21/08/2014
Các tội phạm về tham nhũng - Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN GÂY ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC ĐỂ TRỤC LỢI  

Điều 283.  Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi  

Định Nghĩa: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là tội phạm mới được quy định do yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng đặt ra, nên tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX ngày 10-5-1999 đã bổ sung và được quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985. 

Tội phạm này gần giống với tội nhận hối lộ nhưng vì người phạm tội không thoả mãn yếu tố chủ thể của tội nhận hối lộ, vì người phạm tội nhận tiền, tài sản  hoặc lợi ích vật chất khác của người khác nhưng họ không có trách nhiệm giải quyết yêu cầu của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà phải tác động với người có trách nhiệm trực tiếp yêu cầu cho người “đưa hối lộ”.

So với Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không có thay đổi lớn, vẫn cấu tạo thành 4 khoản, khung hình phạt ở mỗi khoản không thay đổi. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, nên Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 có một số sửa đổi, bổ sung. Trong đó, sửa đổi lớn nhất là giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người phạm tội nhận được quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội; bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này”. 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Như chúng tôi đã nêu ở trên, tội phạm này gần giống với tội nhận hối lộ, nên các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự như các dấu hiệu của tội nhận hối lộ, điểm khác nhau duy nhất của tội phạm này với tội nhận hối lộ là mối quan hệ giữa chức vụ, quyền hạn mà người phạm tội có với hành vi khách quan mà họ thực hiện. Dấu hiệu khác nhau cơ bản này sẽ được phân tích cụ thể. Tuy nhiên, để tiện theo dõi một cách có hệ thống, chúng tôi vẫn lần lượt phân tích từng dấu hiệu của tội phạm này.

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội, là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm này với các tội phạm khác do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng giống với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, còn người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chỉ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc không được phép làm.

Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, đối với chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ, thì người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi không có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người người đưa hối lộ hoặc đối với người khác. Ví dụ: Bùi Văn T là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã tác động với Vũ Xuân Đ là Vịên trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện K quyết định đình chỉ vụ án đối với Vũ Đức Q là cháu của Đ phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.   

Chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn mới gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được. Tuy nhiên, khẳng định này chỉ đúng đối với trường hợp vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi không có đồng phạm, còn trong vụ án có đồng phạm thì có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án có đồng phạm, thì nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Tương tự như đối với một số tội phạm khác, nếu người phạm tội chỉ nhận dưới 500.000 đồng thì phải là người trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thì mới cấu thành tội phạm. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. 

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án với vai trò giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức. 

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này theo khoản 1 của Điều 283 Bộ luật hình sự, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Vì vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cùng với tham ô hối lộ được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc nạn. 
Đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau:

 Có ý kiến cho rằng, đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đối tượng tác động của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi chính là người có chức vụ, quyền hạn bị người phạm tội thúc đẩy làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ. Quan điểm này có nhân tố hợp lý hơn, vì tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác chỉ là những thứ mà người phạm tội nhằm tới (mục đích) và để đạt được mục đích này, thì người phạm tội phải thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ. 

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm 

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, các dấu hiệu thuộc mặt khác quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi với các tội phạm khác.

a. Hành vi khách quan

Trước hết, cũng tương tự như tội nhận hối lộ, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi phải là người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, chỉ khác nhau ở chỗ: người nhận hối lộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc, còn người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thúc đẩy người khác làm hoặc không làm một việc.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thúc đẩy người khác là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc thúc đẩy người khác làm hoặc không làm một việc; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc thúc đẩy người khác. Thông thường, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn cao hơn chức vụ, quyền hạn của người bị tác động như: cấp trên đối với cấp dưới, nhưng cũng có trường hợp chức vụ, quyền hạn của người phạm tội chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn người bị tác động như: cùng cấp trưởng hoặc cùng cấp phó; cấp phó đối với cấp trưởng; cấp dưới đối với cấp trên; Cũng có trường hợp chức vụ, quyền hạn của người phạm tội hoàn toàn độc lập với chức vụ, quyền hạn của người bị tác động nhưng lại có mối quan hệ như: Cấp uỷ đảng đối với cán bộ các ngành ở một cơ quan, tổ chức nhất định.v.v... Nói chung, người phạm tội là người chức vụ, quyền hạn và người bị tác động (bị thúc đẩy) cũng là người có chức vụ, quyền hạn, còn mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị thúc đẩy không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định hành vi phạm tội của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy được người khác thì chức vụ, quyền hạn của người phạm tội phải gây được ảnh hưởng đối với người bị tác động.

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mối quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Nếu chỉ dùng ảnh hưởng trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, họ hàng, bạn bè... không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn thì không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Ví dụ: Đào Thị X là tình nhân của Trần Mai H là Tổng giám đốc. X đã lợi dụng mối quan hệ này nhận tiền của Đỗ Thuý N để tác động với Trần Mai H nhận N vào làm việc tại công ty. Hành vi của Đào Thị X không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi mà là hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự.

Thúc đẩy người khác là làm cho hoạt động của người bị thúc đẩy nhanh hơn theo ý muốn của người thúc đẩy. Tuy nhiên, thuật ngữ thúc đẩy với ý nghĩa là dấu hiệu của tội phạm này còn được hiểu như là một sự tác động người khác (người chức vụ, quyền hạn) để người này giải quyết theo yêu cầu của người tác động. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc nhà làm luật dùng thuật ngữ “thúc đẩy” chưa hàm chứa đầy đủ bản chất của hành vi phạm tội mà lẽ ra phải dùng thuật ngữ “tác động” mới chính xác hơn. 

Tác động là làm cho một đối tượng đó có những biến đổi nhất định, còn thúc đẩy là làm cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó, thường là hướng tốt35. Nếu người phạm tội thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn nhưng là để người có chức vụ, quyền hạn chỉ làm một việc theo đúng tiến độ, đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng người thúc đẩy vẫn trục lợi thì hành vi của người thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn vẫn vị coi là hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, và như vậy, hành vi thúc đẩy quy định trong cấu thành không còn đúng nghĩa của nó nữa, vì không làm cho hoạt động của người bị thúc đẩy nhanh hơn theo yêu cầu của người thúc đẩy.

Yếu tố trục lợi được nhà làm luật mô tả như là hành vi nhận hối lộ. “trực tiếp hoặc qua trung gian dã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào”. Do đó việc xác định dấu hiệu khách quan này cũng tương tự như đối với hành vi của người phạm tội nhận hối lộ. Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác rồi dùng một phần đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa tiền, tài sản hoặc lơi ích vật chất khác thì cần phân biệt:

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác rồi dùng một phần tiền và tài sản đó để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền, tài sản, thì tuỳ trường hợp, người nhận tiền bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ (về khoản tiền, tài sản mà họ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. 

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác nhưng không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền, nhưng lại hứa với người đưa tiền, tài sản là sẽ thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn thì hành vi của người nhận tiền là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không thuộc trường hợp phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Nếu người nhận tiền, tài sản của người khác và đưa hết số tiền hoặc tài sản đó cho người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời vẫn thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội nhận tiền bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội đưa hối hối lộ (với vai trò đồng phạm) hoặc tội làm môi giới hối lộ. Không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trong trường hợp này.
Một dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm này tuy không phải là hành vi khách quan của người phạm tội, đó là các đặc điểm và hành vi của người bị thúc đẩy.

Người bị thúc đẩy là người có chức vụ, quyền hạn và khi bị người khác thúc đẩy thì người này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của mình hoặc làm một việc không được phép làm. 

Nói chung, đặc điểm và hành vi của người bị thúc đẩy cũng tương tự như các dấu hiệu thuộc về chủ thể và hành vi khách quan của tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, chủ thể của tội nhận hối lộ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà không có hành vi làm một việc mà không được phép làm, cũng như không bao gồm người có liên quan trực tiếp đến công việc của họ. 
Người bị thúc đẩy có thể là người phạm tội nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền cấu thành tội phạm, nhưng cũng có thể không phạm tội nếu hành vi của họ không trái với công vụ và họ không biết được mục đích của người thúc đẩy. 

Dù người bị thúc đẩy có phải là người phạm tội hay không thì khi xem xét hành vi của họ trong mối quan hệ với hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi cũng cần phải xác định chức vụ, quyền hạn và hành vi của họ khi bị thúc đẩy. 

b. Hậu quả

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. 

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, nhà làm luật cũng quy định giá trị tài sản mà người phạm tội đã nhận hoặc sẽ nhận làm ranh giới phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm, nhưng không vì thế mà cho rằng, giá trị tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và nếu chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị như trên hoặc đã nhận được nhưng giá trị dưới mức quy định của điều luật thì chưa cấu thành tội phạm.

Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, nhà làm luật cũng quy định tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chát khác có mà người phạm tội nhận phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu dưới 500.000 đồng thì phải có thêm những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội đã nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng có kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có giá trị 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa nhận được thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu người phạm tội mới có ý định nhận 500.000 đồng hoặc dưới 500.000 đồng và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa, nhưng chưa nhận được, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị dưới 500.000 đồng ngoài những điều kiện: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm đã nêu ở phần các dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội thì còn phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

 - Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.36 

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được tiền, tài sản hoặc lợ ích vật chất khác. 

Động cơ trục lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu người phạm tội không có động cơ trục lợi thì dù có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này. Trục lợi ở đây chỉ bao gồm những lợi ích vật chất như: tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà không bao gồm lợi ích phi vật chất như: về tình cảm, về tinh thần hay các lợi ích phi vật chất. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác cũng có dấu hiệu trục lợi nhưng là lợi ích phi vật chất. Ví dụ: Vũ Khắc X là vụ trưởng vụ hành chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thúc đẩy Trần Văn T vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ để T đề bạt Vũ Thị C là nhân viên của X lên chức Phó phòng nghiệp vụ. Để trả ơn X, thị C đã cho X quan hệ tình dục.

Điều luật quy định đã nhận hoặc sẽ nhận, nhưng không vì thế mà cho rằng, ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người phạm tội có sau khi thực hiện hành vi phạm tội, cho dù người phạm tội sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác sau khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì người phạm tội vẫn có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trước khi thực hiện hành vi phạm tội. 

Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội không có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì dù họ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm thì cũng không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi  không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. 

So với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn và nếu so sánh giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 với Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức cao nhất và mức thấp nhất của khung hình phạt như nhau.

 Nhưng căn cứ vào các dấu hiệu quy định tại khoản 1 của Điều 283 thì khoản 1 Điều 283 có lợi cho người phạm tội hơn khoản 1 Điều 228a, vì khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết “vi phạm nhiều lần” là yếu tố định tội và tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm ” quy định tại khoản 1 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nay khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999  quy định lại là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” cũng là quy định có lợi cho người phạm tội. Do đó, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 để xác định hành vi phạm tội, nhưng khi quyết định hình phạt thì vẫn phải áp dụng khoản 1 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là sáu năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 283 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm, người dưới 16 khó có thể trở thành chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, nhưng về lý thuyết thì vẫn có thể xảy ra bởi vì người dưới 16 tuổi vẫn có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, trong trường hợp người này giữ một chức vụ nhất định như: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư đoàn trường... 

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù), nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giám nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến sáu năm tù.

2. Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự 

a.Có tổ chức.

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Nhưng không phải vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp, có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức có những đặc điểm riêng như:

Người thực hành trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Người thực hành có thể là người trực tiếp nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhưng cũng có thể không trực tiếp nhận mà giao cho người khác nhận.

b. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi trở lên và mỗi lần lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần. 

c. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Nếu tài sản không phải là tiền, thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận hoặc đã hứa nhận, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc. 

Trường hợp người phạm tội chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, vì điều luật quy định: “ đã nhận hoặc sẽ nhận”, nên chỉ cần có thoả thuận là sẽ nhận là tội phạm đã hoàn thành. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì được coi là phạm tội chưa đạt, nhưng đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thì dù chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì vẫn coi là tội phạm đã hoàn thành.

d. Gây hậu quả nghiêm trọng khác 

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật và các tội phạm khác có quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng khác nếu do hành vi nhận hối lộ mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 2 Điều 228a. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 283 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 2 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985;

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới sáu năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì, khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 283 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười lăm năm tù.

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự 

a. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, nếu tài sản không phải là tiền, thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm nhận tài sản đó hoặc đã hứa nhận tài sản đó; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận tài sản  có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả rất nghiêm trọng khác. 

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với một số tội phạm khác, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 3 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 3 Điều 228a. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 283 có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì vẫn áp dụng khoản 3 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 2 điều luật mà không áp dụng khoản 3 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này” khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười ba năm tù) nhưng không được dưới sáu năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 3 là khoản 2 Điều 283 Bộ luật hình sự ).

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới hai mươi năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, Toà án cần căn cứ vào nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản 41

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự 

a. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác giá có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ ba trăm triệu đồng trở lên.
Cũng như đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm người phạm tội nhận hoặc đã hứa nhận; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ nhận tiền, tài sản oặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa nhận được, thì cũng không vì thế mà cho rằng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 của điều luật chỉ khác ở chỗ: Hậu quả do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi gây ra:

-Làm chết ba người trở lên;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

-Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

-Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

-Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

-Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.42

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

So với khoản 4 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, nhưng căn cứ vào các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt thì khoản 4 Điều 283 quy định có lợi cho người phạm tội, vì khoản 4 Điều 283 không còn quy định tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” là yếu tố định khung hình phạt. Mặt khác, khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên”, còn khoản 4 Điều 228a quy định: “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên” Vì vậy, khi áp dụng khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999, cần chú ý:

- Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý mà giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ 50.000.000 đồng trở lên thì vẫn áp dụng khoản 4 Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng khi quyết định hình phạt thì phải căn cứ vào khung hình phạt tại khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 của điều luật thì cũng chỉ áp dụng khoản 3 điều luật mà không áp dụng khoản 4 của điều luật, vì tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 Điều này” khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định nữa.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 283 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 4 là khoản 3 Điều 283 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể áp dụng hình phạt tù chung thân.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Theo quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm 
đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị tài sản đã trục lợi.

So với quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì hình phạt bổ sung đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 có những điểm được sửa đổi, bổ sung như sau: 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ nhất định từ hai năm đến năm năm”, thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định nhất định từ một năm đến năm năm”. 

- Nếu căn cứ vào mức hình phạt thì khoản 5 Điều 283 nhẹ hơn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng căn cứ vào nguyên tắc áp dụng hình phạt này thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không có lợi cho người phạm tội vì việc áp dụng hình phạt cấm đảm chức vụ đối với người phạm tội  là bắt buộc “bị cấm”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định không bắt buộc Toà án phải áp dụng “có thể bị cấm”. 

Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định đối với người phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội. 

- Nếu Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, thì khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định: “có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị tài sản đã trục lợi”. 

Như vậy, việc áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội quy định tại khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn là bắt buộc nữa. Toà án có thể áp dụng và cũng có thể không áp dụng nếu thấy việc áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội là không cần thiết. Riêng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản khoản 5 Điều 283 không còn quy định. Do đó, Toà án không được áp dụng hình phạt tịch thu một phạm hoặc toàn bộ tài sản đối với người phạm tội   trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý. Nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền, thì được áp dụng khoản 5 Điều 283 Bộ luật hình sự năm 1999. 

No comments:

Post a Comment