15/08/2014
Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay - Bài tập lớn Luật Hành chính
Quản lí nhà nước trong lĩnh vực hành pháp là quản lí hành chính nhà nước, là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước. Cũng giống như bất kì hoạt động có mục đích nào, quản lí hành chính nhà nước được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây chính là tư tưởng chủ đạo rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động giúp cho các chủ thể quản lí hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước là nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước. Nhận thức được tầm quan trọng đó, em xin lựa chọn đề tài: “Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay” cho bài tập lớn của mình. Trong quá trình làm bài, em vẫn còn nhiều sai sót, kính mong các thầy cô giáo góp ý để bài làm của em được hoàn thiện hơn.

NỘI DUNG

I/ Nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lý HCNN

1, Cơ sở lí luận

Các nguyên tắc trong quản lí HCNN thường được phân chia thành hai nhóm: các nguyên tắc chính trị - xã hội và các nguyên tắc tổ chức kĩ thuật. Nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lí HCNN thuộc nhóm nguyên tắc chính trị xã hội.

Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được nhà nước XHCN ghi nhận và đảm bảo thực hiện. NN XHCN do chính NDLĐ tổ chức để thực hiện quyền lực của mình. Nó là một tổ chức được lập ra nhằm phát huy tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác các công việc của NN và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính họ.

Ghi nhận nội dung này, Điều 2 HP năm 2013 đã nêu rõ:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

Để NDLĐ thực sự giữ vai trò là người làm chủ đất nước, việc tạo điều kiện để NDLĐ tham gia vào quản lí HCNN phải được ghi nhận và đảm bảo thực hiện như là một nguyên tắc cơ bản của quản lí HCNN. Điều 3 HP năm 2013 đã khẳng định: “ Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Quyền được tham gia vào quản lí các công việc của NN và xã hội là quyền cơ bản của công dân được HP ghi nhận và trên thực tế nó đã được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt những hoạt động cụ thể.

Nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào hoạt động quản lí HCNN khẳng định vai trò quan trọng của NDLĐ trong quản lí HCNN, đúng như nguyên lí khoa học “nhân dân là gốc của quyền lực nhà nước” mà chủ nghĩa Mác – Lenin đã chỉ ra và thực tiễn lịch sử đó chứng minh. Mặt khác nó cũng xác định những nhiệm vụ mà NN phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để NDLĐ tham gia vào quản lí HCNN.

2, Các văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề khuyến khích NDLĐ tham gia quản lí HCNN

- Chỉ thị số 30/ CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ chính trị Trung ương Đảng về xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở.
- Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng hương ước, quy ước của làng bản, thôn ấp, cụm dân cư.
- Chỉ thị 38/1998.CT-TTg ngày 11/11/1998 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai quy chế hoạt động dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
- Nghị quyết 45/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20/2/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
- Nghị định 74/198/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/09/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan
- Nghị định 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.
- Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của chính phủ ngày 11/5/1998 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã.
- Nghị định 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã thay thế nghị định 29 nói trên.
- Thông tư 03/1998/TT-TCCP của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn áp dụng quy chế thực hiện dân chủ ở xã đối với phường, thị trấn.

3, Các hình thức tham gia vào quản lí HCNN của NDLĐ.

Trong quản lí HCNN, nguyên tắc này thể hiện ở những hình thức tham gia vào hoạt động quản lí HCNN của NDLĐ. Đây là những hình thức được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện bằng các phương tiện NN.

a, Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy NN là công cụ để thực hiện quyền lực NN. Vì vậy, tham gia vào hoạt động của các cơ quan NN là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả của người lao động vào hoạt động quản lí HCNN. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan NN để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lí HCNN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, người lao động có thể tham gia vào cơ quan quyền lực NN với tư cách là thành viên của các cơ quan này – những đại biểu được lựa chọn thông qua con đường bầu cử. Ở cương vị này, người lao động trực tiếp xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (Quốc hội), của từng địa phương( Hội đồng nhân dân các cấp), trong đó có các vấn đề về quản lí HCNN.

Bên cạnh đó, NDLĐ có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan NN khác ( cơ quan HCNN, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát với tư cách là những CB, CC. Là CB, CC của NN, NDLĐ sẽ sử dụng một cách trực tiếp quyền lực NN để tiến hành những công việc khác nhau của quản lí HCNN, thể hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Họ sẽ có đầy đủ các điều kiện để biến ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Ngoài ra, những người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan NN thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực NN ở trung ương hay địa phương. Đây là cách thức rộng rãi nhất để NDLĐ có thể tham gia vào quản lí các công việc của NN.

b, Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

NN tạo mọi điều kiện thuận lợi để NDLĐ có thể tham gia một cách tích cực vào hoạt động  của các tổ chức xã hội. NN ban hành nhiều quy định liên quan tới vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quản lí HCNN nói riêng và trong quản lí NN nói chung. Điều 9 HP năm 2013quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Bên cạnh đó, NN cũng giúp đỡ về vật chất và tinh thần để cho các tổ chức xã hội thực sự trở thành công cụ đắc lực của NDLĐ trong việc thực hiện quyền tham gia quản lí NN của mình. Thông qua các hình thức hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của NDLĐ được phát huy trong quản lí HCNN. Trên thực tế các tổ chức xã hội đã thu hút một lượng đông đảo quần chúng NDLĐ tham gia vào quản lí HCNN. Vì vậy đây là một hình thức hoạt động có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy và mở rộng nền dân chủ XHCN ở nước ta.

c, Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, NDLĐ thường xuyên thực hiện các hoạt động mang tính chất tự quản. Đây là những hoạt động do chính NDLĐ tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các công việc khác nhau của quản lí NN, quản lí xã hội. Các hoạt động tự quản ở cơ sở như bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng... đều rất gấn gũi và thiết thực đối với cuộc sống của mỗi người dân. Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà người dân lao động là những chủ thể tham gia tích cực, quyền tham gia quản lí NN, quản lí xã hội của người dân mà pháp luật đã quy định thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. NN đã tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò chủ động, tích cực của NDLĐ trong việc tham gia những hoạt động có tính chất tự quản nêu trên.

d, Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý HCNN

Điều 28 HP năm 2013 đã quy định công dân có quyền:

“1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.”

Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lí HCNN. Những quyền và nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan NN, tổ chức xã hội hoặc cũng có thể được chính người dân trực tiếp thực hiện. Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và được đảm bảo thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy, đây cũng là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để NDLĐ phát huy vai trò làm chủ của mình.

II/ Đánh giá việc vận dụng nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lý HCNN ở nước ta hiện nay
Xuất phát trực tiếp từ bản chất NN xã hội chủ nghĩa đòi hỏi NN phải liên hệ chặt chẽ với NDLĐ; đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực nhất của đông đảo quần chúng vào tất cả các quá trình quản lý NN. Do đó, chỉ khi nào người dân thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động quản lý của NN thì việc xây dựng và hoàn thiện NN pháp quyền mới thực sự thành công. Trong giai đoạn hiện nay, việc nhân dân tham gia quản lý hành chính nhà nước có một số điểm thuận lợi và khó khăn như sau:

1, Những điều kiện thuận lợi trong việc vận dụng nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lýHCNN ở nước ta hiện nay

NN đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quy định khá cụ thể các hình thức, phương thức tham gia của nhân dân trong việc quản lý, xây dựng các chính sách, pháp luật  như HP, Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Khiếu nại, tố cáo; các luật về các tổ   chức chính trị - xã hội như Luật Công đoàn, Luật Thanh niên...

Trong việc tham gia vào hoạt động của cơ quan NN: Những công dân có đẩy đủ phẩm chất, đạo đức tốt, năng lực tốt được trực tiếp tham gia vào quản lí NN với tư cách là CB,CC. Hoặc có thể tham gia vào hoạt động của cơ quan NN thông qua việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực NN ở trung ương cũng như ở địa phương.

Trong việc tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội: các tổ chức xã hội rất đa dạng về hình thức và tên gọi như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội nhà văn... đã thu hút một số lượng lớn người dân tham gia. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thu hút gần 11 triệu hội viên. Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho người dân, trước hết là các thành viên trong đó đồng thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Trong việc tham gia hoạt động tự quản ở cơ sở: có nhiều phong trào như phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...đã đạt kết quả tốt. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước cũng như các vụ án nghiêm trọng đã được kịp thời phát hiện và xử lí từ nguồn tin được quần chúng cấp báo

Trong việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quán lí HCNN: hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp của nhân dân đối với bộ máy NN có những chuyển biến tích cực, đã có nhiều hình thức hợp lí và đạt được những kết quả nhất định; người dân đã mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật cũng như đạo đức của những CB, CC trong bộ máy NN. Ngoài ra, nhân dân cũng đã mạnh dạn đề xuất các kiến nghị, các giải pháp góp phần đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy HCNN. Khi NN tổ chức trưng cầu ý dân, người dân nhiệt tình tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng đất nước.

2,  Một số khó khăn, hạn chế của việc vận dụng nguyên tắc NDLĐ tham gia vào quản lý HCNN trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi được nêu ở trên, việc vận dụng nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lý HCNN vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Trước hết, sự tham gia của nhân dân vào việc quản lý NN phụ thuộc rất nhiều vào phương thức lựa chọn người đại diện và vào phương thức hoạt động của các cơ quan đó. Theo quy định hiện hành, mối quan hệ giữa người đại diện với nhân dân vẫn còn khoảng cách khá xa và lỏng lẻo. Những người được bầu vẫn đại diện cho nhân dân một cách chung chung, mà không phải là cho những cộng đồng lợi ích cụ thể, nên chưa có sự gắn bó giữa người được bầu với cử tri. Nó thể hiện ở chỗ người được bầu không cần đi vận động, không cần hứa hẹn với cử tri vẫn được bầu và khi đã trúng họ không rõ những nguyện vọng mà người bầu ra họ là những gì. Cách tiếp xúc hiện nay chủ yếu thực hiện theo phương thức "đại cử tri", nghĩa là tiếp xúc với các đại biểu của cử tri, nên người có ý kiến thật thì không được gặp, người đi đại diện thì có nhiều lý do để có thể không nói ra.

Bản thân người dân, do trình độ nhận thức, nhất là trình độ pháp lý, cũng chưa thấy hết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc tham gia quản lý nhà nước, chưa làm hết sức mình khi tham gia quản lý nhà nước ở hình thức này. Nó thể hiện ở sự bỏ phiếu lấy lệ, cho xong của nhiều người trong các lần bầu cử.

Những ý kiến nguyện vọng của nhân dân chủ yếu thực hiện thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều lý do, các tổ chức này tổ chức và hoạt động như những cơ quan nhà nước, xơ cứng, hành chính hóa cả về tổ chức và phương thức hoạt động, nên chức năng đại diện cho dân trước cơ quan nhà nước bị hạn chế

Theo HP quy định, nhân dân có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước thông qua trưng cầu dân ý và trực tiếp quyết định nhiều vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở. Tuy nhiên, đến nay vấn đề trưng cầu dân ý vẫn chưa được triển khai thực hiện. Nhiều địa phương, cán bộ chính quyền cơ sở tập trung vào hoạt động xây dựng các hương ước, quy ước của dân, bắt dân chịu nhiều quy định hơn là việc thực hiện công khai, xin ý kiến nhân dân về các việc làm của chính quyền.

Hệ thống văn bản pháp luật về sự tham gia trực tiếp của nhân dân và quản lí NN còn chưa hoàn thiện và đồng bộ, đặc biệt là các quy phạm pháp luật quy định về cách thức, trình tự, thủ tục để công dân thực hiện được các quyền và nghĩa vụ của mình.

III - Một số giải pháp nhằm tăng cường sự phát triển của nguyên tắc NDLĐ tham gia đông đảo vào quản lý HCNN

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia quá trình quản lý của NN. Cần sửa đổi cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sao cho người được bầu phải gắn bó với người dân, phản ánh ý chí nguyện vọng của người dân, không còn đại diện chung chung, hình thức. Họ phải chịu sự giám sát của nhân dân, gắn trách nhiệm, lợi ích với sự tín nhiệm của nhân dân, khi không hoàn thành được vai trò đại diện quyền lợi và nguyện vọng của cử tri bầu cho thì họ phải bị bãi miễn.

Đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan NN, mở rộng sự công khai, minh bạch, tạo cơ hội để người dân nắm được các công việc của NN để tham gia một cách chủ động, thiết thực, có hiệu quả. Mở rộng sự hình thành và tham gia của các hội, tổ chức phi chính phủ trong giải quyết nhu cầu của nhân dân và tích cực tham gia công tác quản lý nhà nước.

Có biện pháp giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, nhất là ý thức chính trị, tinh thần pháp luật của người dân, làm cho người dân tự giác và có ý thức hơn trong việc tham gia vào các công việc xã hội và hoạt động quản lý NN.

Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật. Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng việc sử dụng các báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập, phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của nhân dân.

KẾT LUẬN

Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước là nguyên tắc được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nó đã thể hiện sâu sắc bản chất và vai trò thiết yếu của dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện khiếu nại tố cáo mà còn có quyền tự mình tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Ðiều này thể hiện vai trò đặc biệt của nhân dân lao động trong quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện để nhân dân lao động được tham gia vào quản lý hành chính nhà nước.

No comments:

Post a Comment