23/08/2014
Tình huống tranh chấp ranh giới đất đai - Bài tập nhóm Luật Dân sự 2
LỜI MỞ ĐẦU – TÌNH HUỐNG 

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi mức độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng trở nên bức xúc, việc sử dụng đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng cao khiến cho giá đất nhiều khi tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân góp phần làm tăng các tranh chấp về đất đai. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng em xin tìm hiểu tình huống đề bài nêu ra về vụ án tranh chấp ranh giới:

Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Quốc Hoành sinh năm 1943;

2. Bà Lưu Thị Vân sinh năm 1945 (là vợ của ông Hoành);

Đều trú tại nhà số 204K phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Bị đơn:

1. Ông Trần Văn Thái sinh năm 1950;

2. Bà Nguyễn Thị Đoan Nghiêm sinh năm 1950;

Đều trú tại nhà số 206 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.


NỘI DUNG VỤ ÁN: Gia đình ông Nguyễn Quốc Hoành, bà Lưu Thị Vân hiện đang ở tại nhà số 204K phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, thuộc thửa đất số 21 tờ bản đồ số 24 lập năm 1991. Nguồn gốc của thửa đất này là của bà Nguyễn Thị Nguyện bán cho ông Hoành, bà Vân từ năm 1972, khi đó trên đất có một căn nhà nhỏ có diện tích khoảng 3m2, hai bên có lập hợp đồng nhưng không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chưa sang tên trước bạ. Thửa đất này có một phần đất giáp gianh với nhà đất của cụ Trần Văn Sỹ (là bố đẻ của ông Trần Văn Thái - bị đơn trong vụ án). Năm 1978 vợ chồng ông Hoành xây dựng nhà và xây tường sát móng cũ của nhà cụ Sỹ.


Theo nguyên đơn là vợ chồng ông Hoành thì năm 1989 cụ Sỹ phá nhà cũ xây nhà mới và do xây tường nhà 10cm nên có nhờ vợ chồng ông bà áp thêm 10cm vào tường nhà của ông, bà cho vững chắc. Tháng 7 năm 1993 gia đình ông được Sở Nhà đất Hà Nội thông báo xác nhận việc đăng ký kê khai nhà đất tại số 204K phố Đội Cấn với diện tích đang sử dụng là 127,35m2 trên có ngôi nhà 1 tầng có diện tích là 40m2 nhưng từ năm 1992 ông đã kê khai diện tích đất đang sử dụng là 129m2. Năm 2006 ông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 204K thì ông Trần Văn Thái ở tại nhà số 206 phố Đội Cấn (liền kề nhà ông) không đồng ý vì cho rằng diện tích đất 3,375m2 là khe hở giữa hai nhà là tài sản thừa kế của cụ Sỹ để lại thuộc quyền sử dụng của ông Thái.

Theo bị đơn là vợ chồng ông Trần Văn Thái, bà Nguyễn Thị Đoan Nghiêm thì khi vợ chồng ông Hoành xây nhà đã cố tình xây cột trụ sát vào tường nhà của gia đình ông mặc dù bố ông không đồng ý. Sau đó, ông Hoành tiếp tục xây hàng rào bằng gạch xỉ lên phần đất phía sau giáp gianh của hai nhà nhưng lại lấn sang đất của gia đình ông. Khoảng năm 1985 bố ông cho ông khoảng 58m2 đất giáp gianh với đất của vợ chồng ông Hoành. Năm 1989 ông xây dựng nhà mới, do hàng rào nhà ông Hoành vẹo sang đất nhà ông và ông muốn xây nhà vuông vắn nên đã xây nhà cách hàng rào nhà ông Hoành 40cm (phía sau là 20cm) và tạo ra khe hở giữa hai nhà, ông Hoành luôn tìm cách chiếm phần đất là khe hở giữa hai nhà, nhà ông mang số 206 phố Đội Cấn.

Quá trình giải quyết tranh chấp giữa hai bên tại Ủy ban nhân dân phường Đội Cấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Địa chính Hà Nội đã đo vẽ hiện trạng sử dụng đất của ông Hoành là 129,6m2.

Vợ chồng ông Hoành khởi kiện yêu cầu xác định diện tích 3,375m2 trong diện tích 129,6m2 thửa số 21 tờ bản đồ số 24 năm 1991 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông.

Vợ chồng ông Thái không đồng ý với yêu cầu của vợ chồng ông Hoành và cho rằng phần đất tranh chấp nêu trên là di sản thừa kế của cụ Sỹ và thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2011/DSST ngày 19-01-2011, Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với nhận định (tóm tắt) như sau: quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án không đương sự nào đưa ra được chứng cứ để chứng minh địa giới đất ở của mình là từ mộc giới đến đâu? Nguyên đơn không có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; và quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc Hoành về việc xác định địa giới sử dụng 3,375m2 đất trong diện tích 129m2 đất tại nhà số 204K Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa hai bên gia đình.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Đầu tiên, ta xác nhận đây là vụ án tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản liền kề giữa hai bên. Nhìn nhận vụ án là việc tranh chấp gianh giới giữa các bất động sản liền kề. Các cơ sở pháp lí đã được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật tố tụng dân sự năm 2004 để giải quyết vụ án gồm có:

*Theo khoản 1 Điều 265 Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 2005 về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản:

“Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.”

Theo đó thì hai bên cần tôn trọng ranh giới giữa bất động sản liền kề do ranh giới là thửa đất nhỏ ở giáp gianh hai căn nhà của gia đình ông Hoành và gia đình ông Thái tồn tại từ trước năm 1972, tức là hơn 30 năm so với thời điểm tranh chấp. Năm 1978, vợ chồng ông Hoành xây dựng nhà có tường sát móng nhà cụ Sỹ (là cha ruột của ông Thái, bị đơn trong vụ án). Vậy là ranh giới đã tồn tại hơn 30 năm mà không xảy ra tranh chấp. Nên hai gia đình phải có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới này.

* Tại tình huống trên là tranh chấp về quyền sử dụng ranh giới giữa hai bất động sản liền kề mà các bên đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết vụ án: 

“a) Toà án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

b) Toà án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

c) Toà án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc là đã chết;

d) Toà án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Toà án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài;

đ) Toà án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

e) Toà án nơi người phải thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài;

g) Toà án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật;

h) Toà án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

i) Toà án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

k) Toà án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;

l) Toà án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;

m) Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ giải quyết các yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.”

* Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được quy định tại khoản 3 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

“a) Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm.

b) Thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.”

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, “Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan” (gồm cả nguyên đơn, bị đơn) theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo được quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, bao gồm:

“1. Bản án, quyết định của Toà án.

2. Đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị.

3. Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.

4. Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và các chi phí khác.

5. Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.”

* Theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định về đương sự trong vụ án: 

“1. Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”

Vậy, trong vụ án tranh chấp ranh giới đang xét, nguyên đơn là ông Hoành cùng vợ là bà Vân; bị đơn là ông Thái và bà Nghiêm. Năm 2006 ông Hoành đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 204K thì ông Thái không đồng ý và Ủy ban nhân dân phường Đội Cấn đã từng giải quyết tranh chấp giữa hai bên; tới khoảng năm 2010 – 2011 ông Hoành khởi kiện. Ông Hoành cho rằng quyền sử dụng ranh giới đất thuộc về mình nhưng quyền sử dụng đó lại bị gia đình ông Thái xâm hại nên ông đã kiện gia đình ông Thái và yêu cầu xác định diện tích ranh giới đất giữa hai nhà thuộc quyền sử dụng của ông và ông Thái có quyền khởi kiện.

* Tại khoản 3 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự về việc nghị án thì quyết định của Hội đồng xét xử sẽ dựa trên các chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, kết quả việc hỏi tại phiên toà và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên.” Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự, Tòa án cần căn cứ vào các hồ sơ, giấy tờ địa chính, nhà đất được quản lý tại Ủy ban nhân dân, bao gồm cả thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đương sự, vì chỉ các thông tin, tư liệu này mới đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và hợp pháp, chính xác và đáng tin cậy để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải căn cứ vào các chứng cứ được xác định trong quá trình tố tụng và các quy định của pháp luật để chứng cứ được quy định tại Điều 81 Bộ luật Tố tụng dân sự: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.” Cụ thể trong vụ án tranh chấp ranh giới giữa gia đình ông Hoành và gia đình ông Thái, cả hai gia đình không có chứng cứ chứng minh địa giới đất của mình là mộc giới đến đâu nên Tòa án sẽ căn cứ vào đó để đưa ra quyết định về vụ án.

* Theo Khoản 1 điều 168 Bộ luật Tố Tụng Dân sự:

“1. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hiệu khởi kiện đã hết;

b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”.

Vậy, trong vụ án này, sau khi đã xem xét các chứng cứ và tài liệu liên quan, Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho ông Hoành theo điểm đ và e vì ông Hoành không có chứng cứ xác thực chứng minh yêu cầu của mình có căn cứ.

II. BÌNH LUẬN VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2011/DSST ngày 19-01-2011, Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với nhận định (tóm tắt) như sau: quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án không đương sự nào đưa ra được chứng cứ để chứng minh địa giới đất ở của mình là từ mộc giới đến đâu? Nguyên đơn không có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp; và quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc Hoành về việc xác định địa giới sử dụng 3,375m2 đất trong diện tích 129m2 đất tại nhà số 204K Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa hai bên gia đình.

Đầu tiên, ta thấy trong điều 160 Nghị định Số 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật đất đai của Chính phủ có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất:

“Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan hành chính để được giải quyết. Cơ quan hành chính các cấp giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng”.

Ở trường hợp này, gia đình ông Nguyễn Quốc Hoành, bà Lưu Thị Vân có mua của bà Nguyễn Thị Nguyện thửa đất, hai bên có lập hợp đồng nhưng không có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chưa sang tên trước bạ. Trong khi ông Nguyễn Quốc Hoành xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2006 thì xảy ra tranh chấp với ông Trần Văn Thái ở tại nhà số 206 phố Đội Cấn (liền kề nhà ông). Vì ông Nguyễn Văn Hoành chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số nhà 204K phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội trong khi gửi đơn kiện lên Tòa án. Nên vụ án tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Văn Hoành và ông Trần Văn Thái không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo khoản 1 Điều 160 Nghị định Số: 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật đất đai của Chính phủ

Ngoài ra, trong vụ án, cả hai bên đều không đưa ra được bằng chứng xác thực để chứng minh quyền sử dụng 3,375 m2 đất mà chỉ dựa trên ý kiến chủ quan của hai bên. Chính vì vậy, đơn yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quốc Hoành là vô hiệu, chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ việc tranh chấp ranh giới đất.

Vì chưa có đủ điều kiện để khởi kiện và vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nên Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố Tụng Dân sự:

“1. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hiệu khởi kiện đã hết;

b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”.

Vậy, trong vụ án này, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện theo điểm đ và e.

Vậy, trong vụ án đang xét, quyết định không chấp nhận yêu cầu xác định diện tích 3,375m2 đất trong diện tích 129,6m2 thửa số 21 tờ bản đồ số 24 năm 1991 thuộc quyền sở hữu của ông Hoành, giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa hai bên gia đình là hoàn toàn hợp lý nhưng thẩm quyền giải quyết vụ án không thuộc về Tòa án, Tòa án trả lại đơn khởi kiện của ông Hoành theo quy định tại điểm đ và e khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố Tụng Dân sự năm 2004.

Theo Khoản 2 điều 192 Bộ luật Tố Tụng Dân sự:

“Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật này”.

Vậy, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện theo Điểm đ và e khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án ra quyết định đình chỉ và sẽ có hậu quả pháp lý đi kèm:

Điều 193, Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

“1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại các điểm c, e và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này và các trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

3. Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 192 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.

4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.

III. QUAN ĐIỂM CỦA NHÓM VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Đầu tiên, ta xác nhận đây là vụ án tranh chấp về quyền sử dụng ranh giới giữa hai bất động sản liền kề giữa:

Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Quốc Hoành sinh năm 1943;

2. Bà Lưu Thị Vân sinh năm 1945 (là vợ của ông Hoành);

Trú tại nhà số 204K phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Bị đơn:

1. Ông Trần Văn Thái sinh năm 1950;

2. Bà Nguyễn Thị Đoan Nghiêm sinh năm 1950;

Đều trú tại nhà số 206 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Điều 50 Bộ luật đất đai năm 2003 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất...”

Đối với gia đình ông Hoành, thửa đất ông mua từ bà Nguyễn Thị Nguyện từ năm 1972, hai bên có lập hợp đồng nhưng không có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa sang tên trước bạ, trên thửa đất khi đó có một căn nhà nhỏ diện tích 3,375m2. Như vậy, nếu trường hợp đất của ông Hoành không có tranh chấp thì được hoàn toàn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù không có các giấy tờ theo quy định tại khoản 4 điều 50 luật đất đai năm 2003. Tuy nhiên, năm 2006, ông nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhưng với diện tích kê khai là 129m2), nhưng lại có tranh chấp xảy ra giữa ông Hoành và ông Thái, ông Thái cho rằng ranh giới (3,375m2 đất) là thuộc quyền sở hữu của ông vì là di sản của bố ông là ông Sỹ để lại.

Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xác lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính quy định:

“Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì Đơn vị đo đạc có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai và ranh giới thửa đất được đo đạc theo kết quả giải quyết tranh chấp đó.

Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng và đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp sử dụng đất thành 2 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã để giải quyết”.

Người sử dụng đất phải sử dụng đúng ranh giới, mốc giới của thửa đất mà mình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp không xác định được chính xác ranh giới, mốc giới của thửa đất thì người sử dụng đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận. Đối chiếu với các quy định nêu trên, để có cơ sở xác định gia đình bạn có lấn chiếm đất của hàng xóm hay không bạn cần phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để được xem xét, giải quyết. Sau khi nhận đơn, Ủy ban nhân dân sẽ cử cán bộ địa chính xuống kiểm tra trên thực tế ranh giới và mốc giới của thửa đất đang tranh chấp và đối chiếu với bản đồ địa chính đang lưu giữ tại ủy ban. 

Trong vụ án đang xét, ông Hoành muốn cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích ranh giới 3,375m2 trong diện tích 129,6m2 thửa số 21 bản đồ số 24 lập năm 1991 nên trong quá trình giải quyết vụ án tại Ủy ban nhân dân phường Đội Cấn, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Địa chính Hà Nội đã đo vẽ hiện trạng sử dụng đất của ông Hoành là 129,6m2. Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu đủ cơ sở xác định gia đình bạn không lấn chiếm đất của nhà hàng xóm nhưng gia đình hàng xóm không chấp nhận thì Ủy ban nhân dân sẽ tổ chức buổi họp để giải quyết tranh chấp và và lập biên bản hòa giải giữa hai gia đình. Trường hợp hòa giải không thành, theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, do cả hai gia đình ông Hoành và ông Thái đều không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đât nên vụ án sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Uỷ ban nhân dân phường Đội Cấn sẽ dựa trên hiện trạng đã đo để hòa giải việc tranh chấp về ranh giới. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 265 Bộ luật Dân sự về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản thì ranh giới giữa các hộ có thể được xác định là theo thỏa thuận hoặc theo tập quán hoặc tồn tại 30 năm. Ở đây, việc ông Hoành xây nhà từ năm 1978 cho đến nay là hơn 30 năm mới xảy ra tranh chấp. Hơn nữa, việc xây nhà của ông Thái năm 1989 đã nhờ vợ chồng ông Hoành việc áp thêm 10m vào tường nhà ông bà (như vậy đã có sự thỏa thuận giữa hai bên). Hơn nữa việc xây nhà của ông Hoành theo đề bài là hàng rào vượt quá mảnh đất của nhà cụ Sỹ, tuy nhiên việc làm này lại không có sự phản đối hay yêu cầu của từ phía gia ông Thái Và đến năm 2010 - 2011 mới kiện ra tòa án. Vì vậy, ta có thể xác định ranh giới giữa 2 nhà (cụ thể là 3,375m2 đất) do thỏa thuận giữa 2 bên và đã tồn tại hơn 30 năm mới xảy ra tranh chấp.

Hơn nữa, theo khoản 1 điều 266 Bộ luật Dân sự Việt Nam thì trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu:

“Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.

Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ…”

Như vậy, khẳng định ranh giới giữa hai nhà là 3,375m2 đất thuộc sở hữu chung giữa hai nhà ông Hoành và nhà ông Thái. Ngoài ra, hai bên lại không đưa ra được căn cứ nào chứng mình được phần đất này do đâu mà có (căn cứ hợp lí và hợp pháp) và thuộc quyền sử dụng của gia đình mình.

Vậy, Ủy ban nhân dân sẽ không chấp nhận yêu cầu xác lập quyền sử dụng diện tích ranh giới 3.375m2 đất giữa hai nhà ông Hoành và nhà ông Thái thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hoành cùng vợ là bà Lưu Thị Vân và giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa hai bên gia đình. Yêu cầu hai gia đình ông Nguyễn Quốc Hoành và ông Trần Văn Thái có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa hai nhà theo khoản 2 và 3 Điều 265 Bộ luật dân sự năm 2005:

“2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.”

KẾT LUẬN

Tranh chấp đất đai, nhà ở là loại tranh chấp phức tạp và khó giải quyết nhất. Trên thực tế nếu không kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đánh mất tình làng nghĩa xóm, gây mất trật tự an ninh chung và nhiều trường hợp từ dân sự chuyển thành hình sự. Bởi vậy, Nhà nước ta cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa nhằm giải quyết các tranh chấp trong đời sống nhân dân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình, sách tham khảo:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I và II, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2013. 

2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2009.

3. Phạm Công Lạc, Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, Chương I và II, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2006. 

Văn bản quy phạm pháp luật:

4. Bộ luật dân sự năm 2005.

5. Luật Đất đai 2003.

6. Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004.

7. Nghị định số 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai.

8. Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT, ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xác lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính.

No comments:

Post a Comment