Với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, kết hợp cùng xu thế hội nhập quốc tế mà các quyền tự do, dân chủ của công dân ngày càng được chú trọng, mở rộng trên nhiều lĩnh vực, được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Việc ghi nhận “ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật “ [1] tại Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đã trở thành cơ sở pháp lí vững chắc cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của các tổ chức xã hội ở Việt Nam.
“Tổ chức xã hội là hình thức tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích tập hợp, hoạt động theo pháp luật và theo điều lệ không vì lợi nhuận nhằm đáp ứng những lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.” [2] Như vậy, tổ chức xã hội đã đại diện cho nhiều tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam thực hiện quyền lực chính trị đồng thời giúp cá nhân phát huy tính năng động, tự chủ, tích cực chính trị, tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước và xã hội. Ví dụ như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, đoàn luật sư, tổ dân phố, ... Mỗi tổ chức xã hội là tập hợp những thành viên có cùng chung dấu hiệu đặc điểm như cùng chung nghề nghiệp ví dụ Hội Kiến trúc sư, Hội nhà báo,... hoặc cùng chung mục đích, lý tưởng như Đảng Cộng sản Việt Nam,...
Xét dưới góc độ chính trị, tổ chức xã hội là chỗ dựa của chính quyền nhân dân, là nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, tăng cường sự thống nhất, ổn định về tư tưởng chính trị, tạo điểu kiện để Nhà nước thực hiện quản lý xã hội. Ví dụ: Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động với mục đích chính trị là không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân, với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng; nhằm đạt được mục tiêu giữ vững độc lập, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xét dưới góc độ kinh tế, xã hội, tổ chức xã hội là bộ phận góp phần tăng cường khả năng hoạt động kinh tế của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Đồng thời, các tổ chức xã hội còn nâng cao tinh thần, ý thức pháp luật, xây dựng lối sống văn minh cho nhân dân bằng cách thức tuyên truyền, giáo dục,...giúp Nhà nước duy trì hoạt động quản lý. Ngoài ra, thông qua các tổ chức xã hội, công dân có điều kiện hơn trong việc thực hiện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, điều đó cũng thể hiện sự tăng cường khả năng hoạt động kinh tế - xã hội của công dân.
Mỗi tổ chức xã hội có những hoạt động đặc thù phản ánh vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, về cơ bản, các tổ chức xã hội có những đặc điểm chung nhất định để phân biệt với các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế. Các đặc điểm cơ bản của tổ chức xã hội bao gồm:
Thứ nhất, các tổ chức xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện của những thành viên. Nguyên tắc tự nguyện được thể hiện rõ nét trong tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội. Về mặt tổ chức, tính tự nguyện biểu hiện qua việc thành lập, gia nhập hay giải thể, ra khỏi tổ chức hoàn toàn dựa trên ý chí của công dân. Nhân dân có quyền tự do lựa chọn, quyết định tham gia hay không vào một tổ chức xã hội khi thỏa mãn các điều kiện nhất định của tổ chức xã hội đó. Ví dụ: “ Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Ðảng.” [3] Việc thành lập cơ quan lãnh đạo cũng như cử người lãnh đạo cụ thể của tổ chức xã hội đều do các thành viên của tổ chức tự quyết định. Về hoạt động, các tổ chức xã hội tự quản lý công việc nội bộ của tổ chức; hoàn toàn tự chủ trong việc quyết định điều lệ, phương hướng hoạt động nhưng không được trái với các quy định của pháp luật. Nghĩa là bên cạnh tính độc lập tương đối trong quan hệ với Nhà nước, tổ chức xã hội cũng chịu sự lãnh đạo của Nhà nước trong phạm vi nhất định. Điều này đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng, đường lối phát triển đất nước, đồng thời duy trì ổn định trật tự xã hội.
Thứ hai, xuất phát từ việc tổ chức xã hội không nằm trong cơ cấu của bộ máy nhà nước nên các tổ chức xã hội nhân danh chính tổ chức mình để tham gia hoạt động quản lý nhà nước, chỉ trong trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định tổ chức xã hội mới hoạt động nhân danh Nhà nước. Nhà nước thừa nhận và đảm bảo sự tồn tại của các tổ chức xã hội bằng việc cho phép tổ chức xã hội được thành lập đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý cho tổ chức. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó, tổ chức xã hội nhân danh tổ chức mình chứ không nhân dân cá nhân thành viên hay Nhà nước. Các quyết định của tổ chức có tính bắt buộc trong phạm vi tổ chức mình. Trong trường hợp nhất định, Nhà nước trao quyền cho tổ chức xã hội, cho phép tổ chức xã hội được nhân danh Nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước, lúc này, quyết định của tổ chức xã hội có thể có hiệu lực đối với cả các thành viên bên ngoài tổ chức; ví dụ tổ chức Công đoàn được Nhà nước trao quyền phối hợp cùng cơ quan Nhà nước ban hành quyết định hành chính liên tịch, ban thanh tra nhân dân khi cần thiết được chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao xác minh những vụ việc nhất định.
Thứ ba, các tổ chức xã hội hoạt động tự quản theo quy định của pháp luật và theo điều lệ do các thành viên trong tổ chức xây dựng. Trong quá trình hoạt động, các tổ chức xã hội tự xử lý và giải quyết các công việc nội bộ nhưng không được trái các quy định của pháp luật. Dù tổ chức xã hội hoạt động theo điều lệ hay quy định của Nhà nước thì tổ chức vẫn hoạt động mang tính tự quản. Nhà nước không sử dụng quyền lực nhà nước để chi phối tổ chức xã hội mà tôn trọng và không can thiệp vào nội bộ tổ chức. Mặt khác, tổ chức xã hội còn tự quản về tài chính, nghĩa là, tài sản duy trì các hoạt động của tổ chức do thành viên đóng góp, do nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước khác chứ không phải được trích từ ngân sách quốc gia. Một số tổ chức đặc biệt được Nhà nước tài trợ một phần kinh phí hoạt động ví dụ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam,.... Điều lệ của các tổ chức xã hội không phải là văn bản pháp luật, các quy định trong điều lệ không mang tính pháp lý, mà chỉ điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong nội bộ, có giá trị bắt buộc riêng với các thành viên của tổ chức xã hội đó.
Ngoài ra, các tổ chức xã hội hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận mà nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đặc điểm này phân biệt tổ chức xã hội với các tổ chức kinh tế như: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,... Khi có những hành vi xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hay của những người khác, các tổ chức xã hội tạo ra dư luận xã hội rộng rãi để phản đối những hành vi vi phạm đó đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích đã bị xâm phạm. Bên cạnh đó, phương pháp đặc trưng mà tổ chức sử dụng trong hoạt động là giáo dục, thuyết phục và các biện pháp tác động xã hội khác. Tổ chức xã hội không có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các thành viên nhằm thi hành quyết định của mình; trừ trường hợp tổ chức được Nhà nước trao quyền.
Tổ chức xã hội không phải là tổ chức của Nhà nước nhưng là một bộ phận cấu thành nên hệ thống chính trị Việt Nam. Trong đời sống xã hội, các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng góp phần thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước nói chung và chức năng quản lý nhà nước nói riêng.
(1) : Theo Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009.
(2) : Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
(3) : Theo khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên/link bài tập vào form dưới đây. Xin lưu ý mỗi lần gửi mình chỉ ửi tối đa 2 tài liệu. Không gửi cả loạt.
No comments:
Post a Comment