Trong nền kinh tế phát triển nhiều thành phần như hiện nay, việc làm ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng đối với không chỉ cá nhân người lao động mà còn là của tất cả các quốc gia, đặc biệt trong thời kì kinh tế đang khủng hoảng và từng bước vượt qua khủng hoảng. Đề tài: “Phân tích khái niệm, vai trò và ý nghĩa của việc làm” sẽ phần nào làm rõ hơn tầm quan trọng của nó đối với người lao động nói riêng và toàn xã hội nói chung.
1. Khái niệm việc làm
Xét về phương diện kinh tế-xã hội, có thể hiểu việc làm là các hoạt động tạo ra, đem lại lợi ích, thu nhập cho người lao động được xã hội thừa nhận. Việc làm là vấn đề của mỗi cá nhân, xuất phát từ nhu cầu mưu sinh của cá nhân mà để thỏa mãn nhu cầu ấy họ phải tham gia các hoạt động lao động nhất định nhằm tạo ra một mức thu nhập nhất định. Tuy nhiên, việc làm và thu nhập không phải là vấn đề lúc nào mỗi cá nhân người lao động cũng quyết định được. Sự phát triển của dân số, kinh tế xã hội,… đều có thể ảnh hưởng tới việc làm của họ. Do đó, việc làm cũng là vấn đề của cộng đồng. Việc làm vừa có tính chất cá nhân (công việc mưu sinh của người lao động) vừa có tính chất xã hội (tính tập thể), vừa có tính kĩ thuật (mức độ thành thạo trong công việc của người lao động) vừa có tính kinh tế (đem lại thu nhập cho cá nhân người lao động lẫn toàn xã hội).
Xét về góc độ pháp lí, Điều 13 Bộ luật lao động quy đinh: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”. Khái niệm này vừa phản ánh được nội dung kinh tế-xã hội của việc làm (đó là các hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập) vừa phản ánh được tính chất pháp lí của việc làm (đó là hoạt động lao động không bị pháp luật cấm). Dưới góc độ pháp lí, việc làm được cấu thành bởi 3 yếu tố:
- Thứ nhất, việc làm là hoạt động lao động, song hoạt động lao động chỉ là dấu hiệu của việc làm chứ không đồng nhất lao động với việc làm. Sỡ dĩ như vậy là bởi yếu tố lao động trong việc làm khác với lao động thường ở chỗ nó có tính hệ thống, tính thường xuyên và tính nghề nghiệp. Tức là, các hoạt động lao động thường xuyên có quan hệ chặt chẽ với nhau được kết hợp lại theo yêu cầu của một nghề nhất định sẽ trở thành dấu hiệt của việc làm. Theo đó, người có việc làm thông thường phải là những người thực hiện các hoạt động lao động trong phạm vi nghề nhất định và trong thời gian tương đối ổn định.
- Thứ hai, việc làm tạo ra thu nhập. Thu nhập ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, nó không chỉ là khoản thu nhập trực tiếp (như viên chức đi làm hàng tháng được trả lương) mà còn bao hàm cả khả năng tạo ra thu nhập (như người chuyên ở nhà làm nội trợ cho cả gia đình). Thu nhập là dấu hiệu của việc làm bao giờ cũng liên quan đến phần giá trị mới tạo ra của hoạt động lao động (như hưởng lương theo sản phẩm làm ra tại xí nghiệp may) nên không phải mọi nguồn thu đều mang ý nghĩa thu nhập (như được hưởng tiền thừa kế là nguồn thu nhưng không phải là thu nhập).
- Thứ ba, các hoạt động lao động đó phải hợp pháp. Hoạt động lao động tạo ra thu nhập nhưng phải được pháp luật thừa nhận hay không trái pháp luật mới được coi là việc làm. Có thể nói đây là dấu hiệu thể hiện rõ đặc trưng pháp lí của việc làm, vì tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán… của từng nhà nước mà pháp luật có sự quy định khác nhau về tính hợp pháp của các hoạt động được coi là việc làm.
Qua phân tích trên, có thể hiểu việc làm là những hoạt động lao động hợp pháp tạo ra thu nhập hoặc có khả năng tạo ra thu nhập cho người thực hiện, mang tính nghề nghiệp và tương đối ổn định về thời gian hoạt động.
2. Vai trò và ý nghĩa của việc làm
Việc làm có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cá nhân người lao động mà còn đối với cả Nhà nước và cộng đồng. Đối với bản thân người lao động, việc làm tạo điều kiện và cơ hội để họ có thu nhập, đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình đồng thời đóng góp cho xã hội, phục vụ cộng đồng. Đối với nhà nước, giải quyết tốt vấn đề việc làm sẽ là điều kiện và cơ sở để triển khai các chính sách xã hội khác như phát triển văn hóa, ý tế, giáo dục… góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển xã hội.
Trên bình diện kinh tế-xã hội, về mặt kinh tế, việc làm luôn gắn liền với vấn đề sản xuất. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề việc làm và ngược lại. Về mặt xã hội, giải quyết việc làm có mục tiêu hướng vào toàn dụng lao động, chống thất nghiệp và khắc phục tình trạng thiếu việc làm, bảo đảm thu nhập. Ở Việt Nam, việc làm còn gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm là một biện pháp quan trọng, thiết thực.
Trên bình diện chính trị-pháp lí, việc làm không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế-xã hội mà còn mang ý nghĩa chính trị. Chính sách việc làm không phù hợp tất yếu sẽ không hiệu quả đối với vấn đề lao động-việc làm nối riêng và các vấn đề xã hội nói chung. Vì vậy ở mọi quốc gia, việc làm luôn là vấn đề quan tâm của mỗi cá nhâm gia đình cũng là vấn đề xã hội lâu dài, cấp bách. Từ đó lí giải vì sao các quốc gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề việc làm. Về mặt pháp lí, việc làm là phạm trù thuộc quyền cơ bản của con người nên được thừa nhận và qui định ở nhiều văn bản pháp lí quan trọng (hiến pháp, luật, công ước quốc tế). Ngoài ra, vấn đề việc làm còn gắn liền với chế độ pháp lí lao động, khi việc làm không tồn tại, quan hệ lao động cũng theo đó mà triệt tiêu, không còn nội dung, không còn chủ thể.
Trên bình diện quốc gia-quốc tế, trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay vấn đề việc làm mang tính toàn cầu hóa, tính quốc tế sâu sắc. Nó không chỉ là bộ phận có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống các chính sách xã hội nói riêng và trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội nói chung của một quốc gia, mà còn có tác động nhất định tới thị trường lao động của toàn thế giới đang không ngừng được mở rộng theo phạm vi quốc tế. Vì thế việc làm không chỉ được thể chế hóa bằng pháp luật quốc gia mà còn bằng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ các quan hệ quốc tế đa phương.
Tóm lại, việc làm luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và toàn thế giới. Việc hiểu được tổng quát khái niệm việc làm, nắm bắt được cơ bản vai trò và ý nghĩa của nó sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng các chính sách việc làm có hiệu quả.
Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment