15/06/2014
Bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động - Bài tập cá nhân Luật Lao động
Nguyên tắc của ngành luật thường được hiểu là những tư tưởng chính trị pháp lý cơ bản được định ra để thống nhất nội dung điều chỉnh pháp luật trong khâu soạn thảo, ban hành, giải thích pháp luật và chỉ đạo các hoạt động thực tế trong khâu áp dụng pháp luật. Cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ngành luật Lao động cũng mang trong mình những nguyên tắc riêng, bao gồm 6 nguyên tắc cơ bản, trong đó, nguyên tắc Bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động được coi là một trong những nguyên tắc quan trọng. Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên 4 nội dung sau:

1. Cơ sở:


Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động (NSDLĐ)  là đảm bảo các quyền và lợi ích mà pháp luật đã quy định cho NSDLĐ được thực hiện, không bị các chủ thể khác xâm hại. 


- Cơ sở pháp lý: Xuất phát từ đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ người sử dụng lao động, quyền tự do kinh doanh, sở hữu vốn và tài sản hợp pháp của công dân. Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đưa ra chủ trương: “các doanh nghiệp được tự chủ trong việc trả lương và tiền thưởng…Nhà nước tôn trọng thu nhập hợp pháp của người kinh doanh”. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1992 cũng quy định tại điều 57 và 58: “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” ;“Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất…”

- Cơ sở thực tế: Xuất phát từ tầm quan trọng của vai trò quản lý trong quan hệ lao động nói riêng, lực lượng lao động xã hội nói chung đối với sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động là một bên không thể thiếu để hình thành và duy trì quan hệ lao động. Nếu không thu được các quyền và lợi ích cần thiết trong quá trình sử dụng lao động thì họ và các nhà đầu tư tiềm năng khác sẽ không thể tiếp tục đầu tư, giải quyết việc làm cho NLĐ và phát triển kinh tế đất nước

2. Nội dung của nguyên tắc

Trong lĩnh vực lao động, NSDLĐ cũng được đảm bảo đầy đủ các quyền đối với tài sản đưa vào sản xuất kinh doanh, được tự chủ trong quản lý và phân phối sản phẩm. Họ cũng có quyền tự do liên kết và phát triển trong quá trình sử dụng lao động. Cụ thể, NSDLĐ được bảo vệ các quyền và lợi ích sau:

+ Được tuyển chọn, sử dụng, tăng giảm lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. 

+ Được quản lý, điều hành lao động, ban hành nội quy và thực hiện các chế độ khen thưởng, kỉ luật, chấm dứt hợp đồng đối với NLĐ

+ Được sở hữu tài sản hợp pháp trong và sau quá trình lao động, tự chủ trong phân phối, trả lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật

+ Được phối hợp với tổ chức công đoàn trong quản lý lao động và kí kết thỏa ước lao động tập thể phù hợp với điều kiện của đơn vị

+ Được nhà nước ưu đãi, hỗ trợ nếu gặp khó khăn hoặc đủ các điều kiện khác do pháp luật quy định

+ Đảm bảo bồi thường thiệt hại nếu bị NLĐ hoặc các chủ thể khác xâm hại lợi ích hợp pháp

+ Được tham gia tổ chức của giới sử dụng lao động theo quy định của pháp luật

+ Được yêu cầu NLĐ và các đối tác khác tôn trọng quyền và lợi ích của mình, nếu bị xâm hại có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp bảo vệ

3. Sự thể hiện của nguyên tắc trong các quy phạm pháp luật

Quan hệ lao động thuộc sự điều chỉnh trực tiếp của luật Lao động vì thế nguyên tắc Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động được thể hiện rõ nét nhất trong các quy phạm luật lao động. 

Khoản 2 Điều 16 BLLĐ có quy định “Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển chọn lao động, có quyền tăng giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Quy định trên bảo vệ quyền được tuyển chọn, sử dụng, tăng giảm người lao động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động có quyền “tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp…” (Khoản 1 Điều 92), có quyền “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” (Khoản 1 Điều 38); Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thoài gian, theo sản phẩm…(Khoản 1 Điều 58); có quyền “quy định lịch nghỉ hàng năm” (Khoản 1 Điều 76)

4. Ý nghĩa:

Như vậy, pháp luật lao động đã ghi nhận quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ trong nhiều chế định và bảo vệ họ ở mức độ cần thiết. Về nội dung, quyền và lợi ích của NSDLĐ cũng được đảm bảo trên nhiều lĩnh vực nhưng nhất thiết phải trong khuôn khổ luật định. Khuôn khổ đó đảm bảo cho NSDLĐ đạt được mục đích chính đáng của mình ở mức rối đa nhưng không làm phương hại đến NLĐ và các chủ thể khác, đến đời sống xã hội và lợi ích chung. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ cũng là cách giải quyết vấn đề lợi ích hợp lý trong xã hội, yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Thông qua việc bảo vệ này mà quan hệ lao động có thể phát triển bền vững, NLĐ cũng có điều kiện ổn định việc làm, đảm bảo cuộc sống.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Lao động, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo nghị quyết số 51/2001/NQ-QH ngày 21/12/2001 của Quốc hội
3. Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2002, 2006, 2007

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment