TỘI GIẾT CON MỚI ĐẺ (ĐIỀU 94 )
Là trường hợp phạm tội của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề cảu tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết hoặc vứt bỏ đứa con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết. Đây là hợp phạm tội được tách ra từ khoản 4 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1985, vì nếu quy định trường hợp giết con mới đẻ cũng là tội giết người như tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự thì không thể hiện đầy đủ bản chất của tội phạm. Bởi vì khi tuyên án Toà án vẫn phải kết án người phạm tội về tội giết người, nhưng hình phạt lại chỉ có 2 năm tù là cao nhất, chưa kể về hậu quả pháp lý và xã hội đối với người phạm tội rất nặng nề. Việc nhà làm luật tách hành vi giết con mới đẻ thành một tội phạm riêng là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn xét xử và chuẩn hoá về mặt lập pháp.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Ngoài người mẹ của nạn nhân ra, không ai có thể là chủ thể của tội phạm này. Nhưng ngay cả là mẹ của nạn nhân cũng chỉ coi là chủ thể của tội này khi người mẹ vì ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà buộc phải giết hoặc vứt bỏ con do mình mới đẻ ra. Nếu vì lý do khác mà giết con mình vừa đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là ảnh hưởng của tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về cuộc sống, lối sống hiện tại. Hay nói một cách khác, nó không còn phù hợp với ý thức xã hội đương thời. Ví dụ: dưới chế độ cũ, một người phụ nữ không có chồng lại có con, bị dư luận lên án, bị phong tục tập quán cũng như luật lệ trừng phạt rất nặng. Nhưng dưới chế độ mới, pháp luật vẫn bảo vệ những trường hợp người phụ nữ có con ngoài giá thú và đứa trẻ đó sinh ra được Nhà nước bảo vệ như tất cả các trẻ em khác. Mặc dù đạo đức xã hội vẫn còn có người lên án phụ nữ hoang thai và cũng chính vì dư luận xã hội còn như vậy nên còn có người mẹ không vượt lên tư tưởng lạc hậu đó mà giết hoặc vứt bỏ con mình đẻ ra để trốn tránh trách nhiệm của người mẹ đối với con.
Thông thường, những đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ lúc mới đẻ là con ngoài giá thú. Tuy nhiên cũng có trường hợp do tập quán lạc hậu của một vài địa phương ở miền núi cho rằng đứa con đầu lòng không phải là con chung của vợ chồng nên sau khi đứa trẻ ra đời, người mẹ đã bóp chết con mình. Cá biệt, có những nơi do tư tưởng phân biệt con trai và con gái nên đã có trường hợp người mẹ đã đẻ đến lần thứ 7 vẫn là con gái nên sau khi đứa trẻ ra đời đã bóp chết.
Trường hợp đứa trẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ dẫn tới bị chết trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình như: bị mất sữa, bị ốm nặng hoặc trong hoàn cảnh khách quan khángười bị hại.
Pháp luật không quy định đứa trẻ sinh ra được bao nhiêu ngày thì gọi là mới đẻ. Thực tiễn xét xử ở nước ta coi đứa trẻ mới đẻ bị người mẹ giết hoặc vứt bỏ là đứa trẻ sau khi ra đời dài nhất là 7 ngày. Kể từ ngày thứ 8 trở đi, nếu người mẹ giết con mình thì không được coi là giết con mới đẻ nữa.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây do kinh tế xã hội phát triển, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận bản làng xa xôi hẻo lánh. Trình độ dân trí của nhân dân ta càng được nâng cao, các vụ giết trẻ sơ sinh hoặc vứt bỏ con mới đẻ đã hầu như không xảy ra.
Đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ, nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không bị chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.
B. ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI GIẾT CON MỚI ĐẺ
Ngươi mẹ phạm tội giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ bị chết, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Việc xử lý loại tội phạm này chủ yếu nhằm giáo dục để người mẹ thấy trách nhiệm của mình đối với đứa con do mình đẻ ra, chống lại tư tưởng lạc hậu, những tàn dư của chế độ cũ. Chỉ nên truy tố, xét xử những trường hợp cần thiết.
No comments:
Post a Comment