Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quan trọng nhất trong quản lí hành chính nhà nước và cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính. Để hiểu sâu sắc và cụ thể hơn về điều này, bài viết sau đây đóng góp một số ý kiến để giải quyết đề tài: “Phân tích vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính”
NỘI DUNG
I. Một số khái niệm pháp lý
1. Cơ quan hành chính nhà nước
Cơ quan hành chính nhà nước: là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, trực thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, có phương diện hoạt động chủ yếu là hoạt động chấp hành – điều hành, có cơ cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
Từ định nghĩa trên, ta có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản của cơ quan hành chính nhà nước như sau:
Thứ nhất, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước là quản lí hành chính nhà nước
Thứ hai, hệ thống các cơ quan nhà nước được thành lập từ trung ương đến cơ sở, đứng đầu là Chính phủ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, được tổ chức theo hệ thống thứ bậc, có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Thứ ba, thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước được pháp luật quy định trên cơ sở lãnh thổ, ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn mang tính tổng hợp. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành điều hành.
Thứ tư, các cơ quan hành chính nhà nước đều trực tiếp hoặc gián tiếp trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, chịu sự giám sát và báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực nhà nước
Thứ năm, các cơ quan hành chính nhà nước có hệ thống các đơn vị cơ sở trực thuộc
2. Quy phạm pháp luật hành chính
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước theo phương pháp mệnh lệnh -đơn phương
Ngoài những đăc điểm của quy phạm pháp luật nói chung, quy phạm pháp luật còn có những đặc điểm riêng như sau:
Thứ nhất, các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do cơ quan hành chính nhà nước ban hành
Thứ hai, các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lí khác nhau
Thứ ba, các quy phạm pháp luật hành chính hợp thành một hệ thống trên cơ sở các nguyên tắc pháp lí nhất định
3. Một số khái niệm khác
* Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính: là việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân xử sự phù hợp với các yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính khi tham gia vào quản lí hành chính nhà nước.
* Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính: là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật hành chính hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước.
II. Vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng quy phạm pháp luật hành chính
1. Vai trò xây dựng các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác và trình trước quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội
Vai trò này thuộc về một số cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền nhất định. Theo khoản 3 Điều 8 Luật tổ chức chính phủ năm 2001, Chính phủ phải trình các dự án Luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Luật ban hành văn bản năm 2008 là một căn cứ pháp lí quy định chi tiết và cụ thể vai trò trên của cơ quan hành chính nhà nước. Tại Khoản 2 Điều 30 của luật này có quy định: “Trường hợp dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình thì Chính phủ giao cho một bộ hoặc một cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo; cơ quan được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thành lập Ban soạn thảo”. Việc tham gia xây dựng luật và pháp lệnh của Chính phủ thể hiện vai trò của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật hành chính, những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền quản lí của các cơ quan hành chính nhà nước thể hiện sự đóng góp của các cơ quan hành chính nhà nước. Có như vậy thì khi các văn bản quy phạm pháp luật hành chính ra đời, các cơ quan này mới có thể chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả, khoa học và thiết thực các quy phạm hành chính đó.
2. Vai trò ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hành chính
Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền sẽ có vai trò ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết, pháp lệnh của các cơ quan quyền lực nhà nước, quyết định của Chủ tịch nước và các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Thực tế thì các văn bản quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn là chính từ việc các cơ quan hành chính nhà nước trong lúc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã ban hành để cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước, các quyết định của Chủ tich nước và văn bản dưới luật của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Theo quy định tại điều 2 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì các cơ quan hành chính nhà nước có quyền ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định của chính phủ; Quyết định của Thủ tướng chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân. (theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2004 thì ủy ban nhân dân ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị). Việc ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật trên, chính là hoạt động xây dựng trực tiếp các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng của mình trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Việc xây dựng các quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước là việc làm thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương.Ví dụ trong tháng 01 năm 2014, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 08 Nghị định của Chính phủ và 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, có thể nói vai trò ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong việc các cơ quan hành chính nhà nước xây dựng các quy phạm hành chính nói riêng và thực hiện thẩm quyền quản lí hành chính nhà nước của mình nói chung.
3. Vai trò rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật
Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền sẽ có vai trò rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định.
Việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước nhằm phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai phạm và trái với các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Theo quy định của pháp luật thì hoạt động rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật được đặt ra cho các cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Điều 93 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; nếu phát hiện có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước thì tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành”.
Về thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ thì Bộ Tư pháp đóng vai trò này theo quy định tại khoản 3 điều 90 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hành chính của cơ quan hành chính nhà nước là một hoạt động thường xuyên và liên tục trong quá trình quản lí hành chính nhà nước. Để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thì các chủ thể quản lí hành chính nhà nước phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để cụ thể hóa hơn các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Và cơ quan hành chính nhà nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng luật và pháp lệnh là những văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính, chính những hoat động này giúp các cơ quan hành chính nhà nước trình bày các quan điểm, góp phần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó các văn bản quy phạm pháp luật hành chính này lại được chính các chủ thể này tiến hành áp dụng vào thực tế để quản lí nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, qua đó thì hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn.
III. Vai trò của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
1.Tổ chức thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính thông qua việc áp dụng các quy định của pháp luật vào giải quyết các vấn đề trên thực tế
Các cơ quan hành chính nhà nước căn cứ vào thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của mình để thực thi các quy phạm pháp luật hành chính, đưa các quy phạm pháp luật này đi vào thực tế, triển khai thực thi trên khắp cả nước thông qua hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương. Cũng giống như các chủ thể khác của quản lí hành chính nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước phải sử dụng các quy phạm pháp luật hành chính một cách đúng đắn, tuân thủ và chấp hành các quy phạm đó một cách nghiêm túc, hợp lí.
Hơn thế nữa, thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính được thể hiện rõ nét nhất qua hoạt động áp dụng. Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền đã căn cứ vào những văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước. Cụ thể là các cơ quan này căn cứ vào những quy phạm pháp luật hành chính chung trong Luật, Nghị quyết, Nghị định,... được xây dựng ở trên để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mang tính cụ thể hóa, chi tiết hóa giúp cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính có thể dễ dàng hơn trong việc hiểu đúng và thực hiện chính xác các quy định đó.
Ví dụ: Chính phủ ban hành nghị định 146/ 2007, nghị định 34/2010 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đấy chính là hoạt động cụ thể hóa quy định: pháp lệnh xử phạt hành chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2002. Hay chỉ thị số 02/2014/CT-UBND về việc triển khai thực hiện pháp luật xử lí vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Nếu không có các nghị định trên của chính phủ hay chỉ thị tương tự của UBND các cấp thì việc thực hiện trên thực tiễn sẽ rất khó vì pháp lệnh chỉ quy định những vấn đề chung nhất và nhiệm vụ của chính phủ là phải thực thi nó trên căn cứ pháp lệnh đó bằng các hoạt động quản lí của mình.
Từ những văn bản quy phạm pháp luật càng chi tiết, cụ thể thì việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính của các chủ thể có thẩm quyền càng chính xác và hiệu quả. Thực tế đây là một hoạt động thường xuyên và liên tục của các cơ quan hành chính nhà nước để thực thi nhiệm vụ của mình.
2. Cơ quan hành chính nhà nước chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy phạm pháp luật
Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quyết định các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan cấp trên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; báo cáo với các cơ quan quyền lực nhà nước về việc triển khai và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật tổ chức Chính phủ năm 2001: “Quyết định các biện pháp chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định của Chính phủ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật; báo cáo với Quốc hội về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm”.
Để các văn bản quy phạm pháp luật thực sự được thực thi thì các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên còn có nhiệm vụ đốc thúc, kiểm tra chỉ đạo việc thực hiện của cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới. Các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương cũng phải kiểm tra và đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới nhất là cấp xã. Việc kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hoạt động của toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính cấp dưới. Đó có thể là các văn bản chỉ đạo hoặc đó cũng có thể là những chuyến đi thăm và khảo sát tình hình thực hiện thực tế. Các thành viên của các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thường xuyên đi làm việc xuống cơ quan hành chính nhà nước ở cấp cơ sở trực thuộc.
Theo quy định tại khoản 1 điều 94 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2004 thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương”. Như vậy, vai trò kiểm tra, giám sát và tổ chức tuyên truyền pháp luật cũng là một vai trò rất quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước
3. Cơ quan hành chính nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo
Một trong những vai trò không thể thiếu của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính đó tổ chức và lãnh đạo các công tác thanh tra các cấp, các ngành thuộc thẩm quyền, tổ chức và chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Qua hoạt động thanh tra thì các cơ quan hành chính nhà nước có thể nắm bắt được tình hình thực thi các quy phạm pháp luật hành chính ở các cấp dưới, qua đó có những biện pháp kịp thời để khắc phục nếu phát hiện. Việc giải quyết khiều nại tố cáo của nhân dân cũng chính là hoạt động thực hiện quy phạm pháp luật hành chính, bằng quyền lực nhà nước trao cho, các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện các quy phạm pháp luật này nhằm giải quyết mọi khúc mắc, tranh chấp của người dân.
Theo quy định tại khoản 3 điều 94 Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2004 thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra nhà nước, tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật”, và tại khoản 5 điều 106 lại quy định ủy ban nhân dân cấp huyện “Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước; tổ chức tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; hướng dẫn, chỉ đạo công tác hoà giải ở xã, thị trấn” và khoản 2 điều 107 ủy ban nhân dân cấp xã “Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền”. Có thể nói việc thực hiện các quy phạm pháp luật cũng được thể hiện rõ nét qua vai trò kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Như vậy, có thể nói cơ quan hành chính nhà nước không những là chủ thể xây dựng lên các quy phạm pháp luật hành chính mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các quy phạm pháp luật đó trên thực tế một cách có hiệu quả.
KẾT BÀI
Qua những tìm hiểu trong phần nội dung, chúng ta cũng có thể phần nào thấy được vai trò vô cùng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các quy phạm pháp luật hành chính. Với vị trí là một bộ phận trong hệ thống các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong cả công tác xây dựng và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính nói riêng cũng như pháp luật nói chung để đảm bảo hơn nữa pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như ổn đinh đất nước góp phần đưa nước ta ngày càng phát triển giàu mạnh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Đại học Luật HN, NXB Công an nhân dân,2013
2. Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Khoa Luật ĐH Quốc gia HN, NXB Đại học Quốc gia, 2005.
3. Giáo trình Luật Hành chính và tài phán hành chính, Học viện hành chính quốc gia, NXB Giáo dục, 2005.
4. Luật Tổ chức Chính phủ 2001
5. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
6. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND 2004
7. www.chinhphu.vn
8. www.xaydungphapluat.chinhphu.vn
No comments:
Post a Comment