về hình thức khi được lập bằng văn bản, được công chứng và đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Việc đăng ký là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực – khoản 2 Điều 122 Bộ luật Dân sự.

Bộ luật Dân sự cũng như các quy định của Luật Nhà ở cũng như các quy phạm pháp luật khác không có quy định nào trực tiếp xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dang này. Vì đây là hợp đồng buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, nên thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có thể được xác định dựa vào khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng – kể từ khi công chứng viên ký công chứng và có dấu của tổ chức, cơ quan hành nghề công chứng. Và như đã phân tích tại mục 2.2.2.1 thì Luật Công chứng không thừa nhận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên.

(ii) Việc đăng ký hợp đồng là một trong những điều kiện bắt buộc trong hình thức của hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm đăng ký.

Khác với hợp đồng được nêu ở mục (i), tại Khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự đã xác định: “Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký;…” Nghĩa là kể từ khi hợp đồng hoàn thiện về mặt hình thức thì mới phát sinh thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Nói một cách khác, theo quy định này, mặc dù hợp đồng đã được công chứng, nhưng nếu chưa thực hiện thủ tục đăng ký thì vẫn chưa phát sinh hiệu lực. Điều này đã mâu thuẫn với khoản 3 Điều 4 của Luật Công chứng. Như vậy, việc xác định thời điểm có hiệu lực trong trường hợp này sẽ dựa vào quy định nào? – khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng hay khoản 2 Điều 467 Bộ luật Dân sự.

Không giống như Luật Nhà ở, xác định nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành - Điều 3 Luật Nhà ở xác định: ”Trường hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở thì áp dụng quy định của Luật này”). Bộ luật Dân sự và Luật Công chứng không xác định nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành. Do vậy, trong trường hợp này phải áp dụng Khoản 3 Điều 4 Luật Công chứng để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho bất động sản trong trường hợp này. Bởi tại Khoản 3 Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, đã quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Nguyên tắc này cũng được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành xác định lại tại Khoản 3 điều 83

3. Xác định thời điểm có hiệu lực của những hợp đồng chưa hoàn thiện về hình thức vào thời điểm tranh chấp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 122 và Điều 124, khoản 2 Điều 401 Bộ luật Dân sự thì hình thức của hợp đồng trong một số trường hợp luật định là điều kiện bắt buộc để hợp đồng đó có hiệu lực. Và một khi xảy ra tranh chấp đối với hợp đồng đó vi phạm về hình thức, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu các bên hoàn thiện về mặt hình thức của hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn này, hai bên vẫn chưa hoàn thiện hình thức của hợp đồng thì hợp đồng đó sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu (Điều 134 Bộ luật Dân sự).

Trường hợp, nếu như các bên hoàn thiện hình thức trong thời hạn được quy định, thì theo nhận định tại Mục 2.2.2 nêu trên thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp này là thời điểm công chứng. Do vậy, không thể dùng hợp đồng trong trường hợp này (có công chứng chứng nhận) để xem xét quyền và nghĩa vụ các bên trước khi có công chứng chứng nhận.

Cũng nói thêm trong trường hợp quy định này của Điều 134 Bộ luật Dân sự dường như không thể thực hiện được. Do Luật Công chứng quy định về nguyên tắc trình tự công chứng hợp đồng là các bên phải ký trước mặt công chứng viên (Điều 41 Luật Công chứng), như thế Luật Công chứng không cho phép công chứng viên chứng nhận trên hợp đồng mà các bên đã giao kết (đã ký từ lâu). Hay nói cách khác là nội dung Điều 134 Bộ luật Dân sự không thể thực hiện được trong trường hợp phải hoàn thiện hình thức hợp đồng buộc phải có công chứng chứng nhận.

4. Giải pháp hoàn thiện quy định liên quan đến việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Từ các phân tích nêu trên cho thấy quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp theo Luật Công chứng là chưa phù hợp với tính đa dạng của các giao dịch dân sự trên thực tế và nó không phù hợp với Bộ luật Dân sự.

Theo tôi thì Khoản 3 điều 4 của Luật Công chứng cần thiết phải được bãi bỏ hoặc quy định lại cho phù hợp với Bộ luật Dân sự như sau: “Hợp đồng, giao dịch được công chứng chứng nhận có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do quy định hiện hành quá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế cuộc sống và các quy định nội dung thể hiện trong các luật khác.

Mặc khác pháp luật về công chứng cần phải ghi nhận thêm hình thức công chứng các hợp đồng, giao dịch đã được các bên xác lập, sau đó mới đến cơ quan công chứng có thẩm quyền yêu cầu công chứng chứng nhận. Điều này nhằm mục đích công nhận những thỏa thuận đa dạng trên thực tế - Các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng hoặc thời điểm khác. Hơn thế nữa, việc bổ sung chế định nêu trên là phù hợp với nguyên tắc “Giao dịch dân sự vi phạm hình thức có thể không bị vô hiệu” được quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự. Theo tôi pháp luật nên tôn trọng và công nhận thỏa thuận của các bên về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Để phù hợp với nguyên tắc công chứng, theo tôi pháp luật công chứng nên quy định cho công chứng viên chứng nhận gián tiếp hợp đồng đã được các bên xác lập trước đó. Nghĩa là bằng một văn bản tại thời điểm công chứng chứng nhận các bên giao dịch thừa nhận toàn bộ các điều khoản mà các bên đã ký trước đó, đương nhiên là có điều khoản về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Sở dĩ phải sửa Luật Công chứng là vì theo nguyên tắc thì Luật Công chứng chỉ là pháp luật về hình thức hợp đồng và như thế không nên quy định “lấn sân” vào nội dung của hợp đồng vì như thế không phù hợp với các luật nội dung khác. Như phân tích trên thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là điều khoản nội dung hợp đồng và cần được pháp luật ghi nhận để phù hợp với đặc điểm “muôn hình dạng trạng” của giao dịch dân sự. Do vậy, không nên quy định cứng nhắc như Luật Công chứng hiện hành.

Trên đây là vài ý kiến nghiên cứu chuyên sâu về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dân sự mà pháp luật buộc phải bằng văn bản;  bằng văn bản có công chứng chứng nhận hoặc phải bằng văn bản, đượccông chứng và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Huỳnh Văn Nông – Công ty Luật TNHH Sông Hậu

No comments:

Post a Comment