16/10/2014
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính - Luật Hành Chính
          Trước khi đi vào nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ta cần hiểu khái niệm vi phạm hành chính (VPHC): “Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lí Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.” So với tội phạm thì VPHC có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn. 

          Tuy nhiên chính vì vậy nên ta dễ có thái độ xem thường và bất cứ ai xem thường nghĩa vụ pháp lí bắt buộc đều có thể là chủ thể thực hiện vi phạm hành chính. Do đó, vi phạm hành chính xảy ra hàng ngày, hàng giờ trong tất cả các lĩnh vực thuộc các ngành, các cơ quan khác nhau quản lí. Có VPHC ắt phải có cơ quan đứng ra xử phạt, và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lí vi phạm hành chính được nhanh chóng, kịp thời pháp luật hiện hành đã quy định rất nhiều chủ thể có thẩm quyền xử lí vi phạm hành chính (quy định tại điều 42 “nguyên tắc xác định thẩm quyền xử li vi phạm hành chính” Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002). Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên ba tiêu chí: thẩm quyền quản lí, mức tối đa của khung phạt tiền và hình thức xử phạt.

           * Xác định thẩm quyền xử phạt theo thẩm quyền quản lí: Pháp luật quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dựa theo thẩm quyền quản lí nhằm tạo điều kiện để việc xử lí vi phạm hành chính có thể tiến hành nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, không phải bất kì chủ thể nào cũng có thẩm quyền quản lí cũng đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ có các chủ thể được quy định tại Điều 28 đến Điều 40 của Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 mới có thẩm quyền xử phạt VPHC. Theo thẩm quyền quản lí thì “chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính trong các lĩnh vực quản lí nhà nước ở địa phương. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 31 đến Điều 40 của pháp lệnh này có thẩm quyền xử lí vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực, ngành mình quản lí.” Việc quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể dẫn đến trường hợp trong một vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều chủ thể. Trường hợp này thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được pháp luật xác định thuộc về người thụ lí đầu tiên.( theo khoản 3 điều 3 PLXLVPHC năm 2002 “ Một vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”) tránh trường hợp nhiều người cùng xử phạt một vi phạm hành chính. 

          + Ví dụ: Thẩm quyền xử lí VPHC của Hải quan thuộc về: đội trưởng đội nghiệp vụ thuộc chi cục hải quan, Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan), Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan

          * Xác định thẩm quyền xử phạt theo mức tối đa của khung phạt tiền. Việc xác định thẩm quyền xử phạt theo mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng vi phạm cụ thể nhằm phân định thẩm quyền xử phạt giữa những người có thẩm quyền xử phạt trong cùng một lĩnh vực, một ngành quản lí. Mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng hành vi là một trong những tiêu chí làm căn cứ để xác định thẩm quyền xử phạt, bởi lẽ phạt tiền là biện pháp xử phạt hành chính được áp dụng đối với hầu hết các VPHC trong tất cả các lĩnh vực trong QLHC Nhà nước. Hơn nữa tất cả các chủ thể có thẩm quyền đều có quyền áp dụng hình thức phạt tiền chỉ khác nhau ở mức phạt. Trong việc xử phạt hành chính, mức phạt tiền thể hiện sự đánh giá của Nhà nước đối với tính chất, mức độ nguy hiểm của hanh vi, qua đó thể hiện sự nghiêm khắc và tính giáo dục ý thức pháp luật đối với người vi phạm và đối với xã hội nói chung. K2 Điều 42 PLXLVPHC 2002 quy định: “Thẩm quyền xử phạt của những người từ Điều 28 đến Điều 40 pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể” quy định này ta có thể hiểu: thẩm quyền xử phạt xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể chứ không phải căn cứ vào mức phạt tiền thực tế đã áp dụng với người vi phạm. Và người có thẩm quyền xử phạt chỉ được coi là đã áp dụng hình thức phạt tiền đúng thẩm quyền khi các quyết đinh phạt tiền đó áp dụng với đối với những người đã thực hiện hành vi vi phạm có mức tối đa của khung tiền phạt do pháp luật quy định không vượt quá thẩm quyền của người đó được áp dụng đối với một hành vi vi phạm.

          + Ví dụ: chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ chỉ có thể phạt cao nhất là 100.000 đồng (K1 Điều 31 PLXLVPHC 2002).

          * Xác định thẩm quyền xử phạt theo hình thức xử phạt: Mỗi VPHC đều được quy định đồng thời với các hình thức xử phạt tương ứng. Chủ thể có thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính phải là chủ thể có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt đã được quy định cho hành vi đó. Hình thức xử phạt là một trong những tiêu chí xác định thẩm quyền xử phạt được thể hiện rõ nét đối với các trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính. K3 Điều 42 quy định: “Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây”: a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt; c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.” Việc quy định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này phụ thuộc vào hình thức, mức phạt đối với từng hành vi chứ không phụ thuộc vào số tiền đối với hành vi vi phạm đó. Nếu một trong các hành vi có hình thức, mức phạt được quy định vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

          + Ví dụ: A bị xử phạt hành chính vì 2 lỗi đã gây cho anh B( ở xã C) và chị H (ở xã G). Vậy lúc này thẩm quyền xử phạt sẽ không thuộc về chủ tịch ủy ban nhân dân xã C hay xã G, mà thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân huyện nơi có 2 xã C và G. nếu 2 xã C và G thuộc hai huyện khác nhau thì thẩm quyền xử phạt lúc này lại thuộc về chủ tịch tỉnh nơi có 2 huyện trên.

No comments:

Post a Comment