17/06/2014
Nguyên tắc tập trung dân chủ - Bài tập cá nhân Luật Hành chính
Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, nguyên tắc tập trung – dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất và là cơ sở để thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Điều đó được thể hiện rõ nhất theo quy định tại Điều 6 Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi, bổ sung năm 2001): “ Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Cụ thể, vừa phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung trên cơ sở dân chủ; vừa đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung.


Trong quản lý hành chính nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện chính sách và pháp luật một cách thống nhất. Dân chủ nhằm hướng tới việc mở rộng quyền cho các đối tượng quản lý với mục đích phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lí, phát huy khả năng tiềm tàng của đối tượng quản lí trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Trong quản lí hành chính nhà nước, cần đảm bảo phối hợp một cách đồng bộ và chặt chẽ cả hai yếu tố này. Nếu chỉ lãnh đạo một cách tập trung mà không mở rộng dân chủ thì sẽ tạo điều kiện cho các hành vi lạm quyền, hách dịch, quan liêu, tham nhũng phát triển. nếu không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất thì sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô chính phủ.


Trong quản lí hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện ở:

Sự phụ thuộc của cơ quan hành chính nhà nước vào cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp: Cơ quan quyền lực nhà nước có những quyền hạn nhất định trong việc thành lập, sát nhập hoặc giải thể các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp: Quốc hội thành lập ra Chính phủ và trao cho chính phủ quyền hành pháp. Ở địa phương, các ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và thực hiện hoạt động quản lí hành chính ở địa phương. Các cơ quan khác trong bộ máy hành chính nhà nước như bộ, cơ quan ngang bộ đều do cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập, thay đổi hay bãi bỏ. Trong hoạt động, cơ quan hành chính nhà nước luôn chịu sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời có trách nhiệm báo cáo hoạt động với cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Sự phụ thuộc đó nhằm đảm bảo hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước phải phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời đảm bảo tập trung quyền lực vào hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước –cơ quan do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. 

Trong thực hiện hiến pháp, pháp luật yếu tố dân chủ được thể hiện rõ nét thông qua việc cơ quan quyền lực nhà nước trao quyền chủ động, sáng tạo cho các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời không can thiệp vào hoạt động, mà tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để các cơ quan hành chính hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ quản lí của mình trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, địa phương đối với trung ương:

Sự phục tùng này đảm bảo cho cấp trên và trung ương tập trung quyền lực để chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới và của địa phương trên cả phương diện tổ chức và hoạt động. Nếu thiếu sự phục tùng trên sẽ dẫn đến sự buông lỏng lãnh đạo, quản lí tập trung của trung ương và cấp trên, làm nảy sinh tình trạng tùy tiện, vô chính phủ. Đồng thời cấp trên, trung ương cũng cần tôn trọng ý kiến cấp dưới, địa phương về công tác tổ chức, hoạt động và các vấn đề khác trong quản lý hành chính nhà nước; tạo điều kiện để cấp dưới, địa phương phát huy sự chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Việc phân cấp quản lí: Là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được hiệu quả trong quản lí hành chính nhà nước. Trong việc phân cấp quản lí, có sự phân định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp. trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp quản lí được tiến hành những hoạt động nhất định nhàm phát huy tính năng động sáng tạo của mình. Phân cấp quản lí là một biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ, tuy nhiên việc phân cấp phải đảm bảo: Trung ương có quyền quyết định những vấn đề có ý nghĩa then chốt, chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển của toàn xã hội và đảm bảo sự quản lí tập trung, thống nhất trong cả nước; Trung ương thực hiện giao quyền cho các địa phương, các đơn vị cơ sở nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo trong quản lí, thúc đẩy sản xuất phát triển phục vụ đời sống, trên cơ sở đó hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên việc phân cấp quản lý cần phải thực hiện cụ thể, hợp lí trên cơ sở những quy định của pháp luật.

Hướng về cơ sở: Trong bộ máy hành chính nhà nước, các đơn vị cơ sở là nơi tạo ra của cải vật chất, trực tiếp phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì thế việc tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế, văn hóa - xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Cơ quan hành chính nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lí tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa –xã hội trực thuộc. Nhà nước quan tâm, hướng dẫn, cung cấp những trang thiết bị cần thiết, giúp đỡ về vật chất, tinh thần nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để các đơn vị này hoạt đông hiệu quả. Đồng thời, nhà nước có các chính sách, biện pháp quản lí thống nhất và chặt chẽ tổ chức, hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở. Có như vậy mới thúc đẩy hoạt động của các đơn vị cơ sở phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

Sự phụ thuộc hai chiều của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương: Sự phụ thuộc này thể hiện cả ở hai mặt tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và được pháp luật quy định cụ thể. Ở địa phương, cơ quan hành chính phụ thuộc vào cơ quan quyền lực cùng cấp đồng thời phụ thuộc vào cơ quan hành chính ở cấp trên trực tiếp. Theo luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ( sửa đổi) thì ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và phải được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; kết quả bầu các thành viên của ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và ủy ban nhân dân có trách nhiệm và báo cáo công tác trước hội đồng nhân dân cùng cấp và ủy ban nhân dân cấp trên. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với hội đồng nhân dân tỉnh và Chính phủ. Mối quan hệ như trên tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy dân chủ, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, giúp cấp trên có thể tập trung quyền lực nhà nước để chỉ đạo hoạt động của cấp dưới một cách thống nhất. Nguyên tắc này đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích chung của cả nước với lợi ích địa phương, giữa lợi ích ngành với lợi ích vùng lãnh thổ.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam,  Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008;
2. Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005 ;
3. Luật tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân năm 2003.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment