17/06/2014
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính - Bài tập cá nhân Luật Hành chính
Trong đời sống xã hội hiện nay, vi phạm hành chính là một loại vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến và có xu thế ngày càng tăng lên. Tuy mức độ nguy hiểm thấp hơn so với tội phạm nhưng nó cũng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tập thể, lợi ích chính đáng của cá nhân cũng như lợi ích chung của cả cộng đồng được pháp luật bảo vệ, và đó là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội nảy sinh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nếu như không được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Vì thế mà từ trước đến nay, nhà nước ta đã ban hành khá nhiều văn bản pháp luật quy định về vi phạm hành chính và hướng dẫn cách xử lý các vi phạm hành chính đó.

Xử phạt hành chính là một biện pháp hiệu quả góp phần khá quan trọng vào việc xử lý các vi phạm hành chính. Để cho việc xử phạt được khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm và đúng pháp luật thì việc xử phạt hành chính đối với bất kì một vi phạm nào xảy ra cũng cần phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc có tính bắt buộc do pháp luật quy định mà cụ thể đó là các nguyên tắc đã được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, Pháp lệnh số: 31/2007/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 08/3/2007 và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 ban hành ngày 02/4/2008 về việc sửa đổi một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thì việc xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc :

1. Việc xử lý các vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật.

Trong việc xử lý các vi phạm hành chính đây là một nguyên tắc pháp chế, theo đó thì chỉ có những chủ thể được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ngoài các chủ thể này thì không một người nào có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và việc xử lý phải dựa trên các quy định của pháp luật. Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là những người được pháp luật trao quyền, thay mặt nhà nước xử phạt các chủ thể có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật hành chính, do vậy khi tiến hành xử phạt thì các chủ thể có thẩm quyền không được tùy tiện mà nhất thiết phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật.

Các Nghị định của Chính phủ khi quy định về xử phạt các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cũng không được quy định thêm các chủ thể mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Nghị định 128/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính  không quy định khác so với các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 ( sửa đổi năm 2008).

Các văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành để tổ chức thực hiện pháp lệnh và các Nghị quyết của Chính phủ cũng tuyệt đối không được thêm các chủ thể mới có thẩm quyền xử phạt hay việc ủy quyền xử phạt,…

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt khi có hành vi khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Trong pháp luật hành chính cũng như trong hệ thống pháp luật nói chung, một hành vi bị coi là vi phạm hành chính khi hành vi đó đã được pháp luật hành chính quy định, nếu pháp luật chưa quy định thì không có vi phạm hành chính xảy ra và đương nhiên không thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi đó được.

Đây chính là một tư tưởng quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là một đảm bảo quan trọng cho việc thực hiện quyền con người đối với mỗi cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ rằng hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn chỉnh, vẫn còn quá nhiều kẽ hở, nhiều chủ thể lợi dụng điều đó để trục lợi cá nhân hoặc trốn tránh bị xử lý. Ví dụ: Hiện nay, nhiều tuyến đường cho phép xe ô tô được dừng, đậu và thu phí nhưng chưa nói rõ thời gian, mục đích đậu… dẫn tới tình trạng các điểm dừng, đậu xe có thu phí thành nơi “để xe” suốt ngày đêm hoặc biến thành điểm “xe dù”, “bến cóc” trá hình. Trong khi đó Nghị định 34/2010/NĐ-CP Xử phạt vi phạm giao thông, không quy định rõ thời gian đậu xe nên CSGT hoặc Thanh tra GTVT không có căn cứ để xử lý.

3. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ. Việc xử lý phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải dước khắc phục theo đúng pháp luật.

Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực chủ động trong việc thanh tra, kiểm tra và thực thi công vụ để kịp thời phát hiện các vi phạm hành chính và một khi đã phát hiện thì phải tiến hành xử lý một cách nhanh chóng, công minh và triệt để. Hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục vì lợi ích của cộng đồng nhằm đảm bảo lập lại trật tự pháp luật, góp phần thiết lập kỉ cương, ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

Đối với việc xử phạt, việc phát hiện kịp thời sẽ góp phần nhanh chóng vào việc xử lý, giải quyết các vi phạm, tạo lòng tin cho nhân dân. Đồng thời việc phát hiện sớm các vi phạm hành chính còn có ý nghĩa rất trọng đó là việc góp phần vào việc thiết lập và duy trì trật tự quản lý nhà nước, có tác dụng tích cực trong phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, giáo dục người dân trong xã hội có ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện các quy tắc của đời sống cộng đồng.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

Một hành vi vi phạm đã bị một người có thẩm quyền lập biên bản xử phạt hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với cùng một hành vi đó nữa. Khái niệm xử phạt lần thứ hai và khái niệm xử phạt khi tái phạm tuy có nhiều điểm giống nhau, nhưng đó không cùng loại. Tái phạm là một hành vi vi phạm khác có tính chất cùng loại với hành vi vi phạm mà chủ thể đã từng bị xử lý, trong khi đó thì khái niệm kia chỉ có 1 hành vi vi phạm tồn tại.

Một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt thì không đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với người thực hiện hành vi vi phạm này. Một hành vi vi phạm hành chính đã bị ra quyết định xử phạt, nếu sau này phát hiện hành vi đó có các dấu hiệu của tội phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hủy quyết định xử phạt hành chính trước đây, rồi mới chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm, thì người đó sẽ bị xử phạt về từng hành vi, sau đó tổng hợp lại thành hình phạt chung.

Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi người đều bị xử phạt. Vì vi phạm hành chính đó tổng hợp của tất cả các hành vi vi phạm của mỗi người.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm để quyết định hình thức, biện pháp xử phạt thích hợp.

Trước khi ra quyết định xử phạt, chủ thể có thẩm quyển xử phạt cần phải phân tích, làm rõ mức độ cũng như tính chất, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Nếu vi phạm do nhiều người gây ra thì phải đánh giá chính xác mức độ lỗi của mỗi người tham gia thực hiện vi phạm hành chính đó để từ đó có thể ra các biện pháp xử phạt hợp lý cho từng người. Và tất cả các tình tiết đó đều phải được ghi trong biên bản xử phạt.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng kiểm điều khiển hành vi của mình.

Trường hợp nếu có vi phạm hành chính xảy ra thuộc một trong các trường hợp trên thì người thực hiện hành vi vi phạm tuy về mặt khách quan thì họ chính là người gây ra thiệt hạ, có hành vi vi phạm, nhưng theo quy định của pháp luật thì họ không bị xử lý hành chính và không bị áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính.

- Tình thế cấp thiết là tình thế của một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác đã phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn. Ví dụ: A lái xe mô tô đang lưu thông trên đường một chiều thấy phía trước có người bị tai nạn với thương tích nặng, A quay đầu xe trở người bị thương đi ngược chiều quy đinh của tuyến tường đó đến bệnh viện gần nhất để đảm bảo cứu sống người bị tai nạn.

- Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hay của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Ví dụ: Hành vi chống trả và gây thiệt hại cho sức khỏe của người đang có hành vi tấn công mình hay tấn công người khác thì hành vi này không bị coi là vi phạm hành chính và không bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên thì cần chú ý một điều đó là hành vi chống trả lại phải nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu vượt quá phạm vi phòng vệ chính đáng thì người này có thể vẫn bị xử lý về vi phạm hành chính.

- Hành vi gây thiệt hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ thì pháp luật quy định cũng không bị xử phạt hành chính. Sự kiện bất ngờ ở đây là trường hợp chủ thể có hành vi vi phạm không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra của hành vi đó. Cần lưu ý rằng hành vi làm người khác bị thương do sự kiện bất ngờ không phải là vi phạm hành chính.

- Vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cũng không bị xử phạt hành chính.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật hành chính Việt Nam – Trường đại học Luật HN, 2011.
2. Bình luận khoa học pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 – Viện khoa học pháp lý Bộ tư pháp, Nxb Tư pháp, Hà Nội năm 2005.
3. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
4. Pháp lệnh số: 31/2007/PL-UBTVQH11 về việc sửa đổi một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 ban hành ngày 08/3/2007.
5. Pháp lệnh số: 04/2008/PL-UBTVQH12  về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, ban hành ngày 02/4/2008.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment